[inline_related_posts title="Bài viết hay cùng chủ đề" title_align="left" style="list" number="6" align="none" ids="" by="tags" orderby="popular" order="DESC" hide_thumb="no" thumb_right="no" views="no" date="yes" grid_columns="2" post_type="" tax=""]Mùa Vu Lan báo hiếu cũng là mùa lễ hội tình thương, mùa của những đóa hoa hồng tươi thắm. Hãy cố gắng sống xứng đáng để bông hoa tình thương trong tinh thần tri ân và báo ân luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng, để nét đẹp thanh cao và mầu nhiệm ấy luôn tỏ sáng giữa cuộc đời, mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Chúng ta cần thực hành tâm Đại hiếu, để công đức tích lũy bởi lòng Hiếu hạnh được vô lượng viên mãn!
Đức Phật dạy: Này A Nan con, về bên nam giới trong lúc bình sinh, thường lui tới những chốn chùa chiền, nhờ có nhân duyên nghe kinh lễ Phật, kính mến tăng già, nợ trần đã qua, hồn về cõi Phật, bao nhiêu xương trắng, nhắc thấy nặng hơn là xương nam giới, còn như nữ giới trong lúc bình sinh, nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ, tổn hao khí huyết, mỗi một kỳ sinh, máu đặc trong mình chảy ra sáu đấu, mỗi người con bú, tám thùng bốn đấu, xương ở trong mình giảm bớt tinh anh, cho nên xương nhẹ và có sắc đen.
Tôi nghe Phật nói thương xót vô cùng, như dao cắt ruột, nước mắt chứa chan, hai hàng châu lệ, mà bạch Phật rằng: Lạy đức Thế Tôn, công ơn cha mẹ như non như bể, thăm thẳm nghìn trùng, lấy gì báo đáp, cúi xin đức Phật rủ lòng thương xót, dạy bảo chúng con.
Này A Nan con, về ân đức của mẹ, trong vòng mười tháng đi lại nặng nề, cưu mang nhọc mệt, khổ không kể xiết.
Khi nghe những lời dạy bảo của đức Phật mà trong lòng đau đáu, nhớ nghĩ lại lúc chúng ta ở trong thai mẹ mới đủ hình người ngồi trong bụng mẹ, khát uống nguyên khí, không ăn hoa quả, cùng là ngũ cốc, sinh tạng rủ xuống, thực tạng hướng lên, có một dãy núi gồm có ba quả: “Một là Tu Di, hai là núi Nghiệp, ba là núi máu”, núi này đồng thời hoá ra dòng máu, rót vào trong miệng.
Trong vòng mười tháng, trăm phần toàn vẹn, mới đến ngày sinh, nếu là con hiếu, chắp tay thu hình, thuận lối mà ra, không đau lòng mẹ; nếu là con bạc, giãy giụa bải bơi khiến cho lòng mẹ buốt chói từng hồi, như đâm như xỉa, như cấu như cào, như nghìn mũi dao, đâm vào gan ruột, đau đớn vô cùng, nói sao cho siết, sinh được thân này, mừng thay vui thay, yêu thay mến thay.
Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy từng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao Mẹ, Thầy.
Trong cuộc đời, chúng ta có một suối nguồn yêu thương vô bờ bến, đó là tình cha mẹ. Nhớ thuở nào nơi mái ấm gia đình ở quê nhà rộn ràng tiếng cười nói của song thân. Nhớ những lời dạy bảo đầy yêu thương nhưng không kém phần nghiêm khắc của cha. Nhớ những lời nhắc nhở, an ủi, hiền từ bao dung của mẹ, những khi chúng ta gặp sóng gió cuộc đời xô đẩy. Cha và Mẹ là hai đấng sinh thành, không ngại khó khăn gian khổ, hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy chúng ta nên người. Tình yêu thương cha mẹ đã thấm sâu vào trong máu thịt và nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn theo tháng ngày. Công lao, ân đức bao la trời bể của cha mẹ chúng ta không sao đếm được. Bởi không đếm được nên không biết lấy chi để đền đáp cho tròn chữ hiếu, cho tròn đạo con. Thế nên người con Phật muốn đáp đền công ơn cha mẹ, chúng ta phải tu tập đúng Chính pháp, học cách báo hiếu cha mẹ theo tinh thần của đức Phật dạy trong từng ngày từng giờ.
“Đức Phật dạy rằng, công đức của người có tiểu hiếu, trung hiếu chỉ bằng nắm đất trong tay móng tay Phật. Còn tâm đại hiếu rộng mở, hướng về cha mẹ, ông bà, cửu huyền thất tổ trong nhiều đời, nhiều kiếp, công đức ấy bằng cả quả địa cầu”.
