1. Bối cảnh chùa Vạn Linh Núi Cấm

Vị trí địa lý của chùa Vạn Linh

An Giang từ lâu đã nổi tiếng với nhiều công trình tâm linh đặc biệt, trong số đó chắc chắn phải kể đến chùa Vạn Linh Núi Cấm. Chùa Vạn Linh là ngôi chùa theo Hệ phái Phật Giáo Bắc Tông, nằm trong Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm. Chùa Vạn Linh tọa lạc trên Núi Cấm, ở độ cao 535m so với mặt nước biển, nay thuộc địa phận ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Chùa Vạn Linh có vị thế rất đặc biệt, lưng tựa vào trên sườn đồi Bồ Hong (đỉnh cao nhất núi Cấm với 716m), mặt hướng về hồ Thủy Liêm, khuôn viên trồng nhiều hoa, cây cảnh, vừa vững chãi, uy nghi, không gian thoáng đãng, hòa quyện, gần gũi cùng thiên nhiên.

Toàn cảnh chùa Vạn Linh - Núi Cấm
Ảnh: st
Toàn cảnh chùa Vạn Linh - Núi Cấm . Ảnh: st

Các mốc lịch sử của chùa 

Năm 1927, chùa Vạn Linh ban đầu có tên là chùa Lá với không gian đơn sơ, mái tranh, vách đất. Chùa do nhà sư Thích Thiện Quang sáng lập.

Năm 1945, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Sợ đối phương lập căn cứ ở đây, nên chính quyền thực dân Pháp ra lệnh không cho dân ở trên núi Cấm nữa. Vì vậy, nhà sư Thiện Quang phải dẫn các đồ đệ xuống núi, và sau đó đến tu ở chùa Linh Bửu thuộc vùng Cầu Bông, Sài Gòn. Năm 1953, Hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch.

Năm 1954, đất nước tạm yên, Trưởng đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang là Hòa thượng Thiện Thành lúc bấy giờ đang tu ở núi Kỳ Hương gần tổ đình Phi Lai (Châu Đốc), bèn cùng với một tăng chúng trở về núi Cấm. Vì nạn binh lửa, chùa cũ đã đổ nát, Hòa thượng Thiện Thành liền cho dựng tạm một ngôi chùa bằng cây lá để có nơi tu hành.

Năm 1958, nhờ một số Phật tử ở Sài Gòn phát tâm ủng hộ tiền của, Hòa thượng Thiện Thành đã cho khởi công trùng tu kiên cố: cột bê tông, tường xây, mái ngói; đến năm 1960 thì xong.

Vài năm sau, chiến tranh lại nổ ra. Năm 1967, theo lệnh của chính quyền tỉnh lúc bấy giờ, người dân lại tản cư xuống núi. Chung số phận, Hòa thượng Thiện Thành cùng tăng chúng đành phải về Tổ đình Phi Lai (Châu Đốc) nương náu. Năm 1970, Hòa thượng Thiện Thành được cử giữ chức Trụ trì tổ đình Phi Lai.

Sau tháng 4 năm 1975, chiến tranh kết thúc. Thấy chùa Vạn Linh lại đổ nát vì bom đạn, Hòa thượng Thiện Thành định cho xây dựng lại, nhưng vì lúc ấy tình hình hãy còn phức tạp, nên không thực hiện được. Năm 1992, Hòa thượng Thiện Thành mất vì bệnh.

Năm 1993, một đệ tử cư sĩ của Hòa thượng Thích Thiện Quang, đã đến thỉnh cầu Hòa thượng Thích Trí Tịnh (cũng là đệ tử Hòa thượng Thích Thiện Quang) lập lại chùa Vạn Linh, và được nhận lời.

Năm 1994, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang), bấy giờ là đương kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mới nhận việc xây dựng ngôi chùa Lá – Vạn Linh trên diện tích khoảng 6 héc-ta. Thượng tọa Thích Hoằng Tri được cử trông coi trực tiếp việc xây dựng ngôi chùa Lá – Vạn Linh nằm ở độ cao 600 mét với các hạng mục: chính điện, nhà tổ, bảo tháp, trai đường, lầu chuông, tháp Tổ,...

Ngày 24 tháng 11 (Âm lịch) năm 2003, Lễ An vị các tượng Phật được tổ chức tại đây, đánh dấu một chặng dài gian khổ xây dựng chùa Vạn Linh, bởi địa hình phức tạp, đường núi gập ghềnh cheo leo, mọi phương tiện đều thiếu thốn,...

Chính điện chùa Vạn Linh. Ảnh: st
Chính điện chùa Vạn Linh. Ảnh: st

2. Kiến trúc, cảnh quan chùa

Chính điện

Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa một khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa phong cảnh u tịch của núi rừng. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định.

Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do điêu khắc gia Hoàng Hữu thực hiện vào năm 1997. Việc vận chuyển pho tượng lên núi vào lúc bấy giờ chỉ có đường rừng là cả một sự kiên trì và sáng tạo của chùa. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu bằng đá Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng do Phật tử Diệu Nghĩa (Úc) cúng dường năm 1996. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu bằng đá Hộ Pháp và Tiêu Diện. Ở hậu điện, Tổ sư Đạt Ma cũng là phù điêu bằng đá.

Vườn Lâm Tỳ Ni tại chùa Vạn Linh. Ảnh: st
Vườn Lâm Tỳ Ni tại chùa Vạn Linh. Ảnh: st

Các công trình bảo tháp đặc biệt

Sân trước chùa có xây nhiều bảo tháp. Trong đó có: Bảo tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang 3 tầng, Tháp chuông hình bát giác cao 2 tầng, tầng trên tôn trí tượng Đức Phật A Di Đà, tầng trệt tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá nguyên khối, đồng thời tại tháp này còn được treo quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn.

Trong số bảo tháp thì nổi bật là Bảo tháp Quan Âm cao 40 mét được xây dựng theo kiến trúc mẫu Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ gồm có 7 tầng (không kể tầng trệt và tầng nóc) để tôn trí thờ nhiều vị Phật, Bồ tát được tạc bằng đá quý. Tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật, Tầng 7 của bảo tháp Quan Âm thờ Xá lợi đức Phật Thích Ca, Tầng 6 thờ Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng đại bi, Tầng 5 thờ Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng đại lực, Tầng 4 thờ Bồ Tát Văn Thù tượng trưng đại trí, Tầng 3 thờ Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng đại hạnh, Tầng 2 thờ Bồ Tát Địa Tạng tượng trưng đại nguyện, tầng 1 thờ Bồ Tát Di Lặc tượng trưng đại từ. Còn tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bảo tháp chùa Vạn Linh. Ảnh: st
Bảo tháp chùa Vạn Linh. Ảnh: st
Tham khảo

wikipedia

https://dulichviet.com.vn/tin-tuc/chua-van-linh-nui-cam-diem-den-linh-thieng-va-noi-tieng-tai-an-giang

https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/chua-van-linh.html