Đạo đức Phật giáo là đạo đức bình đẳng. Với học thuyết bình đẳng, Phật giáo không chấp nhận sự đánh giá con người dựa trên giai cấp, màu da, địa vị xã hội hay giới tính mà đánh giá con người thông qua hành vi đạo đức và trí tuệ của họ.
Thích Duy Tuệ Học viên Cao học - Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tóm tắt: Khát vọng về một nền đạo đức học hiệu nghiệm, đúng đắn và phổ quát luôn là nhu cầu chính đáng của con người. Điều đó đã trở thành động lực thúc đẩy con người tìm kiếm những giá trị đạo đức không chỉ ở các trường phái triết học mà còn trong lĩnh vực tôn giáo. Nhưng trong tôn giáo cũng chứa đựng đầy rẫy các luận giải siêu hình, những mệnh lệnh mang tính giáo điều và đòi hỏi lòng tin tuyệt đối ở đấng tối cao, v.v… thì riêng Phật giáo không phải là một tôn giáo như thế, và đạo đức Phật giáo có thể được xem xét như là đạo đức học phổ quát dành cho tất cả mọi người. Từ khóa: Đạo đức, đạo đức Phật giáo, đạo đức học,…
1. Lý thuyết chung về đạo đức Phật giáo
Trên phương diện từ nguyên, thuật ngữ “đạo đức học” (ethics) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là “ēthikós” và liên quan với từ “ethos”nghĩa là phẩm hạnh, tiếng Latin quen gọi là “triết học đạo đức” [1]. Bên cạnh chữ “ethics”, khi bàn về đạo đức học người ta thường đề cập đến chữ “moral/morality” (luân lý). Chữ này mang nghĩa là “các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc của hành vi tốt” (standards or principles of good behaviour) [2].
Khi truy nguyên về thuật ngữ “đạo đức” trong Phật giáo, học giả Damien Keown cho rằng không có một từ nào liên hệ đến “đạo đức” (ethics) được tìm thấy trong các bản kinh Ấn Độ cổ. Thay vào đó, khái niệm gần đúng nhất với nó là sīla (giới), thường được dịch là “luân lý” với ý nghĩa nghiên về hành vi có kỷ luật hoặc sự thu thúc bản thân [3]. Cũng theo Damien Keown, ông cho rằng chữ sīla biểu thị lĩnh vực xuất sắc về đạo đức và có thể được dịch bằng một loạt các từ tiếng Anh tùy theo yêu cầu của ngữ cảnh để thay thế cho nhau như “morality” (luân lý), “virtue” (đức hạnh) và “good conduct” (hạnh kiểm tốt)[4]. Như vậy, dựa trên nghiên cứu của các học giả thì sīla (giới hạnh) là thuật ngữ chỉ cho đạo đức Phật giáo.
Theo giải thích của từ điển, sīla có gốc là ‘sīl’. Ngữ căn ‘sīl’ có hai nghĩa: ‘Upadharana’ là “tự nhiên, thói quen, quy tắc đạo đức, sự thực hành đạo đức hay đạo đức học Phật giáo” (nature, habit, code of morality, moral practice, Buddhist ethics)[5] và ‘Samadhi’ (sự định tâm)[6]. Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), sīla có nghĩa là ‘chế ngự’: Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, chế ngự bằng tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng kham nhẫn, chế ngự bằng tinh tấn; sīla có nghĩa ‘kết hợp’, vì nó kết hợp ba nghiệp thân khẩu ý hướng tới thánh thiện; sīla có nghĩa là ‘nền tảng’, vì nó làm cơ sở cho thiện pháp phát sinh; sīla còn có nghĩa là ‘thanh lương’, vì nó khiến cho người giữ giới thân tâm được mát mẻ [7].
Tổng kết, qua các khái niệm và định nghĩa, rõ ràng thuật ngữ sīla mang tính đa nghĩa và sâu sắc hơn khi giải thích về lĩnh vực đạo đức so với “ethics” hay “morality”. Thế nên, người viết cho rằng đạo đức Phật giáo có chút khác biệt so với lý giải của đạo đức học thế tục. Nếu đạo đức thế tục chỉ là sự đánh giá dựa trên phong tục tập quán hay thói quen của con người liên quan đến hành vi đúng-sai và thiện-ác, thì đạo đức Phật giáo không hoàn toàn mang ý nghĩa như thế, mà nó là một khoa học của việc tu tập luân lý đạo đức. Sự tu tập này bao gồm kỷ luật đạo đức (sīla), sự định tâm (samādhi) và trí tuệ (paññā) để dẫn người tu tập đến đời sống giác ngộ lý tưởng[8]. Đây mới là mục đích thật của Giáo dục đạo đức Phật giáo.
