Tổng hợp: Vũ Nguyễn Khôi
1. Lịch sử hình thành chùa Hang (Phước Điền Tự)
An Giang nổi tiếng là “vùng đất thiêng” thanh tịnh với những ngôi chùa cổ kính mang đậm nhiều nét đẹp kiến trúc, văn hóa dân gian. Trong đó chùa Hang là một trong những ngôi chùa cực kỳ linh thiêng thu hút nhiều Phật tử cũng như du khách thập phương về đây thưởng ngoạn, hành hương cầu phúc, may mắn. Đây là một ngọn núi nhỏ cao khoảng 284m, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Núi Sam rất nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên với hơn 200 ngôi chùa, miếu, am tập trung tại đây. Các địa điểm tâm linh này nằm rải rác từ chân núi men theo đến triền núi.
Giải nghĩa cái tên Phước Điền: Phước là phước lành, Điền là điền địa (ruộng đất), cái tên Phước Điền có thể hiểu đơn giản là mảnh đất gieo trồng phước lành. Còn dân gian gọi là chùa Hang bởi sự ra đời ngôi chùa gắn với một sự tích được truyền miệng qua nhiều năm thời Ni sư Diệu Thiện. Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia, tọa lạc trên triền núi Sam gần cụm di tích Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu.
Chùa Hang được hình thành từ khoảng năm 1840 – 1850 do bà Lê Thị Thơ (còn được gọi là bà Thơ), pháp danh Diệu Thiện sáng lập. Ban đầu, ngôi chùa chỉ là một chiếc am nhỏ bằng tre lợp vách lá đơn sơ. Năm 1885, cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân ở vùng các xung quanh đã tự quyên góp tiền của, xây dựng tu bổ lại chùa. Xây nền lát gạch tàu, kèo rui gỗ thao lao, cột gỗ căm xe, lợp ngói móc. Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990) đã trùng tu chùa và nâng cấp chùa lần thứ 2. Từ đó đến nay, ngôi chùa cũng nhiều lần được tu bổ và sửa chữa trang trọng.
2. Cảnh quan, kiến trúc chùa Hang
Đặc thù địa hình vùng núi thơ mộng, được bao bọc bởi rừng cây sâu thẳm, nằm trên triền núi Sam nên chùa Hang mang đến cho Phật tử và du khách thập phương một cảm nhận vô cùng tuyệt vời. Một không gian rất hữu tình nhưng cũng không kém phần linh thiêng. Ngôi chùa hơn một trăm tuổi này có tầm nhìn vô cùng thoáng đãng, nên thơ của núi rừng mây trời và không gian yên tĩnh đầy tôn nghiêm.
Từ cánh cổng lớn dưới chân núi, phải chinh phục 300m bậc thang để đến được khu vực chính của chùa Hang. Đường leo lên chùa một bên là bức tường cao do bàn tay con người xây dựng nên, một bên là núi rừng xanh mát, giúp chúng ta dường như quên đi những bước chân mệt nhọc trong hành trình chinh phục chùa Hang.
Nhìn từ khuôn viên chùa sẽ thấy những lớp mái ngói màu đỏ bắt mắt, hài hòa với hệ thống cột gỗ lớn bên trong. Lang thang ở bất cứ đâu tại chùa Hang cũng sẽ có cơ hội khám phá kỹ lưỡng những nét chạm khắc, điêu khắc độc đáo thể hiện tài năng của nhiều thế hệ xây dựng chùa và qua các lần trùng tu. Cây xanh, hoa lá xen kẽ trên tòa điện hay các lối đi, cầu thang tô điểm cho khung cảnh thanh bình, mát mẻ hơn.
Sau khi vượt qua hàng trăm bậc thang, chính điện chùa dần hiện ra trước mắt. Trong làn khói hương nghi ngút, quý Phật tử sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của chùa Hang. Mặt chính của chùa Hang rộng khoảng 11m, mặt bên rộng 10m.
Ngôi thờ Tam Bảo có lối thiết kế độc lạ, ấn tượng, cả bốn bức tường đều được ốp kính tạo hiệu ứng khi nhìn về hướng nào cũng thấy hình ảnh phản chiếu của những bức tượng Phật. Bất kì ai đứng giữa khu vực trang nghiêm này cũng có cảm giác như đang lạc vào cõi Phật linh thiêng, tĩnh lặng.
