Trang chủ Đời sống Phật giáo chung tay vì môi trường: Từ nhận thức đến hành động

Phật giáo chung tay vì môi trường: Từ nhận thức đến hành động

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nhóm sinh viên Ngọc Mai – Huy Vũ – Thanh Quỳnh
Khoa Truyền thông & Văn hoá Đối ngoại
Học viện Ngoại giao

Bảo vệ môi trường luôn là vấn đề cấp thiết đối với toàn xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Các hoạt động của cộng đồng Phật giáo tại Việt Nam đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành vi của người dân, giúp giải quyết phần nào các vấn đề liên quan tới môi trường, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng xã hội phát triển hài hòa, bền vững.

Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò trong công tác bảo vệ môi trường, Giáo hội và Chư tăng luôn khuyến khích các tín đồ sống “thiểu dục tri túc”, hòa mình với thiên nhiên, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, khuyên con người phải biết đối xử với tự nhiên một cách trân trọng, không can thiệp vào môi trường một cách thô bạo. [1].

Vai trò của Phật giáo trong bảo vệ môi trường đã trở thành đề tài cho nhiều nhà nghiên cứu trong nước, có thể kể đến một số bài báo đã đề cập đến: Như bài “Phật giáo và vấn đề bảo vệ môi trường: Nghiên cứu trường hợp tại thành phố Đà Nẵng” của Lưu Quý Khương và Nguyễn Thiện Chân, trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng; bài “The Role of Buddhism in Environmental Protection and Sustainable Development in Vietnam Today” (Vai trò của Phật giáo trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam ngày nay) của Gs Phạm Công Nhật, Trường ĐHKHXH & NV– Đại học QG Hà Nội; bài “Quan niệm của Phật giáo về môi sinh và đạo đức môi sinh” – Thích Chơn Thiện; “Đạo đức học Phật giáo và vấn đề môi trường” – Thích Nguyên Hiệp,…

Trên thế giới, Gs Ronald Epstein đến từ Viện Tôn giáo Thế giới, Berkeley, California nổi tiếng là tác giả của nhiều bài viết về đạo đức Phật giáo với môi trường. Trong đó, tiêu biểu là bài phân tích có tựa đề “Pollution and the Environment: Some Radically New Ancient Views” (Ô nhiễm và môi trường: Một số quan điểm cũ theo góc nhìn hoàn toàn mới) xuất bản năm 1992; “Environmental Issues: A Buddhist Perspective” (Vấn đề môi trường dưới quan điểm Phật giáo) xuất bản năm 2005.

Nhìn chung, các nghiên cứu về chủ đề Phật giáo và bảo vệ môi trường bền vững đều đề cập đến triết lý nhân sinh của Phật giáo như một mối liên kết đến môi trường, cho rằng Phật giáo dạy con người trở nên văn minh và vị nhân sinh. Đó chính là động lực tạo nên văn hóa ứng xử của con người, trong đó có lối sống thân thiện với môi trường tự nhiên. Mặt khác, luật nhân quả cho thấy gieo những hạt giống tốt vào thiên nhiên, con người sẽ được nhận lại những thành quả tốt đẹp như thanh lọc tâm trí, thúc đẩy trí thông minh, năng lực để theo đuổi đam mê, ước vọng.

Mối tương quan giữa giáo lý đạo Phật với bảo vệ môi trường

Đạo Phật là tôn giáo thiên hướng về từ bi trí tuệ. Phật giáo tâm niệm, khi con người sống chan hòa với thiên nhiên, tâm trạng sẽ trở nên bình thản, nhẹ nhàng và vơi đi những muộn phiền trong cuộc sống. Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo đề cao bảo vệ môi trường, được thể hiện trong các khái niệm về Duyên khởi, Duy thức, Tam độc, Nhân quả, Bát chính đạo đến Ngũ giới, Thập thiện, Tứ vô lượng tâm. Kinh sách nhà Phật luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa với sự sống, biết trân trọng, yêu quý thiên nhiên và đề cao mối quan hệ mối quan hệ khăng khít, đồng đẳng, tương hỗ lẫn nhau giữa con người và môi trường.

Theo thuyết Duyên khởi, tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau, và không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập. [2] Cái này là duyên để cái kia tồn tại, vạn vật trong thế giới này vì thế mà tồn tại đa dạng và sống động, và nếu như một cái mất đi sẽ kéo theo sự mất đi hoặc biến đổi hoặc xáo trộn của cái khác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy:

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.”
(Kinh Phật Tự Thuyết – Tiểu Bộ kinh I) [3]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Chung Tay Vi Moi Truong 1

Như vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển. Con người phải dựa vào thiên nhiên và sẽ không thể tồn tại được nếu tách rời thiên nhiên. Thực tế cho thấy, từ ngàn đời nay, thiên nhiên đã ban cho con người nguồn cung vô tận để sinh sống. Con người luôn có ý muốn chinh phục, khám phá để tạo ra lợi ích cho mình, nhưng lại bắt đầu đánh mất đi trật tự vốn có trong cái “duyên” của mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Con người đã khai thác thiên nhiên vô điều độ, thải ra ngoài môi trường những chất độc hại do quá trình phát triển công nghiệp. Hậu quả là chính con người đã phải gánh chịu những tác động do sự ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí và các thảm họa thiên tai, khí hậu… gây ra. Hành động tàn phá độc ác đối với môi trường vốn xuất phát phần lớn từ lòng tham của con người. Lòng tham trong tư tưởng Phật giáo là một trong Tam độc (tham, sân, si). Tam độc sẽ gây ra những tổn hại lớn cho con người. Con người khi để lòng tham trong mình lấn át, dẫn đường thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Đồng thời, học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, tâm thức của con người có sự liên hệ sâu sắc với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Do vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ gây nên hậu quả khôn lường đến sự tồn tại của mọi sinh linh trên trái đất và sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới tâm thức con người. [4] Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục các hành động phá hủy thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác thải sinh hoạt làm ô nhiễm nguồn nước và tài nguyên đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.

Xuất phát từ những quan điểm trên, đức Phật cũng ra đưa ra những giáo lý khuyên răn, chủ dẫn cho chúng sinh về vấn đề bảo vệ môi trường. Trước hết, con người cần loại bỏ đi tham – sân – si, dừng việc khai thác quá mức, tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình. Hãy “Mong tất cả những ai, Hữu tình có mạng sống, Kẻ yếu hay kẻ mạnh, Không bỏ sót một ai, Kẻ dài hay kẻ lớn, Trung, thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sinh Sống hạnh phúc an lạc” (Thích Minh Châu, 1978) để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Đạo Phật đã chỉ ra cho con người Bát chính đạo, với nội dung: để diệt trừ được vô minh con người cần tu tập theo Giới, Định, và Tuệ. Con người cần phải có trí tuệ để từ đó mở mang tâm trí, để có thể hiểu rõ tất cả mọi hiện tượng và thấu hiểu tường tận về bản chất của sự vật. Chỉ có sự hiểu biết toàn diện mới giúp cho con người thoát khỏi vô minh – nguyên nhân của tất cả những sai lầm của con người. [5] Trong vấn đề môi trường, con người cần phải có những nhận thức và suy nghĩ đúng đắn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo thuyết Tứ vô lượng tâm, bao gồm từ, bi, hỉ, xả, và biết giữ “ngũ giới”, biết làm “thập thiện”. Đạo Phật khuyên con người hướng đến một lối sống nhân văn, nhân đạo, thể hiện bằng việc ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học. [6] Cố HT.Thích Minh Châu cũng đã từng giải thích: “Hại người hay vật vô tội cũng giống như ném bụi ngược gió với kết quả là ta phải chịu hậu quả của hành động mình”. [7] Không chỉ vậy, theo luật Nhân quả, con người nếu biết tu dưỡng nghiệp thiện, thì sẽ tạo nên được những kết quả xứng đáng cho kiếp sau. Con người đối với thiên nhiên, môi trường cũng như vậy.

Phật giáo cũng đề cao lối sống “thiểu dục, tri túc”, tức ham muốn ít, hiểu thế nào là đủ, dạy cho con người ta nhận ra và hiểu được những thứ mà mình đang có, tránh việc vì những lòng tham mà gây ra những tổn hại đối với chính môi trường mà ta đang sinh sống bên trong, gây ra những xáo trộn trong trật tự của tự nhiên. Ta cần thực hành lối sống tiết kiệm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, tránh sự lãng phí khi sử dụng các nguồn năng lượng chúng ta có được từ thiên nhiên. Đây là cách mà Phật giáo dạy con người sống một lối sống giản dị nhưng đảm bảo chất lượng. Chất lượng cuộc sống theo quan niệm của đạo Phật là sự “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn”, là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên. [7]

Xuất phát từ giá trị tốt đẹp từ bi, hỉ xả, không sát sinh muôn loài, Phật giáo đã góp phần nêu cao trách nhiệm, tinh thần tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và môi trường sinh thái.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Trên cơ sở những bài học sâu sắc về bảo vệ môi trường trong kinh sách, giáo lý, nhiều năm qua cộng đồng Phật giáo đã cụ thể hóa tư tưởng ấy thành những hành động thiết thực. Tại Việt Nam, Phật giáo đã thông qua tổ chức đại diện của mình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tăng, ni, phật tử về lối sống thân thiện với môi trường, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và bảo vệ hệ sinh thái. Giáo hội tham gia ký kết chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành nhiều văn bản đề nghị cộng đồng tín đồ tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường như Công văn số 248/CV-HĐTS ngày 6/9/2019 về việc hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và phong trào của Bộ TN & MT về “chống rác thải nhựa”, Thông báo số 038 ngày 22/2/2021 về việc hưởng ứng thông điệp trồng 1 tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh của Thủ tướng Chính phủ…

Thực hiện chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, phật tử, thành viên Giáo hội luôn tích cực san sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững với cộng đồng xã hội. Bằng những hành động giản đơn như trồng cây gây rừng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các loại túi giấy, túi vải, đặc biệt là không sử dụng chất liệu nhựa trong các lễ hội hoa đăng để tránh gây ô nhiễm nguồn nước, tăng, ni trụ trì các tự viện đã và đang góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và triển khai chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Chung Tay Vi Moi Truong 2

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi nói “không” với đèn họa đăng làm từ nhựa. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Nỗ lực loại bỏ tục đốt vàng mã

Là phong tục có từ lâu đời, đốt vàng mã đã trở thành một việc làm quen thuộc trong mỗi gia đình và cơ sở thờ tự Phật giáo vào các ngày lễ, Tết. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tục đốt vàng mã được du nhập từ Trung Quốc theo con đường Đạo giáo, dùng lửa “hóa” tiền vàng, phương tiện bằng giấy để gửi gắm tấm lòng và sự thương nhớ của người sống tới người đã khuất [8]. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, trong các nghi lễ, nghi thức của đạo Phật không có tục đốt vàng mã, đây là một hoạt động gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.[9] Thêm vào đó, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều mặt hàng vàng mã “độc lạ” như máy tính bảng, bikini, giày cao gót, túi xách hàng hiệu… khiến tín ngưỡng dân gian này bị biến tướng nghiêm trọng. Người dân lạm dụng đốt vàng mã gây khói bụi, ảnh hưởng đến bầu không khí, tro tàn bay khắp nơi làm mất mỹ quan tại các cơ sở thờ tự, nơi công cộng.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Chung Tay Vi Moi Truong 3

Đốt vàng mã không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Báo Hànộimới

Trong suốt nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật giáo không ngừng nỗ lực kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã để thay đổi nhận thức của cộng đồng, góp phần gìn giữ không khí trong lành, cảnh quan sạch đẹp, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống. Mỗi mùa lễ Tết, Vu lan báo hiếu, Giáo hội đều khuyến cáo không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu từ tháng 1/2018, Giáo hội đã ban hành công văn số 031/CV-HĐTS đề nghị BTS Phật giáo các cấp hướng dẫn chư tôn tăng, ni trụ trì các cơ sở tự viện thực hiện một số việc cụ thể trong mùa lễ hội để đảm bảo sự trang nghiêm của đạo pháp và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của tôn giáo.

Công văn nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức tăng, ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

Trong các khóa tu dành cho phật tử và nhân dân, các chùa đều tổ chức thuyết giảng về vấn đề đốt vàng mã, khẳng định tục lệ này không nằm trong giáo lý nhà Phật, hủ tục đốt vàng mã là quan niệm mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Tiêu biểu, cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội” do Ban Tôn giáo thành phố phát động từ tháng 1/2020 đã chú trọng cung cấp thông tin pháp lý, quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp về việc tổ chức, thực hành đúng chính pháp các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tại cơ sở tự viện. Đáng chú ý, cuộc vận động nhấn mạnh các tín đồ, phật tử, du khách thập phương không sử dụng, lạm dùng vàng mã, đồ mã, trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo.[10]

Không chỉ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của tục lệ đốt vàng mã, chính tăng ni, phật tử tại các chùa là tấm gương đi đầu trong việc “nói không” với hóa vàng.

Chùa Khê Tang, Thanh Oai – Hà Nội suốt gần 10 năm nay không hề có bóng dáng của vàng mã, hương nén nhờ quy định cấm mang vàng mã vào lễ chùa. Nhà chùa chủ trương chỉ thắp hương vòng, ngày lễ thì có thêm nến đèn, bánh kẹo, hoa quả đơn giản. Chia sẻ về khoảng thời gian kiên trì giáo hóa phật tử không hóa vàng tại chùa, trụ trì chùa Khê Tang cho biết ban đầu, người dân phản ứng rất gay gắt với quy định này, nhưng sau khi được giảng giải trong các khóa lễ, họ dần hiểu ra và truyền tai nhau thực hiện. Khách thập phương về lễ chùa tại đây chưa biết tới quy định, trụ trì nhắc nhở rồi giáo hóa họ không nên đốt vàng mã dù ở chùa khác hay ở nhà để giảm khói bụi gây ô nhiễm môi trường. [11]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Chung Tay Vi Moi Truong 4

Yêu cầu không đốt vàng mã trong nội quy chùa Khê Tang . Ảnh: Báo Lao động

Hơn 20 năm qua, chùa Liên Hoa nằm tại Quận 11, Tp.HCM luôn duy trì một việc làm ý nghĩa: dùng tiền tiết kiệm từ việc không đốt vàng mã để làm quà tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 1998, chùa Liên Hoa đã ra thông báo tới phật tử, du khách thập phương khi đến chùa cũng vong linh xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, dùng số tiền thật định mua vàng mã để quyên góp, hỗ trợ bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng trồng rất nhiều cây xanh trong khuôn viên, cho đặt lư hương bên ngoài chính điện và các nơi thờ tự, chỉ thắp tượng trưng vài nén nhang. [12] Trong chùa không có bóng dáng của lò hóa vàng đã giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí, giữ cho cảnh quan nhà chùa sạch đẹp khỏi khói bụi, tàn tro của giấy tiền, vàng mã.

Nhờ sự kiên trì và nỗ lực của các trụ trì, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự đang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện đúng giáo lý nhà Phật cũng như nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường và công cuộc phát triển bền vững.

Ứng dụng Giáo lý đạo Phật về bảo vệ môi trường

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có vị trí, vai trò quan trọng cùng những đóng góp to lớn trong hoạt động bảo vệ, phát triển bền vững môi trường sinh thái tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Song, bên cạnh những kết quả tốt đẹp đã đạt được, Giáo hội cần tiếp tục làm tốt và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông về tục lệ đốt vàng mã nói riêng và các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường nói chung. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành cần trở thành cầu nối quan trọng cho các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động từ thiện, tiết kiệm xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khi gặp khó khăn, kể cả các đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Tiến sĩ Lê Văn Tâm cho rằng “ô nhiễm và hiểm họa đều là hậu quả của tư duy và hoạt động của con người. Cuộc khủng hoảng được gọi là “khủng hoảng sinh thái”, thực chất là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ Tham Sân Si của con người”. Mỗi hành vi của con người chúng ta đều là xuất phát từ cái tâm, vậy nên phật tử đã được Đạo Phật ban tặng “vũ khí Bi – Trí – Dũng để đối trị Tham – Sân – Si” [13]. Đây thực sự là một mối quan hệ mật thiết, bởi khi xã hội ngày càng phát triển, công nghệ – khoa học kỹ thuật tân tiến, con người cũng theo đó mà cho rằng bản thân có thể “chế ngự được thiên nhiên”, cứ như vậy thì chắc chắn môi trường sẽ càng ngày càng bị tàn phá, huỷ hoại bởi lòng tham con người, vì lợi ích mà phá huỷ môi trường sống của muôn loài. Phật giáo sẽ là “cánh cửa cứu rỗi” con người khỏi thảm họa của tự nhiên bằng chính những lời dạy về lối sống hướng thiện, sống có ích. Cùng chung sức tham gia với cộng đồng xã hội trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, đó chính là một cách để chúng ta bảo vệ chính mình.

Nhóm sinh viên Ngọc Mai – Huy Vũ – Thanh Quỳnh
Khoa Truyền thông & Văn hoá Đối ngoại
Học viện Ngoại giao

***

Tài liệu tham khảo:

[1] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1999, tr.36. [2] Võ Văn Dũng, Võ Thị Hồng Thắm, “Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số tháng 11/2021, ISSN: 2734-9195.
[3] Nguyễn Đình Hòe, Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Môi trường trong kinh sách và trong thuyết giảng của các vị tăng ni và cư sĩ , Hội bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam, http://vacne.org.vn/bao – ve -moi-truong- va-dao-phat-o- vi e t – nam-bai-6-%E2%80%93-moi-truong-trong-kinh-sac h- va-trong-thuyet-giang-cua- cac-vi -tang-ni-va -cu-si/28287.html.
[4] Trung Long, Tìm hiểu Lý duyên khởi, truy cập ngày 2-12-2022, http://tuvienkhanhan.com/bai- viet/95-phat- hoc/1620-tim-hieu-ly-duye n-khoi
[5] Thích Nữ Tịnh Quang (2020), Sự tương quan giữa đạo Phật và môi trường , truy cập ngày 2-12-2022, https://phatgiao.org.vn/su-tuong-quan-giua- dao-phat- va-mo i – truong-d40355.html
[6] Trần Phương Lan, Phật Giáo, Sinh thái học và đạo đức toàn cầu, Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a4671/phat -giao-sinh-thai-hoc- va – dao-duc -toan-cau- tran-phuong-lan-dich
[7] Lê Văn Tâm, Đạo Phật đối với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường ,
Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org
[8] Quốc Việt, Bỏ tục đốt vàng mã – nét văn minh trong tín ngưỡng, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bo-tuc- dot-va n g- ma-%E2%80%93-net-van-minh-trong-tin-nguong-1491842842
[9] Nguyễn Giang, “Biến tướng đốt vàng mã: Cuồng tín, mê muội và tham lam”, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, https://diendandoanhnghiep.vn/ bien-tuong- dot-va n g- ma-cuong-tin-me-muoi-va -tham-l am-215984.html
[10] Hiền Thu, Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Báo Hànộimới http://www.hanoimoi.com.vn/ti n-tuc/Xa-hoi/954828/van-mi nh-tie t – kiem-trong-hoat-do ng-tai-cac-co-so-tho-tu-phat-giao
[11] Hà Hiền, Hồng Ánh, Kim Cúc, “Những ngôi chùa cổ nói không với vàng mã”, Báo Lao động, https://laodong.vn/xa-hoi/nhung-ngoi-chua-co-noi-khong- voi-va n g- ma-599572.ldo
[12] Hà Phương, “Khuyến nghị không đốt vàng mã, đồ mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Những ngôi chùa không vàng mã”, Báo Văn hóa, http://baovanho a.vn/ van- hoa/ van-ho a-thoi-luan/art mid/566/articleid/22248/nhung- ngoi-chua-khong- vang-ma
[13] Lê Văn Tâm, Đạo Phật đối với vấn đề bảo vệ môi trường, https://phatphapungdung.com/dao -phat- doi- voi-van-de -bao- ve -moi-truong- 136388.html

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường