Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Dòng thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam thế kỷ VIII-XII

Dòng thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam thế kỷ VIII-XII

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thạc sĩ Mai Thị Huyền
Viện Sử học

Tóm tắt:

Bài viết đề cập đến dòng thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Được khởi truyền từ Vô Ngôn Thông, một thiền sư từ Trung Hoa sang Việt Nam vào năm 820, dòng thiền này đã duy trì và phát triển 15 đời. Số lượng thiền sư của phái này chiếm số lượng đông đảo. So với các dòng thiền khác, Vô Ngôn Thông xuất hiện muộn hơn, song đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, xã hội và được khẳng định là trường phái Phật giáo chủ đạo ở Việt Nam. Các thiền sư đã thể hiện vai trò nhập thế của mình, đóng góp ý kiến đối với triều đình trong việc trị nước, chống giặc ngoại xâm, dùng y thuật chữa bệnh cho nhà vua. Trên lĩnh vực văn hóa, dòng sáng tác của các thiền sư đã để lại dấu ấn quan trọng đối với văn học Việt Nam thời trung đại, trước khi có sự du nhập và phát triển của văn học Nho giáo. Dòng thiền Vô Ngôn Thông đã có những đóng góp to lớn đối với xã hội Việt Nam thế kỷ VIII-XII.

Tag: Phật giáo, thiền sư, Vô ngôn thông, Việt Nam, Lý, Trần…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 1

1. Vài nét về dòng thiền Vô Ngôn Thông

Theo ghi chép trong sách Thiền sư Việt Nam và Thiền Uyển tập anh, thì dòng Phật giáo Vô Ngôn Thông được truyền bá vào Việt Nam vào năm 820 do sư Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa: “Sư họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm, xứ Vũ Châu. Tính sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên thời nhơn gọi là Vô Ngôn Thông […] Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường (820 TL), Sư sang An Nam ở chùa Phù Đồng (Bắc Ninh)”(1). Sách Phật quang đại từ điển cũng có đoạn chép về nguồn gốc, hành trạng của sư: “Vô Ngôn Thông: Thiền sư Trung Quốc, sống vào đời Đường, Sơ tổ pháp thiền Vô ngôn thông của Việt Nam, quê ở Quảng Châu, họ Trịnh […] Vào năm Nguyên hòa 15 (820) đời Đường, sư đến Việt Nam, dừng chân ơ chùa Kiến Sơ tại thôn Phù Đổng, suốt ngày xoay mặt vào vách tọa thiền. Mấy năm sau, đệ tử là Cảm Thành nối pháp sư, rồi lần lượt truyền thừa mà trở thành một phái lớn trong Thiền tông Việt Nam, đó là phái Vô Ngôn Thông”(2).

Kế tục Vô Ngôn Thông, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, đệ tử sau này đã trải qua nhiều đời trụ trì hoặc tu hành ở các chùa ở phía Bắc của Việt Nam. Xin xem bảng thống kê sau đây:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 2 Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 3

Như vậy, thống kê ở bảng 1 cho thấy số lượng Thiền sư của dòng phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII khá lớn, có thể coi là chiếm số lượng lớn nhất trong các giáo phái Phật giáo ở Việt Nam. Tổng cộng có 38 nhà sư và dòng thiền này đã phát triển đến đời thứ 15(3). Đáng chú ý nhất là đời thứ 8, 9, 10 và 14, 15 của dòng phái này đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực Thăng Long và phía Bắc Việt Nam. Các thiền sư thuộc dòng phái này đa phần là người Việt, chỉ có một số ít các thiền sư đến từ Trung Hoa. Ngoài một số thiền sư giữ vai trò trụ trì ở các chùa như đã thống kê, có một số chỉ tu hành trong chùa, còn lại, sử liệu không ghi chép rõ hành trạng và quá trình tu hành của các vị này như thế nào, do vậy, chúng tôi không có điều kiện để đi sâu tìm hiểu.

