Dẫn nhập
Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”[1], Phật giáo với những đặc thù riêng của mình, không chỉ đơn thuần thuộc về lĩnh vực đời sống tinh thần, mà còn là vấn đề của văn hóa, đạo đức, những giá trị đạo đức của Phật giáo được thể hiện trong giáo lý, giáo luật, đã ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý, lối sống của một bộ phận người dân.
Trong quá trình phát triển đất nước có sự tác động qua lại rõ nét giữa Phật giáo và xã hội, nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo đã góp phần tích cực trong củng cố đạo đức, nhân cách cá nhân, gia đình và cộng đồng hướng con người đến chân, thiện, mỹ.
Một số giá trị đạo đức của Phật giáo còn là những chỉ dẫn hoặc chuyển thành những quy tắc cho đạo đức xã hội. Trước yêu cầu của thực tiễn hiện nay, việc phát huy giá trị đạo đức của Phật giáo là cần thiết nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Giá trị đạo đức Phật giáo
Phật giáo vốn là một tôn giáo xuất thế, là kết quả của quá trình đấu tranh phản kháng của đạo đức tôn giáo với sự phân biệt đẳng cấp hà khắc của xã hội Ấn Độ. Ngay từ khi ra đời, Phật giáo đã thiết lập một hệ thống giáo lý, giáo luật lấy con người làm trung tâm và cải tạo con người nhằm đưa con người từ thân phận yếu hèn, đau khổ trở thành một nhân vị tự do, hòa hợp với tự nhiên, xã hội. Để đạt được điều đó, con người phải thực hiện việc tu dưỡng đạo đức nhằm chuyển hóa bản thân, chuyển mê thành giác, chuyển ác thành thiện, chuyển đau khổ thành an lạc để đi từ kiếp sống vô minh, phiền não đến với bến bờ của giác ngộ và giải thoát, đem lại hạnh phúc, an vui đến cho bản thân và tha nhân, như Đức Phật đã từng dạy cho giới tỷ kheo xuất gia đó là: “Một đời sống đạo đức là một đời sống hạnh phúc”[2].
Đạo đức của Phật giáo chính là điểm khởi đầu, là mục đích, là đường đi để tín đồ thực hiện việc tu dưỡng nhằm tiến đến với con đường giác ngộ. Đạo đức Phật giáo được thể hiện ở nhiều giáo thuyết, trọng tậm là việc thực hành Tứ diệu đế, Bát chính đạo, nghiệp, nhân quả, ngũ giới, thập thiện… trong đó giá trị định hướng của đạo đức Phật giáo chính là “tu tâm”, giá trị nhân bản mang tính nền tảng của đạo đức Phật giáo là “từ, bi”, giá trị chủ đạo trong đạo đức Phật giáo là “hành thiện”, giá trị thiết thực của đạo đức Phật giáo là giữ giới[3]. Giáo sư Trần Văn Giầu cũng đã từng nhận xét: “Từ lâu rồi, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức bác học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu được và làm được. Tu thân tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau”[4].
Phật giáo đưa ra thuyết Tứ diệu đế, gồm: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế, đưa ra định nghĩa về sự khổ, hệ thống các nguyên nhân gây ra khổ mang tính phổ quát, hệ thống lý thuyết và thực hành để diệt khổ, diệt tận gốc nguyên nhân của sự khổ và chỉ ra con đường đúng đắn để đạt tới quả vị giải thoát và niết bàn bằng con đường của Bát chính đạo, đó là tám con đường thực hành, kết hợp giữa ý thức với hành động đúng đắn của mỗi người. Trong giáo lý Tứ diệu đế và Bát chính đạo đã thấy rõ sự định hướng giá trị đạo đức của Phât giáo và dễ dàng nhìn nhận giá trị đạo đức của Phật giáo không nằm ngoài sự bình đẳng, từ bi, hỷ xả, hành thiện, tu tâm, dưỡng tính….
Để thực hành Tứ diệu đế và Bát chính đạo, mỗi người phải tu dưỡng theo tam học gồm Giới, Định, Tuệ, đây là vòng xoáy liên tục của quá trình học đi đôi với hành, cũng là phương pháp tu hành để đạt đến bến bờ giải thoát của Phật giáo.
Bước đầu tiên đó là thực hành các giới luật đạo đức, giới luật được quy định cho cả hàng ngũ xuất gia và hàng ngũ tại gia thực hành. Đức Phật khuyên giới phật tử luôn giữ 5 nguyên lý, nền tảng đạo đức đầu tiên hay còn gọi là Ngũ giới cấm qua đó mỗi cá nhân thực hành xây dựng một lối sống đạo, gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối; tiếp đó là sáu giới tu hành của Phật tử tại gia còn gọi là lục độ, gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ...
Bước thứ hai là thực hành thiền định, đây là phương pháp tu tập để điều thân, tâm không bị vọng động, khi thực hành thiền định đạt kết quả con người sẽ làm chủ được tình cảm, cảm xúc của bản thân, điều kiện để thực hành thiền có kết quả chính là nếp sống đạo đức, xa lìa những dục vọng thấp hèn và những pháp bất thiện.
Bước thứ ba là đỉnh cao của tu dưỡng đó là nhờ vào việc tuân thủ giữ giới, thiền định mà phát khởi tuệ giác, diệt trừ được vô minh. Quá trình tu tập chính là quá trình tu dưỡng về đạo đức để trở lại cái mình vốn có đó là tính “thiện”, trở về với con người thật của chính mình. Ngoài ra, Phật giáo đưa ra 37 phẩm trợ đạo là các phương pháp tu tập, được ví như những nấc thang mà tín đồ cần phải tiến lên để đi đến con người giác ngộ, giải thoát.
Cụ thể hóa giá trị đạo đức Phật giáo hướng đến điều chỉnh hành vi của tín đồ, mỗi tín đồ phải có suy nghĩ và chịu trách nhiệm với chính mình, với chính hành vi của mình được thể hiện trên nhiều phương diện như từ bi, hỷ, xả, hành thiện nhằm tạo dựng nghiệp thiện, tránh xa nghiệp ác. “Lành dữ ở nơi ta mà ô nhiễu cũng bởi nơi ta; làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”[5]. Thiện là đích đến, thông qua rèn luyện, tu tập, thực hành mới có được, người đạt được tính thiện sẽ không tham đến tài vật, sắc dục, không còn giận giữ, mê muội, có nghĩa là đạt được các điều thiện về tâm gạt bỏ được tham, sân, si, có những hành vi ứng xử đúng mực; đạt được các điều thiện về thân từ bỏ sát sinh, không lấy của người; đạt được các điều thiện về khẩu, từ bỏ nói láo, nói hai lưỡi, thêu dệt trong lời nói. Thực hành những điều thiện là căn bản tạo nên giá trị đạo đức của một con người.
Từ những chuẩn mực đạo đức của cá nhân, Phật giáo còn hướng mỗi người phải có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, cộng đồng, do đó trong kinh Thiện Sinh, đức Phật còn nhấn mạnh đến 06 cặp phạm trù đạo đức cơ bản, quy định cụ thể về những giá trị đạo đức điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ của cá nhân với các mối quan hệ trong cộng đồng xã hội, đó là mối quan hệ với cha mẹ, với thầy trò, vợ chồng, bạn bè, chủ thợ… Những tư tưởng đạo đức của Phật giáo dựa trên nền tảng thấu hiểu, đồng cảm, khoan dung, vị tha, xem bổn phận và nghĩa vụ như là những phương tiện hữu hiệu để thiết lập mối quan hệ thành công.
Như vậy, giá trị của đạo đức Phật giáo được thể hiện qua các tiêu chuẩn đạo đức, quy tắc, chuẩn mực ứng xử, giúp tín đồ và những người có niềm tin Phật giáo nhận thức và điều chỉnh hành vi, tu rèn đạo đức cá nhân theo những điều thiện, tránh xa điều ác, thực hiện hạnh từ và bi. Phật giáo cho rằng, đạo đức, phẩm hạnh của con người cũng như niềm hạnh phúc, an lạc, giống như sự mặn, sự nhạt, sự nóng, sự lạnh không thể đứng ngoài cảm nhận, mà phải đích thân mỗi người thực chứng thông qua quá trình tu tập, hành trì, qua việc tự rèn luyện khổ nhọc vun bồi thì mới có trải nghiệm và thành tựu.
Đạo đức Phật giáo chủ yếu hướng đến điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân, nhưng mỗi cá nhân đều là một tế bào của xã hội, mỗi cá nhân tốt sẽ góp phần xây dựng xã hội tốt. Hơn nữa những giá trị đạo đức của Phật giáo cũng góp phần xây dựng đạo đức xã hội thông qua những quy phạm đạo đức, bổn phận, trách nhiệm làm cho cộng đồng xã hội phát triển hài hòa. Giá trị đạo đức của Phật giáo nếu được phát huy tốt thực sự sẽ có những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đúng như Giáo sư Nguyễn Hữu Vui nhận định: “những chuẩn mực đạo đức Phật giáo vẫn luôn có ý nghĩa trong đời sống đạo đức của mọi xã hội, trong đó có xã hội của chúng ta ngày nay”[6].
Quan điểm của Đảng về phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo (Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước)
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng đã nhận định, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay[7], đây chính là hành trang tốt đẹp để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Do đó để đạt được mục tiêu này cần có lộ trình rõ ràng để “cất cánh”, cần huy động tối đa mọi thiết chế, mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội, trong đó có việc huy động thiết chế, nguồn lực của tôn giáo vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trước yêu cầu đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước nhận thức rõ về tôn giáo, Phật giáo, không chỉ nhìn nhận ở góc độ bản thể luận là một hình thái ý thức xã hội, mà còn nhìn nhận tôn giáo, Phật giáo là một thực thể có quan hệ đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhìn nhận tôn giáo, Phật giáo ở góc độ chức năng luận với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, do đó Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp để phát huy tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của tôn giáo, Phật giáo nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 16-10-1990, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24/NQTW về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã khẳng định: Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới[8]. Sau gần một thập niên thực hiện Nghị quyết số 24, Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW đã bổ sung thêm luận điểm mới, tạo cơ sở cho việc thừa nhận và phát huy giá trị tích cực của tôn giáo, đạo đức tôn giáo đó là: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức lành mạnh, hướng thiện của tôn giáo, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và đời sống xã hội; thực hiện tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết hòa hợp đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc”[9].
Tiếp theo đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa IX,.... đều nhấn mạnh chủ trương: tôn trọng và phát huy giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của các tôn giáo. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong phần nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Nghị quyết đã nêu “…Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo”[10].
Đặc biệt, trong Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 18/01/2018 và trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng ta đã chủ trương coi tôn giáo là một nguồn lực xã hội và quan tâm chú ý phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[11].
Không chỉ khẳng định giá trị của đạo đức tôn giáo mà còn chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2-7-1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã chỉ rõ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm làm tốt công tác vận động quần chúng, thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong nhân dân, nhất là với tín đồ, chức sắc tôn giáo. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo hướng: phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức lành mạnh, hướng thiện của tôn giáo phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và đời sống xã hội; thực hiện tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết hòa hợp đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…[12].
Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, đã có những thay đổi lớn lao trong nhận thức của Đảng về tôn giáo, nổi bật nhất là nhìn tôn giáo với tư cách là một thực thể xã hội và khẳng định những giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực của tôn giáo trong đó có Phật giáo nêu trên, là nhận thức đúng đắn, phù hợp với bản chất của tôn giáo và thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, qua đó đồng bào các tôn giáo thấy được sự tôn trọng và sự đề cao giá trị của đạo đức tôn giáo. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với việc phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo, là cơ sở để đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút, động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, hướng đến mục tiêu cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Một số biện pháp phát huy giá trị của đạo đức Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước
Một là, quán triệt nhận thức quan điểm của Đảng về phát huy giá trị của đạo đức Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước
Đã có thời gian dài nhìn nhận tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là duy tâm, yếm thế, là mê tín, là tàn dư của xã hội cũ, là cái đối lập với chủ nghĩa xã hội, tư tưởng này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một bộ phận người dân nên đã có thái độ phân biệt đối xử, những biểu hiện tả khuynh, thiên kiến, thiển cận đối với Phật giáo. Với mong muốn xóa bỏ tôn giáo khỏi đời sống xã hội nên không nhìn nhận Phật giáo là một thực thể xã hội tồn tại khách quan, không nhìn nhận những giá trị văn hóa, đạo đức, không coi tôn giáo, Phật giáo là nguồn lực hoàn toàn có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Ngày nay với tinh thần đổi mới đất nước, đổi mới bắt đầu từ tư duy lý luận, Đảng, Nhà nước đã có nhận thức mới đối với vấn đề tôn giáo, nhìn nhận tôn giáo, Phật giáo một cách khách quan, khoa học, nhiều chiều cạnh, xác định tôn giáo, Phật giáo không chỉ là nhu cầu tinh thần mà nhìn nhận giá trị đạo đức tôn giáo còn có những điều phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhìn nhận tôn giáo, Phật giáo là nguồn lực.
Do đó để phát huy giá trị đạo đức của Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước việc đầu tiên phải thay đổi nhận thức về tôn giáo này, phải thực hiện việc phổ biến và quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo trong toàn thể nhân dân, trong đó trọng tâm là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, với tư cách là chủ thể thực thi cần phải nhận thức đúng đắn về chức năng, vị trí, vai trò của tôn giáo, Phật giáo trong đời sống xã hội, nhận thức đúng giá trị đạo đức của Phật giáo, xóa bỏ định kiến, rào cản, xem Phật giáo là tôn giáo yếm thế, tránh tư tưởng kỳ thị tôn giáo, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo và phải thực hiện triệt để việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ khi đó, đồng bào Phật giáo mới yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, có điều kiện phát triển, thúc đẩy, lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo mình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, về cơ chế chính sách phát huy giá trị của đạo đức Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước
Mặc dù trong những năm qua, trên cơ sở quan điểm của Đảng Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành chính sách pháp luật nhằm phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo - Phật giáo, từng bước tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội thông qua đó đưa những giá trị đạo đức tôn giáo vào thực tiễn đời sống. Tuy nhiên trong các quy định của văn bản pháp luật đều đề cập đến vấn đề này một các chung chung, sử dụng các cụm từ mang định tính như “tôn trọng” “khuyến khích”, “tạo điều kiện”, “hỗ trợ” kể từ Nghị định số 69/NĐ-HĐBT (1991) của Hội đồng Bộ trưởng đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016) gần như không có bước tiến nào trong quy định về phát huy giá trị đạo đức của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Hơn nữa quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo chỉ mang tính mở đường, vì còn phụ thuộc vào pháp luật chuyên ngành.[13]
Để phát huy được giá trị của đạo đức Phật giáo tham gia giải quyết vấn đề đạo đức xã hội, rất cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, coi tôn giáo, Phật giáo là một thành tố văn hóa. Chủ trương đã có, cần phải thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý để cá nhân, tổ chức tôn giáo, Phật giáo phát huy giá trị đạo đức của mình trong đời sống xã hội thông qua các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội của tôn giáo bình đẳng như mọi thực thể khác. Cần khơi thông giá trị văn hóa, đạo đức, nguồn lực của Phật giáo đã sẵn có, đưa vào vận hành theo đúng quy định của khung pháp luật. Cần có sự phối hợp và phân công nhiệm vụ một cách đúng đắn, đúng chức năng và khoa học đối với từng chủ thể phát huy.
Ba là về phương thức phát huy giá trị của đạo đức Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước
Việc phát huy giá trị đạo đức của Phật giáo trong xây dựng và phát triển đất nước được thực hiện bởi nhiều chủ thể, mỗi chủ thể do vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau mà có cách thức, biện pháp cách làm khác nhau phong phú và đa dạng tùy thuộc vào góc độ, lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, để phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước cần lưu ý đến những phương thức sau:
(1) Tuyên truyền, phổ biến giá trị đạo đức của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng
(2) Vận động chức sắc, tín đồ Phật giáo áp dụng các giá trị đạo đức của Phật giáo vào các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội của tôn giáo
(3) Xem xét đưa giá trị đạo đức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng vào môi trường học đường
Tạm kết
Trong bối cảnh hiện nay với sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin bên cạnh yếu tố tích cực thì cũng không ít những hệ lụy, tác động không nhỏ tới đạo đức với những biểu hiện “lệch chuẩn” những hành vi “phản giá trị”, lối sống vô cảm, thói quen hưởng thụ vật chất thể hiện rộng rãi và đa dạng[14] không chỉ diễn ra trong nhân dân mà cả trong một bộ phận cán bộ Đảng viên, do đó việc phát huy giá trị đạo đức của Phật giáo đóng góp xây dựng đạo đức xã hội, góp phần phát triển đất nước càng trở nên cần thiết. Để thực hiện có hiệu quả việc phát huy giá trị đạo đức của Phật giáo phải đến từ hai phía. Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải thể hiện và khẳng định các giá trị đạo đức, nguồn lực, thế mạnh của tôn giáo mình đóng góp cho đời sống xã hội. Về phía chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi có cơ chế chính sách pháp luật để tạo hành lang pháp lý và thực thi pháp luật một cách hiệu quả. Phát huy những giá trị đạo đức của Phật giáo chính là thúc đẩy Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, xây dựng mối quan hệ giữa nhà nước và Phật giáo hướng đến mục tiêu chung vì lợi ích của quốc gia dân tộc, phát triển đất nước.
Chú thích
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.171.
[2] Dẫn theo: Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo, in trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đạo Đức học Phật giáo, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.16.
[3] Xem thêm: Tài liệu Một số giá trị cơ bản của tôn giáo ở Việt Nam, thuộc Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo Theo Quyết định số 219-QĐ/TTg ngày 21/2/2019. Tài liệu lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tr. 79.
[4] Trần Văn Giầu (1980). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.495
[5] Thích Thiện Siêu dịch (1993), Kinh Pháp cú, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành, tr.43.
[6] Nguyễn Hữu Vui (1994), Tôn giáo và Đạo đức, in trong Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb Hà Nội, tr.155.
[7] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng.
[8] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Giáo trình tôn giáo và tín ngưỡng dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Nxn Lý luận Chính trị, Hà Nội. tr 249.
[9] Bộ Chính trị (1998), Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
[10] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtw-ngay-962014-hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr 171.
[12] Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng (2008). Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 327, 328.
[13] Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2018), Kỷ yếu tọa đàm khoa học, Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay, tài liệu lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, tr.65.
[14] Xem: Kết quả nghiên cứu khảo sát của đề tài: Điều tra, đề xuất giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện, của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, năm 2017. Theo kết quả khảo sát, những biểu hiện suy thoái như sau: Đề cao giá trị vật chất và đồng tiền (70,1%); lối sống thực dụng, phóng túng, hưởng lạc, sa đọa (60,3%); chủ nghĩa cá nhân vị kỉ, vô cảm (58,6%); sùng bái nước ngoài, sinh ngoại, coi thường giá trị văn hóa dân tộc (57,8%), tệ nạn xã hội (mãi dâm, cờ bạc, trộm cắp, ma túy…) (51,2%); đạo đức nghề nghiệp xuống cấp (vô trách nhiệm, giả dối, bệnh thành tích) (47,5%); tham ô, tham nhũng (45,8%); xu hướng giải quyết xung đột bằng bạo lực (44,6%); ứng xử kém văn hóa (41,7%). Còn trong kết quả điều tra của Viện Văn hóa Nghê thuật quốc gia thực hiện đề tài Sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, nguyên nhân và giải pháp khắc phục đã đưa ra đánh giá về mức độ biểu hiện suy thoái một số giá trị văn hóa truyền thống như sau: Báo động (53,0%); trầm trọng (25,8%); mức độ bình thường, không đáng lo ngại (>2,0%).
Tác giả: Ts Đỗ Thị Thanh Hương - Viện Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bình luận (0)