Th.S Lê Đình Trưởng Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam
Tóm tắt: Trải qua hơn 2000 năm tồn tại và phát triển, với bản chất từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống, chân lý sống đẹp, đề cao đạo đức, đề cao tính thiện, đạo Phật đã thực sự trở thành tôn giáo truyền thống của người Việt. Phật giáo đang tiếp nối lịch sử, đoàn kết để làm tròn sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới. Cùng với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hòa mình cùng với dòng chảy phát triển của đất nước về mọi mặt từ công cuộc xây dựng Tổ quốc đến đời sống xã hội. Trong đó, từ thiện xã hội của Phật giáo là hoạt động thường xuyên, giàu ý nghĩa và đã đem lại những kết quả to lớn, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc ổn định đất nước, an sinh xã hội. Từ khóa: Từ thiện xã hội, Hoạt động từ thiện, An sinh xã hội, Hội nhập quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo.
Đặt vấn đề
Ngay từ khi hình thành, Phật giáo Việt Nam được coi là tôn giáo nhập thế gắn bó với dân tộc Việt Nam. Định hướng bởi “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, tinh thần cứu khổ, cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi, giúp Phật giáo gắn bó chặt chẽ cùng dân tộc Việt Nam. Là đạo của từ bi, của lòng nhân ái, tính hướng thiện với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam cùng Nhà nước và xã hội đã và đang nỗ lực giải quyết những vấn đề đang đặt ra để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Phật giáo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong lòng dân tộc với tinh thần nhập thế, hành thiện cứu đời của giới tăng, ni, phật tử.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, cứu khổ, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những mặt đời bất hạnh trong xã hội. Triết lý vì con người, mong muốn mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, an lạc, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo nên nét đẹp văn hóa, tình nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước thông qua các hoạt động phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người, trong đó các hoạt động an sinh xã hội là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời” của Phật giáo Việt Nam.
An sinh xã hội theo quan điểm Phật giáo
Phật giáo, ngay từ khi hình thành đã đề cao tinh thần từ bi, nhân ái, vì cuộc sống hạnh phúc và an lạc của con người, vì trách nhiệm xã hội với con người. Phật giáo là một tôn giáo của lòng từ bi và trí tuệ, luôn đề cao tư tưởng nhân ái, hướng đến một đời sống hòa đồng, tương trợ. Trong mối tương quan tương duyên mật thiết giữa người với người, đạo lý cuộc sống mà Phật giáo mang lại chính là đề cao lòng yêu thương: người khác đau khổ tức là mình đau khổ, người khác hạnh phúc chính là mình hạnh phúc, không chà đạp lên hạnh phúc của người khác để xây dựng hạnh phúc của riêng mình. Đặt con người vào vị trí trung tâm, nên các hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ra đời là để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cần nhận hỗ trợ của những con người cụ thể để vượt qua khó khăn hiện tại của chính họ.
Đạo Phật là đạo từ bị, đạo trí tuệ. Những người con Phật là những người phải biết dùng từ tâm ban trải mang lại hạnh phúc cho mọi người. Một khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chúng ta mới cảm nhận được tâm trạng của họ và đây là yếu tố để phát triển tâm Bi tức là lòng bị mẫn thương xót muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ theo đúng tinh thần hành Bồ tát đạo.
Để độ cho chúng sinh bớt khổ thì trước nhất phải biết độ mình. Ngày xưa chính Đức Thế Tôn đã dày công tu hành mới chứng thành đạo Chính đẳng Chính giác. Vì thế hành giả lấy chúng sinh làm đối tượng để tu hành vì chúng ta cũng là chúng sinh, có nghĩa là chúng ta cũng còn đau khổ và ai ai cũng mong cầu hạnh phúc.
Mục tiêu của tu hành là “giác ngộ” và “giải thoát”, nhưng giải thoát không có nghĩa là tu hành xuất thế lánh đời, mà ngược lại để thực hiện mục tiêu đó thì đạo phải gắn với đời, định hướng bởi “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, phải lấy lòng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha để cứu người và giúp đời, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng nhân ái của mình với người khác. Giáo lý của nhà Phật là giải thoát sinh tử, đưa con người thoát khổ. Song, giải thoát chính là sự hoàn thành đầy đủ, tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội, chứ không phải là trốn tránh xã hội. Có lẽ vì thế hai mệnh đề “hoằng dương Phạt pháp” và “lợi lạc quần sinh” gắn liền với nhau trong giáo lý Phật giáo.
Theo luật Duyên sinh tất cả chúng sinh trong thế gian tương quan với nhau dù trực tiếp hay gián tiếp để sinh tồn. Vì thế đức Phật dạy rằng: “Thế gian này chẳng nên tranh đấu với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sinh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn”.
Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội”, song tinh thần trách nhiệm xã hội đã thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật. Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức, là tinh thần luôn xả thân vì người khác, quan tâm tới người khác. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm với người khác, đối với bản thân, đối với xã hội. Do đó, trách nhiệm xã hội của Phật giáo cũng có thể hiểu chính là ngũ giới (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), là tứ vô lượng (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
Kinh điển nhà Phật “Vô minh La Sát tập” có viết: “Năng thiện hài hòa, tạo tác nghiệp quả, chuyển luân sinh tử”, nghĩa là hòa hợp với người khác, làm những việc tạo ra sự hài hoà cũng là một công việc tạo thiện, tích đức, đồng thời cũng có tác dụng thoát ly sinh tử. Phật giáo luôn kêu gọi bình đẳng giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội. Chủ trương chúng sinh bình đẳng, các nước hòa bình, kêu gọi từ bi tế thế, đây là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Do đó, trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung, Phật giáo không ngừng tuyên truyền nâng cao đạo đức qua những phương thức khác nhau, đó là hoạt động từ thiện, là công tác xã hội, tham gia tích cực vào công tác xã hội, vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc y tế cho tất cả mọi người, tích cực bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái.
Đức Phật Thích Ca đã nói: “Tự vi tự y hỗ, tha nhân hà khả y? Tự kỷ thiện điều ngự, chứng nan đắc sở y” (“Tự mình là vị cứu tinh. Tự mình nương tựa vào mình tốt thay. Nào ai cứu được mình đây? Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên” - Kinh Pháp Cú, phẩm 160). Chính vì thế, trong quá trình nhập thế hành đạo, Phật giáo đã sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người, mọi giai tầng trong xã hội một cách vô điều kiện, hướng con người tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Xuất phát từ thuyết duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này diệt thì cái kia diệt” Phật giáo đã tìm thấy mối tương quan giữa mọi vật, mọi việc, giữa những con người khác nhau trong xã hội. Vì thế, Phật giáo có sức mạnh quy tụ rất lớn mọi tầng lớp trong xã hội, tạo nên các mối dây liên hệ, khơi dậy được các giá trị nhân văn, nhân ái truyền thống của dân tộc, hướng con người vun đắp thiện tâm. Các chương trình an sinh xã hội, vì cộng đồng của Phật giáo đều có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, có ảnh hưởng tích cực tới đời sống tâm hồn con người. Thông qua các chương trình giáo dục, các chương trình vì cộng đồng, Phật giáo đã đi vào lối sống, nếp nghĩ của nhiều người dân Việt Nam từ việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày đến việc đối đức… Điều này khẳng định sự tồn tại đúng đắn, sức sống và những giá trị tích cực mà Phật giáo đã mang lại cho xã hội.
Trong kinh Dược sư, đức Phật cũng chỉ bày: “Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu, ngũ nghịch, hủy nhục ngôi Tam Bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới thì vua Diêm Ma vương tùy tội nặng nhẹ mà hành phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn, làm phan, phóng sinh, tu phúc khiến khỏi được các tai ách, khỏi gặp những tai nạn”. Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, những việc làm như phóng sinh, tu phúc, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống bình an, thoát khỏi tai họa. Ngoài ra, các kinh Khuyến phát bồ đề tâm văn, Diệu pháp Liên Hoa kinh,... đều nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết thể hiện lòng nhân ái của mình đến với người khác.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa, một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo: “Dẫu cho tạo tội hơn núi cả/Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”, đã đề cập đến công đức của người phát tâm từ bi giúp chúng sinh: “Nếu Thiện nam tử! Thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là trong chính định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sinh”.
Quan niệm về trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài của Phật giáo đối với xã hội và nhân sinh, cụ thể là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Ý nguyện cứu độ những người không có duyên chính là thể hiện một tình cảm vô điều kiện, không vì bất cứ một lý do gì, cũng không phải vì thỏa mãn cái tôi, mà thuần tuý là một hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy thì mới có thể “đồng thể đại bi”, nghĩa là coi người khác như chính bản thân mình, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng, không vụ lợi.
Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, việc giúp mình, giúp người trở thành lẽ tự nhiên trên con đường giác ngộ. Đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, định hướng hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người. Những việc tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống an bình. Chính vì vậy mà hoạt động từ thiện, bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo.
Vai trò của Phật giáo trong công tác đảm bảo an sinh xã hội
Trải qua quá trình lịch sử gắn bó và đồng hành với dân tộc, nhiều triết lý của Phật giáo đã hòa quyện nhuần nhuyễn với triết lý sống, giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Chẳng hạn, thuyết nhân quả của Phật giáo đã hòa quyện với lối tư duy của người Việt để tạo thành triết lý sống tưởng đơn giản nhưng mang giá trị nhân văn sâu sắc: ở hiền gặp lành, gieo nhân nào gặt quả ấy, gieo gió gặt bão,... Hay hạnh Bố thí của Phật giáo khi hòa quyện với tinh thần nhân ái của con người Việt Nam đã hình thành triết lý sống coi trọng việc thực hành điều thiện: dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.
Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm nhập thế giúp đời, Phật giáo Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội. Sự tham gia của Phật giáo vào an sinh xã hội ngày càng sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Với truyền thống hộ quốc an dân, sống tốt đời đẹp đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động phật sự chăm lo đến đời sống dân sinh, hướng dẫn phật tử thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, đất nước ta phải đương đầu với những thách thức về thiên tai chưa từng có, trong đó có tổn thất về môi trường, các cấp Giáo hội Phật giáo đã có những phong trào thiết thực, góp phần vào an dân, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong hoạt động xã hội, từ thiện hàng năm đã vận động đóng góp được nhiều kết quả nhằm giúp đỡ người tàn tật, hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Về quy mô, mức độ huy động nguồn lực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội không ngừng gia tăng.
Gắn bó đồng hành cùng dân tộc với truyền thống nhập thế, phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra ngày từ Đại hội lần thứ nhất đã là một trong những điều kiện thuận lợi mang tính cơ bản cho công tác an sinh xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động phật sự hướng đến nhóm đối tượng yếu thế, những hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi những thiên tai, bệnh dịch nguy hại gây ra như Covid-19, bão lũ, ô nhiễm môi trường... tác động đến điều kiện sinh hoạt, đời sống của con người, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2017-2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện hoạt động từ thiện với hơn 12,000 tỷ đồng. Những hoạt động này đều rất có ý nghĩa, tác động to lớn đến tinh thần của nhân dân, tạo thành những phong trào, thu hút nhiều người tham gia. Đối với Giáo hội thì đây là trách nhiệm của toàn thể tăng, ni, phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các ban của Giáo hội có sự phối hợp với nhau trong việc thực hiện các mặt công tác, trong đó có hoạt động Phật sự đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, Phật giáo tham gia trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường như: thiên tai, bão lụt, rủi ro, vượt qua khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo. Đối với hoạt động trợ giúp đột xuất, Phật giáo tập trung vào các hoạt động cứu trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc; thăm và tặng quà cho bệnh nhân trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam; tặng xe đạp cho học sinh nghèo; tổ chức bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo,... Trong thời gian qua với vai trò và vị thế của mình trong nhân dân, Phật giáo cũng kêu gọi quyên góp kinh phí từ nguồn lực xã hội để thực hiện hoạt động này, cùng với nhà nước góp phần ổn định đời sống người dân.
Thuận lợi và khó khăn trong thực hiện công tác an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Công tác an sinh xã hội của GHPGVN còn có những thuận lợi:
Giáo hội có mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức và cá nhân có tấm lòng từ thiện ở trong và ngoài nước để vận động, hỗ trợ cho các chương trình từ thiện mà Giáo hội khởi xướng.
Trên tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và truyền thống quý báu của Phật giáo Việt Nam là tự bản thân mỗi tăng, ni đều ý thức được việc làm từ thiện là trách nhiệm, bổn phận của mỗi đệ tử Phật bằng hành động cụ thể của mình nên lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân làm theo dễ dàng hơn.
Với tinh thần “Vô ngã vị tha” đã thấm nhuần các vị tăng, ni, phật tử bằng thân giáo, khẩu giáo, tạo được niềm tin sâu sắc cho mọi đối tượng và các mạnh thường quân ủng hộ.
Bước vào công cuộc đổi mới phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đổi mới đường lối, chính sách đối với tôn giáo trong đó có nội dung quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác an sinh xã hội là một trong lĩnh vực này. Đó trước hết là việc thể hiện ở Nghị quyết 24-NQ/TW Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Hà Nội, ngày 16-10-1990. Nghị quyết nêu rõ quan điểm của Đảng: “Hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo của tôn giáo được Nhà nước khuyến khích, nhưng không cần thiết lập ra những tổ chức riêng mà nên gia nhập hệ thống phúc lợi xã hội công cộng.
Đối với những tổ chức đang phát huy tác dụng tốt thì cần được hướng dẫn để hoạt động tốt hơn theo hướng hòa nhập vào mạng lưới chung”.
Chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị: Về công tác tôn giáo trong tình hình mới ngày 2-7-1998 khẳng định: “Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn giáo và phát huy”.
Nghị quyết 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo ngày 12 tháng 3 năm 2003 đưa ra nguyên tắc: “Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục… của Nhà nước, theo nguyên tắc:
Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật.
Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách cụ thể. Ngày 18 tháng 6 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh gồm 6 chương, 41 điều. Điều 33 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “1 - Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật.
Công tác an sinh xã hội của GHPGVN còn gặp những khó khăn:
Tuy nhiên, sự tham gia của Phật giáo vào hoạt động an sinh xã hội hiện vẫn còn một số bất cập. Mặc dù các hoạt động xã hội của Phật giáo rất đa dạng, phong phú nhưng hầu hết chỉ tập trung vào khía cạnh nhân đạo, từ thiện mà chưa chú ý đúng mức tới phương diện thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tính kết nối hệ thống trong hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo chưa cao.
Đội ngũ cán bộ phụ trách quản lý và các giáo viên lớp học tình thương không được đào tạo chuẩn nên còn nhiều hạn chế.
Cơ sở vật chất cho các lớp học tình thương, các mái ấm tình thương nuôi dưỡng các cháu mồ côi còn thiếu thốn về mọi mặt.
Chính quyền một số địa phương chưa sâu sát thông cảm với việc làm từ thiện của Giáo hội để tạo điều kiện thuận duyên cho công tác tốt cho hiệu quả chưa cao.
Công tác từ thiện còn thiếu những thông tin, hiểu biết đầy đủ về chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trong hoạt động y tế, một số cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất về chuyên môn theo quy định của pháp luật. Nhiều trang thiết bị y tế lạc hậu, thường sử dụng có loại gần hết hoặc đã hết hạn sử dụng; các đoàn khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo có người không có chuyên môn y tế; Các cơ sở thuốc nam hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm gia truyền, nhân sự không đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật để cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động xã hội hóa còn hạn hẹp, nhiều nơi chưa đáp ứng được quy định của pháp luật. Kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động xã hội hóa có được từ sự tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, nên nguồn kinh phí này thiếu ổn định. Hoạt động xã hội hóa của một số tổ chức còn tự phát, chưa đặt dưới sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước.
Về phía đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: Như đã đề cập, bước vào công cuộc đổi mới toàn diện để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đã có những đổi mới căn bản về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo trong đó có đổi mới về chính sách đối với công tác an sinh xã hội, chủ yếu là hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên trước yêu cầu mới đặc biệt là xu hướng hội nhập quốc tế thì một số chính sách vẫn còn bó hẹp chủ yếu mới chỉ quy định cho các tôn giáo trong đó có Phật giáo hoạt động trên lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Không ít lĩnh vực trong tình hình mới đòi hỏi chính sách của Nhà nước cần thiết phải rộng mở hơn.
Một số khuyến nghị, đề xuất
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tăng, ni và phật tử về tầm quan trọng của hoạt động từ thiện xã hội.
Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới tăng, ni và phật tử về hoạt động từ thiện xã hội. Công tác tuyên truyền này không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một ban, ngành nào mà cần có sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của đội ngũ chức sắc Phật giáo. Cần triển khai tuyên truyền một cách rộng rãi và thường xuyên tinh thần từ bi ban vui, cứu khổ cho nhân sinh theo tinh thần “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” đến với các tăng, ni và phật tử. Đây chính là phương châm, là kim chỉ nam dẫn đường cho GHPGVN.
Hai là, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác từ thiện xã hội cho các tăng, ni, phật tử về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển công tác từ thiện như một nghề chuyên nghiệp.
Ba là, tập trung nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính) cho hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Ban Từ thiện T.Ư Giáo hội và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Ban KTTC T.Ư và địa phương để vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các công ty tài chính, các đại thí chủ, nhà hảo tâm để phát tâm cúng dường, chia sẻ với những thành phần, đối tượng trong xã hội cần được quan tâm như trẻ em lang thang, người già cô đơn, những mảnh đời bất hạnh... Ban Từ thiện cần phối hợp với Ban KTTC có kế hoạch để chủ động tự mình thiết lập những cơ sở kinh tế, chủ động tạo ra nguồn kinh phí để làm từ thiện một cách thiết thực.
Bốn là, củng cố, xây dựng từ thiện y tế, đặc biệt là hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng phát thuốc Tây y ở các địa phương.
Cụ thể là tổ chức nhiều phòng khám chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí giúp nhiều người bớt được khó khăn, đặc biệt là hệ thống Tuệ Tĩnh đường của Phật giáo được tổ chức ở nhiều nơi, triển khai bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho hàng vạn người với trị giá hàng tỷ đồng tiền thuốc, qua đó giúp cho người dân địa phương yên tâm, tin tưởng vào các hình thức khám chữa bệnh Đông y và Tây y do GHPGVN và các tình, thành tổ chức.
Năm là, phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động từ thiện xã hội.
Thống nhất về tổ chức (nhân sự, hoạt động, mục tiêu) để giúp nhau hoàn thiện các mặt tổ chức và điều hành. Chia sẻ về nguồn tài trợ, trang thiết bị, kiến thức chuyên môn và nhân sự. Liên kết với nhau dưới sự chỉ đạo của Ban Từ thiện T.Ư Giáo hội. Phát huy những thế mạnh của từng địa phương, từng cơ sở. Trao đổi với nhau những kiến thức chuyên môn mới nhất trên các lĩnh vực từ thiện. Giúp nhau về trang thiết bị và phân bổ nhân sự hợp lý, kịp thời cho những nơi còn thiếu. Đối với các ban, ngành chức năng, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh, thành sẽ quản lí các hoạt động từ thiện của các đơn vị cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường tại các địa phương; nhưng vẫn hỗ trợ, chia sẻ và thực hiện chương trình kế hoạch hoạt động từ thiện của trung ương một cách xuyên suốt.
Kết luận
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên và trở thành thách thức cho Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho xã hội, Phật giáo ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ với Nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Với những đóng góp lớn, tích cực vào công tác an sinh xã hội và vai trò trách nhiệm trong điều kiện mới của Việt Nam là cơ sở chắc chắn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời khẳng định được sức sống của Phật giáo đối với sự phát triển của dân tộc qua suốt các thời kỳ lịch sử. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.
Ngày nay, đứng trước xu thế toàn cầu hóa đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức lớn để hội nhập và phát triển. Xu hướng đó là tiền đề quan trọng để Việt Nam mở mang các mối quan hệ hợp tác quốc tế, kết nối với các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới. Nhưng bên cạnh đó, cũng đặt ra không ít thách thức cho đất nước, tạo ra những biến động lớn về kinh tế, xã hội. Chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nước, đưa đến sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Vì vậy, công tác từ thiện xã hội, giúp ích cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là hết sức cần thiết và ngày càng cấp bách trong xã hội ngày nay.
Th.S Lê Đình Trưởng Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam ***Tài liệu tham khảo: 1. Báo cáo tổng kết Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2017-2022). 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Dược Sư bổn nguyện công đức (âm- nghĩa), Thích Huyền Dung dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo. 4. HT Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 5. Tùng thư Học viện Phật giáo Việt Nam (2014), Phật giáo và các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 6. Tùng thư Học viện Phật giáo Việt Nam (2014), Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Bình luận (0)