Ashoka nuôi dưỡng niềm tin tưởng rằng, trí tuệ của con người có khả năng tạo ra các điều kiện tối ưu cho sự phát triển của mọi sự sống trên hành tinh này.
“Các sắc lệnh của vị vua thời cổ đại sẽ tạo nên một nền tảng chiến dịch tranh cử hiện đại và quản trị quốc gia một cách đáng kinh ngạc.”
Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong giây lát rằng những con người ở một không gian khác từ thời cổ đại có thể tham gia tranh cử Tổng thống nước Mỹ năm 2024. Với tinh thần này, tôi muốn đề cử vị vua Phật giáo vĩ đại, Ashoka trở thành ứng cử viên Tổng thống nước Mỹ năm 2024. Có thể mọi người sẽ suy nghĩ rằng ông đã ở thời đại quá xa xưa nhưng nếu bạn nghiên cứu nghiêm túc về cuộc đời ông, bạn sẽ thấy những tư tưởng và quyết sách của ông rất phù hợp với thời đại ngày nay.
Vua Ashoka đã trị vì vương quốc Ấn Độ cổ đại trong 37 năm, từ năm 268 đến năm 232 trước Công nguyên. Ông đã có nhiều quyết sách mang lại lợi ích, hạnh phúc và niềm an lạc cho người dân vương quốc mình và cả những vương quốc láng giềng. Điều khiến vua Ashoka trở nên hấp dẫn đối với các cử tri ngày nay là việc ông sống đúng với những giá trị mà mình đã chia sẻ cho mọi người, hoàn toàn khác xa với những lời tuyên bố hoa mỹ nhưng hão huyền và tầm thường của nhiều chính trị gia ngày nay. Ashoka đã cho khắc những tư tưởng và chính sách trị quốc của ông theo triết lý phật Pháp trên đá, để cho hàng hậu học có thể học hỏi, chiêm nghiệm và thực hành trong đời sống xã hội. Trong bài viết này, tôi muốn phân tích và diễn giải lại những tư tưởng và quyết sách trị quốc của Vua Ashoka trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới hiện tại.
Dharma - Pháp bảo
Tầm nhìn xác định các chính sách cho người dân và phát triển quốc gia của Ashoka dựa trên tư tưởng cấp tiến cho rằng: mục đích của chính phủ là thúc đẩy phúc lợi và hạnh phúc của tất cả mọi người dân. Khái niệm mà ông sử dụng ở đây là Dharma - Pháp bảo. Pháp là những lời dạy của đức Phật nhưng vua Asoka sử dụng khái niệm này với nội hàm là những sự thật và chân lý trong đời sống xã hội. Không có món quà nào lợi lạc và quý giá như món quà giáo pháp. Dưới đây là nội hàm khái niệm Pháp mà ông sử dụng:
- Đối xử đúng mực với người lao động;
- Kính trọng với người lớn tuổi;
- Rộng lượng với tất thảy mọi người;
- Đối xử với mọi chúng sinh bằng tâm từ bi.
Nhờ coi trọng và thực hành những giáo pháp trên, tất thảy mọi người trên thế giới này đều thành công và có được sự an bình, hạnh phúc.
Thêm nữa:
- Con cái phải hiếu kính cha mẹ;
- Tôn trọng cả những người nam và nữ;
- Con người luôn nói với nhau những lời chân thật.
Đây là những nội dung giáo pháp mà mỗi người dân cần thực hành, trở thành chuẩn mực giá trị chung trong xã hội.
Ashoka cho rằng những giá trị trên là chân lý tự nhiên: tất cả mọi người đều bình đẳng và có quyền bình đẳng đối với cuộc sống, con người sinh ra có quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Vai trò của chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị là giúp người dân đất nước mình được đảm bảo và bảo vệ những quyền này. Mục đích của chính phủ và các nhà lãnh đạo là nỗ lực làm việc vì lợi lạc của tất cả người dân và vì phúc lợi của tất cả mọi loài vật.
Những tư tưởng được khắc trên đá này cho thấy rằng, Ashoka có chính sách lao động tiến bộ, nâng cao chế độ đối xử với người lao động và cam kết sâu sắc về bình đẳng giới. Ông cũng rất tôn trọng những người lớn tuổi trong xã hội, vì vậy chúng ta có thể chắc chắn rằng ông sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ hệ thống an sinh xã hội và các chương trình hỗ trợ người cao tuổi nếu ông làm Tổng thống nước Mỹ. Các quyết sách này không chỉ mang tính nhân đạo mà còn biểu thị chiến lược chính trị khôn ngoan bởi vì người cao tuổi là nhóm có khả năng bỏ phiếu cao nhất.
Chúng ta sẽ thấy, Ashoka luôn nhấn mạnh việc diệt trừ lòng ích kỷ và mở rộng tâm thức, nuôi dưỡng lòng hào phóng, và đây chắc chắn là những phẩm chất nền tảng tái định hướng lại nền kinh tế nước Mỹ cũng như lời kêu gọi cấp bách xây dựng lại giá trị quốc gia với nền tảng lòng nhân ái với tất cả chúng sinh, không chỉ con người mà cả các loài động vật. Tuyên bố của ông về tầm quan trọng của việc xây dựng các giá trị dựa trên nền tảng tâm từ bi hoàn toàn mang tính cách mạng trong bối cảnh chính trị hiện tại của nước Mỹ ngày nay.
Với những tư tưởng trên của mình, Ashoka đang kêu gọi nước Mỹ và các nước trên thế giới hãy khởi đầu của một kỷ nguyên mới, trong đó cần ưu tiên coi trọng và bảo vệ mạng sống quý giá của muôn loài trên hành tinh này.
Tầm nhìn mới
Trong suốt chiều dài lịch sử, tội ác đã lan tràn trong đời sống xã hội loài người và các loài vật. Lúc này đây, Ashoka cất vang tiếng trống Pháp âm, thức tỉnh con người khắp nơi nơi hãy thực hành chính Pháp.
Hãy chăm sóc cho tất thảy chúng sinh,
Hãy chấm dứt việc tàn sát động vật,
Và con người xin hãy tôn trọng lẫn nhau.
Lịch sử loài người đầy rẫy bạo lực, tàn ác và sự áp bức lẫn nhau. Căn nguyên của sự tàn ác này là do loài người chúng ta bị thúc đẩy bởi tâm tham và lòng hận thù, đồng thời do si mê thiếu hiểu biết đã che mờ tâm thức, ngăn cản con người nhìn đúng bản chất cuộc đời và mọi sự việc. Đây là thời đại cần một tầm nhìn mới với những con đường mới cho loài người. Chính quyền và nhà lãnh đạo chính trị phải thực sự vì lợi lạc của tất thảy người dân và coi trọng phúc lợi của tất cả các sinh vật sống. Các bạn hãy tự hỏi, trong xã hội, còn điều gì quan trọng hơn những việc làm này?
Bởi vì mọi sự sống trên hành tinh này đều có mối liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau, tất cả các loài đều phải phụ thuộc lẫn nhau và với môi trường bên ngoài, phúc lợi của một người phụ thuộc vào phúc lợi của cộng đồng và mọi người xung quanh. Nếu chỉ chú trọng tới lợi ích con người mà không quan tâm đến môi trường và các loài khác là vô cùng thiển cận và chắc chắn sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp. Sự tôn trọng căn bản trong thái độ, hành vi của con người và trong mọi chính sách của các nhà nước cần được lan tỏa tới mọi hình thức sống trên Trái đất. Sự đa dạng của các loài và môi trường sống sẽ được bảo vệ ở mức độ cao nhất có thể. Ashoka nuôi dưỡng niềm tin tưởng rằng, trí tuệ của con người có khả năng tạo ra các điều kiện tối ưu cho sự phát triển của mọi sự sống trên hành tinh này.
Chính sách chăm sóc sức khỏe
Ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ, và trên toàn thế giới, Ashoka sẽ thiết lập hai loại hình điều trị y tế: cho con người và cho các loài vật. Tất cả các loại gốc rễ, hoa trái và thảo dược, nuôi dưỡng và chữa lành tật bệnh cho con người và động vật, sẽ được nhập khẩu và vun trồng. Dọc theo các con đường, các giếng nước sẽ được đào và các thảm thực vật sẽ được trồng thêm vì lợi ích của cả con người và các loài động vật.
Tất cả các dịch vụ y tế, nha khoa, sức khỏe tâm thần,...sẽ được chính phủ hỗ trợ, tài trợ và sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân. Động cơ chữa bệnh vì lợi nhuận sẽ bị loại trừ hoàn toàn khỏi ngành y tế:
- Tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế sẽ được quản lý bởi các cơ quan phi lợi nhuận, bao gồm các bệnh viện, công ty dược phẩm, cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học và các cơ sở khác.
- Bác sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục được trả lương cao, nhưng mức chi phí sẽ được tiêu chuẩn hóa một cách minh bạch và công khai, mà không có điều khoản nào cho mục đích theo đuổi lợi nhuận.
- Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế sẽ phải chịu trách nhiệm theo các tiêu chuẩn cao nhất và các hệ thống phản hồi sẽ được thiết lập nhanh chóng để đảm bảo chất lượng chăm sóc và dịch vụ.
Nước Mỹ sẽ duy trì vị trí tiên phong và dẫn đầu thế giới của mình trong nghiên cứu và đổi mới y tế. Rất nhiều các nguồn lực sẽ được cung cấp để đảm bảo vị trí dẫn đầu này. Việc chăm sóc các loài vật, không chỉ con người, sẽ được hiểu là chăm sóc môi trường sinh thái toàn cầu và năng lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ chất lượng cuộc sống cho tất cả các hệ thống sống sẽ được hình thành và duy trì.
Quyền bất khả xâm phạm đối với sự sống, tự do và hạnh phúc sẽ được mở rộng bao gồm tất cả các loài sinh sống trên đất liền và dưới biển, gồm cả loài động vật và thực vật. Chính phủ sẽ kiến lập nhiều hình thức chăm sóc động vật, thực vật và môi trường để bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả sự sống trên Trái đất. Việc giảm thiểu tác động của con người đối với biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được theo đuổi một cách tích cực. Mặc dù thời của Ashoka đã cách xa hơn hai nghìn năm so với thời đại mà các phát minh khoa học rực rỡ như ngày nay, nhưng các lập trường của Ashoka về khoa học khí hậu vẫn hoàn toàn có giá trị cho các quốc gia vào năm 2024 và nhiều năm tiếp theo.
Chính sách đối ngoại
Những người bên ngoài nước Mỹ có thể nghĩ rằng: “Ý định của Ashoka đối với chúng ta là gì?”
Dưới đây là những mong muốn và chính sách của Tổng thống Asoka đối với những người dân ở các quốc gia khác:
- Giúp chính phủ và người dân các nước hiểu được những mong muốn tốt đẹp của nước Mỹ đối với họ,
- Giúp chính phủ và người dân các nước tin tưởng nước Mỹ,
- Giúp chính phủ và người dân các nước nhận được sự hỗ trợ và hạnh phúc từ nước Mỹ chứ không phải nhận lấy lo âu và khổ đau.
Và nước Mỹ còn mong muốn các nước khác thấu hiểu những điều dưới đây:
- Nước Mỹ sẽ khoan dung với mọi người dân bất cứ điều gì có thể,
- Các nước có thể được nước Mỹ truyền cảm hứng để cùng thực hành giáo pháp (các chân lý của tự nhiên và xã hội),
- Giúp người dân các nước được hưởng hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Trước khi trở thành một phật tử, Ashoka là một vị vua chiến binh oai hùng, chinh phục mọi kẻ thù bằng những ngọn lửa hận thù và những vũ khí đầy sát thương. Sau một trận chiến vô cùng khủng khiếp, ông đã phát nguyện sẽ từ bỏ bạo lực mãi mãi. Các ghi chép lịch sử cho thấy rằng chuyến viếng thăm của ông đến một tăng đoàn gần thủ phủ Pataliputra là một bước ngoặt quan trọng, nơi ông đã trải qua những gì Romila Thapar mô tả là "mối thâm duyên dần dần và ngày càng bền chặt với Phật giáo". Sự kiện trên cho thấy lòng sùng kính của ông đã lan tỏa tới những người xung quanh và tới người dân. Ông đã ban những Sắc lệnh trong đó ghi rõ: "Đã hơn hai năm rưỡi kể từ khi tôi trở thành Ưu bà tắc …”
Mặc dù từng là một vị vua chiến binh nhưng khi thấu hiểu Phật pháp, Ashoka đã coi chiến tranh là lỗi thời và từ bỏ mọi hành vi xâm lược. Đây là một tâm ý vô cùng có giá trị trong thời đại ngày nay. Bất kỳ hành động xâm lược bạo lực nào, dù là của một cá nhân hay của một thực thể xã hội, chính trị lớn hơn, đều đáng bị coi là hành động tội phạm, bởi nó bắt nguồn từ lòng tham, hận thù và tâm thức si mê ảo tưởng.
Nước Mỹ sẽ từ bỏ mọi hành động chiến tranh phủ đầu và sẽ cắt giảm đáng kể lực lượng quân sự của mình, loại bỏ các đợt triển khai quân sự lớn trên khắp thế giới. Nước Mỹ sẽ không duy trì khả năng chiến đấu cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn với sức huy động nhanh chóng trong một thời gian ngắn và do đó sẽ không có những lực lượng thường trực lớn và kho dự trữ lớn các thiết bị quân sự cùng đạn dược.
Tuy nhiên, nước Mỹ sẽ duy trì khả năng của lực lượng tinh nhuệ đặc biệt được huấn luyện bài bản và được trang bị tốt, và có nhiệm vụ được thúc đẩy bởi các mục tiêu nhân đạo, thay vì thuần túy chính trị:
Nước Mỹ vẫn sẽ duy trì vị thế tiên phong và dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ quân sự, nhưng nhấn mạnh vào năng lực phòng thủ. Mục tiêu vị trí này là duy trì năng lực bảo vệ bản thân và những quốc gia khác một cách hiệu quả khỏi mọi hình thức tấn công có thể xảy ra, thay vì mục tiêu phát động các cuộc tấn công.
Với tầm nhìn của Ashoka, nước Mỹ sẽ dần tiên phong trên thế giới trong việc hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, giảm khả năng hạt nhân của mình và duy trì một khả năng phòng thủ ở quy mô vừa phải cho đến khi việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu hoàn toàn thành công. Nước Mỹ cùng sẽ duy trì chính sách phi quân sự hóa ở vùng Nam Cực, trên mặt trăng và trong không gian.
Nếu Ashoka làm Tổng thống Mỹ
“Nuôi dưỡng và làm những điều tốt lành, thiện ích thì khó.
Làm những điều xấu ác thì lại dễ dàng.
Một người làm trọn vẹn điều tốt lành là không dễ. Trong cuộc đời, tôi đã làm nhiều việc tốt lành và thiện ích, và tôi chỉ mong mọi người cũng giống như tôi, chúng ta cùng làm những điều tốt lành và thiện ích. Chẳng có Pháp thực hành nào là chân chính mà không dựa trên tâm thiện ích; khi ta làm việc thiện ích, chúng ta sẽ tiến bộ và không bị chìm đắm trong những thứ xấu xa.
Là con người, chúng ta nên nuôi dưỡng tâm thiện ích trong mọi việc làm. Hãy biết không hài lòng và tỉnh thức trước những việc xấu của mình.
Tôi coi mọi người dân như thành viên trong gia đình của mình.
Tôi luôn mong muốn cho gia đình mình có được phúc lợi, bình an trên thế giới này và trong các đời kế tiếp. Đây cũng là điều tôi mong muốn tới mọi người dân.
Tôi luôn nỗ lực làm việc vì lợi lạc cho mọi người.
Tôi luôn rất vui khi nhận được báo cáo và phản hồi liên quan đến công việc lợi ích cho mọi người, dù khi tôi đang ăn, đang đi lại, ở nhà hay nơi làm việc. Bất cứ nơi nào tôi hiện diện, tôi đều rất quan tâm và coi trọng những người mang tin tức và báo cáo phản hồi chính sách cho tôi.
Tôi không bao giờ tự mãn trong công việc, ngay cả khi đã đạt được những thành tựu này kia, bởi vì tôi luôn coi phúc lợi của mọi người là trách nhiệm của mình.
Không có nhiệm vụ nào quan trọng trong cuộc đời hơn việc nỗ lực làm việc vì phúc lợi của toàn thế giới.”
Với trí tuệ của mình, Ashoka không cho rằng những thay đổi mà ông đang kiến lập sẽ diễn ra nhanh chóng hay dễ dàng. Tầm nhìn của ông sẽ cần đến công sức và nỗ lực chung tay của nhiều thế hệ. Nhưng đây chắc chắn là thời điểm cần đưa ra mục tiêu và kế hoạch hành động cho tầm nhìn mới. Nước Mỹ và toàn bộ thế giới này sẽ như thế nào nếu chúng ta có những chính trị gia được thúc đẩy bởi sự tận tụy và tầm nhìn như Ashoka trong việc làm vì phúc lợi và niềm an lạc của tất cả mọi người?
*Andrew Olendzki là giáo sư tại Đại học Lesley và là giám đốc chương trình Sau đại học về Nghiên cứu Chính niệm. Những nội dung bản dịch Sắc lệnh của Ashoka được xác thực vì giáo sư đã đọc trực tiếp những nội dung được lưu lại trong các văn bản khắc chữ cổ.
LTS: Trước khi Đảng Dân chủ thay đổi ứng cử viên Tổng thống là bà Kamala Harris, Trung tâm nghiên cứu Pew đã có cuộc khảo sát về quan điểm bỏ phiếu của cứ tri các tôn giáo ở Hoa Kỳ
Những lời răn dạy tràn đầy trí tuệ của Tổ Zhabdrung Ngawang Namgyel từ nhiều thế kỷ trước, vẫn còn rất hữu ích với nhiều thế hệ ngày nay. Sự nhấn mạnh của Tổ về những lời hứa nguyện, sự kiên tâm, kỷ luật tự thân và việc theo đuổi trí tuệ vẫn hoàn toàn có giá trị cho cả tu sĩ và người thế gian trong việc rèn luyện thân tâm...
Lý tưởng nhất là một nhóm người tìm kiếm sự chuyển đổi nên cùng nhau trải nghiệm sự khởi đầu. Sau đó, họ nên cùng nhau nỗ lực để tích hợp các thái độ và hành vi mới vào cuộc sống cá nhân và tập thể, thông qua các tương tác thường xuyên có sự phản hồi từ các thành viên trong nhóm.
Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) là một tổ chức bảo trợ quốc tế, tập hợp 50 tổ chức Phật giáo đến từ 16 quốc gia châu Âu, hiện nay có một Hội đồng đặc biệt gồm các liên minh quốc gia lên tiếng về các lợi ích chung liên quan đến Liên minh Châu Âu.
Hiến pháp nước Cộng hòa Síp (Cyprus) không phân biệt về mặt pháp lý giữa tôn giáo chiếm đa số và tôn giáo thiểu số, theo nghĩa là không có tôn giáo nào chiếm ưu thế tại đất nước này.
Bình luận (0)