2. Năm đặc trưng cơ bản của đạo đức Phật giáo
Thứ nhất, đạo đức học Phật giáo được thiết lập dựa trên nền tảng của đạo lý nhân quả - nghiệp báo. Đặc điểm của loại hình đạo đức này là khẳng định quyền tự do của ý chí con người, chính con người phải tự chịu trách nhiệm cho những ý nghĩ và hành vi của mình. Như Kinh Pháp cú (Dhammapada) thuộc Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya), viết: “Tự mình làm điều bất thiện, tự mình làm ô nhiễm; Tự mình không làm điều bất thiện, tự mình được thanh tịnh; Tịnh, không tịnh tự mình, không ai thanh tịnh ai” [9].
Với ý nghĩa trên, thì mọi sự thăng tiến hay suy đồi đạo đức cũng như cảnh giới tái sinh là tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau đều là kết quả của những hành động có chủ ý của con người, hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên, may rủi hay do thánh thần nào sắp đặt. Do đó, các học thuyết siêu hình có liên hệ đến ngẫu nhiên luận (ahetu-apaccayavāda), định mệnh luận (pubbekatavāda) và thần ý luận (issara-nimmānavāda) đều không có chỗ đứng trong Phật giáo. Lập luận này cũng trực tiếp mở ra vấn đề cốt lõi của đạo đức Phật giáo đó là: con người có thể chuyển nghiệp, nghĩa là làm thay đổi quả của các nghiệp cũ bất thiện (akusala kamma) bằng cách chủ động tạo các nghiệp mới thiện lành (kusala kamma).
Như vậy, theo quan điểm Phật giáo, con người ta không nhất thiết phải chấp nhận và chờ đợi kết quả của nghiệp cũ bất thiện trong quá khứ. Thay vào đó, bằng sự rèn luyện đạo đức cá nhân với ý nghĩ, lời nói và hành động thiện lành, con người hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt đẹp trong cả hiện tại và tương lai.
Thứ hai, đạo đức Phật giáo là đạo đức nhân bản, lấy tiêu chí tự chứng tri làm nguyên tắc cho mọi sự thực hành đạo đức. Bằng cách này, Phật giáo khẳng định sự hoàn thiện đạo đức và chứng ngộ tâm linh ở một người chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực rèn luyện cá nhân, không thể có sự giúp đỡ nào từ các năng lực siêu nhiên hay Thượng đế.
Theo đức Phật, vị trí con người là tối thượng nhất, mỗi người là chủ nhân của chính mình. Do vậy, Ngài không bao giờ nhân danh là đấng tối cao hay bất kì vị thần linh nào, mà Ngài chỉ nhân danh con người, một con người đã đoạn tận các lậu hoặc (Khīṇāsava: Bậc Lậu Tận) [10]. Thế nên, mọi thành tựu của đức Phật đều phát xuất từ nỗ lực và trí tuệ của Ngài, không phải do thần linh ban thưởng. Đó cũng là lý do đức Phật thường dạy chúng sinh hãy nương theo giáo pháp để thực hành, hãy coi đó là vị thầy của mình [11].
Thứ ba, đạo đức Phật giáo là đạo đức bình đẳng. Với học thuyết bình đẳng, Phật giáo không chấp nhận sự đánh giá con người dựa trên giai cấp, màu da, địa vị xã hội hay giới tính mà đánh giá con người thông qua hành vi đạo đức và trí tuệ của họ. Như Kinh Trường bộ có viết: “Chúng sinh tin giai cấp, Sát-đế-lỵ là tối thắng; Ai đủ cả trí đức, tối thắng giữa nhân thiên” [12]. Dựa vào quan điểm này, đức Phật sẵn lòng thu nhận tất cả những ai phát tâm xuất gia vào trong giáo đoàn của Ngài, bất kể xuất thân của họ là nô lệ hay quý tộc, thương nhân hay ngoại đạo.
Trong sinh hoạt giáo đoàn, đức Phật cũng không dựa vào xuất thân hay giai cấp để đặt ra bất cứ đặc quyền hay hạn chế nào, mọi người đều bình đẳng ngang nhau trong Pháp và Luật của Như Lai.
Thứ tư, đạo đức Phật giáo là đạo đức vị tha. Học thuyết đạo đức này được thiết lập dựa trên cơ sở của trí tuệ và tâm từ bi lớn, nhấn mạnh đến hành động dấn thân đi vào cuộc đời với mong muốn đem đến sự bình an và hạnh phúc cho số đông. Suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh của đức Phật là biểu hiện sinh động nhất của tinh thần vị tha. Điều đó được chính Ngài tuyên bố như sau: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chính đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [13].
Nội dung của tuyên bố trên còn khẳng định lập trường nhất quán của đức Phật về sứ mạng hoằng pháp của Ngài và chúng đệ tử là: giáo dục giúp chuyển hóa con người từ ác thành thiện, từ phàm nhân thành thánh nhân, qua đó hướng đến xây dựng một lối sống đạo đức chuẩn mực và lành mạnh để chấm dứt mọi khổ đau.
Thứ năm, đạo đức Phật giáo là con đường thực nghiệm để hướng đến giải thoát. Bản chất của vấn đề này nói lên tính tất yếu của tri thức và sự hành trì đạo đức phải song hành với nhau. Nói cách khác thì “đạo đức Phật giáo cần phải đem ra hành trì, thực hiện, không phải để lễ bái cầu xin. Có thực hiện, người hành trì mới hưởng được hạnh phúc an lạc” [14].
Quan điểm trên còn cho thấy vai trò “Đạo sư” (Satthā, Maggakkhāyī) hay “Lương y” (Bhisakka) của đức Phật. Theo đó, trách nhiệm và bổn phận của Ngài là chỉ cho con người thấy rõ bản chất của khổ, nguyên nhân đưa đến khổ; đồng thời Ngài cũng dạy cho con người biết về con đường đưa đến sự diệt khổ để có được đời sống an vui, giải thoát. Vì thế, con người muốn đoạn trừ những khổ đau trong đời sống thì nhất thiết phải học tập và hành trì theo lời Phật dạy. Không thể có một phép màu hay đặc ân nào có thể giúp cho con người đạt được sự bình an và hạnh phúc ngoài những nỗ lực tu tập từ chính bản thân họ.
3. Kết luận
Thông qua việc tìm hiểu những đặc điểm căn bản về đạo đức học Phật giáo, có thể kết luận rằng, đạo Phật là một trong những tôn giáo đề cao quyền tự chủ tuyệt đối của con người. Chính tư tưởng tự chủ này đã giúp cho con người thoát khỏi sự chi phối của các thế lực tà kiến và thần quyền, trả lại vị trí tối thượng của con người trong thế giới. Bằng cách đó, Phật giáo bác bỏ mọi thái độ hoài nghi hay ỷ lại của con người. Đòi hỏi con người cần phải nỗ lực để quán triệt và thể nghiệm chân lý, một khi chân lý đã được thể nghiệm thì vị ngọt của giác ngộ giải thoát sẽ là thành quả xứng đáng cho con người.
Thích Duy Tuệ - Học viên Cao học - Học viện PGVN tại Tp.HCM
*** Chú thích:
[1] H. Saddhatissa (2017), Đạo đức học Phật giáo, tr. 27. [2] A.S. Hornby (2014), Từ điển song ngữ Anh - Việt: Oxford Advanced Learner's Dictionary, tr. 1035. [3] Damien Keown (2016), Dẫn luận về đạo đức Phật giáo, tr. 53. [4] Damien Keown (1992), The Nature of Buddhist Ethics, p. 19. [5] T.W. Rhys Davids & William Stede (2018), Pali-English Dictionary, p.712. [6] Ibid. [7] Thanh tịnh đạo, tập 1, tr. 24-26. [8] Thích Nhật Từ (2022), Bản chất đạo đức học Phật giáo, tr. 303. [9] Kinh Tiểu bộ, tập I, tr. 65. [10] Kinh Tăng chi bộ, tập I, tr. 377. [11] Kinh Tương ưng bộ, tập I, tr. 673. [12] Kinh Trường bộ, tr. 557. [13] Kinh Tăng chi bộ, tập I, tr. 56. [14] Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, tr. 8.
Tài liệu tham khảo I. Nguồn chính Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu dịch (2015), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu dịch (2015), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Kinh Trung bộ, Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải dịch (2020), NXB. Hồng Đức, Hà Nội. II. Nguồn phụ Damien Keown (1992), The Nature of Buddhist Ethics, Palgrave Macmillan, NewYork. Damien Keown (2016), Dẫn luận về đạo đức Phật giáo, Thái An dịch, NXB. Hồng Đức, Hà Nội. Hornby, A.S. (2014), Từ điển song ngữ Anh - Việt: Oxford Advanced Learner's Dictionary, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. Rhys Davids, T.W. & William Stede (ed.) (2018), Pali-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi. Saddhatissa, H. (2017), Đạo đức học Phật giáo, Thích Thiện Chánh dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Thích Nhật Từ (2022), Bản chất đạo đức học Phật giáo, Thích nữ Diệu Nghiêm dịch, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
Bình luận (0)