Tác giả: GS,TS Nguyễn Hùng Hậu - Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
Tóm tắt: Hành cung Vũ Lâm không chỉ là thánh địa, căn cứ quân sự của nhà Trần, mà còn là chiến địa, với phong cảnh bồng lai kỳ thú, sơn thủy hữu tình, được vua Trần Thái Tông xây dựng vào năm 1258. Đây cũng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên, được nói rõ trong Đại Việt sử ký và trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ. Ngôi chùa mà Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông tu hành, chùa Khai Phúc, hiện nay vẫn còn khá đơn sơ và không có danh phận. Vậy, hãy trả lại cho di tích này danh phận mà nó vốn có.
Từ khóa: Trần Nhân tông, Hành cung Vũ Lâm
Hành cung Vũ Lâm là một căn cứ quân sự thời Trần, phía Nam kinh đô Hoa Lư. Các vua đầu thời Trần đều lập căn cứ địa ở Vũ Lâm để củng cố lực lượng, rồi phản công giải phóng Thăng Long, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Đây cũng là nơi các vua Trần xuất gia tu hành, xiển dương Phật giáo. Hiện nay, Hành cung Vũ Lâm thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Hành cung Vũ Lâm được vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) cho xây dựng ban đầu trên vạt đất cao gần Hang Cả của danh thắng (Tam Cốc). Nơi đây vẫn còn di tích một khu đất rộng khoảng hơn một sào, cao hơn mặt ruộng được gọi là Vườn Am. Khi nhà vua cho dựng am Thái Vi đã chiêu mộ dân lưu tán đến để khai hoang lập ấp, mở mang đường giao thông, tôn tạo những nơi xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng khi chiến tranh chống xâm lược xảy ra. Nhiều cuộc họp quan trọng của triều đình, dưới sự chủ trì của Trần Thái Tông đã được tổ chức ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285, Hành cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần. Cụ thể, ngày 3 tháng 5 năm Ất Dậu (3 – 5 - 1285), hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đánh tan một bộ phận quân Mông-Nguyên ở đây. Trận đánh diễn ra tại thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng, mà ở giữa là cánh đồng "Cửa Mả", gần đó còn có Thung lũng "Mồ". Như vậy, Trường Yên không chỉ là đất đế đô mà còn là đất chiến địa.
Ngày nay, những tên đất, tên làng ở vùng đất Văn Lâm còn in đậm dấu ấn lịch sử thời ấy. Đó là cánh đồng Trường Thi nơi tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo (chèo thuyền giỏi), làng Hạ Trạo (gác chèo) ở xã Ninh Thắng, làng Tuân Cáo, nơi các quan vào trình báo nhà vua, làng Hành Cung, nơi ở của Vua.
Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái Tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho con và trở về vùng núi Trường Yên lập am Thái tử và Hành cung Vũ Lâm, một mặt, tạo lập một căn cứ quân sự (Vũ Lâm là võ trong rừng); mặt khác, để tu hành.
Di tích Hành cung Vũ Lâm hiện nay phân bố rộng khắp trong 4 xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân huyện Hoa Lư, thuộc khu vực phía nam của quần thể danh thắng Tràng An. Hành cung Vũ Lâm gồm cả vùng núi non hang động Tràng An được tô điểm thêm bằng những di tích lịch sử. Trải ra trên một địa bàn khá rộng, khu di tích Hành cung Vũ Lâm bao gồm nhiều di tích lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho, v.v... đặc biệt ở 4 xã trên có mật độ chùa dày đặc với 24 ngôi chùa cổ.
Bia ruộng Tam bảo chùa A Nậu còn ghi: “Vốn có một ngôi đại danh lam cổ tích là chùa A Nậu do Hoàng đế Thái Tông nhà Trần khai sáng, và lưu lại một mảnh ruộng Tam bảo rộng 911 mẫu ba sào để phụng sự Tam bảo”. A Nậu là chữ Phạn, viết tắt của chữ A Nậu Đa la Tam Miệu Tam Bồ đề, có nghĩa là Vô thượng Chính đẳng, Chính giác. Chùa Hành Cung hay còn có tên chữ là Khai Phúc Tự, thuộc thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa Linh Cốc nằm trong núi chùa Móc, quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước. Theo văn bia đặt ở chùa, Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ 3 gian quay hướng tây bắc, đặt tượng thờ A Nan Đà và Bồ Đề Đạt Ma.
Chùa Khai Phúc do Trần Thái Tông dựng làm nơi tu tập ở ngay trước hành cung. Ngày đó Trần Nhân Tông thường theo ông nội về Hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc dạo chơi, say sưa nghe ông kể chuyện về cuộc đời đức Phật, từ đó bén duyên với Phật giáo. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, ngày 3 tháng 3 năm Quý Tỵ 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con cả là Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi. Sau đó ngài về Hành cung Vũ Lâm, chùa Khai Phúc tu Phật và xuất gia lần đầu tại đây.
Năm 1282 - 1283, trước khi quân Nguyên Mông kéo 50 vạn đại binh sang định làm cỏ nước Nam lần thứ 2 thì vua Trần Nhân Tông đã cùng với các tướng lĩnh triều đình về lại Hành cung Vũ Lâm để bàn kế giữ nước, lập các phòng tuyến chặn giặc. Sự thật cả vùng Vũ Lâm, Hệ Dưỡng, Tam Cốc, Bích Động đã được hai vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông sử dụng làm căn cứ phía tây nam, cùng với căn cứ Vạn Kiếp tại khu đông bắc do Trần Hưng Đạo chỉ huy, là hai căn cứ kháng chiến lớn nhất trong công cuộc chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Rõ ràng Hành cung Vũ Lâm và chùa Khai Phúc gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285 và 1288), gắn liền với sự nghiệp chỉ đạo chiến tranh của vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là nơi đầu tiên Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật.
Ngoài vị trí chiến lược cơ động ra bắc vào nam, Hành cung Vũ Lâm còn là nơi thiên nhiên hùng vĩ, non xanh nước biếc, được Trần Thái Tông ví như chốn bồng tiên cảnh:
Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn.
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần.
(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa;
Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần).
Sách "Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục" cho biết, Hành cung Vũ Lâm: “Núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, chu vi núi non rộng đến vài mươi mẫu, bên ngoài có con sông nhỏ quanh co khuất khúc, thông vào núi, thuyền nhỏ có thể chở vào được". Mô tả về Hành cung Vũ Lâm, trong bài thơ Vũ Lâm thu văn (chiều thu ở Vũ Lâm). Trần Nhân Tông đã viết:
Lòng khe in ngược bóng cầu treo
Hắt sang bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa.
Đến vua Trần Thánh Tông, ông cũng cho xây thêm một số cung điện, mở đường, xây cầu Rồng đá qua sông Ngô Đồng, gọi là cống Rồng.
Hành cung Vũ Lâm không chỉ là căn cứ quân sự, mà còn là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bấy giờ (tức năm 1294 - NHH) Thượng hoàng (tức Trần Nhân Tông - NHH) đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, Thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ Thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi. Đến khi Thượng hoàng xuất gia (xuất gia ở đây là xuất gia vào Hành cung Vũ Lâm, chứ không phải xuất gia lên Yên Tử như Nguyễn Lang quan niệm), sắp ra đi, mời Đạo Tái vào viện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị, làm thơ rằng:
“Sơn tăng trì tịnh giới (Sơn tăng giữ trai giới)
Đồng toạ bất đồng xan (Cùng ngồi chẳng cùng ăn)” (1)
Cũng trong sách này có ghi: “Mùa hạ, tháng 6 (năm 1295-NHH), Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì (trước) đã xuất gia ở Hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về” (2). Như vậy, Trần Nhân Tông đã xuất gia ở Hành cung Vũ Lâm từ năm 1294. Để rồi đến “Tháng 8 (năm 1299 - NHH), Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh” (3)
Như vậy, rất có thể, vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở Hành cung Vũ Lâm từ năm 1294, đến năm 1299, sau đó về thăm Thiên Trường trước khi lên Yên Tử.
Những tư liệu này cho thấy, trước khi lên Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia (từ “xuất gia” này được ghi trong Đại Việt sử ký), tu ở Vũ Lâm ít nhất là 5 năm. Liên quan đến điều này,trong Phật giáo Việt Nam sử lược, tập 1, Nguyễn Lang lại có quan điểm khác mà cho rằng: “Vua có ý định xuất gia rất sớm nhưng ý định này chỉ được thực hiện vào năm 1299”(4). Nguyễn Lang cho rằng, những năm trước đó, tức những năm tháng ở Vũ Lâm, đối với Trần Nhân Tông, chỉ là thực tập xuất gia. Nhưng Đại Việt sử ký và những quan điểm trong Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ lại không ủng hộ Nguyễn Lang.
Trong Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, bức hoạ do Trần Giám Như vẽ năm 1363, mô tả cảnh Đại sĩ xuống núi để truyền Bồ tát giới cho Trần Anh Tông năm 1304. Ngài được triều đình và vua Trần Anh Tông đón rước hồi kinh. Bức tranh vẽ khi Đại sĩ từ động Vũ Lâm xuất du. Ngài ngồi võng cáng, còn những người tuỳ tùng đều mặc áo tu hành. Voi trắng trở kinh đi sau cùng. Trước voi có người mũ vàng cưỡi trâu, đó là Đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Người nghênh đón trên đường là Trần Anh Tông. Ngoài một số điểm lệch lạc do đứng trên quan điểm của người phương Bắc thì đây là tài liệu khá trung thực về Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trong những bài tán về bức tranh này có nói: “Xưa vua nước An Nam là Trần Khâm từ bỏ ngôi vua, vào động Vũ Lâm học Phật”
“Xem phù vinh như cởi dép
Trong nước vốn có động
Tên gọi là Vũ Lâm
Khổ hạnh cẩn thận tu hành
Phật đạo ngày càng tăng tiến” (5)
Trong bức tranh này còn ghi: “Trí tuệ thiền định từ núi Vũ Lâm đã giác ngộ ba đời” (Vũ Lâm thiền tuệ ngộ tam sinh) (6). “Nghìn năm lặng lẽ nơi động Vũ Lâm” (Thiên niên tịch tịch Vũ Lâm động) (7). Bên phải bức tranh có ghi: “Tuổi ngoài 40, ngài bỗng có chí xuất gia, mới truyền đất nước cho thế tử mà vào động Vũ Lâm tu đạo” (8). Với tất cả tư liệu đó khiến cho chúng ta có quyền khẳng định, trước khi lên Yên Tử hình thành thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về chùa Hành Cung, tức chùa Khai Phúc tu hành. Vậy, ở chùa Khai Phúc này, ai là người xuống tóc cho Trần Nhân Tông, thì hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhưng thật đáng tiếc, thời gian và con người đã biến chùa Khai Phúc có một lịch sử lâu đời, nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc, tu hành, thành hoang phế. Mấy năm gần đây nhân dân Vũ Lâm cùng với Ni sư Diệu Nhân đã chung tay dựng lại ngôi chùa trong 3 năm mới chỉ xong được phần chính, bên trong hầu như chưa có gì. Mọi thứ vẫn còn đang ngổn ngang. Ngọa Vân am là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thành đạo và nhập diệt đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2006. Riêng Vũ Lâm trong đó có chùa Khai Phúc vẫn đang còn loay hoay mọi bề, trên góc độ Nhà nước vẫn chưa được công nhận, tức chưa có danh phận. Mong các cơ quan văn hóa các cấp lưu ý đến di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng này. Hãy trả lại cho Hành cung Vũ Lâm, đặc biệt ngôi chùa cổ Khai Phúc đúng với danh phận mà nó vốn có.
Tác giả: Gs Ts Nguyễn Hùng Hậu - Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ
***
CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (1998). Tập II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.72-73
(2) Sđd, tr.73
(3) Sđd, tr.77
(4) Nguyễn Lang. Phật giáo Việt Nam sử luận (2000). Tập 1. Nxb Văn học, tr.282
(5) Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo tùng thư (2018). TT, TS Thích Thanh Quyết, PGS,TS Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.744
(6) Sđd, tr.764
(7) Sđd, tr.766
(8) Sđd, tr.735
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư (1998). Tập II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
2. Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo tùng thư (2018). TT, TS Thích Thanh Quyết, PGS,TS Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
3. Nguyễn Lang. Phật giáo Việt Nam sử luận (2000). Tập 1. Nxb Văn học
Bình luận (0)