Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Lịch sử tiếp nhận kinh Pháp Hoa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ III đến nay

Lịch sử tiếp nhận kinh Pháp Hoa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ III đến nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tại các tòng lâm tự viện Bắc truyền, kinh Pháp hoa từ lâu là một trong những quyển kinh không thể thiếu. Pháp sư Từ Thông từng nói “ở Việt Nam, khắp các tùng lâm, tự viên, am, thất chỗ nào không có kinh Pháp hoa gần như chỗ đó được xem như Phật pháp chưa thịnh hành”.

Tác giả: SC.Thích nữ Trung Hiếu & TS.Thích Hạnh Tuệ

Kinh Pháp hoa hay còn gọi kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một bản kinh vô cùng tuyệt diệu không chỉ uyên áo về nội dung, ý nghĩa mà còn đạt đến đỉnh cao về hình thức nghệ thuật ngôn từ. Pháp sư Từ Thông từng ví dụ trong Pháp hoa kinh thâm nghĩa đề cương rằng: Kinh pháp hoa như là ngọc ma ni, tùy vào góc nhìn khác nhau mà phản chiếu màu sắc khác nhau nhưng màu sắc nào cũng đều rực rỡ.

Chính vì lý do đó, nên bộ kinh này từ lúc mới biên tập đến nay vẫn luôn nhận được sự qua tâm lớn của chư vị tổ sư, các bậc đại sư, cao tăng, nhà nghiên cứu,.v.v.. ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… và một số nước Phương Tây.

Ánh sáng kinh Pháp hoa không chỉ xoa diệu đi sự oi bức của tiết trời tư tưởng triết học bấy giờ mà con khơi mở cho Đại thừa một hướng đi đúng nghĩa theo tinh thần đại thừa với lòng từ bi bao dung và trí tuệ. Với mục đích thị hiện của ba đời chư Phật là “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có thể thành Phật. Đây chính là tính nhân bản tuyệt đối trong kinh Pháp hoa. Do vậy, từ rất lâu kinh Pháp Hoa đã được tôn xưng là Vua của tất cả các kinh.

Trong Phẩm thứ mười, đoạn cuối của phần kệ trùng tụng, đức Phật dạy:

Dược Vương, nay bảo ông,
Các kinh của ta nói,
Mà ở trong kinh đó,
Pháp Hoa tột thứ nhất.

Hay có đoạn đức Phật nói với Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng: Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như là sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là lớn nhất; trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất… Vậy, nguồn gốc tư tưởng kinh Pháp Hoa xuất hiện từ khi nào?

Lý do vì sao kinh Pháp Hoa đã đạt đến địa vị tột cùng trong khu vườn kinh điển Đại Thừa?

Kinh Pháp Hoa do Thế Tôn thuyết trên đỉnh núi Linh Thứu trong thời gian Ngài còn tại thế. Được ghi lại trong phẩm Tựa của kinh “một thuở nọ, đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá”. Nhưng có thể mãi đến khoảng gần 700 năm sau Phật Niết bàn (khoảng thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai Dương lịch), kinh Pháp hoa mới được kết tập và hệ thống lại.

Theo Thiền sư Nhất hạnh kinh Pháp Hoa xuất hiện sau kinh Duy Ma Cật, vì những tư tưởng trong Duy Ma Cật chưa đi tới giai đoạn hòa giải với Giáo hội Truyền thống. Nhưng khi đi vào thế giới Pháp hoa đứng ở góc độ bản môn thì kinh Pháp hoa ví như dòng trí tuệ Phật trôi chảy miên viễn từ thời Phật Oai Âm Vương và trước đó. Vì bất cứ chư Phật nào tu hạnh Bồ tát để thành tựu Phật quả cũng phải học và tu theo kinh này. Kinh này là Pháp hoa vô văn tự của chư Phật và Bồ tát đang sống và giữ gìn, cũng là kinh mà Thường Bất Khinh Bồ tát nghe được khi đốt thân bằng lửa tam muội và Thái tử Sĩ Đạt Ta nghe được sau 49 ngày tư duy thiền định tại Bồ đề đạo tràng. Đây là lời dạy của Hòa thượng Thích Trí Quảng – người đã dùng cả cuộc đời mình sống với Pháp hoa kinh. Như vậy, về bản môn yếu nghĩa kinh pháp hoa đã có từ Phật Oai Âm Vương và trước đó còn về mặc lịch sử dòng chảy tư tưởng Pháp hoa được định hình và lớn mạnh ở một số quốc gia tiêu biểu như sau:

Ở Ấn Độ sau khi đức Phật nhập diệt 100 năm, các giáo đoàn bắt đầu phân phái tổng cộng có đến hơn 20 bộ phái. Phật giáo Ấn Độ trong tình trạng như vậy bị co cụm với những lý thuyết khô khan, giải thích chia chẻ quá chi tiết các hệ thống giáo lý triết học. Trong bối cảnh ấy Phật giáo Đại thừa xuất hiện, với tâm huyết mong muốn Phật giáo có sự sống sinh động và tích cực đến thời đại. Quan điểm giai đoạn ấy về Đại thừa và Tiểu thừa như sau: Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) tức cỗ xe lớn chứa được nhiều người đến nơi Phật quả. Còn Phật giáo truyền thống được coi là Tiểu thừa tức cỗ xe nhỏ, chỉ thành tựu A-la-hán quả. Sự va chạm thời điểm ấy giữa Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa đã xảy ra một cách mạnh mẽ đến độ không ai chấp nhận ai. Trước bối cảnh đó, kinh Pháp hoa được kết tập đã làm giảm nhiệt những mâu thuẫn gay gắt giữa các hệ thống tư tưởng và tạo nên nền Phật giáo thống nhất về nội dung và chí hướng cho dù pháp môn tu tập khác nhau. Kinh Pháp Hoa cũng tổng hợp những tư tưởng cốt tủy của kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma. Đồng thời mở ra chân trời mới cho mọi con người trong xã hội vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật.

Theo các Vị Đại sư, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ (ông Hamilton, phái đoàn Nhật, Anh, Pháp, Đức…) kinh pháp hoa có thể được biên tập từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ hai, sau những kinh Bát nhã, Hoa nghiêm, Duy ma. Các bộ kinh Pháp hoa nằm rải rác nhiều nơi, có bộ thiếu đoạn này có bộ thiếu đoạn khác. Trải qua quá trình biên tập lâu dài thì kinh Pháp Hoa mới có thể được biên tập đầy đủ. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, sự biên tập qua bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn đầu kinh Pháp hoa với phần trùng tụng xuất hiện trước, sau đó đến phần văn xuôi tức phần trường hàng với mục đích là cho phần tùng tụng rõ nghĩa hơn, giai đoạn ba là phát triển thêm phần trường hàng, giai đoạn bốn là kinh được thêm vào những phẩm mới cho hoàn thiện. Bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất được tìm thấy năm 1932 ở Kashmir, gồm 2/3 chữ Phạn và 1/3 chữ Magādhi (quen gọi là Pháp Hoa Gilgit). Ngoài ra có trên 20 thủ bản kinh Pháp hoa chép bằng tiếng Phạn, lần lượt được các nhà Phật học người Anh, Nhật, Đức và Pháp tìm thấy ở Népal, Trung Á, Kotan và Kucha (quê hương ngài Cưu Ma La Thập). Cộng thêm việc Bồ tát Long Thọ (sống khoảng TK I- TK II) dùng kinh Pháp hoa để chứng minh lý trung đạo trong luận Đại trí độ và Ngài có tác phẩm giải thích Pháp hoa mang tựa đề là Pháp Hoa thích luận. Bồ tát Thế Thân (TK IV- TK V) giảng giải và hoằng dương kinh Pháp hoa rất sâu rộng, Ngài có một bộ giải thích Pháp hoa với tựa đề là Pháp hoa luận.