Mùa Vu Lan hiếu hạnh - vẹn tròn nghĩa ân đã nhắc cho chúng ta tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, dù còn tại thế hay đã quá vãng. Nếu còn cha mẹ tại thế, chúng ta sẽ quay trở về bên vòng tay từ ái của bậc sinh thành để ý thức được rằng mình vẫn may mắn còn mẹ, còn cha, còn có thể kịp thời báo hiếu, bằng cách vâng lời, phụng dưỡng, bằng cách khuyên cha mẹ tu hành, quy y Tam bảo để có thể nương tựa vào con đường tâm linh. Với những ai cha mẹ đã quá vãng, chúng ta nên phát nguyện tụng kinh, niệm Phật, ăn chay trường trong suốt tháng, tích lũy công đức hồi hướng trọn vẹn để cầu nguyện cho cha mẹ của chúng ta được siêu thoát.
Trong bao kiếp trôi lăn trong luân hồi, chúng ta không chỉ có cha mẹ trong kiếp này, mà còn nhiều kiếp khác. Nếu đã từng sinh ra làm gà, có mẹ gà xoè đôi cánh ấp ủ cho chúng ta. Nếu từng làm mèo, có mẹ mèo cho chúng ta dòng sữa. Như vậy, dù lặn ngụp bao kiếp trong biển luân hồi, kiếp nào chúng ta cũng hưởng trọn tình thương của cha mẹ.
Trong đạo Phật, chữ hiếu là hạnh lành đứng đầu muôn hạnh, còn theo văn hóa Việt, tâm hiếu thảo là di sản tâm linh trân quý. Ngày xưa, đức Phật đã từng nhiều lần dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai người mà ta không thể trả ơn đó chính là cha và mẹ”. Trải hàng nghìn năm cho đến nay, lời dạy này vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người chúng ta cần luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy: “Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Làm con thì phải biết tri ân (biết ơn) cha mẹ, nhớ ơn thì phải biết đền ơn, tức là báo hiếu cha mẹ.
Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) của kiếp này và nhiều kiếp trước.
Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, mà còn đi vào truyền thống đạo đức của dân tộc. Việt Nam vốn trọng hai chữ hiếu – trung, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Dù là ai cứ đến Rằm tháng Bảy, mọi người đều nghĩ đến công sinh thành của cha mẹ, ơn dưỡng dục của ông bà, tổ tiên. Nhà nhà làm lễ cầu siêu để báo ơn công đức cửu huyền thất tổ.
Một nghi thức không thể thiếu trong bất kỳ lễ Vu Lan nào chính là nghi thức bông hồng cài áo. Hoa đỏ cho người còn cha mẹ, hoa trắng cho người mồ côi. Cùng nghi thức này, ca khúc "Bông hồng cài áo" được xem như lời tự sự của đứa con nghĩ về cha mẹ với niềm yêu kính thiết tha.
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”
Cuộc đời ai cũng có Cha, có Mẹ. Được lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của Mẹ, trong sự che chở đùm bọc của Cha. Càng lớn chúng ta càng chăm lo cho cuộc mưu sinh giữa dòng đời mà quên đi bàn tay ấm áp của Cha Mẹ lúc nào cũng rộng mở chào đón và là điểm tựa tinh thần của chúng ta.
Từ ngày cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày khôn lớn, hình bóng của Cha Mẹ như tàng cây cổ thụ che chở ôm ấp, từng dặm bước của chúng ta trên đường đời luôn có ánh mắt dõi trông của Cha và bàn tay nâng niu của Mẹ. Cuộc đời của chúng ta có thể quên, có thể từ bỏ nhiều thứ trong đời, nhưng chúng ta không được quên ân tình Cha Mẹ, dù chúng ta có khôn lớn trưởng thành thế nào, thì với Cha Mẹ chúng ta vẫn luôn luôn bé nhỏ, khờ dại trước tình thương bao la, ân đức sâu dày của tình Cha, nghĩa Mẹ.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có nhắc nhở, dạy cho các vị Tỳ kheo về công lao to lớn của Mẹ, ví qua những hình ảnh không thể nghĩ bàn: "Này các Tỳ kheo, sữa Mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình cuộc sống luân hồi nhiều hơn nước trong đại dương". Nghe qua lời dạy của đức Phật, có thể nói không bút mực nào tả được hết tình Mẹ.
Đã biết về Mẹ, nhưng còn tình Cha thì sao? Tình Cha cũng vô cùng. Có ai mất Cha mà đã không buồn khóc chăng? Có ai đã dằn được xúc động khi bất chợt thoáng nhìn nét lo lắng hằn trên mặt của Cha vì buồn lo cho vợ con chăng? Và có ai lại không sung sướng khi được Cha xoa đầu thương nựng chăng?
"Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra..."
Vậy thì tình Mẹ càng sâu thì tình Cha càng rộng. Trong các mối quan hệ con người, có thể nói mối quan hệ cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Sự thiêng liêng không chỉ đơn thuần nằm ở mối quan hệ di truyền và huyết thống, mà đó còn là tất cả tình người, tính giáo dục, đạo đức của hai thế hệ trước và sau, thế hệ sinh và thế hệ được sinh ra. Một người con phá vỡ mối quan hệ thiêng liêng này đối với cha mẹ, nghĩa là bất hiếu, báo đời, hại cha mẹ, làm mất thanh danh và truyền thống tốt đẹp của gia tộc, làm các việc phạm pháp... thì người con đó không còn là một người con đúng nghĩa, mà chỉ là một người tội lỗi và đáng trách.
Trên tinh thần xây dựng và phát huy một xã hội an bình và hạnh phúc trong chiều hướng thượng, các lời dạy của đức Phật trong kho tàng kinh điển Nam tông và Bắc tông, đã trực tiếp và gián tiếp ca ngợi về mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin giới hạn tinh thần đạo Hiếu của Phật giáo qua kinh Thiện Sinh (hay Giáo Thọ Thi ca la việt, Singalovada Suttanta) thuộc Trường Bộ Kinh của kinh tạng Pali. Ðây là một bài kinh được xem là tiêu biểu cho đạo hiếu trong truyền thống Phật giáo. Trong lời Phật dạy về đạo hiếu, các giá trị giáo dục và đạo đức được thể hiện theo mối quan hệ song phương, đa chiều. Ðạo hiếu do đó không chỉ dành cho những người con đối với cha mẹ mà quan trọng không kém đó là quan hệ của cha mẹ đối với con cái. Nói khác hơn đó là mối quan hệ của đạo làm cha mẹ và đạo làm con.
"Cuộc đời bao nỗi đắng cay
Nhìn về cha mẹ, lệ cay nghẹn ngào
Hôm nay nước mắt tuôn trào
Nhớ ơn cha mẹ, cả đời cưu mang”
Theo tinh thần duyên khởi của đạo Phật, bất cứ mối quan hệ nào cũng phải có sự đối lưu của ít nhất hai thành phần. Ở đây sự đối lưu là giữa cha mẹ, con cái và ngược lại. Tinh thần giáo dục của đức Phật không đơn thuần và một chiều, mà đó là sự đối lưu của ít nhất 2 trị số con người trong quan mối quan hệ vừa đạo đức vừa giáo dục.
Nói cách khác, nếu các bậc cha mẹ sinh con cái không vì sự thỏa mãn các khoái lạc giác quan, nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm và giáo dục cao độ cho con cái trưởng thành về thể chất, thể trí và sống vững vàng trong xã hội, thì đổi lại người con cũng phải có trách nhiệm đạo đức đối với hai đấng sinh thành ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành và trở nên hữu dụng cho bản thân và xã hội.
Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình mà còn tri niệm công ơn của những người đã khuất như cửu huyền thất tổ hay chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, những người đã hi sinh xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc để hôm nay, chúng ta có thể được sống trong cảnh thái bình, no ấm. Và ở xa xôi nơi chiến trường hải đảo, biết bao chiến sĩ đang ngày đêm thầm lặng trước đầu sóng ngọn gió trấn giữ biên cương để gìn giữ chủ quyền biên giới, biển đảo của quê hương.
Nói cách khác, trong tất cả tứ ân của đạo Phật thì ân với đất nước, ân với cộng đồng, ân với xã tắc là những ân nghĩa thiêng liêng, cao cả mà chúng ta khó đáp đền. Để khơi dậy tinh thần tri ân, báo ân của những người còn sống và sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền bối đã đi xa và đề cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta hãy tự nhắc nhủ với nhau rằng: hãy sống chậm lại một chút để lặng nhìn cuộc sống, để cảm nhận những giây phút thương yêu đang hiện hữu ngay trong hiện tại.
Hạnh phúc thay cho những người con vẫn còn cha mẹ, bởi khi đó chúng ta còn có cả một bầu trời. Được ngắm nụ cười của mẹ cha, nắm đôi bàn tay chai sần và vuốt nhẹ mái tóc bạc màu thời gian của người chính là thứ tài sản vô giá không gì có thể mua được.
Mùa Vu Lan báo hiếu cũng là mùa lễ hội tình thương, mùa của những đóa hoa hồng tươi thắm. Hãy cố gắng sống xứng đáng để bông hoa tình thương trong tinh thần tri ân và báo ân luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng, để nét đẹp thanh cao và mầu nhiệm ấy luôn tỏ sáng giữa cuộc đời, mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Chúng ta cần thực hành tâm Đại hiếu, để công đức tích lũy bởi lòng Hiếu hạnh được vô lượng viên mãn!
Tác giả: TT.Ths Thích Thiện Hạnh - Phó Viện trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2018
Bình luận (0)