Tác giả: GS,TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Hệ giá trị Việt Nam cũng chính là hệ giá trị dân tộc. Không phải hiện nay Phật giáo mới đóng góp vào việc xây dựng hệ giá trị dân tộc, mà ngay từ khi mới du nhập, đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam truyền thống như tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng (đồng cam cộng khổ, nhường cơm xẻ áo, uống nước nhớ nguồn); đoàn kết, cố kết mọi người đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn; cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó; sống tình nghĩa, nhân ái, trung thực, bao dung, độ lượng, khiêm tốn, giản dị nhưng không kém phần tinh tế.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt nguồn từ thực tiễn đất nước hiện nay thêm bốn tiêu chí là tự cường, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Phật giáo trong bối cảnh hiện nay, bổ sung thêm tiêu chí: sống hướng thiện, sống có trí tuệ; hãy là chính mình (đừng đánh mất bản thân).
Từ khoá: Phật giáo, Hệ giá trị Việt Nam
Trước hết cần làm rõ, hệ giá trị Việt Nam hiện nay là gì? Trong hệ giá trị đó, Phật giáo đóng góp vào việc xây dựng giá trị nào? Mức độ đóng góp đến đâu? Còn những giá trị nào mà hiện nay Phật giáo có thể bổ sung thêm vào hệ giá trị này?

Hệ giá trị Việt Nam cũng chính là hệ giá trị dân tộc và cũng là hệ giá trị văn hoá dân tộc, mà ở đây văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng của từ này.
Trước hết, cần thấy rõ, không phải hiện nay Phật giáo mới đóng góp vào việc xây dựng hệ giá trị dân tộc, mà ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng hệ giá trị này. Về sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau; có người cho từ thế kỷ III trước công nguyên, vào thời Ashoka; còn hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho Phật giáo vào nước ta vào đầu thế kỷ I, khi nước ta nội thuộc nhà Hán. Nhưng qua những tư liệu công bố gần đây cho thấy, vào thời Hai Bà Trưng, đầu thế kỷ I, ở nước ta đã có khá nhiều chùa, nhiều nữ tướng của Hai Bà, sau khi khởi nghĩa thất bại đã xuất gia vào chùa tu Phật, chẳng hạn như Bát Nàn tu tại chùa Tiên La, Thái Bình; Thiều Hoa tu tại chùa Phúc Khánh, Phú Thọ; Vĩnh Huy tu tại chùa Cổ Châu, Tiên Du, Bắc Ninh; Phương Dung tu tại chùa Yên Phú, Thanh Trì, Hà Nội; Nguyệt Thái, Nguyệt Độ tu tại chùa núi Thiên Thai, Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh; Chiêu Dung tu tại chùa Chương Mỹ, Hà Nội; …
Trong các nữ tướng của Hai Bà còn có người tên là Phật Nguyệt. Từ những sự kiện này, chúng ta có thể kết luận, Phật giáo vào nước ta phải từ trước đó, tức từ thế kỷ I trước công nguyên, chậm nhất là vào hạ bán của thế kỷ này. Từ khi Phật giáo du nhập cho đến thế kỷ IX (trước khi thiền phái Vô Ngôn Thông xuất hiện), tôi đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này mang nặng màu sắc Ấn Độ. Giai đoạn này lại hầu như trùng với thời kỳ Bắc Thuộc. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng điều này nói lên rằng trong những buổi đầu dựng nước và giữ nước, vô tình hay hữu ý, ông cha ta đã biết né tránh sự đồng hóa về mặt văn hóa từ phía Bắc, bằng cách đề cao một nền văn hóa khác đồ sộ không kém gì văn hóa Trung Hoa, đó là văn hóa Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo Ấn Độ? Cũng chính điều đó phần nào lý giải rằng Phật giáo Ấn Độ cùng với tín ngưỡng văn hoá bản địa đã góp phần giúp cho nhân dân Việt Nam tránh được sự đồng hoá về văn hoá từ phía Bắc.
Thời Bắc thuộc, nước mất nhưng còn làng, vì văn hoá Hán hầu hết chỉ phát huy tác dụng bên ngoài luỹ tre làng; còn trong làng với ngôi chùa cố kết lòng dân, nên văn hoá Việt dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ vẫn có đời sống riêng của mình; từ chỗ còn làng nên cuối cùng lại còn nước. Như vậy, ngay từ buổi đầu, Phật giáo đã đứng về phía dân tộc, góp phần xây dựng nên hệ giá trị dân tộc, đã hoà quyện với tín ngưỡng, tư tưởng, văn hoá bản địa, hình thành nên những giá trị truyền thống quí báu của dân tộc ta.

Phật giáo và văn hoá tín ngưỡng bản địa hòa quyện với nhau đến mức, đôi khi rất khó phân biệt rạch ròi cái nào của Phật giáo, cái nào thuộc bản địa. Chẳng hạn, thương người như thể thương thân, ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão,... Ngay thuyết nhân quả, luân hồi của nhà Phật, rất gần gũi quan niệm linh hồn của người Việt cổ. Quan niệm tam giới của Phật cũng rất gần với quan niệm tam phủ của tín ngưỡng bản địa. Ngay trên bàn thờ ở một số nơi ta thấy có cả Phật, Tiên, Thánh, Tổ tiên. Ngay trong một số chùa, nơi được gọi là thánh địa của Phật giáo cũng không còn là Phật giáo thuần túy, bởi lẽ có mặt cả thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp, thần đá, thần hổ, có mặt cả các đức ông, các mẫu,...
Chính sự tổng hợp các yếu tố trên đã tạo nên cho người Việt truyền thống một cấu trúc văn hoá tương đối hoàn chỉnh, toàn diện giữa cá nhân và xã hội, tâm linh và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của đời sống con người trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Cũng chính nhờ sự tổng hợp này mà cái bên ngoài biến thành cái bên trong, cái của người biến thành cái của mình, hình thành nên những giá trị văn hóa dân tộc phong phú đa dạng mà trong những giá trị đó phải kể đến:
1. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng (đồng cam cộng khổ, nhường cơm xẻ áo, uống nước nhớ nguồn);
2. Đoàn kết, cố kết mọi người đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn;
3. Cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó;
4. Sống tình nghĩa, nhân ái, trung thực, bao dung, độ lượng, khiêm tốn, giản dị nhưng không kém phần tinh tế.
Có người cho rằng trong Phật giáo làm gì có chủ nghĩa yêu nước. Một sự sai lầm và nhầm lẫn đáng tiếc, vì trong Phật giáo có tứ ân: ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc vương (đất nước), ơn tam bảo. Và tôi đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước thời Lý-Trần là chủ nghĩa yêu nước mang đậm màu sắc Phật giáo, hay chủ nghĩa yêu nước có tính chất Phật giáo mà có người còn gọi là chủ nghĩa yêu nước Phật giáo.
Mục đích cuối cùng của Phật giáo không phải là giành quyền lực chính trị, nhưng với mục đích cứu khổ nên Phật giáo đã làm những việc ích nước lợi dân, gắn đạo với đời. Cụ thể, đối với Việt Nam, Phật giáo có thời gần như là quốc đạo, bởi vậy, ở mức độ ít hay nhiều, không thể tiến hành giải phóng dân tộc nếu không lôi kéo phong trào Phật giáo, không lôi kéo những người phật tử, vì một lý do đơn giản là ở đây đa số nhân dân, quần chúng là phật tử. Điều này thể hiện khá rõ đối với Việt Nam thời Lý- Trần. Vào thời đó, các phật tử đã cầm gươm lên ngựa, đánh đuổi quân xâm lược (cởi áo cà sa khoác chiến bào), hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước Phật giáo.
Phật giáo đề cao sự đoàn kết với quan điểm kiến hoà đồng giải. Trên nền tảng tư tưởng vô ngã vị tha mà Phật giáo chủ trương không chỉ thương người như thể thương thân mà còn hơn thế nữa, thương người còn hơn cả thương thân. Đây là cơ sở cho sự đoàn kết lâu dài bền chặt.

Phật giáo chủ trương nhẫn nhịn, “một điều nhịn, chín điều lành”. Phải kiên nhẫn chịu đựng những điều ngang trái mà không tức giận với cái tâm bình thản, bình tĩnh để nhìn rõ đúng sai.
Có một lần đức Phật cùng với đệ tử đi hành khất, có một người cứ lẽo đẽo theo sau chửi. Đức Phật vẫn khoan thai bình thản bước đi như không có chuyện gì xay ra.
Người này bước lên trước chỉ vào mặt đức Phật chửi. Đức Phật vẫn bình thản, khoan thai bước đi. Đến trưa, mỏi mồm, người này bỏ đi. Lúc đó đệ tử mới hỏi Ngài: Tại sao người ta chửi như vậy mà Ngài chẳng nói gì?
Lúc này đức Phật mới nói: Ta hỏi con, có một người cho con một vật gì đó, con không nhận, vật đó thuộc về ai?
Đệ tử trả lời: vẫn thuộc về người cho, bởi vì con đã nhận đâu. Đức Phật nói: thế những lời chửi đó ta không nhận thì chúng thuộc về ai?
Nhẫn của Phật giáo và nhẫn của người dân bản địa trước thiên tai địch hoạ, hoàn cảnh khó khăn đã hoà quyện vào nhau đến nỗi rất khó phân biệt khía cạnh nào thuộc về Phật giáo, khía cạnh nào thuộc về người bản địa.
Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau
Đạo Phật dạy ta sống không chỉ nhẫn nhịn, mà còn có tình nghĩa, nhân ái, trung thực (không được nói dối), độ lượng, bao dung, khiêm tốn, giản dị. Những cái đó đã hòa nhập với những chuẩn mực đạo đức bản địa đến nỗi rất khó phân biệt cái nào thuộc cái nào.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra hệ giá trị văn hoá Việt Nam hiện nay bao gồm: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Như vậy, so với hệ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc nêu trên, thì Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm: tự cường, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Điều này là hợp với qui luật phát triển của lịch sử, bởi lẽ thời đại thay đổi thì những tiêu chí đạo đức, chuẩn mực văn hoá cũng phải thay đổi ít nhiều.
Để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay thì chúng ta phải tự cường, sáng tạo; mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm (trách nhiệm với bản thân, gia đình, với những người khác, đồng bào, đồng chí, với Tổ quốc, nhân dân), phải có kỷ cương. Tự cường là tự mình vươn lên, tự mình làm cho mình mạnh lên. Để hướng tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì không thể không sáng tạo, tự cường. Có tự cường, sáng tạo thì thành quả đạt được mới bền vững, lâu dài.

Vậy, trong hệ giá trị dân tộc này, Phật giáo trong bối cảnh hiện nay có bổ sung thêm điều gì? Theo tôi, trên góc độ Phật giáo, nên bổ sung thêm tiêu chí: sống hướng thiện, sống có trí tuệ; và hãy là chính mình (đừng đánh mất mình).
Trong cuộc sống có cả thiện lẫn ác, tại sao phải lựa chọn thiện? Tại sao bản thân mỗi người phải nỗ lực sống hướng thiện? Bởi lẽ, thật đơn giản, cái ác gây nguy hiểm, chẳng những hủy hoại cá nhân kẻ đã gây ra điều ác, mà còn làm cho trật tự xã hội bị rối loạn, phá vỡ cuộc sống êm đẹp, tiến bộ của nhân loại mà ta hằng mong ước. Nếu không nỗ lực sống hướng thiện, chúng ta dễ có những việc làm không tốt, thậm chí còn gây ra nhiều tội lỗi, tiếp tay cho những tệ nạn xã hội. Mọi đau khổ mà con người gây ra cho nhau đều do con người chưa có lòng hướng thiện.
Những ai có lòng hướng thiện chính là những người biết nhìn nhận hạnh phúc cuộc sống của mình trong mối tương quan với hạnh phúc của những người khác, với xã hội và với hạnh phúc của cả nhân loại. Trong cuộc sống, bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn sống bên cạnh những người tốt, tử tế để có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Những người tốt, tử tế là những người đem lại hạnh phúc, bình an cho người khác, cho xã hội. Không ai muốn sống bên cạnh những kẻ xấu, bởi lúc nào cuộc sống cũng đầy rẫy những bất an, phải nơm nớp lo sợ những chuyện không hay hoặc những điều hiểm nguy bất chợt xảy đến với mình. Và muốn sống bên cạnh những người tốt, tử tế thì trước hết bản thân ta cũng phải là một người tốt, tử tế.
Người có lòng hướng thiện luôn thấu hiểu được bản thân mình và nỗ lực thấu hiểu người khác. Lòng hướng thiện giúp chúng ta biết cách tự điều chỉnh hành vi và cách cư xử của mình cho đúng mực với mọi người xung quanh. Nói cách khác, mỗi chúng ta cần phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình như thế nào, để mỗi hành vi hằng ngày của mình không xấu xa, không gây hại cho người khác, cho xã hội. Chỉ có dựa trên nền tảng của lòng hướng thiện mới giúp mỗi chúng ta tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, tránh được những sai lầm, lệch lạc có thể xảy ra. Chính vì vậy, bản thân mỗi người, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều cần có sự nhận thức và hành động sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và hướng thiện vì cuộc sống của bạn chỉ có ý nghĩa khi thấm đượm những giá trị đạo đức cao cả.

Đối với mỗi chúng ta, khi sống ở đời, việc luôn có ý thức và nỗ lực theo đuổi các giá trị đạo đức tốt đẹp, luôn hướng thiện mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Sống sao cho có đạo đức, hướng thiện là một câu hỏi mà suốt đời mỗi người phải không ngừng tự đi tìm câu trả lời cho mình; bởi vì, một lối sống không đạo đức, không hướmg thiện bất chấp luân thương đạo lý chuẩn mực xã hội sẽ đem lại bất hạnh cho cả cuộc đời ta, bị người đời lên án. Đi theo cái xấu cái ác, tự chúng ta sẽ hủy hoại bản thân mình, hủy hoại tương lai cuộc đời mình.
Có một điều chắc chắn rằng, con người ta không thể hạnh phúc khi phải sống trong sự cắn rứt của lương tâm và sự lên án của xã hội. Giữa việc làm điều thiện để lòng mình cảm nhận được niềm hạnh phúc, thanh thản với việc làm điều ác để lương tâm bị cắn rứt, chắc chắn chúng ta sẽ lựa chọn làm điều thiện. Phần thưởng lớn nhất mà một cuộc sống hướng thiện mang lại cho chính bản thân là sự thanh thản của tâm hồn.
Khi quyết tâm thay đổi cuộc đời mình đi theo tiếng gọi của lòng hướng thiện, tâm hồn ta như một lần nữa cảm nhận niềm hạnh phúc được tắm lại nơi dòng suối tinh khiết, mát lành mà ngay từ thuở ấu thơ ta đã từng cảm nhận được. Khi nỗ lực sống hướng thiện, chắc chắn tâm ta luôn cảm nhận được sự bình an, nhẹ nhõm, trong sáng, lành mạnh, cảm thấy mình là người sống có ích cho cuộc đời.
Chúng ta không làm bất cứ điều gì để phải xấu hổ với lương tâm, với người khác. Khi đó, lương tâm của ta sẽ không phải chịu những cắn rứt nặng nề. Bản thân ta cũng không phải chịu đựng những lời phỉ báng, nguyền rủa của miệng lưỡi thiên hạ.
Hạnh phúc trong cuộc sống không phải ở đâu xa, mà ở ngay trong nỗ lực sống hướng thiện của mỗi người chúng ta.
Mỗi chúng ta là một thành viên sống trong cuộc đời này, nên mọi niềm vui hay nỗi buồn của kẻ khác đều ít nhiều ảnh hưởng đến ta.
Một trong những điều quan trọng nhất của con người khi sống trên đời là phải biết quan tâm lẫn nhau. Do đó, mỗi chúng ta hãy biết xem niềm vui của người khác như niềm vui của chính mình.
Hãy biết nghĩ rằng, trong nỗi buồn của người khác quanh ta luôn có một phần trách nhiệm của mình, vì mình chưa biết cách giúp hay chưa thể giúp cho người khác được vui.
Khi nghĩ và làm được như vậy, ta mới có thể sống hướng thiện. Bởi khi cuộc đời này càng có thêm nhiều ánh sáng của niềm vui, thì bóng tối bất hạnh cũng sẽ được thu nhỏ lại.
Chính vì những lý do đó, lòng hướng thiện phải trở thành nền tảng tinh thần trong đời sống của bản thân mỗi người; lòng hướng thiện giúp mỗi con người tự hoàn thiện mình và nâng cao giá trị của bản thân, làm cho nhân cách bản thân trở nên cao đẹp.
Chỉ có nỗ lực sống hướng thiện mới là cội nguồn của hạnh phúc. Mọi người đều hướng thiện thì xã hội sẽ tốt đẹp, đất nước sẽ trở nên văn minh và đáng sống. Bởi vậy cần phải đưa tiêu chí hướng thiện trở thành một trong những giá trị của dân tộc.
Chúng ta phải tạo dựng một xã hội với những điều kiện, cơ chế khiến các thành viên cho dù muốn xấu, muốn ác cũng khó thực hiện. Có những người vốn dĩ không phải người ác, nhưng vì hoàn cảnh sống đã thành ra kẻ ác; nếu người đó được thay đổi môi trường sống - một môi trường hạn chế điều kiện thực hiện điều ác, hướng tới điều thiện thì cũng có thể trở nên người hướng thiện. Tuy nhiên, việc tạo dựng cơ chế xã hội để cá nhân không dám làm điều ác, không thể làm điều ác là công cuộc khó khăn và phức tạp, không thể một sớm, một chiều. Dù vậy chăng nữa, giá trị mà mỗi người có thể thay đổi chính là thay đổi bản thân mình dựa trên nếp sống hướng thiện, tránh xa điều ác.
Thực tế, có nhiều người dù gặp hoàn cảnh xấu, dễ bị lôi cuốn vào việc làm bất lương, nhưng vì được giáo dục hướng thiện nên đã tránh được. Một đứa trẻ được dạy điều thiện ngay từ khi còn bé thì khi lớn lên, sống trong xã hội phức tạp, có người tốt người xấu, điều hay điều dở thì vẫn có cái nền căn bản hướng về cái thiện, tránh làm điều ác. Mặt khác, cần giáo dục thế nào để mọi người làm điều thiện tự giác, tự nguyện, không phải do mệnh lệnh buộc họ phải làm, không phải vì phần thưởng hay sự trừng phạt từ ai mà tự họ thấy như vậy là có ích, có lợi cho bản thân, cho người khác và cho xã hội. Thiết nghĩ, hãy thay đổi xã hội trước hết bằng việc thay đổi chính mình, giáo dục hướng thiện bằng cách làm gương để được sống cùng nhau trong một xã hội an toàn, đáng sống.
Theo Phật giáo, mỗi người cần phải sống có trí tuệ, đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh. Phật giáo chủ trương duy tuệ thị nghiệp. Cùng với sức khoẻ, đức Phật cho rằng trí tuệ là tài sản lớn nhất của đời người; bởi lẽ khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết. Mặt khác, Phật giáo còn kêu gọi, trong cuộc sống đừng đánh mất mình, vì sai lầm lớn nhất của đời người là đánh bản thân.
Tác giả: Gs Ts Nguyễn Hùng Hậu - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Phú Trọng (24.11.2021). Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bình luận (0)