Có những từ ngữ, khi cất lên, dường như mang theo dư âm của một cõi xa lạ, vừa hư vô, vừa gần gũi. “Niết Bàn” là như thế. Với người học Phật, đó là trạng thái an tịnh tuyệt đối, là sự dập tắt mọi khổ đau và vô minh. Nhưng với không ít người phương Tây cuối thế kỷ 20, “Nirvana” lại gợi nhớ đến một ban nhạc rock nổi loạn - nơi tiếng guitar hòa quyện sâu sắc cùng giọng ca gào thét, toát lên nỗi hoài nghi, đau đớn và cô đơn của những linh hồn trẻ lạc lối.

Hình minh họa
Hình minh họa "Niết Bàn", được tạo bởi AI.
Ban nhạc Nirvana. Ảnh: Internet
Ban nhạc Nirvana. Ảnh: Internet

Giữa hai thế giới ấy, Phật pháp và Punk rock, tưởng như đối lập, nhưng lại có thể soi chiếu lẫn nhau. Bởi cả hai, theo những cách rất khác nhau, đều là cuộc truy cầu sự thật: hoặc bằng lặng thinh tỉnh thức, hoặc bằng tiếng gào bất an.

Niết Bàn - trạng thái dập tắt khổ đau

Trong giáo lý nhà Phật, Niết Bàn (Nirvāṇa) không phải là một nơi chốn hay phần thưởng sau cái chết, mà là một trạng thái của tâm. Từ gốc tiếng Phạn mang nghĩa “dập tắt” - dập tắt tham ái, sân hận và si mê - Niết Bàn được mô tả là “không sinh, không thành, không tạo tác, không hình thành”.

Đức Phật dạy: “Nếu không có cái không sinh, thì cũng không có sự chấm dứt khổ đau”.

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Hình minh họa được tạo bởi AI.

Niết Bàn là cứu cánh tối hậu, là sự vắng mặt của mọi khổ lụy. Ở đó, không còn đối đãi, không còn bản ngã, chỉ còn “như thị”. Và điều quan trọng: Niết Bàn không phải là viễn cảnh xa xôi, mà có thể hiện hữu trong từng khoảnh khắc tỉnh thức của người hành giả.

Nirvana - tiếng gào của những linh hồn chênh vênh

Được thành lập năm 1987 tại Seattle (Mỹ), ban nhạc Nirvana, với thủ lĩnh là Kurt Cobain (1), đã trở thành biểu tượng của dòng nhạc Grunge, một sự giao thoa dữ dội giữa Punk rock (2) và Alternative (3). Âm nhạc của họ phản ánh nỗi đau thời đại: mất phương hướng, hoài nghi bản ngã và cảm thức hiện sinh mơ hồ.

Kurt Cobain - Thủ lĩnh ban nhạc Nirvana (Niết Bàn). Ảnh: Internet
Kurt Cobain - Thủ lĩnh ban nhạc Nirvana (Niết Bàn). Ảnh: Internet

Ca từ của Kurt Cobain thường mang vẻ đơn sơ, nghịch lý và tự mỉa. Trong bài Smells Like Teen Spirit, anh hát:

“With the lights out, it’s less dangerous  

Here we are now, entertain us”

(Tắt hết ánh sáng đi, sẽ ít nguy hiểm hơn  

Giờ ta đây rồi, làm ơn hãy giải trí đi)

Đó là một lời châm biếm xã hội tiêu dùng hiện đại, nơi ánh sáng hào nhoáng che lấp nỗi trống rỗng tinh thần. Sự nổi tiếng đến bất ngờ không đem lại bình yên cho Kurt Cobain. Trái lại, đẩy anh tới rìa vực thẳm, nơi cái tôi bị giằng xé giữa sáng tạo và hủy hoại.

Một từ, hai con đường

Khi lấy tên Nirvana, dường như ban nhạc đang khát khao một sự giải thoát nào đó? Phải chăng, trong tiềm thức, họ cũng đang đi tìm “Niết Bàn”, nhưng theo một lộ trình khác, nhiều va đập và đổ vỡ?

Hình
Hình minh họa được tạo bởi AI.

Trái ngược với lộ trình học Phật: Giới - Định - Tuệ, nơi đưa đến giải thoát bằng sự chuyển hóa nội tâm, âm nhạc của Nirvana lại nghiêng về biểu hiện của khổ đau chưa được hóa giải. Kurt Cobain từng viết một bài hát có tựa đề gây sốc: “I Hate Myself and Want to Die” (Tôi ghét bản thân và muốn chết). Trong nhật ký, anh viết: “Tôi cảm thấy như mình đang bị đốt cháy từ bên trong”. Đó là một nội chướng mãnh liệt nhưng đồng thời, cũng là tiếng gọi từ nơi tối tăm hướng về một miền ánh sáng chưa thể gọi tên.

