Đặt vấn đề

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần (từ đây gọi tắt là Phật giáo Trúc Lâm) được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba Thiền phái: Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngô Thông và Thảo Đường. Mặt khác còn là dựa trên nền tảng tư tưởng của các vị tiền tổ, đặc biệt là vai trò của vua Trần Thái Tông (1218 – 1277), Trần Thánh Tông (1240 – 1290) và Tuệ Trung Thượng Sỹ (1278 – 1293). Người trực tiếp thiết lập là vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Vua Trần Nhân Tông sau một thời gian làm vua (1278 – 1293), làm Thượng hoàng (1293 – 1299) xuất gia đi tu ở núi Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay)[1] lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông vì vậy là người khai sáng ra Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, là Sơ tổ/ đệ Nhất tổ Trúc Lâm. Người đời tôn xưng là Giác Hoàng Điều Ngự[2] là Phật Hoàng. Vị Tổ thứ hai là Pháp Loa (1284 – 1330). Vị Tổ thứ ba cũng là tổ cuối cùng của Phật giáo Trúc Lâm là Huyền Quang (1254 – 1334).

Đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến tên tuổi và hành trạng của ba vị tổ (Tam tổ) Phật giáo Trúc Lâm. Bài viết này chúng tôi đi vào đề cập đến một chiều cạnh đạo nghiệp của đệ Tam tổ Huyền Quang với hai nội dung: Kế thừa truyền đăng tục diệm và duy trì pháp mạch Phật giáo Trúc Lâm của đệ Tam tổ.

Đệ Tam tổ Huyền quang với sự nghiệp kế thế truyền đăng tục diệm Phật giáo Trúc Lâm

Nhắc lại đôi điều về tên tuổi, hành trạng đệ Tam tổ như là sự khởi đầu cho những nghiên cứu tiếp theo.

Theo cuốn: Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư. “Huyền Quang là đệ Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử, tên thật là Lý Đạo Tái (1254 – 1334) hoặc Trần Đạo Tái (như Toàn Việt thị lục, Hoàng Việt thi tuyển). Ông là người thôn Vạn Tái châu Nam Sách lộ Lạng Giang. Từ nhỏ đã giỏi văn chương, từng ứng thí, đỗ hương thi hội, sung Viện Nội hàn. Sau ông từ chức để xuất gia theo Nhất tổ, được Giác Hoàng giao cho Pháp Loa truyền học. Đến năm 1330, sau khi Pháp Loa mất thì được nối làm Tổ thứ ba của dòng Trúc Lâm. Các tác phẩm của Ông có: Công văn tập, Ngọc Tiên tập, Chư phẩm kinh, Bảo đỉnh hành trì bi chí toàn chương và một số bài thơ phú. Theo điều tra khảo sát, dân gian coi Huyền Quang là ông Tổ của Khoa nghi Phật giáo thời Trần. Ông là một tác gia quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”[3].

Có một vấn đề cần thảo luận: Khi đệ Tam tổ Huyền Quang nối pháp Trúc Lâm đã 77 tuổi. Ông đã là người già yếu. Mặt khác đệ Tam tổ chỉ lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm trong vòng bốn năm rồi viên tịch. Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, sự nghiệp kế thế truyền đăng tục diệm duy trì mạng mạch Giáo hội Trúc Lâm của Ông đã để lại những dấu ấn gì? TS. Thượng tọa Thích Tâm Đức trong cuốn: Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, khi luận về sự “tồn tại ngắn ngủi” của Thiền phái Trúc Lâm đã đưa 3 lý do. Lý do thứ nhất mà tác giả biện dẫn là vai trò của Tam tổ Huyền Quang.

Cuốn sách viết:

Thiền phái Trúc Lâm tồn tại ngắn ngủi vì  những lý do sau đây:

Thứ nhất, Tam tổ Huyền Quang không hoạt động tích cực như Trần Nhân Tông và Pháp Loa. Huyền Quang được bổ nhiệm chức vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm ở tuổi 77 khi đã già yếu. Ông giỏi cả thơ văn lẫn Phật học, tuy nhiên lại hiếm khi đi giảng pháp cho đại chúng, hầu như ông chỉ giảng cho các tăng sĩ trong các tự viện. Ông ít khi tiếp xúc với giới quý tộc. Chùa Vân Yên là trụ sở chính của Thiền phái Trúc Lâm có lẽ đã có sự xung đột do tranh giành chức vị trụ trì. Vì vậy, Huyền Quang đã rút lui về chùa Côn Sơn vào lúc 77 tuổi”[4].

Tiếp sau đó để chứng minh việc Huyền Quang rút lui ở ẩn, tác giả cuốn sách trích 4 câu thơ của Huyền Quang

"Đức bạc thường tàn kế tổ đăng

Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng

Tranh như trục bạn quy sơn khứ

Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng"

(Đức bạc thẹn mình nối tổ đăng

Học theo Hàn, Thập dứt đa đoan

Hãy đi với bạn về non vắng

Rừng núi bao quanh mấy vạn tằng).