Trước khi dòng thiền Vô Ngôn Thông có mặt tại Việt Nam, thì đã có sự xuất hiện của dòng thiền Vinitaruci. Đến thời Lý, hai dòng thiền này đã kết hợp với phái Thảo Đường cùng tồn tại và có sự liên quan mật thiết với nhau. Dù xuất hiện muộn hơn so với dòng Vinitaruci, nhưng dòng thiền Vô Ngôn Thông đã thu hút được nhiều tín đồ và giữ vị trí quan trọng trong hệ thống Phật giáo nước ta. Cách thiền tập của dòng Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng nhiều của Thiền tông Trung Quốc: “Thiền phái này chủ trương tính Phật trùm khắp và tư tưởng “Tâm, Phật, chúng sinh” cả 3 không khác nhau, thực hành thiền quán nhìn vách, vận dụng phương pháp hiện thành công án và thể nghiệm của Thiền tông Trung Quốc, là 1 trong các Thiền phái quan trọng của Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ đầu”(4).

2. Đóng góp của các thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đối với Việt Nam thế kỷ VIII- XII

Trên lĩnh vực chính trị

Trong các thế kỷ từ VIII-XII, Phật giáo được nhà nước quân chủ khá quan tâm chú trọng. Dưới thời tiền Lê, Lý, Phật giáo được coi là quốc giáo của Việt Nam. Vua Lê, Lý đã nhiều lần yết kiến các nhà sư, bàn bạc những công việc đại sự của quốc gia. Các nhà sư trong thời kỳ này đã thể hiện vai trò “nhập thế” tích cực của họ đối với đất nước.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 4

Thời Tiền Lê (980- 1009), vua Lê Đại Hành đã cho hỏi ý kiến của các sư đối với các vấn đề quan trọng, đặc biệt là quân sự. Trong đó có Ngô Chân Lưu, pháp danh Khuông Việt thái sư (933-1011), ngoài việc đề xuất những ý tưởng xác đáng, còn thực hành nghi lễ cầu đảo giúp vua chống giặc trong khánh chiến chống Tống năm 981. Tài trí và công trạng của sư đã được ghi chép lại là: “Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất mến phục, phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), vua lại phong Khuông Việt Thái sư”(5) […] Năm Thiên Phúc thứ nhất 981, binh Tống đến quấy nước ta. Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”(6). Đặc biệt, năm 986, khi tiếp sứ nhà Tống, Khuông Việt đã theo lệnh của vua làm một bài thơ tiễn sứ thần.

Dưới thời Lý (1009-1225), các vua triều Lý và hoàng thân của triều đình khá tôn sùng đạo Phật. Sử chép vào các năm 1034, 1036, 1037 triều đình nhà Lý đều có những quy định về mở hội lễ Phật, đắp tượng, vẽ tranh Phật và xây dựng kho để chứa kinh Phật(7). Không những thế, vua Lý còn cho dựng chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng để vua và Thái Hậu có thể học thiền. Năm 1096, Thái Hậu Thánh Cảm Linh Nhân đã đến chùa thiết lễ trai tăng. Một trong những nhà sư được Thái Hậu quý trọng đó là Quốc sư Thông Biện (?-1134) (họ Ngô, quê Đan Phượng) trụ trì tại chùa Quốc tự trong kinh đô Thăng Long. Có thể nói sư Thông Biện đã tỏ rõ sức ảnh hưởng mạnh đến Thái Hậu và những người trong kinh thành bởi đạo đức và trí tuệ của ông. Trong chính sử có đoạn chép: “Bởi kính trọng Sư, Thái Hậu thường triệu thỉnh vào nội và lễ bái phong làm Quốc Sư”(8). Ngoài ra, thiền sư Mãn Giác (1052-1096)(9) được Thái hậu mến mộ gọi là Trưởng Lão khi hỏi về những nội dung giáo lý nhà Phật cũng như lúc trò chuyện bình thường.

Thiền sư Minh Không (1076- 1154)(10) có phép thần thông biến hóa, đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông. Điều này được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “năm 1136, tháng 3, vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư”(11) và trong sách Thiền sư Việt Nam như sau:

Nước Lý có Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông,
Muốn chữa bệnh thiên hạ
Cần được Nguyễn Minh Không.

Thiền sư Minh Không được vua triệu vời vào giúp vua. Ông đã nấu sôi đảnh dầu có 100 cây kim, lấy đó găm vào thân vua, sau khi khỏi bệnh, vua đã tạ ơn Sư 1000 cân vàng và 1000 khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa và không phải nộp thuế(12). Về sự kiện này, tác giả sách Cương mục cũng viết: “Tháng 3, năm 1136, nhà vua có tật, thầy thuốc chữa không công hiệu; Minh Không chữa khỏi, được ban hiệu quốc sư. Lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để cho Minh Không được quyền sử dụng”(13).

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội

Sau khi thoát khỏi ách thống trị của phương Bắc, văn học Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, bên cạnh dòng văn học dân gian, đến thế kỷ X đã có sự xuất hiện của văn học chữ viết. Đóng góp vào lĩnh vực văn học viết này, phải kể đến công lao to lớn của các thiền sư dòng Vô Ngôn Thông. Dù rằng, mục đích của các thiền sư không phải là sáng tác thơ văn, mà chỉ là thông qua các bài kệ thể hiện triết lý nhà Phật, trí tuệ của bản thân và truyền giáo: “Sứ mạng truyền giáo bắt buộc họ phải nghiên cứu học hỏi chín chắn về Hán văn vì tất cả kinh sách Phật giáo đều bằng Hán văn, đem từ Trung Hoa sang.

Ai cũng biết rằng loại văn trong kinh điển rất súc, bóng bẩy, nếu không có một trình độ Hán học cao thâm thì khó mà hiểu và giảng giải được. Vì thế, các nhà Thiền sư, muốn truyền bá giáo lý một cách có hiệu quả, trước tiên phải là những người thâm Nho”(14).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 5

Tác giả Đỗ Thu Hiền cho rằng sáng tác của các thiền sư tạo nên một nền văn chương có yếu tố Phật giáo: “Sáng tác của loại hình tác giả nhà sư là một bức tranh tương đối phức tạp […] trong văn học thời Lý- Trần, số lượng tác giả nhà sư để lại tên tuổi lên tới 43 người, chỉ đứng sau loại hình tác giả nhà nho (53 người) và chủ yếu tập trung ở thời Lý (39 người) […] Thực chất, trước khi văn chương của các nhà nho thống trị nền văn học Việt Nam, đã có một nền văn chương mang nội dung và chịu ảnh hưởng mạnh của Phật giáo nhưng tự thân mang trong mình những yếu tố của nguyên lý mỹ học nho gia”(15). Và đặc biệt, trong số các thiền sư, thì dòng Vô Ngôn Thông có 38 thiền sư đều sáng tác kệ. Thiền sư Vô Ngôn Thông trước khi thị tịch đã để lại kệ như sau:

一切諸法皆從心生
心無所生法無所住
若達心地所住無礙
非遇上根慎勿輕許

Phiên âm:

Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh
Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại.
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.

Dịch:

Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh, pháp không chỗ trụ,
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại
Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy(16).

Như vậy theo Vô Ngôn Thông, tất cả các pháp phải từ tâm mà sinh ra. Như vậy, nếu không có tâm, sẽ không có pháp. Quan điểm này có thể hiểu là nếu không có chỗ trú ngụ, thì sẽ không có điều gì khởi lên trong tâm được. Hay nói khác đi, tất cả những ý niệm, nguồn gốc của mọi sự đều ở bên trong con người mà ra.

Thiền sư Minh Trí (?-1196) đã đưa ra triết lý về sắc và không trong bài kệ:

Tùy phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình.
Sắc tướng giá cá thị
Không không tầm hưởng thinh.

Dịch:

Gió tùy trăng nước mây,
Không bóng cũng không hình,
Sắc tướng chỉ thế ấy,
Trong không tìm tiếng vang(17).

