Kinh lá Buông đã được công nhận là di sản văn hóa, là một loại kinh quý hiếm phổ biến của Phật giáo Nam Tông Khmer. Trong đó, chứa đựng các giá trị văn hóa và giá trị lịch sử của một loại hình kinh tạng của Phật giáo Nam tông. Người khmer có tính kiên nhẫn, cần cù, không những dày công duy trì bảo quản giá trị văn hóa mà còn phát huy những giá trị đó qua việc chế tác những kỹ thuật mới.
ThS NCS Thích nữ Lệ Thảo & TT TS Thích Hạnh Tuệ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023
Tóm tắt: Nghiên cứu Kinh lá Buông của Phật giáo Khmer, chúng ta có thể nhận ra rằng, đây chính là hệ thống kinh điển được viết lên lá Buông - một loại kinh quý hiếm của Phật giáo Nam tông Khmer vùng Đông Nam Á, Nam Á nói chung, An Giang - Việt Nam nói riêng. Qua nghiên cứu, tìm hiểu về xuất xứ, nguồn gốc và các kỹ thuật chế tác, điêu khắc kinh lên lá buông của người Khmer tại An Giang, chúng ta thấy được tầm quan trọng của văn hóa chế tác thể loại kinh này của người Khmer xuyên qua quá trình chế tác Kinh lá buông, cũng như thấy được giá trị di sản văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Khmer. Vì vậy việc nghiên cứu những giá trị văn hóa nghệ thuật Phật giáo và đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này, là việc làm cần thiết, góp phần gìn giữ nghệ thuật chế tác kinh lá buông của người Khmer ở An Giang không bị thất truyền, mai một. Từ khóa: Kinh lá buông, Khmer, Văn hóa Phật giáo, An Giang.
1. Đặt vấn đề
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ những giá trị văn hóa, được kết tinh lắng đọng bởi truyền thống của dân tộc xuôi theo dòng chảy từ Bắc vào Nam và dừng chân tại nơi đây. Giữ gìn và phát huy giá trị nền văn hóa đó không thể không nhắc đến cộng đồng người Khmer tại An Giang. Dân tộc Khmer đã có những đóng góp lớn cho văn hóa rất độc đáo, phong phú và giàu bản sắc dân tộc, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, với nhiều lĩnh vực đa dạng, đặc biệt nhất là kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer.
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 1.000 năm lịch sử, khắp miền Đông Á đã diễn ra cuộc thiên di lịch sử. Đó chính là Kinh lá buông, là bộ kinh được xem là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của các loại hình kinh điển Phật giáo ban sơ, được lưu truyền từ Ấn Độ sang Sri Lanka, đến Campuchia và qua Việt Nam.
Theo dòng chảy lịch sử Phật giáo Nam Tông, người Khmer tỉnh An Giang vùng thất sơn đã thừa hưởng kỹ thuật chép kinh lên lá buông và giữ gìn phát huy nền văn hóa nghệ thuật độc đáo đó cho đến ngày nay. Kinh lá buông đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer ở An Giang, do Bộ VHTT & DL công nhận “tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Những khái niệm chung
2.1. Văn hóa
Bình minh lịch sử khi xã hội loài người xuất hiện đã tạo nên nền văn hóa dân tộc. Do đó, khái niệm văn hóa có nội hàm rất rộng, trong phạm vi bài viết, chỉ nêu khái niệm chung UNESCO đã định nghĩa: “Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống có giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã định nghĩa về văn hóa rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(2). Như vậy, văn hóa bao gồm cả hai lĩnh vực chính: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, từ đó con người sẽ nhận thức và sáng tạo theo hướng tích cực và phát triển theo từng thời đại.
2.2. Di sản văn hóa
Theo Luật Di sản văn hoá 2001 (điều 1) có quy định: “Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể”(3).
Di sản văn hoá phi vật thể “là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đồng thời phải có sự thể hiện bản sắc của cộng đồng, luôn luôn được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, truyền miệng, truyền nghề, hoặc trình diễn và các hình thức khác…Như vậy, có thể hiểu nôm na về di sản văn hoá phi vật thể bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống”(4).
Di sản văn hoá vật thể bao gồm: “Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”(5).
3. Tình hình văn hóa xã hội và Phật giáo Nam tông Khmer tại An Giang hiện nay
3.1. Văn hóa xã hội dân tộc Khmer ở An Giang
Dân số: “Theo thống kê dân số hiện nay toàn tỉnh An Giang có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Trong đó, Dân tộc Khmer chiếm 18.512 hộ, chiếm 86.592 người, chiếm gần 92% tổng số dân tộc Khmer trên toàn tỉnh, họ sống tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn”(6).
Về lịch sử: Người Khmer tại An Giang gắn bó mật thiết với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn 1945- 1975, vùng thất sơn vừa là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, vừa là đầu cầu của đường hành lang chiến lược từ Campuchia về miền Tây Nam bộ. Và cũng gắn liền với lịch sử người Khmer ở khu vực ĐBSCL. Theo Nguyễn Khắc Cảnh: “Là dân bản địa kì cựu, hầu hết đều sinh ở Việt Nam nên gọi là người Việt gốc Khmer, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Phong tục và tiếng nói của họ cũng không khác người Khmer ở chánh quốc. Họ sùng bái đạo Phật, tôn kính các sư sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những phẩm vật và tịnh tài để cầu phúc.- Người Chăm và người Mã Lai đến ở vùng Châu Đốc từ năm 1840. Trước kia họ sống ở Cao Miên”(7).
