Tứ Nhiếp Pháp là cả một phương pháp khéo léo, phương tiện thiện xảo thu phục lòng người một cách năng động, hữu hiệu, đưa người về với đạo. Thực tế, khi chúng ta gần gũi người, yêu thương người chân thật, hướng người theo cùng một hướng đi để quay về với chính pháp nhiệm mầu. Chúng ta xây dựng được một Tịnh độ nhân gian ngay trong kiếp sống này. Xây dựng một xã hội quy chuẩn đạo đức, an hòa.
Tác giả: Thích nữ Thông Thành Học viên Cao học ngành Triết học Phật giáo - Khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
DẪN NHẬP
Bản nguyện của người con Phật là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Hay nói một cách mộc mạc hơn là “tự lợi” và “lợi tha”. Đây là hai phạm trù không thể tách rời của một hành giả hướng đến sự giác ngộ. Vì sao? Bởi vì, “tự lợi” chính là “trí tuệ”, hành giả đêm ngày tinh tấn dẹp trừ cấu uế phiền não, đạt định sinh trí tuệ. “Lợi tha” chính là lòng “từ bi” đưa người cùng qua bờ giác. Tự lợi và lợi tha cũng chính là trí tuệ và từ bi, là hai thứ không thể tách rời và là cốt lõi của người đệ tử Phật luôn hướng đến. Tuy nhiên, để đi đến điểm đích cao đẹp ấy, hành giả phải thật là khéo léo, uyển chuyển, ứng dụng, vận dụng lời Phật dạy vào ngay đời sống và phù hợp với hiện tại.
Chúng sinh căn tính không đồng, để đem lợi lạc thật sự về cho họ là điều không phải dễ. Nói không phải dễ không có nghĩa là không làm được. Mọi thứ đều có phương pháp để vận dụng, quan trọng là vận dụng như thế nào? Chổ nào? Đúng thời, đúng lúc sẽ phát huy được ưu điểm lớp nhất. Do đó, trên con đường hoàng pháp lợi sinh, đức Phật đã dạy cho những người con thân yêu của mình một phương pháp có công năng thu nhiếp và cảm hoá mọi người một cách hiệu quả nhất đó là pháp Tứ Nhiếp. “Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong bốn nhiếp sự. Hoặc một nhiếp thủ là bố thí, hoặc một nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một nhiếp thủ là đồng lợi. Ở trong thời quá khứ, những pháp nào đã nhiếp thủ đại chúng trong thời quá khứ cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Những pháp nào sẽ nhiếp thủ đại chúng trong thời vị lại cũng không ngoài bốn nhiếp sự”[1].
NỘI DUNG
Chương I. Tổng quan về Tứ nhiếp pháp
Định nghĩa
Tứ nhiếp pháp hay còn gọi là bốn pháp tế độ, xuất phát từ cụm từ “Saṅgātha Vatthu”; nghĩa là sự thu phục, sự nhiếp hoá, cảm hoá hay sự tế độ. Đây là bốn pháp, bốn nguyên tắc sống mà người hành đạo cần ấp dụng để nhiếp hoá, cảm hoá chúng sinh, hướng dẫn chúng sinh tiến lên con đường phước thiện và đạo đức.
Tứ nhiếp pháp là gì? Đó là Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng sự nhiếp. Bố thí là sự ban bố của cải vật chất hoặc ban bố giáo pháp...Ái ngữ là lời nói êm ái, dịu dàng, làm cho người nghe thích thú. Lợi hành là làm lợi ích cho người khác bằng hành động, lời nói hoặc ý nghĩ... Đồng sự là bằng mọi cách để gần gũi, tham gia vào công việc của người ta để dễ bề giáo hóa họ[2].
“- Này các Tỳ kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỳ kheo,
Đây là bốn nhiếp pháp.
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Đối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng.
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha
Không được các người con
Tôn trọng và cung kính...
Do vậy bậc Hiền trí,
Đồng đẳng nhìn nhiếp pháp
Nhờ vậy họ đạt được,
Sự cao lớn, tán thán”[3].
Bố thí nhiếp (Dāna samgraha)
Nghĩa là cho đi, cho đi cùng khắp, cho với ý nghĩa nhiếp hoá, cảm hoá người khác bằng phương pháp bố thí: bố thí tài vật, bố thí pháp, bố thí sự không sợ hãi. Vì vậy, nó cũng được gọi là bố thí nhiếp sự hay bố thí tùy nhiếp phương tiện, túc dùng tâm vô trước để truyền đạt chân lý và thí xả tài vật[4].
Ái ngữ nhiếp (Priya vadita samgraha)
Cũng gọi là năng nhiếp phương tiện ái ngữ nhiếp sự với ý nghĩa nhiếp hoá, cảm hoá người khác bằng ái ngữ. đó chính là sử dụng lời nói hoà ái, dễ nghe; lời nói khôn khéo, thành thực; là lời nói của sự hiểu biết và cảm thông…
Lợi hành nhiếp (Artha carya samgraha)
Cũng là lợi ích nhiếp, tức là thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Lợi hành là những hành động, việc làm của mình có ích cho người khác. Nhiếp hoá, cảm hoá người bằng hành động có lợi lạc một cách chính đáng cho người.
Đồng sự (Samānarthatā samgraha)
Cũng gọi đồng sự tuỳ phương tiện với ý nghĩa là gần gũi chúng sinh để chia sẻ vui buồn của họ. Đồng sự nhiếp là cùng làm chung công việc, cùng chung môi trường sống, sinh hoạt, làm việc với mọi người, như mọi người để cảm hoá, nhiếp phục họ.
Nội dung Tứ nhiếp pháp
Danā: Bố thí
Chữ này mà dịch là bố thí thì nghe chưa được sang. Chữ này phải dịch là biết dùng vật chất đúng chỗ, đúng mức và đúng cách để cảm hoá người khác. Trong kinh điển Đức Phật dạy rất nhiều về sự bố thí, khuyên chúng đệ tử cả tại gia lẫn xuất gia thực hành gieo trồng phước đức, khen ngợi công đức bố thí. Bố thí là một pháp tu đòi hỏi chúng ta phải tinh tấn, có chính niệm và trí tuệ. Trước hết, Đức Phật dạy rằng khi bố thí, chúng ta phải biết nhận thức rõ ràng về vật cho, cách cho và tâm ý cho.
Trong Tăng Chi Bộ, Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; tâm cho được tịnh tín; sau khi cho được hoan hỷ”[5]. Như thế, khi bố thí, vật cho phải là vật trong sạch, vật thù diệu, vật thích ứng; cách cho phải là cho đúng thời, cho với sự cẩn thận, cho luôn luôn; và tâm ý cho phải là tâm tịnh tín khi cho, tâm luôn hoan hỷ sau khi cho. Chỉ có sự bố thí và nhận thí thanh tịnh mới được xem là thiện sự tối ưu, hoàn hảo đem lại lợi lạc chung cho nhiều người.
Trong tất cả các pháp môn thì yếu tố bố thí luôn đứng hàng đầu, bất kể anh tu tập pháp môn nào, tu tập ra sao.. Thì vai trò của bố thí luôn được đặt lên hàng đầu, nó là căn bản để loại bỏ lòng ham muốn cố hữu của con người, lòng dính mắc vào cái tôi và của tôi. Trong Kinh điển thì đề cập đến vai trò của Bố thí rất nhiều và nhiều cấp độ khác nhau, điển hình như:
- Dāna đứng đầu trong các hạnh ba la mật.
- Dāna đứng đầu trên bước đường tu tập của Phật từ tại gia.
- Trong năm pháp tài sản giàu có nhất của đời người gồm; tín- giới- văn-thí- tuệ, thì bố thí là hành trang rất cần thiết, là tư lương cho mọi người trong lộ trình hướng đến chỗ cao thượng, là bàn đạp hướng đến miền an lạc, hạnh phúc.
Thông thường có ba cấp độ bố thí như sau:
+ Bố thí bậc hạ: là sự giúp đỡ về phương diện vật chất như tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa, đồ ăn miếng mặc, thuốc men…giúp đỡ họ về mặt ngoại thân. Đôi khi những vật như cao quý khác như ngôi vua, vợ con, cũng thuộc về phương diện này nhưng nó cao cả hơn nhiều so với vật chất bình thường.
+ Bố thí bậc trung: là sự giúp đỡ thiên về nội thân, thuộc về phần nào đó của thân thể, như tay, chân, mắt hay giúp ai một quả thận…giúp ai đó mà trong phạm vi khả năng của mình, nó cao cả hơn so với giúp về phương diện vật chất.
+ Bố thí bậc thượng: là sự cho đi cao cả nhất, là sự bố thí cho đi cả thân mạng, hy sinh mạng căn của bản thân vì chúng sinh khác, thuộc về cấp độ bố thí cao thượng tối thắng.
Trong kinh Tăng Chi thì phân chia ra bố thí tài vật và bố thí pháp. Do giúp đỡ về mặt tài vật có công năng nhiếp hoá người khác, nên gọi là nhiếp hoá bằng tài vật. Còn bố thí pháp giúp chuyển hóa nội tâm, nhiếp hoá người bỏ ác làm lành, nên còn gọi là nhiếp hoá chúng sinh bởi pháp. Có nơi còn thêm bố thí vô uý, dùng lời nói hay hành động giúp đỡ chúng sinh vượt qua sự sợ hãi, bất an trong cuộc đời. Nhưng xét kỹ thì trong giúp đỡ về pháp đã hàm chứa sự bố thí vô uý rồi, khi giúp ai đó nhận rõ hay chuyển hoá thân tâm họ thì ngay đó sự sợ hãi đã không còn tồn tại, đưa đến trạng thái an ổn và bình an cho họ trong giây phút hiện tại.
Piyavaca: Ái ngữ
Ái ngữ ở đây là biết dùng lời, không phải là thảo mai đãi bôi, đầu môi chót lưỡi, ba xạo, mà ái ngữ ở đây là ngôn từ xuất phát từ trí tuệ và từ tâm, thấy lúc nào không có hai thứ này thì nên ngậm miệng. Nhờ trí tuệ ta nói điều hữu ích, nhờ từ bi nên ta nghĩ đến lợi ích của người đối diện. Lời nói nào mà thiếu hai điều này thì không thể xài được. Trong Chú giải ghi rõ, chính ngữ là lời nói dẫn đến phát triển Bát Chính Đạo, đó là nói rốt ráo. Còn ái ngữ ở đây thì không có cao siêu như vậy, chỉ là nói lời hợp lý, hữu ích và bằng tâm từ bi với người đối diện.
Nghĩa là lời nói tao nhã, hiền hoà, từ ái, mềm mỏng, như thuận, dịu dàng, là lời nói của sự hiểu biết và cảm thông…thông thường có hai loại ái ngữ sau:
Ái ngữ của người đời: thường dùng lời nói khéo léo để lấy lòng người, nhằm mục đích mua chuộc hoặc cám dỗ thu phục người khác, bởi nhiều lí do khác nhau nhằm mưu lợi cho bản thân. Hay chỉ là vì không muốn mất lòng ai đó, hoặc là vì các mối quan hệ ràng buộc trong cuộc đời mà nói năng nhẹ nhàng, mềm mỏng, sống khéo léo không mất lòng ai, đây cũng là điều tốt nhưng nó quá tiêu cực, vì đối với những ai không có lợi ích gì cho bản thân thì chẳng cần quan tâm lời nói ra sao. Xã hội bây giờ có những cuốn sách dạy ăn nói cho khéo như “khéo ăn nói sẽ có cả thiên hạ” hay như cuốn “đắc nhân tâm”, là cuốn sách mà mọi người đều ca ngợi. Ôi! dạy những phương pháp ăn nói khéo léo để lấy lòng người một cách máy móc, thiếu cái tâm chơn chính thì dễ trở thành người đạo đức giả.
Những người làm ăn buôn bán, vì lợi ích, vì muốn thật nhiều tiền mà dùng ái ngữ một cách thuần thục và có bài bản, đều vì tư lợi cá nhân. Hay những nhà truyền giáo, những bác sỹ…mở các phòng khám tư hay các trung tâm tu tập, trung tâm thiện nguyện… Nếu không sử dụng ái ngữ một cách khôn ngoan và khéo léo thì làm sao có thể hấp dẫn người khác đến được. Bởi thế nếu xuất phát từ cái Tôi thì dù làm dưới hình thức gì đều là vì tư lợi cho bản thân.
Còn và còn rất nhiều những hình thức ở thế gian, mà người ta sử dụng ái ngữ với mục đích chính trị, kinh tế, thương mãi, truyền giáo, buôn bán…trong đó ẩn dấu mưu đồ, thủ đoạn…đều không phải là ái ngữ của nhà Phật.
Ái ngữ trong Phật giáo: Nếu chỉ cần dụng tâm xem xét thì những lời nói văn hoa, chải chuốt bóng bẩy, dịu ngọt, dễ nghe, êm tai, vừa lòng, dễ mến…cái lỗ tai ấy, nó chỉ là cái đẹp ở hình thức bên ngoài, nó chỉ đem lại cảm giác vừa lòng cái lỗ tai đầy tính thị phi ấy, vừa lòng mình thì hay và tốt còn nghịch nhĩ thì khó nghe, khó tiếp thu.
Ái ngữ trong nhà Phật là thuộc chính ngữ, lời nói phải đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân, lời nói phải chuyển tải ngoài cái đẹp của hình thức phải có đủ cả cái ‘chân’ và cái ‘thiện’. nếu trong lời nói mà chỉ có cái ‘mỹ’ thiếu đi cái chân và thiện thì chỉ là lời nói hoa mỹ, phỉnh gạt, là đoá hoa giấy sặc sỡ mà không có hương thơm.Có năm yếu tố mà Đức Phật đã dạy trong Tăng Chi Bộ kinh, chương Năm pháp để một người có thể mang chính ngữ (mà ái ngữ chính là một phần trong chính ngữ) đến với tha nhân: “Này các Tỳ kheo, khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói được xem là thiện lành khéo léo, không phải là lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách. Thế nào là năm? Lời nói đúng thời điểm, nói những gì đúng sự thật, nói lời dịu dàng, nói những gì lợi ích, nói với tâm từ. Khi lời nói có được năm yếu tố này, thì lời nói ấy được xem là thiện lành khéo léo, không phải lời xấu ác, và không bị người trí chỉ trích và chê trách”[6].
Atthacariyā: Lợi hành
Lợi Hành là làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của người khác, dầu chỉ là một câu nói, là sự dấn thân trong các công tác từ thiện, từ ý nghĩ, lời nói và hành động đều đem lợi ích cho mình, cho người, cho cả cộng đồng. Đây là một phương diện khá rộng trong Phật giáo, liên quan rất nhiều công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành và hoạt động tại các tự viện, đạo tràng, tổ chức từ thiện thuộc Phật giáo. Chẳng hạn như góp tiền bạc hay công sức đắp đường, bắc cầu, xây nhà tình thương, nhà dưỡng lão, trại mồ côi, nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo, dấn thân dọn dẹp đường xá hay đồ đạc nhà cửa sụp đổ do bão lụt thiên tai gây nên v.v… Những hành động nói lên tinh thần phục vụ tốt đạo, đẹp đời, nêu cao phẩm chất từ bi hỷ xả của “Lợi hành nhiếp”, cùng nhau xây dựng nên những ngôi nhà ấm ấp, những ngôi nhà của sự yêu thương lan tỏa.
Và tinh thần Bồ Tát cũng vậy, một vị Bồ Tát, một vị hiền trí, cho đến một vị A La Hán như Đức Phật, ngài Xá Lợi Phất lúc nào cũng nghĩ lợi ích cho chúng sinh. Trong kinh nói ngài Xá Lợi Phất là một vị A La Hán, là vị huynh trưởng của tăng đoàn, mỗi sáng đi khất thực, đợi huynh đệ đi trước, Ngài đi sau. Ngài đi một vòng trong tịnh xá, hoặc là khu vườn huynh đệ ở chung, xem có cần quét rác, hốt lá, hoặc xách nước cho đầy, để huynh đệ đi bát về có nước dùng. Trong kinh có nói ngài có để ý khách gồm: cư sĩ, ngoại đạo tình cờ họ ghé ngang họ không có trách là mấy ông sư làm biếng. Một vị thánh, ngài có thần thông, có thể bay về trời, về núi. Nhưng ngài thì không, sống bình thường như vậy, ngài xách nước, quét rác v.v.., nghĩ từng lợi ích của chư tăng huynh đệ, đám đông mà ngài đang góp mặt. Đó là lợi hành.
Nghĩa là làm việc gì mà hai bên cùng có lợi, đừng vì cái lợi của mình mà hại người, mà cũng đừng vì lợi lạc cho người mà hại mình, phải là lợi ích an vui từ cả hai phía.
Đối với người thế gian thì thật khó để họ thực hiện ‘lợi hành’ đúng như hai bên đều có lợi, vì đa số lợi lộc của họ đều thuộc về mặt vật chất, luôn có xu hướng ăn chia đều theo tỉ lệ tính chất hợp tác. Nếu có chăng thì chỉ là lợi hành về mặt bề ngoài mà ẩn đằng sau là cả sự tính toán chi ly từng chút một.
Đối với người xuất gia thì chữ ‘lợi’ trong ‘lợi hành’ thuần tuý là cái lợi về mặt tinh thần, mục đích của người xuất gia là chuyển hoá nội tâm, giúp hướng tâm đến những điều cao thượng còn vật chất chỉ là những điều kiện phụ trợ, có thì tốt mà không thì cũng chẳng sao. Cái quan trọng là những hành động đưa đến giảm trừ muội lược tham, sân và si của mình và người. Đó chính là lợi của nhà Phật, còn những hành động nào đưa đến tăng trưởng và làm phát sinh tham, sân và si được gọi là hại. Trong kinh Tăng Chi, phẩm Ác Hạnh, đức Phật nói lên năm nguy hại của các ác hành thân, khẩu và ý, nếu không tu tập chuyển hoá thì chỉ đem lại khổ đau cho chính mình và mọi người. nên một người truyền đạo cần làm sao để giúp đỡ người khác chuyển hoá thân tâm theo chiều hướng tích cực thì hạnh phúc và sự an lạc luôn hiện hữu.
Samacariyā: Đồng sự
Trong lợi hành cũng có đồng sự và trong đồng sự cũng bao hàm lợi hành. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tinh thần đoàn kết keo sơn, tinh thần lục hoà, bình đẳng tạo nên một sức mạnh mà không có cái gì có thể phá vỡ được. Thân người khó được, nay được làm người, được sống chung cùng nhau, được làm việc, học tập, tu tập sinh hoạt cùng nhau, chúng ta hãy trân trọng và phát huy sức mạnh ấy mỗi ngày một lớn thêm.
Đồng sự là sống hoà mình, không kỳ thị phân biệt, không lánh nặng tìm nhẹ.
Ai ra sao mình cũng giúp đỡ. Có nghĩa là không phân biệt đối xử, mặc dù chúng ta có phân biệt trong trật tự tôn ti, có lễ phép, có kẻ trên người dưới, có phân biệt để giữ trật tự tôn ti, nhưng không phân biệt trong đối xử khinh trọng.
Nghĩa là bình đẳng với nhau trong mọi công việc, trong vui khổ hoạn nạn…tuỳ phương tiện để gần gũi chúng sinh chia sẻ vui buồn cùng họ, không thiên vị một ai trong đời sống của mọi người giữa cộng đồng.
Trong đời sống tu tập người xuất gia thì sống theo tinh thần thần lục hoà, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với nhau không ai được ưu tiên hơn. Tuỳ theo giới luật, tuổi hạ, mà ai đều có công việc đó. Không những mọi người đều làm đúng công việc tuỳ theo sức khoẻ và khả năng của mình, mà lại còn có thể giúp người khác một cách tự nguyện và hoan hỷ nữa.
Trong cộng đồng tập thể ngoài xã hội, thì ít có được việc ‘đồng sự’ hoàn toàn, các tổ chức phụng sự xã hội, gia đình Phật tử, các đơn vị quân đội, các tổ chức thiện nguyện…đều chỉ áp dụng một phần nhỏ của đông sự nhiếp, đa số đều là sự sai bảo trên quy tắc có lớn nhỏ, vai vế khác nhau, khó mà hoà mình vào chung với mọi người, vì lợi ích cho cá nhân hay cho tổ chức của họ. Thật đúng tinh thần đồng sự là cùng với mọi người bình đẳng nhau không khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người mình cần giúp đỡ thì mới đem lại kết quả tốt. Nên hai yếu tố hiểu và thương cực kỳ quan trọng trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Chương II. Công năng của Tứ nhiếp pháp
2.1. Tứ nhiếp trong đời sống tu tập
Giáo pháp của Phật luôn là phương tiện hướng dẫn người tu học đạt đến thành quả cuối cùng là giác ngộ và giải thoát. Phật pháp là giáo pháp dung thông, bất cứ một pháp môn nào cũng hàm chứa trong nó những pháp môn khác; một pháp môn có mặt trong tất cả pháp môn, tất cả pháp môn có mặt trong một pháp môn.
Bốn phương pháp cảm hoá này không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn đúng cho cả những tập thể. Nơi nào làm được những điều trên thì tập thể đó sẽ vững mạnh và những thành viên trong tập thể đó sẽ quý trọng, thương yêu nhau và lan toả tình thương, tình yêu, những chân giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Mỗi hành giả chúng ta sẽ thực tập như thế nào?
Đối với Bố thí, khi chúng ta ở gần một ai đó mà họ hay chia sẻ lợi ích vật chất cho đến tinh thần với người khác, tâm ta cảm thấy vui vẻ. Người đó có thực hành bố thí, nghĩa là đem lại lợi ích vật chất cho người, ngay lúc đó cũng mang tới cả lợi ích tinh thần (niềm vui) cho người nhận cũng như người biết được, hoan hỷ với sự chia sẻ đó. Trong chừng mực nhất định, pháp thí cũng chính là việc nỗ lực giảng giải và truyền bá rộng rãi kinh điển trong khả năng của mình. Sự vô úy thí chính là đem lại sự hiểu biết, sự an tâm và không sợ hãi cho người khác. Về điểm này, có thể thấy, không phải những anh hùng, siêu nhân thì mới có khả năng bảo vệ cho người khác, đem lại sự an tâm, không sợ hãi. Người thực tập lời Phật dạy cũng có thể làm việc đó và làm tốt bằng cách giữ giới. Giữ giới trong sạch là duy trì một lối sống đạo đức, thiện lành bằng những phương pháp hoặc những nguyên tắc sống lành mạnh. Trên tinh thần tự nguyện, hành giả nỗ lực vâng giữ, kiên tránh những điều bất thiện từ ý, khẩu, thân.
Đối với ái ngữ, từ xưa đến nay, loài người gây đau khổ cho nhau, chiến tranh liên miên, xung đột với nhau phần lớn là do lời nói. Nói những lời thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng, không cân nhắc suy nghĩ, làm tổn thương người khác, gây chia rẽ.... Từ đó làm đối phương khổ sở, oan trái lẫn nhau.
Vì vậy, khi phát ngôn điều gì ta cần xem lời nói của mình có đúng sự thật không, có đem lại sự dễ chịu cho người khác không, có đem lại lợi ích, sự hoà hợp và có đúng thời không.
Người xưa dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để nhắc lời nói khi phát ra không gây tổn hại cho bất cứ ai. Để được vậy, ta nên dùng lời ái ngữ, thái độ từ tốn, hiền dịu, hòa nhã, đoàn kết, yêu thương, xây dựng…
Khi gần một người luôn nói lời từ ái, dịu dàng, chân thật thì ai cũng sẽ có cảm tình, ngược lại, nếu tiếp xúc với những người hay nói lời ác ý, chua ngoa, cộc cằn, thô lỗ thì không thể cảm tình được. Do vậy, ái ngữ là một phương tiện hữu hiệu.
Cũng cần lưu ý, ái ngữ không chỉ là lời nói giữa người với người mà còn giữa người với loài vật. Trong chuyện tiền thân của Đức Phật trích trong Tiểu bộ kinh, tập IV có con bò Đại Hỷ ở nước Gandhara. Bấy giờ, có vị vua trị vì tên là Takkasila và tiền thân của Đức Phật là một con bò tên Nandivisàla (Đại Hỷ). Đại Hỷ được người chủ của mình chăm nuôi rất tốt. Tuy nhiên trong một lần cá cược với người bạn rằng Đại Hỷ có khả năng kéo được 100 cỗ xe cột chặt, anh ta bèn nói với Đại Hỷ: “Đồ ranh con, hãy kéo đi, đồ ranh con”.
Sau khi nghe những lời đó, con bò đã không thể giúp cho người chủ chiến thắng. Đến lần cá cược sau, người chủ sửa lại thành: “Này chú bạn hiền thiện, hãy kéo đi, chú bạn hiền thiện”. Và bò Đại Hỷ đã giúp ông chủ giành chiến thắng.
Qua câu chuyện này, đức Phật dạy các vị Tỳ kheo: “Này các thầy Tỳ kheo, ngay đến con vật cũng thích nghe những lời yêu thương nên này các môn đệ, các con hãy dùng những lời từ ái để nói với nhau chứ đừng đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi”. Sau đó Ngài nói bài kệ:
“Chỉ nói lời từ hòa
Không từ hòa, không nói
Ai nói lời từ hòa
Kéo đi được gánh nặng,
Khiến nó được tài sản
Do vậy, nó ưa thích”.
Lợi hành là những hành động đem lại lợi ích cho người khác. Một người có khi không có vật chất để bố thí cũng không có khiếu ăn nói nhưng có thể làm những việc lợi ích giúp cho người khác.
Lợi hành trong công việc hàng ngày là hành động trực tiếp đem lại lợi ích cho chúng sinh. Lợi hành trong việc tu tập là hành động giúp người tiến tu, học hiểu giáo pháp để áp dụng vào đời sống hàng ngày hầu đạt được giác ngộ và giải thoát.
Đồng sự là cùng làm việc chung với người, đồng cam cộng khổ để cảm hóa và giúp đỡ người theo lẽ phải, theo Chính pháp.
Mỗi người trong tập thể cùng hòa mình, cùng chung buồn vui, sướng, khổ là một nghệ thuật sống. Với tinh thần “không có gì quý hơn tình huynh đệ”, ta có thể quán niệm mình và huynh đệ là quyến thuộc Bồ-đề, rồi phát nguyện phải mến dưới trọng trên, sống trong tinh thần lục hòa. Tình đạo nương nhau chính là nương tựa dẫn dắt nhau trên bước đường cao thượng của giác ngộ, giải thoát. Xa lìa tình thân của thế gian để đón nhận tình đạo, cùng tiến tới chỗ ly dục, còn gì hạnh phúc hơn.
2.2 Tứ nhiếp pháp trong đời sống xã hội
Cuộc đời của đức Phật là bài pháp sống động cho tất cả mọi người nương theo tu tập. Sự thị hiện của đức Phật trên cõi đời này đã nói lên trọn vẹn tinh thần của Tứ nhiếp pháp mang thông điệp an lạc hạnh phúc đến cho mọi người “vì khổ đau của chúng sinh nên đức Phật thị hiện”. Nếu như không phải vì Lợi hành và Đồng sự nhiếp thì đức Phật đã không thị hiện vào trong bầu thai của Hoàng hậu Mada, con của vua Tịnh Phạn. đức Phật thị hiện như vậy là một đức Phật hiện thực lịch sử, một đức Phật rất người, từ trong cõi đời khổ đau sinh diệt này, từ trong cuộc đời ngũ trược ác thế này mà tu tập chuyển hóa để trở thành một vị Phật, như một đoá hoa sen sinh ra trong bùn, lớn lên trong bùn nhưng không ô nhiễm mùi bùn. Từ đó mọi người mới có thể đến tu tập theo giáo lý của Ngài để được giác ngộ giải thoát.
Chính vì vậy trong suốt 45 năm hoằng hóa độ sinh, đức Phật đã vân du đó đây bằng đôi chân trần của mình để thuyết pháp. Hễ chúng sinh nào có duyên đáng độ thì Ngài đến hóa độ, bình đẳng không phân biệt. Ưu Ba Ly, một người gánh phân thuộc giai cấp Thủ đà la đã được đức Phật lân mẫn, cận kề để đưa (đồng sự nhiếp) về với thánh đạo giải thoát. Và quả thật sau một thời gian ngắn Ưu Ba Ly đã chứng đắc A la hán quả, mà vua Ba Tư Nặc phải thán phục. Đức Phật đã từng trú trong một căn nhà nhỏ và chuyện trò với một anh thanh niên, đến nỗi anh không nhận ra đó là đức Phật, sau đó nghe những lời dạy vi diệu nơi vị Sa môn này anh mới nhận ra đó là đức Phật nên tỏ ra hối hận, nhưng đức Phật vẫn rất hoan hỷ. Nhiều lúc đức Phật còn phải đi tìm người để hóa độ khi thấy vị ấy cơ duyên đã chín muồi như trường hợp của ngai Ma ha Ca diếp, hay ba anh em ngài Ca diếp thờ thần lửa…Nói chung từ vua quan đến thứ dân bần cùng, dâm nữ Ambala, hay kẻ hung dữ như chàng Vô Não (Ăngulimala), thông minh lợi căn hay ngu đần độn căn đức Phật đều hóa độ.
Một câu chuyện rất cảm động vào mùa hạ an cư, đức Phật và chư vị Tỷ kheo lên phía Nam Ấn Độ nơi vùng đất đang trong mùa hạn hán, cây cối khô cằn, người dân không có lương thực để ăn, thế nhưng Đức Thế Tôn vẫn quyết định An cư tại đó. Mỗi ngày đi khất thực không có gì, có khi chỉ được một ít thức ăn, nhiều lúc như thế ngài Anan không cầm được nước mắt vì rất thương đức Phật và chư vị Tỳ kheo. Có lần ngài Anan mạnh dạn bạch với đức Phật nên đi đến một nơi khác có thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu để kiết hạ, liền bị đức Phật quở trách. Ngài bảo rằng các Tỷ kheo hãy thực hạnh hạnh kiên nhẫn chịu đựng, phải đồng cam cộng khổ với người dân vùng này để hóa độ cho họ. Thấy tình hình này vẫn kéo dài, Mục Kiền Liên bèn xin đức Phật cho mình vận thần thông làm cho đất tơi xốp, mưa thuận gió hòa để dân ở đây có thốc lúa để sinh sống. Đức Phật từ chối, bảo Mục Kiền Liên không nên làm như vậy mà hãy kham nhẫn chịu đựng cùng với bà con vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.
Đồng sự nhiếp là vậy, ở trong khó khăn mới có thể cảm thông mà chia sẽ sau đó tìm cách hóa giải và giúp đở họ vươn lên trong cuộc sống. Đây là tinh thần Bồ tát đạo nguyện dấn thân đi vào đời để hoá độ cuộc đời. Bồ tát đau cùng nỗi đau của chúng sinh và vui trong niềm vui của mọi người. Bồ tát luôn ở trong họ để hướng dẫn nâng đở họ đến với chính đạo giải thoát. Bồ tát Duy Ma Cật từng nói “Vì chúng sinh bệnh nên tôi bệnh”. Bồ tát Quán Thế Âm với 32 ứng thân ban cho chúng sinh sự vô uý tình thương và sự hiểu biết; ngài Địa Tạng lập nguyện ‘chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật’, Trì Địa bồ tát hóa người nông dân cuốc đất san đường…là sự thực hành một cách thuần thục pháp môn Tứ nhiếp pháp vào trong công việc độ sinh của mình. “Cái gương sáng nhất về phương diện lợi hành là cái gương Ngài Trì Địa Bồ Tát. Suốt đời, Ngài thường gánh đất đắp đường, ban cho bằng phẳng, hoặc bắc cầu để cho khách bộ hành đi lại được dễ dàng tiện lợi. Ngài thay người già gánh nặng, đẩy giúp cỗ xe lên dốc cao, chèo giúp cho người lái thuyền ngược nước...”[7]
Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần Tứ nhiếp pháp đã được thể hiện một cách rõ nét. Phật giáo nhập thế, Phật giáo đi vào đời tùy duyên nhi bất biến đã mang lại lợi lạc cho con người trong cuộc đời. Trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam thì có thể nói Phật giáo của hai triều đại Lý, Trần mang tính nhập thế một cách tích cực nhất. Phật giáo nhập thế là thể hiện tinh thần Tứ nhiếp pháp một cách hiệu quả vào trong đời sống con người, đem sự lợi ích đến cho nhiều người, và mang lại sự an bình thịnh vượng cho đất nước. Các nhà sư trong thời kỳ này đã khéo áp dụng Tứ nhiếp pháp, nhất là Lợi hành và Đồng sự nhiếp: Khuôn Việt, Vạn Hạnh, Đỗ Thuận thiền sư là những hình ảnh biểu mẫu của tinh thần này. Hình ảnh Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông vân du vào trong dân chúng để đem giáo lý thập thiện dạy cho mọi người là hình ảnh sống động của tinh thần Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự nhiếp. Chính từ sự vận dụng khéo léo và đầy trí tuệ này nên diện mạo của Phật giáo thời Lý, Trần được xem là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo.
Chương III. Tứ nhiếp pháp ứng dụng
3.1 Tứ nhiếp và vấn đề hoằng pháp hiện nay
Ngày nay, xã hội đang trên đà phát triển, nền kinh tế ổn định, cuộc sống của con người đang dần được cải thiện nhiều mặt. Tuy nhiên, con người vẫn đang đối diện với rất nhiều thảm họa từ thiên nhiên, bệnh tật và những vấn nạn xã hội. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Nhiều mãnh đời bất hạnh vẫn đang cần sự quan tâm chia sẽ. Khổ đau, sự bất an vẫn đang chồng chất lên kiếp sống con người. Do vậy, chất liệu của từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha vẫn là nhân tố quan trọng để xoa dịu nỗi khổ niềm đau mang lại an lạc hạnh phúc cho con người. Nhiệm vụ của người hoằng pháp vẫn còn rất nhiều ở phía trước, đòi hỏi hành giả hoằng pháp phải nổ lực nhiều hơn để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Nói đến hoằng pháp là nói đến những mẫu người luôn cống hiến hết mình vì vì lý tưởng, nguyện đem ánh sáng chân lý giác ngộ giải thoát gieo rắc cho đời, làm chuyển hoá khổ đau thành an lạc giải thoát. Xưa cũng như nay có rất nhiều mẫu người hoằng pháp để chúng ta noi theo học hỏi và thực hành. Thời Đức Phật còn tại thế có ngài Phú Lâu Na được mệnh danh là thuyết pháp đệ nhất trong chúng Thanh văn, đã cống hiến hết mình, quên thân vì đạo. Trong một mùa an cư hoàn mãn, Phú Lâu Na đến trình với Đức Thế Tôn có ý về quê hành đạo. Nơi ấy vốn là một nơi chưa được khai hóa; những giống dân cư trú nơi đó tính tình rất hung dữ và các vụ bạo động thường xãy ra thường xuyên, nên Đức Phật đã cân nhắc không biết Phú Lâu Na về đó hành đạo có tiện không. Phú Lâu Na bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Chính vì họ chưa được khai hóa nên chúng ta đến để giúp đỡ họ. Chính vì họ hung dữ bạo động, nên chúng ta phải đem đạo từ bi và phép hành xử bất bạo động đến. Con nghĩ con có thể thành công ở đó được”[8]. Đức Phật tiếp tục gạn hỏi:
Phú Lâu Na, nếu thầy đang thuyết pháp mà họ cứ tới la và chửi mắng thì thầy tính sao?
- Con nghĩ la ó và chửi mắng cũng chưa lấy gì làm dữ lắm. Họ cũng còn chưa liệng đá vào con.
- Nhưng nếu họ liệng đá và đồ dơ vào thầy?
- Liệng đá và đồ dơ cũng chưa lấy gì làm dữ lắm. Họ cũng chưa lấy gậy đánh con.
- Nhưng nếu lỡ họ lấy gậy đánh vào thầy?
- Như vậy họ vẫn còn hiền lắm. Vì họ chưa giết con.
- Nhưng lỡ họ giết thầy?
- Điều này không xãy ra đâu, bạch Đức Thế Tôn. Mà dù nó có xãy ra đi nữa thì chết vì đạo lý từ bi và bất bạo động vẫn là một cái chết có ý nghĩa, vì có thể giáo dục được người ta. Lạy Phật, người ta sống trên đời ai cũng phải một lần chết. Nếu cần chết vì lý tưởng từ bi và bất bạo động, con sẽ không từ nan[9].
Qua câu chuyện đối thoại giữa đức Phật và Tôn giả Phú Lâu Na cho chúng ta thấy được sự kiên định vững vàng của Ngài trên con đường phụng sự đạo pháp. Ngài Phú Lâu Na thực sự là biểu mẫu của người hoằng pháp để chúng ta noi gương. Vì Ngài đã làm đúng thiên chức “phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.
Hành giả hoằng pháp trong giai đoạn hiện tại, giai đoạn của nền kinh tế thị trường, giai đoạn của công nghệ truyền thông hiện đại, mọi người được tiếp cận với nhiều kho tàng tri thức và lưu lượng thông tin tiện lợi hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Thành thử họ sẽ kỳ vọng vào sự diễn giảng giáo lý Phật giáo sao cho phù hợp với những tiêu chuẩn mà họ đã tiếp cận và học hỏi từ các nơi khác. Do vậy, người hoằng pháp phải không ngừng trau dồi kiến thức học tập và tu dưỡng, có đầy đủ tố chất, đầy đủ phương tiện để trở thành một mẫu người hoằng pháp lý tưởng trong thời hiện tại.
Vận dụng triệt để phương tiện “Tứ nhiếp pháp”, hành giả hoằng pháp có thể thường xuyên vận động và tổ chức những chuyến viếng thăm từ thiện các trại cai nghiện, các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS, nhằm tiếp cận, động viên, chia sẻ những tâm sự vui buồn với bệnh nhân: Ái ngữ nhiếp: nói cho họ biết được tinh thần tự chiến thắng mình là sự chiến thắng cao thượng, chính ý chí phấn đấu phục hồi của chính bản thân họ, mới có một năng lực mầu nhiệm nhất để đưa họ trở về cuộc sống bình thường. Bố thí nhiếp: những vật thực, mền gối v.v..., mà mình đem đến cho họ chứa đựng sự cảm thông và xóa đi những mặc cảm tội lỗi, bịnh hoạn trong tâm hồn họ. Lợi hành và Đồng sự nhiếp: an ủi, khích lệ, phủ dụ, thân cận thăm hỏi có thể đem đến cho họ những thang thuốc bổ mầu nhiệm về mặt tinh thần, khiến cho sự phân biệt mặc cảm của họ tan biến và không cảm thấy có sự ngăn cách giữa họ và cộng đồng xã hội. Đối với những người nghèo khó, hoạn nạn do thiên tai bão lụt thì nên vận động uỷ lạo, cứu trợ để kịp thời giúp mọi người vượt qua cơn khó khăn, giúp họ ổn định lại cuộc sống.
Ở nước ta vẫn nhiều nơi như vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, …vẫn đang còn rất nhiều nơi đang khát khao và mong đợi Phật pháp. Thiết nghĩ tinh thần Tứ nhiếp pháp vẫn đang rất cần thiết. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của người hoằng pháp phải khéo vận dụng một cách linh hoạt vào trong công việc hoằng pháp của mình sao cho có hiệu quả, để mọi người đều được ân thiêm lợi lạc trong giáo pháp của đức Phật.
Nói đến hoằng pháp là nói đến pháp môn Tứ nhiếp pháp, nếu lìa pháp môn này hành giả hoằng pháp sẽ không có đất đứng trong sứ mệnh “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”. Nên Tứ nhiếp pháp vẫn có giá trị miên viễn trong việc giải quyết khổ đau mang lại an lạc hạnh phúc cho mọi người.
3.2 Lợi ích của pháp phương tiện tứ nhiếp
Con người ta khổ không phải vì không có hay thiếu phương tiện sống, mà khổ vì thiếu cách sống và một hướng đi đúng với bản thân. Muốn để hóa giải nỗi khổ đau thì con người phải học đạo, hiểu đạo và thực hành đạo, thực hành theo đạo là nền tảng cơ bản cho cuộc sống, hướng con người vào hành động chân chính, thu phục nhân tâm, nhằm làm cho xã hội ngày một vẹn toàn, an lạc hơn.
Tinh thần dấn thân phát nguyện, phát nguyện dấn thân vì đạo, để đến bất cứ nơi nào cần đến, nơi nào còn khổ đau, nơi nào đang khát khao ánh sáng chân lý thì hãy đi đến để giúp họ. Người xuất gia vì lý tưởng cao đẹp, phát nguyện dấn thân nên không nãn lòng lùi bước trước mọi khó khăn gian khó. Làm được như vậy chúng ta mới có thể gọi là báo Phật ân đức trong muôn một.
Tâm hành giả luôn hướng đến cứu cánh Vô thượng Chính đẳng Chính giác trong mọi tế hạnh của Tứ nhiếp pháp. Cho nên nhất nhất mọi hành động của thân, khẩu, ý, hành giả luôn ở trong chính niệm, trong sự tỉnh thức của một người sống vì mọi người, của một tâm nguyện vì an lạc, hạnh phúc cho nhân quần xã hội. Ví như chúng ta đang thực hành hạnh lắng nghe. Chỉ nghe thôi, chuyện ấy tưởng chừng rất đơn giản, nhưng nghe thế nào để người nguôi ngoai niềm đau, nỗi khổ? Nghe thế nào để người thức tỉnh cơn mê? Nghe thế nào để người tìm được chỗ sống trong hào quang chư Phật, trong sự nhiệm mầu của Chính pháp? Hành giả nghe bằng cách tôn trọng ý kiến của người, cẩn trọng khi đưa ra ý kiến, bình nghị khách quan, không cố chấp, không vị kỷ, không tranh đua thắng bại, chơn chính trong tư duy, chính trực trong ý nghĩ, đứng đắn trong hành động, để người người cùng hướng về Chân-Thiện-Mỹ, cùng đưa nhau đến bến bờ an vui. Vì dù cuộc đời vốn dĩ nhiều đau thương nhưng những người con Phật vẫn đem lại cho đời nhiều niềm vui, tìm thấy ý nghĩa chơn thường giữa vô thường.
Với thệ nguyện đã in sâu trong tâm trí, hành giả giữ vững tâm Bồ đề đi vào khắp chốn nhân gian này như đi vào đất Phật, cõi an lành cho muôn loài. Với Tứ nhiếp sự, hành giả sẽ vào đời trong sự buông thư, an lành, vì nhất cử nhất động đều thực thi trong chính niệm, trong tỉnh thức. Chúng ta biết rằng dù không phải mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng qua tất cả, với sức mạnh của tâm nguyện và nội lực của Bồ-đề tâm, hành giả sẽ vượt qua mọi chướng ngại và tiếp tục tiến lên phía trước. Điều thành tựu ở đây là trong mọi phương tiện thiện xảo để hoàn thiện mục đích hướng đến của chúng ta, tất cả hòa quyện, đan xen vào nhau một cách nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đến diệu kỳ. Đó chính là sự dung thông với nhau của Tứ nhiếp pháp. Như qua bố thí, là cơ hội cho hành giả tăng trưởng bi mẫn. Khi bố thí để người nhận an lạc, niềm vui không bao giờ bị che khuất vì mặc cảm nghèo hèn, thì niềm vui được chia sẻ của hành giả càng giúp cho lời nói, âm thanh phát ra là những ái ngữ trao tặng cho người. Và muốn có được ái ngữ đó, hành giả sẽ đặt mình vào chỗ đứng của người khác. Vì có hiểu mới có thương, như thế ái ngữ và đồng sự hòa quyện trong nhau để thành tựu nhiều lợi ích lợi hành cho tha nhân, đưa đến nhân cách tuyệt vời của người đệ tử Phật. Cho nên, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự ở trong nhau, tương thông, nương tựa nhau. Chúng tương tác, tương duyên, tương thuộc nhau mà thành tựu để đạt được tâm nguyện cao thượng của hành giả đi trên con đường giác ngộ.
KẾT LUẬN
Sự thực nghiệm bốn pháp lành ấy của hành giả. Trong ấy, bố thí không đơn giản chỉ là trao cho; ái ngữ, không thuần nhất là những lời nói dịu dàng đối diện tha nhân; lợi hành, không chỉ là những lợi lạc nhỏ nhặt qua thân, khẩu, ý; đồng sự, không phải ngần ấy sự đặt mình vào tâm tư, tình huống của người để giúp đỡ người vượt qua những khó khăn cuộc đời, những bất trắc của tâm tư buồn thương. Trên tất cả, Tứ nhiếp pháp là cả một phương pháp khéo léo, phương tiện thiện xảo thu phục lòng người một cách năng động, hữu hiệu, đưa người về với đạo. Thực tế, khi chúng ta gần gũi người, yêu thương người chân thật, hướng người theo cùng một hướng đi để quay về với chính pháp nhiệm mầu. Chúng ta xây dựng được một Tịnh độ nhân gian ngay trong kiếp sống này. Xây dựng một xã hội quy chuẩn đạo đức, an hoà.
Như vậy, đạo đức Phật giáo có vai trò rất quan trọng đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người. Đạo đức Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp nổi bật với tư tưởng về hành thiện, từ bi, đem tình yêu thương đến với mọi người, tu tâm, và xây dựng xã hội bền vững, đã định hướng cho cho lý tưởng sống con người và trở thành kim chỉ nam hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Rộng lớn nhất thế giới chính là đại dương, rộng lớn hơn đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn bầu trời đó chính là tấm lòng bao dung, khoan dung của con người. Từ Bi là gốc phát sinh ra mọi hạnh lành, là cốt lõi của Đạo Phật. Từ Bi chuyển hóa được tâm sân giận, hóa giải hận thù, thân tâm an lạc, không tạo nghiệp bất thiện, được mọi người quý mến, gia đình được hạnh phúc và xã hội được bình an. Chính vì vậy, mà con người đã tìm thấy ở đạo đức Phật giáo một nơi để gửi gắm niềm tin, một niềm an ủi tinh thần che chở họ trước những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Phật giáo luôn đề cao và ca ngợi những giá trị cao quý của lòng nhân ái, tình yêu thương con người, đặc biệt là lối sống hài hòa giữa mọi người với nhau trong xã hội và giữa con người với tự nhiên, tạo sự phát triển xã hội bền vững.
Tác giả: Thích nữ Thông Thành Học viên Cao học ngành Triết học Phật giáo - Khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế Chú thích [1] ĐTKVN, Kinh Tăng Nhất A-hàm, Kinh số 637, quyển 26. [2] Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr 58. [3] Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi I, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo, tr. 610-611. [4] Thích Quảng Độ dịch (2000), Phật Quang Đại Từ Điển, quyển 6. [5] Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi III, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo, tr. 617. [6] Thích Minh Châu dịch (2003), Tăng Chi Bộ Kinh II, VNCPHVN, Nxb. Tôn Giáo, tr. 701. [7] Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Tập 1, Nxb. Phương Đông, tr. 336 - 337. [8] Thích Nhất Hạnh (1992), Đường Xưa Mây Trắng, Nxb. Lá Bối, tr. 751-752. [9] Sđd, tr 752. Tài liệu tham khảo 1. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, Tập I, VNCPHVN, 1996. 2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, Tập II, VNCPHVN, 2003. 3. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Chi Bộ, Tập III, VNCPHVN, 1996. 4. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Tăng Nhất A-hàm, VNCPHVN, 2005. 5. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang Đại Từ Điển, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, 2000. 6. Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, Nxb. Lá Bối, 1992. 7. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Tập 1, Nxb. Phương Đông, 2011. 8. Thích Quang Nhuận, Phật Học Khái Lược, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, 2005.
Bình luận (0)