Đạo hiếu không đơn giản là việc thể hiện bằng lời nói hay hành động mà còn là kiến thức và tư duy, cách thức hành động đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ gia đình, xã hội.
Tác giả: Nguyễn Thuý Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024
Hiếu đạo trong đời sống đối với cha mẹ, người thân cần nhất là tấm lòng chân thành, không giả dối, không vụ lợi, không hình thức bên ngoài chỉ để nhận lời khen, không phải trong một chốc một lát, phải có tính chất đồng nhất, lâu dài bền bỉ.
Kinh Trường A Hàm viết: Con cái phải kính thuận cha mẹ với 5 điều:
(1) Phụng dưỡng cha mẹ, không để cha mẹ thiếu thốn;
(2) Hễ có việc gì, báo trước cho cha mẹ biết;
(3) Cha mẹ làm, kính cẩn nghe theo không được chống lại;
(4) Cha mẹ dạy dỗ, không nên làm trái;
(5) Không cản chính nghiệp cha mẹ làm.
Kinh Tâm địa quán: Phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ ngang bằng với việc cúng dường Phật.
Kinh Phân biệt nói rằng sở dĩ đức Phật thành Phật là bởi vì nghĩa là Cha mẹ đời đời giúp con học đạo, trải qua nhiều kiếp cần mẫn chăm chỉ tinh tấn, nay được thành Phật, đều là công ơn của cha mẹ.
Hiếu thảo, hiếu thuận với cha mẹ không chỉ là cung cấp thật nhiều vật chất, của cải, mà quan trọng nhất chính là tấm lòng, lời động viên an ủi mỗi khi cha mẹ không vui trong cuộc sống, sự quan tâm chăm sóc hỏi han mỗi khi cha mẹ bệnh, khích lệ mỗi khi cha mẹ gặp trắc trở, cũng giống như cái cách mà cha mẹ nuôi dưỡng bảo bọc ta ngày bé vậy.
Kinh Phụ mẫu trọng ân, ghi: Nếu cha, mẹ chưa có niềm tin hãy hướng dẫn khiến cha mẹ có niềm tin, không có giới pháp hãy truyền thụ cách thọ giới cho cha mẹ, nếu không được nghe chính pháp, hãy truyền thụ cho cha mẹ được nghe, nếu tham lam keo kiệt hãy hướng dẫn cha mẹ bố thí.
Kinh Bản sự và kinh Hiểu tử: Con cái có thể mở mang giáo hóa cha mẹ của mình, mới là cách báo ơn chân thực cho cha mẹ. Trong luật Ngũ phần, đức Phật từng căn dặn các Tỳ- kheo nên phải hết lòng cung cấp phụng dưỡng cha mẹ. Kinh Hiền ngu và kinh Thiểm tử, ghi: Đức Phật vì nhân ái hiếu thuận cho nên đã trở thành đấng tôn quý của ba cõi. Từ đây có thể thấy, bất kể là tại gia hay xuất gia, đều có thể phụng dưỡng cha mẹ, lại có thể dẫn dắt cha mẹ hướng về đường chính. Đấy chính là điều quan trọng không gì sánh bằng.
Nếu một người hiểu được đạo hiếu, kính yêu cha mẹ, thì người ấy cũng sẽ hiểu được đúng đắn về Giới - Định - Tuệ. Người ấy sẽ dùng các pháp lành giảng giải, ngăn chặn những hành vi xấu xa phát khởi từ thân tâm, không xâm phạm người khác, xa hơn còn biết tôn trọng muôn vật.
Phật giáo không chỉ coi trọng đạo hiếu, mà còn phát huy, làm rạng rỡ truyền thống về mặt ý nghĩa và tinh thần tích cực của đạo hiếu theo bốn trọng ân, đó là:
Ân quốc gia: Cha mẹ dưỡng sắc thân chúng ta, công chúng lo cho chúng ta sinh hoạt, ngoài ra chúng ta được quốc gia bảo hộ để an cư lạc nghiệp. Nếu như quốc gia suy vong, nhân dân không nơi nương tựa đành sống lang thang, lưu lạc, chúng ta cần ơn quốc gia. Vì thế, mỗi người tuỳ theo cương vị của mình cần tận tụy làm tròn bổn phận trách nhiệm để báo đáp ân đức phúc hộ của quốc gia.
Ân Tam bảo: Tam bảo là Phật bảo - Pháp bảo - Tăng bảo, là ánh quang minh tỏa sáng cho nhân gian. Pháp bảo là Tam tạng thánh điển, là chân lý tại thế gian, có năng lực dìu dắt chúng sinh ra khỏi biển sinh tử đến bến Niết bàn. Tăng bảo mãi mãi vì lợi ích hữu tình, mãi mãi an trú tâm, như thế gọi là ân đức Tăng bảo chẳng thể nghĩ bàn, chúng sinh muốn hướng thượng cần có ân Tam bảo.
Ân cha mẹ: Cha sinh thành mẹ dưỡng dục, giáo dục chúng ta khôn lớn, nếu không có ân đức của nhị vị đấng sinh thành thì không có chúng ta, nhất là mẹ hiền 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau thập tử nhất sinh, ba năm cho bú mớm, nuôi nấng thuốc thang trong khi bệnh tật ốm đau, khi con đại tiểu tiện mẹ nằm chỗ ướt nhường con chỗ khô ráo, hứng chịu nhiều gian khổ, ân cao hơn trời, tình sâu như biển. Kinh Đại phương tiện Phật báo ân viết: “Cha mẹ là phúc điền thù thắng nhất trong 3 cõi”.
Ân chúng sinh: Tất cả chúng sinh động vật đều đã là cha mẹ của nhau từ nhiều đời nhiều kiếp, thêm vào đó nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều do chúng sinh cung cấp đủ mọi thứ tiện nghi, nên có ân đức. Để tri ân báo ân đức cua tất cả chúng sinh trong nhiều đời quá khứ, cần tu tập theo hạnh nguyện của Bồ tát, bằng cách cứu giúp cho chúng sinh thoát ly lục đạo luân hồi khổ đau.
Việc thực hành Tứ ân giúp con người sống có ý thức, biết trân trọng và tôn trọng mọi người xung quanh, tạo dựng một môi trường sống hòa bình và tương thân tương ái. Đồng thời, Tứ ân cũng là nguồn động viên và sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống một cách bình tĩnh và tích cực.
Ý nghĩa của lễ Vu Lan trước hết là thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ và cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, đây còn là dịp tốt để giáo dục con cháu kính trọng ông bà, cha mẹ. Mở rộng hơn, đó còn là lòng hiếu kính, tri ân, báo ơn tới Tam bảo, tới đức Phật vì Ngài đã dùng cả cuộc đời để đi tìm chân lý giác ngộ giáo hoá chúng sinh hướng đến giải thoát mọi đau khổ trên cõi đơi này. Tinh thần đạo hiếu và lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra sự gắn kết, yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng. Nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tôn trọng và chăm sóc nhau, xây dựng một xã hội hài hòa và đầy lòng nhân ái. Kế thừa, bảo tồn truyền thống hiếu đạo là vô cùng quan trọng, giúp duy trì giá trị đạo đức, tinh thần của dân tộc, đồng thời tạo nên một xã hội văn minh, hòa thuận và phồn thịnh. Từ đó, lan toả tinh thần đạo hiếu, nhớ ơn, báo ân theo giáo lý đạo Phật. Thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống với phật pháp, Phật giáo luôn đồng hành cùng non sông đất nước song hành đạo là đời, đời là đạo, đó là chân lý hiếu Đạo tức là hiểu Đạo, hiểu Đạo là thực hành hiếu Đạo. Tác giả: Nguyễn Thuý Anh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, bài “ Tứ ân tổng báo” tác giả & dịch giả: Thích Vân Phong 2. Báo điện tử Giác ngộ, bài “Đạo hiếu trong Phật giáo”, trích Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb.Từ Thư Thượng Hải, tr.146-149
Bình luận (0)