Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tiến trình hành thiền của Ngài Pháp Loa trong Tam Tổ Thực Lục

Tiến trình hành thiền của Ngài Pháp Loa trong Tam Tổ Thực Lục

Ngài Pháp Loa cũng có chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Những tác phẩm của thiền sư hẳn cũng đã được đưa vào trong Đại tạng nhà Trần...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ngài Pháp Loa cũng có chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Những tác phẩm của thiền sư hẳn cũng đã được đưa vào trong Đại tạng nhà Trần…

Tác giả: Đồng Hảo
Học viên Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Đặt vấn đề

Khi nhắc đến tác phẩm Tam Tổ Thực Lục, chúng ta không thể không nhắc tới Thiền đạo yếu học của Ngài Pháp Loa. Tư tưởng Thiền học của Ngài nổi lên như một đoá hoa muôn sắc với tư tưởng đa dạng và phong phú. Nhị Tổ cho rằng một người uyên thâm về đạo, để trực nhân bản thể vạn pháp thì phải trở về tâm ban đầu, trở về bản thể không.

Trên con đường tu đạo của Nhị tổ đặc biệt chú trọng Giới-Định-Tuệ, bởi vì Tam thế chư Phật thành tựu Phật quả cũng từ ba môn học này.

Tư tưởng này nhằm giúp con người chuyển hóa nội tâm của mình, thay đổi cuộc sống từ khổ đau, bất hạnh đến an vui hạnh phúc, góp phần xây dựng đạo đức xã hội, mang lại sự bình an và hạnh phúc cho con người.

Thiền là tâm thể sẵn vậy nơi mỗi người. Chỉ đến để nhận, dùng học hiểu khó thấy suốt được. Hành giả tu hành đạt ngộ tâm thiền như người uống nước lạnh nóng tư biết một cách rõ ràng. Ai về trong bản tâm ấy đều thông suốt thấy biết như nhau không khác. Từ trí tuệ giác ngộ rốt ráo ấy mà ứng cơ khai thị, tuỳ thời chỉ bày phương pháp hành trì mà không thật có pháp cố định. Chỉ là vị thầy khéo léo đưa người học trò trở lại tự tính của mình. Thiền tông có ra từ đó. Nhị tổ Pháp Loa đã đạt ngộ bản tâm. Từ tâm thế ấy, Ngài đã có nhiều phương tiện thiện xảo để khéo léo chỉ bày dẫn dắt người học trở về nhận lại tâm thiền một cách rốt ráo. Vì vậy, Thiền học của Ngài chính là cốt lõi của Thiền tông nói chung. Hơn nữa, Ngài được Sơ tổ Trúc Lâm truyền trao kế thế Tổ vị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do đó thiền học của Ngài cũng chính là Thiền tông Việt Nam.

Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng, các nhà nghiên cứu vẫn thống nhất rằng: Sơ tổ là Trần Nhân Tông (1258-1308), Nhị tổ là Pháp Loa (1284-1330) và Tam tổ là Huyền Quang (1254-1334). Ở đây, người viết chỉ xin đề cập đến Ngài Pháp Loa với đề tài TIẾN TRÌNH HÀNH THIỀN CỦA NGÀI PHÁP LOA TRONG TAM TỔ THỰC LỤC làm nội dung chính cho bài nghiên cứu này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ton gia Phap Loa 1

Tượng Nhị tổ Pháp Loa trong Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt

B. Nội dung

1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp trước tác Thiền sư Pháp Loa

1.1. Cuộc đời của Thiền sư Pháp Loa

“Thiền sư Pháp Loa (法螺,1284-1330), còn có tên là Minh Giác (明覺) hay Phổ Tuệ Tôn giả (普慧尊者), là một thiền sư, là người chính thức nối dòng Trúc Lâm, là nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam thế kỷ XIII. Từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Pháp Loa luôn là người thông minh, nói năng hiền từ, ứng xử điềm đạm và có tư duy tổ chức, quản lý rất khoa học, đồng thời am hiểu Thiền học, đặc biệt có tài triển khai các hoạt động Phật giáo. Ông tu theo pháp môn cả Mật tông và Thiền tông, là môn đồ của Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tông, và làm Tổ sư thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Năm 1304, ông xuất gia, hành đạo suốt 26 năm cho tới khi qua đời ở tuổi 47. Trong quá trình làm đạo, ông đã xây cất nhiều chùa tháp trong nước, truyền bá rộng rãi những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni và Tổ sư Thiền, kết nạp nhiều tăng ni, cư sĩ trong đó có các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cùng nhiều thành viên hoàng gia và đại thần. Ông còn là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng Già, Diệu Pháp Liên Hoa, Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hiện nay, bộ sách chủ yếu còn sót lại về cuộc đời ông là Tam tổ thực lục(三祖實錄), ra đời khoảng thế kỷ XIV, kể tiểu sử 3 vị tổ sư phái Thiền tông Trúc Lâm”.[1]

“Năm 1313 Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang định chức tăng đồ. Chúng tăng từ đây mới có sổ bộ, chính Sư là người cầm sổ bộ ấy”. Lúc đó, Sư độ hơn một ngàn vị Tăng. Về sau cứ ba năm một lần độ tăng như thế… Những hoàng Thái hậu, Công chúa, Vương công, quý khanh đều thỉnh Sư truyền giới xuất gia hoặc Bồ tát giới, cho đến vua Trần Anh Tông cũng xem như đệ tử. Họ đua nhau cúng đất, vàng, tiền để Sư lập chùa, đúc tượng Phật, in kinh quá nhiều, đến nỗi Sư phải tự xin giảm dần những số nguyên cúng, thuyền của Vua cấp cho Sư tiện việc đi lại và về kinh đô, Sư từ chối không nhận… Gần mãn đời Sư kiểm những công tác Phật sự: đúc tượng Phật kể cả lớn và nhỏ có hơn 1300 vị; tạo đại già lam được hai ngôi; xây tháp được năm ngọn; lập tăng đường hơn 200 sở; độ tăng và ni hơn 15000 người; in được một bộ Đại tạng kinh; đệ tử đắc pháp hơn 3000 người; thành Đại pháp sư có 6 vị”[2].

1.2. Sự nghiệp trước tác của Ngài Pháp Loa

Ngài Pháp Loa cũng có chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Những tác phẩm của thiền sư hẳn cũng đã được đưa vào trong Đại tạng nhà Trần, như:

1. Thạch Thất Mị Ngữ Niêm tụng: Những lời nhận xét và những bài kệ tụng viết về tác phẩm Thạch Thất Mị Ngữ của Trúc Lâm

2. Tham Thiền Yếu Chỉ: Soạn năm 1322 theo lời yêu cầu của thượng hoàng Minh Tông. Sau đó Minh Tông ban hiệu cho Pháp Loa là Minh Giác.

3. Kim Cương Trường Đà La Ni kinh khoa chú: Phân tích và chú giải kinh Kim CƯơng Trường Đà La Ni.

4. Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải kinh Pháp Hoa.

5. Lăng Già Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải kinh Lăng Già.

6. Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ: Phân tích và luận giải Tâm Kinh Bát Nhã.

7. Pháp Hoa khoa văn: Về các nghi thức và sớ điệp dùng trong những lễ lược Phật giáo.

8. Độ Môn Trợ Thành Tập: Các nghi thức về cúng đàn chẩn tế.

9. Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ: Soạn riêng cho vua Minh Tông dùng.

10. Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục: Biên tập những thiền ngữ và thi tụng của Tuệ Trung

Các quyển Kim Cương Trường Đà La Ni kinh khoa chú, Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ, Lăng Già Kinh Khoa Sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Khoa Sớ là những sách giáo khoa Phật học. Những tác phẩm trên đều thất lạc, duy có tác phẩm Tham Thiền Yếu Chỉ được giữ lại một phần in dưới đầu đề của Thiền Đạo Yếu Học, thấy đặt nằm sau phần lịch sử của Pháp Loa trong sách Tam Tổ Thực Lục. Sách Tam Tổ Thực Lục được Ngài đề lời Bạt cho Đại Tạng kinh đời Trần. Bài Bạt được viết vào năm 1321. Tám tác phẩm đầu của Ngài đều được khắc và in vào năm 1323. Riêng tác phẩm Nhân Vương Hộ Quốc Nghi Quỹ Ngài soạn theo lời vua Anh Tông để Vua dùng hằng ngày.

2. Sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

2.1. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm

Việc nhà Trần thay ngôi nhà Lý là vâng theo mệnh trời, vì Vua Trần Thái Tông là người nhân từ, trí đức song toàn có thể lãnh đạo nhân dân giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong nước, cũng như đối phó với các thế lực ngoại bang xâm lấn và tập trung xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài việc thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ ý chí đến hành đồng của toàn dân và xây dựng đất nước thịnh vương, Vua Trần Thái Tông còn thống nhất ba thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn thông, Thảo đường tiến đến sát nhập và thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Vua Trần Thái Tông là người có công đặt nền móng thiết lập cho thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển và truyền thừa từ mô hình tổ chức đến nội dung hành trì, thể hiện bản sắc dân tộc là Trần Thái Tông nhưng người khai sáng và làm rạng danh thiền phái là vua Trần Nhân Tông – đệ nhất tổ.

Nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, về mặt văn hoá cũng như việc xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất vô cùng cấp bách. Việc cần làm phải thoát khỏi sự nô lệ thuộc chặt chẽ về ý thức hệ với nước ngoài, thống nhất ý thức dân tộc về mặt chính trị, làm công cụ thống nhất quyền lực vào chính quyền trung ương (họ Trần) và làm phương tiện giải quyết các mâu thuẫn nội bộ dân tộc chủ yếu là giai cấp lãnh đạo và đông đảo quần chúng nhân dân nhằm duy trì một trật tự xã hội và cũng tức là duy trì ngai vàng cho dòng họ.

Về mặt tôn giáo, nhà Trần phải lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các Thiền phái trước đây để đáp ứng các yêu cầu của đất nước. Vì thế, nhà Trần chủ trương lập ra một Thiền phái có nội dung tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc tự mình độc lập không lệ thuộc Thiền tông ở Trung Quốc, vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo nhằm thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt giữa các Tông phái cũng như Thiền tông với các tín ngưỡng khác; do đó, thu hút các tín ngưỡng khác. Ngoài ra, Thiền phái này cũng được xem tự khoác cho mình chiếc áo – một tôn giáo mới.

Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không những mang ý nghĩa rất lớn về tính tự chủ của dân tộc trên các phương diện từ kinh tế, chính trị, và văn hoá mà đến cả tôn giáo cũng không bị lệ thuộc vào các dòng thiền trước ảnh hưởng từ Trung Hoa. Từ mô hình tổ chức đến nội dung tu tập hành trì thể hiện bản sắc dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ.

2.2. Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm

Tông chỉ nghĩa là gì?

Tông chỉ nghĩa là ý chỉ của Thiền tông. Tông chỉ Trúc Lâm là ý chỉ của Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm hay tư tưởng chủ đạo mà Thiền phái Trúc Lâm đời Trần chủ trương. Đó là:

* Tư tưởng Phật tại tâm

Trong hệ thống tư tưởng Thiền học đời Trần, người đọc thường bắt gặp các khái niệm về “tâm”. Quốc sư Viên Chứng cũng từng khai thị cho vua Trần Thái Tông: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật.” Sơ tổ Trúc Lâm cũng từng nói: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa/Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta”. Chúng ta biết rằng người đặt nền móng cho thiền phái trúc Lâm là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông là người phát huy cho dòng thiền thêm rực rỡ. Trần Thái Tông đã nói điều này trong Phổ thuyết sắc thân: “Trọn là buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về, chạy rong trên đường sinh tử, mất tuốt bản lai diện mục, và cũng chính Ngài trong Khuyến phát tâm văn “Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng”.

* Tư tưởng đốn ngộ

Đốn ngộ nghĩa là chóng ngộ tức mau nhận ra bản tính. Người tu hành muốn được mau ngộ tất nhiên phải bước vào cửa Thiền tông, chớ không còn cửa nào khác. Bởi vì cửa này là cửa tiến thẳng vào thẳng, không quanh co, không vay mượn nhiều phương tiện. Tiến thẳng vào thẳng cái gì? Tiến thẳng đến vô sinh, vào thẳng Phật tính. Những pháp tu khác hầu hết đều chỉ dạy từ từ, từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu. Duy pháp đốn ngộ này “ngay nơi sinh diệt nhận vô sinh, ngay nơi phàm phu thấy được Phật tính.” Thiền không có nghĩa là ngồi, mà trong bốn oai nghi tâm đều sáng suốt không có một vọng niệm dấy khởi. “Vọng niệm chẳng sinh là Thiền. Ngồi thấy bản tính là Định”. Thiền không có nghĩa là ngồi, mà trong bốn oai nghi tâm đều thanh tịnh sáng suốt không có một vọng niệm dấy khởi. Định không có nghĩa chú tâm vào cảnh, mà thấy được bản tính của mình. Bản tính tức là Phật tính hay chân tâm. Bản tính không sinh không diệt, nên tâm không chạy theo cảnh sinh diệt.

Trần Thái Tông cho rằng “Người học đạo chỉ cốt thấy được bản tính”. Ngài Tuệ Trung dạy rằng “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” Trần Thánh Tông trong Tự thuật cũng dạy “Từ phen đê chỏm nhập làng thiền. Chẳng tốn công phu hướng ngoại tìm. Nhận được bản lai chân diện mục. Đến đâu mà chẳng thấy hồn nhiên.” Ở hồi thứ hai trong Cư trần lạc đạo phú Trần Nhân Tông cũng dạy “Miễn được lòng rỗi, chẳng còn phép khác” và ở hội thứ mười “Tượng chúng ấy, cốc một chân không, dụng đòi căn khí”. Lòng rỗi và chân không là tên gọi khác của tự tính.

* Tư tưởng vô tâm

Sơ tổ Trúc Lâm trong hội thứ 6 của Cư trần lạc đạo phú: Thật thế! Hãy xá vô tâm, tự nhiên hợp đạo.

Hãy nên vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Người tu tuy có nhiều phương pháp, nhiều lối ứng dụ tu, nhưng chỗ tột cùng vẫn là vô tâm. Vô tâm nào? Vô tâm vọng tưởng, vô tâm phân biệt chạy theo sáu trần. Khi tâm đó lặng đi, tự nhiên hợp đạo, chớ không có gì khác. Ở đây nói vô tâm, chỗ khác nói nhất tâm. Đạo tức là thể chân thật của chân tâm, khi ngộ được chân tâm gọi đó là ngộ đạo. Vì vậy muốn ngộ được chân tâm thì phải không có tâm hư vọng. Tâm hư vọng lặng đi rồi, chân tâm hiện tiền, cho nên nói: Hãy xá vô tâm, tự nhiên hợp đạo.

Chỗ này tương tự với bốn câu kệ trong kệ Hô Thiền của Tổ Đạt Ma trong Ngộ tánh luận: “Gẫm xem các pháp đều như huyễn, Bổn tính tự không đâu dụng trừ, Nếu biết tâm tính không tướng mạo, Lặng yên chẳng động tự như như.” Lặng yên chẳng động tức là Định. Đây cũng là Thể chân chỉ của Trí Khải đại sư dạy, cũng chính là chính quán của đại thừa.

* Tư tưởng Thiền giáo song hành

Thiền phái Trúc Lâm cũng tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới, không bị lệ thuộc vào các dòng thiền trước ảnh hưởng từ Trung Hoa. Từ mô hình tổ chức đến nội dung tu tập hành trì thể hiện bản sắc dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ Trung Quốc là vào đời Nguyên, các Thiền sư phần lớn chủ trương tổ chức tham vấn và tu tập khán thoại đầu, xa rời và không giảng thuyết kinh điển, nhưng ở Việt Nam sơ tổ Trúc Lâm lại đề xướng Thiền giáo song hành. Khi cần giảng kinh thuyết pháp thì Nhị tổ sẵn sàng giảng kinh thuyết pháp, cần khai thị thiền cơ thì khai thị thiền cơ. Ba vị Tổ Trúc Lâm khuyến khích người học đọc kinh và bản thân các Ngài thì tổ chức thăng tòa phổ thuyết kinh điển, như tổ Pháp Loa giảng kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác, kinh Duy Ma Cật, các bộ Truyền đăng lục, Đại tuệ ngữ lục, Tuyết đậu ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục và Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục.

Chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm là đào tạo ra những mẫu người con Phật tử kế thừa tông phong, được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đó là xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên hùng cường thì Phật giáo mới hưng thịnh. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn mà con người cần học. Người Phật tử không chỉ thông thạo kinh điển nhà Phật mà còn phải học những môn khác mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra.

Trong Cư trần lạc đạo phú, hội thứ 8 Sơ tổ Trúc Lâm dạy xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trong Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc, nghĩa là xem kinh, đọc lục, làm cho cả hai cái thấy và biết đều được ngang nhau. Kính Bụt, tu thân, đừng xem thường những điều nhỏ.

Trần Nhân Tông chú trọng việc học từ bên trong và bên ngoài Phật giáo là nhằm thực hiện xã hội hoá giáo dục, nâng cao trình độ dân trí sau này cũng như đào tạo ra những người kế thừa Thiền phái đủ sức gánh vác các Phật sự khác nhau của đạo cũng như đời.

* Tư tưởng hòa quang đồng trần

Trần Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam cho đến ngày nay vẫn là người duy nhất từ đỉnh cao quyền lực rồi thành Phật. Bởi thế nên Ngài là người duy nhất được gọi là Phật Hoàng. Ngài đã đạt đến đỉnh cao của chiến công mà sau này thế giới phải kính phục với hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông và triều đại nhà Trần trong 15 năm ở ngôi của Ngài là thời kỳ thịnh trị, một thời kỳ hiển hách nhất cả về văn trị và võ công.

Tư tưởng đạo giải thoát nhưng không tiêu cực, bi quan, yếm thế mà các Vua nhà Trần – Thiền phái Trúc Lâm vẫn sống giữa trần gian, hoà ánh sáng giác ngộ vào trong cuộc đời trên mọi phương diện. Hòa quang đồng trần là đi vào đời sống trần tục và làm cho cuộc đời tươi sáng hơn. Đây là nhiệm vụ không chỉ riêng của Phật giáo mà là nhiệm vụ của toàn dân, với mục đích làm hưng thịnh đạo pháp và đất nước phồn vinh. Mỗi người tùy theo khả năng của mình, tùy vào thành phần xã hội mà thể hiện đời sống của mình ở giữa đời, chỉ trong cuộc đời mới tìm thấy giác ngộ giải thoát, Niết bàn tịnh lạc.Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tam To Thuc Luc 1

2.3 Giới thiệu Tam Tổ Thực Lục

Phải nói rằng Phật giáo đời Trần vừa dung hoà Phật giáo vừa dung hoà Tam giáo, đồng thời tinh thần hòa quang đồng trần, đem ánh sáng Thiền – Mật – Tịnh đều được kết hợp với nhau để quan sát thiền, đó là tính tích cực của thời đại nhà Trần. Sự tích cực nhập thế đó là tạo ra dòng thiền Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông là người có khả năng đưa thiền phái Trúc Lâm thành tổ chức giáo hội tầm cỡ quy mô mà Ngài Pháp Loa tạo ra trung tâm hoằng pháp lớn, là mô hình Phật giáo có tổ chức đầu tiên là do ông. Dòng thiền Trúc Lâm là thiền giáo song hành, nương vào kinh điển để tu tập chứng ngộ. Sơ tổ Trúc Lâm là người khai sáng, nhưng tổ chức giáo hội có quy mô lại là Ngài Pháp Loa và Ngài Huyền Quang là người đi vào thực hành tu chứng.

Tam Tổ Thực Lục là quyển sách ghi chép sự thật về ba vị tổ Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm đã tạo nên bản sắc đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Trong đó đã trình bày hành trạng của ba vị tổ Trúc Lâm thông qua các vấn đề Phật học, những tư tưởng, triết lý, những phương thức tu tập do các Ngài tạo nên những đặc trưng tư tưởng của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tam Tổ Thực Lục đã thực hiện được kỳ công thống nhất Phật giáo đời Trần, và tạo thành một bảo vật hoàn hảo, một tấm gương sáng của nhà Thiền. Như vậy, đây là ba vị tổ sáng ngời tính nhân bản, làm rạng rỡ Phật giáo thời Trần. Dòng thiền này cùng với dân tộc gánh vác nước Đại Việt ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông thành công.

Trong ba vị tổ Trúc Lâm thì Ngài Pháp Loa có vai trò quan trọng, đem dòng thiền đi vào quy củ, có tổ chức, điều hành giáo hội trong vai trò tổ chức.

3. Tiến trình hành thiền của Ngài Pháp Loa

3.1. Vài khái niệm về thiền học

Thiền học là một tông phái lớn của Phật giáo Trung Quốc. Khi được truyền vào Trung Quốc, Phật giáo đã mau chóng hòa hợp với hai tôn giáo tồn tại lâu đời là Nho và Đạo, và nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình. Sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống sinh hoạt và hoạt động sáng tác rất lớn. Vì thế mà Phật giáo cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm. Từ Trung Hoa, Phật giáo tiếp tục lan rộng và truyền bá sang các nước lân cận. Trên tinh thần tiếp nhận, phát triển Phật giáo, người Trung Hoa đã sáng lập ra Thiền, đề nghị một cái nhìn mới cho dân tộc Trung Hoa về đạo Phật. Cái nhìn đó rất thâm trầm, tươi mát đặc biệt là phù hợp với tinh thần của người Phương Đông.

Theo Sanskrit-Englist dictionary, Monier Williams: Thiền trong từ ngữ Hán-Việt bắt nguồn từ ngữ nguyên Dhyāna, một danh từ phái sinh từ động từ căn √dhyā trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự tập trung tư duy, lắng đọng, chiêm nghiệm, tỉnh giác. Tuy có nguồn gốc lâu đời với những luận điểm nằm rải rác trong bộ kinh Áo Nghĩa thư của đạo Ba-la-môn, nhưng Thiền thật sự phát triển thành hệ thống và được nhiều người biết đến chính là Thiền trong Phật giáo. Vì đây là một pháp môn tu mà cả hai truyền thống tiểu thừa và đại thừa đều thực hành.

Ở Việt Nam, Thiền tông được truyền vào từ Nhật Bản và Trung Quốc nhưng có nguồn gốc từ Ấn Độ, phát triển cực thịnh dưới triều Lý-trần. Từ vua quan cho đến chúng dân, ai ai cũng mến mộ đạo Phật. Mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, nông nghiệp, tiểu thù công nghiệp… đều phát triền. Đó là những nguyên nhân tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, ăn sâu vào suy nghĩ và lối tư duy trong sáng tác văn chương. Ở bất cứ đâu, con người đều bắt gặp bóng dáng Thiền. Thiền trở thành cảm hứng bất tận cho tác giả sáng tác văn thơ. Tông yếu của Thiền tông: 教外別傳不立文字直止人心見性成佛 (Truyền giáo pháp ngoài kinh điển, không lập văn tư, chỉ thẳng tâm người, thấy chân tính thành Phật). Giáo lý vi diệu của Phật giáo đã thổi luồng gió mát vào tư tưởng đương thời.

Thiền đã trở thành dòng sông mát trong êm đềm cho con người gột rửa tâm hồn. Thiền đến với trái tim nhân thế như một người mẹ mang đến cho đàn con bầu sữa nóng ngọt ngào, xoa dịu những mảnh đời bất hạnh, dẹp trừ những lo toan về sự hữu hạn của bản thân con người trước sự vô hạn của vũ trụ. Khi trở thành tông phái được nhiều người mến mộ. Thiền tông với chủ trương từ bi, bác ái nhanh chóng dung hòa tư tưởng xuất thế của đạo Phật với tư tưởng hư vô của Đạo gia.

