Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Tóm tắt: Trong lịch sử dân tộc, Giao Chỉ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam; nó không những là vùng đất màu mỡ đầy tiềm năng về phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá, giáo dục..., mà còn là vùng đất thiên đường của các tôn giáo như: Nho giáo, Lão giáo, Ấn giáo…du nhập và phát triển.
Đặc biệt, là sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Hoa vào trung tâm Luy Lâu ở Giao Chỉ đã mở ra một chương mới cho sự phát triển của Phật giáo tại nước ta.
Trong đó, tư tưởng thiền học ngày càng tạo nên tính bước ngoặt trong phong trào học Phật giáo, một nhận thức mới về lối tiếp cận vượt ngoài hình thức, ngôn ngữ, văn tự, đó là thiền đốn ngộ.
Một trong những thiền phái tiêu biểu về lối thiền đốn ngộ, là Thiền phái Vô Ngôn Thông, lấy “tâm địa” làm nòng cốt trong tu tập thiền. Bài viết tập trung trình bày: phương Nam là điểm đến của Thiền sư Vô Ngôn Thông; tâm địa là tư tưởng nòng cốt của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Từ khoá: Tâm địa, Vô Ngôn Thông, tư tưởng nòng cốt, Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Trong lịch sử dân tộc, Giao chỉ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam; nó không những là vùng đất màu mỡ đầy tiềm năng về phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá, giáo dục..., mà còn là vùng đất thiên đường của các tôn giáo như: Nho giáo, Lão giáo, Ấn giáo…du nhập và phát triển.
Đặc biệt, là sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên. Các sư tăng từ Ấn Độ và Trung Hoa vào trung tâm Luy Lâu đã mở ra một chương mới cho sự phát triển của Phật giáo tại nước ta. Trung tâm Luy Lâu đã trở thành điểm hội tụ tinh hoa truyền bá giáo lý Phật giáo không khác gì so với Trung Quốc: “Giao Châu có đường thẳng thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới tới Giang Đông chưa đầy đủ thì thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới hai mươi ngôi bảo sát (chùa), độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi… Như vậy, là vì Phật giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Đông vậy. Hồi ấy có vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác…cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam Tổ, là một vị Bồ tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hoá đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc”.
Trong đó, tư tưởng Đại thừa giáo từng bước manh nha và phát triển hưng thịnh, tạo nên một diện mạo mới về Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam thời bấy giờ. Cùng với đó, là sự phát triển lớn mạnh của phong trào học thiền ngày càng trở nên sâu sắc tạo nên bước ngoặt học Phật sâu rộng của tín đồ Phật giáo về một lối tiếp cận mới vượt ngoài hình thức, lý luận, đó là thiền đốn ngộ. Một lối thiền vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự, lấy “tâm địa” làm nòng cốt cho sự thể nhập chân lý giác ngộ. Một trong số đó là tư tưởng “tâm địa” của Thiền sư Vô Ngôn Thông, sau này thành lập nên một dòng Thiền phái Vô Ngôn Thông nổi tiếng và hưng thịnh vào thời Lý.
1. Phương Nam là điểm đến của Thiền sư Vô Ngôn Thông
Việt Nam là vùng đất giàu tài nguyên, châu báu, vùng đất sản sinh những anh hùng hào kiệt của dân tộc Việt. Vua Hiến Đế nhà Hán đã từng hạ chiếu cho Sĩ Nhiếp, lời chiếu viết rằng: “Giao Châu là đất văn hiến, núi sông vun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất…”. Việt Nam có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là điểm giao tiếp giữa Trung Hoa và thế giới bên ngoài, có đường bộ và đường biển dài thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán, xuất khẩu hàng hoá sang các nước Ấn Độ, Trung Hoa và các nước khác trong khu vực. Do vậy, các cảng biển lúc bấy giờ tấp nập các thuyền buôn bán, trao đổi hàng hoá, hoạt động qua lại không ngớt, các thuyền buôn người Ấn vượt biển sang Việt Nam buôn bán, tạo nên bức tranh sinh động về giao thương hàng hoá ở đất Giao Châu.
Cùng với đó, các thương buôn mang theo sinh hoạt tôn giáo của họ đến Giao Chỉ, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng của Phật giáo. Đặc biệt, các tăng sĩ người Ấn đã theo các thương thuyền đến Giao Chỉ, sinh hoạt và truyền bá giáo lý nhà Phật. Theo các tác giả danh tiếng như Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát… cho rằng Phật giáo đến trung tâm Luy Lâu ở đất Giao Chỉ rất sớm và là một trong những trung tâm hội tụ tinh hoa Phật giáo lớn so sánh ngang hàng với trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành tại Trung Hoa. Nhận định của tác giả Nguyễn Lang cho rằng: “Tác phẩm Phật giáo đầu tiên viết bằng Hán tự, trong khi đó, lại được viết tại Giao Chỉ, đó là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, một người Trung Hoa trước theo Lão giáo, sau nhập tịch Giao Chỉ, theo học đạo Phật ở đây và trở nên một Phật tử rất thuần thành”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng Việt Nam không những là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, mà đó còn là vùng đất phát triển, hội tụ tinh hoa của Phật giáo từ chiếc nôi của Phật giáo Ấn Độ truyền sang và nó trở thành là căn cứ Phật giáo quan trọng, từ đó truyền bá Phật giáo đi khắp nơi trong khu vực lân cận. Các nhà học Phật, các Thiền sư nổi tiếng đã từng lưu dấu chân trên vùng đất Giao Châu, Giao Chỉ như: ngài Mâu Tử, ngài Khương Tăng Hội, ngài Đàm Ma Cù La đến từ Trung Ấn, ngài Chi Cương Lương, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền sư Đạt Ma Đề Bà, Thiền sư Huệ Thắng… để truyền bá giáo lý Phật giáo, tu tập thiền định, dịch kinh Phật, dạy học… kiến tạo nên bức tranh sinh động về sự phát triển Phật giáo Việt Nam ở những thế kỷ đầu.
Trong đó, Thiền sư Vô Ngôn Thông với tầm nhìn chiến lược, ông đã chọn phương Nam là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển Phật giáo; nó không những làm sống dậy tinh thần thiền học, mà còn mở ra một cách tiếp cận mới về lối thiền đốn ngộ, xác lập sự giác ngộ có thể thực hiện đột ngột mau chóng, vượt ra ngoài lập trường tiệm giáo cho rằng sự giác ngộ được thực hiện từ từ theo thứ lớp.
Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826) là người Quảng Châu, họ Trịnh, vốn thuở nhỏ là người mộ đạo, tài trí hơn người, không màng gia sản, đến thọ nghiệp xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu. Đương thời Sư đã từng cư trú ở nhiều chùa như chùa Hoà An ở Quảng Châu, chùa Hoa Nam ở Thiều Châu. Sau khi tham vấn với Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và nghe câu hỏi của vị tăng “con đường giác ngộ cấp thời của Đại thừa là gì?” Thiền sư Bách Trượng trả lời: “Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu”.
Chính vấn đề đốn ngộ của vị thiền khách và câu trả lời của Thiền sư Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đạt ngộ, nhận ra được bản tâm của chính mình, không phải trải qua lộ trình tu tập thứ lớp. Vấn đề đốn ngộ là hết sức quan trọng đối với người tu tập thiền cũng như đối với người xuất gia tu theo Phật giáo, nếu chưa giác ngộ thì con đường lý tưởng tiến đến thành Phật chỉ còn là một “khát vọng”. Điều đó, thể hiện tâm trạng hoang mang khi Sư đứng trước câu hỏi khó trả lời của vị thiền khách “lại từng xuất gia chưa?” và “nếu không hiểu điều đó, thì dù có trăm hạ cũng chẳng ích gì!”
Câu nói của vị thiền khách đã khiến sư hiểu rằng thứ lớp chưa phải là cốt lõi của con đường giác ngộ, cần phải có một lối đi khác để “lội ngược dòng” vượt ngoài tiệm giáo, đó là con đường đốn ngộ, trực nhận chính chân tâm của mình thì mới có hy vọng tiến đến bờ giác ngộ, thành tựu đạo giải thoát và Sư đã đạt được điều đó chính nhờ sự khai thông của Thiền sư Bách Trượng.
Niên hiệu Nguyên Hoà thứ 15 đời Đường (820), Thiền sư Vô Ngôn Thông đến Việt Nam, cư trú tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Tuy nhiên, Thiền sư sống tại đây nhiều năm, nhưng ít người nhận biết nên Sư chỉ thường ngày xoay mặt vào vách để toạ thiền. Chắc có lẽ thời điểm chưa thích hợp để ngài truyền đạt “yếu chỉ nhà thiền” cho người “hữu duyên”. Điều này, cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện huyền thoại bất hủ của Bồ Đề Đạt Ma khi đến Trung Hoa; Tổ Đạt Ma đã xoay mặt vào vách chín năm thiền định, chờ đợi thời cơ chín muồi để truyền bá Phật pháp và tìm kiếm “truyền nhân” của đạo đốn ngộ.
Cho đến khi sự xuất hiện của Huệ Khả (Tổ thứ hai của thiền tông Đông Độ) đã mở ra chương mới cho tiến trình truyền bá Phật giáo Thiền tại Trung Hoa đạt đến đỉnh cao của Thiền học. Sự kiên nhẫn, chờ đợi của Thiền sư Vô Ngôn Thông cũng đã đến lúc chín muồi và hữu duyên gặp được ngài Cảm Thành. Sau khi nghe bài kệ của Thiền sư Vô Ngôn Thông, Cảm Thành đã ngộ được huyền cơ, thấu triệt chân tâm, tiếp nối, kế thừa “yếu chỉ nhà thiền”. Thiền sư Vô Ngôn Thông trước khi viên tịch đã gọi Cảm Thành đến và truyền lại bài kệ của Tổ sư Nam Nhạc Hoài Nhượng rằng:
“Tất cả các pháp
Đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh
Pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất lòng
Chỗ làm không ngại
Không gặp thiện căn
Cẩn thận chớ nói”.
Dạy xong, Sư chắp tay mà viên tịch vào ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ, Đường Bảo Lịch thứ 2 năm 826, Sư thọ sáu mươi tám tuổi. Thiền sư Cảm Thành làm lễ trà tỳ thu xá lợi, dựng tháp thờ Sư tại núi Tiên Du.
Tuy nhiên, con đường tìm kiếm thiện tri thức, những người căn cơ Đại thừa ở phương Bắc của Sư không phải dễ dàng và gặt hái được thành quả; chỉ đến khi Sư xuôi dòng về phương Nam thì những khát vọng tìm kiếm một “truyền nhân” để kế thừa đã thành tựu như ý nguyện, sau khi Sư mất Thiền phái Vô Ngôn Thông đã phát triển mạnh mẽ, tiếp nối được 17 thế hệ trong đó có Lý Thái Tông vị hoàng đế nổi tiếng của triều đại nhà Lý. Cho nên, phương Nam không những là vùng đất hết sức đặc biệt, mà còn là vùng đất tiềm ẩn, sản sinh nhiều thế hệ thiện tri thức, những căn cơ Đại thừa của Phật giáo, những tài năng xuất chúng của dân tộc Việt. Không chỉ có Thiền sư Vô Ngôn Thông đến phương Nam, mà Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi sau khi đắc pháp cũng được Tam Tổ Tăng Xán khuyên bảo nên qua phương Nam để mở rộng sứ mệnh hoằng pháp và tìm kiếm “truyền nhân” để kế thừa, phát triển Thiền học lâu dài.
2. Tâm địa là tư tưởng nòng cốt của Thiền phái Vô Ngôn Thông
Điểm nhấn trong đường lối tu thiền của Thiền sư Vô Ngôn Thông đó là lấy “tâm địa” làm tư tưởng chủ đạo hay nói khác hơn đó là thuyết đốn ngộ, chủ trương con người có thể trong nháy mắt đạt được quả vị giác ngộ, không cần trải qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Tâm địa là một thuật ngữ trong Phật giáo chỉ cho đất tâm, là chân giác bản tính của chúng sinh.
Người tu thiền, hành thiền, cốt yếu chỉ cần thấu rõ được “tâm địa”, thì các pháp sẽ được khai thông. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh (chủ biên) khái niệm về “tâm địa” có ba nghĩa: “1. Chỉ cho giới, vì giới lấy tâm làm gốc, giống như thế gian lấy đất làm nền. Theo phẩm Bồ tát tâm Địa, kinh Phạm Võng (hoà thượng Trí Tịnh dịch): “Bấy giờ Đức Phật Lô - xá - na vì đại chúng lược giảng tâm địa; 2. Chỉ cho tâm của 50 giai vị Bồ tát: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng, Thập Địa. Vì Bồ tát nương nơi tâm mà tu hành, nên Tâm được dụ là đất; 3. Chỉ cho Bồ đề do Tổ Đạt ma truyền thụ”.
Tuy nhiên, theo Từ điển Phật học Hán – Việt, thuật ngữ “tâm địa” được khái niệm như sau: “Tâm là gốc của vạn pháp, có thể sản sinh ra được hết thảy mọi pháp, nên gọi là tâm địa. Kinh Tâm địa quán, q.8: “Trong Tam giới, lấy tâm là chủ. Quán được tâm thì cứu kính giải thoát. Chẳng quán được tâm thì cứu kính trầm luân. Tâm của chúng sinh giống như đại địa. Ngũ cốc, ngũ quả từ đại địa mà sinh ra. Tâm pháp cũng như thế, nó sinh ra mọi thứ thế pháp, xuất thế pháp, thiện pháp, ác pháp, Ngũ thú, Hữu học, Vô học, Độc giác, Bồ tát cho đến Như Lai. Vì nhân duyên ấy. Tam giới chỉ là Tâm, Tâm gọi là Địa”.
Do đó, tâm địa còn có ý nghĩa là chỉ cho bản tính, chân tâm của mỗi chúng sinh. Người tu hành theo Phật giáo cần phải nhận thấy được thực tướng của các pháp, thấu đạt được bản chất của nó. Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720 – 814) đã khai ngộ cho Thiền sư Vô Ngôn Thông từ câu nói: “Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu”, có nghĩa là “đất lòng nếu không, trời tuệ tự chiếu”. Chính câu nói này đã làm cho Thiền sư Vô Ngôn Thông đạt ngộ, thấu rõ chân tâm.
Quan điểm “tâm địa” của Vô Ngôn Thông không những là tư tưởng nòng cốt, chủ đạo về lối truyền bá trong dòng thiền Vô Ngôn Thông, mà nó còn là thiền ngữ nổi tiếng trong giới tu thiền cũng như những người tu theo Đại thừa Phật giáo. Tất cả các pháp đều từ tâm sinh, nếu tâm không sinh thì pháp không thể trụ vững được. Nếu đạt ngộ từ tâm đó chính là Phật, tất cả những gì từ tâm địa phát sinh cũng là Phật. Do đó, Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến sự giác ngộ từ tâm, khai thông được tâm địa thì trí tuệ giác ngộ sẽ xuất hiện. Tâm địa chính là đường lối dẫn đến sự giác ngộ, chứng đạo, là nền tảng cốt lõi của thiền học Vô Ngôn Thông.
Cho nên, lập trường đốn ngộ của Vô Ngôn Thông xuất phát từ tư tưởng đốn ngộ của Tổ Huệ Năng (Nam tông) khác với lập trường tiệm giáo của ngài Thần Tú (Bắc tông) về quan điểm, cách tiếp cận kiến giải và khai mở nguồn năng lượng chứng ngộ nội tâm. Quả thật, giữa hai hệ tư tưởng thiền có sự khác biệt rõ rệt về đường lối tu tập, mà ở đó người ta thấy rằng nguồn năng lượng nội tại bị hạn chế bởi “mây mù” che đậy nội tâm cần phải “thường hãy siêng lau chùi, chớ để bụi dơ bám” so với sự trực ngộ nội tâm tức thì, thấy rõ bản chất thật của “tâm địa” thanh tịnh, vốn không bụi trần mà Tổ Huệ Năng gọi là “xưa nay không một vật, thì bụi bám vào đâu” đã làm sống dậy tinh thần thiền đốn ngộ tại phương Nam kéo dài trong mấy thế kỷ.
Những giai thoại về thiền của Thiền sư Cảm Thành, Thiền sư Thiện Hội, Thiền sư Vân Phong và các thế hệ Thiền sư về sau, đã minh chứng cho chúng ta một sự tiếp nối, kế thừa tư tưởng của Thiền sư Vô Ngôn Thông hết sức đặc sắc mang tính chất đốn ngộ. Thiền sư Thiện Hội đã từng chất vấn Cảm Thành về thuyết đốn ngộ, chủ trương “tức tâm tức Phật”, khác với các kinh đã từng nói về “nhân địa tu hành phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp mới thành Phật”. Nếu nói rằng “tức tâm tức Phật” thì “trong tâm cái gì là Phật? Cái gì không phải là Phật?” Nếu nghĩ rằng trong tâm cái nào không phải là Phật thì chỉ ra xem? Câu chuyện ở đây là lời tuyên bố “tức tâm tức Phật” của trường phái Vô Ngôn Thông về phương pháp đốn ngộ.
Nếu đạt ngộ rồi thì tâm là Phật, pháp là Phật, tất cả những gì từ tâm địa phát sinh đều là Phật. Bởi vì “tất cả các pháp, đều từ tâm sinh, tâm không chỗ sinh, thì pháp không chỗ trụ. Nếu đạt được tâm địa, thì hành động hoàn toàn tự do”. Đó là tính thiết yếu của sự giác ngộ phát xuất từ “tâm địa” như là một đường lối duy nhất để chứng ngộ, nhằm xoá tan xu hướng dựa vào quá trình tu tập thứ bậc của các chủ thuyết tiệm giáo, mang đến cho những người học Phật về một năng lực khác biệt, đổi mới trong lối tư duy tiếp cận về thiền. Đại đạo không nằm trong thế giới tư tưởng, trong những định nghĩa, không căn cứ trên sự phân biệt, danh từ, mà nó nằm trong thế giới sinh hoạt thực tại, cần bẻ gãy lề lối phân biệt của vọng thức, suy luận.
Các Thiền sư không muốn người đệ tử, học trò đi vào lối mòn của thế giới suy luận, trừu tượng, để giải thích sự đạt ngộ, mà nhìn thẳng vào thực tại đạt ngộ. Thiền sư Vân Phong có lần hỏi Thiền sư Thiện Hội: “Khi sống chết đến, làm sao tránh khỏi?”. Hội đáp: “Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”. Thiền sư đưa học trò trở về với thực tại hơn là giải thích bằng sự suy luận. Mấu chốt của vấn đề là chỗ “vô sinh tử nằm ngay trong sinh tử”. Nếu hiểu thì mọi vấn đề được hoá giải, nếu không hiểu, vấn đề trở nên bế tắc và giải thích thêm cũng chỉ là suy luận. Do đó, “tâm địa” đã phản ánh tư tưởng nòng cốt về thuyết đốn ngộ của Thiền sư Vô Ngôn Thông và đó cũng là tư tưởng chủ đạo của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Mặc dù vậy, Thiền phái Vô Ngôn Thông về sau đã có sự tác động từ hoàn cảnh xã hội, tính gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế đã làm thay đổi phương pháp tiếp cận về thiền, từ đó có sự pha trộn giữa thiền với các yếu tố khác như ảnh hưởng của Tịnh Độ giáo, Mật giáo, thi ca trong lối vấn đáp về thiền. Chất liệu thi ca kết hợp với thiền ngữ được thể hiện trong lối vấn đáp của Thiền sư Viên Chiếu (998 -1090) thuộc Thiền phái Vô Ngôn Thông, khi có người hỏi về đạo:
“Đã nhận được yếu chỉ,
Nhưng huyền cơ ra sao?”
Sư đáp:
“Nước đầy bình vạc, chân vô ý
Vấp ngã một lần, hối kịp sao?”
Mặt khác, Thiền sư Không Lộ (? -1119) dùng pháp thuật chữa lành bịnh cho vua Lý Thần Tông; Thiền sư Giác Hải thi triển thuật “ứng chân thần túc” được Lý Nhân Tông ca ngợi; Thiền sư Nguyện Học trì chú Hương Hải Đại Bi trị bệnh và cầu mưa… Cùng với đó, là sự thâm nhập và chịu ảnh hưởng của Tịnh Độ giáo như Thiền sư Không Lộ tạo tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm; Thiền sư Tịnh Lực (1112- 1175) do công phu “lễ Phật sám hối, tham nhập được pháp môn niệm Phật tam muội” mà thành tựu thiền định và thường xuyên dạy đệ tử diệt trừ các ác nghiệp bằng phương pháp niệm tụng “cả tâm lẫn miệng”.
Mặc dù, các Thiền sư cố gắng cực lực chủ thuyết đốn ngộ, nhưng không sao tránh được sự tác động từ yếu tố Mật giáo vốn thịnh hành ở Việt Nam từ thế kỷ thứ bảy, thứ tám và sự thâm nhập giáo lý niệm Phật vào trong Thiền phái Vô Ngôn Thông một cách khó kiểm soát. Phải chăng do nhu cầu của đời sống xã hội và để đáp ứng nhu cầu cần thiết của tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ, mà một số Thiền sư và các cộng sự đã thay đổi phương pháp tu tập bằng sự kết hợp giữa Thiền và Tịnh Độ, Thiền và Mật giáo, cho phù hợp với trình độ, nhận thức của tu sĩ và giới phật tử? Hay xu hướng tất yếu phải có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại?
Tóm lại, Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa đến phương Nam mang theo hệ tư tưởng thiền “đốn ngộ” của tổ Huệ Năng, tạo nên một nguồn sinh lực mới của phong trào thiền học và đạt đỉnh cao vào thời nhà Lý. Thiền phái Vô Ngôn Thông với quan điểm lấy “tâm địa” làm nòng cốt đã tạo ra một năng lực khác biệt với quan điểm của “tiệm giáo” trong thời đại mà thiền đốn ngộ đang trở thành xu hướng tất yếu của các trường phái Thiền ở Trung Hoa. Sự phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Vô Ngôn Thông và Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, khẳng định năng lực của các Thiền sư nói riêng, trí tuệ siêu việt của những con người Đại thừa Phật giáo ở Việt Nam nói chung, trong việc tiếp nhận một cách linh hoạt tư tưởng thiền đốn ngộ, có thể sánh vai cùng với các trường phái Thiền ở Trung Hoa.
Do đó, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy thế hệ kế thừa của Vô Ngôn Thông là các Thiền sư người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam, từ đó đã phát huy những ưu điểm của thiền học Vô Ngôn Thông đến đỉnh cao, góp phần tạo nên giá trị, đặc điểm riêng biệt của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Trong dòng chảy của lịch sử phát triển Thiền phái Vô Ngôn Thông về sau, nó đã bị các yếu tố của Mật giáo, Tịnh Độ giáo làm cho chất liệu “đốn ngộ” bị “pha loãng” theo nhiều chiều kích khác biệt trong nhận thức, tu tập về thiền; điều mà các Thiền sư theo trường phái đốn ngộ cực lực phản đối, vì nó đi ngược lại với tông chỉ ban đầu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây còn chịu tác động, ảnh hưởng của tiến trình thay đổi của lịch sử, buộc nó phải ít nhiều thay đổi theo xu hướng nhận thức, trình độ, năng lực tiếp nhận của con người. Đồng thời đòi hỏi mọi vấn đề phải theo quy luật phát triển của xã hội, nếu không tất yếu sẽ bị đào thải trong tiến trình phát triển của xã hội. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến Thiền phái Vô Ngôn Thông không còn giữ được tư tưởng cốt lõi ban đầu, khiến cho nó mất dần ảnh hưởng về sau, bởi sự ra đời của các trường phái khác trong Phật giáo.
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Hữu Mục (dịch), Việt điện u linh tập, Nhà sách 62, Lê Lợi, Sài Gòn, 1960.
2. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.
4. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012.
5. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005.
6. Thích Nữ Trí Hải (dịch), kinh Pháp Bảo Đàn, NXB. Tôn giáo, 2004.
Bình luận (0)