Về tôn giáo: Do dân tộc Khmer vốn chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa và văn minh Ấn Độ, cũng như các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia… Chính vì thế, người Khmer trước đây thường thờ những vị thần theo truyền thống Bà La Môn giáo, vì “trước khi Phật giáo du nhập, đạo Bà La Môn đã được truyền đến Phù Nam. Sau vương triều Phù Nam là vương triều Chân Lạp, Phật giáo Bắc tông đi theo các thương gia Ấn Độ đến xứ sở này và đã một thời thịnh hành ở đây. Sau thế kỷ XIII-XIV, hoàng tử Campuchia truyền bá Phật giáo Nam tông vào mảnh đất này. Lại thêm sự thất bại của người Khmer trước người Xiêm và sự suy tàn của đế chế Angkor, nên người Khmer đã chấp nhận Phật giáo Nam tông như một tôn giáo cứu cánh của mình. Từ đó, Phật giáo Bắc tông đã nhường chỗ cho Phật giáo Nam tông từ Sri Lanka và Miến Điện truyền xuống với giáo luật chặt chẽ và những bộ kinh nguyên thủy chứa đựng giáo lý thực hành phù hợp với dân tộc này. Cũng kể từ đó, Phật giáo Nam tông được truyền vào người Khmer sinh sống tại đồng bằng Nam Bộ Việt Nam”(8). “Tổ tiên Phù Nam sau này là Chân Lạp theo đạo Bà La Môn, đến thế kỷ thứ XII Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam, người Khmer đã theo Phật giáo cho đến ngày nay”(9). Do đó, tôn giáo đã đóng vai trò rất quan trọng trong ý thức hệ xã hội của dân tộc Khmer, người Khmer có truyền thống theo Phật giáo Nam tông thuộc hệ phái Thommazut và Mahanikay.
Về dân tộc: Người Khmer ở An Giang có nhiều mối quan hệ với đồng bào dân tộc Khmer trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia, họ cũng là cộng đồng sở hữu kho tàng di sản văn hoá hết sức đặc sắc và đa dạng. Điểm đặc sắc nói lên bản sắc của dân tộc Khmer “đời sống tâm linh gắn liền với cuộc sống hiện hữu”(10). Qua quá trình cư trú lâu đời vùng đất này và sự giao lưu văn hóa, cùng với sự ảnh hưởng về nền kinh tế, dân tộc Khmer đã dần dần mở rộng không gian cư trú và họ bắt đầu mạnh dạn di cư ra quốc lộ, sống xen kẽ với các tộc Kinh, Hoa, Chăm để dễ làm ăn sinh sống. Chính vì thế, việc giao lưu tiếp biến văn hóa của người Khmer nơi đây ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trước. Tuy nhiên, người Khmer vẫn giữ đặc điểm riêng của mình, phổ biến là hình thái cư trú theo cộng đồng người với tên gọi là “phum(11)” và “sóc”. “Lập phum người ta chọn nơi đất tốt, cao ráo, xác định khuôn viên, trồng tre xung quanh để làm rào khép kín, quay mặt ra đường cái, có cổng ra vào, bên trong ngăn nắp, nhà ở theo thứ tự, từng hộ có làm chuồng trâu, bò, heo, nơi chất rơm khô. Phum rộng còn có chút đất ở phía sau mỗi hộ có thể trồng trọt ít rau, đậu, hành, ớt…”(12). Ngoài ra, dân tộc Khmer còn gắn liền với nghề canh tác lúa nước, đánh cá và nhiều nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm gốm và làm đường thốt nốt.
Về văn hóa: Người Khmer ở An Giang trong một năm có rất nhiều lễ hội gắn với Phậtgiáo Nam tông, điển hình như: “Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Tết Nguyên Đán của người Việt và Hoa), lễ Phật đản, lễ An cư Kiết hạ, lễ Chấm dứt mùa An cư Kiết hạ, lễ Ok-Om-Bok (là lễ cúng trăng vào đêm rằm tháng mười âm lịch hằng năm), lễ Dolta (còn gọi là Pithi Sen Dolta), tức lễ cúng tổ tiên ông bà, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch, lễ Dâng y, và một số phong tục tập quán khác mang đậm tính Phật giáo. Nhìn chung trong mỗi lễ hội đều có những nghi thức và ý nghĩa khác nhau, nhưng hầu hết các lễ hội đều mang tính độc đáo. Họ luôn tổ chức nghi thức lễ hội tại các chùa. Mỗi khi đến ngày lễ hội, người dân Khmer về chùa tụng Kinh niệm Phật với quý Sư và nghe thuyết pháp. Đồng thời, cũng nhân dịp lễ hội, người dân tụ về, cùng nhau tổ chức vui chơi, múa hát và trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Gần đây có thêm nhiều lễ hội như lễ Ok-Om-Bok, hội Đua bò đã được nâng lên cấp khu vực. Từ đó, lễ hội văn hóa Phật giáo Khmer được nâng lên tầm cao mới trong hội nhập văn hóa”(13). Như vậy, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer mặc nhiên trở thành trung tâm văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng của cộng động Khmer.
3.2. Phật giáo Nam Tông Khmer ở An Giang
Theo thống kê toàn miền Nam có 453 ngôi chùa Khmer, giao động hàng năm ước tính khoảng 9.000 vị sư. Trong đó, tỉnh An Giang chiếm 64 ngôi chùa, 45 ngôi chùa hệ phái Mahanikay, 19 ngôi chùa hệ phái Thommazut trong mỗi Phum, Sóc có ít nhất là một ngôi chùa. Ngoài ra có một số chùa bị hư hoại do chiến tranh chưa được khôi phục như: Chùa Thơ May (Mahanikay) xã Cô Tô; Chùa Ka Răng (Thommazut) xã Châu Lăng huyện Tri Tôn; Chùa Vê Răng Quynh (Mahanikay) xã An Hảo huyện Tịnh Biên. Đặc biệt có chùa chuyển hệ phái như Chùa Prey Veng, huyện Tri Tôn, Chùa Saminhnaram, huyện Châu Thành lúc đầu thuộc hệ phái Mahanikay sau đó chuyển Thommazut.
Theo tài liệu “Người Việt gốc Miên” (1969) cho rằng: “Các tỉnh miền Nam Việt Nam có 482 chùa theo phái Mohanikay, 18 chùa theo phái Thommayutt; giáo phái Theravada do Sơn Thái Nguyên thành lập năm 1957, phần lớn các tu sĩ Khmer đều theo giáo phái này(14). Tuy nhiên, giáo phái này trước đây vẫn chưa được Bộ Nội Vụ VNCH công nhận, mãi cho đến năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Hoá Đạo chỉ nhận giáo phái Theravada là đại diện cho giới sư sãi người Việt gốc Miên tại Trung ương. Những chùa chiền người Khmer ở các tỉnh vẫn giữ nguyên giáo phái chính của mình. Đến khi GHPGVN được thành lập năm 1981, Phật giáo Nam tông Khmer chính thức được thành lập và trở thành một phần của GHPGVN. Từ đó, các ngôi chùa cũng được tu sửa và hệ thống giáo dục Nam tông Khmer cũng được thành lập và phát triển rực rỡ”(15).
Về hệ thống tổ chức cơ sở của Phật Giáo Khmer như sau: “Giáo hội trung ương nắm toàn quyền về tổ chức và hành chính. Giáo hội cấp tỉnh có Hội đồng kỹ luật sư sãi (Salakon), do vị Mekhon đứng đầu, Anukhon đứng đầu giáo hội cấp huyện và khu vực xã thì có Upachhlea. Hệ thống cấp bậc trong chùa thì có Sãi Cả trụ trì; dưới Sãi cả có hai Sãi phó và một vị Achar chuyên dạy giáo lý.”(16). Những giáo phái gồm: giáo phái Mohanikay, giáo phái Thommayutt và giáo phái Theravada đã ảnh hưởng cơ cấu tổ chức của Phật giáo ở Campuchia.
Vai trò Phật giáo đối với dân tộc Khmer rất quan trọng, chùa Khmer ngoài chức năng sinh hoạt văn hóa còn đảm nhiệm chức năng giáo dục và chức năng xã hội. Theo truyền thống Phật giáo Phật giáo Khmer nói chung, con trai lớn lên phải vào chùa tu, học kinh và thực hành giáo lý Phật dạy để báo hiếu cho cha mẹ, trở thành người có ích cho xã hội. Sau thời gian tu học, được rèn luyện, nhân cách, nền tảng giáo dục theo Phật giáo, họ mang sự hiểu biết về phụ giúp gia đình và phục vụ cho xã hội. Như vậy, có thể nói rằng, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh mà còn là trường học để giáo dục thanh thiếu niên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chư tôn đức trí thức Khmer đã nắm vững những giá trị tinh hoa tri thức đã tích lũy từ nhiều đời của dân tộc Khmer, từ kinh nghiệm sản xuất đến ngôn ngữ đến nghệ thuật, ứng xử trong cuộc sống...
Ngoài việc tu tập, hướng dẫn đời sống tín ngưỡng tâm linh cho dân tộc, thời gian gần đây, Chư tôn đức Khmer còn là người thầy đào tạo kiến thức phổ thông, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất dạy chữ Việt, chữ Khmer, nhạc ngũ âm và những loại hình văn hóa, truyền thống của dân tộc, truyền dạy vốn sống cho người Khmer qua các thế hệ. Hầu như cả cuộc đời người Khmer luôn gắn với chùa, ngoài những ngày lễ hội, ngày tết… họ vẫn đến chùa dâng cơm cúng chư tăng để cầu phước. Những sự kiện lớn nhỏ trong gia đình dân tộc Khmer đều có sự hiện diện của Phật giáo. “Với họ, từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, rồi về già cho đến lúc chết, mọi vui buồn trong cuộc đời đều gắn với chùa”(17). Điển hình như khi trưởng thành đi tu báo hiếu, khi chết con cháu xuống tóc vào chùa tu báo hiếu là điều rất mãn nguyện.
Ngoài những việc vừa nêu trên các chư tôn đức Khmer còn phải tích cực chăm lo bảo quản, trùng tu cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông khang trang hơn, đặc biệt là phải bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Khmer. Dân tộc Khmer ở An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTT & DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó chính là Lễ hội đua bò bảy núi vào năm 2016 và Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên vào năm 2017.
Di sản chữ viết trên lá Buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức nghệ thuật dân gian, bên trong ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là Kinh Phật. Kinh lá của cây buông, gọi là kinh lá buông (Xatra Slấkrít), đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc, được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali (theo trường phái Thomanadut và Mahainikai), xuất hiện khoảng thế kỷ XIX, là nét đặc trưng của người Khmer An Giang.
Tóm lại, ngôi chùa không chỉ đơn thuần là nơi thờ Phật màcòn cógiá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, là biểu tượng văn hóa tinh thần và vật chất trong khu vực, mỗi ngôi chùa đều có kiến trúc độc đáo riêng biệt. Nguyễn Đăng Duy đã nhận định rằng: “Tư tưởng Phật giáo yêu hòa bình bác ái, làm phước ở thiện, chịu đựng gian khổ về vật chất, sung sướng được cống hiến nhiều cho chùa là phương châm sống trong mọi sinh hoạt đời và đạo của tất cả cộng đồng người Khmer”(18).
4. Nguồn gốc và giá trị văn hóa - nghệ thuật độc đáo của người Khmer An Giang: Chế tác kinh lá buông
4.1. Nguồn gốc và hình dáng lá buông
Nguồn gốc kinh lá buông có hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu nhận định khác nhau. Căn cứ theo nhà nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) nhận định rằng: “Hiện nay, khái niệm “kinh lá” và “kinh lá buông” còn là sự tranh luận của các học giả trong nước và ngoài nước. Cụm từ “palm-leaf manuscripts” được các học giả nước ngoài như H.I.R Hinzler, Narenthiran R,… dùng để chỉ các loại kinh viết trên lá cọ nói chung. Hầu hết các công trình nghiên cứu cũng mới chỉ ra rằng tồn tại loại kinh sách Phật giáo viết trên lá thuộc cây họ cọ, gọi là “palm-leaf tree”. (Narenthiran, Saravaan, & Rammunuja, 2012). Chính vì thế, cây lá buông có được sử dụng trong kinh lá của các quốc gia khác như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar hay không cần nhiều nghiên cứu sâu hơn”(19).
Nguồn gốc kinh lá buông cùng với sự du nhập và sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Theravada từ các nước Nam Á, điển hình như Ấn Độ. “Các nền văn hóa Nam Á từ lâu đã sử dụng lá cọ khô làm “giấy” cho các tư liệu tôn giáo của họ; kinh lá cọ bằng tiếng Tamil, Telugu và Hindi (tiếng Ấn Độ) xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ V (TCN). Do ảnh hưởng của nền văn minh Nam Á, văn hóa Đông Nam Á bao gồm người Java, Indonesia, Khmer, Thái và Chăm đã sử dụng lá cọ theo cách tương tự”.
Theo tác giả Narenthiran R, trước khi có sự xuất hiện của giấy, lá cọ là một loại vật liệu dùng để viết kinh sách thư tịch, văn kiện quan trọng của hầu hết các nước Nam Á và Đông Nam Á. Bởi lẽ, thời sơ kỳ Phật giáo hình thành và phát triển dưới dạng truyền khẩu, chưa có chữ viết. Do đó, những nội dung cốt lõi đôi khi có nhiều sai sót vì trải qua nhiều trung gian, cho nên nhu cầu đặt ra để có hệ thống giáo lý rõ ràng chính xác cần phải kết tập kinh điển bằng chữ viết. Như vậy, kinh lá buông có thể xuất hiện khoảng kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba hoặc thứ tư, tức khoảng năm 20 trước Tây lịch. Theo người viết nghiên cứu, đa phần các nguồn tài liệu đều cho rằng trong hai cuộc kết tập đầu tiên, kinh Phật chỉ được ghi lại bằng ký ức và truyền miệng, kinh điển được khắc lên miếng đồng.
Kinh lá buông được truyền vào Việt Nam có thể từ nhiều con đường khác nhau. Nếu căn cứ lịch sử du nhập của Phật giáo Nam Tông Khmer vào Việt Nam, chúng ta có thể đặt giả thuyết rằng kinh lá buông được lưu truyền qua Việt Nam bằng hai con đường chính: từ Ấn Độ sang Việt Nam và từ Ấn Độ sang Campuchia rồi vào Việt Nam. Theo lời của chư vị Hòa thượng tại một số chùa Khmer, huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên cho rằng: Kinh lá buông chỉ được truyền vào Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XIX, chủ yếu là từ Campuchia. Đó là các bậc tôn túc của quý Ngài truyền lại. Hòa thượng Chau Ty, lại nói rằng: khi lớn lên Sư đã thấy kinh lá buông đã có mặt trong chùa từ lâu rồi. Như vậy, kinh lá buông được truyền vào Việt Nam vào giai đoạn nào đến nay vẫn chưa có tài liệu chính xác nên cần phải nghiên cứu thêm.
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, kinh lá Buông xuất hiện từ thế kỷ XIX là loại thư tịch cổ quý hiếm của người dân tộc Khmer, gồm có 4 loại như: “Kinh Phật; truyện cổ dân gian; hội hè, trò chơi dân gian và bài giáo huấn dân gian”. Tuy nhiên, mặc dù phân ra 4 loại kinh, nhưng tất cả đều có một điểm chung là dạy con người làm lành, lánh dữ và chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như: lễ Phật đản, lễ dâng hoa, dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ Dolta - cúng ông bà…
Về hình dáng cây lá buông (cọ talipot) hay còn gọi là bối đa thụ (cây lá bối) có tên khoa học là Corypha Umbraculifera, mọc chủ yếu ở Sri Lanka và Ấn Độ. Tuổi thọ trung bình của cây lên đến 75 năm. Cây đơm hoa kết trái một lần duy nhất vào cuối vòng đời. Cây lá buông phát triển nhanh ở vùng khí hậu nóng ẩm miền Duyên hải Nam và Đông Nam châu Á. Đặc tính của lá buông là mịn, mềm và dễ viết. Khi lá khô trở nên nhạt màu, dai bền. Đặc biệt kinh chép trên lá buông ít bị giòn vỡ hay mục rã theo thời gian, loại kinh này được phân bố rải rác ở các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, chủ yếu tập trung tại một số chùa ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, một số ít được lưu trữ tại huyện Châu Thành. Tuy nhiên, một số chùa vẫn chưa được tiếp cận với kinh điển này.
4.2. Giá trị văn hóa trong kinh lá buông
Nội dung kinh lá buông chứa đựng những điều Phật dạy về những giáo lý cơ bản của việc làm người, đối nhân xử thế, có những câu chuyện mang tính giáo dục rất cao. Kinh lá buông gồm có: Kinh Phật, tam tạng kinh, truyện Ramayana, truyện Catêlok (rút ra bài học ở đời), truyện kể dân gian Khmer, tục ngữ, thành ngữ,… Đặc biệt là trong đó có cả những câu chuyện kể về lịch sử cuộc đời đức Phật. Tuy vậy, nhưng hầu hết các quyển kinh lá buông, đa phần là những câu thoại hỏi đáp, các bộ kinh thường được sắp xếp theo các chủ đề nhất định. Giá trị văn hóa của kinh lá buông nằm toàn bộ ở nội dung của nó. Qua những giá trị đó, năm 2017, kinh lá buông chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
4.3. Giá trị nghệ thuật chế tác kinh lá Buông độc đáo của người khmer
Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Khmer vùng biên giới tỉnh An Giang được thừa hưởng kỹ thuật chép kinh trên lá của các dân tộc Nam Á, họ đã không ngừng gìn giữ, lưu truyền và phát huy nghệ thuật độc đáo này cho đến ngày nay. Trong đó, có nhiều công đoạn, thao tác đã được cải biên và sáng tạo hơn. Chính điều đó đã tạo nên sự độc đáo trong kỹ thuật chế tác kinh lá buông của đồng bào Khmer ở An Giang. Hiện nay cây lá buông được trồng rải rác tại xã Núi Tô, huyện Tri Tôn.
Theo lời Hòa Thượng Chau Ty, là trụ trì chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết rằng: “Người Khmer có kỹ thuật xử lý nguyên liệu độc đáo riêng, điển hình như, họ sẽ chọn đọt lá tốt và dùng vải quấn quanh những đọt đó lại để ngăn lá mở, đến khoảng một năm sau, khi lá chớm già mới chặt về phơi khô, họ xử lý rất công phu. Họ ép từng chiếc lá bằng những thanh gỗ phẳng, khi lá héo họ rút gân lá, dùng chiều ngang của lá làm khổ giấy chuẩn, mỗi phiến lá dài từ 15 đến 60cm, chiều dọc từ 3 đến 12cm, mỗi lá chặt được từ 3 đến 4 khúc, tiếp theo họ dùng một vật sắc nhọn để rạch trực tiếp trên lá thành những hàng thẳng song song với chiều dài của lá, mỗi lá kẻ được từ 4 đến 5 dòng để khắc kinh. Ngày nay, công nghệ tiến bộ hơn, họ dùng bút mực hoặc bút chì để kẻ trên lá. Trong quá trình khắc kinh cần nhất là sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai tay để nét chữ đều đặn và thẳng hàng, nét bút khắc lên tạo thành những rãnh sâu, dùng mực tẩm lên lá để mực thấm vào chữ đã khắc, lớp mực loan mặt lá sẽ được lau sạch sau khi mực khô, chỉ lưu lại nét văn kinh như dệt thêu trên lá mịn. Tiếp theo, kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách. Nếu có rơi xuống nước thì chữ viết vẫn không bị mất, vì chỉ cần dùng mực hoặc chất liệu có màu đen tẩm lên thì chữ sẽ nổi lên như lúc đầu. Mực được chế tạo từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: từ mùn cưa đốt lên thấy than rồi hòa vào nước, than đá trộn với mật ong, cỏ mực giã nhuyễn lấy nước, trái cau non,… Đó là những tập giấy lá.