Sắc và không là hai khái niệm của Phật giáo. Theo quan niệm của Phật, thân người là do ngũ uẩn tạo thành. Trong đó bao gồm, sắc uẩn (phần vật chất), thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn (phần tinh thần). Tuy nhiên những uẩn này không tự nhiên mà có, đều do duyên tụ họp mà thành. Vậy điều đó không cố định, thì cũng là không. Vậy nên sắc uẩn không cố định nên nói sắc là không, không là sắc, điều này có ý nghĩa triết học quan trọng. Hiểu theo nghĩa đó, vạn vật sinh ra trên thế gian đều có sinh, trụ, dị, diệt. Đó là quy luật mà không sự vật, hiện tượng nào có thể tránh khỏi. Đó là triết lý vô thường của đạo Phật: “Vô thường: Biến hóa vô định; Phật giáo cho rằng tất cả sự vật trên thế gian đều không nằm ngoài quá trình sinh khởi, biến dị, hoại diệt, nó được gọi là vòng xoay, có tính vô thường. Khiến thời khắc sinh diệt không dừng, gọi là “sát na vô thường”, chỉ mang tính nhất định trong sự liên tục của thời gian, gọi là “tương tục vô thường”(18).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 6

Bài Cáo tật thị chúng (1096) của thiền sư Mãn Giác thể hiện triết lý nhân sinh và quá trình biến đổi của vạn vật:

春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅

Phiên âm:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười,
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai(19).

Bài kệ của thiền sư Mãn Giác cho thấy tất cả đều bị chi phối bởi thời gian, dù là vạn vật hay con người. Cư sĩ Nguyên Giác đã viết: “Ngay khi vừa giác ngộ thì thấy được chuyện sinh tử và Niết bàn chỉ như giấc mộng đêm qua. Chữ đêm (dạ) không có trong câu vừa dẫn, nhưng được hiểu ngầm, ám chỉ những vô lượng kiếp trôi lăn trong vô minh, chập chờn giữa cõi tử sinh, mong cầu đến bến bờ giác ngộ (Niết bàn), thực sự cũng chỉ là giấc mộng đêm qua (tạc mộng). Đó là chuyện đã qua và không còn nữa, không bao giờ còn nữa, khi Trí Huệ Bát Nhã đã bừng lên. Trong cái thấy của Trí Huệ Phật trong giây phút giác ngộ đó, sẽ thấy không có cõi sinh tử nào phải vượt qua, không có một Niết bàn nào phải tìm đến”(20). Dù vạn vật có biển đổi, con người vẫn giữ thái độ lạc quan. Bài kệ của thiền sư là một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa đối với hậu thế về tâm thế của con người trước sự biến hóa của vạn vật cũng như cách ứng xử đối với sự thay đổi đó.

Như vậy, trên lĩnh vực văn học, những bài kệ của các thiền sư đã góp mặt vào văn học Việt Nam với một dòng thơ đặc biệt, văn học thiền, hay nói chính xác hơn là văn học chức năng lễ nghi(21). Nó là một trong những yếu tố văn hóa đặc sắc của Việt Nam thời trung đại, trước khi có sự góp mặt của dòng văn học mang yếu tố Nho giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Dong thien Vo Ngon Thong o Viet Nam the ky VIII XII 7

3. Nhận xét

Như vậy, dòng thiền Vô Ngôn Thông dù xuất hiện muộn hơn so với dòng phái khác ở Việt Nam nhưng đã thể hiện vai trò của tông phái này đối với chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Hòa nhập vào các dòng thiền khác, Vô Ngôn Thông đã giữ vai trò chủ đạo trong Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo được các vương triều tiền Lê, Lý sử dụng và sùng bái. Các nhà sư đã đóng góp những ý kiến xác đáng và quan trọng trong chính trị, quân sự và các việc khác của triều đình. Bản thân họ đã thể hiện vai trò nhập thế tích cực đối với xã hội Việt Nam.

Trên lĩnh vực văn hóa, sáng tác của các thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đã góp phần hình thành nên nền văn học trung đại Việt Nam mang đậm dấu ấn Phật giáo. Không chỉ làm phong phú thêm nền văn học viết của đất nước, các thiền sư còn để lại cho đời sau triết lý về cuộc sống, sự biến đổi của vạn vật… trở thành kho tàng quý báu về triết học và kinh nghiệm ứng xử. Như vậy, các thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đã có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, xã hội và văn hóa Việt Nam thế kỷ VIII-XII.

Thạc sĩ Mai Thị Huyền – Viện Sử học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2021

——————
CHÚ THÍCH:
(1) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973, tr. 25, 27.
(2) Sa Môn Thích Quảng Độ (2000), biên dịch, Phật quang đại từ điển, tập 6, Hội văn hóa giáo dục, Nxb. Linh Sơn, Đài Bắc, tr. 7190.
(3) Chúng tôi tổng hợp theo hai nguồn tài liệu là Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh và Thiền sư Việt Nam thì tổng số đời của dòng Vô Ngôn Thông là 15 đời, ngoài ra, có ý kiến cho rằng dòng thiền này đã phát triển đến 17 đời. Tuy nhiên, không có nhiều tài liệu để chứng minh, nên chúng tôi tạm lấy số liệu là 15 đời.
(3) Sa Môn Thích Quảng Độ (2000), biên dịch, Phật quang đại từ điển, tập 6, Hội văn hóa giáo dục, Nxb. Linh Sơn, Đài Bắc, tr. 7191.
(4) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 41: Về thân thế của Sư như sau: Sư tục danh Ngô Chân Lưu, quê làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, dòng dõi của Ngô Thuận Đế Sư dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc và tinh thần bình thản. Thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên trở vể Phật. Sư thọ giáo với thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển.
(5) Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 180.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư (1993), tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 258, 262.
(7) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 98- 99.
(8) Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): sư có tên tục là Nguyễn Trường, người ở Lũng Chiều, làng An Cách, là đời thứ 8 của dòng Vô Ngôn Thông, trụ trì chùa ở bên cạnh cung Cảnh Hưng thời Lý.
(9) Theo Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, tr. 114, 118 có chép về tên của ông là Không Lộ và về năm sinh, năm mất của ông là 1076-1154, tuy nhiên, còn có tương truyền khác về năm sinh, năm mất của ông là: 1065-1141. Cương mục chép ông quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng tư liệu trích dẫn dựa theo sách Thiền sư Việt Nam.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư (1993), tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 308.
(11) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 118.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, tr. 391.
(13) Thích Mãn Giác (1967), Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam, Ban tu thư đại học Vạn Hạnh, tr.31.
(14) Đỗ Thu Hiền (2018), Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý- Trần, in trong Văn học Việt Nam (thế kỷ X đến thế kỷ XIX) những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương (chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 413.
(15) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 27.
(16) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Sđd, tr. 167.
(17) Nguyên văn: “Anitya, 无 常:变 化 无 定; 佛 教 认为 世 间 一 切 事无 物, 都 在 生起, 变 异, 坏灭的 过 程 中, 迂 流 不居, 绝 无 常 住 性, 故 称。 若 就 时 刻 不 断 的生 灭 上 看, 叫 “刹 那 无 常”, 若 就 它 有 一定 期 间 的 连 续 上看, 叫 “相 续无 常”。 Trích trong 辞 海 (1989), 辞 书 出 版 社, 上海, tr. 744. Tác giả bài viết dịch.
(18) Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, tr. 94; Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 205.
(19) Cư sĩ Nguyên Giác (2016), Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb. Hội nhà văn, tr. 61.
(20) Theo ý của tác giả Nguyễn Đăng Na (2011), Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (107), tr. 28-36.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Cung (2008), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Đại Việt sử ký toàn thư (1993), tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Sa Môn Thích Quảng Độ (2000), biên dịch, Phật quang đại từ điển, tập 6, Hội văn hóa giáo dục, Nxb. Linh Sơn, Đài Bắc.
4. Thích Mãn Giác (1967), Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam, Ban tu thư đại học Vạn Hạnh.
5. Cư sĩ Nguyên Giác (2016), Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb. Hội nhà văn, 2016.
6. Đỗ Thu Hiền (2018), Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý- Trần, in trong Văn học Việt Nam (thế kỷ X đến thế kỷ XIX) những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương (chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 404- 428.
7. Nguyễn Đăng Na (2011), Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (107), tr. 28- 36.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục.
9. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn.
11. Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý- Trần, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. 班班多杰(2008),禅宗在藏传佛教前弘期的传播和对后弘期的影响,历史研,第6期, tr. 52-79.
13. 辞海 (1989), 辞书出版社, 上海.

Chùa Kiến Sơ và dòng thiền Vô Ngôn Thông

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường