I. Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Đọc thêm: Chương trình Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc năm 2023: Kết nối tình thân và tinh thần hiếu hạnhChữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
II. Lễ Vu Lan là gì?
Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu của chúng ta nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Đây là tính nhân văn sâu sắc nhắc nhở mỗi con người chúng ta luôn nhớ đến bài học về chữ Hiếu thiêng liêng.
1. Báo hiếu như thế nào mới trọn vẹn?
Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi. Ðiều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng phạm vi báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân, độ thế”, “xá tội vong nhân” nhờ vậy mà được hình thành. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.
Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đến đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau. Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Nếu ai đó không thương cha, kính mẹ thì còn tệ hơn loài cầm thú. Vì vậy, chúng ta tự nhận mình là người thì phải biết tri ân và báo ân. Sống ở đời, có lòng hiếu đã khó, thực hiện nó lại càng khó hơn bởi không phải ai cũng có đầy đủ phúc duyên để phụng dưỡng và kính thờ cha mẹ như ý của mình.
Biết ân là phải thấy được sự có mặt của mình ở cõi đời này là từ đâu. Nhiều người trong chúng ta phủ nhận công sinh dưỡng từ cha mẹ, đã bội phản nói rằng tôi từ thần đá, thần đất, thần gió, thần lửa… sinh ra; từ đó đâm ra chửi cha, mắng mẹ, phá tán gia càng làm cho cha mẹ phải đau khổ suốt đời (trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân có chép). Báo ân là phải đáp đền ân đức cha mẹ sinh thành, dưỡng dục cho ta nên người. Chúng ta báo ân bằng cách lo từng miếng ăn, tấm áo, thuốc thang, và đỡ đần khi cha mẹ già yếu. Người theo Phật giáo khi báo ân cha mẹ phải nên hiểu rõ đạo lý báo ân để việc báo ân được kết quả hơn. Cha mẹ sinh ra ta cũng chỉ là người phàm, mắt thịt, nên những sự lỗi lầm, sai quấy xảy ra hằng ngày, đôi khi cha mẹ không thấy ra đó là tội hay phúc, chỉ vì tập quán và hoàn cảnh để sống còn. Nhưng trong tương quan giữa truyền thống với hiện đại. Xã hội dù văn minh đến đâu, dù cuộc sống no đủ thế nào thì mỗi người vẫn phải được cha mẹ nuôi dưỡng để trưởng thành, vì thế đạo hiếu vẫn luôn phải được đề cao.
Trong các năm gần đây, tác động từ lối sống chạy theo vật chất, lấy vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá quan hệ xã hội con người - gia đình, rồi thái độ sống vô cảm và ích kỷ... đã làm nảy sinh trong quan hệ cha mẹ - con cái một số hiện tượng đáng phê phán, phải được điều chỉnh để giữ gìn sự lành mạnh của đạo đức xã hội. Người coi đạo hiếu là nghĩa vụ nhiều hơn là tình cảm. Người dựa vào đồng tiền để ứng xử mà quên rằng đối với cha mẹ, đồng tiền không phải là tất cả. Thậm chí có trường hợp bạc đãi cha mẹ đã bị dư luận từng kịch liệt lên án.
Ngày nay, cuộc sống đã khác trước, nhận thức về thế giới, về nhân sinh cũng đã đổi thay. Con người sống với cuộc sống thực của mình, bằng bàn tay và trí tuệ của mình để làm nên cuộc sống cho bản thân, cho gia đình, xã hội. Cũng vì thế mà một hệ tiêu chí mới và tiên tiến về phẩm chất, hành vi của con người đã được xác lập. Ðó là tất yếu khách quan, là sự cần thiết của quá trình phát triển. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành, đạo hạnh đứng đầu trong “tứ ân” của nhà Phật, như kinh Phật viết: “Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết”, “tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu”...Vậy là khi lời của đức Phật dạy về một yếu tố của đạo lý làm người, gặp gỡ với tâm thức, với tình cảm của dân tộc đã “hóa thân” để ra đời một mỹ tục văn hóa “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu”. Nên bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án, cộng đồng chê cười.
2. Hiếu ở thế gian
Là người Việt Nam, ai cũng biết đôi câu lục bát: “Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất, tinh thần. Công cha nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nề nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng. Đó là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là thiết thực đối với từng người con, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn cũng như lúc yếu đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy từ ngàn xưa, qua lời ru của bà của mẹ, qua điệu hát câu hò, đạo hiếu là bài học đạo đức đầu tiên được truyền lại trong mỗi gia đình và đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn bảo lưu, gìn giữ những câu tục ngữ, ca dao khẳng định và bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành: “Lên non mới biết non cao; Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”, “Bao giờ cá lý hóa long; Ðền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa”, “Thờ cha mẹ, ở hết lòng; ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”, “Mẹ già ở tấm lều tranh; Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con”, “Chiều chiều ra đứng ngõ sau; Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều”,... Với những ai xao lãng đạo làm con hoặc mượn việc “báo hiếu” để làm điều sai trái, tiền nhân cũng nhắc nhở, chê bai: “Cá không ăn muối cá ươn; Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”. Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày “xá tội vong nhân”, như chúng ta vẫn nói đến câu: “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”. Tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời. Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát được siêu thoát.
Chúng ta nhận ra ở đây một yếu tố quan trọng góp phần làm nên cốt cách và truyền thống văn hóa của dân tộc là lòng nhân ái, là quan niệm bao dung để cùng xây dựng cuộc sống hài hòa. “Xá tội vong nhân” vừa là tình cảm dành cho người không may mắn, vừa thể hiện lòng vị tha với người từng có hành vi xấu xa đối với đồng loại. Và phải nói rằng, chính những điều này đã góp phần duy trì nền tảng đạo đức của xã hội Việt Nam truyền thống. Như một triết gia từng nói, mỗi huyền thoại đều chứa đựng một ý tưởng của con người về hiện thực, với mùa Vu lan và ngày "xá tội vong nhân", cha ông muốn nhắn nhủ với cháu con lời răn dạy về đạo hiếu, để có đạo lý làm người. Thành kính với cha mẹ là một mẫu số chung của văn hóa nhân loại, song mỗi nền văn hóa lại có các cách thức bày tỏ khác nhau.
Tuy nhiên, ở nền văn hóa nào thì những người con hiếu đễ vẫn là tấm gương đạo đức được cộng đồng đề cao. Với người Việt Nam, Vu lan còn là ngày cảm thương đồng loại, vì thế ý nghĩa đã được mở rộng, để mọi người đều được hướng tới điều tốt lành. "Trẻ cậy cha, già cậy con", báo hiếu là chuyện hằng ngày, ở tấm lòng, ở việc làm cụ thể. Cần truyền dạy trong các gia đình những gì đạo hiếu đòi hỏi, thông qua ứng xử của cha mẹ với ông bà, tổ tiên để trở thành tấm gương cho con cháu. Xem nhẹ yêu cầu này, không ai khác, cha mẹ sẽ chịu hậu quả.
Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ân đáp nghĩa của dân tộc.
3. Hiếu xuất thế gian
Đức Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật”, “hạnh hiếu là hạnh Phật”. Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu; nhưng thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu như thế nào cho đúng chính pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc.
Hiếu dưỡng cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của những người con Phật. Học theo hạnh Phật, trước hết phải là kiện toàn công hạnh của những người con chí hiếu. Nếu chưa tròn câu hiếu đạo thì không đủ tư cách làm người và dự phần vào hàng phật tử chân chính. Người con Phật chí hiếu nhận thức rõ về tác dụng của nghiệp trong dòng luân chuyển của sinh tử luân hồi, đồng thời phải định hướng cho cha mẹ tác tạo thiện nghiệp ngõ hầu thăng hoa đời sống trong tương lai. Mỗi người có một nghiệp riêng, do đó chiêu cảm quả báo khác nhau. Trong phương diện biệt nghiệp thì phước ai làm thì người ấy hưởng và tội ai làm thì người ấy chịu. Khi nghiệp chín muồi và trổ quả thì dẫu chí thân hay trọn tình đến mấy vẫn không ai có thể chịu thay. Do vậy, song hành với hiếu dưỡng, chu toàn cho cha mẹ hiện đời, người con Phật hiếu thảo còn hướng thiện cho cha mẹ để song thân được an lạc trong nhiều đời. Cho nên trong Kinh Tỳ Ni Mẫu, quyển 2, nói: “Nếu cha mẹ nghèo khổ bần hàn, thì trước hết phải khuyên cha mẹ thọ tam Quy, giữ ngũ Giới hay Thập thiện, rồi sau đó mới cung phụng vật thực, y áo; bởi vì chỉ có cách báo hiếu theo Phật pháp mới có thể giúp cho cha mẹ mãi mãi xa lìa khổ đau, thoát khỏi bần hàn, được vui an lạc”. Tư duy và chiêm nghiệm về lời dạy của Đức Thế Tôn để thấy mình vẫn chưa tròn câu hiếu đạo. Người thực sự hiếu kính cha mẹ như đất trong móng tay so với đất trên địa cầu nhắc chúng ta phải làm ngay những việc cần làm cho cha mẹ, đừng hẹn ngày mai để khỏi hối hận về sau.
Vì vậy những người con Phật chân chính ngoài việc tu tập chuyển hóa tự thân, chu toàn hiếu dưỡng, cần phải nỗ lực trợ duyên, khuyến hóa song thân tịnh tín Tam bảo, an trú thiện giới, hoan hỷ với hạnh cúng dường và nhất là thành tựu chính kiến. Chính tuệ giác của chính kiến sẽ soi sáng cho tất cả những pháp lành trên con đường thực hành Bát chính đạo. Nhờ đó mà những bậc cha mẹ hội đủ duyên lành, tác tạo nên nhiều thiện nghiệp, xa lìa ác đạo trong những đời sau. Đây chính là nét đặc thù của tinh thần hiếu đạo Phật giáo, đồng thời cũng là phương pháp báo hiếu đầy đủ và trọn vẹn nhất.
>> Đọc thêm bài: Vu Lan hiếu hạnh - vẹn tròn nghĩa ân Ý nghĩa Bông hồng cài áoTác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh - Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 7/2019
Bình luận (0)