Tích truyện Pháp cú – Phẩm 2 (Phần  9/9)

Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.

Tích truyện Pháp cú - Phẩm 2 (Phần 9/9)

Một Tỳ Kheo Chứng A-La-Hán

Vui thích không phóng dật ...

 Giáo lý này Thế Tôn nói trong khi ngụ ở Kỳ Viên liên quan đến một Tỳ-kheo.

Một Tỳ-kheo nhận đề tài thiền quán từ Thế Tôn xong lui vô rừng. Dù cố gắng hết sức mình ông vẫn không chứng được quả A-la-hán. Ông rời nơi an cư trở về chỗ Thế Tôn định xin đổi đề tài thiền quán khác. Trên đường đi ngang một khu rừng lớn đang cháy dữ dội, ông trèo lên đỉnh một ngọn núi trọc và ngồi xuống ngắm ngọn lửa bừng cháy đang thiêu đốt mọi vật lớn và nhỏ. Ông cũng muốn tất cả những chướng ngại lớn và nhỏ sẽ được ngọn lửa trí tuệ của Thánh đạo đốt cháy hết.

Ðức Phật ngồi trong hương thất thấy hết diễn biến tư tưởng của Tỳ-kheo liền phóng quang đến trước mặt Tỳ-kheo nói kệ:

 (31) Vui thích không phóng dật,

 Tỳ-kheo sợ phóng dật

 Bước tới như lửa bừng,

 Thiêu kiết sử lớn nhỏ.

Dứt câu kệ, vẫn ngồi tại chỗ, Tỳ-kheo thiêu đốt hết mọi trói buộc và chứng A-lahán cùng những thần thông Sau đó ông bay lên không đến gặp Thế Tôn, tán thán và ca ngợi kim thân Phật.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tissa Ở Phố Chợ

Vui thích không phóng dật ...

Giáo lý này Thế Tôn dạy khi ngụ tại Kỳ Viên liên quan đến Trưởng lão Tissa ở phố chợ, tức Nigamavàsì Tissa.

Một chàng trai có địa vị sinh sống tại phố thị không xa Xá-vệ, một hôm xuất gia thành Tỳ-kheo trong giáo đoàn của Phật. Nhờ làm tròn bổn phận ông thường được gọi là Tissa ở phố chợ. Ông nổi tiếng sống thanh đạm, trí túc, trong sạch và kiên quyết. Ông hay đi khất thực trong làng có thân quyến cư ngụ mà không bao giờ đến Xá-vệ ở gần bên, dù ông Cấp Cô Ðộc và những cư sĩ khác kể cả vua Ba-tư-nặc thường dâng cúng nhiều phẩm vật ngoại hạng.

Các Tỳ-kheo bàn tán về ông, cho rằng ông chỉ giao thiệp thân mật với quyến thuộc mà chớ hề đến Xá-vệ nơi được cúng dường dồi dào. Chuyện đến tai Phật, ông được gọi đến. Phật hỏi:

- Tỳ-kheo, có thật ông đã sống như người ta báo không?

Tissa đáp:

- Bạch Thế Tôn, không đúng sự thật khi nói con giao thiệp thân thiết với họ hàng.

Con chỉ nhận nơi họ thức ăn vừa đủ. Chỉ vì nhu cầu gìn giũ mạng sống, nên dù ngon dù dở, con thấy rằng không cần phải trở về tinh xá để tìm vật thực nữa. Con không giao thiệp thân mật với quyến thuộc, bạch Thế Tôn!

Phật biết được tâm ý của Tỳ-kheo liền khen:

- Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo! Không có gì lạ, là đệ tử của Ta tất nhiên ông phải biết sống thiểu dục. Thiểu dục là ý hướng và thói quen của Ta.

Chuyện quá khứ

A. Sakka Và Con Vẹt

Ngày xưa mấy ngàn con vẹt sống ở rừng cây sung xứ Hy-mã-lạp-sơn trên bờ sông Hằng. Khi những trái trên cây nơi con vẹt chúa đậu rụng hết, nó bèn ăn những gì tìm được dù chồi non, lá xanh hay cỏ cây, ống nước sông Hằng và rất hạnh phúc mãn nguyện ở lại nơi ấy.

Vẹt hạnh phúc và mãn nguyện đến nỗi cung trời của Ðế Thích (Sakka) rúng động. Ðế Thích tìm lý do, thấy là vì chim vẹt liền quyết định thử thách nó. Ông dùng thần lực giáng xuống cây sung làm cành lá đổ la liệt, chỉ còn gốc cây đầy lỗ hổng và vết nứt.

Khi tiếng ầm vang lên từ bên trong cây bụi tuôn mù mịt, và đó là nguồn thức ăn của chim vẹt cùng với nước sông Hằng, nó không đi đâu khác, nó vẫn đậu trên cây sung chẳng ngại gì nắng gió.

Ðế Thích thấy vẹt vẫn hạnh phúc và mãn nguyện, bèn biến thành ngỗng chúa có Thiện Sanh trong hình dáng nữ thần Asura dẫn đường đến rừng cây sung.

Ông đậu xuống một cây gần chỗ của vẹt và mở đầu câu chuyện bằng bài kệ:

 Có những cây lá xanh

 Những cây nặng trĩu trái

 Tại sao vẹt lại thích

Ở trên cây bị đốn ngã trơ trọi?

Kể đến đây đức Phật nói tiếp:

- Lúc ấy Ðế Thích là Ananda là vẹt chúa chính là Ta. Vì thế này các Tỳ-kheo, thiểu dục là ý hướng và thói quen của Ta.

Do đó không có gì lạ khi đệ tử của Ta là Nigamavàsì Tissa biết sống hạnh phúc và mãn nguyện không bị sa đọa, không những thế còn gần đến Niết-bàn.

Ðức Phật nói tiếp Pháp Cú sau:

 (32) Vui thích không phóng dật,

 Tỳ-kheo sợ phóng dật,

 Không thể bị thối đọa,

 Nhất định gần Niết-bàn.

*

Hết Phẩm 2

✿✿✿

Nguồn: “Tích Truyện Pháp Cú” được Thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản Anh ngữ “Buddhist Legends” của học giả Eugène Watson Burlingame.