Trong suốt quá trình phát triển, Thiền tông đã chi phối tư tưởng nhân dân Trung Hoa. Ở Việt Nam, dưới triều Lý-Trần, Thiền tông cũng là tông phái lớn mạnh và có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất. Sự có mặt của Thiền tông trong các sáng tác là một minh chứng rõ nét về sự thấm nhuần tư tưởng Thiền. Thiền đã tạo nên hương vị, vẻ đẹp và chiều sâu cho các tác phẩm. Hơn thế nữa, Thiền cùng với văn học thực hiện chức năng phản ánh thế giới, hướng con người trở về với bản ngã của mình.

3.2. Tư tưởng Thiền học của Pháp Loa

3.2.1. Kiến tính

Các tác phẩm của Ngài Pháp Loa hầu như bị thất lạc, duy chỉ còn một phần của Tham thiền yếu chỉ với nhan đề Thiền đạo yếu học. Những tư tưởng Thiền học của Pháp Loa được đề cập ít nhiều trong cuốn sách này, cho thấy quan điểm Phật học và vấn đề kiến tính phải được chú trọng.

Nghệ thuật sống của Phật giáo là đi vào chiều sâu của một tâm hồn tỉnh táo, nên toàn bộ giáo lý của Phật giáo nhấn mạnh đến phần tu hành và giác ngộ, nó mang tính thực dụng. Ngài Pháp Loa là người thực hành pháp, sống đúng chính pháp nên cảm nhận được hương vị giải thoát trong từng bước công phu. Ngài là gương mặt tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm, là người tạo ra mô hình Phật giáo có tổ chức đầu tiên tại bản địa Việt Nam. Lộ trình tu tập của Ngài là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, yếu tố kiến tính phải đi đầu mới đến tịnh giới, thiền định, trí tuệ. Giống như một con sông lớn được hình thành từ những con suối nhỏ hợp lại, và mỗi con suối nhỏ đều có tên và nhiêm vụ hoạt động riêng của chính nó. Nhờ sự tụ hợp góp sức của những con suối này mà son sông lớn mới tồn tại.

Trong mỗi con người đều có viên ngọc quý ở trong chính mình, nhưng do vô minh che lấp và “chính vì song chệch cái thánh thiện, cái cao cả, vốn là bộ mặt thật của chúng ta… Thế nhưng càng đi càng đi chệch cái bản chất vốn có của mình, con người lại càng mong mỏi trở về cái bản chất ấy. Do chính là mâu thuẫn nội tại sâu xa trong mỗi chúng ta”[3]. Do đó, con người càng ra sức tìm kiếm hạnh phúc càng gặp phải nhiều khổ đau. Chỉ khi nào tuệ giác bừng khởi là lúc con người thấy rõ thực tướng các pháp, trong đó bao gồm bản chất, mà thuật ngữ thiền tông gọi là kiến tính. Con người do thấy tính mà giác ngộ thành Phật. Xem ra, con đường thiền định là con đường trở về thực tại, thấy rõ bản tính của mình. Theo lộ trình đi vào thiền của Pháp Loa là kiến tính thành Phật.

Pháp Loa nói: Người học Phật, trước tiên cần kiến tính. Thấy tính không phải là thấy những cái có thể thấy, mà là thấy những cái không thể thấy. Cho nên thấy được cái thấy không thể thấy thì chân tính hiện ra. Tính thấy là vô sinh mà cái thấy sinh cũng phi hữu. Cái tính phi hữu là thật mà cái thấy chân thật thì không thay đổi. Cho nên gọi là chân thật kiến tính (夫學佛之流,先須見性。見性者,非謂有可見之謂見。乃見無可見處而見之。故見見非見則真性現。性見無生則生見非有。非有性實而實見不遷。故名眞實見性者。[4]

Kiến ở đây là kiến cái không thể kiến. Cho nên, kiến cái kiến phi kiến tức là chân tính hiện ra “kiến tính giả, phi bị hữu khả chi vị kiến, nãi kiến vô khả kiến xứ nhi kiến chi. Cố kiến kiến phi kiến, tắc chân tính hiện.” Kiến tính theo nguyên tắc thiền, đề cao sự thuần tuý, đơn giản, thiền như không thiền trên nền tảng triết lý tính không của nhà Phật. Thiền thật đơn giản, có thể chỉ là sự hoà hợp với cái không biểu lộ. Sự tồn tại của thể xác là sắc pháp mà chúng ta có thể thấy, sự tồn tại của tâm trí cũng là sắc pháp mà chúng ta có thể thấy. Nếu khi con người nhắm mắt lại, thì có thể sẽ thấy được tâm trí cùng với tất cả những hoạt động của nó đang làm, những ý nghĩa đang trôi qua với tất cả những hoạt động của nó đang làm, những ý nghĩa đang trôi qua và cả những ham muốn đang trỗi dậy, ký ức đang nổi lên và toàn thể hoạt động của tâm trí tồn tại ở đó, hoàn toàn có thể quan sát được. Người quan sát ở đây, tất nhiên không phải là tâm trí. Người có ý thức về những hoạt động của tâm trí hẳn sẽ không phải một phần của tâm trí. Người quan sát ở đây hoàn toàn đứng độc lập, xem nhân chứng cũng độc lập. Nhận biết được nhân chứng này chính là tìm thấy cốt tủy, cái trung tâm, cái tuyệt đối, cái bất biến. Đó cũng chính là kiến cái không thể kiến, kiến cái phi kiến nhằm đạt được chân tính của bản thể.

Kiến tính chính là sự nhìn nhận thấy cái tương đối của thế giới, thế giới hiện tượng luôn biến đổi, và cái tuyệt đối nghĩa là trung tâm bất biến của thế giới luôn biến đổi. Cần phải tìm ra cái bất biến trong cái luôn biến đổi. Thực tế cho thấy, đối với nhân ngã, thể xác là luôn biến đổi không ngừng, biến đổi liên tục đó là quy luật vô thường, vô ngã hiển nhiên. Tương tự vậy, tâm trí cũng liên tục biến đổi, chuyển động và không bao giờ y nguyên, thậm chí trong hai khoảnh khắc liên tiếp nhau. Tuy nhiên, chỉ có sự thật không biến đổi, đó là chân tính, bản thể, là nhân chứng. Tìm ra được nhân chứng, đó là điều thiêng liêng nhất của người hành thiền. Suy truy tìm về tính, thể tính, tự tính của sự vật là căn bản, điều này cũng được Đức Phật rút ra trong những bài thuyết pháp đầu tiên về Tứ diệu đế, Như Lai chỉ ra con đường Bát chính đạo như một sự định hướng rốt ráo và đúng đắn để con người thoát khỏi đau khổ.

Đối với Ngài Pháp Loa, tính là cái không thể thấy, biết, bàn, suy nghĩ được; do đó, không phải là cái thấy theo nghĩa thông thường. Chính vì vậy, kiến là cái không thể kiến được. Tính, bản tính, bản thể chính là cái phi kiến. Phải kiến được cái phi kiến này thì bản tâm, chân tính mới hiện ta. Tinh thần thiền học của Pháp Loa là “vô nhất pháp nhi bất khả”, Ngài tiếp xúc, độ sinh theo phương châm “phi chúng sinh nhi bất lợi”.

Theo Nguyễn Lang, trong bài Yếu thuyết về Đại thừa cho thấy vấn đề được đề cập là kiến tính, vấn đề có không của tâm ý và vấn đề tham cứu câu thoại đầu, đưa ra những lời khuyến lệ tu tập. Tu tập với trình tự nghe đạo và thực hành đạo là Văn, Tư, Tu. Ở bài Phải am tường học thuật đề cập đến nhu yếu phải học trước khi hành động và những điều thiết yếu thực tiễn trong đời tu đạo, là chọn bạn tốt để thân cận, học kinh pháp và tìm nơi tu học thuận lợi. Nghĩa là nguyên lý giác ngộ đòi hỏi sự kết hợp của thiền học và đao học. Con người cần nhận thức được thế giới tồn tại là một thực thể nhưng đồng thời, thế giới không vĩnh cửu. Sự giả tạm này nghĩa là nó biến đổi trong mọi khoảnh khắc, bất cứ điều gì tồn tại trong khoảnh khắc này sẽ không còn y nguyên trong khoảnh khắc tiếp theo. Điều này, tựa như lời dạy của Thế Tôn “Thế giới này là một chân lý tạm thời”. Nó chỉ đúng trong một tích tắc. Heraclitus nhà triết gia Hy Lạp đã từng nói “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Thế giới thay đổi trong chớp mắt. Cuộc sống là sự vận động, một quá trình mà không có gì là vĩnh cửu dù ở bất cứ đâu. Vĩnh cửu ở đây có nghĩa là không có sự chuyển hoá nào, không có sự biến đổi nào. Nhận thức của con người chính là sự tri giác tạo ra những ảo tưởng, chấp ngã cho những sai lầm nhưng lại có vẻ vĩnh cửu của tạo hoá. Con người cần phải chấp nhận bản chất biến đổi của thế giới, là chân lý. Tính giả tạm hiển hiện ở khắp mọi nơi. Kiến tính là sự bóc trần bản chất giả tạm, phù du của thế giới để có được sự thực hành đúng đắn trong quá trình thiền trì, giúp trí tuệ phát khởi, vượt ra khỏi đám mây mờ che phủ và vô minh dẫn lối. Yếu tố khách quan của tư tưởng thiền định đòi hỏi sự giải phóng về mặt tâm trí mới có thể đạt được kiến tính. Bởi tâm trí chỉ biết tưởng tượng hay nói cách khác tưởng tượng cũng là năng lực duy nhất của nó. Tâm trí ràng buộc trong thân thể con người, vượt qua tâm trí là vượt qua thế giới này. Những ham muốn và tưởng tượng của con người làm kết quả từ sự tác động của thể xác và giác quan. Tất cả chúng đều là ảo ảnh, tưởng tượng. Vì vậy, chân lý không thể nhận biết thông qua tâm trí.

Theo Ngài Pháp Loa, Kiến tính được hiểu theo hai nghĩa cơ bản, là sự nhận thức của thực tướng hiện hữu và nhận thức ra bản thể, bản tính nơi mình. Ở nghĩa thứ nhất, người kiến tính chính là người giác ngộ. Ở nghĩa thứ hai, kiến tính là bước đầu của quá trình đi đến giác ngộ.

3.2.2. Tịnh giới

Sau khi thấy tính, phải giữ giới cho thanh tịnh. Thế nào là giới thanh tịnh? “Trong mười hai giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn. Mắt không bị thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh lôi kéo mà hướng vào trong. Ra vào không giao tiếp với nhau nên gọi là ngừng nghỉ. Tuy gọi là ngừng nghỉ mà không phải là ngừng nghỉ”.[5]

“Ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn” cũng gần cách nói về thiền định của Lục tổ Huệ Năng trong Bảo Đàn kinh “ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. Ngoài dứt các duyên không phải là không làm gì hết, để sáu căn không phải xúc cảnh, không sinh tâm mà sáu căn vẫn tiếp xúc sáu trần, nhưng giữ tâm không loạn.

Tâm không loạn nên cảnh vẫn an nhàn, hay nói cách khác tâm không loạn nghĩa là khi mắt tiếp xúc trần cảnh, thay ý thức phân biệt sinh khởi thì chỉ nhận thức rõ sắc đang được lưu xuất ra từ Alạida thông qua quá trình tiếp xúc giữa mắt và trần cảnh. Tương tự tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Khi ý thức được hình thành qua quá trình tiếp xúc giữa căn và trần cảnh, thay vì sinh ý thức phân biệt thì chỉ nhận thức rõ sự hình thành của ý thức này, cũng có nghĩa là ngừng nghỉ. Ngừng nghỉ ở đây có nghĩa là tâm không chạy theo cảnh trần.

Đi tiếp theo vào lộ trình này là phải giữ giới cho thanh tịnh, tức đi vào con đường tu tập Giới-Định-Tuệ, thể hiện nếp sống đạo đức Phật giáo, để con người thực hiện là con người tự chiến thắng mình trước cám dỗ của cuộc đời. Vì đức Phật đã nói “không có khả năng nào bên ngoài ta có thể tạo nên sự phát sinh và chấm dứt khổ đau, trái lại chỉ có con người là có khả năng nắm vận mệnh của mình, tốt hay xấu đều do chúng ta quyết định”[6]. Cho nên, Ngài Pháp Loa đã thừa hưởng trọn vẹn tinh thần ấy và được thể hiện trong mười hai thời khắc của một ngày “ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn”, tâm không dao động thì đạt đến trạng thái như nhãn, tức mắt không bị lôi cuốn ra ngoài, thức không bị níu kéo vào trong, ra vào tự tại nên gọi là chế ngự. Tuy gọi là chế ngự (điều chế ngừng chỉ) mà không phải là dừng ngưng bất động. Tương tự đối với cái thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy. Đó là đại thừa giới là vô thượng giới là vô đẳng đẳng giới.

以十二中,外息諸緣内心無喘,心無喘動,境到如閒,眼不為識所緣出,識不所緣入,出入不交,故名制止,雖名制止,非止止故,故知耳鼻舌身意亦復如是。[7]

Như vậy, tịnh giới theo Ngài là làm cho tâm yên vắng lặng, lục căn không bị thức hướng ra ngoài, thức không bị kéo vào trong. Tâm tự tại dường như không phải là bất động đó là tư tưởng cao siêu thâm thuý, thấy người đẹp không mất hồn, nhìn mà tâm không động, đó là con người đạt đạo mới đi đến cảnh giới đó. Ở đây trong tịnh có động và trong động có tịnh, nó tác động qua lại với nhau. Đây chính là cái nhìn của thiền. Đối tượng trong vấn đề thấy tịnh giới trong góc độ này thì từ đại Tăng đến tiểu Tăng đều thực hành được, ai ai cũng duy trì được. Từ đó mới nói chuyện thiền được. Bởi muốn liễu ngộ Phật pháp thì phải trì giới hạnh, bởi “cái mà ta được trong giới luật là cái khung để từ đó ta có thể sống hài hoà với nguyên tắc căn bản soi sáng giáo lý đạo Phật”[8]. Vì vai trò cần yếu như trên của giới mà đức Phật đã dạy rằng: Nếu hành giả muốn được nếp sống phạm hạnh, muốn đền đáp tứ ân thành tựu tứ thiền và đạt được lục thông thì phải “đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới luật, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới luật, đầy đủ oai nghi chính hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chính lãnh thọ và học tập các học giới” [9].

Đến đây hành giả đã có đủ cơ sở tịnh giới làm nền tảng để đi vào hành thiền, hành giả tâm và thân cũng đều phải buông xả.

此浄戒者雖小僧以至大僧皆可住持因持得戒堅確不揺次乃習禪身心俱捨”.

Thiền sư Pháp Loa quan niệm, người xuất gia không thể coi nhẹ công phu tịnh giới, từ bậc Sa di, tiểu Tăng cho đến hàng cao Tăng đại đức đều nhờ tu tịnh giới mà đạt được sự tinh tấn và thành tựu trong tu hành. Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của việc trì giới có ý nghĩa ra sao đối với người xuất gia. Nhị tổ quan niệm, tu giới là luôn luôn giữ cho thân tâm thanh tịnh “bên ngoài thì tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không xao động. Nhờ tu giới mà hành giả đạt đến cảnh giới lục căn không dính mắc vào lục trần, lục thức, tức đã hàng phục được “tâm vượn, ý mã”, chi phối bản tâm thanh tịnh. Ở một khía cạnh nhất định, ý tưởng coi trọng giới luật này ở Thiền sư Pháp Loa tương đồng với tư tưởng của Ngài Trần Thái Tông trong bài Thụ giới luận đã viết: “tam thế chư Phật, sở dĩ thành đạo đều không thể không qua thụ giới”[10]. Vua Trần Thái Tông đã dẫn ra kinh điển lý giải vấn đề này như sau: “Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi, chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua biển khổ. Giới như chuỗi ngọc, làm pháp thân trang nghiêm…Thờ Phật làm thầy, trước phải tuân theo giới luật”[11]. Tuy nhiên, khi so sánh giữa tư tưởng của Ngài Trần Thái Tông và Nhị tổ Pháp Loa về trì giới thì Nhị tổ nhấn mạnh đến tính thiết thực của trì giới, trong khi quan điểm của Trần Thái Tông lại mang dấu ấn của tính siêu việt, tư tưởng “hoà quang đồng trần” và tinh thần phá chấp triệt để hơn.

3.2.3 Thiền định

Trong tư tưởng Tam học Thượng thừa của Nhị tổ, sau khi tu giới là đến tu định. Ngài chỉ ra “từ chỗ giữ được giới, vững vàng không lay chuyển, sau mới tu tập thiền định, thân và tâm đều cùng vứt bỏ. Vả lại, điều cốt yếu của phép thiền định, là trước hết định cái tâm của mình”[12]. Ở đây, Ngài đã chỉ ra tu thiền định cốt ở chỗ tu tâm, tức làm sao giữ cho tâm an định, tự tại, không dính mắc lục trần, hoặc bị lục thức chi phối và sai khiến. Muốn đạt được tâm an trụ, thì người tu thiền cần tự mình phải dựa vào Phật pháp để tìm lời giải đáp cho các chủ đề mang tính triết học phổ quát và sâu sắc sau:

Luôn luôn tự mình suy nghĩ: Thân từ đâu tới? Tâm từ đâu thành? Tâm đã không có thì do đâu mà có thân? Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu mà có được? Pháp đã không phải là cái ‘hữu’ có thực thì ‘vô’ cũng có duyên cớ từ ‘hữu’. ‘Hữu’ không phải là ‘cái có hiện hữu’, vậy thì cái ‘hiện hữu lấy gì mà có được? Cái có hiện hữu đã là không, ‘vô’ cũng có phép tắc của ‘hữu’, ‘pháp’ là bắt chước cái ‘không pháp’, vậy thì cái ‘pháp tự nó’ là dựa vào đâu? Không có căn cứ, không có chỗ dựa, ‘pháp’ chẳng phải là cái pháp tự nó. Cái pháp đó không phải là thực cũng không phải không thực. Có được thực pháp chứng ngộ, thì mới có năng lực chứng ngộ nhập thiền. Việc tu tập thiền định mà không cần bám vào công dụng, thì sẽ dùng cái không thể dùng, đó gọi là Thượng thừa thiền vậy”[13].

Thiền sư Pháp Loa quan niệm rằng, tu thiền định là phải tự mình chiêm nghiệm, quán chiếu các chủ đề: thân, tâm, hữu, vô, pháp, tự tính, không pháp, … chỉ khi thấu suốt được triết lý Trung quán, không mắc kẹt giữa “chấp có” và “chấp không”, “siêu việt hữu vô” thì hành giả mới thực sự chứng ngộ nhập thiền. Đồng thời, Nhị tổ cũng khai thị cho người tu học nguyên tắc “vô sở cầu”, tức đừng chấp trước vào công dụng khi tu định, vì điều này sẽ khiến tâm bị trở ngại, dính mắc, không thể chứng ngộ được, mà cần đạt đến trạng thái “dụng vô khả dụng” (dùng được cái không thể dùng) thì mới thực sự đạt đến trình độ Thượng thừa của thiền.

Khi luận bàn về mối quan hệ mật thiết giữa tu định và tu tuệ trong trình tự Tam học Thượng thừa, Ngài Pháp Loa đã khai thị: “Bởi vì, tuệ mà không đạt được định, thì còn gọi là tuệ căn, định mà không đạt được tuệ, cũng gọi là thiền si.” Còn nói về thiền thì có năm bậc: thứ nhất là phàm phu; thứ hai là ngoại đạo; thứ ba là tiểu thừa; thứ tư là đại thừa và thứ năm là thượng thừa. Cái gọi là “Thiền” ở đây chính là Thiền Thượng thừa. Từ Tỳ Lô Giá Na Phật, trải qua không biết bao nhiêu số kiếp mới đến Thích Ca Mâu Ni Phật; truyền xuống đến hai mươi tám vị tổ Tây Thiên, sáu vị tổ Đông Độ, tổ này truyền trao cho tổ khác. Sự thành tựu của chư Tổ cũng từ cái giới, cái định, cái tuệ ấy mà được chứng ngộ, không nhờ đâu khác. Nhị Tổ còn sử dụng ngôn từ và hình ảnh vô cùng gần gũi, thiết thực, dễ hiểu để chỉ ra cho bậc xuất trần thượng sĩ thấy được cần phải coi trọng tu định và tu tuệ. Theo Ngài, người tu tuệ mà không tu định thì cái tuệ của người đó trở nên cằn cỗi, thiếu sinh khí, không có tính hoạt dụng của thiền. Cũng như vậy, một người chỉ tu định mà thiếu tuệ, thì sẽ rơi vào trạng thái “thiền si”, tức là thiếu sáng suốt và tỉnh thức trong suy nghĩ và hành động, thậm chí rơi vào trạng thái hôm trầm, u mê, trì trệ, cản trở cho sự tinh tấn và ngộ đạo.

Nhị tổ còn chỉ ra phương pháp tham cứu “thoại đầu thiền” một cách đúng đắn, giúp ích cho người tu học trên bước đường đi đến chứng ngộ “Bên ngoài thì tham cứu thoại đầu, chớ để gián đoạn. Liên miên, mật thiết, không xen kẽ chắp vá, cũng không chao đảo; không tròng trành, cũng không đắm chìm mê muội. Tươi roi rói như ngọc lăn trên mâm; sáng lung linh như gương rọi trên đài. Đạt đến cõi đất ấy rồi, đi cũng đặng, đứng cũng đặng, ngồi cũng đặng, nằm cũng đăng, nói cũng đặng, làm thinh cũng đặng. Còn có nơi nào mà không đặng? Khi đã đat được như vậy thì mới thấu hiểu ‘tam quan ngộ cú’, ‘tam huyền’, ‘tam yếu’, ‘ngũ vị’, mới suy xét về ‘tứ liệu giản’, ‘tứ tân chủ’, ‘tứ chiếu dụng’, và cơ vi của các thiền tổ, ‘bảy khe tám lỗ’, xào đi xào lại, thấu triệt chân nguyên”[14].

Đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tiễn từng có giai đoạn miệt mài tham cứu câu thoại đầu, Tổ sư Thiền Pháp Loa đã khai thị cho người tu học làm sao để thực hiện một cách hiệu quả công phu tham thiền. Khi dốc lòng tham cứu câu thoại đầu, tuyệt nhiên phải đảm bảo tinh liên tục không dứt, không được gián đoạn, lúc có lúc không. Quá trình này không phải dựa vào sự phân tích của tư duy lý tính, hay đắm chìm mê muội của ảo tưởng, mà thực chất là quá trình thực nghiệm kiến tính bản thể chân như, khiến cho trí tuệ Bát nhã khai mở chiếu diệu cùng khắp. đó là công dụng lớn lao của tham cứu “thoại đầu thiền” vậy. Người tu học khi đạt đến cảnh giới này cũng chính là giác ngộ, có thể “tuỳ cơ tiếp vật, tuỳ phương khai hoá”, mọi hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, nói, làm thinh…, nhất nhất đều đã khế hợp với chính đạo, thể ngộ chân tính, đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại.

3.2.4. Trí tuệ

Có khả năng chiếu rọi khắp muôn phương, nội tâm và pháp giới, nhìn thấy rõ hiện tượng và bản chất.

Theo Pháp Loa tiến trình tuệ đi từ tịnh giới qua thiền định. Tiến trình này có mối quan hệ chặt chẽ. Ngài cho rằng tuệ mà không có định gọi là tuệ cạn, định mà không có sự soi rọi của tuệ gọi là định si. Định có hiệu lực thì thiền đó có tuệ, trong thiền Ngài Pháp Loa chia làm 5 bậc: Phàm phu. Ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa và Thượng thừa.

Thiền của Pháp Loa là thiền thượng thừa, còn quá trình học gồm có giới, định, tuệ. Từ Tỳ Lô Giá Na đến Thích Ca Mâu Ni đến các thiền sư đều lấy giới làm đầu rồi mới đến định và tuệ.

Về phương pháp tu trong Yếu Minh Học Thuật: Đối với người học Phật trước hết phải tham cứu kinh điển rồi mới tu hành. Theo Ngài, kinh có 5 bậc: tư lượng tức thập tín, gia hạnh tức thập tru, hiến đạo tức thập hanh, tu đạo tức hồi hướng, cứu cánh tức thập trụ.

Phật pháp theo tổ sư mà hành đạo thiện cơ: Mọi việc như không có gì, tham thiền học đạo tùy duyên giác ngộ đó là Phật pháp. Do đó, đại thừa yếu thuyết, Pháp Loa trình bày đi việc nghe đạo, tư duy, thực hành và tu. Tam tuệ bát nhã: văn, tư, tu. Tuệ có ba môn tuệ học: văn nghe đạo, tu văn pháp, phải tư duy về đạo thấy rõ tường tận mà học.

4. Đối tượng hành thiền trong đời sông tu tập

Về chọn bạn thì phải biết bạn nên thân cận và bạn không nên thân cận, nhưng thật ra là chỉ cho chúng ta sống trong tùng lâm biết người nào nên gần, người nào không nên gần.

4.1. Hạng người không thể gần gũi

Về Tăng có 4 loại không thể gần gũi (hay gọi là Tăng si), là: Tham lam, độc ác, càn rỡ (hư vọng), bất tín tâm.

Về Sư có 4 loại không thể gần gũi, là: không chính đinh, ngoại đạo, ghen tỵ tật đố, tiểu tâm (nhỏ nhen).

Về bạn, có 4 loại bạn kém không gần gũi, là: chấp pháp tiểu thừa, tham cầu phúc báo, trước nhân ngã tướng, vô tuệ tri tâm (không có trí tuệ).

4.2.  Hạng người có thể gần gũi

Về Tăng có lục hòa có thể gần gũi: Thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, lợi hòa đồng quân.

Về Sư có bốn chính có thể gần gũi: chính tông, chính tâm, chính hạnh, chính ngữ.

Về bạn có bốn loại hơn mình có thề gần gũi: Học đại thừa, đọc rộng kinh điển, khuyên can điều vô ích, giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn.

4.3. Pháp nghe đạo

Đắc ngộ chính tông, xả ly pháp tướng, thường thủ nội tâm, tức kiến đạo vị (Nhờ gần Thầy bạn, được giác ngộ chính tông, rời bỏ tướng pháp, hằng ngày giữ vững). Nhị tổ còn nhắc tới những lời kinh Pháp Hoa về pháp chọn bạn Xa lìa bốn hạng bạn ác, gần gũi bốn hạng bạn lành.

Bốn bạn xấu, là: Nể sợ bạn xấu mà theo dự ý không muốn, nể và a dua với bạn xấu dù ý không muốn, chiều bạn xấu theo cả điều lành dữ mà không tỏ ý can ngăn, hùa theo bạn xấu làm điều ác cùng nhau rượu chè, cờ bạc, trai gái, xướng ca.

Bốn hạng bạn lành, là: Ngăn cản điều sai trái, gặp điều ác thì khuyên can nhau, gặp điều khổ ải thường cứu đỡ nhau, làm điều lợi chung, khi có vui cùng nhau chia sẻ, cùng làm việc với nhau, khi có việc thiện cùng chung tay đóng góp.

Ngài muốn dẫn cho đệ tử cùng hàng hậu học nhớ trong kinh dạy nên gần bạn lành, không nên lành những người dữ.

5. Lợi ích của việc hành thiền

Hạnh phúc hay khổ đau là trạng thái tinh thần, hai yếu tố này chi phối tất cả đời sống của nhân sinh, vì thế những nguyên tố tạo ra chúng nằm ngay nội tại. Cho nên thiền được xem như phương thuốc hành trì để đi đến chứng ngộ. Nguyên tắc của thiền là nắm bắt thực tại, luôn gắn liền bây giờ và ở đây. Rời xa thực tại thì không có thiền. Điều đó cũng có nghĩa là nơi có con người sống và sinh hoạt thì nơi đó có đạo thiền. Cho nên khi tổ nói trong đời sống sinh hoạt bình thường việc hành thiền không chỉ trên việc tham vấn sách vở, kinh điển mà thiền còn được thể hiện trong đời sống thường nhật, với tất cả những điều kiện sống liên hệ đến chính mình.

Qua quá trình tìm hiểu tinh thần Thiền học của Nhị tổ, mỗi con người đều có thể nhận ra mình có Phật tính là bản thể xưa nay hằng hữu, thì giữa sinh diệt vô thường biến động, con người đều có thể sống bình yên với cái vô sinh. Khi hiểu được tất cả các pháp đều là Phật pháp, đời và đạo song hành sẽ gặp nhau ở đích giác ngộ, con người ở mọi thời đại nói chung và con người thời hiện đại nói riêng sẽ sống an vui trong tâm thái thiền vô trụ ngay tại đây và bây giờ, điều cốt yếu cần buông bỏ chấp dính và thể nhập hành trì. Theo quan điểm của Ngài, Thiền không rời xa cuộc sống, đi đứng ngồi nằm, ăn uống ngủ nghỉ đều là thiền. Kiến tính không chấp vào hình tướng. Tất cả con người, không phân biệt ngành nghề, giai tầng, địa vị, công việc, trong mọi sinh hoạt, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, làm việc, tụng kinh, hành thiền, ta đều kiểm soát được tâm vọng động, gan dạ buông nó đi. Như vậy mình mới sống, và sống với tâm chân thật bất động. Thiền định giúp tập trung tâm trí vào một đề mục để đạt được an định, chính niệm sáu giác quan, dừng vọng tưởng lăng xăng, từ đó trí tuệ phát sinh, cao hơn nữa sẽ như tinh thần của Tổ sư thiền mà Thiền phái Trúc Lâm kế thừa, đó là giúp tâm tính thể nhập làm một, hành giả có thể trở lại sống với bản tính thanh tịnh xưa nay, vượt ngoài mọi chấp trước, vô ngã vô trụ. Tư tưởng Thiền của Nhị tổ Pháp Loa cũng khẳng định tính giác luôn sẵn có ở mỗi người, và ai cũng có khả năng tu tập để nhận ra Phật tính đó, khi đắc pháp thì mọi việc làm trở nên siêu xuất. Điều quan trọng là phải nhận ra thực tính pháp.

Phương pháp Thiền của Nhị Tổ cũng phù hợp với lời tuyên thuyết của đức Phật Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Nhị tổ chú trọng đến việc thực hành thiền trên phương diện trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật.

Ngài Pháp Loa là người chủ trương giới xuất gia thực hành theo quy củ thiền môn. Pháp Loa diễn giải vấn đề thiền học một cách cụ thê không nặng nề lý luận mà chủ trương thực hành trong việc tu đạo. Xu hướng Pháp Loa càng về sau càng muốn thể hiện sự thoát tục, điều đó được thể hiện rõ qua bài kệ Thị Tịch:

Âm:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan.

Nghĩa:

Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn.

Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa,

Bên kia trăng gió mặc thênh thang.[15]

Phải chăng Ngài Pháp Loa đã nhận rõ đau khổ của con người bắt nguồn từ cội gốc phiền não. Vì thế, Ngài dùng phương tiện khéo léo bằng cách thiết lập các giới điều về đạo đức giúp con người tu tập với ý thức cá nhân trở về với bản lai diện mục của chính mình để mang lại sự an vui và giải thoát tự tâm. Qua điểm này cho người học, người đọc thấy Ngài Pháp Loa là người thực thi hành pháp đúng như lời đức Phật dạy. Ngài đã có cuộc sống an lạc ở hiện tại, ngay cả lúc sinh tử trọng đại nhất của cuộc đời, Ngài đã lưu lại tiếng thơm ngàn đời cho hậu thế. Nếu không có dòng suối pháp của Ngài Pháp Loa thì dầu có hàng ngàn con sông cũng không thể tẩy gội được tội của chúng sinh. Vì vậy có thể nói nhờ nương vào dòng sữa pháp này mà con người như với được chiếc bè khi sắp chết đuối giữa dòng sông bồng bềnh phiêu bạt. Ai thực hành theo thiền pháp người đó tìm kiếm được một con đường, một phương pháp hành trì, để giảm nhẹ đi gánh nặng của cuộc đời, vơi đi những lo lắng, bất an, phiền não khổ đau trong cuộc sống, có cuộc sống an lạc hạnh phúc. Trước khi đạo Phật ra đời, tại Ấn Độ đã tồn tại nhiều các giáo phái khác nhau, hành trì các phương pháp thiền khác nhau. Mục đích của tất cả các tông phái đều nhắm đên sự tìm kiếm hạnh phúc cho loài người. Đạo Phật ra đời trên một nền tảng sâu dày của nên triết học Ấn Độ, được Đức Phật hoàn thiện viên mãn bằng kinh nghiệm thực chứng của mình. Thiền học đã được giảng dạy và thực hành rộng rãi ngay từ thời đó – thế kỷ thứ 6 trước công nguyên trong xã hội Ấn Độ. Đã có nhiều tu sĩ và cư sĩ thực hành thiền đã đạt được kết quả trong hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực của đời người.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Phật giáo Trúc Lâm, thiền đã được các tổ sư khai thị và giảng dạy theo những phương pháp đặc biệt và rất vắn tắt. Mặc dù Phật pháp được hoằng truyền rộng rãi trong tăng đoàn xuất gia cũng như các tầng lớp xã hội từ vua quan cho đến thường dân, với những phương pháp chỉ thẳng tâm người mạnh mẽ cùng với những lời khai thị như sấm sét, nhưng cũng khó để cho một người có căn cơ trung bình có thể lãnh hội được.

Nhị tổ với việc sử dụng công án thiền độc đáo đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh hoằng dương giáo pháp của người con Phật, nhằm nuôi dưỡng chủng tử bậc Thánh, lợi lạc quần sinh, chấm dứt khổ, an vui hiện tại, tất cả mọi căn cơ dù thấp hay cao cũng tùy theo hoàn cảnh mà tiếp nhận trong tinh thần hòa hợp bất hại.

KẾT LUẬN

Viên tịch ở tuổi 47, thế nhưng với 26 năm ròng rã nỗ lực, Thiền sư Pháp Loa không chỉ làm tròn nhiệm vụ mà Thầy đã giao phó mà còn để lại một sự nghiệp tu học lẫy lừng. Là một người lãnh đạo sáng suốt, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Pháp Loa đã đưa Thiền phái Trúc Lâm phát triển tới một đỉnh cao mới.

Ngài Pháp Loa đã hấp thụ triệt để những tinh hoa giáo lý của đức Phật bằng chính hơi thở Việt, tâm hồn Việt… Nói chung là bằng cả con người của con người Việt Nam, Ngài đã tạo ra một nét độc đáo trong Thiền phái Trúc Lâm: Ngài không chỉ dừng lại ở việc gắn liền thiền với đạo sống giản dị thường nhật như các thiền sư khác, mà còn thổi vào tư tưởng thiền một luồng sinh khí mới của tinh thần củng cố giáo hội thành một tổ chức có quy mô lớn, hình thành nên một giá trị quý báu của Phật giáo thiền tông Việt Nam. Một tinh thần vừa tự lợi vừa lợi tha của tổ Pháp Loa đã tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh và đôi cánh để bay cao trong lĩnh vực tinh thần. Vì vậy, giá trị thiền học của ông ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu cho một giai đoạn Phật giáo mới. Một giai đoạn Phật giáo với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, với chủ trương ghép mình vào khuôn mẫu tích cực hơn bao giờ hết để Phật tử vừa thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện bản thân vừa xây dựng một đời sống theo đạo lý Thiền tông, nhưng đồng thời họ cũng góp phần tham gia tích cực làm tròn trách nhiệm của một công dân có đạo đời với việc xây dựng và phát triển đất nước.

Con người chúng ta hằng ngày bị thất tình, lục dục, bát phong xuy động, làm cho tâm tính con người bị mờ ám, cũng như ngọn đèn bị gió thổi leo lét không sáng tỏ được. Để phá tan cái hắc ám ở xung quanh và soi sáng cảnh vật, đèn tâm chúng ta không giây phút nào bị gió lục trần xao động. Vì đèn tâm chao động nên ánh sáng trí tuệ không thể tỏa ra. Trí tuệ không bừng sáng nên không xé tan được những đám mây vô minh ở xung quanh cũng như không thấu rõ được chân lý của vũ trụ. Vậy, hành giả muốn thấu rõ chân lý của vũ trụ thì phải phá tan những đám mây vô minh để đèn trí tuệ chiếu sáng thông qua thực hành Thiền định. Như Ngài Pháp Loa đã nói “tâm có định mới phát trí tuệ, có trí tuệ mới phá được vô minh thì mới kiến tính thành Phật”, mới mong ra khỏi nẻo luân hồi khổ đau.

Tác giả: Đồng Hảo  – Học viên Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Chi, Tầm quang trọng của chánh tri kiến, TV.Thành Đạo
2. Nguyễn Trọng Chuẩn, Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập I (từ đầu công nguyên đến nhà Trần và thời Hồ), Nxb Khoa học xã hội
3. Nguyên tác Thiền sư Pháp Loa, Huệ Chi Lê Hữu dịch, Thượng Thừa Tam Học Khuyên Chúng Phổ Thuyết
4. Thiền sư Tính Quảng, Sa di Hải Lượng soạn, Thích Phước Sơn dịch, Tam tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995
5. Thích Phước Đạt, trích bài PL 2531, P.321, giảng 2012
6. Lâm Thanh Huyền, Triết học và Thiền học Phương Đông, Nxb Lao Động, 2007
7. Đại tạng kinh Việt Nam, 1992.Kinh Ước Nguyện, Trung bộ I
8. Dr. Perter. D.Santina, dịch giả Thích Tâm Quang, 1996, Nền tảng đạo Phật
9. H.T Thích Trí Quảng, Cảm Nhận Về Đạo Phật, Nxb TPHCM 1992
10. Đoàn Thị Thu Vân, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền phong đời Trần, trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam, Nxb, Đà Nẵng, 2000
11. Thơ văn Lý-Trần (1997), tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
12. Thích Thanh Từ (2005), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb TPHCM.
13. Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
14. Viện Trần Nhân Tông, Thiền Sư Pháp Loa Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
15. https://vi.wikipekia.org/wiki/ph%C3% A1p – Loa

CHÚ THÍCH:

[1] https://vi.wikipekia.org/wiki/ph%C3% A1p – Loa
[2] Thích Thanh Từ (2005), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb TPHCM.
[3] Đại tạng kinh Việt Nam, 1992.Kinh Ước Nguyện, Trung bộ I
[4] Thiền sư Tính Quảng, Sa di Hải Lượng soạn, Thích Phước Sơn dịch, Tam tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, tr.39-40a
[5] Thơ văn Lý-Trần (1997), tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.67
[6] H.T Thích Trí Quảng, Cảm Nhận Về Đạo Phật, Nxb TPHCM 1992, tr.65
[7] Nguyên tác Thiền sư Pháp Loa, Huệ Chi Lê Hữu dịch, Thượng Thừa Tam Học Khuyên Chúng Phổ Thuyết
[8] Dr. Perter. D.Santina, dịch giả Thích Tâm Quang, 1996, Nền tảng đạo Phật, tác giả, tr.161
[9] Đại tạng kinh Việt Nam, 1992.Kinh Ước Nguyện, Trung bộ I, tr.79
[10] Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.81
[11] Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.82
[12] Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.666
[13] Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.666-667
[14] Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.667
[15] Thiền sư Tính Quảng, Sa di Hải Lượng soạn, Thích Phước Sơn dịch, Tam tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, tr.57

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường