Luy Lâu - một trung tâm chính trị của chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ. Không phải đến thời Sỹ Nhiếp trung tâm này mới được xây dựng, mà từ trước đó, có thể là từ thời Triệu Đà, vào năm 179 trước Công nguyên. Nhà Hán sau khi chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà, vẫn giữ Luy Lâu làm trị sở của Giao Chỉ.
PGs Ts Bùi Thị Tỉnh & ThS. Dương Thị Thu Hiền Khoa Triết học và CNXHKH, Học viện Chính trị CAND Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Tóm tắt: Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Luy Lâu cùng với Lạc Dương và Bành Thành tạo thành ba trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Á. Do có vị trí thuận lợi, có cả đường thủy, đường bộ nối với hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương nên từ rất sớm, tại Luy Lâu đã xuất hiện sự giao lưu, buôn bán của các thương nhân, các nhà sư cũng sớm có mặt để thực hành và truyền đạo.
Quá trình giao lưu, Luy Lâu trở thành nơi hội tụ của các luồng văn hóa, ngôn ngữ. Vào thế kỷ thứ II đã xuất hiện một trong những tác phẩm Phật giáo viết bằng tiếng Hán, đó là “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử, trong đó có Kinh Tứ thập nhị chương xuất hiện khoảng đầu thế kỷ thứ II và đã được phiên dịch tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu.
So với Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo du nhập vào trung tâm Luy Lâu thuận lợi hơn, bởi triết lý và hoạt động của Phật giáo phù hợp với nhu cầu tâm linh của người bình dân và các tầng lớp nhân sĩ, trí thức.
Phật giáo Luy Lâu cũng có những nét đặc sắc riêng: dễ hòa nhập, thích nghi với nền văn hóa bản địa; mang dấu ấn của đạo Hoàng Lão và mang những nét tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp. Sự tiếp biến này phù hợp với tâm lý và đặc điểm thế giới quan của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Mặc dù sau này, nhiều tông phái Phật giáo khác được truyền vào, nhiều trung tâm Phật giáo được kiến lập tại Việt Nam, nhưng Phật giáo Luy Lâu không hề bị phai mờ, cũng không bị chi phối bởi các tông phái Phật giáo khác mà tồn tại trường cửu, bền vững trong lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Từ khóa: Luy Lâu, trung tâm Phật giáo, du nhập, đặc điểm.
Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Luy Lâu (còn gọi là Liên Lâu thuộc Bắc Ninh ngày nay) cùng với Lạc Dương và Bành Thành (Trung Quốc) tạo thành ba trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Á.
Lạc Dương là kinh đô nhà Đông Hán, nằm trên bờ sông Lạc (Lạc thủy), ở phía nam sông Hoàng Hà của Trung Quốc. Theo sử sách còn ghi, vào thế kỷ II sau công nguyên vua Hoàn đế nhà Đông Hán có thờ Phật Thích Ca và Lão Tử trong cùng một cung điện.
Lúc này kinh Phật cũng bắt đầu được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán do các nhà sư Ấn Độ, Trung Á cùng với các nhà sư Trung Quốc biên dịch. Nhà sư An Túc là An Thế Cao và An Huyền cùng dịch kinh với người Trung Quốc là An Phù Điều. Cùng với việc dịch kinh sách, hai ngôi chùa lớn cũng được xây dựng là Bạch Mã và Hứa Xương.
Bành Thành là địa phận thuộc nước Sở, nằm ở hạ lưu sông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày nay. Từ những năm 50 của thế kỷ I sau Công nguyên, có hiện tượng những người quyền quý vừa sùng tín Lão giáo vừa sùng Phật giáo. Sở Vương - Lưu Anh là con Hán Quang Vũ di cư ra Bành Thành đã thực hiện các nghi lễ, giới răn của Phật giáo như sám hối, ăn chay và cúng dường. Vào năm 65, tại đây đã hình thành tổ chức Phật giáo gồm những nhà sư ngoại quốc và các cư sĩ Trung Quốc.
Luy Lâu là trung tâm Phật giáo thứ ba, là trụ sở của Giao Chỉ, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Từ Luy Lâu có những tuyến đường thủy, đường bộ nối với hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương.
Tại đây đã xuất hiện sự giao lưu, buôn bán rất sớm, đồng thời các nhà sư cũng đến thực hành và truyền đạo. Tuy sử sách chính thống của Trung Quốc không ghi chép cụ thể, song vào thế kỷ thứ II xuất hiện một trong những tác phẩm Phật giáo sớm nhất viết bằng tiếng Hán, đó là “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử. Và một số người tu luyện trưởng thành đã sang Trung Quốc truyền đạo như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, v.v ...
Có nhà nghiên cứu Phật học cho rằng, trung tâm Phật giáo Luy Lâu hình thành sớm hơn trung tâm Bành Thành và Lạc Dương và chính là nơi truyền Phật giáo sang Bành Thành rồi từ Bành Thành truyền đến Lạc Dương. Nhận định này là có cơ sở, song cần được các nhà sử học tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
1. Luy Lâu - trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa thời kỳ Bắc thuộc
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành bởi tăng lữ thuộc các phái đoàn truyền giáo từ Ấn Độ. Luy Lâu là một trong ba cổ trấn (Cổ Loa, Lung Biền, Luy Lâu) ở Việt Nam thời xưa. Nằm trên bờ sông Đậu, cách sông Đuống khoảng 5 km, Luy Lâu có vị trí thuận lợi, dễ dàng trở thành trung tâm thương mại, có nhiều tuyến đường thủy và bộ đi qua (tuyến đường bộ từ Luy Lâu đến Phả Lại, Đông Triều, Quảng Ninh và biên giới Việt Trung; các tuyến đường thủy từ sông Đậu qua sông Đuống, sông Hồng, hoặc từ sông Thái Bình đổ ra biển Đông).
Vị trí giao thông đó đưa Luy Lâu trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất, là nơi tập trung nông thổ sản, đồ thủ công mỹ nghệ của đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, lâm thổ sản như trầm hương, hương liệu, sừng tê, ngà voi, v.v… của vùng đông bắc và tây bắc Việt Nam cũng được tập trung về Luy Lâu. Cũng từ đây, các sản phẩm như vải vóc, đồ thủy tinh, đồ sành sứ, đường mật, v.v ... của đồng bằng lại được vận chuyển lên vùng trung du và miền núi. Nhờ sản vật phong phú, Luy Lâu chính là nơi diễn ra sự mua bán, trao đổi của các nhà buôn Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á.
Như vậy, với nhiều ưu thế, Luy Lâu đã là trung tâm thương mại lớn có tính quốc tế, người ngoại quốc ngụ cư và qua lại rất đông. Các đoàn sứ thần các nước trước khi đến kinh đô Lạc Dương, Trường An hay Kiến Nghiệp đều dừng lại ở Luy Lâu để nắm bắt tình hình ở Trung Quốc. Đây cũng là địa điểm hợp lý mà các tăng sỹ Ấn Độ, Sri Lanka hay Trung Á dự định sang truyền giáo ở Trung Hoa.
Họ đến Luy Lâu trước đề làm quen với ngôn ngữ, văn tự, phong tục tập quán của người Hán. Chính ở Luy Lâu, họ đã bắt đầu dịch Kinh từ chữ Phạn (Sunskrit) sang chữ Hán bằng việc cộng tác với tăng sỹ người Việt giỏi chữ Hán và chữ Phạn. Chẳng hạn, Khương Tăng Hội (người Khương Cư, Trung Á) đã xuất gia, tu Phật ở Giao Châu, rồi mới qua Giang Đông truyền đạo.
Còn những cao tăng người Hán muốn đi Ấn Độ học đạo cũng tìm cách dừng lại tại Luy Lâu để học chữ Phạn, tiếp xúc với những tăng sỹ Ấn Độ ở Giao Châu, từ đó tìm những tuyến đường thuận lợi đề tới Ấn Độ.
Luy Lâu - một trung tâm chính trị của chính quyền đô hộ phương Bắc trong nhiều thế kỷ. Không phải đến thời Sỹ Nhiếp trung tâm này mới được xây dựng, mà từ trước đó, có thể là từ thời Triệu Đà, vào năm 179 trước Công nguyên. Nhà Hán sau khi chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà, vẫn giữ Luy Lâu làm trị sở của Giao Chỉ. Sách sử của nhà Hán lưu tên 10 huyện của quận Giao Chỉ, trong đó đứng đầu là Luy Lâu.
Sau nhiều lần biến động, đến Sỹ Nhiếp, khi ông nhận chức Thái thú Giao Châu đã có ý định thành lập một vương quốc Nam Việt, tách khỏi Trung Quốc. Ông đã bỏ nhiều công sức để xây Luy Lâu thành một đô thị lớn, một thành lũy vững chắc. Nhưng khi chưa thực hiện được ý đồ bá vương của mình thì ông đã chết, con trai là Sỹ Huy lên thay cha, lúc này Giao Châu bị rơi vào tay nhà Ngô, Luy Lâu bị mất vai trò trung tâm, bị hạ xuống thành một huyện lỵ. Đến thời thuộc Đường, Thái thú Lý Đại Lượng nhận thấy ở Luy Lâu thuận lợi hơn, lại dọn về Luy Lâu.