Hàn, Thập mà bài thơ nhắc đến là Hàn Sơn và Thập Đắc hai vị sư trứ danh đã lui về núi ở ẩn[5].

Theo chúng tôi đây chỉ là một góc nhìn. Cần thiết phải có một cách nhìn khác. Nhìn từ phương diện tuổi đời đệ Tam tổ cùng thời với Sơ tổ và Nhị tổ. Huyền Quang trước khi được giao trọng trách lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đã cùng sát cánh cùng Sơ tổ và Nhị tổ trong cả hai lĩnh vực kế thế truyền đăng tục diệm và duy trì pháp mạch. Trong duy trì pháp mạch, Sơ tổ đã giao cho Pháp Loa kèm cặp Huyền Quang (vấn đề này sẽ được bài viết trình bày ở phần sau). Nhiều thành tựu mà Sơ tổ và Nhị tổ đạt được có thể nói đều có sự trợ duyên, sự hiện diện của đệ Tam tổ. Khi được giao trọng trách lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, dù rút vào Côn Sơn ở ẩn nhưng những thành quả mà Sơ tổ và Nhị tổ đạt được vẫn được đệ Tam tổ duy trì, xương long.

Vì vậy nghiên cứu về sự nghiệp kế thế truyền đăng tục diệm và duy trì pháp mạch của đệ Tam tổ cần phải “đẩy” thời gian thuộc cả thời gian của Sơ tổ và Nhị tổ lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm. Chỉ có như vậy mới có được cái nhìn thỏa đáng và mới thấy hết được hành trạng của đệ Tam tổ.

Do đó, hành trạng của đệ Tam tổ tiếp cận từ khía cạnh kế thế truyền đăng tục diệm ít nhất ở ba thành tựu:

Tiếp tục duy trì mạng mạch tổ chức Giáo hội;

Đóng góp trong việc bảo tồn, xây dựng chùa cảnh;

Tiếp tăng, độ chúng, xương long Tăng già.

Sau đây bài viết lần lượt đề cập đến từng lĩnh vực trên.

Tiếp tục duy trì mạng mạch tổ chức Giáo hội

Giáo hội Trúc Lâm là Giáo hội được tổ chức quy củ với tổ chức Trung ương và tự viện địa phương. Năm năm sau ngày thành lập và cũng ngần ấy thời gian lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm “Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Điều Ngự đi khắp xóm làng dạy dân chúng từ bỏ các dâm từ và thực hành Thập thiện”[6].

Đường hướng ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến Huyền Quang. Đó trước hết là bởi mối quan hệ thân thiết giữa 3 vị tổ ngay từ những năm tháng đầu tiên Giáo hội Trúc Lâm ra đời.

Sách Tam Tổ thực lục cho biết: “Năm Ất Tỵ, niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh Văn và Bồ Tát cho sư[7] tại liêu Kỳ Lân. Đến đây, sư đã tham học thành tài nên được ban hiệu là Pháp Loa. Cùng năm này, Huyền Quang ban đầu xuất gia ở chùa Lễ Vĩnh, sau đến thọ giới với Bảo Phác. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hưng Long thứ 14 (1306), Điều Ngự đang trụ trì chùa Báo Ân tại Siêu Loại, cử sư làm chủ giảng, Điều Ngự bèn bảo Huyền Quang theo làm thị giả cho mình. Vậy là chỉ sau một năm xuất gia với tài năng học rộng nội, ngoại điển, Huyền Quang đã trở thành người giúp việc đắc lực cho Sơ tổ. Và cũng từ thời điểm này (1306) cho đến khi viên tịch (1334), gần 30  năm, Huyền Quang luôn sát cánh cùng hai Tổ trong các công việc Phật sự."

Trong thời gian làm thị giả cho Điều Ngự (1306) đến khi Điều Ngự viên tịch (1308), Huyền Quang hẳn cùng Điều Ngự đi đến nhiều tự viện trong đó có những tự viện nổi tiếng như Vĩnh Nghiêm, viện Quỳnh Lâm. Theo Tam Tổ thực lục, Huyền Quang đã từng theo Điều Ngự đến chùa Vĩnh Nghiêm. Cần lưu ý, Viện Quỳnh Lâm do Nhị tổ Pháp Loa sáng lập vào tháng 12 năm 1314. Đây là một trong tùng lâm nổi tiếng không chỉ thời Trần mà còn có vị thế nhiều đời vua về sau. Chùa Vĩnh Nghiêm xưa thuộc huyện Phụng Nhãn, nay thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, đây là trụ sở của Trung ương Giáo hội Trúc Lâm. Dưới thời kỳ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội, Ông đã yêu cầu làm sổ Tăng tịch, lưu hồ sơ tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Giáo hội Trúc Lâm không chỉ quy củ cấp Trung ương mà đã hình thành quy củ, lớp lang tại các tự viện nhất là các tự viện lớn[8].

Có một chi tiết rất đáng được đề cập được ghi chép trong Tam Tổ thực lục: “Tháng 12 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Đại Khánh thứ tư (1317) Sư (chỉ Pháp Loa – NHD) bị bệnh nặng, bèn đem y và tâm kệ do Điều Ngự truyền lại cho Huyền Quang, đem pháp khí tích trượng trao cho Cảnh Ngung, Phất tử trao cho Cảnh Huy, Trúc bề Trao cho Tuệ Quán, kinh sách và dụng cụ hành pháp trao cho Tuệ Nhiên, Linh vàng trao cho Hải Ấn, Chày vàng trao cho Tuệ Chúc. Khi sư lành bệnh, Huyền Quang từ khước việc phú chúc ấy”[9].

Sự kiện này cho thấy, Pháp Loa đã nhận ra năng lực Thiền tuệ của Huyền Quang cũng như năng lực có thể thay thế Pháp Loa để điều hành Giáo hội Trúc Lâm của Huyền Quang. Song với tính khiêm nhường khi thấy Pháp Loa lành bệnh ông đã ngay lập tức từ khước. Tính khiêm nhường, buông bỏ danh lợi đau đáu một nỗi niềm với Phật pháp là một trong cốt cách của Huyền Quang khi ông đỗ thủ khoa thi hội, được bổ vào chức hàn lâm, con đường quan lộ mở ra thênh thang nhưng sẵn sàng từ quan đến với cửa thiền. Bởi ông xem cảnh giới Tây phương là thật còn phú quý, vinh hoa chỉ là lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ là hão chẳng mấy chốc rồi sẽ tan biến. Theo Tam Tổ thực lục: “Lúc Tổ (chỉ Huyền Quang – NHD) theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phụng Nhãn thấy Quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ đến chuyện xưa, bùi ngùi than rằng: “Làm quan lên Bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là thật, phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi”. Nhân đó dâng biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Thuở ấy, vua đang tôn sùng Phật giáo, nên Người chấp nhận. Khi được phép vua, Tổ liền thọ giới với thiền sư Pháp Loa, được pháp hiệu là Huyền Quang”[10].

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Đóng góp vào việc bảo tồn, xây dựng chùa cảnh

So với Sơ tổ, đặc biệt là Nhị tổ Pháp Loa trong việc xây dựng tôn tạo chùa cảnh thì Huyền Quang là nhỏ bé. Sở dĩ như vậy cần phải nhìn nhận cả yếu tố chủ quan cũng như khách quan. Huyền Quang nhận trọng trách lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm khi tuổi cao, sức già yếu, thời gian lãnh đạo Giáo hội lại ngắn ngủi. Về vị thế dù đã là quan trong triều nhưng so với Sơ tổ và Nhị tổ nhất là Sơ tổ thì ông không thể nào sánh bằng. Bởi muốn xây dựng chùa cảnh phải có kinh phí. Nguồn kinh phí lại chủ yếu thu nhận từ các vương công quý tộc, công chúa. Có lẽ còn một nguyên nhân trong nội bộ Trung ương Giáo hội Trúc Lâm đến thời Huyền Quang không còn đoàn kết nhất trí, bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Theo TS. Thượng tọa Thích Tâm Đức “Chùa Vân Yên là trụ sở chính của Thiền phái Trúc Lâm có lẽ đã có sự xung đột do tranh giành chức vị trụ trì”.

Có một ngôi già lam được Huyền Quang cho xây dựng vào dịp ông về thăm cha mẹ để tỏ lòng ân đức sinh thành dưỡng dục, một trong tứ trọng ân mà Phật giáo đề cao. “Nhân đó lập một ngôi chùa ở phía Tây nhà, nằm ở phía Đông chùa Ngọc Hoàng, đặt tên là chùa Đại Bi, lấy ý từ câu “Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát – cứu độ cha mẹ quay về đạo Phật” nên có tên là chùa Thầy.

…Việc sư khai sơn ngôi chùa ấy, từ Thiên tử đến thứ dân đều góp công đức bằng vàng bạc của cải không thể kể xiết. Khi chùa hoàn thành, sư mở pháp hội lớn, bốn phương vân tập về đó xem hội hàng muôn nghìn người”[11]. Chùa Đại Bi ắt hẳn phải có quy mô rất lớn.

Chùa tháp thời Trần đặc biệt là chùa tháp được xây dựng dưới thời Sơ tổ và Nhị tổ đều được đệ Tam tổ bảo quản, tu bổ. Sau thời gian Huyền Quang, nhiều tự viện dưới thời Trần tiếp tục được xây dựng, trùng tu, trùng kiến như mở mang chùa Từ Phúc (còn gọi là chùa Hun). Huyền Quang còn xây dựng một tòa tháp có thể xoay được gọi là cửu phẩm liên hoa. Hay như Phật giáo Ninh Bình thời Trần, xung quanh khu vực Hành cung Vũ Lâm với trung tâm điểm là chùa Khai Phúc nhiều chùa chiền tiếp tục được xây dựng với con số lên đến trên 20. Tháp Linh Tế trên núi Non Nước/ Dục Thúy Sơn (ở Thành phố Ninh Bình bây giờ) xây dựng từ thời Lý, theo thời gian đã bị đổ nát. Hòa thượng Trí Nhu đệ tử đắc pháp của đệ Nhị tổ Pháp Loa tiến hành xây dựng lại. Thiền sư Trí Nhu còn xây dựng tháp Hiển Diệu, chùa Kim Cương ở núi Tiềm Long. Đó là dưới triều vua Trần Minh Tông (1300 – 1357).

Sự tàn hủy của thiên nhiên, binh hỏa của các cuộc chiến tranh đã làm cho hầu hết tự viện thời Trần hiện chỉ còn là phế tích.

Tiếp tăng, độ chúng, xương long Tăng già

Một trong những điều kiện để Phật giáo tồn tại là phải luôn duy trì, củng cố hệ thống tổ chức Giáo hội/ Tăng đoàn/ Tăng già. Tăng già được xương long, điều căn bản là phải tiếp tăng độ chúng. Sách Tam Tổ thực lục cho biết “Sư (tức Huyền Quang. NHD) đọc nhiều, học rộng, tinh thông Phật pháp. Tăng, ni theo học kể đến hàng nghìn. Từ ấy, Điều Ngự Giác Hoàng cùng Pháp Loa, Huyền Quang, ba thiền sư đi khắp các chùa danh tiếng trong nước”[12]. Khi đến các chùa, các vị đều tiến hành hoằng pháp, truyền bá tư tưởng Phật Đà cho Tăng chúng và Phật tử. Mỗi khi có sự kiện lớn chẳng hạn như khánh thành chùa, thường có mở pháp hội để giảng giải kinh điển Phật Đà. Sự kiện khi chùa Di Đà hoàn thành, Huyền Quang đã mở pháp hội lớn. Có thể xem đây là Đại pháp hội bởi sự vân tập của “hàng muôn nghìn người”, ở “bốn phương” về tụ hội. Đại pháp hội được tổ chức 7 ngày 7 đêm thì hoàn mãn. Về sự kiện này Tam Tổ thực lục cho biết: “Sư cho đem những tiền của còn lại công đức cho Tăng, Ni các đạo tràng và bố thí cho những người nghèo đói, thiếu thốn. Lại mở một buổi tiệc nhỏ mới họ hàng thân thích trong làng và bạn bè cố cựu, rồi biếu họ vàng bạc, vải vóc để biểu lộ mối thâm tình”.

Đệ Tam Tổ Huyền Quang với sự nghiệp duy trì pháp mạch Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

Tương tự như phần đề cập đến sự nghiệp kế thế truyền đăng tục diệm Phật giáo Trúc Lâm, sự nghiệp duy trì pháp mạch Phật giáo Trúc Lâm thời Trần của đệ Tam tổ Huyền Quang phải được tính từ thời điểm Tổ xuất gia học đạo và được Sơ tổ chọn làm thị giả. Theo Tam Tổ thực lục “Tổ nghe một hiểu mười, có tài Nham Hồi Á Thánh[13] nên được gọi là Tải Đạo. Ông đỗ thủ khoa thi hội, được bổ vào chức quan Hàn lâm[14]. Tổ phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, văn thư qua lại, trích dẫn kinh nghĩa, ứng đối lưu loát. Văn chương ngôn ngữ hơn cả Trung Quốc và các lân bang”[15]. Trí tuệ minh tiệp, thông tuệ kinh nghĩa đặc biệt là Nho học đã là nền tảng để Huyền Quang tiếp nhận giáo lý Phật Đà, biên soạn kinh điển và hình thành nên tư tưởng để từ đó duy trì pháp mạch Giáo hội Trúc Lâm. Vì vậy ở phần nội dung này, bài viết tập trung làm sáng tỏ hai khía cạnh:

Đệ Tam tổ Huyền Quang với việc biên soạn, chú sớ, Phật pháp;

Phật pháp trong tư tưởng của đệ Tam tổ Huyền Quang.

Đệ Tam tổ Huyền Quang với việc biên soạn, chú sớ, Phật pháp

Tuy thụ giới bởi thiền sư Bảo Phác, nhưng đệ Tam tổ Huyền Quang đắc pháp với Nhị tổ Pháp Loa. Ngay từ thời gian đầu thụ giới, Huyền Quang đã được Sơ tổ giao cho Pháp Loa kèm cặp, rèn rũa. Sách Tam tổ thực lục viết: “Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Dậu, niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309) nhân ngày cúng chay cho Nhân Tông (Điều Ngự) trong dịp đại lễ Vu Lan, sư (tức Pháp Loa – NHD) phụng sắc chỉ đến dự và lên tòa thuyết pháp. Cùng tháng ấy, sư tiếp Huyền Quang và bảo: “Ngươi quên những lời di chúc của Điều Ngự rồi sao?”. Từ ấy, Huyền Quang theo sư tham học không rời nửa bước”. Mối quan hệ giữa đệ Nhị tổ và đệ Tam tổ vừa là quan hệ thày trò, vừa là quan hệ giữa hai bậc lương đống. “Vì vậy một số kiến giải của Huyền Quang đều được Nhị tổ Pháp Loa chấp nhận hết”. Năm Tân Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 19 (1311), phụng chiếu khắc bản Đại Tạng kinh trở lại, sư nhờ Bảo Sát chủ trì việc này. Tháng Tư, sư về trụ trì chùa Siêu Loại giảng Truyền Đăng Lục. Lúc thượng đường khi vào thất, Huyền Quang trình kiến giải gì, sư đều chấp nhận”.

Có một câu chuyện kể lại sự đối đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa. Năm 1330 khi ấy Pháp Loa 47 tuổi bị bệnh nặng, trải qua 11 ngày bệnh nặng “vào lúc ban đêm, Huyền Quang vào thăm bệnh, trong lúc ngủ sư kêu “hồng hồng” một tiếng Huyền Quang hỏi: “ngủ với thức đã là một chưa?”.

Sư đáp: “Ngủ với thức một khi y không bệnh”.

Huyền Quang hỏi: “Bệnh với không bệnh đã là một chưa?”.

Sư đáp: “Bệnh cũng không can gì đến y, chẳng bệnh cũng chẳng can gì đến y”.

Huyền Quang hỏi: “Thế thì tại sao lại có tiếng nói thốt ra?”.

Sư đáp: “Tiếng gió thổi qua cây mà quan tâm làm gì”.

Huyền Quang hỏi: “Tiếng gió thổi qua cây thì người ta không lầm, nhưng khi người ta ngủ nói mớ thì có thể làm người ta lầm”.

Sư nói: “Kẻ si mê cũng có thể bị tiếng gió thổi qua cây làm mê lầm lắm”.

Huyền Quang nói: “Chỉ có một bệnh đó mà đến chết cũng chưa khỏi”.

Sư bèn đạp Huyền Quang. Huyền Quang bỏ ra. Từ đó bệnh thuyên giảm dần. Đến ngày 13 người ta dời Pháp Loa về Quỳnh Lâm viện để nằm trong phương trượng… Đến giờ Hợi trong đêm, bệnh nguy kịch, Huyền Quang vào thăm hỏi: “Xưa nay những người sắp lâm chung thì buông đi tốt hay giữ lại tốt?”.

Sư đáp: “Tùy xứ Tát bà ha”[16].

Các môn đồ vào thưa: “Người xưa khi lâm chung đều có kệ dạy, vì sao Thầy không có?”.

Sư quở trách họ, giây lâu bèn ngồi dậy, bảo đem bút đến, viết lớn bài kệ (…) rồi quẳng bút an nhiên viên tịch.

Câu chuyện về sự đối đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa được Nguyễn Lang bình luận trong cuốn: Việt Nam Phật giáo sử luận bao gồm một số ý như: Huyền Quang có ý giúp Pháp Loa trong những giờ phút cuối của cuộc đời, nhằm khích lệ Huyền Quang, mục đích để tìm xem Pháp Loa đã sẵn sàng trước cái chết chưa. Trước câu hỏi của Huyền Quang Pháp Loa giật mình thấy đạo nghiệp của mình chưa thật chín muồi, và mình chưa thực sự sẵn sàng đón nhận giờ phút quan trọng. Việc Pháp Loa đưa chân đạp nhẹ Huyền Quang cho thấy đó là phản ứng biểu lộ một chút giận hờn có tính cách trẻ thơ. Pháp Loa nhận thấy phải sống thêm để hoàn thành cái mà mình tưởng đã chín muồi nhưng thực sự chưa chín. Do đó sau cuộc viếng thăm đầu của Huyền Quang bệnh tình của ông thuyên giảm rất mau. trong thời gian 20 ngày sống thêm, ông đã đạt đến trình độ siêu việt sinh tử. Điều này thể hiện ở việc Huyền Quang thăm Pháp Loa lần thứ hai, với câu hỏi thăm dò và câu trả lời của Pháp Loa “Tùy xứ Tát bà ha”, Huyền Quang mới thực sự hả dạ. Tùy xứ Tát bà ha, đó là sự tự do, là giải thoát”.

Kết thúc bình luận là kết luận của tác giả Nguyễn Lang: “Huyền Quang đã giúp nhiều cho đạo nghiệp của Pháp Loa trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Pháp Loa. Liên hệ giữa Pháp Loa và Huyên Quang, không phải là liên hệ thày trò mà chỉ là liên hệ bạn hữu, dù Huyền Quang là người thừa kế của Pháp Loa”[17].

Qua câu chuyện đối đáp trên, nhìn từ bình luận và kết luận của tác giả Nguyễn Lang cho thấy trước khi được giao trọng trách lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, Huyền Quang đã là một thiền sư uyên thâm Phật pháp. Chính vì vậy mà “Điều Ngự ban cho Sư pháp tòa trầm hương để giảng kinh cho đồ chúng”. Vì vậy nhìn từ góc độ Thiền tuệ của Huyền Quang và Pháp Loa đều là những thạch trụ của Giáo hội Trúc Lâm.

Theo chúng tôi câu chuyện đối đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa vào thời điểm Pháp Loa trọng bệnh để thức nhận trình độ siêu việt sinh tử phải chăng là một Thoại đầu hoặc có thể hiểu như một công án. Nếu như Thoại đầu là một đoạn câu hay một hợp từ để người tu thiền suy tư, nghiền ngẫm tìm ra lẽ đạo, còn biểu hiện của công án là sự đối đáp nhằm lý giải những lý luận ngoài giáo lý của Phật Đà.

Là thị giả của Sơ tổ, đắc pháp với Nhị tổ, “là người đọc nhiều, học rộng, tinh thông Phật pháp”, nên “Điều Ngự lệnh cho sư soạn Chư phẩm kinh và Công văn tập”. Về điểm này, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đề cập rõ hơn: Năm 1306, khi Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại, Bão Phác[18] có đem Huyền Quang về dự lễ này. Trúc Lâm gặp lại Huyền Quang trong hình thái Tăng sĩ, rất mừng biết Huyền Quang là một văn tài, liền đề nghị Bão Phác để Huyền Quang lại phụ tá cho mình. Từ đó Huyền Quang tùy tùng Trúc Lâm và phụ tá cho Trúc Lâm trong hai năm, bởi vì cuối năm 1308 thì Trúc Lâm viên tịch. Tuy hai năm đó, Trúc Lâm đã nhờ Huyền Quang soạn những sách thực dụng sau đây để lưu hành trong Giáo hội Trúc Lâm:

Chư phẩm kinh: Tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng.

Công văn tập: Tuyển tập những bài văn sớ điệp trong các nghi lễ Phật giáo.

Thích khoa giáo: Tập sách giáo khoa về đạo Phật.

Tổ Gia thực lục chép rằng Trúc Lâm rất bằng lòng với công việc của Huyền Quang, khi đọc xong bản thảo Thích khoa giáo, vua ngự bút phê như sau: “phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt chữ nào nữa”[19]. Trúc Lâm bèn bảo thợ cho in khắc sách ấy. Các sách này hẳn cũng được đưa vào Đại tạng đời Trần”[20].

Phải chăng đệ Tam tổ Huyền Quang chỉ có ngần ấy trước tác được ghi vẻn vẹn trong Tam Tổ thực lục mà Nguyễn Lang trong sách: Việt Nam Phật giáo sử luận ghi là Tổ gia thực lục[21]. Sau khi đề cập đến “gốc gác” cuốn Tổ gia thực lục, Nguyễn Lang phân tích, chỉ ra hạn chế của cuốn sách này trong việc ghi chép về những trước tác của Huyền Quang. Nguyễn Lang bắt đầu bằng câu hỏi: Ai đã chép chuyện Huyền Quang? Có thể An Tâm Quốc Sử? Tại sao trong Tổ gia thực lục không thấy có ghi chép những thiền ngữ và những bài kệ tụng của Huyền Quang? Cả đến bài Thị tịch của Huyền Quang cũng không thấy ghi lại. Đứng về phương diện ghi chép ngữ lục, đây là một khuyết điểm lớn, người kế thế của Huyền Quang không thể có khuyết điểm như vậy được. Tổ gia thực lục cũng như lời dẫn nằm ở cuối cuốn sách, nói nhiều tới tính cách linh ứng của Huyền Quang. Đời của Thiền sư bị phủ trong bức màn thần dị, linh thiêng; người thờ phụng đã chỉ chú ý tới mặt này mà không để ý tới mặt tư tưởng và giáo lý của Thiền sư; Phải chăng điều này phản chiếu trạng thái suy đồi của Phật giáo cuối thế kỷ thứ mười bốn và trong suốt thế kỷ thứ mười lăm vào thời Hậu Lê. Lịch sử Phật giáo Trúc Lâm sau Huyền Quang đã không còn lại những ghi chép nào đáng kể có lẽ cũng vì lẽ đó[22].

Phật pháp trong tư tưởng của đệ Tam tổ Huyền Quang

Sự không sao lục, ghi chép đầy đủ, một số trước tác của Huyền Quang vì những lý do khác nhau đã không còn hiện diện là những nguyên nhân cơ bản khiến khó nhận diện chứ đừng nói nhận diện một cách đầy đủ về Phật pháp trong tư tưởng của Huyền Quang. Có lẽ vì vậy mà bàn về Phật pháp trong tư tưởng của Huyền Quang, tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận khai thác từ bài thơ Chùa Diên Hựu, bài kệ chữ Nôm với hai câu cuối bài Phú Vịnh chùa Hoa Yên, và câu chuyện đối đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa bên giường bệnh.

Với bài thơ Chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) một ngôi chùa lúc đầu có tên là Liên Hoa đài. Tên Diên Hựu có nghĩa là ngôi chùa “Phúc lành lâu dài” được xây dựng vào thời Lý Thái Tông mùa Đông năm 1049 và hoàn thiện vào năm 1105 thời vua Lý Nhân Tông qua phân tích của Nguyễn Lang cho thấy, bài thơ đề cập đến Giới và Định là những bức thành ngăn giữ phiền não. Khi tâm hồn không vướng bận, tầm mắt sẽ mở rộng. Thấu đạt được những cặp đối lập: thị - phi; mê - ngộ thì không còn nhị kiến. Lúc ấy không còn đối lập ma – Phật, cảnh nào cũng là cảnh Phật, ma cũng trở thành Phật quốc[23].

Với hai câu thơ ở cuối bài Phú Vịnh chùa Hoa Yên

"Biết được tính ra nên Bụt Thật

Ngại chi non nước cảnh đường xa."

Theo Nguyễn Lang hai câu thơ toát lên ý, nếu ý thức được tự tính giác ngộ sẵn có nơi mình thì sẽ không còn thấy con đường trước mắt xa thẳm nữa.

Về câu chuyện đối đáp giữa Huyền Quang và Pháp Loa trên giường bệnh, theo Nguyễn Lang ở đó toát lên những nét chính của tư tưởng Huyền Quang về vấn đề tu chứng. Tự tu và tu chứng là hai khái niệm chỉ ra đắc quả của Đức Phật cũng như các bậc sa môn. Theo Nguyễn Lang tư tưởng tu chứng qua câu chuyện đối đáp thể hiện ở 3 ý:

1 – Sống và chết chẳng qua là hai phương diện cùng một thực tại… Thực tại này không vì sinh mà có, không vì diệt mà mất.

2 – Nếu thực chứng được thực tại bất sinh, bất diệt ấy nơi bản thân sẽ đạt đạo và thoát khỏi sinh tử, hoàn toàn tự do.

3 – Chưa thực chứng được thì những lời tuyên bố về thực tại chỉ có tác dụng làm cho kẻ khác lầm lạc. Bản chất của Phật giáo là sự thực chứng mà không phải là kiến thức thu thập được từ giáo điều và thày tổ[24].

Phật pháp còn thể hiện trong một số bài thơ của Huyền Quang. Trước khi đến với cửa thiền, Huyền Quang là một Nho thần. Những bài thơ ông sáng tác phần nhiều đượm tính Thiền vị, chẳng hạn như đoạn phú trong bài Vịnh Vân Yên tự phú

"Rũ không thay thảy áng phồn hoa,

Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà

Khuya sớm rạng giong đèn Bát Nhã

Hôm mai rửa sạch nước Ma Ha

Lòng Thiền vặc vặc trăng soi giãi

Thế sự hưu hưu gió thổi qua[25]."

Huyền Quang yêu cỏ cây, hoa lá, sống tự tại hòa đồng với thiên nhiên thanh tịnh. Loài hoa mà ông yêu là hoa cúc. Bởi:

"Khi mọi loài hoa rơi chật đất

Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn."

Các loài hoa khác khi mãn khai, từng cánh sẽ rơi. Riêng hoa cúc thì không. Các cánh hoa vẫn bền kết bên nhau. Hoa cúc lại nở vào cuối thu, đầu đông khi tiết trời đã lạnh với gió sương. Phải chăng ông yêu hoa cúc như lẽ sự giãi bày của một người đã về già, thiền định, vô ưu, tự tại và “vẫn chưa tàn” với gió sương. Người với hoa, hoa với người trở nên “vô biệt”.

"Người ở trên lầu, hoa dưới sân

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông

Hồn nhiên người với hoa vô biệt

Một đóa hoa vàng chợt nở tung[26]."

Thiền vị trong thơ Huyền Quang nhẹ nhàng, bình dị “ít nặng nề danh từ Phật giáo”.

Bàn về thơ văn của Huyền Quang, Nguyễn Lang đặt tiêu đề Nhà thi sĩ khi cho rằng Huyền Quang vừa là tăng sĩ nhưng cũng là nghệ sĩ. Tuy nhiên qua một số bài thơ như Hoa cúc, Đầu thu, Đi thuyền còn cho thấy phảng phất Nho đạo, bởi Huyền Quang trước hết và bắt đầu là bậc túc Nho am tường điển nghĩa.

Kết luận

Đạo nghiệp của đệ Tam tổ Huyền Quang dù chỉ tiếp cận ở hai chiều cạnh như bài viết đề cập đều phải bắt đầu từ thời gian Ông đầu Phật. Rộng hơn là từ thời điểm Ông đỗ thủ khoa khoa thi hội đứng vào hàng Nho thần của triều chính. Vì vậy nếu chỉ tính thời điểm 4 năm Huyền Quang được giao trọng trách lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm để đề cập đến đạo nghiệp của Ông thì đó là một hạn chế không thể chấp nhận.

Có thể khẳng định, đệ Tam tổ Huyền Quang là người góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp kế thế truyền đăng tục diệm Giáo hội Trúc Lâm ngay từ khi Ông được Sơ tổ chọn làm thị giả. Tiếp đó là sự hợp lực của Ông với Nhị tổ Pháp Loa để ngọn đèn thiền Phật giáo Trúc Lâm luôn tỏa rạng.

Nhìn từ sự nghiệp duy trì pháp mạch, dù phần lớn các trước tác của đệ Tam tổ không còn hiện diện, nhưng bài viết cho thấy phần nào tư tưởng thiền tuệ của Ông. Tuy tham học với Pháp Loa, nhưng qua câu chuyện trao đổi giữa Ông với Pháp Loa khi Pháp Loa trên giường bệnh cho thấy nhìn từ thiền học, Ông hoàn toàn xứng đáng là bạn hữu với Pháp Loa.

Một cách nhìn rộng hơn, tư tưởng của Huyền Quang chứa đựng tất cả tư tưởng của Sơ tổ và Nhị tổ như các tư tưởng “Lấy dân làm gốc – đồng hành cùng dân tộc; tư tưởng “Dân vi bang bản”, tư tưởng hòa hợp dân tộc – Tam giáo tịnh hành; tư tưởng đạo đức – minh tâm kiến tính”[27].

Tài liệu tham khảo

Thượng tọa Thích Tâm Đức, Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam (Thích Phước Như dịch), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2022.

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Phương Đông, 2012.

Thượng tọa, TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Trúc Lâm Yên Tử tùng thư, Khoa học xã hội, 2018.

Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995.

Viện Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nxb. Đại học Quốc gia 2021.

Chú thích

[1] Trên thực tế, năm 1295, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia tại Hành cung Vũ Lâm (thuộc tỉnh Ninh Bình bây giờ). Song do công việc chính sự, Thượng hoàng vẫn chưa dành toàn thời gian cho việc tu tập. Từ Hành cung Vũ Lâm Thượng hoàng vẫn qua lại Thiên Trường (thuộc Nam Định bây giờ) đặc biệt là về Thăng Long để giúp vua Trần Anh Tông điều hành đất nước. Năm 1290, Thượng hoàng mới chính thức xuất gia lần hai, dành toàn thời gian cho việc tu hành.

[2] Giác hoàng chỉ vị vua giác ngộ Phật pháp.

[3] Thượng tọa, TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên), Trúc Lâm Yên Tử tùng thư, Nxb. Khoa học xã hội, 2018, tr 456.

[4] Viện Trần Nhân Tông, TS. Thượng tọa Thích Tâm Đức, Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam (người dịch Thích Phước Như), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2022, tr. 154.

[5] Xem: Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, Sđd, tr. 154.

[6] Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1995, Bản PDF, tr 9.

[7] Sư ở đây là chỉ Pháp Loa.

[8] Xem mục: Sinh hoạt trong tự viện trong cuốn: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, 2012, tr 373.

[9] Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Sđd, tr 25.

[10] Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Sđd, tr 46-47. Tuy nhiên Tam Tổ thực lục có sự nhầm lẫn. Theo bản tiểu sử của Pháp Loa thì Huyền Quang là đệ tử của Bảo Phác, ở chùa Vũ Ninh.

[11] Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Sđd, tr 48.

[12] Thích Phước Sơn (Dịch và chú giải), Tam Tổ thực lục, Sđd, tr 47.

[13] Nhan Hồi (521-481 TCN) là đồ đệ yêu quý của Khổng Tử và là một trong những nhân vật của Nho giáo được tôn kính nhất. Trong Văn Miếu ông được thờ tự và được xem là một trong tứ phối.

[14] Người được bổ nhiệm chức quan Hàn lâm sẽ làm việc tại Hàn lâm viện. Một cơ quan của Triều đình gồm các học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu chỉ, sắc, dụ, chế.

[15] Từ đây những đoạn trong ngoặc kép là trích dẫn từ cuốn Tam Tổ thực lục, Sđd.

[16] Tát bà ha, Từ dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là cứu cánh, viên mãn, thành tựu, cát tường (chú thích của sách Tam Tổ thực lục).

[17] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, năm 2012, tr 271 - 272.

[18] Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, ghi là Bão Phác còn Tam Tổ thực lục ghi là Bảo Phác. Về phần mình, chúng tôi theo cách phiên âm của sách Tam Tổ thực lục.

[19] Sách Tam Tổ thực lục ghi: “Điều ngự… lại ra lệnh cho sư soạn Chư Phẩm kinh và Công Văn Tập.v.v… và ngự bút ghi vào Thích Khoa giáo: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào”, rồi sai thợ đem in để truyền cho đời, và ban thưởng vàng bạc vô số (Sđd, tr 47).

[20] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 266.

[21] Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, cho biết về lai lịch cuốn sách Tổ gia thực lục để rồi đi đến kết luận: “Có thể nói rằng Tổ gia thực lục đã được tìm ra và ghép vào hai phần trước (nói về Trúc Lâm và Pháp Loa) để thành ra sách Tam Tổ thực lục và lưu hành rộng rãi vào giữa nửa thế kỷ XVI”, (Sđd, tr 263 – 264).

[22] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 264.

[23] Bài thơ bằng chữ Hán được Nguyễn Lang dịch như sau:

Thành ngăn tục lụy trần không vướng

Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm

Thấy được thị phi cùng một hướng

Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung. Sđd, tr. 277

[24] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 276 - 277.

[25] Thượng tọa, TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên), Trúc Lâm Yên Tử tùng thư, Sđd, tr 468.

[26] Xem: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 273.

[27] Thượng tọa, TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên), Trúc Lâm Yên Tử tùng thư, Sđd, tr 41-67.

Tác giả: PGs Ts Nguyễn Hồng Dương