Trang chủ Văn hóa Sắc Tứ Quan Âm cổ tự và cuộc đời Hòa thượng Thích Trí Tâm

Sắc Tứ Quan Âm cổ tự và cuộc đời Hòa thượng Thích Trí Tâm

Hòa thượng Thích Trí Tâm đã dành cả cuộc đời mình cho dân tại tỉnh Cà Mau. Dù Ngài chưa xuất gia được bao lâu đã viên tịch. Ngôi chùa chưa được hoàn thiện và phát triển như hiện nay nhưng những gì Ngài để lại cho Phật giáo Cà Mau lại là điều bất hữu.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Hòa thượng Thích Trí Tâm đã dành cả cuộc đời mình cho dân tại tỉnh Cà Mau. Dù Ngài chưa xuất gia được bao lâu đã viên tịch. Ngôi chùa chưa được hoàn thiện và phát triển như hiện nay nhưng những gì Ngài để lại cho Phật giáo Cà Mau thật là hữu công.

Tác giả: Thích nữ Huệ Hiếu (Dương An Tiên)

Học viên khoá IV của lớp Thạc sĩ Phật học tại HVPGVN cơ sở 1

Cà Mau là vùng đất mũi được hình thành rất muộn so với các tỉnh thành xung quanh miền Tây Nam bộ. Chính vì thế tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng tại tỉnh Cà Mau là sự du nhập, truyền thừa và gìn giữ từ khi có dân di cư vào đây lập nghiệp, sinh sống. Điểm đặc biệt của Phật giáo tại Cà Mau được thể hiện qua ngôi chùa Bắc tông duy nhất được vua Thiệu Trị năm thứ 2 ban chiếu sắc phong là “Sắc Tứ Quan Âm cổ tự”.

Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu là người người Trung Hoa vì bất mãn nhà Thanh nên đã nên đã đưa gia đình, đồng hương vượt biển đi về phương Nam là phủ Nam Vang nước Cao Man và lập nên phủ Sài Mạt ở nước này[1]. Đây cũng chính là giai đoạn người Việt hình thành cộng đồng dân cư khai khẩn, lập nghiệp tại vùng đất Hà Tiên trong đó có Cà Mau.

Sau khi nhà Tây sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt, một số gia tộc là quan lại triều Tây Sơn chạy vào cư trú ở vùng đất làng Tân Duyệt – Đầm Dơi hạt Cà Mau tổng Quản Xuyên, tỉnh Long Xuyên nay xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau để lánh nạn, trong đó có gia tộc họ Tô từ miền Trung vào lập nghiệp. Tương truyền trong gia đình ai cũng biết võ nghệ và thầy thuốc đông y nên vào vùng trung du khai phá hàng phục thú rừng để lập nghiệp, nối dõi nhiều đời. Ông Tô Thuận (có người lại cho là Tô Hoà nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được là Tô Thuận hay Tô Hoà) và bà Lê Thị Soi tự Cửu Hường có nhiều người con lớn lên đi lập nghiệp ở nhiều nơi như xã Phú Mỹ, xã Phú Tân Cái Nước, xã Tân Thành Cà Mau,… còn lại con út là Tô Quang Xuân và người chị gái là Tô Thị Tường (Tô Thị), sau xuất gia tại chùa Mỹ Cổ đến khi viên tịch dân làng nhớ công ơn và đức hạnh của bà nên xây tháp thờ cho đến ngày nay[2].

Tapchinghiencuuphathoc.vn Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự Và Cuộc đời Hòa Thượng Thích Trí Tâm

Gian thờ Hòa thượng Thích Trí Tâm tại Sắc Tứ Quan Âm cổ tự.

Vẫn còn một dữ kiện do phó chủ tịch Mật trận thành phố Cà Mau là ông Trần Minh Lăng đã tìm hiểu và có nhắc đến trong bài luận văn tốt nghiệp cử nhân của mình là “Vào thập niên 20 – 30 của thế kỷ 19 ông Tô Quang Xuân là con trưởng của quan Thái y triều Tây Sơn ẩn cư ở vùng Tân Duyệt ra Cà Mau lập ra một am nhỏ hiệu là “Quan Âm Từ Am Tự” để thờ phật và bốc thuốc nam trị bệnh”.