Từ tiếng gào đến tiếng chuông

Dẫu khởi điểm khác biệt, cả âm nhạc lẫn phật pháp đều phản ánh khát vọng nhân loại: được là chính mình, được buông bỏ khổ đau, được sống thật.

Trong ca khúc Come as You Are (Hãy đến như bạn vốn là), Kurt Cobain viết:

“Come as you are, as you were, as I want you to be”

(Hãy đến như chính bạn, như bạn từng là, như tôi mong bạn hiện hữu)

Hình minh họa được tạo bởi AI.
Hình minh họa được tạo bởi AI.

Câu hát ấy không xa lạ với tinh thần Thiền, nơi mỗi người được mời gọi “kiến tính thành Phật” mà không cần trang sức hay che đậy bản lai diện mục. “Hãy đến như bạn vốn là”, chẳng phải đó là cánh cửa mở vào sự chấp nhận vô điều kiện?

Trong The Man Who Sold the World, bài hát gợi nhớ sự phân thân, nhân cách chia đôi, câu hát “I never lost control” (tôi chưa từng đánh mất kiểm soát) vang lên đầy ám ảnh. Giống như một lời tự nhắc giữa vòng xoáy của luân hồi: đâu là ta thật? Cái gì bị đánh mất và ai là kẻ đã “bán đi thế giới”?

Còn Where Did You Sleep Last Night (đêm qua em ngủ nơi đâu), bản dân ca cổ qua giọng ca khản đặc của Kurt Cobain, như một tiếng than từ cõi mộng. Bài hát gợi về câu hỏi hiện sinh của Kinh Kim Cang: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được”. Một tiếng hát vang trong đêm, chất chứa nỗi cô liêu của bao kiếp người chưa tỉnh.

Gọi là Niết Bàn, hay gọi là chính ta?

Nirvana trong buổi lưu diễn cùng album MTV Unplugged In New York
Nirvana trong buổi lưu diễn cùng album MTV Unplugged In New York

Ở hai đầu thế giới, một bên là khổ hạnh thiền môn, một bên là bụi đời Punk rock, vẫn có thể gặp nhau ở điểm giao của chân lý: cuộc đời là khổ. Và mọi người, dù là hành giả hay nghệ sĩ, dù là phật tử hay rocker, đều đang tìm kiếm con đường dẫn tới tự do.

Có thể, trong khoảnh khắc nào đó, nơi tiếng guitar cuối cùng lịm tắt, hay khi tiếng chuông thiền nhẹ buông, cả hai đều chạm vào một điều không tên, không lời và bất khả nghĩ bàn.

Gọi là Niết Bàn.

Gọi là Nirvana.

Gọi là chính ta - khi không còn ai khác để thế vai.

Tác giả: Thường Nguyên

* Bài viết thể hiện góc nhìn và cảm xúc riêng của tác giả trong tháng tưởng nhớ cố nhạc sĩ, ca sĩ tài ba Kurt Cobain.

Chú thích

[1] Kurt Donald Cobain (20/02/1967 - 04/1994) là một nhạc sĩ người Mỹ, là ca sĩ chính, nghệ sĩ guitar, nhạc sĩ chính và là thành viên sáng lập của ban nhạc grunge Nirvana. Thông qua phong cách sáng tác đầy lo lắng và tính cách chống đối sự thiết lập, các sáng tác của ông đã mở rộng các quy ước chủ đề của nhạc rock chính thống.

[2] Punk rock là một thể loại nhạc rock xuất hiện vào giữa những năm 1970, đặc trưng bởi thái độ chống lại sự thành lập và chống lại các tập đoàn. Thể loại này được biết đến với những bài hát ngắn, tiết tấu nhanh với nhạc cụ đơn giản, giản lược và lời bài hát thường mang tính chính trị. Thể loại này cũng gắn liền với đạo đức DIY (Tự làm) và tính thẩm mỹ nổi loạn.

[3] Alternative - một thể loại nhạc rock phát triển từ dòng nhạc underground độc lập của những năm 1970. Nhạc rock thay thế là một thể loại nhạc rock rộng lớn xuất hiện từ bối cảnh âm nhạc độc lập vào những năm 1980 và trở nên phổ biến vào những năm 1990. Thể loại này thường kết hợp các yếu tố từ nhạc punk rock, post-punk và các thể loại nhạc alternative khác, đặc trưng bởi thái độ không theo khuôn mẫu và âm hưởng đa dạng.

* Bài viết chỉ nhắc đến một số ca khúc nổi tiếng của Nirvana trong Album MTV Unplugged In New York, được thu âm tháng 11/1993, như: Come as You Are, The Man Who Sold the World, Where Did You Sleep Last Night.  

* Smells Like Teen Spirit: ca khúc mở đầu, cũng là đĩa đơn trích từ album phòng thu thứ hai là Nevermind (1991), do hãng thu âm DGC Records phát hành.