Triết thuyết Phật giáo đã có những ý tưởng về sự hòa hợp với tự nhiên. Khuynh hướng tìm cảm hứng tinh thần trong cảm giác hòa hợp với thế giới tự nhiên đã trang bị cho người Việt Nam nhận thức bước đầu về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình.

Tác giả: Đỗ Lan Hiền[1]

Khi nhân loại bắt đầu phải đối mặt với những đe dọa lớn chưa từng có trong lịch sử - cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên tai, nhiều nghiên cứu đã đưa ra những khẳng định hợp lý rằng, nội dung về môi trường đã có trong các truyền thống tôn giáo. Vì vậy cộng đồng tôn giáo đã có cơ sở đức tin để ứng xử hợp lý đối với sự thay đổi của môi trường.

Nghiên cứu “môi trường luận Phật giáo” đã được phổ biến và thừa nhận rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam.

Môi trường luận tôn giáo là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học đang nổi lên hiện nay. Liên tiếp trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhiều ấn phẩm có giá trị bàn về môi trường luận tôn giáo, sinh thái học tôn giáo được xuất bản rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Với mục đích tìm hiểu:

(1) Các vấn đề môi trường xuất hiện, có mặt như thế nào trong lý thuyết các tôn giáo;

(2) Thế giới quan tôn giáo về mối quan hệ giữa con người với môi trường của mình (môi trường tự nhiên và xã hội);

(3) Một phong trào áp dụng môi trường luận tôn giáo với mong muốn tạo nên sự thích ứng giữa con người – môi trường sống của họ;

(4) Một khung nghiên cứu theo phương diện gợi ý những giải pháp để ứng phó với các vấn đề môi trường[2].

Năm 1992, nhà xuất bản Beacon, Boston (Anh) đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Tâm linh và tự nhiên: Tại sao môi trường lại là một vấn đề tôn giáo - Đối thoại liên đức tin (Spirit and Nature: Why the Enviroment is a Religious Issue - An Interfaith Dialogue) do Stevent C. Rockefeller chủ biên, kêu gọi sử dụng các nguồn lực tâm linh để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tự nhiên hiện nay.

Năm 1995, nhà xuất bản Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall (Anh) phát hành cuốn Sinh thái học và tôn giáo: Tâm linh học sinh thái trong cách tiếp cận xuyên văn hóa (Ecology and Religion: Ecological Spirituality in Cross-Cultural Perspective) của David R. Kinsley, tác giả nghiên cứu nội dung sinh thái học trong các truyền thống tôn giáo Châu Á và nhiều nền văn hóa đương đại khác; đưa ra những tranh luận quan trọng về việc bảo vệ môi trường sinh thái và một vài cảnh báo về vấn đề này. Công trình này được coi là tác phẩm đầu tiên đưa ra cách tiếp cận về vấn đề môi trường luận và tôn giáo.

Năm 2003, nhà xuất bản Golden Sufi Center, California (Mỹ) phát hành cuốn Sinh thái học tâm linh: Tiếng kêu cứu của Trái Đất (Spiritual Ecology: The Cry of the Earth) do Llewellyn Vaughan-Lee chủ biên, cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của các nhà lãnh đạo môi trường và tu sĩ tôn giáo trên thế giới, họ đều thống nhất quan điểm, sinh thái học tâm linh có thể giúp “chữa lành cơ thể” trái đất đang bị hư hỏng nặng nề do sự khai thác quá mức của con người.

Richard C. Foltz trong tác phẩm do ông làm chủ biên Thế giới quan, tôn giáo và môi trường: một hợp tuyển nghiên cứu mang tính toàn cầu (Worldviews, Religion and Enviroment: A Global Anthology), đã được nhà xuất bản Thomson Wadsworth, Bemont (Mỹ) ấn hành năm 2003, cuốn sách tập trung làm sáng tỏ vấn đề môi trường và sinh thái hiện nay thông qua thế giới quan và điển tích của các tôn giáo lớn trên thế giới[3]; cách tiếp cận của các tôn giáo lớn trên thế giới trong các lý thuyết về môi trường sinh thái đương đại.

Năm 2007, nhà xuất bản Harvard University (Mỹ) đã phát hành cuốn sách của Sarah McFarland Taylor với chủ đề Green Sisters: A Spiritual Ecology (Các nữ tu xanh: Một trường hợp sinh thái học tâm linh), thông tin về những hoạt động của các nữ tu Công giáo ở Bắc Mỹ, để bảo vệ môi trường cho trái đất, các nữ tu đã tạo ra những tập tục mới trong văn hóa tôn giáo như:

(1) Canh tác thủ công xung quanh các tu viện để xây dựng các khu vườn hữu cơ hỗ trợ cộng đồng;

(2) Xây dựng, thay đổi lại cấu trúc nhà ở từ các vật liệu có khả năng tái sinh; sử dụng công nghệ xanh để làm nhà vệ sinh thân thiện với môi trường;

(3) Tạo ra các tấm pin năng lượng Mặt Trời, đèn huỳnh quang và các loại xe thân thiện với môi trường;

(4) Hiến các bất động sản thuộc quyền sở hữu của dòng tu cho quỹ đất của các khu bảo tồn hoang dã. Những hoạt động đầy nhiệt huyết của các nữ tu Công giáo trong “Green Sisters” đã góp phần bảo vệ sinh thái của trái đất đang trong thời kỳ khủng hoảng khá trầm trọng hiện nay.

Với trường hợp Phật giáo, khá điển hình với nhiều công trình được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế gần đây. Năm 1998, nhà xuất bản St.Martin, New York đã phát hành cuốn sách của Padmasiri de Silva với tiêu đề Triết học và đạo đức môi trường trong Phật giáo (Enviromental Philosophy and Ethnic in Buddhism).

Tác phẩm đặc biệt chú trọng đến những nội dung về bảo vệ môi trường trong Phật giáo, được xem xét trên các khía cạnh đạo đức, kinh tế và giáo dục về môi trường; những phán đoán về sự khủng hoảng môi trường hiện đại và những đóng góp của Phật giáo trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả cho vấn nạn này.

Tại Hội thảo với chủ đề Giai đoạn đầu của nghiên cứu Phật giáo quốc tế Trung Quốc: Lý luận Phật giáo và xã hội hiện đại, tổ chức tại Đài Loan năm 1990.

Mười ba năm sau, năm 2003, một Hội thảo nối tiếp với chủ đề Giai đoạn ba của lý thuyết nhằm thẳng vào thực tế và cuộc đối thoại của giới Phật giáo thực dụng với hiện đại cũng được tổ chức tại Đài Loan, với nhiều bài tham luận đi vào chủ đề môi trường luận Phật giáo như: Sự đóng góp của Phật giáo Trung Quốc đối với vấn đề môi trường của Vu Quân Phương, Niềm tin vào đất: Thiết lập nguồn gốc của Môi trường luận Phật giáo của Dương Huệ Nam, Xã hội Phật giáo Đài Loan thực hành việc bảo vệ môi trường của Thích Truyền Pháp.

Năm 2010, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh phát hành cuốn sách với tựa đề Đạo Phật và Môi trường của nhiều học giả trên thế giới, do Thích Nhuận Đạt dịch, với các bài viết như Nguyên tắc của Sinh thái học và sự quan tâm của Phật giáo về môi trường của Lâm Triều Thành, Solutions:

A Religious Ecology (Giải pháp: một hệ sinh thái tôn giáo) của Donald Swearer, Câu trả lời của Phật giáo đối với các thách thức về vấn đề khí hậu của Manpreet Sigh (Đặng Thị Hồng dịch), Quan điểm của Phật giáo về môi trường sinh thái của Ngụy Đức Đông, Tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật giáo của Tế Quần[4]; v.v…

Năm 2014, nhà xuất bản Tôn giáo, phát hành cuốn Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường do Thích Nhật Từ, Thích Đức Thiện chủ biên. Cuốn sách là tập hợp những bài viết đề cập đến sự phát triển của môi trường luận Phật giáo tại Thái Lan, Sri Lanka và các nước Phương Tây. Đại thừa (Mahayana) cũng như Kim Cương thừa (Vajrayana) đã đóng vai trò chủ chốt trong sự hình thành của đạo đức môi trường sống và mối quan hệ mới giữa con người và thiên nhiên sẽ là nền tảng của sự hợp tác[5].

Phác thảo vai trò tiềm năng về sự đóng góp Phật giáo đối với việc quy định và hướng dẫn cách bảo tồn năng lượng. Các phương pháp hiện hành cho việc ấn định các lựa chọn năng lượng thì khả năng bảo tồn nghiệp quả (karma-vipaka) sẽ được xem như là người chỉ dẫn cho sự đánh giá năng lượng. Sự tỉnh thức của những tín hiệu nghiệp (kamic spillovers) về sự tiêu dùng vật chất và năng lượng sẽ là cách tốt nhất để đáp ứng điều kiện thay đổi của thiên nhiên[6].

Cảnh báo những mối đe dọa chính yếu đối với trái đất và nhìn lại việc bảo vệ môi trường từ Stockholm và Rio de Janeiro đến sự phát triển gần đây nhất của Những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs) mới ngẫm thấy, giáo lý Phật giáo có thể đáp ứng với các cuộc khủng hoảng tích lũy này[7]. Biến đổi khí hậu thách thức việc đạt được những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs).

Thiếu quán chiếu về nguyên lý duyên sinh là nguyên nhân thất bại của nhân loại. Cộng đồng Phật tử trên thế giới có vai trò làm giảm nguy cơ và tác động của cuộc xung đột liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao kiến thức phổ thông về quan điểm Phật giáo trong mọi trường luận[8].

Những luật lệ và nội quy được xã hội thế tục giới thiệu và bổ sung liên tục đều không thể giải quyết một cách hiệu quả cho các vấn đề môi trường hiện nay, cần đi sâu phân tích tầm quan trọng của đạo đức môi trường và tôn giáo. Mô hình đạo đức Phật giáo có thể đóng góp nhiều trong việc làm dịu bớt cuộc khủng hoảng về môi trường hiện nay[9].

Quan niệm của Phật giáo về “Tàm, Quý” (Hiri và Ottappa trong ngôn ngữ Pali), cảm giác hổ thẹn và sợ hãi về những việc làm sai trái là các yếu tố cơ bản cần thiết cho việc giữ giới, và thái độ đạo đức đúng đắn để bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta.

Nếu chúng ta biết Vô tàm, Vô quý, xóa tan nỗi sợ hãi, từ bi đối với tha nhân thì chúng ta có thể cải tạo thế gian này thành một cõi chỉ toàn màu xanh[10]. Vai trò của các nguyên lý Phật giáo như Tứ Diệu Đế, Duyên Khởi, Vô Ngã, Bất Nhị, Bình đẳng cho chúng sinh,…rất quan trọng đối với việc bảo tồn và khôi phục môi trường. Chúng ta cần tham khảo lý thuyết môi trường luận của Phật giáo đó là cách tư duy đúng đắn phục vụ cho sự bảo tồn môi trường trong tương lai[11]

Nhìn chung, còn khá nhiều các Hội thảo, đề tài, công trình nghiên cứu của các học giả ở Việt Nam đi cùng chủ đề môi trường luận Phật giáo, những gợi ý giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay, chưa được liệt kê đầy đủ trong bài viết này. Tựu chung các công trình đều có cùng một thông điệp: Sự sai lầm và bế tắc trong vấn nạn môi trường một phần do cách nhìn truyền thống trước đây xem khoa học và tôn giáo là hai con đường khác nhau về thế giới quan, nhân sinh quan và môi trường luận.

Các nhà khoa học thường đả phá, phủ định các tôn giáo vì cho nó quá chú tâm vào vấn đề Thiên Đường, Địa ngục mà quên mất rằng trong lý thuyết của các tôn giáo truyền thống đã có tham dự vào phương diện môi trường[12]. Các nghiên cứu đều thống nhất cao, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và môi trường sinh thái. Sách kinh điển của Phật giáo chứa đựng các triết lý, tư tưởng về lĩnh vực tự nhiên.

Nghiên cứu về Phật giáo cần xem xét nó trong các chiều kích quan hệ mới mà trước đây chưa được đề cập một cách đầy đủ như tôn giáo và môi trường, tôn giáo và năng lượng, tôn giáo và biến đổi khí hậu,…). Tác động của nhận thức Phật giáo tới hành vi và hoạt động bảo vệ môi trường trong thực tiễn. Việc đề cao và phát huy nguồn lực Phật giáo trong bảo vệ môi trường theo cách thức của nó cũng sẽ phá vỡ những rào cản truyền thống về “vấn đề tôn giáo” trong đời sống chính trị hiện nay[13], vv...

Thực tiễn vận dụng “môi trường luận Phật giáo” thông qua các hành động cụ thể của giới tu sĩ và tổ chức Phật giáo.

Hoạt động thực tiễn bảo vệ môi trường của một số tu sĩ và tổ chức Phật giáo trên phạm vi toàn cầu là một minh chứng cho việc cộng đoàn Phật giáo đã có một nền tảng tín lý về “Môi trường luận” để vận dụng. Biểu hiện ở chỗ, tăng đoàn trong suốt quá trình tồn tại của mình đã nỗ lực làm tăng nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tự nhiên trước sức tàn phá của các quá trình sống và quá trình hiện đại hóa.

Các tu sĩ đã dấn thân như là các tấm gương trong những hành động vì môi trường với hy vọng tạo ra sự ảnh hưởng lâu dài nơi công chúng; họ cũng đã đề xuất các hành động rất cụ thể mà mỗi cá nhân hay cộng đồng có thể thực hiện nhằm giải quyết vấn nạn môi trường. Nghiên cứu các trường hợp cụ thể.

Phật giáo ở Mông Cổ

Từ những năm 1980, Mông Cổ đã chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ số các nhóm xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chủ yếu là giúp giảm ô nhiễm, ứng phó với nạn phá rừng, tạo xu thế du lịch sinh thái, cứu các giống loài đang bị tiệt chủng.

Các nhóm xã hội đó đều có liên hệ trực tiếp đến Giáo hội Phật giáo, vốn có truyền thống lâu đời và có nhiều ảnh hưởng xã hội nhất ở Mông Cổ. Các tự viện Phật giáo ở Mông Cổ đã có nhiều hoạt động sáng tạo nhằm bảo vệ môi trường và đạt nhiều thành tựu thiết thực.

Một trường hợp điển hình, câu chuyện mỏ than Baganuur cách thủ đô Ulaanbaatar 140 km về phía Tây, trong một thời gian dài, nơi đây rất ô nhiễm và cư dân quanh đó bị mắc các chứng bệnh về phổi. Năm 2005, các nhà sư ở tự viện Ontsar Isei Lin Monastery (gần mỏ than Baganuur) quyết định hành động, với sự hỗ trợ của quỹ NEMO (thuộc Ngân hàng Thế giới) và một nhóm chuyên gia người Nhật, họ đã tiến hành một dự án lớn nhằm tài liệu hóa những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe của việc khai thác mỏ.

Các nhà sư đã tiếp xúc và hướng dẫn những người thợ mỏ và gia đình họ cách thức làm giảm những tác hại của mỏ than lên sức khỏe, việc làm đó đã gây áp lực lên những nhà quản lý mỏ trước công chúng và buộc họ phải tìm cơ chế giảm chất độc hại. Các nhà sư Mông Cổ đã đưa những kiến thức của Phật giáo về môi trường vào chương trình dạy học ở các trường học địa phương nơi đặt mỏ than[14].

Tại Chinggis Khaan (Mông Cổ) đã có những chương trình vì công lý môi sinh (eco-justice programmes) diễn ra tại tự viện Erdene Zuu dưới sự tài trợ của ARC (Hiệp hội các tôn giáo và bảo tồn/ Association of Religions and Conservation) và Đại sứ quán Anh cùng Chính phủ Mông Cổ.

Chương trình bao gồm: làm việc với giới trẻ trong các gia đình nghèo quanh vùng Chinggis Khaan thường có thói quen chặt trộm cây trong rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn để bán cho các nhà hàng địa phương. Các nhà sư đã quyết định tổ chức các lớp học dạy kỹ năng sống cho giới trẻ và các gia đình đó.

Ở Ulaanbaatar, giáo hội Phật giáo Mông Cổ đã có sáng kiến thành lập “Trung tâm bảo tồn truyền thống” (năm 2004) nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ khi thành lập, Trung tâm đã tiến hành những chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường (các nhà sư cùng làm với các sinh viên Đại học Nông nghiệp) và xây dựng một chương trình chăm sóc cây xanh tại tự viện Gandan.

Phát triển một trang web về chủ đề môi trường cho giáo hội; và đào tạo các nhà sư kiến thức về quan hệ công chúng và kĩ năng truyền thông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc môi trường tự nhiên. Các hoạt động trên đều cho kết quả tốt, đặc biệt là sự hiện diện và dấn thân của các nhà sư đã tạo ra sự thuyết phục mạnh mẽ với công chúng.

Năm 1999, Ngân hàng thế giới, ARC và Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới khởi đầu một dự án với tự viện Gandan ở Ulaanbaatar (tự viện lớn nhất ở Mông Cổ) dịch lại một số bộ Kinh cổ (ngôn ngữ Tây Tạng) nói về các khu vực thiêng và dịch ra tiếng Mông Cổ hiện đại. Từ 1999, nhiều bia đá được dựng lên tại các khu vực thiêng (đã được xác định) xung quanh thủ đô Ulaanbaatar. Kết quả, tại các khu vực đó, người dân giữ gìn, bảo vệ cảnh quan như một thánh địa.

Tự viện Khamar Khiid ở Đông Gobi chạy chương trình tái trồng rừng; Tự viện Gadan xây dựng kế hoạch mở rộng đào tạo về môi trường luận cho các nhà sư; xây dựng các ngôi đền sinh thái học; đưa vấn đề môi trường vào chương trình họp của tự viện Gandan.

Mạng lưới Môi trường và phát triển Phật giáo (Buddhist Environment and Development Network) tại tự viện Gandan như Gandan Monastery, đề xuất thành lập một Mạng lưới Phật giáo ở Mông Cổ về môi trường và Phát triển; thu thập lại nhiều kinh sách viết về các vùng đất thiêng, mô tả các ngọn núi thiêng và cách nào để bảo vệ các ngọn núi ấy; thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi lễ mới nhằm bảo vệ môi trường trong tương lai.

Phật giáo ở Thái Lan

Phật giáo ở Thái Lan từ những năm 1970 đã có những nhà sư được mệnh danh là “nhà sư sinh thái” (ecology monks) bởi họ là những người tích cực dấn thân vào các hoạt động bảo vệ môi trường và tìm cách hóa giải những khổ đau mang lại bởi suy thoái môi trường. Những “nhà sư sinh thái” này xem việc phá rừng, ô nhiễm không khí và nước, cũng như các vấn đề môi trường khác là khởi nguyên bởi tham - sân - si, được thúc đẩy thêm bởi lợi ích kinh tế và vật chất, quá trình công nghiệp hóa và sự đề cao tiêu dùng.

Với tư cách là các nhà sư, họ tin mình có trách nhiệm hành động chống lại các xu thế nguy hại này. Hành động của họ đã thúc đẩy các tranh luận về chính trị và kinh tế liên quan đến sự phát triển nóng của nền kinh tế Thái Lan và sự kiểm soát các nguồn lực tự nhiên. “Các nhà sư sinh thái học” chính là trung tâm của phong trào vận dụng “môi trường luận Phật giáo” ở Thái Lan nơi Phật giáo vốn có vị thế rất quan trọng trong xã hội, số các nhà sư tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng.

Họ dấn thân vào các tranh luận học thuật, ưu tiên đến các hành động nhằm bảo vệ các khu rừng đang biến mất, các nguồn nước, động vật hoang dã và tìm cách giảm thiểu các nguyên nhân tiêu cực đưa đến sự biến mất các tài nguyên ấy khỏi đời sống con người. “Các nhà sư sinh thái” nỗ lực tìm kiếm lại kinh sách Phật giáo dưới ánh sáng của Môi trường luận hiện đại.

Dự án hiện thực hóa “môi trường luận Phật giáo” thực hiện năm 1991 ở tỉnh Nan (Bắc Thái Lan), dự án này nhằm tạo ra sự thiêng hóa một một số khu rừng bằng cách thụ phong/ tấn phong cho những cây lớn nhất trong rừng. Việc thụ phong này cho thấy các nhà sư sinh thái ở Thái Lan đã làm mới mẻ ý niệm về môi trường luận Phật giáo trong bối cảnh đương đại.

Việc thụ phong cho cây cũng chính là ý tưởng kết nối đức Phật với tự nhiên và sự tương thuộc của vạn vật. Nghi lễ tiến hành thụ phong cho cây nhằm kêu gọi sự đối xử với thiên nhiên như một con người, và tất nhiên nó mang tính biểu tượng nhằm gia tăng nhận thức và cung cấp nhiều hơn các chỉ dẫn về đạo đức trong hành động bảo vệ rừng nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung của công chúng.

Đa số các nhà sư sinh thái của Thái Lan đều đến từ hai phái là Mahanikai và Thammayut, từ các vùng nông thôn, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái môi trường, họ tránh những tuyên bố trực tiếp liên quan đến chính trị, nhưng họ không tảng lờ chính trị khi các dự án kinh tế của chính phủ gây ô nhiễm môi trường.

Santikaro Bhikkhu là một nhà sư Thái Lan, ông đã tạo ra phong trào mang tên ông, phong trào Buddhadasa Bhikkhu, áp dụng Phật pháp vào việc giải quyết các vấn đề của hiện thực, của thế giới hiện đại, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và sự kết nối của con người đối với giới tự nhiên.

Santikaro Bhikkhu cho rằng, theo quan điểm của Phật giáo, mọi thứ đều là tự nhiên, "Pháp có nghĩa là Tự nhiên, có thể phân biệt trong 4 chiều cạnh: Tự thân Tự nhiên; Luật của Tự nhiên; Nghĩa vụ của mọi dạng thức sống tuân thủ Luật của tự nhiên; Kết quả kéo theo từ thực hiện nghĩa vụ nói trên."[15]. Theo Santikaro Bhikkhu, tự nhiên và con người là không tách rời, con người không có vị trí siêu việt hơn tự nhiên.

Quan điểm này của Santikaro Bhikkhu trở thành tôn chỉ của phong trào Buddhadasa Bhikkhu, phản đối những xu hướng làm tổn hại đến tự nhiên, phản đối chủ nghĩa sùng bái vật chất (materialism), sùng bái tiêu dùng (consumerism) đang hiện diện trong xã hội đương đại. Sức ảnh hưởng của Santikaro Bhikkhu lan tỏa khá mạnh, hình thành một phong trào bảo vệ môi trường tự nhiên (đặc biệt là cây xanh) của giới tu sĩ, sau lan tỏa ra cộng đồng dân cư ở Thái Lan.

Phật giáo Tây Tạng (Trung Quốc)

Trong bản kiến nghị 5 điểm (hay còn gọi là Kế hoạch Hòa bình 5 điểm) của Dalai Latma thứ 14 của Phật giáo Tây Tạng (Trung Quốc) gửi đến chính quyền Trung Quốc và cả cộng đồng thế giới (năm 1987), trong đó, điểm thứ 4, Dalai Latma  kêu gọi: "Phục hồi và bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng và xóa bỏ việc sử dụng Tây tạng là nơi sản xuất vũ khí nguyên tử và chôn chất thải nguyên tử", "biến Tây Tạng thành công viên tự nhiên hoặc là sinh quyển lớn nhất thế giới"[16].

Khi bàn về chủ đề môi trường tự nhiên, Dalai Latma cũng chỉ ra rằng, môi trường tự nhiên chính là ngôi nhà của nhân loại. Nhưng nhiều năm qua, việc thu hẹp môi trường sống đã diễn ra với tốc độ quá nhanh chóng. Bà mẹ trái đất luôn bao dung, nhưng điều đó không có nghĩa là vô giới hạn, và chúng ta đã bắt đầu chứng kiến những cảnh báo từ môi trường tự nhiên. Nhân loại là giống loài duy nhất có khả năng phá hoại môi trường tự nhiên, nhưng cũng chính con người mới có khả năng bảo vệ nó.

Vì thế, cần đề cao nhận thức về trách nhiệm, sự hình thành đạo đức với môi trường sống. Sự chuyển đổi trong mỗi cá nhân sẽ dần tạo ra sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động của xã hội[17].

Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khơi dậy và tiên phong trong phong trào giáo dục tín đồ tinh thần bảo vệ môi trường. Giảng giải cho tín đồ và người dân nhận thức rằng, giới tự nhiên là một "cơ thể vô cơ” của con người, nếu trong thân thể con người bị “đau” thì toàn thân sẽ đau đớn.

Lấy thuyết “Ngũ Uẩn”[18] để giải thích rằng, Ngũ Uẩn sinh ra thế giới, Ngũ Uẩn cũng là “thân Phật, sinh mệnh Phật”, xâm hại Ngũ Uẩn tức là xâm hại sinh mệnh Phật. Do đó, bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sinh mệnh Phật. Phật khi giác ngộ cũng về cội gốc cây, nên tín đồ không được bẻ cành, chặt cây.

Như vậy, vấn đề bảo vệ môi trường đã được nâng lên thành nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo. Trên cơ sở đó, chức sắc hướng dẫn tín đồ bảo vệ môi trường như thực hiện một giới luật bằng những việc đơn giản và thiết thực nhất như: không dẫm đạp lên cỏ non, giết hại côn trùng, chặt cây, bẻ cành.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tín đồ Phật tử về mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên (qua thuyết “duyên khởi”, “duy thức”); răn dạy tín đồ ứng xử hài hòa, thân thiện với môi trường (qua thuyết “nhân quả”, “bát chính đạo”, “ngũ giới”, “thập thiện”, lối sống “thiểu dục tri túc”).

Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả Phật tử, rằng: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,…đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người.

Tôi kêu gọi mỗi Tăng ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất”[19].

Đến năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi thông điệp: “Chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn”[20].

Không chỉ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của phật tử một cách thuần túy, để thiết thực bảo vệ môi trường, các thiền viện Phật giáo đã gây dựng mô hình cảnh quan “rừng thiền” với cây cối xanh tươi, hồ nước trong sạch, không khí mát mẻ nhằm kết hợp du lịch xanh với du lịch tâm linh, tạo môi trường thanh tịnh, an bình cho khách thập phương thưởng ngoạn. Trong các thiền viện, nhân ngày lễ hội Phật giáo, các tăng, ni, phật tử được vận động tham gia phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục “hái lộc, bẻ lộc”.

Hòa thượng Thích Tâm Pháp từng kêu gọi: “Thực hiện lời Phật dạy, người Phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi người một cây, mỗi chùa một khuôn viên xanh nhỏ thì lo gì không có những vườn cây tươi mát cho thế hệ ngày mai”[21]. Hiện nay, nhiều thiền viện được xây dựng trên các vùng rừng, đồi núi ngay cạnh những cánh rừng nguyên sinh để đảm trách thêm chức năng bảo vệ rừng, tái tạo rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Ngoài phong trào trồng và bảo vệ cây xanh, tục “ăn chay” của Phật giáo cũng góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật (không có lợi cho sức khỏe của con người) giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ đó, hệ sinh thái được cân bằng, giúp giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ngoài ra, bằng các phương tiện thông tin đại chúng như sản xuất băng đĩa, cung cấp sách, tài liệu, truyền thông, giáo hội tổ chức các buổi tuyên truyền kêu gọi, quảng bá, giáo dục người dân ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát động phong trào trồng cây “phúc đức”, “chùa lâm viên”, sử dụng nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở thường xuyên,...

Để cụ thể hóa những tư tưởng về bảo vệ môi trường thành hành động cụ thể của mỗi người, hàng năm, trong các ngôi chùa Phật giáo thường có ba tháng “an cư kiết hạ” (tu tập giáo lý). An cư kiết hạ là ba tháng trùng vào mùa mưa của Ấn Độ xưa kia nên việc hạn chế đi lại trong ba tháng đó sẽ tránh được sự sát hại vô tình đối với côn trùng, sâu bọ, cây cỏ. Điều này góp phần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và môi trường sinh thái.

Kết luận

Triết thuyết Phật giáo đã có những ý tưởng về sự hòa hợp với tự nhiên. Khuynh hướng tìm cảm hứng tinh thần trong cảm giác hòa hợp với thế giới tự nhiên đã trang bị cho người Việt Nam một sự nhận thức bước đầu về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình.

Người Việt Nam đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để vượt lên trên, làm chủ và tự do trước thiên nhiên, để biết tự điều hòa ái, ố, hỉ, nộ trong con người sinh học của mình để giống với tự nhiên, hòa quyện với thiên nhiên thành một thể thống nhất khiến cho sức khỏe được nâng lên.

Người Việt Nam đã biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, nên người Việt trở nên kiên cường, tính cách linh hoạt, lối sống năng động trước những biến đổi của thiên nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai hơn so với con người ở những nơi khác khi được thụ hưởng điều kiện thiên nhiên thuần hậu.

Tuy nhiên, một vài thập niên trở lại đây, người Việt đang phải đối diện với các vấn đề môi sinh và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Sự nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đã thôi thúc các học giả trong nước và quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề môi sinh, nhất là suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng môi trường hiện nay và những giải pháp để khắc phục.

Các mệnh lệnh chính trị, chế tài luật pháp, kiến giải khoa học - công nghệ xem ra vẫn không cứu vãn tình hình. Việc không hiệu quả đó không phải vì các giải pháp đó không áp dụng được, mà nó vấp phải một nghịch lý giữa nhu cầu phát triển và mưu sinh của người dân với sự hạn hẹp của tài nguyên thiên nhiên. Đây là bài toán khó. Nếu cắt giảm nhu cầu của con người để không khai thác tài nguyên và phá hủy môi trường thì sẽ phá hỏng quy luật cung – cầu, sản xuất ngừng trệ, kinh tế suy thoái, nhiều người thất nghiệp, tất yếu sẽ là khủng hoảng xã hội.

Đứng trước nan đề trên, nhà chính trị, nhà quản lý, nhà khoa học tìm mọi cách ứng phó với vấn nạn môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, xét cho đến cùng, các giải pháp vẫn là “dọn dẹp” hệ quả. Gốc rễ của việc bảo vệ môi trường cần phải chuyển hóa lối sống và ý thức về giá trị, nhu cầu của con người – giải pháp này, Phật giáo có thể tham gia.

Những chuẩn mực, những nguyên tắc, định hướng mô hình về quan hệ con người với môi trường theo cách mà truyền thống Phật giáo đã vạch ra là: trở về với tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên, nhu cầu vừa đủ, ... đã được sử dụng thành công trong quá khứ, đến nay vẫn còn phù hợp.

Tác giả: Đỗ Lan Hiền *** CHÚ THÍCH

[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[2] Tham khảo bài viết của Willis Jenkins (2017), Whose religion? Which ecology? (Tôn giáo nào, Sinh thái nào). Trong cuốn Routledge Handbook of Religion and Ecology (Cẩm nang tôn giáo và sinh thái) do Willis Jenkin, Mary Evelyn Tucker and John Grim (chủ biên). Nxb London and New York: Routledge, p.28.

[3] Tham khảo cuốn: Roger S. Gottlied (2004, chủ biên), Trái Đất linh thiêng: Tôn giáo, Tự nhiên và Môi trường (This Sacred Earth: Religion, Nature, Enviroment), Nxb. Routledge, New York. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết, nghiên cứu về điển tích, thần thoại trong tôn giáo và tín ngưỡng của người Do Thái, người Công giáo, người bản địa Châu Mỹ, Châu Phi và Trung Hoa góp phần bảo vệ môi trường trong bối cảnh đang bị ô nhiễm nặng nề hiện nay.

Theo các tác giả, việc nghiên cứu lễ nghi tôn giáo giúp chúng ta ứng phó với tự nhiên, hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa tôn giáo, sinh thái và xã hội cũng như vai trò của tôn giáo trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

[4] Thích Nhuận Đạt (dịch), Đạo Phật và Môi trường, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.

[5] Quan điểm của Anand Singh trong bài viết Buddhist Response to Global Warming & Enviromental Protection: Ideology, Methodology and Dissemination” (Hưởng ứng Phật giáo đối với sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ môi trường: tư tưởng hệ, phương pháp luận và sự phổ biến), Minh Hoàng dịch.

[6] Quan điểm này của Peter Daniel trong bài viết có tiêu đề Buddhism, Climate Change and New Approaches to Energy for Sustainable Societies” (Phật giáo, sự thay đổi khí hậu và các phương pháp mới về năng lượng cho sự bảo tồn xã hội), Thích Vạn Năng dịch.

[7] Quan điểm này của Colin D. Butler trong bài viết có tựa đề How can Buddhists prevent head-on colision with limits?” (Làm thế nào Phật tử có thể ngăn chặn sự kịch trần của những giới hạn), Lê Chu Bảo Ngọc dịch.

[8] Quan điểm này của Devin Bowles trong bài viết có tựa đề The Concept of Dependent Arising in Reducing the Likelihood and Effects of Climate-Related Conflict” (Khái niệm về thuyết Duyên khởi trong việc giảm thiểu khả năng có thể xảy ra và hậu quả của sự đột biến có liên quan đến khí hậu), Thích Như Nguyệt dịch.

[9] Quan điểm này của Samantha Ilangakoon trong bài viết tựa đề Budhhist Religious Ecological Concepts” (Quan điểm Phật giáo về sinh thái tôn giáo), Thích Nữ Hương Nhũ dịch.

[10] Quan điểm này của Phyu Mar Lwin trong bài có tựa đề Moral Rectitude towards Green Enviroment” (Thái độ đạo đức đúng đắn với môi trường xanh), Thích Nữ Tịnh Vân dịch.

[11] Quan điểm này của Indu Girish trong bài viết tựa đề Compatibility of Buddhism and Encology (Tính tương hợp của Phật giáo và Sinh thái học), Thích Nữ Tín Liên dịch.

[12] Tham khảo cuốn: Mary Evelyn Tucker (2003), Worldly Wonder: Religion Enter Their Ecological Phase (Điều kỳ diệu của thế giới: Tôn giáo tham dự vào phương diện sinh thái học), Nxb. Open Court, La Salle, 2003.

[13] Tham khảo cuốn: Roger S. Gottlied (2006), Niềm tin mới: Sinh thái học tôn giáo và tương lai Trái Đất của chúng ta (A Greener Faith: Religious Enviromentalism and Our Planet’ Future), Nxb. Oxford University, New York.

[14] Nguồn: Urantsatsral Chimedsengee, Amber Cripps, Victoria Finlay, Guido Verboom, Ven Munkhbaatar Batchuluun, Ven Da Lama Byambajav Khunkhur (2009). Mongolian Buddhists Protecting Nature A Handbook on Faiths, Environment and Development (Các nhà sư Phật giáo Mông Cổ bảo vệ tự nhiên: Một chuyên khảo về niềm tin, môi trường và phát triển).

[15]. Santikaro Bhikkhu (1996). Buhhadasa Bhikkhu: Life and Society through the Natural Eyes of Voidness. In Engaged Buddhism: Buddhist liberation movements in Asia, eds. Christopher S Queen and Sallie B. King. New York: State University of New York Press, p.159.

[16]José Ignacio Cabezón (1996), Buddhist Principles in the Tibetan Liberation Movement. In Engaged Buddhism: Buddhist liberation movements in Asia. Ibid., p.299.

[17] Dalai Lama (1999), Ancient Wisdom, Modern World: Ethics for the New Millennium. United Kingdom: Little, Brown and Company, pp.213-220.

[18] Thuyết Ngũ Uẩn của Phật giáo cho rằng, thế giới và con người được sinh ra từ 5 yếu tố, trong đó có 1 yếu tố thuộc về Sắc Uẩn (vật chất) và 4 yếu tố còn lại thuộc về Tưởng Uẩn (Thụ Uẩn/ Cảm xúc; Tưởng Uẩn/ ý nghĩ, tưởng tượng, tư tưởng; Hành Uẩn/ ý định; Thức Uẩn/ tri thức, tri giác).

[19] Thích Phổ Tuệ, Thông điệp Phật đản 2011, http://www.thichchanquang.com.

[20] Dẫn theo: Thu Hà, Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, http://www.dangcongsan.vn.

[21] Trần Linh Chi, Nguyễn Song Tùng, Truyền thông môi trường trong tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, năm 2014.