Không có Kinh điển (Sutra), Đại Luận (Sastra) hay Mật điển (Tantra) nào trong Phật giáo ghi rằng đã từng có người đạt được Phật quả viên mãn mà không cần phải nương theo một bậc Thầy tâm linh đủ phẩm hạnh.
Không ai có thể đem được châu báu về từ một kho tàng trên hải đảo mà không nhờ vào một vị hoa tiêu lão luyện. Tương tự như thế, một vị Thầy tâm linh là bậc hướng đạo đích thực có thể đưa chúng sinh đạt đến giải thoát và toàn giác, và người đệ tử phải thực hành giáo pháp mà bậc Thầy truyền trao với lòng tôn kính.
Nơi khu rừng đàn hương, khi một thân cây bình thường đổ xuống, gỗ của nó được thấm đẫm dần dần mùi hương dịu dàng của cây đàn hương. Sau vài năm, thân gỗ tầm thường đó có hương thơm dịu như những cây đàn hương xung quanh. Cũng tương tự như thế, nếu một đệ tử sống và tu học với một bậc Thầy toàn hảo có đầy đủ những phẩm hạnh tốt lành, người đệ tử đó sẽ được thấm nhuần hương thơm của những phẩm tính cao quý và tất cả những gì họ suy nghĩ, họ làm cũng sẽ trở nên giống như bậc Thầy của mình.
Tầm trong quan trọng của bậc Thầy trong Hiển giáo
Trước hết, nói đến những phẩm hạnh chính của một bậc thầy trong Hiển giáo cần phải có, đó là:
Tinh nghiêm giới luật là kết quả bậc Thầy đã rèn luyện thuần thục và làm chủ kỷ luật nội tâm mình;
Tâm tĩnh tại là do bậc Thầy đã rèn luyện thiền định sâu sắc, làm an bình tất cả các loại phiền não và che chướng do rèn luyện tuệ giác mang lại;
Thông tuệ hơn những đệ tử trong các chủ đề giáo Pháp mà mình truyền trao; nhẫn nại, tinh tiến và hoan hỷ khi truyền trao giáo pháp;
Là một kho tàng tri thức nội điển; có sự nội quán sâu sắc và trí tuệ tính Không; thiện xảo khi truyền trao giáo pháp.
Có từ bi tâm rộng lớn. Đối với chúng sinh vô biên, trái tim bậc Thầy phải tràn đầy lòng bi mẫn khiến Thầy thương yêu mỗi người trong số đó như yêu thương đứa con duy nhất của mình. Sự an vui của người khác phải là mối quan tâm duy nhất của bậc Thầy, trái tim Thầy tràn đầy lòng bi mẫn. Bậc Thầy phải ít ưu tư lo lắng, bởi bản thân đã từ bỏ được tất cả mọi bám chấp vào những sự việc tầm thường của cuộc đời này. Mối quan tâm duy nhất của bậc Thầy đối với những đời vị lai thì không là gì khác hơn ngoài cái tâm kiên định hướng về Pháp. Nhìn thấy cõi sinh tử luân hồi chỉ là khổ đau, bậc Thầy phải cảm nhận được một nỗi buồn vô hạn, và phải khuyến khích những người khác cũng cảm nhận như thế.
Bậc Thầy phải thiện xảo trong việc chăm sóc các đệ tử và phải sử dụng các phương pháp thích hợp với căn cơ của từng người, rộng lượng, sử dụng ngôn từ dễ nghe, dạy dỗ mỗi người theo căn cơ của họ, và phải hành động phù hợp với những gì đã giảng dạy.Và khi gặp đệ tử có căn cơ hạn chế, Thầy không miễn cưỡng truyền Pháp hay cố làm việc theo lời thỉnh cầu của họ.
Nếu một bậc Thầy không có đủ tất cả mười phẩm hạnh như trên thì có năm, sáu hay bảy phẩm hạnh cũng là đầy đủ, quan trọng là thông tuệ hơn người đệ tử, và có tâm từ bi rộng lớn.
Trong các kinh điển cũng đưa ra một số loại Thầy mà mà người thực hành cần tránh. Những đặc tính của họ như sau.