Kinh Pháp hoa ở Trung Quốc, bản đầu tiên do Chi Khiêm dịch vào năm 225 – 253, thời Tam Quốc, từ năm Hoàng võ thứ 2 đời Tôn Quyền, đến năm Kiến Phong thứ 2 đời Tôn Lượng. Bản này chỉ có phẩm Thí dụ, tên là “Phật dĩ Tam Xa Hoán Kinh”, một quyển. Sau đó có 7 bản dịch khác nhưng thực ra bây giờ chỉ còn tồn tại 5 bản: Pháp Hoa Tam Muội Kinh 6 quyển do Cương Lương Tiếp (Kalasivi) dịch năm Ngũ Phượng thứ 2 (255 TL) đời Tôn Lượng; Bản Tát-đàm Phân-đà-lị Kinh, 6 quyển, do Pháp Hộ dịch lần đầu vào năm Tần Thủy (265 TL), đời Tây Tấn; Bản Chính Pháp Hoa Kinh, 10 quyển cũng do Pháp Hộ dịch lần cuối vào năm thứ 7, niên hiệu Thái Khang (286 TL) đời Tây Tấn; Phương đẳng Pháp hoa kinh, 5 quyển do Chi Đạo Căn dịch, năm đầu Hàm Hanh (33 TL) đời Đông Tấn; Diệu Pháp Liên Hoa kinh, 7 quyển sau đổi thành 28 quyển do Cưu Ma La Thập (Kumaraiva) dịch vào năm Hoằng Thỉ thứ 8 (406) đời Diêu Tần; Phật Thuyết Pháp Hoa Tam Muội Kinh, 1 quyển, do Trí Nghiêm dịch vào thời Lưu Tống (420-479); Thiêm Phẩm Diệu pháp Liên Hoa Kinh, 7 quyển do Xà-na-quật-đa (Nanagupta) và Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) dịch năm đầu Nhân Thọ đời Tùy (601 TL). Trong đó, bản của Ngài La Thập thiếu nửa phần đầu của phẩm Dược Thảo Dụ, thiếu phần đầu của Phẩm Pháp Sư, Thiếu Phẩm Đề Bà và phần kệ tụng của phẩm Phổ Môn. Sau này dựa vào bản Bối Diệp do Ngài Hốt Đa mang sang mà dịch bổ sung thêm vào. Bản này tổng cộng có 7 quyển 28 phẩm, đây là bản thường được chư vị tổ sư, nhà nghiên cứu,.v.v. tìm hiểu và dịch giảng. Ngài Trí Giả Đại sư chọn kinh này làm bản kinh chính yếu để lập tông Thiên Thái, Ngài có những tác phẩm nổi tiếng như Pháp hoa huyền nghĩa hay Pháp hoa văn cú,.v.v.. Từ khi tông Thiên Thai hình thành đến nay, những bản giảng giải, luận bàn,…về Pháp hoa càng lúc càng nhiều ở Trung Quốc.

Ở Nhật Bản kinh Pháp hoa cũng có rất nhiều bản dịch như: Bản dịch năm 1913 do Hàn lâm đại sĩ Nanjoo hoàn thành; Quốc dịch Nhất Thiết Kinh Ấn Độ soạn thuật bộ Pháp Hoa Bộ, Nhà xuất bản Daito, năm 1928; Pháp Hoa Kinh ba quyển thượng – trung –hạ, do Yutaka Iwamoto và Sakamoto Yukio dịch và chú, năm 1976; Pháp Hoa Kinh, dịch hiện đại ngữ thuộc bộ Đại Thừa Phật điển, xuất bản năm 2003; Pháp Hoa Kinh dịch Bản gốc Phạn ngữ sang hiện đại ngữ, hai quyển thượng và hạ, xuất bản năm 2015; Kinh Pháp Hoa, Phạn-Hán-Hòa đối chiếu ngữ, hai quyển thượng và hạ, Ueki Masatoshi dịch và chú, 2008..v.v. Và rất nhiều bản dịch khác.

Ở các nước Phương Tây, Pháp hoa kinh là bản kinh Bắc truyền đầu tiên được dịch từ Phạn văn ra ngôn ngữ phương Tây. Các nước phương Tây biết đến kinh Pháp hoa xuất phát từ Phạn ngữ sớm nhất, qua bản dịch Pháp ngữ: Le Lotus De La Bonne Loi, do Burnouf dịch từ nguyên bản tiếng Phạn, công bố và in lần đầu vào năm 1852. Sau đó, lần xuất bản phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới vào năm 1976, đã được nhiều học giả lớn đánh giá và ca ngợi; Anh dịch, The Essence of the Lotus Scripture của: bộ này là lược dịch từ bản chữ Hán của Ngài La Thập, gồm có 28 phẩm, hiện nằm trong bộ The New Test Ament of High Buddhism của Lichard, xuất bản năm 1900; The Lotus of the Wonderful Law (The Lotus Gospel): Do hai học giả W. E. Soothill và Bunno Kato dịch từ Hán bản La-thập, gồm có 28 phẩm, xuất bản tại London năm 1930; Bản dịch tiếng Pháp, là bản dịch từ Hán bản của ngài La Thập, với nhan đề: Le Sutra Du Lotus, do giáo sư người Pháp Jean – Noel Robert phiên dịch 2001; Bản Anh Dịch, The Lotus of the True Law, Do Kern, dịch từ bản Phạn văn Népal, năm 1880, gồm có 27 phẩm, hiện có ở trong The Sacred of the East. Bộ kinh này được đưa vào quyển thứ 21 trong pho sách “Đông Phương Thánh Thư” (sacred Books of the East).v.v.. Và một số bản dịch khác bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, và Thổ Nhĩ Kỳ…

Ở Việt Nam ta, kinh Pháp hoa được truyền bá rất sớm và phát triển mạnh nhất là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai (43- 543). Khoảng năm 256-260 ngài Chi Cương Lương kết hợp học giả người Việt dịch Pháp hoa tam muội có 6 quyển. Trước đó, ngài Khương Tăng Hội đã trích dịch phẩm Thí dụ với tên Phật thuyết tam xa dụ kinh. Các thiền sư thời Lý Trần cũng rất chú trọng bản kinh Pháp hoa này. Hai thiền sư Bảo Tích và Minh Tâm dưới thời Lý (khoảng 1034) suốt 15 năm trì tụng Pháp hoa.Thiền sư Thông Biện- vị thiền sư thông thái thời Lý Thánh Tông thường dùng kinh Pháp hoa dạy người đời. Thiền sư Chân Không (tịch năm 1100) năm 18 tuổi tìm sư học đạo được nghe kinh Pháp hoa tại chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu liền tỏ ngộ, sau đó Ngài được vua Lý Nhân Tông mời vào đại hội giảng kinh Pháp hoa. Và còn rất nhiều các bậc Cao tăng, Thiền sư, Phật tử khác từ xưa đến nay cũng đã và đang thường trì tụng quán chiếu tu tập theo kinh Pháp hoa. Và này hôm nay việc trì tụng kinh Pháp hoa càng lúc càng lan rộng trong giới Phật tử. Lịch sử dịch kinh Pháp hoa có thể được chia thành ba thời kỳ là: thời kỳ chữ Hán, chữ Nôm và thời kỳ chữ quốc ngữ. Thời kỳ chữ Hán: Đạo tràng phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Giao Châu đã được thành lập vào thời Hậu Hán, gọi là trung tâm Luy Lâu. Tại trung tâm Luy Lâu, một bộ Kinh Pháp Hoa gồm 6 quyển được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào khoảng năm 256 TL. Tác phẩm có tên Pháp hoa tam muội kinh, do Ngài Đạo Hinh – Cương Lương Tiếp dịch và lưu truyền tại Việt Nam sớm nhất, văn bản của kinh hiện đã bị thất lạc. Và một số bản liên quan đến kinh Pháp hoa khác. Tiếp theo đó một số tu sĩ Việt Nam được Trung Quốc mời vào cộng đồng phiên dịch tại Trường An (theo tài liệu trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh).

