Tác giả: TKN. Trung Bảo Giác Ngọc
HVCH Khoá IV Học viện PGVN tại Huế
1. Dẫn nhập
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hiện đại hoá, con người được xem là chủ thể, trung tâm, hạt nhân của sự phát triển. Thật vậy, con người chính là đối tượng thừa hưởng những thành tựu từ sự phát triển vượt bậc đem lại. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là giữa sự tiện nghi vật chất nhưng con người luôn đối diện thường trực với nội tâm bất an, căng thẳng, sợ hãi do nhiều tác nhân gây ra.
Dưới góc nhìn Phật giáo, gốc rễ của dòng tâm lý mang khuynh hướng thiện hay bất thiện bắt nguồn từ tam nghiệp thân, khẩu và ý. Đây là ba nhân tố dẫn dắt toàn bộ hành vi, lời nói, tư duy và cảm xúc của con người.
Bài viết đi sâu làm rõ sự vận hành của tam nghiệp theo hai chiều hướng gồm: hướng tích cực đưa đến tam nghiệp thanh tịnh, phật tính hiển bày và hướng tiêu cực là nguồn gốc của khổ đau, nghiệp lực hình thành. Từ đó, đề xuất phương pháp tu tập vừa rèn luyện đạo đức cá nhân qua hành động, lời nói biểu hiện chất liệu trí tuệ, từ bi. Đồng thời, vừa thanh lọc chuyển hóa khổ đau, khai mở khả tính giác ngộ trong mỗi người, góp phần lan tỏa giá trị giải thoát, định hướng đời sống hạnh phúc chất lượng cao trong cộng đồng.
2. Nội dung
2.1 Tam nghiệp nhìn từ góc độ kinh luật luận
Trong hệ thống giáo lý Phật giáo, tam nghiệp gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không chỉ là ba phương diện tạo tác của con người mà còn là ba dòng năng lượng tương tục, chi phối toàn bộ đời sống của con người. Thực chất, tam nghiệp chính là thân hành, khẩu hành và ý hành. Nói khác hơn, hành là một chi phần trong dòng vận hành của 12 nhân duyên và hành là một yếu tố căn bản của năm uẩn đưa đến sự hình thành của con người.
Về nội hàm, thân nghiệp bao gồm những hành vi, cử chỉ, việc làm. Khẩu nghiệp là những lời nói. Ý nghiệp là các tư tưởng, ý niệm, ý chí. Ba nghiệp này luôn tạo tác, nhưng để được gọi là nghiệp thì phải có sự chủ ý, tác ý theo những cường độ khác nhau. Bản chất của tam nghiệp luôn huân tập, hiện hành và chịu tác động bởi chính tự thân đã tác khởi trong quá khứ, hiện tại và đưa đến kết quả ở tương lai.
Trong kinh điển Nikāya, đức Phật xác chứng rằng việc giữ gìn thân, khẩu và ý thanh tịnh là điều kiện tiên quyết để đoạn trừ khổ đau, sống an vui hạnh phúc và thể nhập giải thoát. Cụ thể, trong Kinh Pháp cú đề cập:
“Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch”[1]
và như thế “tâm ý trong sạch” chính là giá trị cốt lõi của sự thanh tịnh tam nghiệp, xây dựng mẫu người đạo đức.
Trong hệ kinh văn Nguyên thuỷ cho đến hệ thống kinh điển Đại thừa, đức Phật luôn khẳng định sự tu tập chân chính phải bắt đầu từ việc điều phục thân, điều phục khẩu và điều phục ý, vì đây là ba cửa ngõ dẫn đến thành tựu phạm hạnh và giải thoát ngay trong hiện tại.
Dưới góc độ luật tạng, tam nghiệp được xem là nền tảng căn bản để đức Phật thiết lập giới luật và sinh hoạt của Tăng đoàn mang tính hoà hợp và thanh tịnh, đồng thời giúp cho cư sĩ phật tử nuôi dưỡng thiện căn, sống đời an lành hướng thiện.
Trên thực tế, đức Phật trong 12 năm đầu chưa chế giới, do đó sự nghiêm trì giới luật của đệ tử Phật được thể hiện qua bài kệ:
“Thiện hộ ư khẩu ngôn
Tự tịnh kỳ chí ý
Thân mạc tác chư ác
Thử tam nghiệp đạo tịnh
Năng đắc như thị hành
Thị đại tiên nhân đạo”[2].
Nội hàm của bài kệ chuyển tải về sự khéo léo giữ miệng lưỡi lời tiếng, tự mình làm thanh tịnh tâm ý của mình, thân thể không làm ác, đó là con đường đưa đến sự thanh tịnh ba nghiệp và cũng là đạo lộ của cõi lành, cõi trời. Đây chính là mục đích trọng yếu trong các giới kinh đề cập.
Mặt khác, theo Thanh tịnh đạo luận cho rằng: “Khi tương ưng với thiện tâm thì hành ấy là thiện, tương ưng với bất thiện tâm là bất thiện và khi tương ưng với tâm bất định thì hành là bất định?”[3]. Trên cơ sở đó, các luận tạng như Thanh tịnh đạo luận hay Đại trí độ luận tiếp tục phát triển khái niệm tam nghiệp thành những phạm trù triết học và tâm linh sâu sắc nhằm làm rõ mối liên hệ giữa hành vi, lời nói, ý niệm có tác động trực tiếp đến đời sống tu tập từ nội tâm đến hình thức. Có thể nói rằng, trở về chuyển hoá bất thiện tâm và an trú trong nguồn tâm thanh tịnh chính là mục tiêu của hành trình tu tập.
2.2 Phật tính hiển lộ khi tam nghiệp thanh tịnh
Dựa trên nền tảng kinh tạng Nikāya, tư tưởng Đại thừa triển khai sâu hơn khái niệm Phật tính như là bản thể giác ngộ vốn có trong tất cả chúng sinh, căn nguyên vì bị che lấp bởi vô minh, tham dục và nghiệp chướng ràng buộc.
Trong Kinh Đại bát niết bàn khẳng định rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”[4]. Nhưng vấn đề đặt ra, làm thế nào để hiển bày Phật tính uyên nguyên sẵn có đó, nói khác hơn chính là sự kiện giác ngộ không đến từ bên ngoài mà phải được thực hiện từ sự thanh tịnh ba nghiệp.
Dưới lăng kính của Duy thức học, phật tính được nhìn nhận như những chủng tử thanh tịnh được lưu giữ trong A lại da thức. Khi ba nghiệp được điều phục, dòng vận hành của các chủng tử thiện được nuôi lớn, các chủng tử ô nhiễm bị chuyển hóa, tâm thức sẽ chuyển dần từ ô nhiễm sang thanh tịnh, từ phân biệt sang bình đẳng nhất thể.
Rõ ràng, khi ý niệm thanh tịnh thì thân và khẩu sẽ tương ưng thanh tịnh theo. Cho thấy, tâm ý có vai trò chủ đạo trong quá trình làm hiển lộ phật tính bằng phương pháp thiền định. Điều này chứng minh phật tính không phải là khái niệm trừu tượng, siêu hình mà là trạng thái tâm linh có thể được tiếp cận và kiểm chứng qua sự chuyển hóa nội tâm, cụ thể là sự tu tập trên thân, khẩu và ý.
Từ đó, có thể thấy rằng con đường đi đến giác ngộ không phải là một lý tưởng xa vời mà là một tiến trình cụ thể, bắt đầu từ việc thanh tịnh hóa ba nghiệp trong đời sống thường nhật.
Việc tu học không chỉ để biết mà sâu xa hơn chính là chuyển hóa ba nghiệp. Liên hệ vấn đề này, đức Phật đã dạy: “Ai ở đây từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có chính kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác”[5]. Đây là lời tuyên bố xác chứng về sự tu tập đối với thân nghiệp được điều phục bằng giới, khẩu nghiệp được nuôi dưỡng bằng chính ngữ và ý nghiệp được chế ngự bằng chính niệm và thiền định.
Trên nền tảng đó, trí tuệ phát sinh khi tam nghiệp được chính niệm soi sáng. Ngược lại, có trí tuệ thì tam nghiệp hành xử một cách đúng đắn và chân thật.

2.3 Phương pháp tịnh hóa tam nghiệp
Trước hết, phải nói rằng sự tu tập tịnh hóa tam nghiệp không thể tách rời lộ trình Tam vô lậu học: Giới - Định - Tuệ, đây là trục xương sống, trụ cột cốt lõi, phương thức căn cơ của mọi truyền thống Phật giáo. Cụ thể, đức Phật giải trình rõ về bản chất vận hành cũng như con đường đưa đến sự đoạn tận hành uẩn: “Về Hành uẩn, có sáu tư (hay hành): sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Ðây gọi là Hành uẩn. Do xúc khởi nên tư khởi, do xúc diệt nên tư diệt. Bát Thánh đạo là con đường đưa đến tư (hành) đoạn diệt, dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát”[6].