Vị Thầy như cối xay bằng gỗ. Những vị Thầy này không có dấu hiệu của những phẩm hạnh phát khởi từ tiến trình miên mật văn-tư-tu. Ngay cả nếu họ đã học hỏi, quán chiếu và thiền định chút ít, họ không làm những điều đó với bất kỳ tâm ý thanh tịnh nào để đem lại lợi lạc giải thoát mà làm vì danh tiếng, lợi ích thế tục nhiều hơn. Riêng khả năng của họ đối với việc đào tạo đệ tử thì họ cũng gần giống như một chiếc cối xay bằng gỗ.
Vị Thầy giống như ếch ngồi đáy giếng. Những vị Thầy thuộc loại này không có bất kỳ phẩm hạnh đặc biệt nào để có thể phân biệt với người thường. Nhưng họ lại để cho người Phật tử sơ cơ sùng bái họ với lòng tin mù quáng. Họ dương dương tự đắc bởi thanh danh và lợi dưỡng nhận được, bản thân họ hoàn toàn không biết tới những phẩm tính thực sự của một vị Thầy vĩ đại. Họ như con ếch sống trong một cái giếng.
Một ngày nọ, một con ếch sống trên bờ một đại dương tới thăm con ếch già luôn luôn sống trong một cái giếng.
“Bạn từ đâu đến?” con ếch sống trong giếng hỏi.
“Tôi từ đại dương tới,” ếch khách trả lời.
“Đại dương của bạn lớn như thế nào?” con ếch dưới giếng hỏi.
“Thật vĩ đại,” con ếch kia trả lời.
“Có bằng một phần tư cái giếng của tôi không?” ếch dưới giếng hỏi.
“Ồ! Lớn hơn nhiều!” con ếch ở đại dương kêu lên.
“Bằng phân nửa không?”
“Không, lớn hơn vậy,”
“Vậy bằng cái giếng này không?”
“Không, không, lớn hơn nhiều, hơn nhiều lắm!”
“Không thể được!” con ếch sống dưới giếng nói. “Tôi phải thấy tận mắt.”
Vì thế, hai con ếch cùng đi, và câu chuyện tiếp tục rằng khi con ếch ở giếng nhìn thấy đại dương, nó ngất đi, bể đầu ra mà chết.
Những kẻ dẫn đường lầm lạc. Đó là những vị Thầy có rất ít kiến thức, chưa bao giờ nỗ lực nương theo một vị Thầy đức hạnh và thông tuệ nào, và chẳng hành trì để có trải nghiệm chân thật về giáo pháp. Những cảm xúc bất thiện cùng với chánh niệm và tỉnh giác rất yếu ớt của họ khiến họ không giữ giới và nguyện lực. Mặc dù trí lực thấp kém hơn người thường, họ bắt chước những vị Thành tựu giả và cư xử như thể hành động của họ còn cao hơn bầu trời. Những kẻ như thế được gọi là những người dẫn đường lầm lạc bởi vì đưa dẫn bất kỳ ai theo họ rơi xuống con đường sa đọa.
Những người hướng dẫn mù quáng. Một vị Thầy mà phẩm hạnh không hơn được người thường và thiếu lòng từ bi của Bồ Đề Tâm thì sẽ không bao giờ có thể khai mở cho người đệ tử về những gì nên làm và không nên làm. Các vị Thầy như vậy được gọi là những người hướng dẫn mù quáng.
Một người đệ tử đặt niềm tin vào vị Thầy tâm linh cho sự giải thoát và giác ngộ của chính mình. Chính bậc Thầy sẽ dạy cho người đệ tử những gì nên làm và không nên làm. Nếu gặp một vị Thầy giả mạo mà không quán sát đúng đắn, người đệ tử đã ném đi cơ hội có khả năng tích lũy công đức trong suốt cả cuộc đời và làm lỡ thân người quý giá mà mình đang có. Điều đó cũng giống như chỉ vì lầm tưởng là cái bóng cây nên họ bị một con rắn độc cuộn tròn dưới một thân cây giết chết khi tới gần.
Những phẩm hạnh của một bậc Thầy trong Mật thừa
Liên quan tới vấn đề những phẩm hạnh của một bậc Thầy trong Mật thừa, có những phẩm hạnh ở mức độ tu trì Mật điển bên ngoài và những phẩm hạnh ở Mật điển tối thượng.
Các luận giảng trên có thể tìm học trong Nghi thức Guru Puja, trong các luận Pháp tu căn bản (Lam-rim), Giải thoát trong lòng bàn tay… Sẽ rất lợi lạc nếu người thực hành đọc, tư duy và thực hành theo những giáo huấn này. Ngoài ra, chủ đề này được Tổ Mã Minh luận giảng kỹ trong bộ luận Năm mươi câu kệ về Tâm chí thành tới Bậc Thầy trong Mật thừa.
Có nhiều phẩm hạnh mà bậc Thầy cần phải có và những phẩm chất mà người đệ tử tu Mật thừa cần có. Những phẩm hạnh tối thiểu một bậc Thầy cần có là thuộc một dòng truyền thừa quán đỉnh mà Thầy đang truyền trao và thực hành hợp giới nguyện samaya, giới nguyện Mật thừa, và các Bản tôn không ngăn ngài truyền trao quán đỉnh thông qua nhiều phương tiện, ví như thị hiện các dấu hiệu bất tường,…
Một bậc Thầy trong Mật thừa ngoài những phẩm chất trên, đòi hỏi phải có những phẩm hạnh khác tương ứng với các thứ lớp tu tập Mật điển. Quan trọng nhất là bậc Thầy phải có dòng tâm vô cùng an định, làm chủ hoàn toàn và tự tại với thân, khẩu, ý của mình. Sự hiện diện của Thầy mang lại sự an bình, tĩnh tại và niềm hoan hỷ, thậm chí chỉ cần thoáng qua sự hiện diện đó cũng mang lại niềm hỷ lạc to lớn. Và như vậy có nghĩa tâm từ bi của ngài rộng lớn không bờ mé.
Có hai thứ lớp trong mười lĩnh vực mà một bậc Thầy trong Mật thừa cần có. Mười phẩm hạnh thiết yếu bên trong để truyền trao hai thứ lớp Mật điển (Tantra) là Mật điển Hợp nhất (Yoga Tantra) và Mật điển Tối thượng Du già (Maha-anuttara tantra), những giáo pháp chú trọng tịnh hóa dòng tâm thức. Các phẩm chất của bậc Thầy cần phải có bao gồm:
Có năng lực quán tưởng pháp luân hộ trì và tiêu trừ những chướng ngại;
Thuần thực năng lực chuẩn bị và thánh hóa pháp khí hộ trì; trao truyền quán đỉnh bình và bí mật, khơi dậy những hạt giống nơi người thọ nhận giáo pháp giúp họ chứng đạt sắc thân của những vị Phật và Bản tôn; trao truyền quán đỉnh khẩu và trí tuệ, khơi dậy những hạt giống nơi người thọ nhận, giúp chứng đạt thân trí tuệ của một vị Phật và Bản tôn;
Có năng lực ngăn tách các thế lực gây cản trở thực hành Phật Pháp;
Có uy lực trì tụng chân ngôn mật chú bằng khẩu và tâm, quán tưởng các chủng tử tự xoay quanh luân xa tim; Cử hành các nghi thức phẫn nộ, để một cách đầy uy lực làm an định dòng tâm của các Bản tôn thiền định và Hộ pháp;
Có năng lực khai quang tôn tượng và những biểu tượng trong Mật thừa; cúng dường mạn-đà-la, cử hành các nghi quỹ Mật thừa (sadhana) và quán đỉnh tự thân.
Mười năng lực bên ngoài thiết yếu để truyền trao hai thứ lớp Mật điển (Tantra) là Mật điển Hành động (Kriya Tantra) và Mật điển nghi quỹ (charya tantra), giáo pháp đặt trọng tâm tịnh hóa các pháp bên ngoài ứng hợp với các tiến trình của dòng tâm. Các năng lực này của Bậc Thầy bao gồm:
Có năng lực vẽ, kiến lập và quán tưởng Mạn-đà-la, cảnh giới tịnh độ của các Bản tôn;
Có năng lực duy trì các giai đoạn thiền định; cử hành các mật ấn (mudras); phô diễn các nghi thức vũ điệu; an tọa trong tư thế thiền định Bảy điển (Vairochana);
Trì tụng chân ngôn, giáo pháp phù hợp hai thứ lớp Mật điển; Cúng dường hỏa tịnh;
Cử hành bốn lớp nghi thức:
a) Tức tai: có năng lực tận trừ các tranh chấp, nạn đói và dịch,
b) Tăng ích: có diệu dụng giúp tăng tuổi thọ, tri thức và tài bảo,
c) Kính ái: năng lực cảm hóa tha nhân; và
d) Hàng phục: năng lực phẫn nộ hàng phục các thế lực hắc ám gây nhiễu hại; và triệu thỉnh các Bản tôn thiền định và hòa nhập, hướng dẫn trở lại đúng trụ xứ của mỗi loại.
Lama Tsongkhapa đã luận giảng rằng trong thời mạt pháp này rất khó hạnh ngộ các Bậc Thầy Mật thừa có tất cả những phẩm hạnh nêu trên, bởi vậy nếu một bậc Thầy không có đầy đủ những phẩm hạnh như trên mà chỉ cần có hai, năm, hoặc thậm chí tám cũng là đầy đủ.
Điều quan trọng như ở trên đã phân tích, những phẩm hạnh thiết yếu mà một Bậc Thầy cần có là thuộc truyền thừa quán đỉnh không gián đoạn mà ngài đang truyền trao, sống hợp với giới nguyện samaya và giới nguyện Mật thừa, và các vị Bản tôn không ngăn Thầy ban quán đỉnh, ví như thị hiện các dấu hiệu ngăn cản, v.v…
Một Bậc Thầy Mật thừa cần phải thực hành trong một dòng truyền thừa bởi kinh nghiệm, trí tuệ và giáo pháp của bậc Thầy là kế thừa mạng mạch giáo pháp từ các bậc Thầy tổ qua nhiều thế hệ. Do đó, giáo pháp và kinh nghiệm tu trì, năng lực tu chứng, động cơ tu tập và truyền trao giáo pháp của bậc Thầy được đảm bảo tính chân xác, chứ không phải là những bậc Thầy tự xưng và không có xuất xứ, nguồn gốc.
Khi một người đệ tử đã được thọ nhận quán đỉnh Mật điển Du già tối thượng thì bậc thầy truyền pháp trở thành Bậc Thầy của người đệ tử. Bất cứ thời điểm nào, khi thọ nhận giáo pháp, người đệ tử phải thấu hiểu rằng mình là đệ tử Bậc Thầy, khi ấy, ngay cả khi Bậc Thầy dù chỉ ban một vài huấn từ, một câu kệ, hay một chân ngôn, thì lập tức trở thành Bậc Thầy của người đệ tử. Sau khi đã kết nối giáo pháp trong Mật thừa, nếu đệ tử từ bỏ giáo pháp, thì sẽ là một ác nghiệp tồi tệ nhất, một trở ngại lớn nhất cho sự phát triển tâm linh. Nó mang đến những trở ngại nặng nề và một trải nghiệm, đặc biệt là vào thời điểm khi chết, có số khổ đau trong những cõi thấp và cõi địa ngục xuất hiện.
Theo các kinh văn, những lời dạy của đức Phật, trong giáo pháp Căn bản Mật thừa đều ghi, nếu một đệ tử đã biết nhớ nghĩ, tán tán phẩm hạnh của Bậc Thầy, mà sau đó sân hận và phát sinh tà kiến, rồi chỉ trích Thầy thì có nghĩa người đó đang phạm phải ác nghiệp to lớn nhất.
Nhiều giáo pháp thuộc thứ lớp Tối thượng Du già trong Mật thừa như Thời luân Kim cương (Kalachakra) và Mật tập Kim cương (Guhyasamaja) đã dạy rằng, ngay cả nếu một người đã phạm phải trọng tội thì người đó vẫn có thể tịnh hóa và thành tựu được trong các Mật điển Du già Tối thượng.
Con đường Mật thừa bao gồm rất nhiều phương tiện thiện xảo nhất để giúp người thực hành nhanh chóng đạt tới những thành tựu tối thượng sự ngay ở những thời mạt pháp. Nhưng người thực hành cần tích tập đủ công đức, trí tuệ và tự suy xét bản thân có phù hợp con đường này không, một khi đã xác quyết bước vào con đường tu tập Mật thừa và thọ nhận giáo pháp, nếu người đệ tử thực sự chỉ trích các Bậc Thầy thì ngay cả khi họ thực hành giáo pháp Du già tối thượng thừa, họ cũng sẽ không thể đạt được thành tựu trên con đường giải thoát.
Lama Tsongkhapa trong giáo pháp Lam-rim đã nhắc nhở rất rõ ràng rằng, ngay cả một ý nghĩ khởi lên rằng bậc Thầy trong Mật thừa là người phàm cũng trở thành một nhân dẫn đến đánh mất sự chứng ngộ, có nghĩa là nó cũng sẽ trở thành một trở ngại cho việc trưởng dưỡng đạo tâm.
Điều quan trọng nhất đối với mỗi người Phật tử là phải biết học hỏi, tư duy càng nhiều càng tốt trước khi kết nối với mỗi hệ giáo Pháp. Khi đã chính thức thừa nhận kết nối giữa Bậc Thầy và đệ tử, thì có nghĩa dòng Pháp thiêng liêng đã thiết lập, kể từ thời điểm đó mãi mãi không có sự thay đổi. Người đệ tử phải có một mối liên hệ mới với Bậc Thầy của mình, đó là một thế giới khác, một quan kiến mới và thanh tịnh khi nhìn vào những việc làm, lời nói từ nơi bậc Thầy của mình.
Pabongka Dechen Nyingpo cùng tất cả các Bậc Thầy trong Mật Tạng đều dạy rằng nếu ai có thể ngăn chặn tất cả những dòng tâm lầm sai và chỉ nhìn thấy những phẩm hạnh giải thoát của bậc Thầy thì người đó có thể chứng đạt giác ngộ trong một đời. Trong pháp Du già Đạo sư (Guru Yoga) là Pháp tu mở đầu, nhập môn Mật Tạng với mục đích là rèn luyện tri kiến thanh tịnh nơi người thực hành, bắt đầu với tri kiến nhìn bậc Thầy là hiện thân của tất cả chư Phật. Pháp thực hành này là nền tảng của tất cả các dòng tu trong hệ Tạng truyền.
Sau khi quán sát vị Thầy cẩn thận và có được những đánh giá không sai lạc, từ lúc người thực hành nhận ra rằng bậc Thầy có tất cả những phẩm hạnh tốt lành như đã được đề cập tới thì họ phải luôn luôn không ngừng nghỉ nương theo sự hướng đạo của bậc Thầy. Một vị Thầy chân chính như thế có thể thiện xảo hướng đạo những người bình thường đang cần sự hướng đạo, Thầy khéo léo chặt đứt những do dự và nghi ngờ, kiên nhẫn chịu đựng tất cả thậm chí cả sự bội ơn và ngã lòng của đệ tử, giống như một người mẹ xử sự với đứa con duy nhất của mình.
Vị Thầy với tất cả những phẩm hạnh này cũng giống như “một chiếc thuyền lớn vượt qua đại dương luân hồi mênh mông. Giống như một hoa tiêu lão luyện, Thầy luôn luôn vạch ra con đường dẫn tới giải thoát và toàn giác cho chúng ta. Như một giọt cam lồ, bậc Thầy dập tắt ngọn lửa dữ của ác nghiệp và của cảm xúc bất thiện. Giống như mặt trời và mặt trăng, Thầy chiếu rọi ánh sáng của Giáo Pháp và xua tan bóng tối dầy đặc của vô minh. Giống như đất, Thầy kiên nhẫn chịu đựng sự vô ơn, ngã lòng, và năng lực của Kiến và Hành của Thầy thì hết sức bao la. Như một cây như ý, Thầy là suối nguồn của tất cả những sự giúp đỡ trong đời này và tất cả hạnh phúc trong những đời sau. Giống như một chiếc bình toàn hảo, Thầy là một kho tàng của tất cả các Thừa và các giáo lý mà người ta từng mong ước. Giống như ngọc như ý, Thầy hiển lộ những khía cạnh không thể nghĩ bàn của bốn công hạnh phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Giống như người mẹ hay cha, Bậc Thầy yêu thương mỗi một chúng sinh trong vô lượng chúng sinh một cách bình đẳng, không có bất kỳ tham luyến nào với những người thân cận mình và ghét bỏ những người khác. Giống như một con sông lớn, lòng đại bi của Bậc Thầy bao la tới nỗi dung chứa được tất cả chúng sinh vô tận như không gian, và nhanh chóng tới nỗi cứu giúp được tất cả những chúng sinh đang đau khổ và không người che chở. Như sơn vương, tâm hoan hỷ của Bậc Thầy trước hạnh phúc của người khác thì kiên cố tới nỗi không thể chuyển dời bởi tâm ghen tị, hay bị dao động bởi những ngọn gió của hiện tượng. Giống như trận mưa đổ xuống từ một đám mây, tâm vô phân biệt của Bậc Thầy không bao giờ bị xáo trộn bởi sự bám chấp hay ganh ghét".
Một người đệ tử khi phạm phải những sai lầm, phát sinh tà kiến, sân giận, chỉ trích, và từ bỏ bậc Thầy mà mình đã thọ nhận thì sẽ tạo nhân để người đó không thể tìm được một vị thầy tâm linh chân chính trong những đời sống tương lai. Trong Mật điển Pháp Vị Cam lồ đã dạy rằng, người đó sẽ không bao giờ có thể nghe thấy âm thanh của giáo pháp nhiệm màu, chứ chưa nói gì đến tìm được một Thiện tri thức hay một Bậc Thầy dẫn đạo trong tất cả các đời của mình.
Nếu một người đệ tử, trong dòng tâm còn nhiều che chướng của mình, khởi hiện cái nhìn lầm sai vào hành động của Bậc Thầy, thì người đó phải lập tức nhận ra đây chính là lầm sai của bản thân và từ bỏ nó giống như từ bỏ thuốc độc vậy. Với chính kiến này, trong pháp tu căn bản của Mật Tạng, người thực hành phải rèn luyện quan kiến thanh tịnh nhìn bậc Thầy chính là Phật, là bậc đã hoàn toàn vô nhiễm với những bất tịnh và sở hữu những phẩm hạnh giác ngộ. Mục đích chính của pháp thực hành này là rèn luyện tri kiến Thanh tịnh nơi người thực hành.
Nếu một bậc Thầy trong Mật thừa muốn đệ tử làm một việc, và đệ tử thấy không có khả năng thực hiện vào thời điểm đó, tâm thức của họ chưa đạt tới mức độ đó, thì với một dòng tâm thanh tịnh như cậy, với một chính kiến như cậy, người đệ tử hãy thỉnh cầu một cách chân thật lên Thầy là mình chưa có khả năng làm điều đó, và như vậy hãy cố gắng thỉnh cầu Thầy cho phép mình không phải làm điều đó nữa.
Đây là những giáo huấn được Tổ Mã Minh ghi lại trong Năm mươi Câu kệ về Bậc Thầy trong Mật thừa và những Mật giới. Nếu Bậc Thầy dạy một điều gì mà người đệ tử thấy dường như không hợp với Pháp, người đó có thể thỉnh cầu cho phép không phải làm. Trong kinh văn cũng chỉ rõ, không được có những tư tưởng tiêu cực hay chỉ trích hay lên án bậc thầy. Đây là cách người thực hành đối trị những rắc rối mà không biến chúng thành chướng ngại cho sự trưởng dưỡng đạo tâm.
Trong toàn bộ các truyền thừa hệ Tạng Mật đều đặt tầm quan trọng của việc quy y bậc Thầy lên hàng đầu. Việc y cứ nơi bậc Thầy, tu trì để thân-khẩu-ý hòa nhập với thân-khẩu-ý của bậc Thầy là điểm khởi đầu và toàn bộ tiến trình tu tập. Pháp tu trì Du già Đạo sư (Guru Yoga) là Pháp tu mở đầu và tinh yếu của tất cả các truyền thừa trong hệ Tạng Mật. Chỉ trên nền tảng đó người thực hành mới tiếp tục quy y, cúng dường, thỉnh cầu Bậc Thầy để có thể được tu học, hành trì các phương pháp thiền quán chi tiết và thâm sâu hơn, tụng niệm mật chú, sử dụng ấn quyết, pháp khí phù hợp với mức độ căn cơ của bản thân.
La Sơn Phúc Cường dịch và tổng hợp
***
Nguồn:
Lama Yeshe.com, Qualities who teach Tantra, 2005.
Patrul Rinpoche, Words of My Perfect Teacher, Yale University Press, 2010.
Patrul Rinpoche, Lời vàng của Thày tôi, Vietnalanda Ấn tống, 2008, nhóm Longchenpa dịch tiếng Việt.
Pabongka Rinpoche, Liberation in the Palm of Your Hand, Wisdom Pub, 2006.
Pabongka Rinpoche, Giải thoát trong lòng bàn tay, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2005, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt.
Bình luận (0)