Phật giáo Mật tông tại Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển dài lâu với tông chỉ và hệ thống đường lối tu tập đặc trưng. Những sự kiện sau này của thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn cách mạng văn hóa vào cuối thập niên 60, đầu 70, ít nhiều đã làm gián đoạn việc thực hành Phật giáo Mật tông đời Đường ở Trung Quốc đại lục.

Tác giả: TS Anh Vũ & La Sơn Phúc Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

Thai tạng giới mạn đà la

Phật giáo Mật tông Trung Quốc có nguồn gốc từ các trung tâm Phật giáo ở Nam Á mà hiện nay là một phần của Ấn Độ, Pakistan, Nepal, vùng Kashmir và Tây Tạng. Chư tăng thường đi dọc theo các tuyến đường thương mại ở Trung Á, qua các trung tâm Phật giáo như Vu Điền, Quy Từ, Đôn Hoàng và vào Trung Quốc qua Ngọc Môn Quan. Ngoài ra nhiều tăng sĩ còn đi bằng đường biển qua Đông Nam Á, qua Vương quốc Phật giáo Tam Phật Tề (Srivijaya) trên đảo Sumatra, vào Trung Quốc qua Quảng Châu ở phía Nam.

Khi tới Trung Quốc, các bậc thầy Mật tông giảng dạy và chuyển ngữ những bản kinh văn sang ngôn ngữ địa phương. Một số chư tăng Trung Quốc cũng du hành theo hướng ngược lại, đến tận tiểu lục địa Ấn Độ, hoặc đến các trung tâm Phật giáo ở Trung và Đông Nam Á, thụ nhận giáo pháp và mang theo các kinh điển về Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc dịch các kinh văn mật điển bắt đầu từ thế kỷ III và tiếp tục qua nhiều triều đại.

Phật giáo Mật tông đời Đường

Phật giáo Mật tông đã phát triển và ảnh hưởng to lớn dưới thời nhà Đường vào thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX. Đây là thời đại của ba vị A-xà-lê (Acaraya) bao gồm: Thiện Vô Úy (Śubhākarasimha), Kim Cương Trí (Vajrabodhi) và Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) cùng truyền thừa thế hệ đệ tử của các ngài.

Thiện Vô Úy sinh ra tại vùng Orda miền Đông Ấn Độ và đã dành một thời gian tu học tại trường đại học Phật giáo Nālandā. Tại đây ông trở thành đệ tử của Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) và thụ nhận các giáo pháp Mật tông. Ông đã đi từ Trung Á đến kinh đô Trường An nhà Đường vào năm 716. Tại Trường An, ông dịch các bản kinh văn tiếng Phạn sang phương ngữ.

Ông nhận được sự sùng kính của hoàng gia và vào năm 724, ông đã tháp tùng Hoàng đế nhà Đường đến thành Lạc Dương. Tại Lạc Dương, với sự hỗ trợ của đệ tử người Trung Quốc là Nhất Hạnh, ông dịch bộ Kinh Đại Nhật (Mahāvairocana). Sau đó, ông cùng các đệ tử dịch các bản luận giảng về bộ Kinh Đại Nhật.

Bản thân ngài Nhất Hạnh cũng viết một bài luận về bộ kinh này. Kinh Đại Nhật cùng với Kinh Tô Tất Địa (Susiddhikara Sūtra) được Thiện Vô Úy chuyển dịch trở thành hai trong ba bộ kinh căn bản của Phật giáo Mật tông thời Đường và sau đó là Chân ngôn tông (Shingon) tại Nhật Bản.

Tiêu đề thực sự của bản Kinh Mahāvairocana là “Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh hay bộ Kinh về Thành tựu Phật quả, chuyển hóa tâm và quán đỉnh Đại Nhật Như Lai.

Tổ Thiện Vô Úy

Bộ kinh văn bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa Kim Cương Thủ Bồ Tát (Vajrapāni) và Đại Nhật Như Lai (Mahāvairocana), qua đó đặt nền tảng khái niệm cho giáo lý Mật tông. Kim Cương Thủ Bồ Tát thỉnh cầu Đại Nhật Như Lai làm thế nào ngài đạt Nhất Thiết chủng trí (Sarvajñājñāna). Đại Nhật Như Lai đáp: tâm Bồ đề là nhân, lòng bi là căn gốc và các phương tiện thiện xảo là tột đỉnh. Ngài tiếp tục luận giải rằng Bodhi có nghĩa là biết tâm mình như nó thực sự là, cũng có nghĩa là Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề (Anuttarā samyaksambodhi).

Mandala được luận giảng trong bộ kinh này là Thai tạng Giới (Garbha Dhātu), trong đó có những hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị và bố cục của mạn đà la, bao gồm những phẩm chất và thành tựu mà bậc thầy Mật tông cùng các đệ tử cần phải có, việc chuẩn bị địa điểm, các thần chú được trì tụng và pháp tướng các vị Phật được quán tưởng.

Ở trung tâm Mạn đà la là đức Đại Nhật Như Lai với Trí tuệ Pháp giới và thiện hạnh giảng pháp độ sinh, tiếp theo là bốn bộ Phật ở bốn phương gồm: Bảo Tràng Như Lai ở phương Đông, Khai Phu Hoa Vương Như Lai (Samkusumita) ở phương Nam, A-súc-bệ Bất Động Phật ở phương Bắc, và Vô Lượng Thọ Như Lai (Amitāyus) ở phương Tây. Bản kinh cũng bao gồm các chỉ dẫn các phương pháp thiền quán khi vẽ các vòng tròn mạn đà la.

Mật tông Tây Tạng phân loại các Mật điển theo bốn hoặc chín thứ lớp, trong đó kinh Đại Nhật được phân loại ở thứ lớp Thiện Hạnh (Cārya Tantra). Tuy nhiên, Phật giáo Trung Quốc không phân loại mật điển theo tiêu chí như vậy, không phân biệt mật điển với kinh điển Hiển giáo. Tất cả mật điển và kinh điển được gọi là các bản kinh văn Phật giáo được dịch từ tiếng Phạn.

Hai vị A-xà-lê Mật tông đời Đường là Kim Cương Trí (Vajrabodhi) và đệ tử của ông là Bất Không (Amoghavajra), đã đến thủ đô Lạc Dương triều đại Đông Đường vào năm 720, chỉ bốn năm sau Thiện Vô Úy. Các ngài đi bằng đường biển qua Srivijaya và vào Trung Quốc qua Quảng Châu. Theo tư liệu ghi chép, Kim Cương Trí là người Nam Ấn và cũng từng tu học tại trường Nālāndā. Ông đã nhận lễ nhập môn Mật tông ở miền Nam Ấn từ bậc thầy Long Trí (Nāgabodhi).

Ở Trung Quốc, ông được Hoàng đế nhà Đường sùng ái và được tấn phong danh hiệu Quốc sư. Kim Cương Trí đã không mệt mỏi trong việc truyền bá giáo lý mật truyền, ông đã tới nhiều ngôi chùa, kiến lập các đàn tràng quán đỉnh – một trong những nghi thức khai tâm, truyền giới để tu trì các pháp tu trong Mật tông. Ông đã ban lễ quán đỉnh cho Đường Huyền Tông và nhiều chư tăng, ni cùng cư sĩ phật tử.

Ông rất nổi tiếng bởi chủ trì nhiều nghi thức Mật tông cho cộng đồng. Ông từng được triều đình mời đến thực hiện nghi thức cầu mưa và chữa bệnh cho công chúa hoàng gia. Cùng với đệ tử của mình là Bất Không, ông đã dịch bộ Kim cương Đỉnh Kinh (Vajraśekhara) cùng nhiều bản kinh văn khác.

Tiêu đề đầy đủ của Kinh Kim Cương là Kim cương đỉnh nhất thiết Như Lai Chân Thật Quán Nhiếp Đại thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương kinh. Bộ kinh này đã trở thành một trong những kinh văn căn bản của Phật giáo Mật tông đời Đường và sau đó là Chân ngôn tông (Shingon) của Nhật Bản, trong đó Kim Cương Giới mạn đà la (Mandala Vajra Dhātu) của Kim cương đỉnh Kinh được coi là bổ sung cho Thai tạng Giới mạn đà la của Kinh Đại Nhật. Kim Cương Trí viên tịch vào năm 741.

Nếu như Thiện Vô Úy và Kim Cương Trí đã đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo Mật tông triều đại nhà Đường, thì chính nhờ các tác phẩm của Kim cương Bất Không (Amoghavajra) và các đệ tử của ngài mà Mật tông đã phát triển và đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng của mình. Kim cương Bất Không sinh ra ở vùng Trung Á, cha ông là một thương gia Ấn Độ, còn mẹ là người Túc Đặc (Sogdian).

Thời gian ở Trường An là phần nhiều, ông cũng đến nhiều vùng khác của Trung Quốc, kiến lập các đàn quán đỉnh và ban giáo pháp Mật tông cho chư tăng, ni và cư sĩ phật tử. Theo lời thỉnh cầu của Hoàng đế Huyền Tông, ông đã kiến lập các đàn lễ quán đỉnh và các nghi lễ Hỏa tịnh trong hoàng cung và ban lễ nhập môn Phật pháp cho hoàng đế. Kim Cương Bất Không cũng nổi tiếng với việc phát triển khu Ngũ Đài Sơn thành một thánh địa lớn của Phật giáo Mật tông, nơi hiển linh của Bồ tát Văn Thù (Mañjuśrī). Ông viên tịch năm 774.

Những giáo lý của ba A-xà-lê đời nhà Đường và các đệ tử của các ngài cũng được đưa vào Chân ngôn tông. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của thần chú trong giáo lý hệ phái này. Các giáo lý này được truyền thừa đến Nhật Bản bởi vị cao tăng người Nhật là ngài Không Hải (774- 835) và Tối Trừng (767- 822).

Các ngài đã đến Trung Quốc vào thời nhà Đường và nghiên cứu các giáo lý Mật truyền. Không Hải nhận quán đỉnh và tu học với đệ tử của ngài Bất Không là Huệ Quả đồng thời cũng thọ pháp với đệ tử của Thiện Vô Úy là Huyền Siêu. Vì vậy ông có thể kết hợp giáo lý Kim Cương Giới và giáo lý Thai Tạng Giới. Ông được tôn xưng là tổ sáng lập Chân ngôn tông Nhật Bản. Tối Trừng nhận lễ nhập môn và học Chân ngôn với sư Thuận Hiểu.

Khi trở về Nhật Bản, ông kiến lập Thiên thai tông tại Nhật Bản, đồng thời kết hợp nhiều phương pháp thiền quán, trì tụng mật chú trong các nghi thức thực hành giáo pháp Thiên thai tông.

Các khái niệm và hành trì cùng các giáo lý, các kinh văn bản liên quan đến ba A-xà-lê đời Đường tạo nên một đường lối tu tập đặc trưng. Nền tảng của sự thực hành là quay về chứng ngộ phật tính vốn sẵn có trong tâm mỗi chúng sinh, ngay trong một đời. Tôn chỉ này được thực hành qua các nghi quỹ thủ ấn, thần chú và mạn đà la biểu trưng cho thân mật, khẩu mật và ý mật đồng thời với thiền quán sắc thân và pháp thân chư Phật, Bồ tát, các Hộ pháp và các nghi thức đặc trưng của Phật giáo Mật tông, chẳng hạn như nghi lễ Hỏa tịnh.

Những Giáo lý Mật tông tại Trung Quốc trước thời ba A-xà-lê đời Đường

Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc thực hành Mật tông, đặc biệt hành trì các mật chú tại Trung Quốc đã xuất hiện từ sớm trước đời Đường. Một trong những bản kinh văn đầu tiên có lưu chứa mật chú là Ma đăng già Kinh (Mātanga Sūtra), được dịch vào năm 230 CN. Gần một thế kỷ sau, vào năm 310 CN, Phật Đồ Trừng, một tăng sĩ đến từ Trung Á, đã đến Lạc Dương và được Thạch Lặc, người sáng lập Vương quốc Hậu Triệu, thỉnh mời làm quân sư.

Đại Nhật Như lai

Phật Đồ Trừng đã sử dụng sự thông tuệ của mình giúp đảm bảo các kế hoạch chính trị, quân sự của Thạch Lặc và người kế vị. Sử liệu ghi lại ông rất nổi tiếng với việc sử dụng chú để cầu mưa, chữa bệnh, xua đuổi tà ác và cầu phúc cho triều đình và người dân. Mặc dù tư liệu không ghi lại việc ông từng dịch thuật kinh văn nhưng ông là một trong những tăng sĩ đầu tiên nhận được sự bảo trợ to lớn của triều đình và chịu trách nhiệm xây dựng nhiều ngôi chùa, chính thức được cho phép chủ trì truyền giới cho chư tăng Trung Quốc.

Trong hai tới ba thế kỷ tiếp theo, xuất hiện rất nhiều bản kinh văn được dịch sang tiếng Trung có chứa các bộ thần chú, trong đó thường ghi lại diệu dụng giúp xua đuổi các loại tà ác hay cầu phúc lành. Một bản kinh văn, theo học giả Kieschnick, có niên đại vào khoảng nửa đầu thế kỷ VI là “Đà La Ni Tạp Tập” (Miscellaneous Collection of Dhāranī), trong đó lưu chứa một bộ sưu tập lớn những Dhāranī của nhiều vị Phật, Bồ tát khác nhau và các bản kinh văn luận giảng cách thức trì tụng, công năng, diệu dụng và mục đích của mật chú.

Trong các công năng và diệu dụng của mật chú, bản kinh văn có ghi lại những mục đích như giúp chữa bệnh, giải trừ sinh nở khó khăn, giải trừ nạn rắn và bọ cạp cắn, cầu mưa, v.v…(1)

Nhiều học giả, thậm chí các Phật tử Hiển giáo đặt vấn đề vậy nếu các dhāranī được cho là lời của chư Phật, chư Bồ tát, vậy tại sao lại hướng tới những mục đích thế tục? Phải chăng những giáo lý này đã bị các tín ngưỡng bản địa xâm lấn và thậm chí họ đã diễn giải sai rằng giáo lý Mật tông chỉ nhấn mạnh đến huyền thuật thần bí hoặc chú trọng chân lý thế tục.

Trên thực tế, trong bộ Đại tập trên, bên cạnh ghi lại nhiều diệu dụng đáp ứng sở cầu thế tục của chúng sinh, nhiều đoạn kinh văn đã mô tả thực hành các mật chú dẫn tới sự tăng trưởng trên con đường hành Bồ Tát đạo, thực hành các dhāranī trong phương diện nhập thế cứu độ quần sinh của Mật tông.

Ví dụ, về câu chú thứ sáu trong bộ Đại tập ghi là do đức Phật Ca Diếp (Kaśyapa) truyền trao như sau: ..với những chúng sinh thực hành tụng niệm dhāranī này và chưa phát khởi tâm nguyện hướng tới sự giải thoát, giác ngộ thì trong tâm sẽ khởi phát tâm nguyện này và không bao giờ thoái thất. Những ai từng phát khởi tâm nguyện hướng tới giải thoát giác ngộ, nếu họ thực hành đà-ra- ni này, sẽ vượt qua thất địa, thậm chí thành tựu thập địa.

Dhāranī này là Kim Cương Tam Ma Địa (vajra-samādhi), cánh cổng dẫn đến sự giải thoát của Trí tuệ Tính không vĩ đại. Một vị Bồ Tát, từ lúc mới thọ giới, sẽ thực hành định tâm này cho đến khi nhập định kim cương bất thoái [và trở thành Phật]. Mục đích và công năng của các mật chú là như vậy (2).

Phật mẫu Chuẩn đề

Từ thế kỷ V trở đi, các nghi thức chi tiết hơn được phát triển bao gồm việc kiến lập các nơi chốn tu trì và các đàn lễ dành riêng cho các mật chú khác nhau. Ở giai đoạn ban đầu, những người thực hành chỉ đơn giản dâng hương, hoa lên đức Phật và niệm chú sau đó thực hành thêm thủ ấn và cuối cùng nghi lễ Hỏa tịnh để tạ lễ các Hộ pháp, rồi bố thí thực phẩm cho chúng sinh.

Trong triều đại Tùy mặc dù tồn tại ngắn và đầu nhà Đường (thế kỷ VII), các nghi lễ trở nên trang nghiêm hơn và đã phát triển chi tiết các đàn tràng mandala với các đàn lễ được bao quanh bởi biểu tượng các vị Phật, Bồ tát và các vị hộ pháp của Mật tông (3).

Một ví dụ về tuyển tập dhāranī đời đầu của nhà Đường là Đà La Ni Tập Kinh (Dhāranī Collection Sūtra) lưu chứa các bản kinh văn được dịch trong thời kỳ 653–654 bởi A Địa Cù Đa (Atikūtạ), một cao tăng đến từ miền Trung Ấn. Các bản kinh văn trong tuyển tập chứa đựng rất nhiều các phương pháp tu trì mà sau này được triển khai trong Chân ngôn tông. Các Dhāranī của chư Phật, chư Bồ tát và chư Hộ pháp kết hợp với thực hành các thủ ấn, thiền quán sắc thân và pháp thân chư Phật tương ứng.

Trong giai đoạn này, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra sự hiện diện của các lạt ma Tây Tạng đã mang theo và dịch thuật các Mật điển như Mật điển Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja) và Hỷ Kim cương (Hevajra). Tuy nhiên các bản kinh văn này thường được cho là chuyển dịch và tu trì muộn hơn vào đầu thế kỷ XI trong triều đại Bắc Tống.

Học giả Orzech tóm tắt những diễn biến trong thời kỳ đầu nhà Đường như sau:

“Trước tiên nhiều kinh văn được dịch thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với thần chú và dhāranī. Nhiều bản kinh văn chỉ chuyên luận về một dhāranī, nghi lễ và vị Phật, Bồ tát tương ứng. Thứ hai, xuất hiện của các bản kinh văn mô tả chi tiết thứ lớp các mật chú, kỹ thuật thiền quán và các phương thức tu trì. Người thực hành cần phải được bậc thầy đủ phẩm hạnh khẩu truyền và chứng minh việc tu trì ”(4).

Mặc dù có thể chưa tạo thành một tông phái độc lập, đồng thời các phương pháp thực hành ban đầu mang tính đơn lẻ, nhưng đã dần được tích hợp vào các hệ thống giáo lý Mật tông toàn diện.

Những phát triển Mật tông ở các triều đại về sau

Các truyền thừa Chân ngôn tông cũng như Phật giáo Trung Quốc nói chung phải chịu những cuộc đàn áp nặng nề dưới thời Hoàng đế Vũ Tông vào giữa thế kỷ IX. Tuy nhiên, một số dòng truyền vẫn tiếp tục cho đến ít nhất là triều đại nhà Tống, đặc biệt là ở các khu vực xa kinh đô. Vào đầu thế kỷ XI dưới triều đại Bắc Tống, phong trào dịch thuật kinh điển Phật giáo, bao gồm cả Mật điển, đã phát triển mạnh mẽ.

Việc thực hành và ảnh hưởng của một số phương diện giáo lý Mật tông vẫn tiếp tục tại Trung Quốc xét ở ba phương diện: Thứ nhất, qua nhiều thế kỷ đã hình thành nên các nhóm hành trì chuyên nhất từng nghi quỹ với đầy đủ các nghi thức, được hướng đạo bởi các bậc thầy Mật tông đủ phẩm hạnh.

Ví dụ, học giả Robert Gimello đã mô tả sự phổ biến của việc tu trì nghi quỹ Phật mẫu Chuẩn Đề với việc trì tụng dhāranī, sử dụng ấn quyết và thiền quán mạn đà la Chuẩn Đề vào cuối thế kỷ XVII trong khoảng thời gian giữa sự sụp đổ của nhà Minh và sự thành lập triều đại Mãn Thanh(5).

Thứ hai, đã có một sự hồi sinh Phật giáo Mật tông đời Đường ở Trung Quốc và các cộng đồng nói tiếng Hán khác dựa trên các giáo lý Chân ngôn thừa và Thiên Thai của Nhật Bản. Sự hồi sinh này bắt đầu vào đầu thế kỷ XX trong Thời kỳ Cộng hòa và có thể được coi là một phần của dự án phục hưng và 'hiện đại hóa' Phật giáo Trung Quốc bằng cách khảo cứu và đánh giá lại truyền thống(6).

Một số tăng sĩ và cư sĩ đã đến Nhật Bản để nghiên cứu và tu học giáo pháp Chân ngôn tông và Thiên thai tông, rồi khi trở về Trung Quốc, các vị hoằng dương trở lại các giáo pháp này. Đại Dũng, đệ tử của pháp sư Thái Hư, đã đến Nhật Bản vào năm 1921. Ông tham dự Đại học Phật giáo Mật tông trên núi Kōya.

Tại đây ông nghiên cứu và thụ nhận những trao truyền trong cả hai hệ thống Mandala Kim Cương Giới và Thai Tạng Giới từ bậc thầy Kanayama Bokushōy và đã được tấn phong A-xà- lê. Ông trở lại Trung Quốc vào năm 1923, thiết lập và ban các lễ quán đỉnh ở Thượng Hải và Hàng Châu, sau đó đáp lại lời mời của ngài Thái Hư, ông đến giảng dạy Phật giáo Mật tông tại Học viện Phật giáo Ngũ Xương.

Kinh Đại nhật

Ông cũng nghiên cứu Mật tông Tây Tạng và dành phần còn lại của cuộc đời mình để tích hợp các thực hành của truyền thống Mật tông Nhật Bản và Tây Tạng(7).

Một tu sĩ khác đến Nhật Bản tu học cùng thời điểm là Tèsōng. Ông tham học dưới sự hướng đạo của ngài Kanayama Bokushō và được tấn phong danh hiệu A-xà-lê. Khi trở về Trung Quốc, ông đã truyền trao nhiều giáo pháp Mật tông, ban quán đỉnh và chủ trì nhiều nghi lễ hộ quốc. Sau này ông còn thọ nhận một số luận giảng về Mật tông từ một bậc thầy Thiên Thai. Tèsōng đã soạn nhiều bài luận giảng về Phật giáo Mật tông.

Cư sĩ Vương Hồng Nguyên, nổi tiếng với bản dịch cuốn Khái lược Phật giáo Mật tông, xuất bản vào năm 1918, được trước tác bởi ngài Gonda Raifu, một tăng sĩ dòng Chân ngôn tông Nhật Bản. Bản dịch này hiện vẫn còn được in và phổ biến rộng rãi ở Hồng Kông và Đài Loan.

Những sự kiện sau này của thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn cách mạng văn hóa vào cuối thập niên 60, đầu 70, ít nhiều đã làm gián đoạn việc thực hành Phật giáo Mật tông đời Đường ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, Mật tông vẫn phát triển ở Hồng Kông và Đài Loan. Ở Hồng Kông, các hành giả thực hành Mật tông không thành lập dòng truyền thừa, nhưng vẫn duy trì sợi liên kết mật thiết với Chân ngôn tông Nhật Bản và vẫn thường gửi đệ tử đến Nhật Bản để nhập môn.

Thứ ba, ảnh hưởng của Mật tông trong Phật giáo Trung quốc hiện đại là sự tích hợp các giáo lý vào các tông phái khác. Bên cạnh Thiên thai tông thì hai tông phổ biến trong Phật giáo Trung quốc là Tịnh Độ và Thiền tông, cũng kết hợp các yếu tố trong giáo lý của Mật tông. Một ví dụ điển hình là Kinh Lăng nghiêm (Śūrangama), tiếng Trung là Đại Phật đỉnh thủ Lăng nghiêm Kinh.

Bạch Tản cái Bồ tát

Mặc dù Kinh Lăng nghiêm được tìm thấy trong phần Giáo lý Mật truyền của Tuyển tập kinh điển Đại Chính, nhưng đồng thời cũng là bản kinh văn căn bản của Thiền tông và trên thực tế là một trong những kinh văn có ảnh hưởng nhất của Phật giáo Trung Quốc hiện đại. Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, kinh Lăng nghiêm là bản kinh văn quan trọng đầu tiên được nghiên cứu bởi các tu sĩ mới xuất gia trong các Thiền viện, ít nhất là từ triều đại nhà Minh.

Đại sư Hư Vân cũng tu trì bản kinh này, đặc biệt rất coi trọng diệu dụng các mật chú trong bản kinh.

Một trong những khái niệm trung tâm là Như Lai Tạng (Tathāgata Garbha) chứa đựng tiềm năng giác ngộ vốn sẵn đủ nơi trong tất cả chúng sinh tương ứng với quan niệm Mật tông cùng với các kỹ thuật Thiền ‘trực chỉ chân tâm’ được khai ngộ bởi một vị thầy đủ phẩm hạnh.

Phần Mật truyền trong bản kinh là Đại Phật Đỉnh Quang vinh Lăng Nghiêm (Mahā Sitātapatra), Đại Bạch Tán Cái, Vô thượng Tâm chú cùng những hướng đạo chi tiết về cách thức kiến lập đàn tràng, vật phẩm cúng dường chư Phật, các biểu tượng chư Phật, chư Bồ tát tương ứng trên các phương vị. Ngoài ra cũng có yêu cầu nghiêm ngặt người thực hành phải thọ nhận giới luật từ thành viên Tăng đoàn ‘thực sự thanh tịnh’, đã thuần thục các phương pháp định tâm và có năng lực thiền quán.

Trong bảy ngày đầu tiên kiến lập đàn tràng, các hành giả phải đi nhiễu quanh đàn tràng và niệm chú đủ số lượng, đồng thời định tâm nơi nguyện lực, thiền quán sắc thân chư Phật, chư Bồ tát. Cho dù đây là một văn bản quan trọng của Thiền Phật giáo nhưng yếu tố Mật trong bản kinh văn này rất rõ ràng, bao gồm việc trì tụng các mật chú, kiến lập đàn tràng mạn đà la với các điện thờ tương ứng với chư Bản tôn, Bồ tát và Hộ pháp. Các thực hành được tích hợp trong một hệ thống tu trì nghiêm ngặt với mục đích đạt tới quả vị Phật tối thượng.

Phật giáo Mật tông tại Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển dài lâu với tông chỉ và hệ thống đường lối tu tập đặc trưng.

Tác giả: TS Anh Vũ & La Sơn Phúc Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024 ***

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Kieschick, J. (2017). A primer in Chinese Buddhist writings, Stanford, CA: Stanford University. Kleeman, J., & Yu, H. (Eds.), p.44.

(2) Kieschick, J. (2017). Sđd, Stanford, CA: Stanford University. Kleeman, J., & Yu, H. (Eds.), p.65-68.

(3) Shi, W. G. (2017). 密教史A history of esoteric teachings, Hong Kong: 資 本文化有限公司 (Capital Culture).

(4) Esoteric Buddhism and the tantras in East Asia, Boston, MA: Brill. Payne, R. K. Wisdom Publications (2006).

(5) Boston, MA: Brill. Gimello, R. (2004). Icon and incantation: The goddess Zhunti and the role of images in the Occult Buddhism of China, Images in Asian religions: Texts and contexts, Vancouver: University of British Columbia Press, p.71–85.

(6) Bianchi, E. (2004). The tantric rebirth movement in modern China: Esoteric Buddhism re-vivifi by the Japanese and Tibetan traditions. Acta Orientalia Academiae Scientiarum Hungaricae, p. 31–54.

(7) Deng, Z. M., &Wang, J. (2016). 唐密在近代中國. 每日頭條, Tang Esoteric Buddhism in Modern China.