Như vậy, để xác định Tô Quang Xuân là con trưởng của Thái y hay của ông Tô Thuận và bà Lê Thị Soi thì đây là một vấn đề chưa được thống nhất bởi lịch sử lúc bấy giờ chỉ truyền miệng và chưa có sự ghi chép. Mãi đến thời Hòa thượng Thiện Bửu có chép lại cuộc đời của Ngài:

“Quê thầy Tân Duyệt ngày còn tại gia

Làm con hiếu thảo thuận hoà

Đôi mươi tuổi chẵn, mẹ cha dạy rằng

Nay con khôn lớn trưởng thành

Lập bề gia thất mới đành mẹ cha…”[3]

Qua đoạn thơ trên chỉ cho chúng ta dữ kiện là quê Ngài ở Tân Duyệt và con của ai lại không nhắc đến. Có thể người đời trước tôn trọng gia tộc này nên ít ai biết đến tên gọi hằng ngày chỉ nhắc bằng các danh từ như “thái y”, “thầy thuốc” và một số người thân gần mới biết tên cha, mẹ của Tô Quang Xuân còn truyền miệng cho đến nay. Như vậy, có thể trưởng thái y lại là ông Tô Thuận và Ngài từ nhỏ đã học được cách bốc thuốc chữa bệnh từ cha của mình. Khi Ngài xây dựng am tu tập cũng là lúc giúp bá tính nghèo trong làng có nơi trị bệnh.

Tương truyền ngài Tô Quang Xuân khi đến tuổi trưởng thành vâng lời cha mẹ chuẩn bị lập gia đình. Một hôm ông vào rừng đốn củi về chuẩn bị đám hỏi, khi Ngài đốn cây củi có bọng cây, thấy có vật lạ mới lấy ra xem là quyển kinh Năm Ông. Tô Quang Xuân mang về đọc đến đêm nhưng mơ màng thấy Phật Quan Âm đến điểm hoá và nói rằng duyên ông đã đến nên tu hành để cứu đời. Khi tỉnh giấc, Ngài suy nghĩ và ngủ không được mới lấy quyển kinh ra đọc Ngài chợt ngộ. Đến sáng trình với cha, mẹ và tường thuật giấc mộng của mình. Sau đó xin cha mẹ cho xuất gia tầm đạo và đưa quyển kinh cho cha, mẹ xem. Mặc dầu cha, mẹ khuyên can nhưng với chí quyết của Ngài cha, mẹ đồng ý. Từ đó ông khăn gói lên đường tìm chỗ ẩn cư. Khi đến Cà Mau thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thưa thớt, có một cù lao bốn bề sông nước. Ngài chọn cất ngôi am nhỏ để tu hành và về sau mở cơ sở thuốc nam trị bệnh cho dân làng. Tiếng lành đồn xa, dân chúng khắp vùng và các tỉnh làng lân cận đến để nghe pháp và trị bệnh ngày càng đông.

Chuyện kể lại rằng: Một hôm ông Hổ rên la đi đến chùa để xin thuốc được Ngài trị khỏi bệnh và về sau tổ viên tịch cọp nằm bên tháp tới chết. Dân làng thấy vậy xây dựng ngôi mộ bên cạnh tháp ngài Tô Quang Xuân và gọi là sư Cậu. Đến nay ngôi tháp sư Cậu vẫn còn bên cạnh tháp Hòa thượng Thích Trí Tâm.

Tiếng tăm của ngài Tô Quang Xuân ngày càng vang dội khắp nơi, bá tính hàng ngàn người đến cầu pháp và trị bệnh. Thấu đến tai triều đình và một số thầy lang ganh ghét như ông Đỗ Văn Viễn[4] tố cáo Ngài lên tận Gia Định và nói là gian đạo sĩ vì tu hành mà để tóc. Tập họp quần chúng mưu đồ làm phản, chống đối triều đình. Sau đó, Ngài bị quản thúc tại Gia Định nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân đã làm quan trên kính phục và rất kinh ngạc và đặc biệt “tại đây họ không tìm thấy ở ông ý đồ phản nghịch như tên Đỗ Văn Viễn đã báo”[5].

Vua phái người đến theo dõi Ngài nhiều lần, Ngài đều biết trước và trả lời suông sẻ. Khi quan về báo lại, vua muốn biết thật hư thế nào mới cho mời Ngài về triều đình Huế để làm sáng tỏ nhưng khi về đến vua bận việc chưa tiếp được. Lễ bộ mới đưa Ngài về tạm nghỉ tại chùa Kim Chương để chờ yết kiến vua. Hoà thượng trụ trì chùa Kim Chương mới hỏi Ngài nguyên nhân nào lại bị triệu về đây.

Tô Quang Xuân mới trình bày mọi việc, Hòa thượng khuyên Ngài đã có duyên lành thì nên xuất gia tu hành để vào hàng ngũ sa môn, đủ oai đức tế độ quần sinh. Sau đó Ngài mới quy y và xuất gia với Hoà thượng trụ trì và ban cho pháp danh là Thích Trí Tâm. Công việc triều chính xong vua mới triệu Ngài vào yết kiến. Người đời đồn Ngài linh thiên vua mới thử bằng cách mời Ngài ngồi ở cẩm đòn để hầu chuyện. Ngài Quang Xuân bước đến quỳ xuống và không ngồi. Vua hỏi lý do, Ngài tâu rằng: dưới màng nhung của cẩm đòn có hình đức Phật nên không thể ngồi. Vua hỏi sao Ngài biết và Tô Quang Xuân nói là đêm hôm qua Long thần Hộ Pháp có mách bảo. Sau buổi chầu vua mới ra lệnh thiết đãi cơm chay, Tô Quang Xuân lại không ăn. Các quan mới hỏi sao Ngài không ăn và Quang Xuân bảo trên chay dưới mặn nên ăn không được. Vua mới nói rõ ràng Ngài là bậc chân tu mới lệnh cho các quan đưa Ngài về chùa Kim Chương để tu hành và thuyết pháp cho đồ chúng.

Đến năm 1842, Ngài xét thấy nhân duyên đã mãn mới viết sớ và trình với Hoà thượng trụ trì chùa Kim Chương rằng: Mai này duyên con đã hết ở cõi trần xin Hoà thượng dâng sớ lên vua đưa nhục thân con về an táng ở quê nhà. Đúng vào giờ Ngọ ngày mùng 3 tháng 6 năm 1842 (Nhâm Dần) Ngài mặc y hậu chỉnh tề lên chính điện lễ Phật và ngồi an toạ vào chính định. Khi đại chúng thấy Ngài lâu không cử động. Hoà thượng trụ trì đến xem thì Ngài đã viên tịch. Hoà thượng trụ trì mới trình báo đến quan và dâng tấu chương của Ngài đến vua. Sau đó vua ra lệnh cho hàn lâm viện ra chiếu chỉ sắc phong cho Ngài là tổ sư Hoà thượng, chùa Quan Âm được ban chiếu sắc phong “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự” và tổ chức đưa kim quan Ngài về Cà Mau xây tháp phụng thờ. Tương truyền rằng: Trong lúc chở Ngài về trên không có đàn chim bay theo vần vũ, dưới sông có cặp cá kình bơi theo hộ tống. Ban đêm thì có đàn đom đóm bay trước mũi thuyền để chiếu sáng. Khi thuyền đến Cà Mau cập bến chùa hương quan viên chức và đồng bào phật tử tập hội rất đông để đón Ngài về thì lạ thay trong kim quan Ngài toả hào quang và hương thơm ngào ngạt bay ra. Từ đó danh xưng của Ngài là Phật tổ, ngôi chùa Quan Âm cũng mang danh hiệu là chùa Phật tổ.

Chùa toạ lạc tại khóm 3, phường 4, Tp. Cà Mau. Theo khảo tả di tích tại tỉnh Cà Mau, dù đã làm trùng tu 1937 những vẫn giữ được nét kiến trúc xưa. Mái chùa có hình quả ấn, được chia thành hai phần: Phần nóc chính và mái nghi môn. Phần nóc chính thể hiện đường nét kiến trúc với hình lưỡng long tranh châu. Bên dưới là những phù điêu, hình ảnh mô tả cảnh thiên nhiên. Mặt chính trên nóc đề 6 chữ “Sắc Tứ Quan Âm cổ tự”. Những đường cong ở đầu đao mái chùa thể hiện cá hoá long làm bằng xi măng ốp sứ đã được cách điệu nên mang dáng vẻ độc đáo. Đây được xem là giá trị nghệ thuật đặc sắc nhất của ngôi cổ tự. Mái nghi môn làm ở tầng thấp cũng được lợp bằng ngói máng, hoạ tiết giống như nóc chính điện.

Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở ngôi Tam bảo là dùng đồ sứ ốp vào các hoạ tiết với các hoạ tiết chất liệu xi măng tạo thành một án thờ có đường nét là hình ảnh các động vật Long – Lân – Quy – Phụng tạo thành bao lam, bao quanh ngôi chính điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật.

Chùa có nhiều câu đối được viết bằng chữ Hán như:

“Tử trúc lâm chung quan tự tại

Bạch liên đài thượng hiện Như Lai”

Tạm dịch: Rừng trúc xanh tận cùng nơi ấy là chỗ Phật Quan Âm ở. Đài sen màu trắng trên cao là nơi thường diện của đức Như Lai.

“Nhất tự quyền hoành năng chấn chỉnh

Chúng tăng bảo chướng vinh an hoà”

Tạm dịch: Một chữ dọc ngang có khả năng làm tĩnh thiên hạ. Giữ cho chúng tăng được bình an mãi mãi trong công cuộc tu hành[6].

Tại án thờ còn lại đôi câu đối cổ bằng cây dừa được sơn son théo vàng, ốp sát vào cột chính điện:

“Hiện khuôn nhiên cần miễn lệ đông cù lao quân sư phụ nhất bang kiệt lực

Chí trung thứ niệm từ bi cảm ứng Nho Thích Đạo tam giáo đồng tâm”

Phía sau Hậu tổ

Với câu đối phụ:

“thiên vũ chi bảo bất nhuận vô căn chi thảo

Phật môn quảng đại nan độ bất tín chi nhân”

Câu đối chính:

“Phật chỉ ưu huyền như tuyết thụ sơn đầu hành đáo sơn đầu vân tiện viễn

Thuyền cơ hạo hạo như nguyệt lâm thủy diện phát khai thuỷ diện nguyệt toàn thâm”.

Hiện tại, Sắc chỉ của vua ban được viết bằng Hán văn không rõ còn hay đã thất lạc. Chỉ còn lưu tại chùa bản khắc chữ Hán và Quốc ngữ về chiếu chỉ Sắc phong tại bàn thờ Tổ:

CHIẾU SẮC PHONG CỦA VUA THIỆU TRỊ BAN CHO

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TÂM “PHẬT TỔ” CÀ MAU

SẮC TỨ QUAN ÂM CỔ TỰ

(Hàn Lâm Viện Học Sĩ soạn văn)

Chiếu rằng:

Trẫm nghĩ chốn kỳ duyên mậu thạnh trăm hoa đua nở đầy cành, cảnh sắc ta bà.

Hương thủy bao trùm hoa tạng muôn xưa không diệt không sinh.

Bờ bỉ vơi vơi từng nghe nương một cành lau mà đến trời Tây, vời vợi sang qua nhờ chiếc thuyền từ đã trưng việc cổ để nghiệm đời nay.

Vừa đọc tố chương bỡ ngỡ ve vang trước mắt,

Duyệt xem văn sớ từng ngày đã cởi hạc quy tiên.

Người linh địa cảnh nên linh, vương pháp tâm đồng Phật pháp.

Triều đình không có chi hơn kính phong hòa thượng và ân ban gấm vóc,

Lễ kỳ siêu cho người quan thân nơi cảnh lạc ban.

Giờ đây người đã viên tịch nơi chùa danh thắng Kim Chương.

Hỡi ơi!

Tiên cảnh không trần thiên đường có nẻo,

Vinh hạnh thay! Kính tỏ tấm lòng.

Hoàng thượng ân ban một đạo và gấm vóc đôi cây gọi là ân huệ triều đình làm sáng tỏ công đức của ngài.

Khả kính thay!

Hoàng triều Thiệu Trị đệ nhị niên.

Nhâm Dần niên 1842 tháng 6 mùng 3

Sắc ban Từ lâm tuế Chính tông.

Tam thập nhất thế

Thượng Trí hạ Tâm

Sắc phong Hòa thượng.

Tô Quang Xuân

Hòa thượng Thích Trí Tâm đã dành cả cuộc đời mình cho dân tại tỉnh Cà Mau. Dù Ngài chưa xuất gia được bao lâu đã viên tịch. Ngôi chùa chưa được hoàn thiện và phát triển như hiện nay nhưng những gì Ngài để lại cho Phật giáo Cà Mau thật là hữu công. Hằng năm vào ngày 3/6 Âm lịch đều tổ chức lễ tưởng niệm Giác linh cố Hòa thượng Thượng Trí hạ Tâm.

Khi Ngài viện tịch chùa được gìn giữ và phát triển bởi các bậc tôn túc như Hòa thượng Quảng Đạt, Hoà thượng Đào Bá Nhẫn, Hoà thượng Thích Thiện Tường, Hoà thượng thích Thiện Đức, Hoà thượng Thích Nhật Quang, Hoà thượng Thích Tuệ Mật, Hoà thượng Thích Thiện Bửu,… Hoà thượng Thích Thiện Từ và đến nay được Ban Trị sự Phật giáo Cà Mau quản lý.

Tác giả: Thích nữ Huệ Hiếu (Dương An Tiên)
Học viên khoá IV của lớp Thạc sĩ Phật học tại HVPGVN cơ sở 1

***

Chú thích
[1] Hoàng Hưu Xứng, (2020), Đại Nam Quốc Cương Giới Vựng Biên, Nxb Hà Nội, tr. 175.
[2] Theo lời kể của thầy Huệ Ân, Chính thư ký GHPGVN tỉnh Cà Mau năm 1984- 2017.
[3] Hoà thượng Thiện Bửu, (2009), Tiểu sử Phật Tổ Cà Mau, lưu hành nội bộ, tr.1.
[4] Trương Phúc Nguyên, (2020), Chùa Việt Nam di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia, Nxb Lao động, tr. 89.
[5] Sđd, tr. 89.
[6] Dương Minh Vĩnh, (1998), Di tích Sắc Tứ Quan Âm cổ tự (chùa Phật Tổ), Bảo tàng tỉnh Cà Mau, tr.7

Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Hưu Xứng, (2020), Đại Nam Quốc Cương Giới Vựng Biên, Nxb Hà Nội.
2. Theo lời kể của thầy Huệ Ân, Chính thư ký GHPGVN tỉnh Cà Mau năm 1984- 2017.
3. Hoà thượng Thiện Bửu, (2009), Tiểu sử Phật Tổ Cà Mau, lưu hành nội bộ.
4. Trương Phúc Nguyên, (2020), Chùa Việt Nam di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia, Nxb Lao động.
5. Dương Minh Vĩnh, (1998), Di tích Sắc Tứ Quan Âm cổ tự (chùa Phật Tổ), Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

>> Xem thêm: Tượng cổ ở Sắc tứ Trường Thọ

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường