Môi trường” là một cụm từ quen thuộc bởi nó gắn với cuộc sống chúng ta hằng ngày. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

Mỗi một loại môi trường đều có đặc điểm cấu trúc, thành phần riêng. Trong hàng loạt thành phần môi trường có một số thành phần đủ điều kiện để được xem như là một môi trường hoàn chỉnh.

Từ nửa sau thế kỷ XIX, thuật ngữ “Environment” (môi trường) mới thật sự được sử dụng trong khoa học. Nó được rút ra từ những thuật ngữ đã có từ trước đó như “Environ” (vùng ngoại vi) và “Environing” (vây quanh).

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

1. Tình hình môi trường hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam

1.1. Vấn đề chung

Khi tình hình thế giới phát triển càng cao thì môi trường càng bị đe dọa trầm trọng vì các nhà máy, công trình, xưởng sản xuất mỗi ngày thải ra ngoài môi trường rất nhiều khí thải, chất thải nguy hại, dẫn đến môi trường bị đe dọa và ô nhiễm. Môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều nguy cơ như: hạn hán, đói kém, thiên tai, lũ lụt…

Ô nhiễm môi trường được xem là đưa các chất độc hại vào môi trường của Trái Đất, khiến cho môi trường trở nên không phù hợp với sự sống của các sinh vật, nếu không được giải quyết và xử lý kịp thời sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống con người và nền kinh tế của đất nước. Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nhức nhối ở tất cả các nước trên thế giới hiện nay.

Hiểu một cách đơn giản thì ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất của một thành phần nào đó liên quan đến môi trường theo chiều hướng xấu đi, không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, động - thực vật.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang báo hiệu một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu ngày càng gần hơn, với tốc độ nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với con người và mọi sinh vật đang sinh sống trên trái đất. Khủng hoảng sinh thái toàn cầu được hiểu là khủng hoảng trong mối quan hệ giữa các sinh vật, trong đó có con người với môi trường trên phạm vi toàn cầu.

1.2. Vấn đề môi trường trên thế giới

Hiện nay, nhiều vấn đề môi trường đang diễn ra rất phức tạp ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo một báo cáo mới công bố năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng phát thải khí nhà kính hàng năm đang ở mức cao nhất mọi thời đại và cần phải thực hiện hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ thảm khốc và tránh tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, trong đó quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa gây biến đổi khí hậu, vừa là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí. Gần đây, Hội đồng liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu quy trình sản xuất nhiệt điện từ đốt than không kết thúc vào năm 2050, nhiệt độ của Trái Đất sẽ tăng hơn 1,50C và chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn trong vòng hai mươi năm tới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến lũ lụt gia tăng, các đợt nắng nóng kỷ lục, bão mạnh hơn và các mùa cháy rừng kéo dài hơn, khắc nghiệt hơn, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của chúng ta. Hậu quả của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng và nhu cầu giảm thiểu các chất ô nhiễm là cấp thiết.

1.3. Vấn đề môi trường ở Việt Nam

Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi ở các cuộc họp của Chính phủ, các diễn đàn bảo vệ môi trường.

Cảm thấy nghẹt thở” là tiêu đề được đăng tải trên tờ Viet Nam News ngày 22 tháng 3 năm 2024, khi cuộc khảo sát thường niên của IQAir xếp Việt Nam là quốc gia ô nhiễm cao thứ hai trong khu vực ASEAN và xếp thứ 22 đối với quốc gia có chất lượng không khí kém trên toàn cầu.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tuy nhiên quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội đã bộc lộ những bất cập và tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp. 

Ô nhiễm nguồn nước mặt ở lưu vực các sông diễn ra nghiêm trọng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5); ô nhiễm tại các khu công nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn; ô nhiễm trên Biển Đông diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, trong đó có vấn đề rác thải nhựa. Các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển như: Ô nhiễm dầu, sự cố tràn dầu trên biển Đông; các chất thải có nguồn gốc từ đất liền…đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học: Hiện nay, các hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục bị chia cắt, thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng, dẫn đến suy giảm chức năng phòng hộ, mất nguồn cung cấp nước ngầm, mất nơi sinh cư và sinh sản của các loài sinh vật, một số loài và số cá thể bị săn bắt, khai thác quá mức, buôn bán trái phép dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với những vấn đề về môi trường như: Suy thoái tài nguyên rừng; suy thoái tài nguyên đất; hoang mạc hoá; tài nguyên nước bị ô nhiễm và suy giảm; suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam; nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; xói mòn đất...

