Trang chủ Bài viết nổi bật Vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội

Vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội

Vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội ngày càng thể hiện rõ nét , tôn giáo tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, các tôn giáo lớn thường không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong phạm vi một quốc gia riêng lẻ mà tầm ảnh hưởng còn mang tính quốc tế.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội ngày càng thể hiện rõ nét , tôn giáo tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, các tôn giáo lớn thường không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong phạm vi một quốc gia riêng lẻ mà tầm ảnh hưởng còn mang tính quốc tế.

Tác giả: Thích Đồng Niệm

A. DẪN NHẬP

Xã hội loài người đã có những bước tiến vô cùng to lớn trong tất cả mọi mặt : Kinh tế, chính trị, khoa học kĩ thuật và nghệ thuật. Trong một xã hội như vậy có một bộ phận không thể thiếu được, bởi nó chính là một bộ phận cấu thành nên thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở của một xã hội, đó chính là tôn giáo.

Tôn giáo một vấn đề tưởng chừng như vô cùng cũ kĩ, nhưng thực chất nó luôn luôn mới mẻ. Bởi vì tôn giáo nằm trong một bộ phận cấu thành nên xã hội, nên cùng với sự thay đổi của loài người mà tôn giáo cũng có những sự biến đổi dù là về nội dung hay chỉ là về hình thức. Tôn giáo – một hiện tượng xã hội phức tạp, chỉ có thể giải thích nó một cách khách quan khoa học dựa trên những quan niệm của nền tảng Triết học duy vật về lich sử, cũng như nhận thức duy vật khoa học.

Tôn giáo là một hình thức phản ánh hư ảo, xuyên tạc đời sống hiện thực và đã ra đời cách đây hàng chục nghìn năm nhưng ngày nay trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật trên thế giới , tôn giáo dường như vẫn có sự phát triển đa dạng về hình thức và rộng lớn về quy mô. Vì vậy, không thể giải quyết vấn đề tôn giáo một cách đơn thuần về mặt nhận thức xã hội.

Mặt khác vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội ngày càng thể hiện rõ nét , tôn giáo tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống tinh thần, các tôn giáo lớn thường không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong phạm vi một quốc gia riêng lẻ mà tầm ảnh hưởng còn mang tính quốc tế.

Vai tro cua ton giao trong doi song xa hoi tapchinghiencuuphathoc

Ảnh minh họa.

B. NỘI DUNG

Tôn giáo là một phổ quát văn hóa nên nó đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người. Các nhà xã hội học, dù là duy chức năng hay duy xung đột đều nhất trí rằng tôn giáo là một định chế xã hội và có các chức năng chính sau.

1.1. Chức năng kết hợp xã hội

Tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn của nó, vì thế những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau hơn nhờ những giá trị và tiêu chuẩn chung ấy. Từ xã hội nguyên thủy, những thành viên của xã hội đã có chung một vật tổ – biểu hiện hữu hình của sự gắn kết. Ngày nay, tất cả những đồng tiền giấy của nước Mỹ đều in dòng chữ: Chúng con tin tưởng tuyệt đối vào Chúa hàm ý sự đoàn kết tập thể dự trên niềm tin. Tôn giáo, dẫu đó là Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo, cũng đều cung cấp cho người ta ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của họ. Nó mang đến cho họ những giá trị tối hậu và những cùng đích nào đó để giữ họ chung lại với nhau.

Trong những thời điểm khủng hoảng hay hỗn loạn, tôn giáo cũng giúp cho con người gắn bó với nhau hơn. Tuy vậy, tôn giáo không phải là định chế xã hội duy nhất có chức năng tích hợp, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc…cũng là chất keo gắn kết những thành viên của một xã hội. Mặt khác, cũng có khi sự “rối loạn chức năng” xảy ra, đó là lúc tôn giáo góp phần vào sự căng thẳng, thậm chí xung đột giữa các nhóm hoặc giữa các quốc gia với nhau. Thời Trung Cổ, niềm tin tôn giáo thúc đẩy tín đồ Cơ Đốc châu Âu tổ chức thành những đạo quân Thập tự chống lại tín đồ Hồi giáo phương Đông. Ngày nay, mâu thuẫn giữa các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo cũng góp phần vào sự bất ổn định chính trị của khu vực Trung Đông hay căng thẳng giữa các tín đồ Tin Lành với Thiên Chúa giáo ở Bắc Ireland; giữa các tín đồ Ấn Độ giáo với đạo Sikh ở Ấn Độ… Việc xung đột giữa các tôn giáo khác nhau cho thấy cái gọi là tôn giáo bản chất là không tồn tại, do cái gọi là tôn giáo một khi đã xuất hiện thì phải dựa trên một quan điểm nào đó, mà khi dựa trên một quan điểm nào đó thì đã có quan điểm đối lập với nó rồi, nếu có một tôn giáo khác dựa trên (ít hoặc nhiều, một phần hoặc toàn bộ) một quan điểm đối lập thì hai tôn giáo trở thành (ít hoặc nhiều, một phần hoặc toàn bộ) mâu thuẫn với nhau.

Chính vì thế, cái gọi là tôn giáo không phải là lúc nào cũng là “Tôn Giáo” theo đúng ý nghĩa thánh thiện và tối hậu của nó.

1.2. Chức năng kiểm soát xã hội

Tôn giáo không có chức năng kiểm soát xã hội, vì xã hội đối với tôn giáo chưa đủ “tiêu chuẩn” đáng để tôn giáo có thể xét đến, vì hiện tại nó quá nhiều khiếm khuyết về tính thánh thiện và đạo đức. Tuy nhiên, trong quá khứ, cũng từng có quan điểm sai lầm, trong đó có quan điểm duy xung đột, đặc biệt là của Karl Marx, tôn giáo ngăn cản sự biến đổi xã hội bằng cách khuyến khích những người bị áp bức vào các quan tâm ở thế giới khác, thay vì vào sự đói nghèo, hay sự bóc lột đang hiện diện. Quan điểm này cho rằng tôn giáo góp phần kiện toàn các định chế và trật tự xã hội như một tổng thể, duy trì hiện trạng của xã hội, giữ nguyên cấu trúc bất bình đẳng của nó cũng như củng cố lợi ích của tầng lớp thống trị. Thiên Chúa giáo dạy con người sự vâng lời và như vậy rất có thể nó làm cho những người bị áp bức không chống lại; hay hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ định hình cấu trúc xã hội của đại đa số người theo Ấn Độ giáo; những người cầm quyền thường viện dẫn tôn giáo để thực hiện quyền kiểm soát xã hội… Về điều này, có thể tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của Karl Marx: tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại. Tuy nhiên, câu này không chính xác ở chỗ nó chưa thấy được thực thể con người không hoàn toàn là vật chất mà còn là một cấu trúc mang thuộc tính tâm linh. Mặt khác, những nghiên cứu của Max Weber về giáo phái Calvin của đạo Tin Lành đã dẫn đến kết luận tôn giáo có tác dụng thúc đẩy xã hội. Các cải cách của Tin Lành đã dẫn đến việc duy lý hóa xã hội, con người thay vì chấp nhận số mệnh và hướng về đời sống sau khi chết theo truyền thống, phải đạt tới cuộc sống thịnh vượng, phải phấn đấu để thành công bằng mọi nỗ lực để thực hiện hoạch định của Chúa. Weber cho rằng chính vì thế chủ nghĩa tư bản hình thành vững chắc ở những nơi mà giáo phái Calvin phát triển mạnh, thậm chí còn gọi tinh thần của tôn giáo này là cốt tủy của chủ nghĩa tư bản.

1.3. Chức năng hỗ trợ xã hội

Dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,… cái chết của những người thân thuộc, yêu quý và cái chết của chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống rất dễ bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị rơi vào tuyệt vọng hơn. Một số tôn giáo còn cung cấp cho con người những biện pháp như cầu nguyện, cúng bái thần linh trong niềm tin rằng những việc làm như vậy sẽ giúp cải thiện tình hình. Trên góc độ khác, tôn giáo còn cho con người một cứu cánh trong bất hạnh đó là coi bất hạnh ấy là ý của đấng thiêng liêng và có một ý nghĩa nào đấy mà con người không nhận thức được. Trong nghĩa cơ bản, tôn giáo tạo ra phương tiện để giải quyết những vấn đề sau cùng: sống, chết mà không có lẽ phải thông thường nào có thể đưa ra lời giải đáp. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Peter Berger nêu rằng khi đối mặt với những đe dọa như tai họa hay cái chết, sức mạnh hỗ trợ của niềm tin thần thánh hay sự thiêng liêng giảm đi rất nhiều nếu con người xem thần thánh đơn thuần chủ yếu là công cụ để giải quyết bi kịch.

1.4. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong xây dựng đất nước

Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người trên thế giới nói chúng và Việt Nam hiện nay nói riêng. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Để khẳng định một cách khách quan những giá trị nhân văn, hướng thiện, những chuẩn mực đạo đức tiến bộ trong tôn giáo sẽ góp phần làm phong phú hệ giá trị đạo đức của nhân loại.

Trong điều kiện hiện nay, trước yêu cầu phải đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, việc phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo có ý nghĩa thiết thực trong đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc của mọi quốc gia, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập trong một bộ phận dân cư.

Bởi vì, giáo lý của các tôn giáo đều hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Các tôn giáo không chỉ mang ý nghĩa chính trị, xã hội mà còn hàm chứa sâu sắc những yếu tố văn hóa, đạo đức.

Cùng với đó, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ làm công tác tôn giáo là rất cao để có thể đi sâu, đồng hành, đồng cảm với từng niềm vui, nỗi khó của tín đồ các tôn giáo; tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật; để các tôn giáo góp phần tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Bên cạnh đó, các chức sắc, chức việc, người tu hành, tín đồ các tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của giáo lý, của văn hóa dân tộc để xã hội ngày càng an lành, để cuộc sống ngày càng hạnh phúc, để đất nước ngày càng phồn thịnh.

1.5. Những ảnh hưởng tốt của tôn giáo lên xã hội

Hiện nay, trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, các quốc gia trên thế giới đã nhận đinh tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa. Vấn đề đạo đức tôn giáo đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tôn giáo nói chung mang lại nhiều ích lợi cho con người và xã hội như sau:

– Tôn giáo giúp con người cảm thấy bớt lẽ loi nhỏ bé và bất lực trong cái vũ trụ bao la đáng sợ chung quanh họ.

– Tôn giáo đáp ứng nhu cầu “chinh phục sự chết” cần thiết trong bản năng sinh tồn tự nhiên của con người.

– Tôn giáo cung cấp phương tiện và cơ hội để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người; thí dụ như cảm giác thông linh, giao hòa với một huyền lực bao la vĩ đại mà nhiều tôn giáo đã nhân cách hóa và gọi là “Thượng Đế”.

– Tôn giáo là một phương tiện giúp con người dễ bột phát những thiện tính đã có sẵn tự nhiên trong mỗi người và áp dụng những thiện tính này vào đời sống hàng ngày.

– Tôn giáo cung cấp một phương tiện khá hữu hiệu để truyền bá các tiêu chuẩn đạo đức và gìn giữ con người nằm trong khuôn khổ của các tiêu chuẩn đạo đức này.

– Tôn giáo giúp con người đoàn kết mạnh mẽ hơn khi cùng đứng với nhau trong một tập thể dưới một danh nghĩa cao cả chung.

Tuy vậy, hầu như tất cả các ảnh hưởng tốt kể trên đều có thể đạt được từ bản chất chân thiện mỹ cũng như khả năng đạo đức và tâm linh đã tự sẵn có trong tâm thức con người nhờ tôn giáo đánh thức tính thiện trong mọi con người.

1.6. Những ảnh hưởng xấu của tôn giáo lên xã hội

Tôn giáo có nhiều lãnh vực tiêu cực về phương diện trí tuệ và tâm linh lẫn xã hội và nhân văn như sau:

– Tôn giáo nào cũng cho rằng chỉ có họ là chính giáo, chỉ có giáo điều và “Thượng Đế” của họ là chân lý và tối thượng (ngoài trừ Phật giáo). Có những tôn giáo cho rằng tất cả tôn giáo khác đều là tà giáo, tất cả “Thượng Đế” của các tôn giáo khác là sản phẩm của sự lầm lẫn ngu tối của loài người. Sự tranh chấp này đưa đến hiềm khích và chiến tranh liên tục ở mọi tầng lớp trong lịch sử nhân loại. Đã và đang có vô số cuộc thảm sát, giết chóc xảy ra vì lý do trực tiếp liên quan đến tôn giáo.

– Tôn giáo được xây dựng dựa trên sự sợ hãi của con người(ngoại trừ Phật giáo trên tinh thần tự giác). Từ đó tôn giáo trở thành một công cụ hữu hiệu của thiểu số cầm quyền dùng để cai trị và kiểm soát quần chúng ở mọi tầng lớp, từ thời xưa cổ cho đến ngay cả chính ngày hôm nay.

– Nhiều tôn giáo khuyến khích con người từ bỏ trí óc lý luận và suy xét để chấp nhập những đức tin huyễn hoặc, vô căn cứ (ngoài trừ Phật giáo).

– Nhiều tôn giáo phủ nhận giá trị và khả năng đạo đức cơ bản tự nhiên của con người(ngoài trừ Phật giáo).

– Nhiều tôn giáo không biến đổi kịp với sự tiến hóa về mặt khoa học, xã hội lẫn cả về mặt tâm linh của con người do đó trở thành chướng ngại vật trên đường tiến hóa của nhân loại (ngoài trừ Phật giáo).

– Nhiều tôn giáo tiếp tục gìn giữ và truyền dạy những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức (ngoài trừ Phật giáo không giáo điều).

– Các tín đồ cực đoan dùng những giáo điều cổ hủ, lầm lạc và vô đạo đức trong tôn giáo họ để làm căn bản và lý do cho  các hành động độc ác. Tùy vị thế và khả năng của các thành phần cực đoan nầy, các hành động độc ác của họ có thể có tai hại rộng lớn, lâu dài và sâu xa đến vô số người vô can khác.

Con người thường cảm thấy bất lực và vô vọng trước những sự đau khổ và hủy diệt trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, lời hứa hẹn được thương yêu chăm sóc bảo vệ trong kiếp này và một sự sống vĩnh hằng ở kiếp sau mang lại một ảo giác an lành khó gì sánh bằng, mặc dù ảo giác an lành này chỉ tạm bợ, mơ hồ và giả tạo. Để hưởng thụ cái ảo giác an lành này một cách trọn vẹn hơn, con người sẵn sàng nhắm mắt cố ý không nhận thấy những khuyết điểm lộ liễu và sự tai hại của nhiều tôn giáo.

C. KẾT LUẬN

Sự hình thành và phát triển của các tôn giáo đã góp phần vào một trong các bộ phận cấu thành nền triết học nhân loại. Ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội rất lớn và rất quan trọng trong đời sống tư tưởng của nhân loại, từ giai đoạn sơ khởi cũng như đến bây giờ. Hầu hết các tôn giáo vẫn mang rất nhiều giá trị quan trọng thu hút một bộ phận đông đảo quần chúng tham gia. Một số tôn giáo có sự biến đổi liên tục nhanh chóng phù hợp với sự phù hợp về kinh tế xã hội.

Cho nên, tôn giáo là một bầu trời muôn thuở, triết lý đạo đức của con người vẫn là đạo đức của thế nhân. Nếu triết học, tâm lý, luận lý và đạo đức được mọi người ca tụng, để đón nhận những tinh hoa tư tưởng vĩ đại nhất của con người. Thì chúng ta một lần nữa để nghiên cứu đặc trưng tính chất tôn giáo mới thấy rõ tính chất gay gắt trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và duy vật.

Nhưng trái lại nó đã đem lại những thành quả cơ bản tốt đẹp cho những ai có lòng tin nơi tôn giáo.

Tài liệu tham khảo:

1. Fernand Braudel (2004), Tìm Hiểu Các Nền Văn Minh Trên Thế Giới, Trần Hương Liên & Hoàng Việt dịch, Nxb. Khoa Học Xã Hội.
2. Phạm Khắc Chương- Phạm Văn Hùng- Nguyễn Quang Lập(2001), Lịch Sử Triết Học, Nxb. Giáo Dục.
3. Thích Nguyên Hạnh(2007), Tôn Giáo Khái Niệm và Lịch Sử, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM.
4. Đỗ Minh Hợp (2000), Đại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Tây,Nxb. Tổng Hợp.
5. Đỗ Minh Hợp- Nguyễn Anh Tuấn- Nguyễn Thanh- Lê Hải Thanh (2005), Tôn Giáo Lý Luận Xưa Và Nay, Nxb. Tổng Hợp Tp.HCM.
6. Cao Xuân Huy (1998), Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb. Văn hoá thông tin.
7. Samuel Enoch Stumpf & Donald C. Abel(2004), Nhập Môn Triết Học Tây Phương, Lưu Văn Hy dịch, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Hiến Lê (1997), Lịch Sử Thế Giới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.
9. Thích Thánh Nghiêm(1995), Tôn Giáo Học So Sánh, Nxb. Tôn Giáo.
10. Thích Tâm Quang (2004), Những Tôn Giáo Lớn Trong Đời Sống Nhân Loại, Nxb. Tôn Giáo.
11. Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học xuất bản, Hà Nội, 1986.
12. Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1997), Ảnh hưởng của các tư tưởng tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb. CTQG

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường