Tôi thường chỉ viết về các chủ đề Phật giáo, cố gắng hết sức để tránh các phát biểu về chính trị dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng trong bảy tháng nay, tôi đã suy nghĩ về cuộc chiến tranh Israel-Hamas và theo dõi các cuộc biểu tình trong các trường đại học nhằm phản đối chiến tranh tại Gaza. Tâm điểm là tại  khuôn viên Đại học Columbia chi nhánh Los Angeles khi đụng độ xảy ra giữa nhóm người biểu tình ủng hộ Israel với những người ủng hộ Palestine. Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại Đại học Columbia chi nhánh New York, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp.

(Ảnh: Internet)

Tôi đã đấu tranh qua lại giữa việc chia sẻ suy nghĩ của mình và giữ cho blog này là một khu vực không xung đột (conflict-free). Một phần sự dè dặt của tôi là bởi tôi biết rằng có rất nhiều đồng nghiệp theo đạo Phật không đồng tình với quan điểm của tôi  và tôi không muốn xa lánh bạn bè một cách không cần thiết. Nhưng tôi vừa hoàn thành một khóa học cho Tricycle: The Buddhist Review về mối quan hệ giữa các đức tính và cuộc sống hoàn hảo và một trong những đức tính đó là lòng dũng cảm.

Vì thế, tôi đã quyết định phải can đảm, vứt bỏ sự thận trọng và để mọi chuyện diễn ra theo ý muốn. Một người bạn phật tử trên mạng đã hiểu suy nghĩ của tôi về vấn đề này, gợi ý rằng tôi cần phải quyết định xem mình là Phật tử hay tín đồ Do Thái giáo. Rõ ràng tôi là cả hai và không có ý định từ bỏ một phần quan trọng của bản thân để được chấp thuận hoặc tỏ ra đúng đắn về phương diện chính trị.

Tôi thấy tiếc cho những sinh viên Do Thái khi họ cảm thấy cần phải chìm đắm hoặc phủ nhận các khía cạnh di sản và bản sắc của họ để hòa nhập với nhóm bạn bè. Tôi đoán tuổi già là một phúc lành, tôi đã quá già để lo lắng về việc liệu mình có hòa nhập được ở bất kỳ đâu không?

Nếu đây không phải là chủ đề bạn quan tâm, vui lòng ngừng đọc ngay bây giờ, tôi chỉ muốn trút bỏ một điều gì đó và không có ý định viết về nó nữa.

Nếu bạn yêu cầu tôi lập bảng hệ thống về các chính sách chính trị, tôn giáo và xã hội của Israel mà tôi không tán thành hoặc các chính trị gia Israel mà tôi không thích, thì danh sách đó sẽ khá dài. Nhưng tôi ngờ rằng nó sẽ dài bằng danh sách các chính sách xã hội, chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ và các chính trị gia mà tôi không tán thành, hoặc các chính sách chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc mà tôi không đồng ý.

Điều quan trọng nhất là không có bất kỳ bất đồng nào trong số này khiến tôi nghĩ rằng Israel, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc không còn quyền được sinh tồn hoặc bảo vệ chính mình và lợi ích của mình.

Ý tưởng cho rằng chỉ riêng Israel đã mất quyền sinh tồn vì đây là “kế hoạch thực dân định cư (settler colonialist project) chỉ có thể được coi là đúng nếu chúng ta cũng đồng ý rằng các kế hoạch thực dân định cư khác như Hoa Kỳ, Canada, mọi quốc gia Nam Mỹ, Úc và New Zealand cũng đã mất quyền sinh tồn vì những lý do tương tự.

Cả Nga, Trung Quốc, hay tất cả các đế chế khác đã phát triển qua nhiều thế kỷ khi họ tiếp quản và họ cũng từng là tái định cư các vùng lãnh thổ lân cận, theo nhiều cách hiểu thì đó vẫn là các kế hoạch thực dân định cư.

(Ảnh: Internet)

Người ta có thể thông cảm với hoàn cảnh khốn khổ của những người tị nạn Palestine đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Israel trong cuộc chiến năm 1948. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, một số lượng tương đương người Do Thái Mizrahi (những người do thái có nguồn gốc từ những cộng đồng người Do thái ở vùng Trung Đông từ thời kỳ Thánh kinh cho đến đương đại) đã bị trục xuất khỏi các quốc gia Hồi giáo trong cuộc chiến đó. Israel đã tiếp nhận 850.000-1.000.000 người Do Thái bị trục xuất khỏi các quốc gia Trung Đông và biến họ thành công dân Israel. Hầu hết người Israel là hậu duệ của người Do Thái đã sống nhiều thế kỷ ở Trung Đông và không có mối liên hệ lịch sử nào với châu Âu.

Các quốc gia Ả Rập xung quanh Syria, Ai Cập, Lebanon, Jordan không cho phép người tị nạn Palestine trở thành công dân của quốc gia họ và giữ họ trong các trại tị nạn quanh biên giới Israel. Họ hứa rằng người tị nạn Palestine sẽ trở về quê nhà sau khi họ đánh bại Israel trên chiến trường, điều mà họ không thể thực hiện được.

Tình hình này không khác mấy so với tình hình do cuộc chia cắt Ấn Độ và Pakistan cực kỳ bạo lực sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947. Hàng triệu người Hồi giáo đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Ấn Độ và chuyển đến Pakistan, trong khi số lượng người theo đạo Hindu tương tự đã chạy trốn khỏi Pakistan đến Ấn Độ.

Người ta ước tính rằng 14,5 triệu người đã phải di dời trong cuộc xung đột đó. Không ai trong số những người tị nạn đó và con cháu của họ đòi quyền được hồi hương. Chiến tranh có hậu quả và hệ lụy không lường. Ý tưởng khôi phục lại biên giới lịch sử sau khi lịch sử đã chuyển tiếp có một cái tên - Chủ nghĩa không bản sắc. Lời khẳng định của nhà độc tài Đức quốc xã khét tiếng thế giới, Adolf Hitler (1889–1945) rằng Sudetenland và Áo là một phần của Đệ tam Đế chế (bởi xuất phát từ các sự kiện lịch sử liên quan đến nước Đức), hay lời khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ukraine là một phần của Nga là những ví dụ về chính sách không bản sắc. Yêu sách của Palestine đối với Israel cũng không khác gì.

Nhiệm vụ ban đầu của Liên Hợp Quốc đã uỷ nhiệm tạo thành Israel, chia lãnh thổ Transjordan do Anh nắm giữ thành hai quốc gia, một phần tư lãnh thổ sẽ trở thành nhà nước Do Thái Israel và ba phần tư còn lại sẽ trở thành Palestine. Không phải Israel đã gây cản trở nhà nước Palestine hình thành, thế giới Ả Rập không bao giờ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ sự phân chia nào cho phép Israel sinh tồn và phần còn lại của sự phân chia đã trở thành Jordan hiện đại. Những nỗ lực tạo ra giải pháp hai nhà nước, giống như những nỗ lực ở Oslo và Trại David đã kết thúc trong thất bại phần lớn vì Tổ chức Giải phóng Palestine không thể từ bỏ những yêu cầu tối đa của mình để chấp nhận một thỏa thuận được môi giới, bao gồm cả việc từ bỏ cái gọi là “quyền hồi hương” (right to return) của người Palestine.

Trong nhiều năm qua, kinh nghiệm của Israel với hai cuộc nổi dậy ở Bờ Tây nhắm vào thường dân Israel và các cuộc tấn công liên tiếp từ các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hamas và Hezbollah đã khiến dư luận Israel ngày càng thiên về cánh hữu, vì vậy dư luận không còn ủng hộ giải pháp khả thi duy nhất trong tương lai, đó là giải pháp hai nhà nước. Tổ chức chính trị Hamas tấn công Israel vào ngày 07/10/2023 đã củng cố lập trường này của Israel, với hậu quả đáng tiếc là có thể trì hoãn việc thành lập nhà nước Palestine trong ít nhất một hoặc hai thập kỷ nữa. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một chính trị gia tham nhũng, hoài nghi và ích kỷ, nhưng bạn không thể đổ lỗi cho dư luận Israel hiện tại về giải pháp hai nhà nước cho ông ta. Điều khiến tôi phàn nàn nhiều nhất (trong số nhiều điều) về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là chính quyền của ông ta đã không bảo vệ được biên giới Israel với Gaza vào ngày 07/10/2023.

Nếu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được bố trí đúng vị trí và có thể phản ứng thích hợp, họ có thể đẩy lùi hiệu quả cuộc tấn công của Hamas mà không phải chịu tổn thất khủng khiếp của Israel sau đó. Khi đó, phản ứng của Israel đối với ngày 07/10/2023 có thể bị hạn chế và im lặng hơn, chỉ là ăn miếng trả miếng mà không cần đến cuộc xâm lược toàn diện đã giết chết và di dời rất nhiều người.

Khi Hamas, tổ chức khủng bố Hồi giáo do Iran tài trợ, một tổ chức giống như tổ chức Anh em Hồi giáo và tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan (ISIS) khao khát một vương quốc Hồi giáo trên toàn thế giới và trong trường hợp của Hamas, là sự loại bỏ, trục xuất, khuất phục hoặc cải đạo người Do Thái ở khắp mọi nơi, tấn công Israel vào ngày 07/10/2023trong một cuộc tấn công vô cớ khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng, tấn công 8.000 tên lửa vào Israel và bắt cóc hàng trăm công dân Israel, nó đã trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Israel.

Israel có mọi quyền để giải tán và tước vũ khí của tổ chức duy nhất trong khu vực, thực sự có ý định diệt chủng. Bạn có thể tưởng tượng Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào trước một cuộc tấn công tương tự trên đất Mỹ không?

Khi chiến tranh bắt đầu chống lại kẻ thù đã xây dựng 400-500 dặm đường hầm bên dưới cơ sở hạ tầng dân sự và sử dụng trường học, nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện và các cơ sở của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) làm nơi trú ẩn an toàn cho 30.000 chiến binh của mình, thì không có cách nào để tránh được số lượng thương vong dân sự khá cao.

Đây là bản chất của chiến tranh đô thị hiện đại. Mặc dù tôi sẽ không bảo vệ mọi quyết định chiến thuật và chiến lược của Israel, hãy để tôi nhắc nhở độc giả rằng lực lượng đồng minh trong Thế chiến II có thể đã gây ra tới 1.500.000 thương vong dân sự khi họ ném bom các thành phố của Đức và Nhật Bản để chấm dứt chiến tranh.

Trong khi 34.000 thương vong có vẻ là nhiều và là nguyên nhân gây ra đau buồn và hối tiếc thực sự, con số này nhỏ so với số thương vong trong các cuộc chiến tranh Trung Đông gần đây khác: hơn 500.000 trong cuộc nội chiến Syria, 377.000 trong cuộc nội chiến Yemini, 90.000 trong cuộc nội chiến Lebanon, 500.000 trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Đây không phải là “diệt chủng” (genocide) mà là kết quả có thể mong đợi của chiến tranh đô thị.

(Ảnh: Internet)

Điều này không phải để phủ nhận có thể có các đơn vị và cá nhân của Các lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), là các lực lượng quân sự của Israel, bao gồm các lực lượng lục quân, không quân và hải quân đã phạm tội ác chiến tranh hoặc một số chính sách của Israel có thể đã vi phạm các quy tắc chiến tranh hiện đại cũng không phải để nói rằng chính sách chiến tranh của Israel là đúng đắn về mặt chiến lược.

Cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, Tướng nghỉ hưu của quân đội Mỹ và nhân viên công quyền, David Petraeus và những người khác đã đưa ra những lời chỉ trích sâu sắc về chiến lược của Israel. Nhưng các bên trong những cuộc chiến đôi khi đều phạm tội ác chiến tranh, hành động tàn bạo và mắc phải những sai lầm về chiến thuật và chiến lược. Về vấn đề này, Israel không đáng trách hơn các quốc gia kháckể cả Hoa Kỳ. Hãy nhớ đến Dresden, thành phố thủ phủ của Bang tự do Sachsen tại Đức, Hiroshima, một tỉnh của Nhật Bản, thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi và Abu Ghraib - nhà tù khét tiếng về tra tấn.

Và bây giờ là đôi lời về sinh viên Mỹ phản đối cuộc chiến này. Tôi đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam và Iraq của Mỹ, tôi đã tổ chức cuộc biểu tình phản chiến đầu tiên tại trường đại học của mình vào năm 1965. Tôi có thể hiểu rằng sinh viên rất khó chịu trước cảnh quay về những người Palestine phải di dời, bị thương và thiệt mạng cũng như sự phá hủy rộng rãi cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza. Nếu tất cả những gì họ nói là “cho một cơ hội hòa bình” và bày tỏ hy vọng về giải pháp hai nhà nước, tôi sẽ có thể thông cảm với họ hơn. Nhưng khi họ yêu cầu các trường đại học Hoa Kỳ thoái vốn khỏi nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông, hoặc rằng Israel không có quyền sinh tồn như quê hương Do Thái cổ đại và là nơi ẩn náu cho những người Do Thái bị đàn áp ở khắp mọi nơi, hoặc rằng Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ một đồng minh được bao quanh bởi các lực lượng ủy nhiệm của Iran nhằm mục đích hủy diệt nó, thì họ mất đi mọi sự thông cảm mà tôi có thể dành cho họ.

Khi tôi biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và Iraq, tôi không biểu tình thay mặt cho chiến thắng của Việt Cộng hay chính quyền Baathist của Saddam Hussein. Việc sinh viên ăn  mừng ngày 07/10 như một chiến thắng cho những người bị áp bức khiến tôi nhớ đến việc Michael Foucault ăn mừng sự lên nắm quyền của Ayatollah Khomeini - Người lập nên Cộng hòa Hồi giáo Iran như một chiến thắng nhân văn vĩ đại, một quan điểm sai lầm sâu sắc về những gì cấu thành nên sự cải thiện văn minh hay tiếng nói thực sự của người dân Iran.

Và cũng là một sai lầm khi nghĩ rằng một người có thể chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái mà không chống lại người Do Thái. Người Do Thái sùng đạo hướng về Jerusalem, một nơi linh thiêng đối với Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, cầu nguyện theo hướng đó ba lần mỗi ngày và đã làm như vậy trong hàng nghìn năm. Sách Sáng Thế Ký (book of Genesis) là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung. Nội dung của Sách Sáng Thế nói về nguồn gốc của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel, là một cuốn sách về cơ bản, thuyết minh về mối quan hệ của người Do Thái với vùng đất Israel, Abraham đã đạt được việc mua hang Machpelah để chôn Sara như thế nào,  ông đã trả bao nhiêu tiền cho nó và ai đã chứng kiến ​​việc mua bán này. Mỗi bữa tiệc Seder Lễ Vượt Qua (Passover) đều kết thúc bằng câu nói, “Năm sau ở Jerusalem!” Ý tưởng rằng người ta có thể tách Do Thái giáo khỏi mối liên hệ lịch sử của nó với vùng đất Israel là một trò hề. Chúng tôi, những người Do Thái, sẽ không bao giờ bị di dời khỏi quê hương lịch sử của mình nữa miễn là chúng tôi có khả năng chống lại. Bất kỳ phong trào chính trị nào nghĩ rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng bị di dời một lần nữa đều không hiểu về lịch sử và quyết tâm của người Do Thái. Và bất kỳ ai tin rằng người Do Thái sẽ sẵn sàng sống trong một quốc gia không phải Do Thái với đa số là người Palestine thì đang sống trong một câu chuyện cổ tích.

Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra và bám víu vào tưởng tượng đó là trở ngại chính đối với việc thành lập một quốc gia Palestine.

Tôi không phải là người Do Thái sùng đạo, tôi là một tu sĩ Phật giáo đang tu hành. Nhưng tôi là người Do Thái bản địa có mối liên hệ chặt chẽ với dân tộc và di sản của mình. Tôi biết đủ về lịch sử Do Thái để biết rằng người Do Thái đã bị phân biệt đối xử và trục xuất khỏi mọi quốc gia châu Âu hoặc Trung Đông nơi họ sinh sống. Đã có những thời kỳ hoàng kim tương đối ở Tây Ban Nha, Ý và những nơi khác, nhưng chúng không bao giờ kéo dài mãi mãi. Cuối cùng chúng cũng kết thúc. Hiện tại ở đây là thời kỳ hoàng kim của người Do Thái tại Hoa Kỳ, nhưng chủ nghĩa bài Do Thái ở cả cánh tả và cánh hữu vẫn dai dẳng như một cơn sốt nhẹ và đang bùng phát trở lại. Điều quan trọng đối với tôi là Israel vẫn là nơi ẩn náu tiềm năng cho người Do Thái ở Mỹ nếu mọi thứ ở đây cuối cùng trở nên tồi tệ. Việc duy trì quê hương lịch sử của chúng ta là rất quan trọng để đảm bảo sự tồn tại liên tục của người Do Thái như một dân tộc.

Không có điều nào trong số này là phủ nhận sự đồng cảm với người Palestine ở Dải Gaza và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Tôi hy vọng cuộc sống và điều kiện của họ được cải thiện và cầu chúc họ hòa bình ở đất nước độc lập của riêng họ. Mong rằng điều đó sẽ đến sớm hơn là muộn. Một số điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi chính trị lớn ở Israel. Một số điều này sẽ đòi hỏi người Palestine phải chấp nhận rằng họ sẽ phải sống cạnh một nhà nước Do Thái là Israel. 

Tác giả: Tiến sĩ Seth Zuihō Segall

Việt dịch: Thích Vân Phong

Nguồn: https://www.existentialbuddhist.com