Theo thống kê của Bộ TN & MT đến năm 2024, mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình từ 10 đến 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

2. Ô nhiễm môi trường

Hiện nay, môi trường đang đối mặt với nhiều sự tác động gây ảnh hưởng tiêu cực như: Việc đưa các chất thải rắn, lỏng hoặc khí, bao gồm các chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt, rác thải, nước thải…vào môi trường. Từ đó chúng ta thấy rằng ô nhiễm môi trường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như do các tác động tự nhiên, do các yếu tố nhân tạo,…

2.1. Những loại ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường đất: Là hiện tượng mà một khu vực đất bị nhiễm bẩn do các hóa chất cũng như các chất thải xả ra bên ngoài, ngấm vào trong lòng đất và gây ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường nước: Đây là tình trạng mà các chất thải, hóa chất độc hại thải trực tiếp ra sông, suối, ao, hồ mà không được xử lý nghiêm ngặt, từ đó khiến cho nguồn nước bị nhiễm bẩn và vô cùng độc hại. Ô nhiễm môi trường đã khiến cho nhiều loài sinh vật biển, động vật bị suy giảm, kéo theo đó là vấn đề sức khỏe của con người bị ảnh hưởng trầm trọng.

Ô nhiễm không khí: Khi khói thải từ các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, phương tiện giao thông xả ra bên ngoài môi trường với một tần suất lớn và dày đặc thì sẽ khiến cho môi trường bị ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm tiếng ồn: Là một dạng ô nhiễm gây ra khá nhiều phiền phức cho cuộc sống của con người. Ô nhiễm tiếng ồn có thể đến từ tiếng còi xe inh ỏi của các phương tiện giao thông, đến từ các công trình xây dựng, các hoạt động sửa chữa và khai thác.

Ô nhiễm tầm nhìn: Là hiện tượng mà cuộc sống của chúng ta bị cản trở tầm nhìn bởi các yếu tố từ các công trình, tòa nhà cao tầng, sương mù dày đặc, bụi mịn,.... tạo ra cảm giác khó chịu cho con người.

Ô nhiễm nhiệt: Là hiện tượng nhiệt độ của nước bị thay đổi và giảm sút chất lượng. Khi mực nước dâng cao và tiếp xúc gần với ánh sáng mặt trời sẽ làm thay đổi nhiệt độ.

Ô nhiễm ánh sáng: Vấn đề ô nhiễm này thường xảy ra ở các quốc gia và thành phố lớn, ở nơi mà các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều ánh đèn màu đan xen vào nhau với số lượng lớn. Điều này đã khiến cho chúng ta bị lóa mắt, ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của người tham gia giao thông.

2.2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Theo Tổ chức bảo vệ thiên nhiên Green Cross (Thụy Sĩ) và Viện Blacksmith (Mỹ) vừa công bố 10 nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất nhưng hiếm khi được nhắc đến trong các cuộc tranh luận về bảo vệ môi trường. Những nguyên nhân do hai Tổ chức đưa ra gồm: Đãi vàng bằng công cụ thô sơ; nhiễm độc nước bề mặt; nhiễm độc nước ngầm; chất độc trong nhà; khai thác mỏ công nghiệp; nấu chảy kim loại và gia công; phế liệu phóng xạ và phế liệu từ khai thác quặng urani; nước thải không qua xử lý; ô nhiễm không khí trong thành phố; tái sinh ắc quy. 

Một nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng khác và có ảnh hưởng rất lâu dài qua nhiều thế hệ là các cuộc chiến tranh và các vụ thử nhiều loại vũ khí ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng, vũ khí nguyên tử. Đó là những loại vũ khí không chỉ gây chết người, mà còn tiêu diệt tất cả sự sống ở những nơi chúng được dùng. Đây là loại tội ác đã được thế giới gọi là “Ecocide”, tức là “Sự phá hủy hệ sinh thái, nhân loại và sự sống”. Bên cạnh những nguyên nhân trên thì các nguyên nhân dưới đây cũng được xem là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến Trái Đất:

Nạn phá rừng

Ngày nay thiên tai lũ lụt, hạn hán ngày càng nặng nề, nguyên nhân sâu xa là do phần rừng bị khai thác một cách vô tội vạ. Nạn phá rừng hầu như xảy ra trên toàn thế giới, các tổ chức cây xanh trên thế giới đã cảnh báo rất nhiều về việc tàn phá hệ sinh thái cây xanh sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ qua, diện tích đất canh tác trên trái đất tăng hơn 450%. Những thay đổi mục đích sử dụng đất tác động lớn đến hệ sinh thái. Phá rừng không chỉ làm tăng tình trạng xói mòn mà còn giảm khả năng giữ nước, đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của bão, lũ lụt. Khi con người có nhu cầu sử dụng đất tăng sẽ làm mất đi môi trường sống giữa các loài.

Chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại là loại chất thải có chứa các loại hợp chất hoặc chất có các đặc tính gây nguy hại trực tiếp chẳng hạn như dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, gây ăn mòn, hay một số đặc tính khác. Hoặc chất đó khi tương tác với một chất khác sẽ gây ra nguy hại đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến môi trường. Thông thường chất thải gây hại là những loại khí nén, chất oxy hóa hay các loại chất thải dạng lỏng. Chất thải nguy hại là một loại chất thải đặc biệt và nó không thể xử lý bằng các phương tiện thông thường.

Đa dạng sinh học và sử dụng đất

Từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra. Việt Nam được đánh giá là một trong hai mươi lăm quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi mà bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước không phù hợp, tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là nạn buôn bán động, thực vật trái phép…đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ngày một gia tăng thời gian qua.

Hóa chất, chất thải độc hại và kim loại nặng

Nhiều chất thải được tạo ra bởi con người có chứa một lượng cao các hóa chất và các chất độc. Chúng có tác động xấu đến môi trường. Các vấn đề của mưa axit là một ví dụ. Một số hóa chất và kim loại nặng có thể gây tử vong trên con người cũng như đời sống động vật và con người cần thực hiện các biện pháp để ngăn chặn điều này xảy ra. Định mức phát thải cần kiểm soát nghiêm ngặt và các quy định cần phải được áp dụng để bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người từ vấn đề chết người này.

Khoa học di truyền

Đây là một vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi. Khoa học đã giúp con người rất nhiều và đã đạt được nhiều bước đột phá về y học, công nghệ, y tế, thông tin liên lạc,...Tuy nhiên, vấn đề sửa đổi di truyền của thực vật, động vật và có lẽ ngay cả con người trong tương lai gần có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn có lợi.

Sự gia tăng dân số

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ tác tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay trên thế giới bởi nó tạo ra sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường Trái Đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp…Tạo ra các nguồn rác thải, khí thải tập trung vượt quá khả năng tự phân hủy của môi trường tự nhiên.

Khí thải công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Các nhà máy, xí nghiệp thường sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt để sản xuất, gây ra lượng khí thải lớn, bao gồm khí CO2, SO2, NOx, bụi mịn,…Các khí thải này có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư,…Ngoài ra, sự cố tràn dầu, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, chất thải thực phẩm, sự vận chuyển xuyên biên giới sản phẩm và chất thải nguy hại, thiếu chính sách bảo vệ môi trường cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường hiện nay. 

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

3. Những hệ lụy xảy ra do ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Hậu quả của ô nhiễm môi trường là gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người. Hiểu rõ và nhận thức về tác hại do ô nhiễm môi trường là bước đầu tiên để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả, đảm bảo một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho các thế hệ tương lai.

Những hệ lụy xảy ra do ô nhiễm môi trường mà con người đang gánh chịu phải kể đến: Biến đổi khí hậu toàn cầu; sự vận động tầm xa của các chất gây ô nhiễm; sự suy giảm tầng ozone; sự suy giảm tính đa dạng sinh học trên Trái Đất; sự suy giảm các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng; ô nhiễm biển và đại dương; hiệu ứng nhà kính đang gia tăng; nguồn nước đang bị khan hiếm; sự nóng lên toàn cầu do nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học liên tục cảnh báo, hành tinh này đã vượt qua loạt điểm giới hạn có thể gây ra hậu quả thảm khốc, chẳng hạn như tình trạng tan băng vĩnh cửu ở các vùng Bắc Cực có thể đẩy nhanh sự tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu và nạn phá rừng gia tăng tại Amazon.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các cơn bão nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết khác như cuồng phong, sóng thần, sóng nhiệt, lũ lụt trở nên dữ dội và thường xuyên hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ngay cả khi toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính bị dừng lại, thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới. Đó là lý do tại sao chúng ta bắt buộc phải bắt đầu ngay bây giờ để giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt.

Một trong những vấn đề môi trường lớn nhất hiện nay là ô nhiễm không khí ngoài trời. Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ước tính có khoảng 4,2 đến 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trên toàn thế giới mỗi năm và cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khi có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao. Theo UNICEF, năm 2017, Châu Phi có 258.000 người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời, tăng từ mức 164.000 vào năm 1990.

Cũng theo WHO, ô nhiễm môi trường không khí là một trong nhiều thủ phạm gây nên các bệnh tim mạch, đột quỵ não lên tới 25%. Ngoài ra ô nhiễm môi trường không khí còn làm trầm trọng hơn các bệnh hen suyễn, chứng khó thở, nhiễm trùng đường hô hấp, gây kháng insulin, giảm khả năng sinh sản, gây bệnh thận, tổn thương gan, bệnh về da. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí kéo dài sẽ gây ra ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chúng còn tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, tự kỷ hay dễ cáu gắt. 

Chất lượng không khí kém là nguy cơ lớn đối với sức khỏe ở Việt Nam và trên toàn cầu. Hạt vật chất hay bụi mịn PM (các hạt mịn chứa nhiều chất ô nhiễm và độc tố khác nhau) xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch của con người. Nguy cơ sức khỏe khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao cũng tương tự như vậy. 

4. Tầm quan trọng của môi trường đối với con người

Môi trường là không gian sống lý tưởng của con người, động vật, sinh vật sinh sống trên trái đất; là nơi cung cấp nguồn tài nguyên giàu có và vô cùng cần thiết cho hoạt động sinh sống và phát triển của con người; nơi đó chứa đựng, trung hòa và phân hủy các chất phế thải, rác thải do con người tạo ra trong cuộc sống hiện tại. Đây là một ngôi nhà lớn chứa đựng, bảo vệ con người, động vật, sinh vật thoát khỏi sự đe dọa của những tác động bên ngoài và là nơi cung cấp, lưu trữ thông tin cho con người. Với những vai trò quan trọng mà môi trường đem lại thì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ một thế giới xanh sạch, trong lành. Chính vì tầm quan trọng của môi trường nên việc giảm thiểu sự phá hủy đến các hệ sinh thái là điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với cuộc sống của chúng ta.

5. Các giải pháp bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là một vấn đề cấp bách không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

Hoàn thiện luật pháp, chế tài bảo vệ môi trường

Để khắc phục ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả cần phải hoàn thiện tốt hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần đưa ra các mức án phạt nặng, chế tài nặng hơn để răn đe các đối tượng vi phạm.

Cải thiện thói quen sinh hoạt 

Một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại ô nhiễm môi trường là nâng cao ý thức và thói quen của mỗi người qua việc xử lý rác thải đúng cách, điều này giúp hạn chế lượng chất thải độc hại và khói bụi ra môi trường. Bên cạnh đó, việc thay thế nhiên liệu than, củi và khí đốt bằng các thiết bị điện hiện đại, an toàn và loại bỏ ô nhiễm không khí, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm lượng khí thải xe cộ. Phát huy tinh thần và ý thức của mỗi người khi tham gia vào việc giữ gìn môi trường sống.

Xử lý chất thải công nghiệp đúng quy định

Để tránh gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất cần tuân thủ các quy định về xử lý, thải chất thải ra môi trường. Thay thế máy móc lạc hậu bằng dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến. Biện pháp chống ô nhiễm môi trường hiệu quả và an toàn nhất hiện nay là sử dụng hệ thống máy móc có tích hợp công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học để lọc và làm sạch nước thải và khí thải trước khi thải ra ra môi trường. 

Quy hoạch và trồng cây xanh

Ngoài các biện pháp chống ô nhiễm không khí nêu trên, việc trồng và phát triển rừng nhân tạo cũng là một biện pháp rất hữu ích để cải thiện môi trường sống xung quanh. Cây xanh giúp thanh lọc không khí, chống thiên tai, giảm khí thải và khói bụi, hạ nhiệt độ và cải thiện độ trong lành của không khí.

6. Bảo vệ môi trường theo tinh thần Phật giáo

Trước những thảm họa về môi trường hiện nay thì việc bảo vệ môi trường không còn là nhiệm vụ của một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ mà đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, xã hội, trong đó tổ chức Tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng và mang lại hiệu quả rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Theo giáo lý Phật giáo (Từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng,…) luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau.

Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau. Do đó, con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên. Điều đó đã trở thành quy luật chung.

Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục duy trì những tác động tiêu cực vào thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác thải sinh hoạt và sản xuất lan tràn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.

Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học.

Khi tìm hiểu về cuộc đời đức Phật, chúng ta thấy rằng những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ngài đều diễn ra ngoài trời trực tiếp với thiên nhiên. Khi ra đời, đức Phật Đản sinh dưới cây Vô Ưu (Saraca indica) tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Trước khi thành Đạo, Ngài cũng được xác nhận là đã dành khoảng thời gian ngồi thiền định dưới cây được gọi tên là Bồ-đề (Peepal/Bodhi). Ngài sống dưới gốc cây và tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, ngày Phật nhập Niết bàn tại rừng cây Ta La thuộc thành Kushinagar là trải nghiệm thực tế sâu sắc về cuộc đời của đức Phật với môi trường.

Có thể thấy, trong giáo lý, kinh sách của Phật giáo luôn tiềm ẩn những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống. Để cụ thể hóa những tư tưởng ấy thành hành động cụ thể của mỗi người, hàng năm, trong các ngôi chùa Phật giáo thường có ba tháng “An cư kiết hạ” để tu tập giáo lý. An cư kiết hạ được chọn trùng vào mùa mưa của Ấn Độ xưa kia, đó là thời điểm côn trùng sâu bọ sinh sôi nhiều, người tu tập sẽ hạn chế đi lại để tránh giẫm đạp lên côn trùng, sâu bọ, cây cỏ. Điều này vốn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo là từ bi, hỷ xả, không sát sinh muôn loài. Nó đã góp phần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và môi trường sinh thái.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Đức Phật dạy: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”. Mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đều ảnh hưởng lẫn nhau, một sự vật hưng thịnh, một sự việc suy vong thì tất cả đều suy vong. Phá hoại thiên nhiên và đối lập với thiên nhiên thì nhất định khiến cho nhân loại tự chuốt lấy sự diệt vong.

Phật giáo chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, đề xướng những hành vi văn minh, lành mạnh và hướng thượng. Trong quá trình hoằng dương chính pháp, Phật giáo luôn lan tỏa tư tưởng bảo hộ môi trường sống, hướng dẫn đại chúng cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Đề xuất các phương án thực tiễn như vun hoa dưỡng cỏ, trồng cây gây rừng, cúng hương văn minh, hoa tươi dâng Phật, tiết nước kiệm điện, trân quý tài nguyên, cho đến các khẩu hiệu tích phúc, biết đủ, thu hồi tài nguyên tái sử dụng, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng…

Đối với mỗi tu sĩ, phật tử, việc bảo vệ môi trường còn thể hiện qua việc trồng và bảo vệ cây xanh, thực hành “ăn chay” và hướng đến đời sống thiểu dục tri túc nhằm góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật không những có lợi cho sức khỏe con người mà còn giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ đó, hệ sinh thái được cân bằng, giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cải thiện môi trường sinh thái.

7. Lời kết

Môi trường sống đã và đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất và cũng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Bởi lẽ, môi trường sống gắn bó hữu cơ với cuộc sống của con người, cũng như với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường sống, do vậy, con người cần có trách nhiệm trong việc tìm cách khắc phục và ngăn chặn hậu quả xấu liên quan đến môi trường, nếu không có giải pháp thì môi trường tự nhiên sẽ bị tàn phá và có nguy cơ xoá sổ những gì mà loài người đã dày công xây dựng trong hàng chục nghìn năm qua, kể cả sự sống của bản thân con người trên Trái Đất.

Bảo vệ môi trường là quá trình đòi hỏi nhiều biện pháp nhằm giữ gìn, bảo vệ và phục hồi môi trường tự nhiên, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động con người. Điều này bao gồm việc duy trì và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ các loài động, thực vật và sinh vật khác, giữ vững sự cân bằng của các dòng chảy nước và khí quyển, hạn chế sự ô nhiễm và phá hủy môi trường.

Bên cạnh những giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng năng lượng sạch; hạn chế sử dụng rác thải nhựa; trồng rừng và cây xanh; xử lý ô nhiễm nước thải trước khi xả ra môi trường; tiết kiệm nguồn năng lượng điện năng; tuân thủ quy định về xử lý khí thải công nghiệp; hạn chế sử dụng hóa chất…thì việc vận dụng tinh thần phật pháp để bảo vệ môi trường được xem là một trong những giải pháp hiệu quả mang giá trị sinh thái tâm linh đối với đời sống xã hội.

Phật giáo với những quan điểm về môi trường dựa trên nền tảng giáo lý sâu sắc. Đó là thuyết Duyên khởi, luật Nhân quả, quan điểm chúng sinh bình đẳng, chúng sinh hữu tình, quan điểm từ bi, giáo lý vô ngã, vô thường v.v. Những quan điểm này đã có ảnh hưởng lớn đến ý nghĩ, hành động của mỗi tín đồ Phật giáo trong việc góp phần xây dựng ý thức ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường một cách tự giác. Ngoài ra, là một tôn giáo lớn tại Việt Nam, Phật giáo cũng là một nguồn lực không nhỏ trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.

Để bảo vệ môi trường sống, không nhất thiết chúng ta phải làm những điều quá lớn lao, chỉ cần mỗi cá nhân có thể đóng góp bằng cách thực hiện các thói quen bền vững trong cuộc sống hàng ngày như cố gắng giảm tiêu thụ năng lượng, hạn chế sử dụng thức ăn làm từ động vật, sử dụng đồ dùng tái chế, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, trồng cây xanh và bảo vệ nguồn nước đúng cách, thực hành bỏ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng bởi khi có ý thức bảo vệ môi trường, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai khỏe mạnh, an toàn cho chính bản thân mình và cho người khác.

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm

Nguồn tham khảo, trích dẫn

[1] Cảnh báo những vấn đề môi trường hiện nay trên thế giới, congnghemoitruong.net

[2] Những vấn đề môi trường quan tâm hàng đầu hiện nay, thanthienmoitruong.com

[3] Những vấn đề môi trường trên thế giới và ở Việt Nam.

[4] Nguyễn Mạnh, Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay, thực trạng và giải pháp, Tạp Chí Cộng Sản.

[5] GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Vấn nạn ô nhiễm môi trường, khủng hoảng sinh thái và sự cần thiết phải xây dựng tư duy văn minh sinh thái, Tạp chí Cộng sản.

[6] Đức Hiệp, Khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt thì xử lý và thu gom rác là một yêu cầu cấp thiết, Báo điện tử Đại biểu nhân dân.

[7] Minh Minh, Ô nhiễm môi trường - mối đe dọa toàn nhân loại, Tạp chí Điện tử Môi trường và Cuộc sống.

[8] Thùy Linh, Sự gia tăng dân số là mối nguy hại với môi trường, Tạp Chí Điện tử Kinh tế Môi trường.

[9] Tiến sĩ Angela Pratt, Xử lý nguồn ô nhiễm không khí để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, tăng cường phát triển và nâng cao năng suất, theo ý kiến của các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5 tháng 6), World Health Organization.

[10] Nguyên Hương, Hậu quả của ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục thế nào?, Luật Việt Nam.

[11] TS.Phạm Thanh Hằng, Bảo vệ môi trường từ góc nhìn Phật giáo, Báo Điện tử Tài Nguyên và Môi trường.

[12] Phật giáo với vần đề bảo vệ môi trường, Thư Viện Hoa Sen.

[13] Vũ Thị Thu Hà, Nguồn lực phật giáo trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Tạp Chí Môi trường Xây dựng.

[14] TT. Thích Hạnh Chơn, Cuộc đời đức Phật và môi trường, vedepphatphap.vn

[15] Phạm Huỳnh Phương, Hoàng Cầm 2013. Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hóa.

[16] Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cảnh báo “Thời kỳ khủng hoảng khí hậu đã đến”, Tạp Chí Khí tượng Thủy văn.

[17] NTT, Chất thải nguy hại, mối nguy tiềm tàng đến từ con người, Báo Điện tử Đảng Cộng Sản.

[18] Ngọc Diệp, Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp Chí Cộng Sản.

[19] Tầm quan trọng và lợi ích của bảo vệ môi trường, Unilever Vietnam.

[20] Yến Tâm, 5 vấn đề cấp bách của môi trường thế giới năm 2024, Tạp Chí Tài Chính.