Thực chất, giới là nền tảng đầu tiên giúp hộ trì các căn và chuyển hóa bất thiện nghiệp nơi thân và khẩu. Do vậy, khi người tu giữ giới cơ bản không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh trong các dục cho đến không nói dối, không nói lời ác, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều. Hệ quả đưa đến các hành vi tạo tác sai lệch được đình chỉ, miệng nói lời ái ngữ, nói lời chân thật, từ đó hình thành nếp sống đạo đức chuẩn mực. Kế đến, thiền định là bước thứ hai, giúp thuần tịnh ý nghiệp, vô hiệu hoá tham sân si bằng cách chuyển hoá, rửa tâm, đưa tâm an trú trong chân tâm Phật tính. Khi tâm định, vọng tưởng lắng xuống, tâm ý không còn bị phân tán bởi dục vọng hay sân hận. Kết quả, tuệ giác hưng khởi, từ đó hành giả thấy rõ bản chất vô thường, duyên sinh vô ngã của nghiệp, đoạn trừ chấp thủ vào cái tôi cố hữu, tự ngã tạo nghiệp.
Nhờ vào sự thăng chứng tuệ giác thấy biết như thật thực tại đang là, tam nghiệp không chỉ được điều chỉnh theo hướng thiện, hướng thượng mà còn được chuyển hóa tận gốc rễ. Thực tế cho thấy, trong Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, đức Phật dạy rõ rằng: “Này Rāhula, trong thời hiện tại, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tịnh hoá thân nghiệp, tịnh hoá khẩu nghiệp, tịnh hoá ý nghiệp; tất cả những vị ấy, sau khi phản tỉnh như vậy nhiều lần, tịnh hoá thân nghiệp… tịnh hoá khẩu nghiệp… tịnh hoá ý nghiệp. Do vậy, này Rāhula sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tịnh hoá thân nghiệp… tôi sẽ tịnh hoá khẩu nghiệp… tôi sẽ tịnh hoá ý nghiệp. Như vậy, này Rāhula, ông cần phải tu học”[7]. Chứng tỏ việc tu tập tam nghiệp là vấn đề then chốt, trọng yếu mà đức Phật đã dạy và người học Phật cần phải ghi nhớ, như lý tác ý để quán triệt thực thi nhằm đem lại lợi ích ngay trong đời sống tự thân.
Hơn nữa, việc tịnh hóa tam nghiệp không chỉ là lý thuyết mà đòi hỏi thực tiễn tu hành tinh tấn dũng mãnh trong đời sống hằng ngày. Điều cần nhắc đến ở đây, kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, phương thức tu tập dựa trên sự dung hợp Thiền - Tịnh - Mật theo thời khoá cố định.
Thực tế minh chứng, xuyên suốt dòng chảy của lịch sử Phật giáo dân tộc khởi nguyên từ ngài Mâu Tử, Thiền sư Khương Tăng Hội, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường, Thiền phái Trúc Lâm cho đến dòng Liễu Quán, Chúc Thánh và cho đến ngày hôm nay, ba yếu tố đó vẫn là sợi chỉ đó đưa hành giả đi thẳng trên bước đường tu nhân học Phật, thành Phật.
Bên cạnh đó, yếu tố thiền giữ vai trò chủ đạo được hiểu mọi pháp môn đều quy chiếu về thiền. Bởi lẽ, đức Phật đã nhấn mạnh:
“Không thiền không trí tuệ
Không trí tuệ không thiền
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết Bàn”
(Kinh Pháp cú, kệ 372).
Trong Lục độ tập kinh truyện 74, tờ 39b16 - 20 như sau: “Tâm tịnh đắc bỉ tứ thiền, tại ý sở do, bất văn kiến, tâm tịnh quán minh, đắc nhất thiết trí” (Lòng sạch, được bốn thiền kia, theo ý tự do, không đâu là không thấy nghe, lòng sạch thấy sáng, được nhất thiết trí). Đến thời Trần, việc tu hành an tịnh thân tâm, chứng ngộ thế giới thiền Phật bằng “lòng lặng mà biết” (Tâm tịch nhi tri). Và như thế, thiền chính là hơi thở của cuộc sống, thiền chính là nhận chân được chân tâm phật tính hiện hữu nơi tự thân.
Mặc khác, làm tươi mới tâm, kiểm soát thân và khẩu thông qua niệm Phật, trì chú và sám hối. Niệm Phật giúp tâm luôn ghi nhớ một đối tượng thuần tịnh, làm tiêu tan vọng niệm và dần hình thành một dòng tâm thức nhất hướng. Rõ ràng,“Niệm là nhớ nghĩ; niệm Phật là nhớ nghĩ đến Phật, lấy tâm chúng ta gắn liền với Phật. Vì thế, không cần niệm ra tiếng, nhưng niệm Phật trong lòng, lúc nào cũng nghĩ đến Phật thì 84.000 phiền não trần lao sẽ bị diệt trừ”[8]. Đồng thời, các nghi thức sám hối như Hồng danh sám hối, Lương Hoàng sám hay Thủy sám không chỉ là hình thức lễ bái mà còn là phương pháp tẩy rửa tâm giúp hành giả quán chiếu lại các nghiệp bất thiện đã tạo, phát lộ ăn năn và phát nguyện không tái phạm. Đây là những phương pháp biện tâm mang tính trị liệu sâu sắc, khơi thông tâm lý và tái tạo năng lượng tích cực trong tâm thức.
Điểm đáng nói hơn hết, một môi trường lý tưởng để thực hành tối ưu tịnh hóa tam nghiệp là vào mùa An cư kiết hạ, một truyền thống thiêng liêng trong Tăng đoàn.
Trải qua thời gian ba tháng an cư, hành giả sống nội trú, chuyên tâm hành trì, giảm thiểu giao tiếp bên ngoài để tập trung vào huân tu Giới - Định - Tuệ.
Thông qua các thời khóa tụng kinh, lễ sám, niệm Phật, trì chú được thực hiện đều đặn và nghiêm túc, không chỉ “chế tâm nhất xứ” mà còn điều phục tam nghiệp. Chính trong khung cảnh tịnh tu này, nội tâm người hành trì dễ dàng an định, làm tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng tuệ và thể nhập tâm và tuệ giải thoát.
Như đức Phật dạy: “…Hãy xem, có hạng người an trú và thấy rõ vô thường trong các pháp hữu vi, tưởng vô thường, giác tỉnh vô thường trong tất cả mọi lúc, liên tục, không gián đoạn, với tâm biết rõ vô thường, với không gián đoạn, với tâm biết rõ vô thường, với tuệ thể nhập vô thường, do đoạn ở các lậu hoặc, vị ấy thể nhập và an trú vô lậu tâm giải thoát..; Này các Tỷ Kheo, đây là hạng thứ nhất đáng được cung kính, cúng dường. Có hạng người an trú và thấy rõ khổ đau trong các pháp hữu vi...; Này các Tỷ Kheo, đây là hạng người thứ nhất đáng được cung kính cúng dường”[9]. Nhờ vào sự hành trì miên mật kiến tạo công phu từ công đức tu tập, các hành giả an cư xứng đáng là phước điền vô thượng cho giới tại gia hộ trì và gieo trồng hạt giống phước lành.
Kết quả cho thấy, tịnh hóa tam nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn lan tỏa hiệu ứng tích cực ra cộng đồng xã hội. Sự kiện đức Phật thành đạo với một trong mười mỹ hiệu của ngài chính là “Điều Ngự Trượng Phu” minh chứng đức Phật đã khéo léo điều phục và chế ngự thân, khẩu, ý. Không những thế, đức Phật còn hướng dẫn chúng sinh đường hướng bỏ ác làm lành bằng sự thanh tịnh ba nghiệp. Đây được xem là học thuyết căn bản để xây dựng con người hoàn thiện. Có thể nói, một cộng đồng mà nhiều người cùng kiến tạo và chữa lành hệ sinh thái bên trong của chính mình sẽ góp phần phát huy nền văn hóa từ bi, hiểu biết, hòa bình cùng nhau phát triển xã hội bền vững.
Sự phát triển bền vững trước hết là xây dựng hình mẫu con người đạo đức, hướng thiện và kiên định tỉnh thức, đây chính là nhân tố tích cực trong chiến lược trồng người.
Xa hơn nữa, khi con người hưng khởi tâm an lạc, tâm thanh tịnh được mở rộng đến mọi loài và môi trường sẽ góp phần sống hoà điều giữa con người và thiên nhiên.
Và như thế, có thể khẳng định rằng:
“Chính pháp khéo hành trì
Đem lại chân an lạc
Chân lý giữa các vị
Là vị ngọt tối thượng
Phải sống với trí tuệ
Được gọi sống tối thượng”[10].
Việc hành trì điều phục ba nghiệp thân khẩu ý không chỉ là hành trình tâm linh cá nhân mà còn là con đường chuyển hóa tập thể nhằm làm hiển lộ Phật tính tiềm tàng nơi tự thân. Nói theo tinh thần Kinh Pháp Hoa một sự thật hiển nhiên là “Phật chủng tùng duyên khởi” hàm nghĩa giống Phật do duyên sinh[11]. Tâm điểm triết lý của câu này được hiểu “Theo chúng ta thấy rõ hạt giống Phật tuy đã có, nhưng cũng cần gặp đủ duyên thì hạt giống này mới phát triển được, căn lành đời trước đã tạo, gặp thiện tri thức, có tăng thượng duyên… Nương theo thiện tri thức chỉ dẫn, hạt giống Phật của chúng ta phát được thì huệ phát sinh”[12].
Một trong những điều kiện tiên quyết để hạt giống Phật nảy mầm phải dựa vào yếu tố căn lành đã tạo, gặp thiện tri thức dẫn đường, có tăng thượng duyên hội đủ sẽ hỗ trợ bước đường tu của chúng ta.
Chừng nào con người vận dụng lời Phật dạy, sống và thực hành chính pháp đến đâu thì phật tính sẽ theo duyên khởi hiển lộ từng phần cho đến toàn phần.
3. Kết luận
Tựu trung, tịnh hóa tam nghiệp thân, khẩu, ý không chỉ là nền tảng của giới luật và thiền định mà còn là con đường trực tiếp đưa đến sự hiển phát khả tính giác ngộ nơi mỗi con người. Khi ba nghiệp được thanh tịnh hóa bằng chính niệm, chính kiến, chính tư duy, tâm đức và tuệ đức thì mọi hệ luỵ vô minh, phiền não, tham dục, chấp thủ dần được rơi rụng, làm khơi nguồn tuệ giác vô thượng soi sáng ngay trong từng hành vi, lời nói và ý nghĩ của mỗi con người.
Thực tế, phật tính không ở đâu xa mà chính là ở ngay bản tâm thanh tịnh trong từng sát-na tỉnh thức. Do vậy, người tu học cần bắt đầu từ việc thanh lọc ba nghiệp trong từng khoảnh khắc hiện tại, lấy giới làm nền tảng, định làm trụ cột, tuệ làm ánh sáng. Hệ quả minh chứng rằng sự chuyển hóa ba nghiệp chính là chuyển hóa khổ đau. Không những thế, tịnh hoá tam nghiệp không chỉ là mục tiêu tu hành mà còn là biểu hiện sống động của phật tính hiện tiền.
Vì thế, thông điệp của Phật giáo kêu gọi mọi người hãy trở về với tự thân, sống chính niệm trong từng hành động, lời nói và suy nghĩ, đó là lúc phật tính đang hiển lộ giữa đời thường. Đây là sự đóng góp thiết thực của Phật giáo đối với sự phát triển bền vững của xã hội.
Chú thích:
[1] HT.Thích Minh Châu & Nguyên Tâm - Trần Phương Lan (dịch) (2020), Kinh Tiểu bộ, tập 1, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 1296.
[2] HT.Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, bản pdf, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 8 - 9.
[3] Buddhaghosa, Thích nữ Trí Hải (dịch) (2014), Thanh tịnh đạo luận, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 217.
[4] HT.Thích Trí Tịnh (2006), Kinh Đại bát niết bàn, tập 1, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 239.
[5] HT.Thích Minh Châu (dịch) (2023), Kinh Trung bộ, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 1044.
[6] HT.Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 226.
[7] HT.Thích Minh Châu (dịch) (2023), Kinh Trung bộ, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 451 - 452.
[8] HT.Thích Trí Quảng (2005), Hành trang của người học Phật, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 50.
[9] HT.Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 197-198.
[10] HT.Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Tương ưng bộ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 330.
[11] HT.Thích Trí Tịnh (dịch) (2010), Kinh Pháp hoa, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 82.
[12] HT.Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, quyển II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 93 - 94.
Tài liệu tham khảo:
1. Buddhaghosa, Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2014), Thanh tịnh đạo luận, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Tương ưng bộ, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu & Nguyên Tâm - Trần Phương Lan (dịch) (2020), Kinh Tiểu bộ, tập 1, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu (dịch) (2023), Kinh Trung bộ, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
5. Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh,.
6. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
7. Thích Trí Tịnh (dịch) (2010), Kinh Pháp hoa, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Trí Tịnh (2006), Kinh Đại bát niết bàn, tập 1, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
9. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, quyển II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
10. Thích Trí Quảng (2005), Hành trang của người học Phật, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.
11. Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, bản pdf, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
Tác giả: TKN Trung Bảo Giác Ngọc - HVCH Khóa IV - Học viện PGVN tại Huế
Bình luận (0)