Thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều với thiền phong mang đậm sắc thái văn hóa Đại Việt. Tư tưởng và thiền pháp của thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều không còn thuần túy là “tham công án”, “hét”, “bổng” của thiền Lâm Tế Trung Quốc mà là sự dung hợp hài hòa giữa Thiền- Tịnh -Mật, thiền tập chính niệm trong khi lao tác, đồng thời có kết hợp với Đạo giáo và Nho giáo.
Tác giả: Thích Nữ Tuệ Châu Nghiên cứu sinh Trường Đại học Tây Bắc Thiểm Tây (Trung Quốc)
Tóm tắt: Tổ sư Nguyên Thiều được xem là sơ Tổ truyền Tông Lâm Tế đến miền trung và nam Đại Việt. Tại đây, ngày đã lập nên thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều với thiền phong mang đậm sắc thái văn hóa Đại Việt. Tư tưởng và thiền pháp của thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều không còn thuần túy là “tham công án”, “hét”, “bổng” của thiền Lâm Tế Trung Quốc mà là sự dung hợp hài hòa giữa Thiền- Tịnh -Mật, thiền tập chính niệm trong khi lao tác, đồng thời có kết hợp với Đạo giáo và Nho giáo.
Có thể nói, tổ sư Nguyên Thiều đã quảng khai phương tiện diệu dụng, khiến thiền pháp của Tông Lâm Tế thích ứng với văn hóa tín ngưỡng Đại Việt và căn tánh người dân nơi đây, giúp mọi người dễ dàng tiếp xúc, đón nhận và ứng dụng giáo nghĩa Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, từ đó có được sự an lạc và hạnh phúc. Chính sự khế cơ khế lý này đã giúp thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều phát triển bền vững và có chỗ đứng trong lòng người dân Đại Việt, góp phần hộ quốc an dân.
Từ khóa: Tổ sư Nguyên Thiều, thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều, thiền pháp.
Giữa thế kỷ XVII, thiền sư Nguyên Thiều thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 33, từ Quảng Đông đến Đàng Trong hoằng pháp. Sau khi đến Đàng Trong, ngài đã dành hơn 50 năm cuộc đời mình gắng bó cho sự nghiệp hoằng truyền Chính Pháp nơi đây. Dưới sự giáo hóa của ngài, dưỡng xuất ra nhiều thế hệ tăng tài góp phần phục hưng và phát triển Phật giáo thế kỷ XVII-XVIII.
Ngoài ra, ngài còn được xem là sơ tổ truyền tông Lâm Tế đến Đàng Trong Đại Việt, dưới phương tiện thiện xảo khế cơ khế lý của mình, ngài đã cải biến và dung hòa thiền Lâm Tế Trung Hoa vào với văn hóa Thiền tông Đại Việt. Khiến dòng tào khê xuôi hướng chảy về phương Nam một cách êm ả. Dòng thiền Lâm Tế thuần Việt tại Đàng Trong được mọi người đón nhận và gọi với cái tên thân thiết là thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều.
Thiền tông Lâm Tế tiêu biểu với các công án tham thiền, khán thoại đầu và những phương thức tu tập độc đáo táo báo như: thủ thuật đánh, hét. Đồng thời những thiền lý “Tam huyền, Tam yếu” và “Tứ liệu giản” là những nền tảng tu tập quan trọng trong phương pháp kiến tánh giúp thiền giả vượt qua các chấp trước, đối đãi, phân biệt, kích thích tâm ý phát khởi nghi tình mà khai ngộ.
Tuy nhiên khi tông Lâm Tế được ngài Nguyên Thiều truyền bá đến Đàng Trong, do truyền thống văn hoá, tín ngưỡng, dân cư, xã hội có sự khác biệt lớn nên dần theo thời gian tông Lâm Tế đã bị Việt hoá mãnh liệt. Cốt cách thiền Lâm Tế thì vẫn như vậy nhưng phương thức hành trì và cách thức hoá đạo tại Đàng Trong hoàn toàn có sự sai khác. Điều này thể hiện cho sự “khế cơ khế lý” của thiền tông Lâm Tế cùng sự dung hoà, uyển chuyển và quyết đoán của tổ sư Nguyên Thiều trong sự nghiệp truyền đạo tại Đại Việt.
Sau đây, bài viết sẽ lần lượt trình bày bốn đặc trưng tiêu biểu về tư tưởng và thiền pháp của thiền phái Lâm Tế Nguyền Thiều tại Đại Việt.
I. THIỀN BÌNH DÂN HÒA QUYỆN TÍN NGƯỠNG PHẬT GIÁO DÂN GIAN
Vào thế kỷ XVII, đoàn người di dân Nam tiến, li hương khai hoang lập nghiệp, họ đều là những người nông dân hiền hoà chất phác. Nơi vùng đất mới hoang vu, cuộc sống của họ phải luôn đối mặt với muôn vàn rủi ro và nguy hiểm. Trong lòng họ Đạo Phật là mái chùa làng với những câu kinh tiếng kệ sớm hôm nhằm cầu nguyện cho âm siêu dương thới, chư tăng là những người thầy tâm linh an ủi, vỗ về những bất an, sợ hãi và hướng đạo cho họ trong cuộc sống.
(1)Cho nên, khi gia đình có người thân mất hay gặp tai nạn nguy hiểm họ đều đến chùa thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ hoặc cầu nguyện tai qua nạn khỏi. Những khi công việc nhàn hạ thì họ vào chùa quét sân, dọn vườn, nghe chư tăng giảng dạy những bài học đạo đức về hiếu nghĩa, nhân quả báo ứng hoặc tham gia những khóa lễ cộng tu.
Theo thầy Thích Hạnh Tuệ nhận xét: “Họ cần trước hết là những bài học về đạo đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số triết lý cao siêu.”(2) Chính sự nhận thức đơn thuần mộc mạc đó của người dân nên tổ sư Nguyên Thiều và môn hạ của ngài đã phương tiện đưa diệu lý vô thượng của đạo Phật vào những bài kinh tụng sớm tối, những buổi lễ cầu an cho người bệnh hoặc cầu siêu cho người mất.
Hay qua những lời khai thị, khuyến tấn quy y tam bảo, bỏ ác làm lành, hiếu đạo mẹ cha…trong những buổi chư tăng cùng người dân khai hoang làm ruộng. Giáo lý bình dị cùng sự đồng hành gần gũi đó đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người dân lao động hướng đến Phật pháp tu tập và phụng sự.
Tư tưởng và phương pháp tu hành của thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều được bình dân hoá, không câu nệ lễ nghi, hình tướng để đáp ứng nguyện vọng và dễ dàng tiếp cận với đời sống người dân lao động. Các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều lúc bấy giờ không chỉ là bậc đạo sư hướng dẫn tâm linh, người đồng hành trong lao động mà còn là người thầy dạy chữ cho con cái người dân và là thầy thuốc khám chữa bệnh cho mọi người.
Những nhà truyền giáo phương Tây cũng nhìn nhận rằng: “Các nhà sư ở đây được coi là những thầy thuốc giỏi nhất”.(3) Thầy Thích Nhuận Lạc cũng nhận định: “Chư Tăng vừa là bậc thầy tâm linh, thực hiện các nghi thức tâm linh, vừa là thầy đồ dạy học nơi làng quê và cũng là thầy thuốc trị bệnh, cứu người.”(4)Từ những vai trò gần gũi thiết thực đó đã giúp thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều và di dân Đàng Trong gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên chỗ đứng đặc biệt trong lòng dân chúng.
Do đó trong lòng người dân nơi đây, “Phật Pháp Tăng” là nơi quy y tối thượng, là ruộng phước điền vô lượng cho mọi người, “những bông lúa chín đầu mùa, những quả cau chín đầu tiên đều được mang lên dâng cúng Phật”(5), hay quan niệm “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” đều thể hiện thái độ sống tích cực hướng thiện và Phật pháp hoá trong đời sống người dân.
Chính lòng từ bi, trí huệ khai mở phương tiện diệu dụng “bình dân hoá Phật pháp” để thích hợp căn cơ và dễ dàng tiếp cận với tầng lớp bình dân của tổ sư Nguyên Thiều đã tạo nên một nét đặc trưng trong phong thái thiền Lâm Tế Nguyên Thiều đó là “thiền bình dân”.
II. DUNG HÒA TAM GIÁO
Tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” từ xa xưa đã hình thành và tồn tại trong lòng người dân Việt. Ba tôn giáo này với ba hệ thống tư tưởng, giáo lý khác nhau nhưng mục đích thì đều hướng con người đến đời sống thiện lành. Nho, Phật hay Đạo đều bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh và dù là tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành, tránh dữ, hướng cuộc sống con người đạt đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Đây chính là giao điểm, là cầu nối gắn kết, hoà quyện ba tôn giáo này thành một thể tâm linh thống nhất trên nền văn hoá dân tộc Việt. Ba tôn giáo này như thế kiềng ba chân nâng đỡ, hỗ tương, nuôi dưỡng nền tảng đạo đức, tinh thần người dân Việt. “Nếu Nho giáo dạy con người về nhân nghĩa, thì Đạo giáo giáo dục con người biết quý trọng và sống hài hòa với tự nhiên, đạo Phật dạy người ta về từ bi, hỷ xả vô ngã vị tha, gạt bỏ tham, sân, si. Tất cả đều mong muốn hướng con người đến đời sống thiện.”(6)
Do đó khi thiền Lâm Tế truyền vào Đàng Trong, với cộng đồng di dân đa tầng lớp, đa ngành nghề sĩ- nông-công-thương …thì tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” được tổ sư Nguyên Thiều chọn lọc và đưa vào trong việc hoằng hoá của mình. Với sứ mạng hộ quốc an dân, theo đoàn người khai hoang lập nghiệp, ngài dạy họ lòng trung quân ái quốc, hiếu kính phụ mẫu, tín nghĩa bạn bè đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc.
“Nhân lễ nghĩa trí tín” của Nho giáo được ngài truyền tải qua tinh thần “bi trí dũng” của đạo Phật cùng với năm giới điều nhằm bảo hộ thân tâm tránh các điều sai trái. Đồng thời lúc bấy giờ, giới trí thức Nho học ở Đàng Trong ít ỏi khiến Nho học không thể phát triển rộng rãi. Vì vậy, nhiệm vụ giáo dục được giao về cho Phật giáo. Từ khi theo chân đoàn người di dân vào vùng đất mới, một hệ thống giáo dục đặc biệt của Phật giáo đã ra đời.
(7)Lúc bấy giờ, chùa không chỉ là nơi tu tập để trở thành bậc xuất thế mà còn là trung tâm văn hoá tôn giáo của địa phương. Nơi các nhà sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều mở trường dạy chữ nho và đạo đức làm người, dạy con người quy hướng tổ tiên, hiếu đạo phụ mẫu, trung tín quân thần…đào tạo ra những bậc anh tài phụng sự đất nước.(8)
Ngoài ra, trước sự khắc nghiệt tàn bạo của thiên nhiên người dân quy phục thần linh, thờ phụng các vị thần thổ địa, thần núi, thần sông và các vị tiên gia. Vì để hỗ trợ đời sống tâm linh, ổn định lòng dân và tạo nên một thể tâm linh thống nhất để người dân quy ngưỡng, nên trong các chùa thuộc dòng Lâm Tế Nguyên Thiều ở miền trung và miền nam ngoài thờ chư Phật, Bồ Tát và thánh Tăng ra, còn thờ thánh tượng của Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân , Quan Thánh Đế quân, Cữu Thiên Huyền Nữ…(9)
Đồng thời, trong những đợt khắc in Phật điển, ngoài kinh luật luận Phật giáo được chú trọng in khắc, thì những kinh sách mang âm hưởng Đạo giáo cũng được các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều ấn hành. Như Thiền sư Tánh Đề Đạo Nguyên vào năm 1682 trong đợt in khắc Phật kinh tại chùa Thập Tháp có in khắc bộ “Thái Thượng Thuyết Tam Nguyên Tam Quan Bảo Kinh”.(10)
Qua đây thấy được sự khéo léo uyển chuyển, dung hoà tam giáo Nho Đạo Thích trong tư tưởng và cách hành đạo của các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều. Kỳ thật “vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc đề đồng ngộ nhất tâm” .(11)
Chính sự minh tâm kiến tánh này, các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều với tâm vô phân biệt, phương tiện diệu dụng dùng pháp thế gian hướng con người đến pháp xuất thế. Tạo điều kiện cho các nhà trí thức, nho sĩ, đạo sĩ chân chính chung tay hộ quốc an dân, vì dù bọn họ chủ trương nhập thế hay xuất thế, có các kiến giải về cuộc đời khác nhau nhưng mục đích cuối cùng đều hướng con người đến giá trị chân thiện mỹ. Như vua Trần Thái Tông từng viết: “Sách Nho dạy thi ân bố đức, kinh Đạo dạy yêu thương mọi vật, trân quý sự sống, đạo Phật dạy giữ giới không sát sinh”.(12)
Do đó có thể nói, khác với thiền Lâm Tế Trung Quốc, thiền Lâm Tế Nguyên Thiều không phá chấp một cách rốt ráo và táo bạo với những tiếng “hét, đánh”, mà được vận dụng hài hòa, uyển chuyển đầy kiên nhẫn theo từng căn cơ khác nhau. Kế thừa chọn lọc tinh hoa của thiền Lâm Tế Trung Quốc kết hợp với tư tưởng Nho Đạo và tín ngưỡng dân gian bản địa, tạo nên một dòng thiền Lâm Tế thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hoá Việt. Dòng thiền pháp này đã gắn bó mật thiết với người dân lao động, trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.
III. KẾT HỢP THIỀN TỊNH MẬT
Thiền Lâm Tế khi truyền bá đến Đàng Trong vào thế kỷ XVII, đã thay thế vị trí chủ đạo của thiền Trúc Lâm Yên Tử, một số lượng lớn tăng sĩ phái Trúc Lâm ở Đàng Trong đã thọ pháp với ngài Nguyên Thiều và gia nhập vào tăng đoàn thiền phái Lâm Tế.
Do đó, thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều đã không còn thuần túy phong thái thiền Lâm Tế Trung Quốc, mà mang nặng ảnh hưởng của thiền phái Trúc Lâm Đại Việt. Thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều, không còn thuần túy “tham công án”, “thoại đầu”, “đánh” , “hét”, mà là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa Thiền - Tịnh- Mật giáo . Điều này được thể hiện rõ với tên “Thập Tháp Di Đà Tự”, tên ngôi tùng lâm đầu tiên do ngài Nguyên Thiều sáng lập khi đến Đàng Trong hoằng pháp.
Vì tuỳ thuận căn cơ người dân Đàng Trong, ngài kết hợp thiền pháp thiền Lâm Tế cùng pháp môn tịnh độ Di Đà, để người dân dựa vào câu niệm Phật, bài chú vãng sinh… từng bước đi vào ngõ thiền.
Ngoài ra, trong tác phẩm “Tổ Sư Hối Huấn Yếu Tắc”, ngài Nguyên Thiều dạy đệ tử rằng: “Người xuất gia phải hết lòng chính tín Phật Pháp, ba tạng Kinh Luật Luận đều phải thông suốt, mới có thể nối tiếp truyền thừa nhất mạch của chư Phật, Tổ. Người xuất gia phải chuyên cần niệm Phật, mỗi niệm đều cầu sinh về nước Cực Lạc, niệm đến khi vô niệm mà niệm thì đức Di Đà sẽ hiện tiền trước mắt. Người xuất gia phải chân thật tham thiền, tham cứu đến chỗ chưa sinh về trước, cho đến một ngày xả bỏ nhục thân, ánh linh quang bao trùm cả pháp giới.”(13)
Do đó, tư tưởng Thiền - Tịnh- Mật được các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều hành trì và làm kim chỉ nam trong đời sống tu tập, hành đạo của mình. Như thiền sư Tánh Đề Đạo Nguyên (thuộc phái Lâm Tế đời thứ 35) làm bài thơ thể hiện bỏ qua cảnh giới tam thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát của kinh Pháp Hoa mà chí hướng quy ngưỡng Tịnh Độ:
“Thập tòa dũ ư Đa Bảo tháp Môn tiền bất dụng thiết tam xa. Chỉ kim Tịnh Độ thành như thị Ưng tợ trùng lai thính Pháp Hoa.”(14)
Ngoài ra, đa số các Thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều không bế quan chuyên tu trong các thiền viện như quan niệm “xuất thế” của thiền tông Trung Quốc, mà sinh hoạt trong xã hội vừa tu học, vừa lao động, vừa hành đạo theo quan niệm “nhập thế” của Thiền tông Đại Việt. Cho nên, các Thiền tăng của dòng Lâm Tế Nguyên Thiều vừa là thiền sư, vừa là dịch giả, vừa là người in khắc, biên soạn kinh điển.
Như ngài Nguyên Thiều là người tiên phong trong phong trào in khắc, truyền bá kinh điển ở miền trung. Chùa Thập Tháp nơi ngài trụ trì là trung tâm in khắc và lưu trữ mộc bản Phật kinh lớn nhất khu vực. Về sau, các đệ tử đã kế thừa và tiếp nối sự nghiệp in khắc kinh điển này của ngài, tại chùa Thập Tháp và đến nhiều nơi làm chứng minh, tổ chức cho các hoạt động in khắc Phật kinh.
Ngoài ra những pháp tử, pháp tôn của ngài còn tham gia giảng dạy, biên soạn và phiên dịch kinh luật, như có: Thiền sư Tế Trí Hữu Phỉ chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm được thời nhân tôn xưng là “Hoa Nghiêm pháp sư”. Thiền sư Chơn Luận Huệ Phước tinh thông diệu lý Phật Pháp, biện tài vô ngại được thời nhân xưng tụng là “Phật pháp thiên lý câu”. Thiền sư Minh Giác Kỳ Phương biên soạn những cuốn, như: Quy Ước Thiền Môn, Thiền Đường Chung Bảng Chỉ Tịnh Thường Tắc... Thiền sư Không Tín Kế Châu phiên dịch và tác thơ nhiều tác phẩm có giá trị, như : Kim Cang Nghĩa Mạch, Di Đà Giảng Thoại, Thập Mục Ngưu Đồ Tụng…(15)
Ngoài ra, thời khoá tu tập hằng ngày của các thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều cho đến nay, ngoài toạ thiền ra còn tụng kinh, niệm Phật, trì chú. Như thời khoá tu tập tại chùa Thập Tháp: công phu sáng là toạ thiền, công phu tối tụng kinh, niệm phật trì chú, sau thời công phu tối đúng 21 giờ là thời gian tĩnh toạ ba mươi phút của đại chúng trước khi chỉ tịnh.
Theo hoà thượng Thích Viên Đạt trị trì chùa Thập Tháp : “Sinh hoạt thiền môn quy củ tại chùa Thập Tháp cốt yếu vẫn tiếp thu từ chư Tổ, đặc biệt là những yếu tố được quy định trong sách “ Quy Củ Thiền Đường” của Tổ Minh Giác Kỳ Phương.”(16)
Qua đây có thể thấy được sự dung hoà “Thiền - Tịnh- Mật” trong tư tưởng và pháp hành của thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều. Sự hòa quyện này đã trở thành nét đặc thù trong tư tưởng thiền học cởi mở, làm cho hành giả dễ dàng tiếp nhận, áp dụng vào trong đời sống tu tập, mang lại lợi lạc cho tự thân và tha nhân. Chính nhờ vậy mà dòng thiền này cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại và phát triển vững mạnh.
IV. DĨ NÔNG VI THIỀN
Đạo tràng thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều được lập nên ở nơi vùng đất mới với rừng núi hoang vu cây cối rậm rập, người dân nơi đây quanh năm khai hoang trồng trọt. Vì để hoà nhập với đời sống người dân lao động và tự tạo ra nguồn lương thực cung cấp cho đời sống tăng đoàn. Tổ sư Nguyên Thiều chủ trương “dĩ nông vi thiền” theo thanh quy của tổ Bách Trượng “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.
Do đó, chư tăng phái Lâm Tế Nguyên Thiều ngoài thời khoá thiền tập, chấp tác trong chùa, hằng ngày còn phải tham gia khai hoang làm ruộng, trồng trọt hoa màu để cung cấp nguồn lương thực cho tăng chúng. Chư tăng phương tiện “dĩ nông vi thiền”, trong lao động vẫn giữ tâm tỉnh thức, hoan hỷ, khai phát cỏ dại như đang loại bỏ những tham sân si phiền não trong tâm mình, xới đất gieo hạt, tưới bón cho hoa màu cũng như đang gieo trồng hạt giống bồ đề vào nơi đất tâm và nuôi dưỡng bảo hộ cho nó sinh trường, ra hoa Tuệ giác, kết quả Bồ đề.
Y như trong lời Phật dạy: “Tín tâm là hạt giống, khổ hạnh mưa đúng mùa, trí tuệ là cày-ách, tàm quý là cán cày. Tự gìn giữ chính niệm, là người giỏi chế ngự, giữ kín nghiệp thân, miệng, như thực phẩm trong kho. Chân thật là xe tốt, sống vui không biếng nhác, tinh tấn không bỏ hoang, an ổn mà tiến nhanh, thẳng đến không trở lại, đến được chỗ không lo.Người cày ruộng như vậy, chứng đắc quả Niết-bàn, người cày ruộng như vậy, không tái sinh các hữu.”(17)
Qua các đời truyền thừa, thiền sư phái Lâm Tế Nguyên Thiều vẫn duy trì nếp sống “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, giữ gìn kỷ cương giềng mối của tông phong. Như có: Thiền sư Ngộ Thiệu Minh Lý (trụ trì chùa Thập Tháp đời thứ 11) cùng chư tăng khai khuẩn vùng đồi Long Bích kế bên chùa để trồng lúa và hoa màu, tạo nguồn lương thực và kinh tế tự túc để chư tăng an tâm tu học.
Ngoài ra vào những năm mất mùa đói kém, ngài còn xuất kho lương thực của chùa cứu trợ giúp người dân vượt qua đói kém. Thiền sư Không Hoa Huệ Chiếu (trụ trì chùa Thập Tháp đời thứ 14) trực tiếp cuốc đất cày ruộng, canh tác hoa màu cùng đại chúng. Thiền sư Không Tín Kế Châu (trụ trì chùa Thập Tháp đời thứ 15) hằng ngày xuống ruộng nhổ cỏ, cắt lúa hướng dẫn tăng chúng làm việc. Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý “khai phá rừng, cất am tranh tu hành và cùng với dân chúng khai khẩn ruộng đất canh tác...cứ nửa tháng ra làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau,... nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ... đêm đến tọa thiền tụng kinh, học thêm kinh sách Phật giáo.”(18)
Như vậy, thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều với thiền pháp “dĩ nông vi thiền” đã đưa việc tu tập vào trong lao động sản xuất, tự tạo ra nguồn lương thực, chăm lo đời sống tăng chúng và hỗ trợ cứu tế dân nghèo. Từ đó, tạo nên một phong cách thiền năng động, tích cực nhập thế, hài hòa với đời sống người dân lao động và giúp nền kinh tế tự viên ổn định tự chủ.
Tổng đó, tổ sư Nguyên thiều khi đến Đàng Trong hoằng pháp, ngài đã dùng tâm vô trụ, vô phân biệt phương tiện diệu dụng dung hòa văn hóa tín ngưỡng Đại Việt vào trong tư tưởng và thiền pháp của ngài, nhưng vẫn giữ lại những nét tinh túy của thiền Lâm Tế Trung Quốc. Từ đó sáng lập nên dòng thiền mang tên “Lâm Tế Nguyên Thiều”, bình dị gần gũi với đời sống người dân, được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận và thực hành.
Đây chính là sự viên dung vô ngại của tổ sư Nguyên Thiều trong sự tu tập và hoằng pháp, góp phần làm thăng hoa và phát triển tư tưởng thiền pháp Lâm Tế Trung Quốc đạt đến tầm cao mới của sự viên dung, cởi mở và hội nhập. Đồng thời bổ sung và làm phong phú nền thiền Tông Đại Việt, thúc đẩy cho sự phục hưng và phát triển của Phật Giáo Đại Việt.
Tác giả: Thích Nữ Tuệ Châu Nghiên cứu sinh Trường Đại học Tây Bắc Thiểm Tây (Trung Quốc)
***
Chú thích
[1] Trần Hồng Liên, Đạo Phật Trong Cộng Đồng Người Việt Ở Nam Bộ Việt Nam Từ Thế Kỷ 17 Đến Năm 1975, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1995, tr.13.
[2] Thích Hạnh Tuệ, Bàn Về Tư Tưởng Và Pháp Tu Của Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học, Số 5/2021, tr.64
[3] John Barrow, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà 1792 – 1793 , Hà Nội: Nxb. Thế Giới, 2002, tr.139.
[4] Thích Nhuận Lạc, Phật Giáo Đàng Trong Phát Triển Theo Quá Trình Mở Cõi, Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo Số 358, tr. 69.
[5] Thích Đại Sán, Hải Ngoại Ký Sự, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2015, tr. 57.
[6] Thích Nữ Nhật Diệu, Phật Giáo Việt Nam Và Sự Dung Hợp Tam Giáo Thời Trần, Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Giáo 11/4/2023, trang: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-viet-nam-va-su-dung-hop-tam-giao-thoi-tran.html
[7] Thích Nhuận Lạc, Phật Giáo Đàng Trong Phát Triển Theo Quá Trình Mở Cõi, Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo Số 358, tr.69.
[8] Từ khi thành lập chùa Thập Tháp năm 1677, ngài Nguyên Thiều đã mở lớp dạy giáo lý, đạo đức và chữ Hán cho người dân địa phương. Các đời trụ trì kế nhiệm đều tiếp nói tông phong của ngài, duy trì và mở rộng quy mô lớp học này.
Lịch đại trụ trì chùa Thập Tháp đều là những bậc thiền tăng uyên thâm phật học, quảng học nho giáo, các ngài đều được chúa Nguyễn kính trọng, sắc ban “Tăng Cang, Giới Đao, Độ Điệp”, như ngài Minh Giác Kỳ Phương, Thiệt Kiến Liễu Triệt, Tế Trí Hữu Phỉ, Ngộ Thiệu Minh Lý…Đến đời ngài Chơn Luận Phước Huệ trụ trì, đã mở rộng quy mô lớp học chùa Thập Tháp thành Phật Học Viên, chư tăng ni Phật tử từ miền trung và miền nam đều quy tụ về đây tham học.
Môn hạ của ngài Nguyên Thiều hoằng pháp ở miền nam, có thiền sư Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm Gia Định, từ một lớp Nho học nhỏ tại chùa, dần phát triển hành một trung tâm giáo dục đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ.
[9] Chùa Quốc Ân (Huế) do tổ sư Nguyên Thiều sáng lập: Có Cảm Ứng Điện, trong điện thờ tượng Cữu Thiên Huyền Nữ, Kim Đồng Ngọc Nữ, Quan Thánh Đế Quân, Kiên Lao Địa Thần, Thập Điện Minh Vương, …
Chùa Giác Lâm (Gia Định) do thiền sư Tổ Tông Viên Quang (pháp tôn của tổ Nguyên Thiều ) trụ trì: Có thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu…
Chùa Đại Giác (Đồng Nai) do ngài Tổ Ấn Mật Hoằng ( pháp tôn của tổ Nguyên Thiều) trụ trì: Có thờ Quan Thánh Đế Quân, Linh Sơn Thánh Mẫu, Năm Vị Diêm Vương và Hai Phán Quan.…
[10] Tham kiến Lê Thọ Quốc, Nguyễn Văn Thịnh, Di Sản Mộc Bản Tổ Đình Thập Tháp Di Đà, Liễu Quán Số 23, tr. 95.
[11] Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần ( tập II), Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1989, tr. 60.
[12] Trần Thái Tông (trước), Nguyễn Đăng Thục (dịch), Khóa Hư Lục, Sài Gòn: Nxb. Khuông Việt, 1972, tr. 50.
[13] Trích trong “Tổ Sư Huấn Hối Yếu Tắc” của Tổ Sư Nguyên Thiều
[14] Tạm dịch: Mười tòa tháp sánh hơn tháp Đa Bảo/Trước cửa không cần thiết đặt ba xe/Cảnh Tịnh Độ hôm nay như thế đó/Cũng như nghe giảng Pháp Hoa nhiều lần.
[15] Tham kiến Thích Như Tịnh, Lịch Đại Trụ Trì Tổ Đình Thập Tháp, Liễu Quán 23, tr. 34-44.
[16] Thích Viên Đạt, Tổ Đình Thập Tháp Với Sinh Hoạt Thiền Môn Quy Củ, Liễu Quán số 23, tr. 51.
[17] Tạp A Hàm Kinh, kinh 98: Điền Canh
[18] Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, TP.HCM: Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 468.
Bình luận (0)