Ngoài ra, nghệ thuật đóng quyển của kinh lá cũng rất đặc biệt. Họ trang trí bìa như sách ngày nay, nhưng độc nhất là dây kết nối các tờ Sa-tra thành quyển hoàn chỉnh. Theo sư Chau Ty, để có được dây này phải luồn nhiều sợi tóc vào lỗ tròn được khoan trước đó trên góc lá kinh, sau đó sẽ kết thành vòng tròn khép kín đến độ không sao phát hiện được vị trí của mối nối. Hiện nay, các sãi học trò của sư Chau Ty đã nắm được kỹ thuật viết và rất đam mê, cần mẫn học.
Tuy nhiên, việc chép kinh trên lá buông rất công phu nhưng không tồn tại được lâu bền, vì lá tự nhiên nên sẽ giòn mục theo thời gian và dễ bị côn trùng cắn phá. “Theo nhà sư Chau Sóc Khon, Trụ trì chùa Xvayton (Soài so), (nơi còn lưu giữ nhiều kinh lá buông nhất tỉnh An Giang), để tránh côn trùng làm hư hoại, sau khi bản kinh được hoàn thành, phải phủ lên bằng dầu lửa (dầu hỏa) sau đó mới đóng cuốn và cất giữ. Riêng những trang kinh hư mục sẽ được viết lại và thay thế bản mới”. Những pho Satra cổ hiện nay được lưu trữ khá nhiều trong các thư viện chùa Khmer, nhưng vì đây là chữ cổ nên rất hiếm người biết đọc. Chính vì thế, Stra cổ đang dịch sang tiếng Khmer hiện đại và tiếng Việt để phục vụ cho những độc giả. Đó chính là những giá trị nghệ thuật chế tác độc đáo của người Khmer.
Theo kết quả tài liệu nghiên cứu của các học giả đã khảo sát từ sở Nội vụ An Giang tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tháng 10/2013), về vấn đề tài liệu quý hiếm. Họ cho biết An Giang là một trong những địa phương lưu trữ kinh lá buông nhiều nhất, lưu trữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ Kinh Phật, hơn 730 quyển kinh được lưu trữ rải rác tại các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, chủ yếu tại ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên như Praynven, Xvayton, Soài So... Vào năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục công nhận Xvayton là “ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam”.
Như vậy, điểm qua quá trình chế tác độc đáo của người Khmer, chúng ta thấy họ đã dày công gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, không quản ngại khó khăn gian khổ để khắc lên những nét chữ tinh xảo, thẳng đều trên “giấy” cổ không những có giá trị về mặt nghệ thuật công phu tinh tế mà còn có giá trị về mặt tín ngưỡng tâm linh. Do đó, vấn đề đặt ra là trong thời đại 4.0 hiện nay, tất cả các ngành đều phát triển, phương tiện vật chất rất sung túc, trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, các giá trị tôn giáo cũng từng bước thay đổi, trong đó, kinh lá buông cũng không ngoại lệ, đang dần đứng trước nguy cơ thất truyền. Tỉnh An Giang hiện nay, là một trong những tỉnh có lưu trữ kinh lá buông nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu lưu trữ mà không biết cách bảo quản rất dễ bị mối mọt, hoặc ảnh hưởng bởi thời tiết và các tác nhân khác là hư hoại. Vả lại, hiện nay những nghệ nhân chế tác kinh lá buông rất hiếm, cho nên kinh lá buông ngày càng nhiều nhưng không có người chế tác. Do đó, vấn đề được đặt ra là làm sao để có thể lưu trữ các giá trị chứa trong kinh lá buông, cũng như giữ gìn truyền thống kỹ thuật chế tác độc đáo, đặc sắc lịch sử của nền văn hóa này.
5. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo chữ viết trên lá buông của người Khmer
5.1. Giải pháp từ phía Chính quyền
Theo khảo sát vào tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030, nhằm bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer. Việc làm này có thể là việc làm rất thiết thực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản văn hóa kinh lá buông, là vấn đề rất khó trong thời đại hiện nay, để có phương hướng và giải pháp kịp thời để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, cần được sự hỗ trợ, quan tâm tích cực của các Ban, Ngành, cơ quan chức năng nhà nước.
Giải pháp thứ nhất là, cần phải kiểm kê số lượng lẫn chất lượng kinh lá buông, xác định loại hình di sản, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, địa điểm và giá trị lịch sử của nó. Tức là, tập trung đánh giá xác minh rõ các chi tiết, từ ngôn ngữ viết trên lá cho đến ý nghiã nội dung của kinh được viết để phục hồi di sản. Song song với những việc kiểm kê và xác minh cần phải phát huy những nghiên cứu khoa học để hiểu thêm về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của nó trên khắp miền Đông Nam Á, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, mỗi người dân đều có trách nhiệm tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này.
Giải pháp thứ hai là, cần phải có tổ chức lưu trữ và bảo quản kinh lá buông một cách nghiêm túc như: phân loại kinh lá buông, ghi chú và thường xuyên kiểm tra, báo cáo số lượng còn và thất thoát, hư hoại vì lý do gì để cơ quan chức năng kịp thời đưa ra những giải pháp khác, nhằm hướng dẫn cách bảo quản giữ gìn các bản chữ viết trên lá buông một cách an toàn triệt để hơn. Vì kinh lá buông được quy định là nguồn tài liệu quý giá thuộc sở hữu của nhà nước, nên cần bảo quản an toàn, hợp lý và khoa học.
Giải pháp thứ ba là, chính quyền cần hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để mở các lớp truyền dạy khắc kinh trên lá buông. Phải có khen thưởng khuyến khích người học, cũng như kiểm tra số lượng đầu vào và chất lượng đầu ra theo đúng quy định chương trình giáo dục một cách khoa học chất lượng.
Giải pháp thứ tư là, chính quyền cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi kinh lá buông, nhằm nâng cao nhận thức các cá nhân, cũng như các tổ chức và người phật tử Khmer hiểu nhiều về giá trị di sản văn hóa kinh lá buông, là nguồn tài liệu quý giá của dân tộc, niềm tự hào của dân tộc mà tổ tiên người Khmer đã dày công gìn giữ cho đến ngày nay.
Ngoài các giải pháp vừa nêu trên, chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ kết hợp nhiều giải pháp cùng lúc cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế khách quan. Nhất là cần thực thi các phương pháp nghiên cứu bảo tồn giống cây buông, quy hoạch trồng cây Buông một cách tích cực, khoa học nhằm đảm bảo nhu cầu nguồn nguyên liệu cho việc chế tác, điêu khắc kinh. Song song với việc đó, cần phải khảo sát chặt chẽ và nhập giống cây buông về trồng các khu vực có điều kiện sinh sống phù hợp. Đặc biệt nhất là có kế hoạch dự trữ hỗ trợ nguồn kinh phí thích hợp cho các tự viện, các tổ chức, cá nhân mua cây giống hoặc lá buông đã qua sơ chế để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho việc nghiên cứu và chế tác kinh lá Buông. Đó là một trong những giải pháp thiết thực và hữu hiệu, mong được sự quan tâm,hỗ trợ tích cực từ các Ban, Ngành, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính quyền các cấp mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật chế tác kinh lá Buông của người Khmer ở An Giang góp phần làm phong phú cho di sản văn hóa nước nhà.
5.2. Giải pháp từ phía Phật giáo
Các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam nói chung, ở An Giang nói riêng cần chú trọng quan tâm đến công tác mở lớp học, để truyền dạy khắc kinh lá buông cho các đệ tử và Phật tử Khmer. Tổ chức lớp học cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, người học cần phải rèn luyện kỹ năng một cách liên tục để khi hoàn thành khóa học đạt nhiều chất lượng. Nghệ nhân dạy khắc kinh có thể tạo ra khung sườn để chương trình giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế và có khoa học, nhằm giúp người học có hứng thú và đạt hiệu quả cao. Tổ chức lễ tốt nghiệp ra trường, cấp chứng chỉ, cũng như xếp loại, khen thưởng khích lệ cho những truyền nhân đạt kết quả xuất sắc trong buổi lễ tốt nghiệp. Các chư tăng hợp tác với chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để các truyền nhân tích cực học tập.
Ngoài ra, các chùa cần lồng ghép kinh lá buông vào hoạt động cộng đồng và tôn giáo, cũng như đưa những giá trị, công phu, nghệ thuật khắc kinh độc đáo và ý nghĩa nội dung kinh vào các bài thuyết giảng trong các buổi lễ, các lễ hội để tuyên truyền, phát huy cho các Phật tử nhận thức rõ hơn vì giá trị di sản văn hóa kinh lá buông. Bởi lẽ, chế tác kinh lá buông là cả một quá trình tập trung cả thân và tâm, ngoài các kỹ thuật vừa nêu trên, cần phải có sự chú tâm và tỉ mỉ, đòi hỏi nghệ nhân phải có vốn hiểu biết sâu sắc về đạo Phật, phải biết ngôn ngữ trong kinh lá buông và các giá trị chứa trong nội dung kinh mới có thể chế tác một cách đam mê và có hiệu quả.
6. Kết luận
Kinh lá Buông đã được công nhận là di sản văn hóa, là một loại kinh quý hiếm phổ biến của Phật giáo Nam Tông Khmer. Trong đó, chứa đựng các giá trị văn hóa và giá trị lịch sử của một loại hình kinh tạng của Phật giáo Nam tông. Người khmer có tính kiên nhẫn, cần cù, không những dày công duy trì bảo quản giá trị văn hóa mà còn phát huy những giá trị đó qua việc chế tác những kỹ thuật mới. Điều đó được xem là cả một kho tàng quý báu cho các tín đồ Phật giáo Nam Tông Khmer học tập. Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp, những kiến nghị thiết thực triệt để hơn nữa, nhằm bảo tồn, thể phát triển kinh lá buông khỏi nguy cơ thất truyền. Đồng thời phổ biến tuyên truyền kinh lá buông và các hoạt động thúc đẩy sự nhiệt tâm tham gia của Phật tử người Khmer, nhằm nâng cao nhận thức giá trị kinh lá buông trong cộng đồng, mỗi người đều có trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản vô giá của Văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật nền văn hóa viết kinh trên lá buông là góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng cho nền văn hóa nước nhà trong thời kỳ hội nhập kinh tế văn hóa toàn cầu ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn.
ThS NCS Thích nữ Lệ Thảo & TT TS Thích Hạnh Tuệ Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Trần Quốc Vượng chủ biên (2020), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr.23. (2) Phạm Xuân Nam (2013), Sự đa dạng về văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 32. (3) https://accgroup.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa/Truy cập ngày 1/4/2023. (4) https://accgroup.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa/1/4/2023. (5) https://accgroup.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa/1/4/2023. (6) Phan An (1985), “Nghiên cứu về người Khmer ở Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL)”, Tạp chí Dân tộc học, Số 3.1985 (7) Nguyễn Khắc Cảnh (1998), “Phum sóc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Hà Nội: Nxb. Giáo dục. (8) Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. (9) Lê Hương (1969), Người Việt Gốc Miên, Nxb. Văn Đàn, tr.28. (10) Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên) (2012), Văn Hóa Khmer Nam Bộ Nét Đẹp Trong Bản sắc Văn Hóa Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. (11) Phum, Sóc: là đơn vị cư trú từ 5-7 gia đình, sống quây quần trong một khoảnh đất nhất định, trên những dãi đất cao. Hay nói cách khác, người Khmerđã tập hợp nhau lại thành những thể láng giềng nhỏ và tổ chức nó thành đơn vị tự quản. Mỗi tập hợp định cư trên một địa điểm bám sát đất trồng trọt gọi là Phum. Đơn vị cao hơn là nhiều Phum hợp lại gọi là Sóc. Phum không phải là đơn vị hành chính nhà nước mà là đơn vị xã hội cổ truyền, ràng buộc nhau bởi các phong tục, lễ nghi mà chùa là trung tâm văn hóa. (12) Thạch Voi (1988), “Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long” in trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, tr 22. (13) TS. Nguyễn Nghị Thanh, Ths.NCS Đỗ Thu Hường, Phật giáo Nam tông Khmer An Giang trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nền văn hóa mới https://chuaxaloi.vn/thong-tin/phat-giao-nam-tong-khmer-an-giang/3148.html. Truy cập ngày 29/4/2023. (14) Ngoài một bộ phận nhỏ theo Phật giáo Đại thừa như trường hợp ở tri Tôn, An Giang với 2 ngôi chùa Sway Tông và Kôk Roomdel. Theo Nguyễn Bạt Tụy “Tín ngưỡng dân số-ít gốc miền Nam”, T/c Phương Đông, số 24, tháng 6, năm 1973, tr. 383. Đến đầu thế kỷ XIX, Thiên Chúa giáo mới thâm nhập vào cộng đồng khmer Nam bộ (Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, KHXHND, tr.333). (15) Thích Giác Toàn (2021), Phật giáo du nhập và phát triển tại Nam bộ, in trong “Phật giáo vùng Nam bộ hình thành và phát triển”, Nxb. Hồng Đức, tr.51. (16) Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 333. (17) Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam bộ, Nxb Hà Nội, tr. 225. (18) Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam bộ, Nxb Hà Nội, tr. 182. (19) Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh, Kinh lá buông: Di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer An Giang,25/11/2021. https:// thanhdiavietnamhoc.com/kinh-la-buong-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nguoi-khmer-an-giang/ Truy cập ngày 29/03/2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Phan An (1985), “Nghiên cứu về người Khmer ở Đồng bằng Sông cửu Long (ĐBSCL)”, Tạp chí Dân tộc học, Số 3.1985. 2. Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa (1981), Dân tộc Khmer. Trong các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. 4. Phan An, “Một số vấn đề của Phật giáo Khmer Nam bộ hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 2 năm 2005. 5. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927 - 1975, tập 1, tập 2, Lưu hành nội bộ tại Ban tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang. 6. Ban tuyên giáo Huyện Tri Tôn (2007), Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn, An Giang Văn Nghệ An Giang 7. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 8. Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Nxb. Giáo dục. 9. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam bộ, Nx. Hà Nội 10. Nguyễn Đức Hiệp (2007), An Giang đôi nét văn hóa đặc trưng vùng bán sơn điạ, Hà Nội, Nxb. Phương Đông. 11. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn. 12. Lê Hương (1967), Sử liệu Phù Nam, Nhà sách Quỳnh Lâm. 13. Lê Hương (1968), Sử liệu Chân Lạp, Sài Gòn. 14. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên) (2012), Văn Hóa Khmer Nam Bộ Nét Đẹp Trong Bản sắc Văn Hóa Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật. 15. Phan Văn Kiến (2008), Lịch sử địa phương An Giang, Hà Nội: Nxb. Giáo dục. 16. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, Hà Nội: Nxb. KHXH. 17. Thiện Minh (2003), “Một số đặc điểm trong sinh hoạt của Phật giáo Nam tông”, Nguyệt san Giác ngộ, Số 88- tháng 7/2003. 18. Trần Quốc Vượn chủ biên (2020), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam. 19. Thạch Voi (1988), “Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long” in trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang. 20. Thích Giác Toàn (2021), Phật giáo du nhập và phát triển tại Nam bộ, in trong “Phật giáo vùng Nam bộ hình thành và phát triển”, Nxb. Hồng Đức. 21. Nguyễn Nghị Thanh, Đỗ Thu Hường, Phật giáo Nam tông Khmer An Giang trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nền văn hóa mới https://chuaxaloi.vn/thong-tin/phat-giao-nam-tong-khmer-an-giang/3148.html. 22. Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh, Kinh lá buông: Di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer An Giang,25/11/2021. 23. https://accgroup.vn/quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa/1/4/2023.
Bình luận (0)