Tuy nhiên, thời gian này nhân dân Giao Chỉ khởi nghĩa liên tục. Lý Đại Lượng một lần nữa rời Luy Lâu tìm một nơi khác để nương thân. Tới năm Trinh Nguyên (niên hiệu của Đường Đức Tông) (785-905), bọn thống trị lại kéo nhau về Luy Lâu. Nhưng một hôm, viên đỗ họ Lý Nguyên Hỷ ra cửa thành chơi, bỗng thấy dòng sông trước cửa thành chảy ngược, cho đấy là điềm gở, y cho tập hợp quân lính, chạy khỏi Luy Lâu.
Theo “Đại Việt Sử Ký toàn thư” ghi chép: “Mùa đông tháng 11 năm 824, Lý Nguyễn Hỷ nhận thấy ngoài cửa đô thành, có một con sông nước chảy ngược, cho rằng cư dân hay nảy ý phản loạn, bèn chuyển về địa điểm hiện nay, tức “Tống Bình”(1) (Hà Nội ngày nay).
Không chỉ là một trung tâm chính trị và kinh tế, Luy Lâu còn là nơi kết tinh văn hóa. Ngoài các thương nhân và tu sĩ Phật giáo từ Ấn Độ, các thương nhân Trung Đông và Đông Nam Á cũng đến Luy Lâu sinh sống và mang theo cả tri thức khoa học và phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo. Quá trình giao lưu này làm cho ngôn ngữ có cơ hội phát triển, và Luy Lâu trở thành địa điểm tập trung của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Những người buôn bán Ấn Độ, Trung Á, Giava .... đến đây cũng là người có kiến thức, vì vậy, hành trang của họ mang đến không chỉ là hàng hóa cần thiết để trao đổi, mà còn là kiến thức mọi mặt từ quê hương họ, như thiên văn, y học, nông học, phong tục, tín ngưỡng, vv…, đồng thời cái họ mang trở về quê hương còn là văn hóa, kiến thức của Châu Giao, của Á Đông.
Nhờ đó, Luy Lâu đã trở thành nơi hội tụ của các luồng văn hóa, ngôn ngữ - công cụ giao tiếp có điều kiện phát triển. Ngôn ngữ Châu Giao, ngôn ngữ Hán và chữ Phạn đều có dịp được sử dụng trong buôn bán và truyền dạo. Nhiều nhà truyền giáo, nhiều người bản địa thông thạo cả ngôn ngữ Châu Giao, ngôn ngữ Hán và Phạn ngữ. Điều đó rất thuận lợi cho việc giảng dạy và biên dịch kinh Phật, làm cho việc truyền bá Phật giáo diễn ra mạnh mẽ tại Luy Lâu.
Như vậy, từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, người ta có thể phác họa được diện mạo Phật giáo tại Luy Lâu trong những thế kỷ đầu Công nguyên. So với Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo du nhập vào Việt Nam thuận lợi hơn, bởi triết lý và hoạt động của Phật giáo không chỉ phù hợp với nhu cầu tâm linh của người bình dân mà còn gần gũi với các tầng lớp nhân sĩ, trí thức.
2. Sự du nhập của Phật giáo vào Luy Lâu
Vào thời kỳ đầu Công nguyên, sự giao lưu, tiếp xúc của các thương nhân Ấn Độ và các tu sĩ Phật giáo đã mang theo những lễ nghi sinh hoạt tôn giáo, như tụng kinh, chúc phúc cầu nguyện Đức Phật và Bồ tát Quán Thế Âm để được bảo hộ, bình an trong hành trình lênh đênh trên biển; đồng thời cũng hình thành những sinh hoạt tôn giáo như quy y Tam bảo, gìn giữ giới luật, tích đức cho đời sau… Những sinh hoạt tâm linh này phù hợp với niềm tin tôn giáo của đa số người Việt Nam trong bối cảnh họ bị áp bức, cai trị tàn bạo của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Trong “Lĩnh Nam chích quái” có ghi chép lại câu chuyện Chử Đồng Tử đi tu: “Đồng Tử và Tiên Dung lập phố xá buôn bán, giao thiệp với nhiều nhà buôn nước ngoài. Một hôm, Đồng Tử theo một khách buôn ngoại quốc, đi bằng thuyền ra khỏi xứ. Họ ghé lại một hòn núi, tên là Quỳnh Viên để lấy nước ngọt. Dưới núi Quỳnh Viên, Đồng Tử gặp một nhà sư Ấn Độ ở trong một túp lều. Nhà sư giảng đạo cho Đồng Tử. Đồng Tử ở lại đảo học đạo, giao vàng cho bạn để bạn đi buôn giùm mình, hẹn khi về thì ghé lại đón cùng về.
Khi về, Đồng Tử được nhà sư cho một cái gậy và một nón lá, bảo rằng với những vật này có thể làm phép lạ. Sau khi về nước, Đồng Tử giảng Phật Pháp cho Tiên Dung, cả hai người đều giác ngộ, bỏ chuyện buôn bán, đi tìm thầy để học đạo ...”(2).
Câu chuyện trên nói tới các nhà buôn ngoại quốc, có thể họ đều là những thương nhân Ấn Độ, họ đi theo đường biển đến nước ta, trong đó có một nhà tu hành Ấn Độ tu ở ngoài đảo và có phép lạ.
Trong câu chuyện trên, cả Đồng Tử và Tiên Dung đã bỏ việc buôn bán để đi tìm thầy học đạo. Điều đó chứng tỏ đạo Phật có sức hấp dẫn lớn đối với những người dân Việt Nam bình thường...
Mặt khác, sách Ngô Chí có chép một bức thư của Viên Huy gửi cho Thượng thư lệnh Tuân Húc năm 207, trong đó có đoạn ca ngợi Sỹ Nhiếp giữ gìn quận Giao Châu được thái bình trong hơn 20 năm. Ông rất có uy nghi: “Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe đốt hương thường có mấy mươi người... Người Hồ đây chỉ các nhà sư Ấn Độ, lúc bấy giờ đã có nhiều ở Giao Châu và Sỹ Nhiếp bản thân mình cũng mộ đạo Phật, cho nên đi đâu cũng có các nhà sư đi theo(3).
Vào thế kỷ thứ II, người Giao Châu bắt đầu thành lập Tăng già Phật giáo, phiên dịch các kinh điển Phật giáo, xây dựng các bảo tháp và chùa để thờ Phật, Mặt khác, việc biên soạn các tác phẩm Phật giáo, trong đó có tác phẩm “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử. Tác phẩm này đã cung cấp thông tin về tình hình Phật giáo Việt Nam trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Kenneth K.S. Ch’en viết:
“Điểm đầu tiên chúng ta học được từ lời tựa của Mâu Tử là, ngoài các trung tâm Phật giáo ở phía Đông Trung Quốc và Lạc Dương, còn tồn tại một cộng đồng Phật giáo hưng thịnh ở miền Nam Trung Quốc trong thời Hán. Nguồn gốc và sự phát triển ban đầu của cộng đồng này vẫn còn là điều bí ẩn chưa được khám phá, mà chúng tôi biết rằng các thương nhân Ấn Độ đã thực hiện chuyến đi bằng đường biển đến các hải cảng ở Trung Quốc vào thời Hán.
Ngay cả các thương gia từ đế quốc La Mã cũng đã có mặt góp phần vào cuộc giao thương này, khoảng năm 166, một viên quan xưng là đặc phái viên của nhà cầm quyền La Mã có tên An - tun (Marcus Aurelius Antonius) đã đến Trung Quốc bằng đường biển. Trong số đó, các thương nhân từ Ấn Độ chắc chắn là những người theo đạo Phật. Các tu sĩ Phật giáo chắc hẳn đã có mặt.
Ngoài ra, chúng tôi thấy họ được miêu tả trong Mâu Tử là những người cạo đầu, mặc áo choàng màu nghệ tây, ăn ngày một bữa, kiểm soát sáu giác quan, rời bỏ cuộc sống gia đình và sống không vợ con. Khương Tăng Hội, người đã đến Nam Kinh năm 247, được cho là xuất thân trong một gia đình có nguồn gốc từ Sogdia đã di cư đến Tonkin sau khi sinh sống ở Ấn Độ một vài thế hệ”(4).
Tác phẩm “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử gồm ba mươi bảy cặp vấn đáp(5), được coi là một tác phẩm nghiên cứu Phật học đầu tiên được thực hiện bởi một người Trung Quốc.
Tác phẩm đã làm nổi bật tính ưu việt của Phật giáo so với Nho giáo và Lão giáo đương thời: “Đạo Phật giống như giếng trời, Khổng và Lão giống như hang và khe, đạo Phật giống như mặt trời, Khổng, Lão chỉ là ngọn đuốc, đạo Phật là trái là quả, Khổng, Lão chỉ là hoa lá,v.v.”(6). Sự đề cao, nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong so sánh với đạo Nho và đạo Lão càng có ý nghĩa khuyến khích con người tin tưởng, nương tựa nơi Đức Phật.
Tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi bản thân Mâu Tử đã mạnh dạn từ bỏ ý thức tự tôn của người Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp Nho sĩ. Các cặp vấn đáp số 1, 2 và 14, ông cho rằng không phải Trung Quốc mà Ấn Độ mới là trung tâm của thiên hạ, là xứ sở thanh bình: “Đức Phật sở dĩ sinh ra ở Ấn Độ (Thiên Trúc), vì đó là nơi ở giữa trời đất, là nơi trung hòa”(7).
Đồng thời, Mâu Tử còn có những phân tích, giới thiệu nếp sống của các tu sĩ theo đạo Phật. Các câu hỏi số 11 và 12, ông giải thích cách ăn mặc, ứng xử của tăng sỹ Giao Châu thời đó là theo đạo Phật Ấn Độ, khác cách ăn mặc, ứng xử của người thường. Đạo Phật là xuất thế vô vi, không đam mê danh lợi, vật chất nên cách ăn mặc, ứng xử cũng tượng trưng cho tư tưởng xuất thế đó. Đó là nếp sống và quy củ của các tu sĩ Phật giáo ở Việt Nam.
Mặt khác, thông qua việc miêu tả về đời sống của giới tăng sỹ, tu hành, Mâu Tử còn cho thấy vào cuối thế kỷ thứ II, số tăng sỹ ở Giao Châu, bao gồm tăng sỹ ngoại quốc và tăng sỹ bản xứ đã có mặt khá đông đảo. Trong hàng ngũ tăng sỹ lúc đó đã xảy ra nhiều tệ nạn mà Mâu Tử đã chỉ rõ: “Sa môn ngày nay có kẻ lại thích uống rượu ngon, có khi có vợ con, biết cất giữ tiền bạc, của quý, lại chuyên môn lừa dối”(8).
Sự phê phán đó cho thấy, một số tăng sỹ Giao Châu đã phạm phải bốn giới trong ngũ giới, thậm chí là những giới rất cơ bản như: sắc giới, giới vọng ngữ của người tu hành theo Phật giáo tại gia. Điều này thể hiện sự sa sút về phẩm hạnh trong lối tu hành của một số tăng sỹ; mặt khác, tại đây cũng xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan. Song đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ rằng, Phật giáo đã được phát triển lâu dài tại Giao Châu, từ thời vua Hán Minh đế, năm 67 sau Công nguyên.
Như vậy, ngay từ thế kỷ đầu Công nguyên khi vào Việt Nam, Phật giáo đã thể hiện tinh thần độc lập với văn hóa Trung Quốc, đồng thời khẳng định vai trò cốt cán của mình trong việc hỗ trợ các cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước chống lại chính quyền phương Bắc.
Tác phẩm đã làm thay đổi quan điểm của tầng lớp quý tộc và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, giúp người dân đặt niềm tin vào đức Phật đầy quyền năng: “Đức Phật là đấng giác ngộ, thần thông quảng đại, không bị chi phối bởi lửa nước, khí giới, cấu tịnh, thịnh suy, có khả năng du hý tự tại trên không trung và tỏa ánh hào quang lúc tọa thiền”(9).
Như vậy, “Lý Hoặc Luận” xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ II, trong đó có Kinh Tứ thập nhị chương. Bản kinh đã xuất hiện khoảng đầu thế kỷ thứ II và đã được phiên dịch tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Đây cũng là nơi đặt nền móng cho Phật giáo truyền vào đất nước Trung Quốc. Theo Đạo An - nhà Phật học người Hoa thì ông chưa từng biết đến sự lưu hành của Kinh Tử thập nhị chương ở phương Bắc.
Thực tế cũng chứng minh rằng, bộ kinh này không phải được hình thành ở phương Bắc. Paul Pelliot cho rằng kinh này có lẽ được hình thành ở phía Nam sông Dương Tử, tức Luy Lâu. Tuy nhiên, cũng có học giả cho rằng bản dịch cổ xưa nhất của Kinh Tử thập nhị chương vào thế kỷ thứ II Công nguyên là của Trung Quốc, bởi khi đó, Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo của người Việt dưới thời Bắc thuộc.
Bên cạnh Mâu tử, người góp mặt trong hành trình hình thành Phật giáo ở Luy Lâu còn phải kể đến Ma Ha Kỳ Vực và Khương Tăng Hội.
Ma Ha Kỳ Vực là người Ấn Độ, du hành nhiều nơi ở Trung Quốc. Ông đi từ Thiên Trúc đến Phù Nam, đi theo bờ biển đến Giao Châu. Theo sách “Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục” (Mộc bản tại Luy Lâu), Ma Ha Kỳ Vực đã sống tại chùa Pháp Vân ở Luy Lâu, trị sở của Sỹ Nhiếp vào cuối đời Hán Linh Đế (khoảng năm 188-189). Tuy nhiên, về lời lẽ thuyết pháp và cách thức truyền đạo thì sử sách Việt Nam và Trung Quốc đều không ghi chép. Người ta chỉ dự đoán rằng đạo pháp của
ông khi thể hiện ở Trung Hoa thì trước đó đã từng thể hiện ít nhiều ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn có thuật dùng phép chữa bệnh và cũng là một vị sư cao đạo nên được người thường quý trọng và được tôn vinh là vị sư đã đắc đạo.
Khương Tăng Hội (200 - 247) là một trong những người truyền đạo Phật sang miền Giang Đông (Trung Hoa) đã xuất gia tại Giao Châu (miền Bắc Việt Nam) và trở thành bậc thiền sư lỗi lạc rồi tiếp tục qua Trung Hoa truyền giáo. Trong bài tựa kinh “An Ban Thủ ý”, ông viết: “Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng, vừa mới đủ sức vác củi thì mẹ cha đều mất, bậc tam sư cũng viên tịch, nhìn lên mây trời, buồn thấy mình thiếu người chỉ dạy”.
“Bậc tam sư” ở đây chính là ba vị sư (hòa thượng, yết ma, giáo thụ) làm chủ lễ thụ giới cho Tăng Hội. Ở Trung Quốc từ giữa thế kỷ thứ III trở đi mới xuất hiện lễ thụ giới cần đến “bậc tam sư”. Bên cạnh đó, trong cuốn “Lương Cao Tăng Truyện” cho biết cha mẹ Tăng Hội (Trung Á) sang Giao Châu buôn bán, khi ông lên mười thì cha mẹ đều mất. Như vậy, Tăng Hội đã xuất gia, học đạo ở Bắc Việt, thông thạo cả chữ Hán và chữ Phạn ở Bắc Việt Nam, thực hiện chú giải kinh sách tại đây rồi sau đó mới sang Giang Đông truyền đạo.
Trong cuốn “Thiền uyển tập anh ngữ lục” được biên soạn từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII có ghi chép về tình hình Phật giáo Luy Lâu trong thời kỳ đầu. Sách có ghi lại rằng, khi Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) nhà Lý hỏi thiền sư Trí Không (quốc sư Thông Biện) về thời gian đạo Phật truyền vào Giao Châu, nhà sư đã trình bày vắn tắt lịch sử truyền Phật giáo ở nước Trung Hoa và nước ta, đồng thời dẫn lời nhà sư Đàm Thiên (Trung Quốc) về Phật giáo Giao Châu: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Liên Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta. Bây giờ các vị sư Ma - ha - kỳ - vực, Khương Tăng Hội, Chi - cương – Lương. Mâu Bác đến ở đó truyền đạo”(10).
Ngoài ra, sự hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu rất có thể do ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ. Vào khoảng thế kỷ II hai trước Công nguyên, tư trào Phật giáo rất năng động kết hợp tính cởi mở, không cố chấp, không giáo điều với một tinh thần truyền đạo sôi nổi, không quản ngại gian khổ, khó khăn. Với sự xuất hiện của tư trào Đại thừa giáo, Phật giáo có bước phát triển mới, vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan rộng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy được truyền từ Ấn độ vào Việt Nam, song Phật giáo Đại thừa vào Việt Nam đã có sự biến đổi, có những điểm khác biệt so với các nước khác.
3. Đặc điểm Phật giáo Luy Lâu thời kỳ đầu công nguyên
Một là, Phật giáo vào Việt Nam mang tính hòa bình, không gắn với sự xâm lăng như Trung Hoa Đại Hán hay là các nước theo Islam giáo sau này. Các vương quốc được gọi là “Ấn Độ hóa” hình thành tại bán đảo Ma - lai - xi - a, quần đảo Indonesia, Campuchia, Champa vào những năm đầu Công nguyên là độc lập với “chính quốc Ấn Độ”, song cũng có nhiều cố vấn, chuyên gia và tăng sỹ Ấn Độ.
Hai là, Phật giáo hòa nhập, thích nghi với nền văn hóa bản địa. Trong nền văn hóa Ấn Độ hình thành hai nền văn hóa: một nền văn hóa Bà la môn giáo mang tính đẳng cấp sâu sắc và nền văn hóa Phật giáo bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp và chủng tộc, dân tộc.
Bởi vậy, Phật giáo rất khoan dung, khi du nhập vào bất kỳ quốc gia, dân tộc nào cũng dễ dàng thích ứng với phong tục, tập quán và hoàn cảnh lịch sử - chính trị của dân tộc và quốc gia đó: “Những quan niệm về công đức, tam bảo, cúng dường, luân hồi và nghiệp báo… không có quan niệm nào chống đối với Giao Châu thời đó. Thêm vào đó người Giao Châu chưa ai trở thành những tín đồ trung kiên của Khổng, Lão và trang bị ý thức hệ vững chãi, nên Phật giáo không gặp nhiều trở ngại khi đi vào đất Hán. Đạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên và dễ dàng như nước thấm vào đất”(11).
Những đặc tính ưu việt này của Phật giáo lại càng được tăng cường thêm với sự xuất hiện của tư trào Đại thừa giáo đã nói ở trên. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa xuất hiện đầu tiên tại Nam Ấn Độ, rồi có thể phát triển lên Bắc Ấn Độ, vượt biên giới, qua hành lang Trung Á tới Trung Hoa, hoặc là từ đường biển đi đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề này được làm sáng tỏ hơn khi nghiên cứu những địa điểm xuất phát của các đoàn truyền giáo của đạo Phật, đó là bằng tuyến đường biển để đến các nước Đông Nam Á và Viễn Đông. Theo Lonis de la Vallée Ponssin: “tất cả các hải cảng vùng Đông Ấn đều có tham gia vào sự nghiệp chung truyền bá nền văn minh Ấn Độ ra ngoài Ấn Độ, nhưng các hải cảng phía Nam Ấn cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp đó”(12).
Từ những dữ kiện đã khảo lược trên đây, có thể kết luận rằng: trong các thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo ở Luy Lâu đã là một hiện tượng phổ biến và khá phát triển. Sở dĩ như vậy là do Luy Lâu có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng, thuận lợi cho quá trình lan tỏa, phát triển.
Nhiều thế kỷ là trị sở của Giao Chỉ, Luy Lâu có điều kiện truyền bá và phát triển đạo Phật. Tuy kẻ đô hộ ở đây là người phương Bắc có thế giới quan Nho giáo, đạo Hoàng Lão, có tư tưởng bá quyền và thái độ kỳ thị dân tộc thì sẽ không dễ dàng dùng đạo của một đất nước khác. Nhưng thực tế, họ vẫn phải thừa nhận ưu thế của Phật giáo so với Nho giáo và đạo Hoàng Lão trong việc giải thích nỗi khổ, con đường thoát khổ của con người, về vấn đề nghiệp kiếp và về thế giới an lạc, ...
Điều đó làm cho họ dần dần chuyển biến trong nhận thức, thái độ và nhận ra giá trị của Phật giáo là cần thiết. Từ đó cho phép người Thiên Trúc (Ấn Độ) lập am, truyền đạo, thậm chí còn mời họ đến giảng đạo và cầu nguyện cho mình. Tình hình đó đã ảnh hưởng đến người bản xứ và nhân dân trong khu vực, nhiều người ngày càng tin, đi theo đạo Phật.
Tuy nhiên, Phật giáo ở Luy Lâu trong lúc này không hoàn toàn giống Phật giáo của đức Thích Ca, cũng không hoàn toàn giống Phật giáo của Ấn Độ đương thời. Nó đã bị biến đổi do truyền thống tư tưởng và tín ngưỡng của người Châu Giao, người Á Đông. Các nhà sư Ấn độ không muốn như thế nhưng thực tế đã khiến họ phải hoàn toàn chấp nhận sự biến đổi đó.
Ba là, Phật giáo Luy Lâu mang dấu ấn của đạo Hoàng Lão. Trong nhận thức cũng như trong sự giải thích về nó vừa có dấu ấn của đạo Phật, vừa có dấu ấn của đạo Lão “Phù đồ là Phật. Ở Thiên Trúc và Tây Vực có đạo Phật. Phật chữ Hán gọi là giác, điều dạy của nó lấy từ tâm làm chủ, không sát sinh, chuyên thực hiện thanh tịnh. Điều tinh của nó gọi là Sa môn. Sa môn nghĩa chữ Hán là tắt cõi lòng, đại khái là tắt ý thức và vứt bỏ dục, khiến dục quy về vô vi”(13).
Các quan niệm “từ tâm, “không sát sinh” ở trên là của Phật giáo. Khái niệm “vứt bỏ dục”, “vô vi” là của cả Phật giáo và Lão giáo. Không những thế, Phật Thích Ca còn được coi như một vị thần - người có phép thần thông biến hóa như ông thần của đạo sĩ “Phật là tên thụy, như là tên thần của Tam hoàng, thánh của Ngũ đế. Phật là ông tổ đầu tiên của đạo đức, nguồn gốc của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa huyền ảo, phân thân tán thể, có thể còn, có thể mất, có thể nhỏ có thể lớn, có thể tròn, có thể vuông, có thể già, có thể trẻ, có thể biến đi có thể hiện ngay, có thể đi trên lửa mà không cháy, giẫm lên lưỡi dao mà không bị thương, trong chỗ bẩn mà không bị ô nhiễm, trong chỗ họa mà không bị tai ương, muốn đi thì bay, ngồi thì phát sáng, cho nên gọi là Phật”(14). Sự cải biến này cho thấy Phật giáo không còn nguyên bản bản chất của Phật nữa.
Bốn là, Phật giáo Luy Lâu có những nét tương tự như tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp. Trú ngự tai mảnh đất thiên về nông nghiệp, trồng trọt, Phật ở đây được quan niệm như một ông thần hiện diện ở khắp mọi nơi, có thể nắm bắt được mọi nỗi suy tư và hành vi của con người, có thể cứu trợ người tốt và trừng trị kẻ xấu. Đó là chân dung ông Bụt trong truyện “Tấm Cám” có thể che chở người tốt và trừng phạt kẻ ác, xấu.
Phật trong dân gian Việt Nam còn được quan niệm như một vị thần linh có nhiều phép lạ, có thể hóa thành các hiện tượng tự nhiên, hoặc có thể biến các hiện tượng tự nhiên quanh con người thành các vị thần, các vật linh thiêng mang phúc trừ họa như hòn đá và tượng “Tứ Pháp” (Sỹ Nhiếp là người có công cho dựng chùa và tạc tượng “Tứ Pháp”); hình ảnh cái gậy, cái nón lá trong “Truyện Chử Đồng Tử” của Việt Nam.
Tiếp theo đó, Phật giáo từ Luy Lâu đã lan truyền ra khắp đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hình tượng “Tứ pháp” của Luy Lâu được phổ cập ra nhiều nơi. Sau này ở Văn Lâm (thuộc Hưng Yên ngày nay) hay Sơn Tây (vùng hữu ngạn sông Hồng) cũng có thờ “Tứ pháp”. Phật giáo đã góp phần tạo cho Luy Lâu, vùng Dâu một phong tục tốt đẹp, một hình tượng thân thương mà người dân đồng bằng Bắc bộ không bao giờ quên:
“Dù ai buôn bán trăm nghề Nhớ ngày mùng Tám thì về hội Dâu” Hay “Dù ai đi đâu về đâu Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”Việc Phật giáo vào Luy Lâu có những tiếp biến, gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa và phong tục hóa đã thể hiện lòng mong ước và thế giới quan của cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Chính vì vậy, nó có độ bền vững, qua hàng nghìn năm và còn duy trì cho đến tận ngày nay. Sau này, nhiều tông phái Phật giáo khác được truyền vào, nhiều trung tâm Phật giáo khác được kiến lập tại Việt Nam, nhưng Phật giáo Luy Lâu không hề bị phai mờ, vẫn không bị chi phối bởi các tông phái Phật giáo khác mà thay đổi, thể hiện tính chất trường cửu, bền vững trong lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Có thể nói, thực tiễn lịch sử đã hun đúc nên con người Việt Nam sớm có tinh thần yêu chuộng hòa bình, giàu lòng yêu thương, nhân nghĩa, vị tha, khoan dung. Tinh thần đó hòa với tính thiện, từ, bi, hỉ, xả, bình đẳng, bác ái, cùng với tinh thần cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo đã sớm thấm sâu vào tâm hồn người dân Việt Nam, ảnh hưởng trong đời sống người Việt khá đậm nét: “Khác với Nho giáo và hệ tư tưởng khác, Phật giáo cho đến nay vẫn còn tồn tại. Từ khi du nhập, theo suốt chiều dài của lịch sử, Phật giáo luôn có mặt, nó gắn bó mật thiết với dân tộc, nó hầu như đã thấm sâu vào máu thịt của con người trên mảnh đất này. Bởi vì trực tiếp hay gián tiếp, hầu hết người Việt đều bị ảnh hưởng ít nhiều của Phật giáo…”(15).
Có thể nói, trong quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử, dung hợp với tín ngưỡng bản địa để trở thành Phật giáo mang đặc sắc Việt Nam. Tồn tại cho đến ngày nay, Phật giáo tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của đông đảo người dân Việt Nam.
PGs Ts Bùi Thị Tỉnh & ThS. Dương Thị Thu Hiền Khoa Triết học và CNXHKH, Học viện Chính trị CAND Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. TS. Thượng tọa Thích Tâm Đức, Đường đến Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, 2022, Nxb. ĐHQG HN. 3. Ngyễn Lang, 1992, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, HN. 2. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), 1997, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb.CTQG, HN. 5. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), 1993, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. CHÚ THÍCH: (1) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.37. (2) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.29. (3) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.30. (4) Dẫn theo Đường đến Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, 2022, Nxb.ĐHQG HN, tr.43. (5) Mâu Tử (Mâu Bác), sinh khoảng những năm 165-170 ở Thương Ngô, Lưỡng Quảng, Trung Hoa. Là người theo đạo Lão, sau di cư sang Châu Giao, mộ đạo Phật ở Châu Giao và trở thành Phật tử. “Lý Hoặc Luận” là cuốn sách nổi tiếng của ông dưới hình thức vấn đáp, là bộ luận xử lý, giải quyết những điều mê hoặc sai lầm của một số người đương thời về đạo Phật. (6) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.57. (7) Dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.60. (8) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 30. (9) Dẫn theo Đường đến Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, 2022, Nxb.ĐHQG HN, tr.45. (10) Dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.31. (11) Ngyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 1992, tập 1, Nxb. Văn học, HN, tr.48. (12) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.33. (13) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 1988, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.38. (14) Dẫn theo Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tr.39. (15) Nguyễn Tài Thư (chủ biên), 1997, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb.CTQG, HN, tr.239.
Bình luận (0)