Ngoài chính điện, các ngóc ngách của hang sâu, vách đá ở chùa Hang cũng được đặt tượng Phật để thờ. Hai bên lối đi có tượng rắn - Linh vật trong truyền thuyết của chùa Hang - Châu Đốc - An Giang. Chính điện được trang hoàng trang nghiêm, với nhiều bức hoành phi và các đầu hồi chạm khắc tinh xảo.
3. Chùa Hang thờ những ai?
Chùa có am thờ tượng Phật Di Lạc, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và 4 vị hộ pháp đứng nhìn về phía chân núi. Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên triền núi.
Phần chính điện của chùa Hang Châu Đốc không quá lớn nhưng rất uy nghiêm và được trang hoàng với những bức phù điêu nghệ thuật ấn tượng. Chính điện là nơi thờ Phật Thích ca cùng một số các vị thần. Nổi bật phía trước chùa có cây phướn chiều cao lên tới 20m cùng những bức tượng linh vật trắng muốt.
Hai tòa bảo tháp cũng chính là nơi thờ tự hai vị sư có công lớn nhất trong việc hình thành chùa Hang. Bảo tháp phía dưới là nơi thờ sư Thích Huệ Thiện, còn tòa tháp phía trên là nơi thờ Ni sư Diệu Thiện (bà Thơ). Chùa còn có công trình mà nhân dân dành để tưởng nhớ vị Phán Thông là người đã có công quyên góp tiền bạc tu dựng chùa lần đầu tiên sau khi bà Diệu Thiện qua đời.
4. Câu chuyện 2 con mãng xà tu tập cùng Ni sư Diệu Thiện tại chùa Hang
Chùa Hang không chỉ nổi tiếng về cảnh sắc say đắm lòng người mà ngôi chùa còn gắn với rất nhiều giai thoại và sự tích ly kỳ. Chùa hình thành từ khoảng năm 1840 – 1850, ban đầu là một am tu bằng tre lá, do bà Thợ tên thật là Lê Thị Thơ (1818 – 1899), pháp danh Diệu Thiện, người làm nghề may ở Chợ Lớn tạo lập để làm nơi tu hành, khi tuổi hãy còn trẻ.
Chuyện kể, trước đây bà Thơ cũng có một gia đình, nhưng vì nhà chồng bà quá hà khắc, nên bà chán nản trốn lên núi Sam, tìm đến chùa Tây An xuống tóc đi tu vừa bốc thuốc trị bệnh, vừa chuông mõ, ước mong sớm dứt nghiệp duyên. Sau thời gian ở chùa Tây An, bà nhận thấy đây cũng không phải nơi phù hợp với mình vì có nhiều người thường xuyên lui tới, chính quyền địa phương nhòm ngó. Bởi vậy, năm 1950, bà rời bỏ Tây An tìm nơi khác tu hành, mong có nơi thanh tịnh. Trên đường, bà gặp một cái hang cách chùa Tây An khoảng 1km, liền dựng am lập nơi tu hành, đó là khởi nguyên ban đầu của Chùa Hang - Châu Đốc - An Giang ngày nay.
Theo giai thoại, kề bên am tu có một hang núi sâu, có đôi mãng xà to lớn dị thường ở trong hang ấy. Nhưng từ khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Dần dần, đôi mãng xà được cảm hóa, thường đến ăn đồ chay, trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ chốn tu hành của bà Thơ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.
Từ xa xưa, vùng đất núi non này gắn với bao huyền thoại, từ bạch hổ đến cọp ba chân, rắn khổng lồ. Nhưng bất cứ loài mãnh thú nào dù hung hãn tới đâu khi nghe tiếng kinh kệ thì cũng được thuần hóa, chỉ ác với kẻ xấu, bênh vực người tu hành, người lương thiện. Vì thế, câu chuyện ly kỳ được truyền miệng về đôi mãng xà gắn với vị Ni sư này giống như lời răn dạy về việc trừng phạt kẻ ác, cứu vớt người lành. Người dân quanh đây đều thuộc lòng truyền thuyết về chùa Hang - Châu Đốc - An Giang.
Tổng hợp: Vũ Nguyễn Khôi
***
Tham khảo
Bình luận (0)