Đến thời kỳ chữ Nôm: Các nhà sư Việt Nam rất tinh thông Hán học và với tinh thần độc lập tự chủ, muốn thoát ly ảnh hưởng văn hóa Bắc thuộc, liền sử dụng ký hiệu Quốc Âm để chuyển ngữ kinh Phật thành ra chữ Nôm. Hiện nay nhiều tài liệu Phật Giáo bằng chữ Nôm được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam được xem là những tác phẩm chữ Nôm sớm nhất. Bộ Quốc dịch Pháp Hoa Kinh, do Minh Châu – Hương Hải (1628-1715) đã dịch và chú kinh Pháp Hoa đầu tiên bằng chữ nôm vào thời nhà Lê; Văn bản hiện còn có chép như sau: “Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục, Cảnh Hưng Bát Niên, Tuế Thứ Đinh Mão, Ngũ Nguyệt, Cát Nhật Từ Pháp Soạn Thuật – Cảnh Hưng 8 – 1747”, hiện được tồn giữ ở thư viện Hán-Nôm, Hà Nội…

Thời kỳ Quốc Ngữ: sau khi bắt buộc chuyển qua sử dụng ký tự la tinh năm 1937. Người đầu tiên biên soạn bộ kinh Pháp Hoa bằng Việt Ngữ chính là cư sĩ Đoàn Trung Còn. Từ giai đoạn đó đên này, các bậc Đại sư, chư Tăng, nhà nghiên cứu đã dịch thuật, chú giải, chú sớ, giảng nghĩa, lược giải..v.v. về kinh Pháp hoa càng lúc càng nhiều. Không những nhiều về số lượng mà còn đa dang về nội dung với nhiều hướng tiếp cận kinh khác nhau thông qua sự nghiên cứu, tu tập và liễu ngộ khác nhau của từng tác giả. Tác phẩm mà người Việt thường sử dụng nhất là kinh Pháp hoa 7 quyển 28 phẩm của Ngài Cưu Ma La Thập. Tông thiên thai chia 28 phẩm thành hai phần: phần tích môn gồm 14 phẩm đầu và phần bản môn gồm 14 phẩm sau.

Tác phẩm mang tự đề Diệu pháp liên hoa kinh của Đoàn Trung Còn được xuất bản lần đầu năm 1936. Bản dịch này được bổ cứu và in lại lần 3 năm 1969. Hiện tại, nhầm tưởng nhớ và ghi lại công lao của tác giả Nhà xuất bản Liên Phật hội thực hiện dự án phục chế sách cũ của ông bằng phương thức ảnh ấn. Bản dịch này là bản dung hợp bản Hán văn của Cưu Ma La Thập và bản Pháp văn của Eugene Bourmouf. Tác phẩm có 257 trang được tác giả dịch cẩn thận với văn phong bình dân của những thập kỷ trước làm người đọc có cảm giác gần giũ và có sự hoài niện.

Trong bản dịch có đoạn kệ Ngài Di Lặc hỏi Văn Thù duyên cớ vì sao Phật hiện điềm lành trước khi thuyết kinh:

“Văn thù cớ tại làm sao?
Đạo sư Ngài phóng bạch hào đại quang
Chiếu ra khấp cả rõ ràng
Bắt từ nơi tráng túa ra ngoài nầy”

Bản dịch Diệu pháp liên hoa kinh của Đoàn Trung Còn được đề cập nhiều trong các tác phẩm về kinh Pháp hoa của HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Từ Thông, Chánh Trí Mai Thọ Truyền,…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Kinh Phap Hoa 1

Năm 1948, Thích Trí Tịnh tại Liên hải Phật học đường hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Pháp hoa kinh cương yếu, bản dịch căn cứ bản Hán văn của ngài Cưu Ma La Thập. Đây chỉ là cương lãnh kinh văn, tác giả phỏng theo các bản chú sớ của cổ đức để tóm lược yếu chỉ các phẩm và viết lên cương lãnh kinh văn. Tác phẩm này nương chủ yếu theo tư tưởng Đại sư Hải Ấn. Quyển cương yếu này, tác giả soạn dịch mục đích chủ yếu để trì tụng, so với trọn bộ kinh Pháp Hoa chánh văn thì tác phẩm này tương đối ngắn giúp người đọc dễ hiểu được nội dung mỗi phẩm. Mỗi phẩm trong Pháp hoa kinh cương yếu có vài trang, có những phẩm vài dòng như phẩm thọ ký thứ sáu có năm dòng.

Sau bản Pháp hoa kinh cương yếu vài năm Thích Trí Tịnh dịch tác phẩm có tựa đề là Kinh diệu pháp liên hoa. Bản dịch này được Hòa thượng chỉnh sửa và hoàn thiện dần từ lúc xuất bản lần đầu đến những năm sau đó. Đây là bản kinh được hầu hết những vị xuất gia và tại gia dùng để nghiên cứu và trì tụng trong các khóa lễ. Bản dịch này rất phổ biến ở Việt Nam và được tái bản nhiều lần. Hiện nay, đây là bản dịch kinh Pháp hoa được trì tụng nhiều nhất tại các tự viện thuộc Bắc truyền trong các tỉnh thành cả nước vì tác giả dịch sát nghĩa, vần điệu dễ tụng trì và sáng ý khi tụng đọc.

Năm 1962, Chánh trí Mai Thọ Truyền hoàn thành tác phẩm Pháp hoa huyền nghĩa. Vì chủ đích của tác giả là trình bày nghĩa ẩn, nên đã không dịch sát và đầy đủ chánh văn mà chỉ ghi đại cương, để cho độc giả khỏi tán ý và dễ nhận cốt yếu lời Phật dạy. Nội dung tác phẩm nêu lên và giảng nghĩa 28 phẩm kinh Pháp hoa đồng thời cuối sách có đề cập phần tổng kết kinh Pháp Hoa và phụ chú giảng về chữ tâm giúp cho đọc giả có cái nhìn bao quát hơn về bộ kinh này. Đặc biệt, trong phần đầu tác giả khái lược cách phân chia các phẩm trong kinh theo ngài Hải Ấn đồng thời nêu chánh lý Pháp hoa giúp người đọc hệ thống hóa trước khi tiếp xúc trực tiếp bản kinh. Theo ngài Hải Ấn, toàn bộ Pháp hoa không ngoài hoài bảo “khai, thị, ngộ, nhập” (mở, chỉ, nhận, vào tri kiến của Phật) nên chia 28 phẩm kinh Pháp hoa như sau: Phẩm tựa là hiển bài tổng quát sự tướng của pháp giới; Phẩm 2 đến phẩm 10 là khai mở tri kiến của Phật; Phẩm 11 chỉ tri kiến Phật; Phẩm 12 đến 16 nhận thấy tri kiến của Phật; Phẩm 17 đến 22 nhận tri kiến Phật tới chỗ thâm diệu; Phẩm 23 đến 28 vào chỗ thâm diệu của Phật. Còn theo tác giả, Pháp hoa chủ đích là nêu ra cái chân lý tuyệt đối “một là tất cả và tất cả là một”. Vì vậy kinh mới có thể phá tam hiển nhất vì tất cả đều có khả năng thành Phật. Nhưng muốn hiểu được sự thật tuyệt đối đó, hành giả phải bỏ giáo lý Tứ đế của Thanh văn, Thập nhị nhân duyên của Duyên giác và Lục độ vạn hạnh của Bồ tát.

“Trong cõi Phật mười phương
Chỉ có một thừa pháp
Không hai cũng không ba
Trừ Phật phương tiện nói”

Tất cả những giáo lý đạo quả ấy đều là tạm bợ mà nói, đều là hóa thành. Đó là lý do vì sao, tuy ông trưởng giả dùng ba xe đẹp dẫn dụ các con ra khỏi nhà lửa nhưng cuối cùng ông cho các con xe trâu trắng lớn.

Năm 1970, tác phẩm Kinh diệu pháp liên hoa giảng diễn lục được ấn hành và in tại nhà in Hạnh Phúc. Đây là bản dịch của Thích Trí Nghiêm dịch từ tác phẩm của Đại sư Thái Hư giảng. Tác phẩm gồm hai tập giảng giải trọn vẹn 28 phẩm kinh Pháp Hoa, với lối hành văn xưa tác giả đã giải thích chi tiết yếu nghĩa của kinh văn. Cuối sách có phầm “quán xuyến nghĩa toàn kinh” giúp đọc giả hiểu hơn về nghĩa lý vô lượng vô biên của kinh Pháp hoa nên gọi là vô lượng nghĩa. Nếu nói rộng thì khấp chốn hư không cũng không hết được, nếu nói gọn thì một phẩm dẫn đến bài kệ bốn câu cũng không thấy thiếu. Cho nên nghĩa toàn kinh có thể đem một câu “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” mà tóm nói. Như vậy, tổng nghĩa kinh Pháp Hoa là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến để chỉ rõ bốn nghĩa là giáo, lý, hành và quả được phân chia trong 28 phẩm của kinh. Hành giả Pháp hoa hành hạnh Phổ Hiền chính là nương giáo lý này mà trì tụng, nương trì tụng mà hiểu, nương hiểu mà tu, do tu mà chứng. Có như vậy, kinh này mới được lưu bố khấp thế gian chẳng đoạn diệt. Như trong phẩm tụng địa dũng xuất – với một hành giả hộ trì kinh Pháp hoa đúng nghĩa.

Năm 1973, Thích Nhật Quang dịch từ tác phẩm của Thiền sư Minh Chánh (một thiền sư Việt Nam) tác phẩm mang tên Pháp hoa đề cương. Trong nguyên bản tác giả chỉ nói tóm lược mà không nêu rõ tên mỗi phẩm nên Thích Nhật Quang đã thêm tên vào cho người đọc dễ theo dõi, đồng thời khi gặp những danh từ chuyên môn tác giả có chú thích để làm sáng nghĩa bản dịch. Trong tác phẩm có phần “Tông chỉ đề cương kinh Diệu pháp liên hoa” giúp người đọc định hướng tư tưởng trước khi tiếp xúc bản kinh. Phần này tác giả viết, bản nguyện rộng lớn của chư Phật xuất hiện ở đời, chỉ vì một việc duy nhất là muốn mở bày cho tất cả chúng sinh nhận ra và sống với tri kiến Phật của bản thân mình. Chúng ta có tri kiến Phật mà bỏ quên nên bị luân hồi trong vô lượng kiếp. Tức là tư tưởng kinh Pháp hoa xây dựng sự tự tin trong mỗi chúng sinh đều có khả năng làm Phật vì vốn có Phật tánh trong mình. Về phần nội dung tác phẩm Pháp hoa đề cương tác giả trình bày tương đối chi tiết với sự phân bố thứ tự các mục làm cho bản dịch thêm phần sáng nghĩa.

Năm 1984, Thích Từ Thông hoàn thành giáo án giảng dạy, tác phẩm được đề tựa là Pháp hoa kinh thâm nghĩa đề cương. Vì tác phẩm này là “đề cương” nên tác giả chỉ giải thích ngắn gọn. Trong tác phẩn nêu lên từng ý, mỗi đoạn có những ý tứ riêng, đoạn trên và đoạn dưới không phải có ý tứ liên tục, chủ yếu là nêu lên cách ngắn gọn ý của kinh Pháp hoa nguyên bản. Xuất bản lần đầu năm 1986 và xuất bản những lần sau có chỉnh sửa. Đây là một trong những bản giải nghĩa kinh Pháp hoa tương đối ngắn gọn nhưng nêu được phần cốt lõi vấn đề nên tác phẩm cũng được nhiều đọc giả quan tâm. Trong phần giải thích đề kinh Pháp hoa, Thích Từ Thông dựa theo ngài Trí Giả để nói: Diệu pháp liên hoa là dùng cách lập đề Pháp – dụ. Diệu pháp là pháp còn liên hoa là dụ.

“Diệu pháp xin hỏi pháp chi
Chân như là diệu, pháp là nhất tâm
Chúng sinh, tâm Phật thể đồng
Liên hoa dụ nọ bao hàm pháp kia”

Pháp là diệu tức chỉ cho tâm. Tâm chúng sinh nhiệm rất mầu. Khi thành Phật không phải tâm đó mới sinh ra; khi còn là chúng sinh tâm đó cũng không phải mất đi. Nó có cái thể bất biến mà vẫn tùy duyên nên gọi tâm ấy là diệu pháp. Tâm, Phật, chúng sinh gắn bó nhau không thể thiếu cũng như ba nét hình tam giác mất một nét thì tự nó không thể thành hình.

Năm 1985, Thích Chơn Thiện hoàn thành tác phẩm Tư tưởng kinh pháp hoa. Tác phẩm có 192 trang với hai chương chính. Chương một là tổng quan về kinh Pháp hoa và chương hai là lược giải về 28 phẩm trong kinh. Thích Chơn Thiện trình bày lược giải phẩm tựa rất ấn tượng. Chủ yếu phẩm tựa là giới thiệu tổng quát Phật tri kiến với khung cảnh thị hiện của Thế Tôn và chư vị thính chúng cùng mẫu chuyện giữa Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Di Lặc. Tức đang hiển bài thực tướng vô tướng và con đường thể nhập thật tướng vô tướng ấy.

Năm 1991, Thích Trí Quảng hoàn thành tác phẩm Lược giải kinh pháp hoa, tác phẩm này còn được in trong tập Trí Quảng toàn tập quyển hai. Thích Trí Quảng có nhân duyên với kinh Pháp Hoa từ rất sớm, đến năm 25 tuổi khi qua Nhật du học Ngài vẫn nghiên cứu bộ kinh Pháp hoa, sau này về nước và đến hiện nay ngài Thích Trí Quảng vẫn thọ trì Pháp hoa kinh. Đây là tác phẩm đầu tay của Hòa thượng về kinh Pháp hoa với sự nghiên cứu và thọ trì thực nghiệm lâu dài. Khi đọc vào tác phẩm Lược giải kinh pháp hoa, người đọc sẽ thấy được những vấn đề mà dù có nghiên cứu bao nhiêu sách vở văn tự cũng không có, vì đây là kinh nghiệm thông qua quá trình tu tập thực nghiệm của tác giả. Tác giả từng nói trong tác phẩm rằng: khi thật sự thâm nhập thế giới tâm linh, thọ trì đọc tụng Pháp hoa thì tôi mới hiểu rằng khi ngồi trên ghế nhà trường mình chưa hiểu gì về kinh pháp hoa cả. Do vậy, kinh nghiệm thực chứng được tác giả trình bày trong tác phẩm giúp cho học giả có góc nhìn nhận mới về bộ kinh này.

Cũng trong khoảng thời gian của tác phẩm Lược giải kinh pháp hoa, Thích Trí Quảng viết kinh Bổn môn pháp hoa để trì tụng. Hiện nay trong các khóa lễ tại của Đạo tràng Pháp Hoa do chính Thích Trí Quảng thành lập đang sử dụng bản này để đọc tụng và làm cơ sở hành trì. Quyển Bổn môn Pháp Hoa là pháp hành trì của tác giả và không phiên dịch từ bất cứ bộ kinh nào. Vì là pháp tu nên tuy ít văn tự nhưng mang tính tổng hợp. Về phần văn kinh, tác giả đã tham khảo 3 dịch bản kinh Pháp Hoa của Trung Quốc, 10 bản dịch của Nhật Bản, một bản của Triều Tiên, một bản tiếng Anh, một bản tiếng Pháp và Phạn bản. Sau đó tác giả chỉ rút những ý quan trọng thiết yếu và đúc kết lại thành Bổn môn Pháp Hoa. Ngoài phầm lễ lạy và các bài sám quyển tụng này có bảy phẩm được trình bày ngắn gọn là phẩm thứ nhất, thứ mười, thứ mười lăm, thứ mười sáu, thứ mười bảy, hai mười lăm và hai mươi tám.

Năm 1992 hoàn thành biên tập tác phẩm kinh Diệu pháp liên hoa giảng giải. Do Thuần Giác và các đệ tử, học trò của Thích Thanh Từ biên tập những bài giảng của Ngài và được tác giả Thích Thanh Từ đồng ý cho xuất bản. Thích Thanh Từ dựa vào bản dịch của Thích Trí Tịnh để giảng giải cho người học dễ nắm bắt vì đây là bản thường trì tụng. Trong phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát phổ môn thứ hai mươi lăm tác giả nhấn mạnh: Quán Thế Âm là xem xét âm thanh thế gian tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ tát. Phổ môn là cửa thông suốt tất cả, ai ai cũng có thể vào tu không giới hạn. Mục đích của phẩm này là phá tưởng ấm vào ngũ địa và lục địa của Bồ tát. Qua tác phẩm kinh Diệu pháp liên hoa giảng giải này của ngài Thích Thanh Từ giúp người đọc sẽ hiểu hơn về kinh Pháp hoa với những lời giảng gần giũ, bình dị mà ẩn nghĩa lý sâu xa qua lăng kính thiền tông.

Năm 1993, Thích Chân Thường hoàn thành tác phẩm Kinh diệu pháp liên hoa huyền tán. Đây là tác phẩm được dịch từ tác phẩm của Đại sư Khuy Cơ đời Đường, tuy nhiên do nhiều điều kiện và hoàn cảnh khách quan bản dịch này chưa được ấn hành sâu rộng. Sau đó hàng môn đồ pháp quyến của tác giả đã biên tập, hiệu đính lại và kết hợp Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam để in ấn. Tác phẩm Kinh diệu pháp liên hoa huyền tán tổng cộng có hai quyển tương đối đầy đủ, chi tiết phân bố nội dung thứ lớp rõ ràng nên cũng được xem là một trong những tác phẩm cần có khi nghiên cứu, tìm hiểu về kinh Pháp hoa.

Năm 1994, tác phẩm Kinh diệu pháp liên hoa giảng nghĩa được xuất bản, do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Tác giả của Kinh diệu pháp liên hoa giảng nghĩa là Thích Thiện Trí. Nội dung tác phẩm giải thích trọn vẹn tựa đề kinh Pháp hoa và 28 phẩm của kinh trong 358 trang tương đối đầy đủ.

Năm 1995, Thích Phước Nhơn hoàn thành tác phẩm Pháp hoa yếu giải tại Thiền viện Phổ Quan, Tây Út. Tác giả đã kiên nhẫn và nghiêm túc viết tác phẩm trong 40 năm với hơn 400 trang, với nội dung giải nghĩa tường tận 28 phẩm trong kinh văn. Ông Phạm Công Thiện (một nhà thi sĩ, nhà văn, triết học, học giả và là cư sĩ Phật Giáo) từng nhận định: tác phẩm này được Tác giả viết một cách kiên nhẫn, đàng hoàng, sáng sủa, mạch lạc, dễ hiểu, minh bạch, sâu sắc và đầy đủ. Công trình khả kính của Thích Phước Nhơn đáng được tất cả giới tu học ghi nhận trọn đời.

Năm 1997, tác phẩm Lược giảng kinh pháp hoa được tuyển tập trong Trí Đức Văn Lục tập bốn. Ngài Thích Thiện Siêu khi giảng về kinh Pháp hoa ở Nha Trang, Già Lam và Từ Đàm Huế và được các đệ tử, học trò biên soạn lại. Trong tác phẩm không trình bày hết 28 phẩm của kinh Pháp hoa nhưng cho đọc giả có nhiều hướng nhìn nhận về bộ kinh này như: kinh pháp hoa giữa các kinh đại thừa, hình tượng hoa sen trong kinh Pháp hoa, kinh Pháp hoa với lời thề nguyện chúng sinh vô biên thề nguyện đồ,…

Năm 1997, tác phẩm Kinh pháp hoa giữa các kinh điển đại thừa được hoàn thành, tác giả là ngài Thích Thiện Siêu. Tác phẩm này nhờ công của Trung Hậu, Hải Ấn và Minh Thông sưu tầm tập hợp và được chính ngài Thích Thiện Siêu chỉnh sửa lại. Nội dung tác phẩm gồm có 18 mục lớn trong đó chỉ giải thích rõ hai phẩm là phẩm tựa và phẩm phương tiện. Còn những mục còn lại giúp cho đọc giả có cái nhìn tổng quan về kinh Pháp hoa và những phương diện liên quan như: Nội dung 28 phẩm trong kinh pháp hoa hay nhà Như Lai, áo Như Lai, tòa Như Lai,.v.v.. Nhất là phần có chung tựa đề với tựa đề tác phẩm là “kinh pháp hoa giữa các kinh điển đại thừa”. Trong phần này tác giả nêu lên tinh thần đại thừa là lấy Bồ tát hạnh làm cao điểm. Trong Bồ tát hạnh thì Pháp hoa kinh là tiêu biểu, là kinh đúc kết, tóm thâu tinh thần thuyết giáo của đức Phật trong 49 năm ở cõi ta bà. Chỉ vài câu nhưng tác giả đã thể hiện được vị trí và hạnh nguyện được thể hiện trong kinh. Tác phẩm này gần giống tác phẩm Lược giảng kinh pháp hoa trong Trí Đức Văn Lục tập bốn chỉ thêm ba phần là bố cục kinh, phân tích kinh Pháp hoa và Pháp hoa khoa chú.

Năm 1998, Thích Trí Quang hoàn thành bản dịch và giảng giải kinh Pháp hoa. Bản dịch này tác giả chia làm hai tập là Pháp hoa chánh văn và Pháp hoa lược giải, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với bản dịch chánh văn, tác giả dịch chi tiết, kỹ lưỡng và sát nghĩa bản gốc nên rất cần thiết để làm tư liện. Còn đối với bản Pháp hoa lược giải tác giả Thích Trí Quang trình bày chi tiết, nghĩa lý vi diệu trong kinh được Ngài lần lược làm rõ từng nội dung. Cách trình bày của tác giả là đánh số cước chú vào những chỗ cần giải thích và lần lược giải thích ở phần ghi chú theo những số thứ thự ấy, nội dung tác phẩm gồm ghi chú, phụ lục, lược giải và toát yếu. Do vậy, đối với những ai muốn nghiên cứu sâu vào lý kinh Pháp hoa thì đây là một trong những là bản dịch giải không thể thiếu. Trong tác phẩm Thích Trí Quang giới thiệu 7 điều cần phải thấy khi tu học Pháp hoa: thứ nhất là thấy thế giới này là tịnh độ của Phật, tức là ở đâu lúc nào cũng là tịnh độ; Thứ hai là thấy Phật không nhập diệt, Phật siêu sống chết, siêu thời gian không gian, Phật luôn bên ta và trong ta, cái thấy không cục bộ chính là thấy Phật; Thứ ba là thấy được đạo lý Pháp hoa là “như thị”, những biểu hiện, đặc tính, bản thể, năng lực, nhân tố, nguyên tố, kết quả,… tất cả các mặt của các pháp toàn như vậy; Thứ tư là thấy ta cũng từng là đệ tử Phật; Thứ năm là thấy mọi việc làm gì cũng không vô hiệu quả, một câu tôn kính Phật hay một lời giới thiệu Pháp hoa thì cũng đều làm Phật cả; Thứ sáu là tu học Pháp hoa là vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai và ngồi tòa Như Lai; Thứ bảy là chết thì được đức Phật trao tay cho. Đây chính là mắt tuệ khi vào thế giới Pháp hoa.

Năm 2001, ngài Thích Trí Quảng hoàn thành tác phầm Lược giải bổn môn pháp hoa. Tác phẩm này để giảng rộng bản Bổn môn pháp hoa mà tác giả đã soạn để hành giả dễ hiểu hơn khi trì tụng. Phần luận giải kinh Pháp Hoa tác giả đã chọn hai tác phẩm quan trọng nhất làm đối tượng nghiên cứu tu hành, đó là Pháp Hoa tam đại bộ của Trí Giả Đại sư và Tuyển tập dị văn của Nhật Liên Thánh nhân.

Năm 2001, tác phẩm Sen nở trời phương ngoại được in lần thứ nhất tại San Jose –Hoa Kỳ. Đây là tác phẩm của Thích Nhất Hạnh, tập hợp lại những bài giảng về kinh Pháp hoa Ngài đã giảng từ những năm 1991-1992 tại Pháp nhân mùa an cư kiết đông và năm 1993 tại Hoa Kỳ nhân khóa tu của tu viện Kim Sơn. Sen nở trời phương ngoại không những giúp người đọc hiểu về kinh Pháp hoa với nhiều phương diện mà con tặng cho đọc giả 2 chìa khóa quan trọng để có thể dễ dàng mở cửa đi vào thế giới Pháp hoa. Chìa khóa thứ nhất chính là nhận diện được tích môn và bản môn. Tích môn là những phần kể về đức Phật lịch sử với những sự kiện có dấu tích hiện lên ai cũng thấy được nghe được. Còn bản môn là nói về lý muôn đời, giáo pháp vượt thời gian và không gian. Cũng như khi thấy chiếc lá từ xanh đến vàng rồi rơi rụng đó chính là tích môn (với sự sinh diệt) nhưng khi nhìn sâu vào thế giới duyên sinh ta sẽ thấy bản chất vô sinh diệt của lá – đó chính là cái nhìn bản môn. Cái diệu dụng của bản môn là sự hiện hữu của một số vị Bồ tát có khả năng đưa người từ tích môn về bản môn. Chìa khóa thứ hai chính là lãnh ý buông lời. Kinh Pháp hoa được trình bày bằng các bức tranh có tính cách thực tiễn. Ngôn ngữ, hội họa và điêu khắc được vận dụng để diễn bày ý kinh. Những hình ảnh được sử dụng để diễn bày tư tưởng uyên áo, thâm diệu của kinh. Tác phẩm Sen nở trời phương ngoại, với lời văn bình dị mà ẩn chứa hàm nghĩa sâu xa tác giả Thích Nhất Hạnh giúp người đọc nhẹ nhàn đi vào thế giới pháp hoa. “Đêm tụng kinh Pháp hoa/ Bảo tháp hiện chói lòa/ khấp trời Bồ tát hiện/tay Bụt trong tay ta”. Đây là một trong những quyển sách về kinh Pháp hoa đã và đang được các nhà nghiên cứu, giới học giả lưu tâm và trân trọng.

Năm 2002, Thích Thông Bửu biên dịch và giảng luận tác phẩm Kinh đại thừa diệu pháp liên hoa giảng luận, tập 1 giảng giải bảy phẩm đầu. Năm 2003 tác giả hoàn thành tập 2 giảng giải chín phẩm tiếp theo. Tác phẩm được hoàn thành tại tổ đinh Quán Thế Âm, đạo tràng Diệu pháp liên hoa.

Năm 2003, tác phẩm Lược giảng kinh pháp hoa được ấn hành. Tác phẩm này là kết quả biên tập lại những bài giảng của Thích thiện Siêu giảng dạy cho hai giới xuất gia và tại gia tại các Phật học đường và các giảng đường từ Bắc đến Nam. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cùng môn đồ pháp quyến của Thích thiện Siêu đã biên tập lại để tri ân cố trưởng lão và cũng để giữ gìn một tài liệu Phật học quý giá cho đời sau. Nội dung gồm 4 phần: dẫn nhập, phân tích nội dung một số phẩm tiêu biểu, phần phụ lục, phần giảng về Pháp hoa của tác giả đã được đăng tải trong các tạp chí Phật giáo. Đặc biệt tác phẩm Lược giảng kinh pháp hoa của tác giả Thích thiện Siêu có nói như sau: Vì căn tánh chúng sinh khác nhau nên đức Phật phương tiện “hiển nhất khai tam” nghĩa là trong nhất thừa khai ra ba thừa đạo (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát). Đến chúng sinh có trình độ hiểu biết rồi Ngài mới nói nhất thừa “hội tam quy nhất”. Đức Phật dùng phương tiện nói ba thừa những thực chất chỉ một Phật thừa. Những phương pháp được vận dụng trong kinh để chỉ nhất thừa như: khai quyền hiển thật (mở cửa phương tiện để hiển bài thật tướng), khai tam hiển nhất hay hội tam quy nhất (nói về tam thừa để quy về Phật thừa), thừa quyền thừa thật (nương giáo pháp của Phật mà tu hành sẽ đạt thật tánh), thọ ký thành Phật, khai cận hiện viễn (dạy gần để chỉ xa), khai tích hiện bổn (nói tích môn để chỉ bản môn), thân quyền thân thật (chỉ thân Phật và Pháp thân). Khi hiểu được những yếu nghĩa này người đọc có thể dễ đi vào thế giới Pháp hoa hơn.

Năm Bính tuất (2006) tác phẩm Pháp hoa kinh thông nghĩa được hoàn thành. Tác phẩm do Thích Hoằng Tri biên soạn lại những bài giảng của ngài Thích Trí Tịnh, tác phẩm gồm có ba tập. Thông qua sự ghi chép từ lời dạy của ngài Thích Trí Tịnh được thầy Hoằng Tri biên soạn và trình bày đã gởi lại hậu thế một tác phẩm góp phần làm làm sáng nghĩa diệu ý kinh Pháp hoa. Đây là một trong những tác phẩm rất được quan tâm hiện nay, với nội dung đầy đủ ý, sáng nghĩa cộng thêm uy tính cả đời chuyên dịch thuật, chú giải, giảng giải, trì tụng Pháp hoa của Hòa thượng Trí Tịnh- một bậc cao tăng thời hiện đại.

Năm 2007, chư tăng, ni thiền viện Thường chiếu tập hợp biện soạn những bài giảng của Thích Nhật Quang và được Ngài đề tựa là Diệu nghĩa kinh pháp hoa. Tác phẩm này gần giống tác phẩm Pháp hoa đề cương của Thích Nhật Quang dịch năm 1973. Vì tác phẩm này biện tập sau bằng văn nói của tác giả nên có phầm đầy đủ và sáng nghĩa hơn nhưng có một số chỗ trong tác phẩm mang âm điệu văn nói.

Năm 2007, Kinh pháp hoa thi hóa của tác giả Thích Hạnh Thành xuất bản. Tác giả đã thực hiện thi hóa trọn vẹn bộ kinh Pháp hoa với thể thơ lục bát. Với mục đích giúp cho người đọc dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu.

Cũng năm 2007, Thích Trí Thành hoàn thành tác phẩm có tên là kinh Diệu pháp liên hoa giảng giải, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả dựa theo bản dịch của Thích Trí Tịnh để giảng luận rộng ra. Với mục đích giúp hành giả tụng kinh Pháp hoa và đọc giả muốn tìm hiểu về kinh Pháp hoa có góc nhìn mới góp phần làm sáng nghĩa kinh văn.

Đào Phong Ngọc cho ấn hành tác phẩm Thơ kinh diệu pháp liên hoa năm 2007. Trong tác phẩm này có thơ kinh Đại thừa vô lượng nghĩa và thơ kinh Diệu pháp liên hoa 28 phẩm. Đây là một trong những tác phẩm về kinh Pháp hoa được phổ lại thành thơ tương đối gần với nội dung bản kinh. Tác giả đã mang kinh Pháp hoa đến gần với người đọc bằng những vần thơ nhẹ nhàn, ngôn ngữ bình dị và được chọn lọc tinh tế để diễn tả trọn vẹn ý kinh.

Năm 2008, tác giả Sơn Nhân hoàn thành tác phẩm Pháp hoa yếu nghĩa luận. Tác phẩm gồm 370 trang xuất bản năm 2019, bởi nhà xuất bản Hồng Đức. Đây cũng là một trong những tác phẩm về kinh Pháp hoa có lối hành văn hiện đại nên tương đối dễ hiểu.

Cũng năm 2008, tác phẩm Pháp hoa thi hóa của Vũ Thế Sương xuất bản lần đầu và tái bản có chỉnh sửa bổ sung năm 2011. Đây là một trong những bản kinh Pháp hoa được thi hóa có văn phong cô đọng mà rõ nghĩa với những vần thơ nhịp nhàn giúp người đọc dễ hiểu và dễ nhớ.

Năm 2009 Thích Hạnh TuệThích Thanh Quế cho ra mắt sách kinh Pháp Hoa thực giải. Tác phẩm này nằm trong một loạt các sách thực giải các bộ kinh quan trọng và phổ biến nhất trong đời sống tu học của Phật giáo Việt Nam như Kim Cang, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng già, Hoa Nghiêm, Địa Tạng, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Phổ môn, Đi Đà, Di giáo, Tứ niệm xứ, Duy thức tam thập tụng của hai tác giả này.

Năm 2010, hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Pháp hoa tam muội, dịch Hán ngữ của Sa môn Trí Nghiêm, do Nguyễn Hiển việt dịch và dịch Anh ngữ. Tác phẩm có bản Việt dịch đồng thời có phụ bản Hán ngữ và phụ bản Anh ngữ. Bản Việt dịch tương đối đầy đủ, thích hợp dùng là tư liệu để đối chiếu so sanh ngôn ngữ kinh văn.

Năm 2011, Thích Huệ Đăng hoàn thành tác phẩm Khai thị luận kinh diệu pháp liên hoa, tác phẩm này chủ yếu chỉ bài yếu chỉ của kinh văn. Tác giả còn có một tác phẩm về kinh Pháp hoa nữa với tựa đề là Luận giảng diệu pháp liên hoa.

Năm 2014, tác phẩm kinh Pháp hoa giảng lục gồm 3 tập được xuất bản, tại nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Tác giả Thích Thông Phương giảng giải tác phẩm này. Đây là một tác phẩm tương đối đầy đủ và tỉ mỉ, ngôn ngữ hiện đại mà bình dị nên dễ đi vào lòng người.

Năm 2015, tác phẩm kinh Pháp hoa du ý do Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải dịch từ nguyên tác Sa môn Cát Tạng, nhà xuất bản Phương Đông. Tác phẩm có 223 trang với hai quyển là quyển thượng và quyển hạ. Quyển thượng với nội dung lai ý môn, nói rõ về môn tông chỉ, giải thích tên kinh. Quyển hạ nói về luận giáo ý môn, hiển và mật, tam và nhất, công dụng, phương pháp hoằng kinh, bộ loại bất đồng và nguyên do giảng kinh.

Năm 2018, Thích Tuệ Hải hoàn thành tác phẩm giảng giải kinh Pháp hoa mang tự đề Kinh diệu pháp liên hoa giảng giải. Đây là một trong những bản giảng giải kinh Pháp hoa đương thời có nội dung tương đối đầy ý nghĩa với 4 quyển, song song đó tác giả Thích Tuệ Hải cũng là một trong những giảng sư được nhiều Phật tử biết đến. Vậy nên tác phẩm này cũng rất được sự quan tâm của đọc giả nhất là những hành giả cư sĩ Phật tử.

Trần Văn Duy dịch và chú thích tác phẩm mang tựa đề Pháp Hoa tiểu sử. Đây là bản dịch kể về đời sống của giáo điển Pháp hoa vĩ đại. Tác phẩm chỉ ra vai trò của kinh Pháp hoa trong các cuộc du hành đến các quốc gia từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, vượt Đại Tây Dương, kinh Pháp hoa ở thế kỷ XII và vượt Thái Bình Dương.

Tác phẩm Pháp hoa chân nghĩa của Thích Chân Quang giảng giải tương đối ấn tượng. Bằng lối viết giản dị tác giả phân tích, diễn giải ý nghĩa của kinh gắn liền với cuộc sống của mỗi người và phù hợp với giáo lý Thế Tôn. Tác giả đã đưa đến cho người đọc những bức tranh khác nhau qua việc lồng ghép những tích truyện xưa và những ví dụ trong đời thực đều để chỉ chung một ý nghĩa. Điều đó cho thấy rằng chân nghĩa của Kinh Pháp hoa có tính vi diệu trường tồn. Và Pháp Hoa chân nghĩa cũng là một hành trang quý báu và bổ ích cho mọi người trên con đường hành hạnh Pháp hoa.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Kinh Phap Hoa 2

Tác phẩm Kinh diệu pháp liên hoa giảng giải của Hòa thượng Tuyên Hóa được Thích Minh Định Việt dịch. Tác phẩm tổng cộng có 5 tập giảng giải 28 phẩm trong kinh Pháp hoa tương đối đầy đủ và chi tiết, sáng nghĩa.

Thích Kế Đạo là tác giả của sách Đại cương kinh diệu pháp liên hoa. Tác phẩm này ban đầu tác giả soạn để làm giáo án giảng dạy nhưng vì thấy sự lợi ích nên mới in thành sách. Tác phẩm Đại cương kinh diệu pháp liên hoa có tám phần chính như sau: tổng quan Phật giáo, lịch sử truyền dịch kinh Pháp hoa, thể văn và sự hình tành kinh Pháp hoa, những đặc tính của kinh Pháp hoa, bí quyết của kinh Diệu pháp liên hoa, tư tưởng căn bản của kinh Pháp hoa, ý nghĩa Diệu pháp liên hoa, Phân tích nội dung kinh Pháp hoa.

Trên đây là một số tác phẩm mà chúng con có thể tiếp cận. Ngoài ra còn rất nhiều tác phẩm, luận văn, bài tiểu luân, bài viết khác của chư vị cao tăng, nhà nghiên cứu, các tác gia, học giả… đã dịch thuật, chú sớ và giảng giải về kinh Pháp hoa mà trong bài viết này dù đã rất cố gắng những vẫn chưa thể đề cập hết. Song song đó, còn có nhiều tác phẩm về kinh Pháp hoa đang trên quá trình hoàn thiện để xuất bản. Bản kinh này còn được giảng dạy nhiều trong các trường Phật học như: sau Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung cấp, lớp Cao cấp Giảng sư ở hầu hết các tỉnh thành,.v.v..trong nội viện các thiền viện và cả các đạo tràng tu tập, giới Phật tử bình dân…Vì kinh Pháp hoa đối với Phật tử Việt Nam từ lâu không chỉ là một bộ kinh mang tính triết học kết hợp pháp môn tu hành mà còn là một trong những bộ kinh mang yếu tố tâm linh. Yếu tố tâm linh ấy giúp người sơ cơ có thể trì tụng tiếp cận với kinh từ đó làm tiền đề cho việc suy tư, nghiên cứu ẩn lý bên trong và cuối cùng phát triển chánh tín với lòng tin tuyệt đối rằng “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phât”. Cho nên, kinh Pháp hoa không những xuất hiện trong các lớp giáo lý học thuật mà con xuất hiện trong các khóa lễ trì tụng. Chư vị tổ sư từ xưa đến này đã thường trì tụng kinh Diệu pháp liên hoa. Hơn thế nữa, các đạo tràng pháp hoa cũng được chư tôn đức thành lập. Đạo tràng Phát hoa hiện này được biết đến nhiều nhất là đạo tràng Pháp hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng. Đạo tràng này trải dài từ Bắc vào Nam và cả hải ngoại, ngoài ra còn có các đạo tràng Pháp hoa của chư vị giáo phẩm khác. Đó là sự tiếp nối lịch sử truyền thừa kinh Pháp hoa. Tín ngưỡng và pháp hành theo Diệu pháp liên hoa kinh này có từ rất sớm và được tiếp nối liên tục qua nhiều thế hệ đến này nay và mai sau.

Trải qua chiều dài dịch sử với ngần ấy thời gian và bao cuộc biến thiên thăng trầm của lịch sử, nhưng dòng chảy tuệ giác của kinh Pháp hoa vẫn luôn mạnh mẽ. Với các bậc tổ sư, chư đại đức tăng già, nhà nghiên cứu,…vẫn tiếp nối nhau dành cho Pháp hoa kinh một vị trí cao tột. Như Ngài Trí Quang từng nói “không có tác phẩm dịch nào của tôi khi dịch chữ Hoa và chữ Hoa Việt ra chữ Việt nhiều bằng Pháp hoa”. Ở tuổi đời 76 Hòa thượng mới hoàn thành bản dịch giảng Pháp hoa có thể được xem là định bản của Hòa thượng, qua quá trình nhiều lần chính sửa. Hòa thượng Trí Quảng dùng cả đời tu tập của mình để nghiên cứu và hành trì Pháp hoa. Cụ thân sinh của Hòa thượng Trí Quảng từng chuyên trì tụng Pháp hoa khi Ngài còn trong thai bào… Cho nên Pháp sư Từ Thông từng nói “các bậc tiền bối thuộc lãnh vực tín ngưỡng Phật giáo đã đầu tư trí tuệ ra sức pháp huy cái diệu nghĩa, cái huyền nghĩa, cái thông nghĩa trong kinh Pháp hoa mà chưa thấy có vị nào có thể cho là mình bằng lòng trọn vẹn”. Bởi vì cái lý trong kinh chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấy hết được. Tuy nhiên mỗi Ngài đều có chỗ sỡ đắc với tuệ lực và kiến giải riêng. Viết ra thành tác phẩm để lưu lại những kết quả đó sau này làm tài liệu cho hậu thế. Đây chính là Vô lượng nghĩa pháp hoa kinh. Nên nếu người đến Pháp hoa bằng góc độ triết học, văn học, hội họa,..v.v. hay chỉ bằng lòng tin thì thế giới Pháp hoa vẫn đáp ứng được tất cả những phương diện đó, và nhiều hơn thế nữa. Càng vào thế giới Pháp hoa thì càng thấy các tần nghĩa sâu màu trong ấy. Giống như cách xây thành La mã với nhiều cửa và nhiều đường đi vào nhưng vẫn hướng về trung tâm thành. Kinh pháp hoa với nhiều phương tiện những vẫn hướng về Phật tánh của tất cả chúng sanh và xây dựng lòng tin rằng tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Đây chính là điều làm cho Pháp hoa trở nên đặc biệt. Nhưng một trong những điều khiến Pháp hoa được tôn xưng là “diệu pháp” theo thiền sư nhất hạnh không phải vì tính triết học của kinh mà là tính phổ quát của kinh. Nhờ tính cách phổ thông và thực tế của nó cũng như nhờ công năng có thể thực hiện được điều mà các kinh khác không thực hiện được. Pháp hoa mở ra con đường dung hợp được các truyền thống với những tư tưởng mới của đại thừa và tạo nên một không khí hòa nhã ấm áp vui vẽ thống nhất giữa các hệ thống Phập giáo. Chủ đích quan trọng nhất của ba đời chư Phật là hướng chúng sinh đi vào con đường Phật thừa. Đó chính là con đường khai thị ngộ nhập Phật tri kiến. Vì vậy mà triết lý này gọi là khai tam hiển nhất hay hội tam quy nhất.

Như vậy, Pháp hoa và tư tưởng kinh Pháp Hoa ở Việt Nam tuy chưa chính thức trở thành một tông phái như ở Trung Hoa và một số quốc gia khác, nhưng đối với Phật tử Việt Nam không luận là Tăng Ni xuất gia hay cư sĩ Phật tử tại gia thì việc thọ trì đọc tụng, từ tập thực hành theo giáo nghĩa Pháp hoa đã là tất yếu trong đời sống tu tập. Tại các tòng lâm tự viện Bắc truyền, kinh Pháp hoa từ lâu là một trong những quyển kinh không thể thiếu. Pháp sư Từ Thông từng nói “ở Việt Nam, khắp các tùng lâm, tự viên, am, thất chỗ nào không có kinh Pháp hoa gần như chỗ đó được xem như Phật pháp chưa thịnh hành”.

Người Việt Nam với tinh thần hòa nhã, bao dung tự nhiên lại tương thích tinh thần kinh Pháp hoa một cách lạ thường. Nên tuy không nói ra và cũng không hình thành tông phái, nhưng những tư tưởng pháp hoa lại được vận dụng trong pháp tu của người Việt một cách tự nhiên theo đúng tinh thần nhất thừa của kinh. Dù hành giả tu thiền tông, tịnh độ tông, mật tông hay chỉ với lòng tin đều có thể theo hướng đó mà đi vào thế giới Pháp hoa.

Trong Quy sơn cảnh sách có câu: “Khởi bất kiến ỷ tùng chi cát, thượng tủng thiên tầm, phụ thác thắng nhân phương năng quảng ích”. Nghĩa là, Chẳng thấy dây sắn nương cây tùng mà vượt cao lên ngàn trượng. Nhờ nương vào nhân lành thù thắng thì mới được lợi ích rộng nhiều. Nếu dây sắn không nhờ nương quấn cây tùng sao có thể vượt lên cao ngàn trượng để đón ánh bình minh. Cũng vậy, nếu chúng ta là kẻ tầm thường thì phải nương nhờ lời dạy bậc tiền nhân mới có thể thấy được phần diệu nghĩa. Với trí nhỏ sức kém như chúng con thì khó có thể thông đạt được huyền nghĩa vi diệu uyên áo trong kinh Pháp hoa, nếu như không có các tác phẩm tâm huyết của chư vị đại sư tiền bối để lại. Lật từng trang sách ẩn chứa lời kinh thâm diệu chúng con tự nghĩ, các tác giả phải trải qua sự nghiên cứu như thế nào, sức trải nghiệm thực nghiệm ra sao để có thể tạo nên một kiệt tác như vậy? Chúng con hôm nay, xin đê đầu đảnh lễ chư vị đại sư cao tăng, các bậc tiền bối đã tốn nhiều thời gian tâm lực nối tiếp nhau ra sức dịch thuật, chú sớ, giảng giải, truyền bá kinh Pháp hoa, để ngày hôm nay, hàng hậu học có thể dễ dàng tiếp cận thế giới Pháp hoa với nhiều góc nhìn của chư vị tiền bối đi trước. Bài khảo cứu về sự tiếp nhận kinh Pháp hoa của chúng con chỉ là kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các bậc cao Tăng, học giả đi trước. Chúng con chỉ mong có thể góp một hạt cát nhỏ vào sa mạc mênh mông vô tận của thế giới pháp hoa trong việc nghiên cứu lịch sử tiếp nhận kinh Pháp Hoa ở Việt Nam từ khi đạo Phật được du nhập vào cho đến hiện nay. Chúng con xin mượn một bài kệ nhỏ trong kinh Pháp hoa phẩm Phương tiện để kết thúc bài viết này: “Nơi các Phật quá khứ/Tại thế hoặc diệt độ/Ai nghe danh pháp này/Đều đã thành Phật đạo”.

Tác giả: SC.Thích nữ Trung Hiếu & TS.Thích Hạnh Tuệ

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường