Trang chủ Quốc tế Pagan: Thời kỳ vàng son của Phật giáo Myanmar dưới triều đại vua Anurudha

Pagan: Thời kỳ vàng son của Phật giáo Myanmar dưới triều đại vua Anurudha

Anurudha là người đầu tiên biến triều đại Pagan thành giai đoạn hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật giáo Myanmar. Từ đó trải qua hơn 200 năm, vương triều Pagan đã trở thành trung tâm văn hoá Phật giáo Theravada.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Anurudha là người đầu tiên biến triều đại Pagan thành giai đoạn hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật giáo Myanmar. Từ đó trải qua hơn 200 năm, vương triều Pagan đã trở thành trung tâm văn hoá Phật giáo Theravada.

Tác giả: Thích nữ Chơn Thuỳ

Miến Điện, đất nước của những ngôi chùa vàng, bảo tháp rực rỡ, nơi người dân dù khó khăn về vật chất, thiếu thốn về giáo dục, y tế,… vẫn sẵn sàng dành dụm của cải để tô điểm tượng Phật, cải tạo chùa tháp, cúng dường chư tăng. Đạo Phật đã đi sâu vào lòng dân tộc hàng ngàn năm, giáo lý của đức Phật được xem như đạo lý, trở thành nếp sống tâm linh không thể thiếu đối với người dân. Sự có mặt của Phật giáo giúp người dân nơi đây sống “an bần lạc đạo”, luôn kiên nhẫn và mỉm cười.

Phật giáo đã có một bề dày lịch sử nên ngày nay phần lớn người dân Miến Điện là Phật tử, nếp sống Phật giáo là đại diện bản sắc văn hóa dân tộc. Lịch sử thành văn của Miến Điện được ghi chép cẩn thận từ thế kỷ XI, giai đoạn mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Nam tông tại quốc gia này. Sự ra đời của vị vua anh hùng dân tộc Anurudha, người có công lớn thống nhất, mở rộng bờ cõi quốc gia, đưa Miến Điện trở thành cường quốc trong khu vực, thiết lập Phật giáo thành quốc giáo, khai mở hệ thống kiến trúc chùa tháp đặc sắc, là niềm tự hào của dân tộc Miến Điện.

Đất nước Miến Điện và vùng đất Pagan

Myanmar có vị trí địa lý tiếp giáp với hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, từ xưa đã có sự giao lưu văn hoá, kinh tế, tôn giáo, thương mại với hai cường quốc này. Miến Điện cũng là cầu nối quan trọng trong việc truyền bá, phát triển văn hóa, tôn giáo Ấn Độ đến Đông Nam Á. “Theo Đảo sử Tích Lan (Dipàvamsa), Mranma hay Miến Điện trước đó có tên gọi là Suvannabhùmi, Anh ngữ dịch là Golden Land và Trung Hoa dịch là Kim Địa, nghĩa là vùng Đất vàng, tức là chỉ cho vùng gần Thaton của Myanmar ngày nay.”[1]

Vào thế kỷ XI, dân Miến kiểm soát vùng Thượng Miến, vùng duyên hải, vùng Hạ Miến, đồng thời tiếp nhận văn hóa, chữ viết, tôn giáo của người Mon, bắt đầu cho sự thịnh vượng của vùng đất Pagan. Pagan ban đầu được vua Thamudarit xây dựng năm 108 nhưng đến thế kỷ IX-XIII, Pagan mới trở thành kinh đô của vương quốc Pagan. Hiện nay, Pagan nằm tại vị trí trung tâm Myanmar, thuộc Mandalay, ở bờ phía Đông sông Ayeyawardy, cách Mandalay 145km hướng Tây Nam.

Shwedagon Pagoda Of Myanmar

Dưới sự cai trị của vua Anurudha, vương triều Pagan giai đoạn đầu phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là Phật giáo.

Phật giáo du nhập vào Miến Điện

Trước khi Phật giáo truyền vào, Miến Điện chủ yếu lưu hành hai tín ngưỡng: tôn giáo bản địa sùng bái các vị thần tự nhiên và tín ngưỡng Balamon giáo từ Ấn Độ truyền vào. Khi đức Thế Tôn xuất hiện trên đất Ấn Độ, “…tuần thứ tư sau khi thành đạo, đức Phật ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây rājāyatana, cảm nhận hỷ lạc của thiền định, có hai vị thương nhân tên Tapussa và Bhallika đến kính lễ Ngài và cúng dường bánh lúa mạch cùng những viên mật. Đây là hai vị đệ tử tại gia đầu tiên quy y Nhị Bảo: Phật – Pháp. Sau đó, với sự tha thiết khẩn cầu của họ, đức Phật đã ban cho 8 sợi tóc của Ngài. Khi trở về hai vị được vua giúp đỡ xây dựng bảo tháp tôn thờ những sợi tóc ấy.”[2] Ngôi tháp đó, ngày nay là Shwedagon Pagoda tại Yangon, được xem là có lịch sử xây dựng từ 2.500 năm trước, là ngọn tháp lâu đời nhất thế giới và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, trở thành biểu tượng của Myanmar. Ngoài ra, một huyền thoại của người Arakan đề cập việc đức Phật đã viếng thăm vùng đất này, để lại một bức tượng khắc, về sau được gọi là tượng Mahamuni, nay được tôn trí tại chùa Arakan ở Mandalay.[3] Cứ liệu khác lại cho rằng, thời đức Phật, một thương nhân tên Punna Sunasarata từ xứ Du Lô Na, hòn đảo ngoài biển đông Ấn Độ đã đến Xá Vệ nghe Phật thuyết pháp và xuất gia thành tựu quả vị A-la-hán, sau đó trở về hóa độ người dân xứ mình.[4] Người Miến tin rằng xứ Du Lô Na là tên của đất nước họ thời xưa. Ngài Punna sau khi giáo hóa thành công dân bản địa đã xây dựng một ngôi tu viện và thỉnh đức Phật đến thăm. Đức Thế Tôn đã đến cùng với 500 vị Tăng, dừng chân bên sông Nammada, gần dãy núi Saccabandha. Một vết chân Phật in dấu không phai gần bờ sông, một vết chân khác in dấu trên núi. Thánh tích hai vết chân này, thuở xưa được vua thờ, ngày nay là đất hành hương của dân chúng.[5] Như vậy, theo các thuyết trên, Phật giáo đã có mặt trên đất Miến Điện từ thời đức Phật tại thế.

Các nghiên cứu về khảo cổ nhận định Phật giáo truyền vào Miến Điện khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch, do phái đoàn truyền giáo của vua Asoka truyền sang, người Mon ở Thaton (Hạ Miến) là những người đầu tiên tiếp nhận Phật giáo. Dīpavaṃsa ghi rõ: “Vào thời vua A-dục tại ngôi (272-231 TCN), nhà vua đã từng phái hai vị trưởng lão là Tu-na (Soda) và Uất-đa-la đến Kim Địa (Suvannabhùmi) để truyền bá Phật pháp.”[6] Mặc dù bia ký V và XIII của Asoka ghi chép về những phái đoàn truyền giáo không đề cập đến tên gọi này, nhưng bia ký Kalyāni của Miến Điện gọi khu vực Rāmannadesa (Hạ Miến) là Suvannabhūmi, đây là một trung tâm thương mại quan trọng của Miến Điện thời thượng cổ.[7] Cũng như lịch sử Phật giáo thời kỳ đầu của các nước vùng Đông Nam Á, do thiếu các tài liệu lịch sử nên rất khó khảo cứu chính xác mốc thời gian Phật giáo du nhập Miến Điện. Tuy nhiên, bước đầu đạo Phật có mặt trên vùng đất này là nền tảng cho thời kỳ vàng son của Phật giáo ở vương triều Pagan, đặc biệt dưới triều vua Anurudha với các vị danh tăng lỗi lạc, hơn 13.000 chùa tháp, tam tạng kinh điển được hoàn thiện.

Pagan: Thời kỳ vàng son của Phật giáo Myanmar dưới triều đại vua Anurudha (1044-1077)

Vua Anurudha (1015-1078), cha là vua Kunhsaw, mẹ là hoàng hậu Myauk Pyinthe, lên ngôi năm 1044, đời thứ 42 kể từ khi Pagan được xây dựng. Trong suốt thời gian trị vì, ông thực hiện chính sách cải cách kinh tế, phát triển nông nghiệp, chú trọng học thuật. Những nỗ lực và hành động của vua đưa Miến Điện từ một tiểu quốc thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á không chỉ về lãnh thổ mà còn về tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Lịch sử Miến Điện bắt đầu mở ra một trang mới. Về phương diện tôn giáo, tại quốc độ Pagan, dân chúng hành trì Phật đạo theo truyền thống Đại thừa, kết hợp với tín ngưỡng dân gian thờ cúng long thần Naga và thần Siva. Dưới triều đại Anurudha, những hình ảnh phi Phật giáo bị tịch thu hoàn toàn trên lãnh thổ Myanmar. Vua cố gắng đưa thần Nat-biểu tượng phi Phật giáo ở Pagan, vào ngôi đền Hindu giáo Nathlaung Kyaung. Sự kiện này như là cách Anurudha tuyên truyền việc thiết lập nền Phật giáo Nguyên thuỷ trong suốt triều đại của mình.

Trước khi vua Anurudha đưa Phật giáo Nam tông từ Thaton đến Hạ Miến, Phật giáo Bắc tông từ Vân Nam Trung Quốc và Mật giáo từ Tây Tạng đã có mặt trên vùng đất Pagan.[8] Mật tông du nhập và kết hợp với tôn giáo bản xứ, hình thành giáo phái Aris, khác biệt rất lớn với truyền thống Theravāda. Những tăng sĩ Aris không sống độc thân, thành thạo nghệ thuật quân sự, thực hành tantra, ma thuật, ban phép thuật và giải trừ tội lỗi. Các nhà sư này uống rượu, ăn thịt, sinh hoạt cực kì phóng túng, giữ vị trí tối cao trong các nghi thức tế lễ trên đỉnh Popa, đi kèm với đặc quyền được hưởng “đồng thân” thanh niên nam nữ tín đồ. Họ quan niệm rằng con người dù gây ra bất cứ loại tội ác nặng nề nào, thậm chí kể cả tội giết cha giết mẹ, chỉ cần tụng chú cứu độ (Paratta) là có thể giải trừ được, không bị nhân quả báo ứng.[9] Sau khi tăng phái Aris phát triển mạnh đã dần dần loại trừ Phật giáo Thượng Tọa bộ. Trước tình hình đó, Anurudha quyết định cải cách Phật giáo.

Từ thời trẻ, Anurudha đã theo cha sống ẩn cư trong chùa nên ông hiểu rõ tình hình sinh hoạt của chư tăng. Lúc này, thế lực phi pháp của tăng phái Aris đã có tín đồ lên đến 6 vạn với thực trạng đời sống theo chủ nghĩa nhục dục trắng trợn. Sau khi Anurudha thực hiện thanh tịnh hóa tăng già, phái Aris bị loại trừ, Phật giáo Nam truyền, dưới sự dẫn dắt của đạo sư Shin Arahan trở thành quốc giáo. Vua ra lệnh các tăng đoàn tôn giáo ở Pagan, nhất là các nhà sư phái Aris, vốn không tuân thủ giới luật, buộc họ phải hoàn tục làm dân hoặc tuân theo giới luật của Thượng Tọa bộ, những ai ngoan cố sẽ bị bắt đi đày. Từ đó, tăng đoàn Phật giáo được thanh tịnh, hòa hợp, giữ đúng giới luật. Phật giáo Pagan giai đoạn này có một bộ mặt mới mẻ, hứa hẹn một tiền đồ sáng sủa. Phật giáo Thedavada chiếm địa vị độc tôn, thịnh hành khắp toàn quốc. Các tông phái trước đó như Phật giáo Đại thừa, Mật giáo, Balamon giáo dần mất ưu thế và bị đào thải.

