Chùa Sắc Tứ Trường Thọ tọa lạc tại 791 Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh. Chùa được Hòa thượng Đại Năng thành lập vào năm 1720 (Canh Tý) với tên là Vĩnh Trường tự, là một trong những ngôi chùa thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đầu tiên ở phủ Tân Bình, dinh Phiên Trấn, tỉnh Gia Định.
Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương, từ trước không rõ là ai dựng, năm Gia Long thứ 7, Hòa thượng Nguyễn Công Thắng sửa chữa, năm Minh Mạng thứ ba cho tên là Pháp Vũ Tự”. Đến thời vua Tự Đức đổi tên là Sắc Tứ Trường Thọ Tự. Thời Pháp thuộc chiến tranh loạn lạc, chùa phải di dời đến ba lần, từ vùng Đa Kao Q.1 về Q.12 rồi đến Gò Vấp vị trí hiện tại. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gò Vấp năm xưa cũng có quy mô lớn, chùa có Tăng đường (đông lang, tây lang) nhưng nay chỉ còn một dãy nhà hai khối kết vào nhau làm theo lối cổ truyền với kèo cột đơn sơ. Tuy nhiên trong ngôi chùa nhỏ bé lụp xụp này lại bảo tồn rất nhiều các giá trị lịch sử văn hóa trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển Phật giáo và dân tộc trên vùng đất Gia Định xưa(1).
Chùa Sắc Tứ Trường Thọ là một ngôi chùa cổ lưu trữ nhiều hiện vật lịch sử, nhiều nhất là các tượng thờ cổ có niên đại từ thế kỷ XVIII, XIX như bộ tượng Di Đà tam tôn bằng đất nung được làm từ khi mới lập chùa; bộ tượng 18 vị La Hán bằng đất nung, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương bằng gỗ mít, tượng Phật Di Lặc ôm 6 hài nhi, ngoài ra còn có bộ tượng Di Đà tam tôn bằng gỗ mít dát vàng… đều là những pho tượng mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật; đồng thời cũng thể hiện được tình cảm của người dân đối với Phật giáo qua từng thời kỳ.
* Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng đất nung.
Bộ tượng cổ nhất của chùa là Tây Phương Tam Thánh bằng đất nung, được đặt cuối chính điện thuộc gian hậu tổ, phía bên trái quay mặt về chính điện và đối xứng với bàn thờ Quan Công. Tượng Di Đà cao 88cm, ngang giữa hai gối 43cm, đặt trên tòa hoa sen cao 27cm. Tượng Thế Chí cao 90cm, ngang giữa 2 gối 43cm, không có tòa sen, được đặt trên bệ gỗ cao 23cm rộng 57cm.
Kích thước tượng của đức Quan Âm cũng giống tượng ngài Thế Chí. Bộ tượng được tạo tác vào giữa thế kỷ XVIII từ khi thành lập chùa (khoảng năm 1720).
Nhìn tổng thể, tượng Di Đà có đầu tượng hơi to, so với sự cân đối toàn thân tượng. Khuôn mặt vuông hình chữ điền, dài 15cm, rộng 15cm. Vai chỉ rộng 31cm mà thân cao đến 88cm. Nếu theo quy chuẩn bố cục tượng Phật thì tỷ lệ tượng ngồi bằng 4 diện, tức là 15x4= 60 (cm), trong khi đó tượng Phật Di Đà lại cao hơn đến 28cm, hoàn toàn không khớp với quy chuẩn kích thước tượng Phật. Tượng có đầu to, thân nhỏ và dài. Đầu có tóc xoắn hình óc, nhưng kiểu làm hơi thô, nhìn qua giống như Phật đang đội chiếc mũ len màu đen hơn là mái tóc. Cổ ngắn, thân trong mặc yếm, bên ngoài khoác thêm một lớp áo choàng, gọi là samghati, cổ áo khoác bên ngoài có dạng giống cổ áo dài Việt Nam, hai bên tay áo xếp thành nhiều lớp nhẹ nhàng buông xõa. Giữa ngực có chữ vạn. Màu áo thì tùy theo thời gian mà có sự thay đổi do tu sửa, trước năm 1990, màu áo của cả ba pho tượng đều đồng một màu bạc đồng, sau này sơn phết lại tượng Phật Di Đà áo màu vàng sẫm. Ngồi kiết già theo kiểu hàng ma(2).
Kiểu y phục của đức Quan Âm và Thế Chí cũng được đồng bộ với Phật Di Đà. Tượng hai vị Bồ Tát dường như giống hệt nhau. Chỉ khác ở hai điểm là trên vai đức Thế Chí để lộ một chòm tóc màu đen và ngồi kiết già theo kiểu cát tường(3). Màu áo đức Quan Âm tô lại xanh dương, áo Ngài Thế Chí có màu xanh lá mạ non.
Bộ tượng không cầu kỳ sắc sảo như những tượng cùng thời được thợ chuyên nghiệp thực hiện. Nó trông thô phác và không tuân theo quy tắc tạo tượng, vì vậy đây có thể là bộ tượng được tạo lập theo kiểu dân gian, do người dân thường cũng có học qua ở thợ chuyên nghiệp thực hiện, nên trình độ tạo tượng còn non kém.
Ở miền Nam có truyền thuyết về tượng Phật mục đồng, là những tượng Phật do bọn trẻ chăn trâu, lấy đất ở gò mối hoặc đất sét dưới suối, nặn thành tượng Phật rồi bày trò cúng kiến, xong rồi để trơ trọi giữa trời. Sau, có đứa đem mấy tượng Phật đó để dưới nước thì tượng Phật nổi lên, người dân cho là linh hiển nên đem về làm chùa, am để thờ. Từ đó dân gian quen gọi là tượng Phật mục đồng.
Tiếp biến từ tượng Phật mục đồng đất sét là đến tượng gốm đất nung, có thể bộ tượng Di Đà tam tôn tại chùa là một trong những bộ tượng đất nung đầu tiên tại vùng đất mới. Thuở ban sơ, người dân từ miền Bắc, miền Trung vào khai hoang và định cư trên vùng đất mới với biết bao khó khăn, nguy hiểm. Nỗi nhớ quê hương của người con tha phương cầu thực, từ lâu hình ảnh giếng nước, cây đa, mái chùa đã trở nên quen thuộc với làng quê Việt Nam. Cuộc sống khổ cực ở chốn nhiều rừng sâu nước độc, nhiều thú dữ… con người phải chống chịu với thiên nhiên, chiến đấu với thiên nhiên và có khi phải bất lực sợ hãi trước thiên nhiên. Tình cảm với quê hương, mái chùa, nhu cầu cần được che chở, bình an khi gặp nguy hiểm hay bệnh tật, được siêu độ khi chết đi… là nguyên nhân con người phải tìm đến với chùa, sư và Phật. Lòng người kính Phật tràn dâng, nhưng điều kiện để có được tượng Phật lớn đẹp thờ tự thì chưa thể, vì vậy ở Gia Định xưa đã có không ít chùa tự tạo tượng Phật để thờ, và bộ tượng Di Đà tam tôn ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ cũng không ngoại lệ.
So với các bộ tượng do thợ chuyên nghiệp tạc thì bộ tượng này vẫn còn rất thô phác, quá chân phương, thiếu sinh động… nhưng nó lại chân thực, hồn nhiên khiến cho người xem không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp được tạo ra từ sự “thô phác” ấy. Bộ tượng không điêu luyện, nhưng lại là cổ vật quý giá không phải dễ dàng tìm thấy, nó thể hiện tâm tư, tình cảm, lòng biết ơn, niềm tín ngưỡng sâu sắc của con người năm xưa đối với đạo Phật. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ tình nghĩa sâu sắc giữa đạo Phật và dân tộc, gắn kết không tách rời. Đạo Phật đồng cam cộng khổ với con người, từ thuở ban sơ tại vùng đất mới, hình ảnh đức Phật đã trở nên hiện thực, gần gũi với con người qua cách tạc tượng của người dân.Và đặc biệt khi nhìn thấy cổ áo của Phật lại là cổ áo dài truyền thống của người Việt Nam, có lẽ đây là bộ tượng có một không hai.
* Bộ tượng 18 vị La Hán.
Mười tám vị La Hán chùa Sắc Tứ Trường Thọ được đặt bên vách phải chính điện (phía Bồ Tát Đại Thế Chí) quay mặt vào Tam bảo, đối diện với bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. 18 vị La Hán được chia làm hai từng, 9 vị an tọa tầng trên, 9 vị an tọa tầng dưới. Tượng cao trung bình 73cm, ngang giữa hai gối 37cm, rộng vai 28cm, ngồi trên bệ cao 15cm. Tượng được tạo tác vào thế kỷ XIX. Bộ tượng có kích thước nhỏ, hoa văn trang trí là những đường chỉ đắp nỗi hình hoa, lá, mây và hình giọt sơn.
Nhìn qua tổng thể bố cục tượng thì thấy có nét giống với bộ tượng La Hán lớn ở chùa Giác Lâm. Các tượng La Hán xưa cóvẻ hiền hơn so với La Hán được tạc thời nay. Các tượng La Hán cổ thường được tạc với tư thế ngồi, không giống như thời nay có nhiều tư thế đứng ngồi khác nhau.
Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng, quả vị A La Hán là mục đích cuối cùng của sự tu hành, đức Phật là Đại A La Hán còn các vị Thánh tăng là A La Hán, các kinh Nikaya thường diễn tả một vị chứng đắc A La Hán bằng câu: “Sinh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm xong, sau đời này không còn đời sống nào nữa”.
Trong khi đó Phật giáo Đại thừa lại quan niệm chỉ có một Phật thừa, các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, hay Bồ Tát đều là phương tiện, không phải là mục đích cuối cùng, quả vị Thanh Văn cao nhất là A La Hán cũng không phải tối thượng, điều này được nói rất rõ trong phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đại thừa cho rằng A La Hán là vị đã diệt hết kiết sử phiền não, không còn khổ đau, thoát khỏi sự ràng buộc trong Tam giới, các Ngài đã hoàn thành tự giác. Nhưng muốn chứng thành Phật quả thì A La Hán phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, hành Bồ tát đạo, làm cho chúng sinh không còn phiền não thì mới có thể thành tựu được giác tha. Khi giác ngộ, giác tha viên mãn mới chứng thành Phật đạo.
Gia Định là vùng đất ngã ba đường, có sự tiếp biến, giao lưu văn hóa, kinh tế… với nhiều vùng miền và nhiều nước trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi hai truyền thống Đại thừa từ Trung Quốc và Nguyên Thủy từ Ấn Độ. Phật giáo Nguyên Thủy và Đại thừa có quan niệm về A La Hán rất khác nhau nên dẫn đến cách tạo tượng và thờ phụng cũng khác nhau. A La Hán đến từ Ấn Độ thì chỉ có 16 vị còn A La Hán đến từ Trung Quốc thì có 18 vị. Bộ tượng A La Hán tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ có 18 vị, về y phục và kiểu cách thì chịu ảnh hưởng Trung Quốc, tuy nhiên cũng có nhiều điểm được bản địa hóa bởi người Nam bộ, không phương phi, huyền bí, siêu nhiên tạo sự cách biệt mà nhỏ nhắn, hiện thực tạo sự gần gũi với con người nhiều hơn.
* Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ mít.
Tây Phương Tam Thánh hay Di Đà tam tôn đều là tên gọi chung của đức Phật A Di Đà và hai vị đại Bồ tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Đây là sự tiếp biến từ Phật giáo Nguyên Thủy với bộ Tam Thế Phật, thể hiện 3 kiếp của Phật Tổ trong hình dáng tương tự nhau, đó là quá khứ kiếp (trang nghiêm kiếp), hiện tại kiếp (hiền kiếp) và vị lai (tịnh tu kiếp). Về sau lại thay Tam Thế Phật bằng ba vị Phật là Di Đà, Thích Ca và Di Lặc.
Là vùng đất mới ở phía Nam Tổ quốc, Phật giáo Nam bộ từ buổi đầu đã đón nhận các thiền sư Trung Hoa, nên Phật giáo Đại thừa cũng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng. Pháp môn Tịnh độ niệm Phật cũng được phổ biến khắp nơi, qua hình ảnh của bộ tượng Tây Phương Tam Thánh.
* Tượng Phật Di Lặc và sáu đồng tử.
Năm 2019, bàn thờ Di Lặc được đặt thẳng hàng và quay lưng lại với bàn thờ La Hán. Tượng Phật Di Lặc ôm hài nhi cao 71cm, ngang gối 51cm, rộng vai 39cm. Khuôn mặt tròn đầy đặn, lông mày công thanh tú, mũi cao to, miệng cười kín đáo, so với các tượng Di Lặc thời nay, thì Phật Di Lặc ở đây có vẽ thùy mị và nghiêm trang hơn. Ngài có đôi tai to, dài chạm vai, không nhìn thấy cổ, mặc áo vàng hở bụng, ngồi một chân co, một chân duỗi, theo kiểu Quan Âm Tự Tại. Có sáu hài nhi nhỏ, đứa bu vạt áo, đứa ôm bụng, đứa trèo vai, đứa ngồi lên cánh tay, đứa nằm vào lòng…
Tại ngôi chùa cổ Sắc Tứ Tập Phước ở quận Bình Thạnh, cũng có một pho tượng cổ Phật Di Lặc với sáu hài nhi như ở Trường Thọ, nhưng khuôn mặt Phật tươi hơn, Phật cười há miệng rất thoải mái, tự tại giống như nụ cười của các tượng Phật Di Lặc ngày nay.
* Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương.
Tại chính điện, đối diện với bàn thờ Thập Bát La Hán là bàn thờ Thập Điện Diêm Vương. Đúng như tên gọi, bộ tượng có tất cả mười vị. Chiều cao các tượng có chênh lệch nhau, từ 1cm đến 4cm, chiều cao trung bình mỗi tượng là 70cm, được tạc trong tư thế ngồi phá án, đầu đội vương niệm, tay cầm lệnh bài, nét mặt nghiêm nghị. Vì là tượng cổ, có thể là được làm thủ công, nên khuôn mặt các tượng đều khác nhau, không tượng nào giống tượng nào.
* Các tượng khác
Ngoài các bộ tượng được miêu tả trên, chùa Sắc Tứ Trường Thọ còn nhiều pho tượng cổ rất có giá trị nghệ thuật và mang nhiều ý nghĩa lịch sử khác như:
- Tượng Địa Tạng cưỡi trên con đề thính thế kỷ XIX, bằng gỗ mít.
- Tượng Quan Âm thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Chuẩn Đề thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Đạt Ma Tổ Sư thế kỷ XIX, bằng đá. - Tượng Hộ Pháp thế kỷ XIX, chất liệu gỗ mít. - Tượng Tiêu Diện thế kỷ XIX, chất liệu gỗ mít. - Tượng Ngọc Hoàng thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Bà Linh Sơn thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Nam Tào thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Bắc Đẩu thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Bốn tượng Phán Quan thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Quan Công thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Quan Bình thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. - Tượng Giám Trai thế kỷ XIX, bằng gỗ mít. Đặc biệt, nơi đây còn lưu lại tượng ngựa Xích Thố cao 40cm, làm bằng gỗ từ thế kỷ XIX và bộ mười loại vũ khí của ngài Quan Công.
Nhìn tổng thể các tượng thờ ở chùa Sắc Tứ Trường Thọ, cho thấy vị thần trong tín ngưỡng dân gian chiếm số lượng nhiều. Dường như ở tất cả các ngôi chùa cổ thuộc Phật giáo Bắc tông, nhất là những ngôi chùa được vua sắc tứ, trong cách thờ tự đều có yếu tố của tín ngưỡng dân gian dung hợp với Tam Giáo Đồng Nguyên (Phật – Đạo – Nho).
Các bộ tượng thể hiện rõ tính chất dung hòa, gần gũi, trang nghiêm và cả oai nghi của các loại tọa thức. Đồng thời rất tinh tế trong việc xử lý nhân diện tượng như già, trẻ, vui, thư thái, nghiêm nghị. Chúng ta còn nhận thấy nét tỉnh lự ở tượng Bồ Đề Đạt Ma, nét sinh động của Địa Tạng Vương bồ tát được tạc trong tư thế “kỵ thú”; hoặc tượng Chuẩn Đề 18 tay, mỗi tay cầm một pháp khí thể hiện thần thông như ý tự tại, thành tựu tất cả thiện pháp. Tượng Hộ Pháp tướng hảo oai hùng hộ trì cho pháp thiện. Tượng Tiêu Diện hung tợn, dữ dằn để trừng trị pháp ác. Nói chung, các tượng đều có vẻ mộc mạc, giản đơn, nhưng lại rất chất phác và hết sức hồn nhiên, mang dáng dấp con người Việt Nam, hài hòa và gắn liền với không gian văn hóa Nam bộ. Những bộ tượng này là những di vật quý hiếm của lịch sử, của lịch sử Phật giáo và lịch sử mỹ thuật trên đất Gia Định xưa.
Toàn bộ chùa hiện tại còn lưu giữ 54 pho tượng cổ, trong đó có những pho tượng được chế tác theo thi pháp dân gian, là những pho tượng trông thô phác nhưng lại mang giữ tâm ý của người chế tạo. Tuy nó không điêu luyện, sắc sảo như các kỹ năng của thợ điêu khắc chuyên nghiệp, nhưng lại là những pho tượng trong dòng chảy nghệ thuật điêu khắc mang tính nhân dạng, biểu thị niềm kính ngưỡng đối với đức Phật.
Về điêu khắc, tượng chịu ảnh hưởng từ hai miền Bắc (Trung Quốc) qua kiểu áo, hoa văn trang trí như rồng, mây… và Nam (Ấn Độ) qua biểu tượng hoa sen, các tướng tốt của Phật như tóc xoắn óc, nhục kế trên đỉnh đầu,… Đồng thời cũng được bản địa hóa bởi người Nam bộ như các yếu tố: tượng nhỏ, cân đối, miệng cười mĩm chi, mắt phượng lim dim, mũi nhỏ cao,… hài hòa theo tiêu chuẩn của người Việt Nam, mang vẻ đẹp cân xứng, tự nhiên, chân thực, gần gũi với người dân Việt Nam.
Phong cách mỹ thuật của các pho tượng có sự dung hòa, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền với nhau. Là vùng đất mới, có sự cộng cư của người Khmer, người Hoa và người Việt, nên phong cách mỹ thuật Phật giáo Nam bộ không những là sự dung hợp, kết tinh từ nhiều vùng miền khác nhau trong và ngoài nước, mà còn mang dấu ấn của cộng đồng người mới nhập cư sinh sống, đó là yếu tố dung hòa giữa các nền văn hóa khác nhau.
Tác giả: Thích Nữ Hiền Nghĩa - Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2020 -----------------------CHÚ THÍCH: 1. TN. Hiền Nghĩa (2019), “Tháp Tổ Tâm Thông chùa Sắc Tứ Trường Thọ - Một dấu ấn kiến trúc tháp Phật Giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1-2020 (160), tr.36-40. 2. Cách ngồi hàng ma: Dùng bàn chân phải đè lên bắp đùi trái, sau đem bàn chân trái đè lên bắp đùi phải, bàn tay trái đặt ngữa trên bàn tay phải. 3. Cách ngồi cát tường: trước tiên đem bàn chân trái đè lên vế đùi phải, sau đem bàn chân phải đè lên vế đùi trái, khiến hai lòng bàn chân ngữa trên hai vế đùi. Bàn tay phải cũng đặt ngữa trên bàn tay trái. Cách ngồi cát tường còn được gọi là cách ngồi hoa sen (liên hoa tọa).
Bình luận (0)