Giáo pháp Kim cương thừa - Mật tông xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 4 tại Bắc Ấn Độ và trở nên hưng thịnh vào thế kỷ thứ 6. Đến giữa thế kỷ thứ 8 hình thành một truyền thống lớn mạnh được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga… và nó cũng nhanh chóng gây ảnh hưởng trong các truyền thống tông phái Phật giáo khác vốn đã có từ trước đó, như Luật tông, Tịnh độ tông, Hoa nghiêm tông, Thiền tông… với sức lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ trong lịch sử phát triển Phật giáo.
Tác giả: Pháp Vương Tử
1. Khi nói tới tôn giáo, trong đó có Phật giáo thì, ngoài những giáo lý ghi lại lời dạy của đức Phật gọi là hiển giáo, người ta không thể không nói tới tính chất huyền bí của một số pháp tu nào đấy - chí ít cũng là tâm lý tò mò thành kính hướng về “sự linh nghiệm cao quý” và thiếu yếu tố này, tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo không có lý do để tồn tại. Đạo Phật lại có hẳn một tông phái gọi là Mật tông.
Và hết thảy các tông phái nói chung, trong đó có Mật tông đều hình thành sau Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Sự hình thành các tông phái ấy là nhằm đáp ứng nhu cầu tu học, trước hết là đối với người tu xuất gia hoặc là với giới học giả muốn nghiên cứu chuyên sâu về một tông phái nào đáy; và sự hình thành tông phái cũng là tùy duyên, không gượng ép, cho dù mỗi tông phái đều có đặc điểm riêng về giáo lý cũng như phương pháp tu hành nhưng hết thảy đều y cứ theo giáo lý Phật giáo, nó như một cây lớn phải có nhiều cành, tốt lá, nó như những con đường khác nhau nhưng cùng dẫn đến một điểm là chân lý vậy.
Mật tông thuộc Đại thừa Phật giáo, nhưng do có những đặc điểm đặc biệt về giáo pháp, pháp hành nên có một tên khác, một “thừa” khác, đó là Kim cương thừa (Phạn ngữ VAJRA).
Kim cương bất hoại ví như “Lưỡi tầm sét” có sức phá hủy các phiền não rất mau lẹ. Ý này thể hiện: đây là “Pháp tu cao tuột, mau thành đạo quả nhất” mà chính Phật Thích Ca đã nói lời xác quyết ấy. Sự đề cao Mật tông với pháp hành là tụng thần chú được sách Lý Thứ Kinh đưa ra so sánh như sau:
1. Kinh tạng ví như sữa bò 2. Luật tạng ví như sữa đặc 3. Luận tạng ví như sữa tươi 4. Bát nhã tạng ví như sữa chín 5. Đàlani (thần chú) ví như Đề - hồ.
Đề hồ là tinh túy của sữa vừa ngon lại vừa đặc trị các bệnh, quý hơn các loại sữa khác (ở thời đức Phật tại thế). Vì thế pháp tu này được gọi là pháp tu tổng trì (Tức là sự thâu nhiếp các pháp). Lời cuối của đức Phật khi sắp nhập Niết bàn các đệ tử hỏi Ngài, bài kinh nào phải tuân hành - Đức Phật trả lời: “Những lời nào thiện thuyết là những lời dạy của Phật” và những Hành giả Mật tông đã xem mật chú là những lời “Thiện thuyết”.
Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo trí tuệ luôn đề cao “tự lực”, nhưng pháp tu Mật tông lại sử dụng thần chú là một trong những pháp hành cơ bản. Sử dụng thần chú là vận dụng tới tha lực - là lực hỗ trợ từ bên ngoài, lực ấy là do các “thần” giúp, đương nhiên nó đạt kết quả mà người thế gian không thể nghĩ bàn được (Bất khả tư nghị), bởi nó vượt ra ngoài lối tư duy của phàm nhân. Vì thế, tha lực hay thần lực mà người tu sở dĩ có được cũng trên cơ sở của “Tự lực” như việc giữ giới, tu định, tu tuệ… có được đạo lực mới có được sự tương ứng, mới… xuất hiện tha lực. Đó là sự thật.
2. Giáo pháp Kim cương thừa - Mật tông xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 tại Bắc Ấn Độ và trở nên hưng thịnh vào thế kỷ thứ 6. Đến giữa thế kỷ thứ 8 hình thành một truyền thống lớn mạnh được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga… và nó cũng nhanh chóng gây ảnh hưởng trong các truyền thống tông phái Phật giáo khác vốn đã có từ trước đó, như Luật tông, Tịnh độ tông, Hoa nghiêm tông, Thiền tông… với sức lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ trong lịch sử phát triển Phật giáo.
Pháp tu Mật tông là khai triển những lời dạy có tính chất bí mật của chư Phật, chư Bồ tát nên giáo phái này gọi là Mật giáo. Pháp hành của Mật giáo khác với Hiển giáo ở chỗ: Khi Hiển giáo khích lệ việc truyền bá giáo pháp sâu rộng trong dân gian, thì Mật giáo lại nghiêm ngặt tuân thủ việc trao truyền giáo pháp một cách trang nghiêm, âm thầm và kín đáo… thường là giữa cá nhân với cá nhân, gọi là mật truyền. Pháp hành chủ yếu của Mật tông là sử dụng “Mật chú và ấn quyết”. Mật chú có nhiều cách gọi như Đàlani, Tan tra, Chân ngôn… nhưng thường gọi là Thần chú.
Thần chú là những câu nói ngắn hoặc dài mang tính chất bí mật của sự LINH DIỆU, màu nhiệm vì đó là bí pháp của chư Phật vì thế nó là một trong năm trường hợp không được phiên dịch - tức giữ nguyên các âm tiết phát ra, gọi là “Ngũ chủng bất phiên”. Thần chú thường được sử dụng song song với việc bắt ấn quyết, tức sử dụng các “Thế tay” tựa như múa. Phương tiện hành trì của Mật tông còn sử dụng cả việc “Viết bùa”, sử dụng “Triện” tức các con dấu. Tại các buổi lễ, để tăng sự bí ảo các vị thầy còn sử dụng các pháp khí như chuông, trống, mõ, nhị, kèn, sáo… nữa.
Vị Giáo chủ bí mật của tông phái này là đức Đại Nhật Như Lai, còn gọi là Tỳ-lô-giá-na hay Phật pháp thân; còn vị Tổ sư là Ngài Bồ tát Kim cương tát đỏa - Ngài đã đích thân làm Lễ Quán Đỉnh: Dùng nước của bốn biển dội lên đỉnh đầu - Một nghi thức thiêng liêng khi thọ nhận sự kế thừa pháp màu nhiệm của đức Đại Nhật Như Lai.
Giáo lý của Kim cương thừa là hai bộ Kinh Đại Nhật và Kim cương đỉnh; ngoài ra còn ba bộ Kinh nữa là: Tô Tất địa, Du ký và Yếu lược niệm tụng. Như vậy cả thẩy có năm bộ kinh thuộc Kim cương thừa - Mật tông.
Về mật lịch sử, sự xuất hiện của Mật tông hay Kim cương thừa là giai đoạn phát triển thứ 3 của tư tưởng Đại thừa - sau Bát nhã và Duy thức; vì thế cũng không sao tránh khỏi những hoài nghi về nguồn gốc của nó! Những yếu tố sơ khai của Mật tông có thể được tìm thấy trong Chân ngôn thừa, khoảng thế kỷ thứ 4, nhưng chỉ thật sự phát triển vào khoảng đầu thế kỷ thứ 6 tại Ấn độ với sự xuất hiện của các yếu tố và hình thức thần bí như Tan-tra, Mudra, Mạn đà la… Tuy nhiên phải đến nửa sau thế kỷ thứ 8 với sự ra đời của Kim cương thừa thì các yếu tố sơ khai của Mật tông mới được kết hợp một cách có hệ thống và mở ra một hướng tu tập mới trong Mật giáo.
Thực ra trong Tiểu thừa và Đại thừa cũng xác quyết những “huyền diệu”, những khả năng chứng đắc thần thông của người tu. Đại thừa có phần tiến xa hơn khi mô tả khá chi tiết về những năng lực thần thông của các vị Bồ tát.
Như đã chia sẻ ở phần trên: Thực ra niềm tin vào sự huyền diệu, thần thông và sự mầu nhiệm bao giờ cũng là một yếu tố nội tại của Phật giáo - Nghĩa là nó xuất hiện ở mọi tông phái khác nhau. Tuy nhiên điều đó chỉ được thừa nhận như một kết quả tu tập thực tế chứ không phải mục tiêu nhắm đến của người tu tập.
Vào thời Phật tại thế, khi biết Ngài có ba loại Thần thông thì có một thanh niên đến xin Phật hiển thị thần thông, hoặc cho các Thầy Tỳ kheo (những người đã xuất gia tu Phật) hiển thị thần thông rồi anh ta sẽ xuất gia. Điều kiện ấy đã không được đức Phật thỏa mãn. Và Ngài đã nói quan điểm của Ngài về thần thông: “Ta không báo giờ dạy các Tỳ kheo thi triển thần thông. Đối với thần thông biến hóa thì người ngoại đạo cũng có thể làm được, hà tất phải là đệ tử của Như Lai. Ta chỉ dạy giáo giới thần thông là nếu có công đức nên giấu kín, nếu có sai lầm nên bầy tỏ, hãy thị hiện thần thông đó ở nơi đời”.
Giáo giới thần thông là loại “thần thông” đặc biệt chỉ có ở đạo Phật - Bậc Chính đẳng giác xuất hiện nơi thế gian, với mười hiệu đầy đủ (Thập hiệu Như Lai), ở giữa Chư Thiên - người đời, ma hoặc thiên ma, Samôn hoặc Bà la môn mà tự thân chứng ngộ phạm hạnh đầy đủ rồi giảng thuyết cho Trời - Người khiến tất cả đều giác ngộ, giải thoát, thành tựu ba minh (Tam minh), diệt trừ tối tăm, phát sinh ánh sáng đại trí. Đó chính là Giáo giới thần thông mà đức Phật và các đệ tử của Ngài thị hiện. Giáo giới thần thông của đức Phật là Ngài “Đi bộ từ làng này sang làng khác, từ thị trấn này sang thị trấn khác, đi vào nhà, đi vào giảng đường, đi vào hội chúng, với uy nghi bình thường của một bậc Đạo Sư đi truyền đạo và đi giảng đạo, Ngài không dùng thần thông phép lạ để làm hoa mắt, để làm choáng váng những người đến với Ngài. Ngài chỉ dùng lời nói từ hòa, khiêm tốn, thuyết pháp độ sinh. Ngài chỉ dùng thần giáo và khẩu giáo để giáo hóa chúng sinh” - (Hòa thượng Thích Minh Chân).
Đức Phật từng khẳng định, người tu đạt được thần thông là Thần túc thông có khả năng biến hóa từ một thân thành nhiều thân và ngược lại, có thể đi lại “vô ngại” trong hư không, bay lượn như chim… việc ấy ngoại đạo cũng tu tập được bằng cách trì niệm thần chú có tên gọi: Cù la. Loại thần thông thứ hai là Tha tâm thông, quan sát được tâm niệm, suy nghĩ, ý định việc làm của người khác dù người đó ở bất cứ nơi đâu… việc ấy ngoại đạo cũng làm được khi tu luyện thần chú Cù Đà La. Nhưng người tu có đạt được, các thần thông ấy cũng không thoát được khổ đau, sinh tử luân hồi. Rồi đức Phật kể, có một thầy Tỳ kheo chứng được thần túc thông bay lên 33 cõi trời nhằm gặp chư thiên và đấng Phạm thiên vương để hỏi một câu: “Thân này với bốn đại: đất - nước - gió - lửa vĩnh viễn tận diệt ở đâu?” Phạm thiên vương khuyên thầy Tỳ kheo ấy hãy trở về vườn ông Cấp cô độc trong rừng Kỳ Đà để hỏi Đức Thế Tôn.
Vấn đề trọng đại của kiếp người ấy là SINH - TỬ. (Sinh tử đại sự). Vì thế giáo giới thần thông mới là... ĐỆ NHẤT, mới là thần thông đặc biệt chỉ có ở Đạo Phật vì nó giúp con người vượt thoát được sinh tử luân hồi, là mục đích tối hậu của việc tu Phật. Vậy “Giáo giới thần thông” là gì vậy? Là giáo dục con người sống có giới hạnh; giới là những quy định hạn chế những tạo tác gây bất lợi dẫn đến khổ đau cho mình và cho người khác. Nói đơn giản, là đạo đức của con người nơi thế gian. Khoa học ngày nay có nói tới hai chỉ số ở con người là: IQ và EQ. Đó là chỉ số thông minh ( IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ).
Đây là một khái niệm được nhà khoa học người Anh tên là Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Herositary nius xuất bản cuối thế kỷ 19, xác định chỉ số định giá trị thông minh của con người là Intelligence Quotient, viết tắt là IQ - Và chỉ số định giá trị cảm xúc là Emotional Quotient, viết tắt là EQ... vậy chỉ số nào quan trọng?
Ta thấy, thế kỷ 20 đã khép lại với truyền thống duy lý mà : “... Không bao giờ chúng ta có một niềm kiêu hãnh về trí tuệ của chúng ta như hồi đầu thế kỷ 20 nữa” (David Peat - từ xác định đến bất định). Điều này đã được các nhà khoa học phương Tây khẳng định từ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Sự thật ấy không do nhận thức cá nhân các nhà khoa học mà nó đã đi vào cụ thể đời sống toàn cầu. “ Niềm kiêu hãnh về trí tuệ con người” với những tiến bộ vượt trội của khoa học kỹ thuật đã để lại cho con người nỗi bất an về một thứ “rác thải” là vũ khí hạt nhân “thế hệ mới”, là tên lửa “siêu thanh”, là những ứng dụng công nghệ tiên tiến với “trí tuệ nhân tạo” (Artificia intelligeence, viết tắt AI) để thực hiện những công việc mà trước đây là ... “không thể”, thì nay thực hiện nó lại dễ dàng như ... “một phép lạ?”
Nhưng thật may nhân loại cũng bừng tỉnh để tìm đến sự “cứu cánh” cho mình bằng việc tự cứu, vì như một số nhà khoa học lo ngại robot và AI (trí tuệ nhân tạo) đang dần thay thế con người... thì chính EQ, chỉ số đinh giá trị cảm xúc, chỉ số quan trọng quyết định thành công và sự thỏa mãn với cuộc sống sẽ tạo nên sự khác biệt trong thế kỷ 21 này, để con người với sự nỗ lực chuyển hoá Thân - Tâm gồm đủ cả hai phẩm chất trí tuệ (IQ) và từ bi (EQ)... và cũng chỉ có bằng đôi cánh “thần thông” ấy thì việc bay lên 33 cõi trời như vị Tỳ kheo kia cũng chẳng mấy khó khăn.
3. Như đã trình bày ở đầu bài viết, Mật tông hay Kim Cương thừa là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, sau Bát nhã và Duy thức. Nhưng phải tới cuối thế kỷ thứ 8, Mật tông mới được truyền vào Tây Tạng. Và cũng từ đây, Tây Tạng được xem là nơi cất giữ một cách trọn vẹn tinh tuý Mật tông Ấn Độ.
Sự ra đời của đạo Phật ở Tây Tạng được bắt đầu bằng Mật tông do hai cao tăng Ấn Độ là ngài Tịnh Hộ (Santqraksta) và ngài Liên Hoa Sinh (Padma Sambhava) mang sang, bởi được vừa Tây Tạng khi ấy cử người tới miền Bắc Ấn Độ thỉnh về. Liên hoa sinh khi ấy là một vị đạo sư tinh thông mật tông đã nhận lời thỉnh cầu, đến Tây Tạng cùng với 25 vị đệ tử... Và theo tương truyền là để đẩy lùi những cơn dịch bệnh quái ác vào lúc đó đang hoành hành ở Tây Tạng; Liên Hoa Sinh cũng là người sáng lập tông Ninh Mã (NYINGMA) ngày nay vẫn còn tồn tại và được gọi là Cổ phái vì tính chất cổ xưa nhất của nó. Liên Hoa Sinh đã thành công vượt bậc ở Tây Tạng mà những câu chuyện kể về Ngài được truyền tụng luôn gắn liền với những phép thần thông diệu dụng mà Ngài đã hiển lộ với sự giáo hoá về đức từ bi, vô ngã. Ngài còn là nguồn cảm hứng thiêng liêng tại phương Tây; Còn các đệ tử của Ngài gọi Ngài là “Phật thứ hai”. Tương truyền đạo sư được sinh ra từ một đóa sen nên mới có tôn danh là Liên Hoa Sinh.
Nhưng nói đến Mật tông Tây Tạng thì nét đặc trưng nhất đã diễn ra trong gần năm thế kỷ qua, đó là sự hoá thân, sự tái sinh của các đạo sư là các vị Đạt Lai - Lạt Ma. Danh xưng Đạt Lai - Lạt Ma này xuất hiện vào năm 1587 do viên quan người Mông Cổ cai trị Tây Tạng tên là Altan Khan đã phong cho Viện trưởng của tu viện Drepung thuộc dòng Cách Lỗ (Gelugpa) tên là Sonam Gyatso (1543-1588) danh hiệu Dalai Lama vì ngài là một vị sư kiệt xuất thời đó (tiếng Mông Cổ: Dalai nghĩa là biển cả, theo tiếng Tây Tạng. Còn Lama là Thầy, vị sư và cũng gọi là “biển tri thức”). Vị Lạt Ma này chính là đời thứ 3 của dòng tu Gelugpa (Cách lỗ).
Các vị Lạt Ma được tái sinh ấy đã chứng tỏ một cách đáng ngạc nhiên là họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng của lòng ham muốn như những người thường. Và mặc dù việc tìm kiếm và xác nhận các Lạt Ma được tái sinh đã diễn ra hết sức cẩn trọng nhưng thế giới phương Tây ( và cũng không ít người nơi thế gian) không dễ dàng chấp nhận; rồi họ cố tìm ra những cách giải thích “hợp lý” nào đó để... không phải tin rằng đó là những biểu hiện cụ thể của năng lực tâm linh. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ đã trôi qua và câu trả lời là sự xác nhận bằng thực tế. Không chỉ có một mà là nhiều dòng truyền thừa khác nhau tại Tây Tạng duy trì được hình thức tái sinh của các vị tổ sư đứng đầu Tông phái. Dòng tái sinh hiện được nhiều người biết tới nhất tại Tây Tạng là các vị Lạt Ma của phái Gelugpa (cách lỗ), còn gọi là phái mũ vàng. Và cho đến nay đã có 14 vị Đạt Lai - Lạt Ma ra đời và được tin rằng chỉ là hoá thân tái sinh duy nhất của một vị mà thôi. Lạt Ma đầu tiên của tông phái này tên là Gendun Drub sinh năm 1391, mất năm 1475... đến vị Lạt Ma thứ 14 hiện nay là ngài Tenzin Gyatso sinh năm 1933. Ngài là một trong số các vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo thế giới nói chung và của Phật giáo Tây Tạng nói riêng. Mới đây, Đức Lạt Ma thứ 14 đã trả lời một câu hỏi của một thính chúng, tôn giáo nào là tôn giáo tốt? Ngài khẳng định: Tôn giáo tốt là một tôn giáo tôn trọng sự thật trong giáo lý cũng như trong thực hành giáo lý.
4. Mật tông du nhập vào nước ta khá sớm, theo dấu chân của nhà truyền giáo Khâu Đà La và trong tác phẩm Lĩnh nam trích quái có câu chuyện Man Nương đã thể hiện rõ nét tính cách huyền bí của Phật giáo. Rồi, vào thế kỷ VI một thiền sư Ấn Độ là Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến Việt Nam hoằng truyền giáo pháp. Ngài là tác giả cuốn “An - ban thủ ý” (dạy cách luyện hơi thở trong thiền). Đạo sư cũng là người dịch bộ kinh “Đại thừa phương quảng tổng trì” tại chùa Pháp Vân (Bắc Ninh). Đây là bộ kinh Mật giáo đầu tiên của nước ta. Sau đó Mật giáo (Mật Tông) đã được truyền vào nước ta băng nhiều con đường khác nhau, như từ Phật giáo Chiêm Thành, các tăng sĩ ngoại quốc và cả những vị sư Việt Nam thọ học Mật tông từ Ấn Độ. Năm 1318 vua Anh Tông còn thỉnh mời một tăng sỹ Ấn Độ tên là Ban đề đa ô sa thất lợi đến ta để dịch bộ kinh mật giáo tên là Bạch tán thần chú kinh. Thiền phái Vô ngôn thông tuy không nghiêng về mật tông, song dấu ấn của mật tông cũng được thể hiện khá rõ mà điển hình qua sự hành pháp của các thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học. Thiền sư Không Lộ đã từng cùng Giác Hải và Từ Đạo Hạnh (Đức Thánh Láng) qua Thiên Trúc (Ấn Độ) học mật giáo và đã chứng đắc “Lục trí thần thông”, còn Không lộ nổi tiếng với câu chuyện “hoá duyên” ở xứ Tống (Trung Hoa) và chữa bệnh lạ cho vừa Lý Thần Tông; Nguyện Học cầu mưa không khi nào không linh nghiệm.
Nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Pháp Loa, ngay từ thời hoàng kim của thiền tông, Ngài vẫn luôn dành thời gian cho việc trì chú và từng phân tích một kinh văn có khuynh hướng mật tông là bộ kinh “Kim cương Đà La Ni khoá chú”. Nhưng đáng nói hơn cả vẫn là dấu ấn đầu tiên về một đạo sư Ấn Độ là ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi - ngoài việc hoằng truyền Phật pháp còn rất chú trọng đến việc “tiếp dẫn hậu lai” đào tạo tăng tài nối truyền 11 đời, hiện được biết tới. Các đệ tử của Ngài đã làm rạng danh trang giáo sử của Phật giáo nước nhà, với các tôn danh: Thiền sư Mahamaya người gốc Chiêm Thành thuộc đời thứ 10, cùng học với ngài Pháp Thuận, nổi tiếng về pháp thuật. Sách thiền uyển tập Anh cho rằng, ông đắc pháp “Tổng trì tam muội”, thi triển pháp thuật khiến vua Lê Đại Hành và dân chúng nể phục. Thiền sư Sùng - Phạm là đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi sau khi tu học 9 năm ở Ấn Độ, Sùng Phạm trở về mở trường ở chùa Pháp Vân (Bắc Ninh) mà đệ tử của Ngài là Từ Đạo Hạnh (Đức Thánh Láng) nổi tiếng về phù chú. Và trong thiền phái này, không thể không nhắc tới vị thiền sư Mật tông là Vạn Hạnh, người có công dựng triều Lý và giúp vua Lý Thái Tổ dẹp giặc giữ nước và kiến quốc... Vào thời Đinh, Tiền Lê, mật tông khá thịnh hành ở Việt Nam.
Những trụ đá được phát hiện ở Hoa Lư - Ninh Bình vào các năm 1963 - 1964 và 1978 xác định các trụ này được dựng vào năm 973 thời Đinh; Có trụ dựng năm 995 thời Lê Đại Hành đều khắc bản “Kinh Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni”, một bản kinh rất nổi tiếng của Mật giáo đã chứng minh điều đó.
5. Đến thời cận đại, từ những năm đầu thế kỷ 20 việc “tấn nhập” mật tông Tây Tạng vào nước ta được coi là một nhân duyên “thù thắng” do sự đóng góp đáng kể của Hoà thượng Nhẫn Tế - (thế danh là Nguyễn Văn Tạo), Ngài sinh năm 1888, xuất dương tìm về “Tạng cội nguồn” của Pháp Tổng trì vào ngày 17 tháng 4 năm 1935, từ chùa Thiên Tôn, tỉnh Bình Dương, trực hướng Ấn Độ. Trong cuốn “sự tích Tây du Phật quốc” của Hoà Thượng để lại, khiến chúng ta hôm nay được biết về sự thiêng liêng với cuộc hành trình đầy gian truân của Ngài tới miền đất Phật Ấn Độ để cầu pháp tổng trì. Và cuốn “sự tích...” của Hoà Thượng đã được các Phật tử và người đời kính yêu đặt một cái tên là “Nhật ký sư ông” đến nay vẫn còn.
Được biết hoà thượng Nhẫn Tế là người Việt Nam đầu tiên thỉnh được Xá Lợi Phật ở Ấn Độ về nghiêm thờ tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa - Vũng Tàu). Còn ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam mang dấu ấn của Mật tông là chùa Tây Tạng tại tỉnh Bình Dương.
Trong tập san Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, số 1 tháng 12 năm 2005 có đăng một tiểu luận của Tiến sĩ Trần Hồng Liên, có dòng tên: “Chùa Tây Tạng - Dấu ấn Phật giáo Mật tông Tây Tạng”.
Năm 1992, một dòng truyền thừa Mật tông mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, đó là dòng truyền thừa Drukpa do Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII sáng lập. Thượng tọa Thích Viên Thành viện chủ Chùa Hương và Chùa Thầy đã đến Bhutan thọ pháp với đức pháp chủ của quốc gia này thuộc dòng truyền thừa Drukpa. Dù Thượng tọa chưa trải qua thời kỳ nhập thất và hành trì dài lâu, Ngài vẫn được phép truyền thụ Lễ quán đỉnh cho các phật tử, tăng ni trong nước. Vì thế năm 1992 được xem là thời điểm đầu tiên mật tông Tây Tạng có sự truyền thừa chính thức đến Việt Nam, do sự truyền dạy của Thượng tọa Thích Viên Thành. Và cũng thật tiếc... việc Thượng tọa viên tịch quá sớm cũng là một sự mất mát không gì bù đắp cho hàng đệ tử của Ngài.
Gần 30 năm trôi qua Mật tông Tây Tạng do cố Thượng tọa hướng dẫn vẫn âm thầm bắt rễ trong đời sống của nhiều tăng, ni, phật tử, nhất là ở phía Bắc. Việc duy trì tu tập theo dòng truyền thừa Drukpa dưới sự hướng đạo từ các bậc thầy truyền thừa khác nhau, đặc biệt là đấng Pháp Vương Drukpa thứ XII, người sáng lập và đứng đầu dòng truyền thừa này. Đức Pháp Vương đã tới nước ta bốn lần để thực hiện công hạnh của mình trong việc truyền bá giáo pháp Kim Cương Thừa ( Mật tông). Pháp tu mật tông Tây Tạng giờ đã có được Tịnh Thất Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Được biết, nơi đây có thể chứng kiến hầu như trọn vẹn pháp tu Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa tại Việt Nam.
Như vậy, ở nước ta hiện nay đã có hai ngôi chùa mang dấu ấn Mật tông Tây Tạng: Miền Bắc có chùa Tây Thiên, cũng gọi là Tịnh thất Tây Thiên thuộc dòng truyền thừa Drukpa ở tỉnh Vĩnh Phúc; miền Nam có chùa Tây Tạng, là ngôi “Cổ tự” tại tỉnh Bình Dương.
Qua đó để thấy, Mật tông Tây Tạng đang bắt đầu hưng thịnh ở nước ta cho dù nó vẫn chưa hội tụ đủ duyên lành để hình thành một tông phái riêng có ảnh hưởng ở Việt Nam; nhưng chặng đường ấy chắc cũng không còn xa nữa.
6. Cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu Phật học đều cho rằng, việc tìm hiểu để… viết về Mật tông là điều không mấy dễ dàng chỉ vì tính chất “thần bí” của nó. Cũng vì thế cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về lịch sử Mật tông được công bố. Không ít người quan tâm đến Mật tông lại hiểu biết rất ít về nó, có khi còn hiểu sai lệch dẫn đến hậu quả xấu. Những phương tiện thông tin, truyền thông ở thế kỷ 21 bây giờ lại càng khiến rất nhiều người biết đến Mật tông nhưng cũng rất hiếm khi được tiếp cận với nguồn thông tin chính xác. Rồi cả khi viết về Mật tông, lại không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi vì nó là những câu chuyện rời rạc như là… truyền thuyết, ít được xem là cứ liệu xác đáng. Nhưng những điều đó cũng không bao giờ là mối quan tâm của các hành giả Mật tông cả, điều quan tâm của họ là những thành quả của pháp tu vì đó là yếu tố quan trọng nhất trong sự tồn tại của Mật tông; hết thảy là “thực tiễn hành trì chứ không phải qua diễn giải lý thuyết”. Mật tông với sự bí truyền đã tạo nên một diện mạo đặc thù “Bất khả tư nghị” - nghĩa là, không thể dùng trí tuệ thế gian để hiểu về nó được.
Vì thế, có được một vị thầy chân tu Mật tông để thọ nhận chân truyền là không dễ và cũng chớ “mầy mò” tự học hoặc theo thầy tà sử dụng sai lầm phép tu, phá hỏng đời sống tâm linh của chính mình là rất uổng.
Hãy tỉnh thức!
Tác giả: Pháp Vương TửĐể cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.
Bình luận (0)