Vua Anurudha chịu ảnh hưởng rất lớn từ vị cao tăng Shin Arahan tinh thông tam tạng. Khi trở thành một Phật tử thâm tín Phật pháp, theo lời trưởng lão, vua phái sứ giả đến Thaton xin thỉnh tam tạng và xá lợi Phật. Sự bất hợp tác với thái độ lăng nhục sứ giả khiến Anurudha đem quân chinh phục Thaton, thu thập tam tạng, các loại sách chú thích, văn vật ở hơn 30 địa điểm thuộc Thaton, dùng 32 con voi thu chiến lợi phẩm chở về Pagan cùng với 500 vị sư Thượng Toạ bộ giới luật trang nghiêm. Các nhà nghệ thuật, thợ thủ công bị bắt đem về xây dựng chùa tháp, tạo nên kiến trúc kết hợp của hai nền văn hoá nghệ thuật Pagan và Thaton. Vua Manuha bị bắt làm tù binh, xây dựng chùa Manuha tại Pagan mang nhiều hình tượng và biểu tượng của kiến trúc Mon. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Pagan với ba bức tượng Phật lớn, tượng Phật trung tâm cao 14m, hai bên là hai tượng Phật, mỗi tượng cao 10m, phía sau còn có một tượng Phật nằm khổng lồ dài 27,4m, đầu hướng về phía Bắc. Việc tiến chiếm Thaton trở thành một biến cố quan trọng trong lịch sử lịch sử chính trị, xã hội, văn hóa Miến Điện. Lần đầu tiên, “những người bại trận đã chinh phục những kẻ đi chinh phục: nền văn hóa Mon đã giữ vị trí hàng đầu tại triều đình Pagan. Pāli trở thành ngôn ngữ thiêng liêng của Pagan, và cuối cùng thì bảng chữ cái Mon trở thành biểu hiện văn chương của ngôn ngữ Miến Điện”.[10]

Trong khi Phật giáo Miến Điện thịnh hành, Phật giáo Tích Lan bước vào cơn nguy khốn sau thời gian cai trị của ngoại bang. Theo sử liệu Culavamsa, lúc ấy, chư tăng Tích Lan quá ít, kinh văn bị thất tán, Vijayabàhu gửi phái đoàn đến Miến Điện, yêu cầu vua Anurudha gửi kinh sách, tăng sĩ đạo hạnh, tinh thông tam tạng đến Tích Lan hoằng hoá. Vua Miến Điện đồng ý và yêu cầu vua Tích Lan cho thỉnh xá lợi răng Phật và cho sao chép tam tạng Tích Lan đem về để so sánh, hoàn thiện tam tạng Miến Điện. Sau khi đối chiếu kinh văn hai bộ tam tạng để sao chép thêm một bộ tam tạng mới, Anurudha liền xây một toà lâu đài trang nghiêm hùng vĩ cất giữ các bộ tam tạng cúng dường Phật pháp. Vua còn xây dựng nhiều chùa tháp, tượng Phật khắp đất nước Miến Điện. Đây được xem là việc làm đóng góp rất quan trọng của vua đối với sự phát triển Phật giáo tại vùng đất Kim Địa. Kể từ thời vua Anurudha cho đến thời kỳ kết thúc của vương triều Pagan, số lượng chùa tháp tại Miến Điện đã được xây dựng lên đến hơn 2.000 để về sau, Miến Điện xứng danh là xứ chùa tháp lớn nhất thế giới. Ngoài ra, vua Anurudha còn hướng dẫn dạy tiếng Pali, ủng hộ trước tác, dịch thuật bằng cổ ngữ Pali, tạo tiền đề cho văn học Phật giáo bằng tiếng Pali ở Miến Điện phát triển. Đây là giai đoạn mở đầu cho sự phát triển văn học sau này tại Myanmar. Sau thời Anurudha, các vua kế vị cũng tiếp tục phát triển, biến Miến Điện trở thành trung tâm học thuật Phật giáo lớn nhất thời bấy giờ, thay thế vị trí của Tích Lan.

Dưới sự cai trị của vua Anurudha, vương triều Pagan giai đoạn đầu phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là Phật giáo. Thời Pagan, bản sắc văn hóa Phật giáo Miến Điện đạt đến đỉnh cao, đồ sộ với thánh điển Pali, giáo dục, nghệ thuật Phật giáo… để về sau phát triển, xây dựng thành nét đặc thù riêng. “Đặc biệt là chùa tháp Bồ-cam, chính là nét đặc sắc rực rỡ nhất của nghệ thuật Phật giáo Miến Điện, nó cùng với đền Angor của Cam-pu-chia và phù đồ Bà La của In-đô-nê-xi-a được gọi là ‘ba di tích văn hóa lớn của Đông Nam Á’.”[11] Anurudha là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Miến Điện. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã xây dựng Phật giáo Nam tông thành tông phái chính thống, biến một tiểu quốc thành một nước lớn, đem văn hoá Talaing ở Hạ Miến khai hoá cho thượng Miến, làm cho những trang sử Pagan trở thành biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới. Dưới triều đại Anurudha, dân Miến an hưởng thái bình, vùng Pagan huy hoàng rạng rỡ, Phật giáo Nam tông được hưng thịnh, phổ cập. Anurudha là người đầu tiên biến triều đại Pagan thành giai đoạn hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật giáo Myanmar. Từ đó trải qua hơn 200 năm, vương triều Pagan đã trở thành trung tâm văn hoá Phật giáo Theravada. Với những cống hiến đó, vua Anurudha được tôn kính là vị anh hùng thứ nhất trong ‘Ba vị anh hùng dân tộc’ của Miến Điện.

Điều gì đã làm nên một dân tộc Miến Điện dịu dàng và khiêm tốn? Phải chăng là quốc gia lấy Phật giáo Nam truyền làm quốc giáo từ ngàn năm trước. Miến Điện-quê hương của những chùa tháp kiêu hùng, của người dân hiền lành, giản dị. Đặc điểm tính cách này được hình thành từ sự thấm nhuần giáo lý Phật đạo trong cuộc sống người dân Miến, trở thành bản sắc văn hóa dân tộc, là kết quả của quá trình du nhập và phát triển lâu dài của Phật giáo nơi đây. Vương triều Pagan được thành lập từ sớm, nhưng đến khi Anurudha lên ngôi mới viết nên một trang sử mới chói lọi vẻ vang cho dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, một vị quân vương thống nhất đất nước, mở rộng ngoại giao, phát triển kinh tế, khai mở kiến trúc, khuyến khích học thuật, đặc biệt ủng hộ Phật giáo. Ông xứng đáng là một hộ pháp vương, một ‘A Dục Vương của Miến Điện’. Bằng tất cả sự nhiệt thành của người con Phật, Anurudha đã đưa Phật giáo Thượng Tọa bộ lên vị trí chính thống trên toàn lãnh thổ Pagan để kiến trúc và văn hóa Phật giáo trở thành nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Thời vàng son của Phật giáo Miến Điện đánh dấu bằng sự ra đời của hàng loạt các ngôi đền tháp nguy nga, tráng lệ được xây dựng với tất cả lòng thành kính, sự xuất hiện của các vị cao tăng nghiên tầm giáo điển, hoằng dương chánh pháp, sự ủng hộ và phổ biến Phật pháp rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân của vị quốc vương cai trị.

Tác giả: Thích nữ Chơn Thùy

***

Chú thích:
[1] Miến Điện – Mặt Trời lên, tr. 7.
[2] Đức Phật Gotama – Một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, tr. 317-320.
[3] Nguyệt san Giác Ngộ, số 275, tr. 53.
[4] Tăng già thời Đức Phật, tr. 271.
[5] Đến với Phật cùng tôi, tr. 260.
[6] Dīpavaṃsa – Sử liệu về đảo Laṅkā, tr. 111.
[7] Phật giáo tổng quan, tập 1, tr. 101.
[8] Phật giáo Nam tông tại Đông Nam Á, tr. 134.
[9] Lịch sử Phật giáo thế giới, tr. 701, 706.
[10] Lịch sử Đông Nam Á, tr. 236.
[11] Thế giới Phật giáo phương diện lịch sử minh triết và văn hóa, tr. 67.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường