Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Thị trấn Hương An - Quế Sơn - Quảng Nam
A.DẪN NHẬP
Được làm thân người, được nghe chính pháp, được xuất gia tu học trong giáo pháp của đức Như Lai, là một phước duyên vô cùng lớn lao của người nữ tu sĩ. Với mục đích tìm cầu giải thoát giác ngộ, người nữ trong mọi thời đại, đều phải nổ lực tấn tu, để vượt qua những chướng duyên, để khẳng định mình, vượt qua những rào cản, những tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới tính của xã hội. Điển hình như ở Ấn Độ, trước khi đức Phật thành đạo, đã hình thành 4 giai cấp, người phụ nữ trong mỗi giai cấp luôn bị coi khinh như kẻ tôi tớ phải phục vụ hết lòng cho người nam.
Ngay trong lúc đó, đức Phật cho người nữ được xuất gia tu học thành lập Ni đoàn, trong lúc các tôn giáo khác luôn kỳ thị không cho người nữ được quyền tham gia trong giáo đoàn của họ. Việc đưa nữ giới vào đoàn thể xuất gia là vô cùng khó khăn, phải có một quyết tâm cải cách xã hội. Thời cơ chín muồi, đức Phật đã đưa “Bát Kính Pháp” cho Ni giới phải tuân giữ trọn đời, nhằm giúp cho nữ giới thoát khỏi ách nô lệ áp bức bất công, cũng là thể hiện sự bình đẳng trong giáo pháp của đức Như Lai.
B. NỘI DUNG:
I. SỐ PHẬN NGƯỜI NỮ TRONG XÃ HỘI ẤN ĐỘ:
Trước thời đức Phật, phụ nữ không được tự do, không có cơ hội để phát triển khả năng, tài đức của mình. Bà la môn giáo trong Veda xem “phụ nữ là nguồn gốc của mọi rắc rối cho chính đấng sinh thành ra họ; chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng; là vật sở hữu của nam giới; sinh ra là để tuỳ thuộc và phục tùng nam giới mà không có bất kỳ sự kính trọng hay danh dự nào”.
Kỳ Na giáo cũng cho rằng “Phụ nữ là bóng đèn chiếu sáng con đường dẫn đến địa ngục”. Với quan niệm phủ phàn như vậy, người nữ luôn chịu thiệt thòi bất hạnh trong cuộc sống đến trọn đời.
Luật Manu quy định: “Lúc còn nhỏ con gái phải sống với cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con”. Phụ nữ lúc nào cũng sống phụ thuộc vào người khác, không tự do, thậm chí chồng chết phải chết theo để thể hiện lòng trung trinh.
II. NỮ GIỚI ĐƯỢC GIA NHẬP TĂNG ĐOÀN:
Sau khi đức Phật thành đạo, đi giáo hóa khoảng 5 năm, nhân chuyến đức Phật về thăm và độ cho cha là Tịnh Phạn Vương đang lâm bệnh cùng thân quyến. Kiều Đàm Di Mẫu đã xin đức Phật cho Bà và các Tỳ nữ được xuất gia. Sau nhiều lần đều bị đức Phật từ chối, Bà quyết tâm cùng năm trăm Tỳ nữ, tự cạo bỏ tóc, khoác y ca sa vàng, đi theo Phật về Tỳ Xá Ly, sau gặp ngài A Nan xin cho Kiều đàm di mẫu và năm trăm người nữ được xuất gia, với điều kiện phải tuân giữ “Bát Kỉnh Pháp” (kinh Tăng Chi, chương 8, phẩm 6, bài 51 Mahāpajāpati Gotam). Sau một thời gian được đức Phật chỉ dạy tu tập, các vị đã chứng đắc A la hán.
Bát Kỉnh Pháp gồm có:
1. “Một vị Tỳ Kheo Ni dù có 100 tuổi hạ cũng luôn luôn phải cung kính đứng dậy và chào hỏi một vị tân Tỳ Kheo”
2.“Tỳ kheo ni phải An cư nơi nào có Tỳ kheo An cư”
3. “Mỗi nữa tháng đến kỳ Bố Tát, Tỳ kheo ni phải cử người sang Tỳ kheo tăng cầu pháp”
4. “Mãn hạ Tỳ kheo ni phải qua Tỳ kheo tăng cầu thỉnh pháp Tự Tứ”
5. “Tỳ Kheo Ni phạm giới phải sám hối trước hai Bộ tăng chúng”
6. “Sa Di, Thức Xoa Ma Na muốn thọ đại giới phải cầu giới trước hai bộ đại Tăng”
7. “Tỳ Kheo Ni không được quyền khiển trách hay nói nặng lời với Tỳ Kheo”
8. “Tỳ Kheo Ni không được nói lỗi Tỳ Kheo; Ngược lại, Tỳ Kheo được nói lỗi của vị Tỳ Kheo Ni”
Nguyên nhân chính đức Phật không muốn cho người nữ xuất gia là vì: Thời đó tăng đoàn của đức Phật sống đời sống du cư, nay đây mai đó, chư Tăng thì ngủ dưới gốc cây mà không quá 3 đêm, nhưng cuộc sống di cư này so với các người nữ trẻ tuổi không thể ngủ dưới gốc cây như chư tăng rày đây mai đó được, vì toàn là cung tần mỹ nữ, nên đức Phật sợ không an toàn cho người nữ, trong cái xã hội toàn nạn bắt cóc hãm hiếp người nữ đang quành hành. Người nữ tu để được an lạc giải thoát đâu không thấy lại thấy bất an. Nên đức Phật và ngài Anan phải bàn tính đưa ra “Bát Kỉnh Pháp” để người nữ luôn được bảo hộ an toàn?.
Ngài Xá Lợi Phất nói: “Tám điều này đưa ra với mục đích là mở được cửa cho giới phụ nữ đi vào giáo đoàn. Mục đích của nó là để bảo vệ người nữ, điều cốt yếu là phụ nữ được xuất gia”. Ngài Kiều Đàm di cũng nhận rõ: “Pháp chế Bát Kỉnh Pháp đó không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng tôi, mà chính là cửa ngõ cho chúng tôi được đi vào”.
Để nhận định đúng vai trò của Bát kỉnh pháp trong hệ thống tư tưởng và giáo lý Phật giáo, ta cần phải tìm hiểu nó trên phương diện nội dung. Bát kỉnh pháp được xem là một lối sống, không nên dựa vào chữ nghĩa mà hiểu sai chủ trương của Phật.
III. SỰ MÂU THUẨN VỀ SỰ TU CHỨNG CỦA NỮ GIỚI TRONG NIKAYA
1. “Kinh Đa Giới” Trung Bộ III (115):
Vị ấy biết rõ rằng: "Một nữ nhân không thể thành A-La-Hán, Chính Ðẳng Giác. Khi một nam nhân có thể thành một A-la-hán, Chính Ðẳng Giác. Khi một nữ nhân không thể thành Sakka (Ðế -thích). Khi một nam nhân có thể trở thành Sakka(Ðế -thích). Một nữ nhân không thể trở thành Māra (Ma vương). Khi một nam nhân có thể trở thành một Māra (Ma vương). Một nữ nhân không thể trở thành Brahma (Phạm thiên). Khi một nam nhân có thể trở thành Brahma (Phạm thiên)”.
2. Kinh Trung Bộ II “Ðại Kinh Vaccaghotta(73).”
Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta cũng đến hỏi đức Phật: “Ngoài các Tỳ kheo, đức Phật có một vị Tỳ Kheo Ni đệ tử nào đã đoạn trừ các lậu hoặc, chứng đạt thắng trí ngay trong hiện tại không?”
Đức Phật trả lời: “Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ Kheo Ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát”
3. Người Nữ Trong Kinh Tăng Chi, Phẩm gotamī,(51)Mahāpajāpatī gotamī:
Khi tôn giả Ananda xin Phật cho người nữ xuất gia.
“Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, không biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả không?”
“Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả”
Qua 3 đoạn kinh trên, TT Giáo Thọ Thích Hạnh Bình nhận định: Thì ở đây Kinh Trung Bộ” và “ Kinh Tăng Chi Bộ” là 2 bộ trong NIKĀYA, thuộc phái “Xích Đồng Diệp Bộ” được hình thành tại “Tích Lan”. Tuy nhiên, 2 kinh lại có 2 quan điểm khác nhau. Kinh “Tăng Chi bộ” xác nhận người nữ nếu xuất gia sống trong chính pháp tu học thì sẽ chứng quả vị cao nhất là A La Hán, chính đẳng giác...Thế nhưng, tại sao “Kinh Đa Giới” trong “Kinh Trung Bộ” lại phủ nhận quan điểm này. Rõ ràng xác nhận người nữ không thể chứng quả A LA Hán. Điểm này biểu thị sự mâu thuẩn về quan điểm của đức Thế Tôn. Nếu như đức Thế Tôn là vị đã giác ngộ giải thoát, thì lời ngài giảng dạy không thể phát sinh sự mâu thuẩn. Nếu đó là sự thật, thì quan điểm của “Kinh Đa Giới” là của ai? Tại sao quan điểm ấy lại được biên tập vào trong kinh diễn biến thành Phật nói, chắc chắn vị ấy có quyền lực trong tăng đoàn. Kinh Đa Giới trong Trung A Hàm (Hán tạng) lại không đề cập đến vấn đề này?”
“Để xác minh được vấn đề này, chúng ta phải quay về quá khứ, cách đây hơn 25 thế kỷ, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ nền văn hóa còn hạn hẹp, vì vậy, chữ viết chưa được hình thành. Chính vì thế, những lời giảng dạy của Đức Thế Tôn khi còn tại thế, tất cả đều không được biên chép thành văn tự. Mãi cho đến năm 30 đến 17 trước CN, tại Srilanka thời vua Vattagāmanī, phái Xích Đồng Diệp Bộ (Tambapanniya), kết tập kinh điển bằng tiếng pāli, 5 bộ Nikāya mới được biên tập thành chữ viết. Như vậy, trước đó kinh điển chỉ được truyền thừa bằng khẩu và dùng ký ức để ghi nhớ. Do đó, sự truyền thừa bằng khẩu và dùng ký ức nghi nhớ, qua nhiều lần như thế thì chắc phải có sự thay đổi cũng như sự thêm vào hoặc bớt ra (tam sao thất bổn)”.
“Từ đó cho thấy, hai đoạn kinh trên do người sau thêm vào, thật ra quan điểm này có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hóa “Trọng nam khinh nữ” của Ấn Độ. Sau đó Phật Giáo chịu ảnh hưởng bởi những Tỳ kheo xuất thân từ Kỳ na giáo (trong luật). Đó chính là lý do tại sao “Kinh Đa Giới” trong “Kinh Trung A Hàm “Thuộc phái Nhất Thiết Hữu Bộ” (Sarvāstivādim) không có quan điểm “Người nữ không thể chứng quả A La Hán chính đẳng giác”. Vì vậy, “Kinh Trung bộ” do người sau thêm vào, đó không phải là quan điểm của đạo Phật. Có lẽ các nước Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Thái Lan, miến Điện, Campuchia chịu ảnh hưởng quan điểm này, cho nên không cho người nữ Xuất Gia”.
IV. SỰ TU CHỨNG CỦA TỲ KHEO NI TRONG TRƯỞNG LÃO NI KỆ:
• Kệ ngôn của Trưởng lão ni Uttarā.
“Tôi đã thu thúc về thân, về khẩu, rồi về ý. Sau khi nhổ lên tham ái luôn cả gốc rễ, tôi có được trạng thái mát mẻ, chứng được Niết Bàn”
• Kệ ngôn của Trưởng Lão Ni Saṅghā.
“Sau khi từ bỏ gia đình, tôi đã xuất gia, sau khi từ bỏ con trai và gia súc yêu quý, sau khi từ bỏ ái dục và sân, sau khi buông bỏ vô minh, sau khi nhổ lên tham ái luôn cả gốc rễ, tôi có được trạng thái an tịnh, chứng được Niết Bàn”
• Kệ ngôn của Trưởng Lão Ni Uttamā.
“Bảy giác chi này là các con đường đưa đến sự đạt được Niết Bàn, tất cả các pháp ấy đã được tôi tu tập, đúng như lời đức Phật đã thuyết giảng”
“Tôi đạt được không tính và vô tướng như ước muốn; Tôi là người con gái chính thống của đức Phật, luôn luôn thỏa thích Niết Bàn”
“Tất cả các dục thuộc về cõi trời và loài người đã được trừ tuyệt, việc luân hồi tái sinh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sinh nữa”
Bên Tăng đoàn có thập đại đệ tử thì bên Ni đoàn cũng có Thập đại đệ tử ni cũng không thua kém tăng.
Trong Tăng chi bộ kinh (tập 1) Nữ Đệ Tử Tỳ kheo Ni (tr.31): Đức Phật đã khen 13 vị đệ tử tối thắng nhất trong các vị nữ đệ tử Tỳ kheo ni.
1. Māhāpājapati Gotamī là Tỷ kheo lâu ngày tối thắng nhất của Ta.
2. Khemā trí tuệ tối thắng nhất
3. Uppalavannā đầy đủ thần thông tối thắng nhất
4. Patācāā trì luật tối thắng nhất
5. Dhammadinnā thuyết pháp tối thắng nhất
6. Nandā tu thiền tối thắng nhất
7. Sonā tinh cần tinh tấn tối thắng nhất
8. Sakulā thiên nhãn tối thắng nhất
9. Bhaddā kundalakesā có thắng trí mau lẹ tối thắng nhất
10. Bhaddā kapilānī nhớ đến các thời quá khứ tối thắng nhất
11. Bhaddā kaccana đã chứng đạt đại thắng trí tối thắng
12. Kísāgotami mang thô y tối thắng nhất
13. Sigalāmātā đầy đủ tin thắng giải tối thắng nhất.
Qua đó có thể nhận định rằng, nữ giới trong thời đức Phật tinh tấn tu tập chứng đắc thánh quả A la hán, được đức Phật ngợi khen, 500 vị Tỳ kheo ni sao khi nghe tôn giả Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí, hoàn toàn tự tại giải thoát, nhờ Kiều đàm di hướng dẫn Ni đoàn ngày một lớn mạnh.
V. NỮ GIỚI TRONG KINH PHÁP HOA:
1. Long Nữ Thành Phật:
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, “Phẩm Đề Bà Đạt Đa” (tr. 343) nói: “Long Nữ là cô bé 8 tuổi ở trong loài rồng, làm thế nào thành Phật được?” Chỉ có trí tuệ của đức Phật và ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mới biết được Long Nữ đã đầy đủ công hạnh làm Phật.
Ở đây Long nữ vừa là nữ vừa là rồng mới 8 tuổi nói thành Phật thì ngài Trí Tích và Ngài Xá Lợi Phất không tin. Vì theo như HT Thanh Từ giải thích thì “Trí Tích là Trí do huân tập. Bởi do huân tập được, nên chỉ biết tu mà được thanh Phật. Thành Phật là phải trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo….Nên ngài Trí Tích không thể tin. Còn ngài Văn Thù Bồ Tát là Căn bản trí, biết rõ chúng sinh đều có sẵn Tri kiến Phật, nếu căn tính lanh lợi khi được khai thị, tin nhận và hằng sống với Tri kiến Phật là thành Phật, bất luận là nam hay nữ, lớn hay nhỏ, người hay thú".
Ngụ ý kinh: Long nữ 8 tuổi tượng trưng cho người nữ thấp bé, ví như loài vật ở xã hội Ấn Độ thời đức Phật, được Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát giáo hoá, biết được căn tính lanh lẹ của người nữ có trí tuệ, có thể thọ trì giáo pháp của Phật, tinh tấn tu hành thiền định, chứa nhóm công đức, đầy đủ hạnh Bồ Tát, có thể đến Bồ Đề.
“Long Nữ dâng châu lên Phật để cúng dường, có nghĩa là trình lên sự tin nhận Tri kiến Phật. Giống như trình sở ngộ để Phật tổ ấn chứng cho chỗ tin, thấy của mình là không sai, đức Phật ấn chứng cho Long nữ đã đầy đủ hạnh Bồ Tát, có khả năng tức thân thành Phật. Ở đây “Long nữ biến thành nam tử, đủ hạnh bồ tát, liền qua cõi Vô cấu…thành bậc Đẳng Chính Giác, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp”. Là ý nói thân nam ở đây không phải thân nam đối với nữ, mà thân nam có đầu đủ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp là tượng trưng cho Pháp thân thanh tịnh trang nghiêm, Lúc ấy lìa được tướng nam nữ và tâm hoàn toàn trong sạch.
“Ngài Xá Lợi Phất nói với Long nữ là thân gái nhơ uế chẳng phải là pháp khí, và đạo Phật phải trải qua vô lượng kiếp tu đủ các độ, sau mới thành được, lại thân gái có 5 điều chướng: không thể làm phạm Thiên Vương, Đế Thích, Ma Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Phật. Nên ngài không tin long nữ thành Phật”
“Ngài Trí tích thuộc hàng Bồ tát, tôn giả Xá lợi phất thuộc hàng thanh văn, cả hai đều là bậc trí tuệ. Nhưng trí tuệ của hai ngài do huân tập, còn hạn cuộc trong vòng tương đối nên còn thấy theo nghiệp tướng, vì vậy mà không thể tin Long nữ thành Phật. Căn cứ trên nghiệp tướng thì thân nam nữ có sai biệt, nhưng Tri kiến Phật sẵn có nơi mỗi người thì không khác. Hơn nữa Tri kiến Phật không có nam nữ đối đãi, vì không có nam nữ đối đãi nên ai nhận ra Tri kiến Phật thì thành Phật”.
Đoạn kinh trên cho thấy tư tưởng kỳ thị “Trọng Nam Khinh Nữ” trong kinh Đa Giới nhằm khẳng định rằng, đây là lời của các đệ tử đức Phật nói chớ không phải Phật nói.
Hay “Phẩm Trì” trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật cũng thọ ký cho ngài “Đại Ái Đạo Tỳ kheo Ni” hay Tỳ kheo Ni “Gia Thâu Đà La” và 6000 Tỳ kheo Ni đều ở trong 6 vạn 8 ngàn ức đức Phật làm vị Pháp sư, lần lần đầy đủ đạo hạnh Bồ Tát, sẽ đặng thành Phật.
2. Hạt Châu Của Long Nữ Trong Kinh Pháp Hoa:
“Hạt Châu” của Long Nữ dâng Phật. Tượng trung cho Chơn Tâm hay Tính Phật sáng suốt, Trí tuệ vô lậu, Hạt châu ẩn bên trong hay tư Tính Phật ở bên trong, được bao bọc bên ngoài bằng thân nữ. Hành động dâng hạt châu là biểu trưng cho sự nhận thấy tính Phật bên trong mình “Kiến tính thành phật” tức thành Phật. Mục đích “đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là đưa chúng sinh ngộ nhập Phật Tri kiến”, nên đức Phật quán thấy chúng sinh đều có tính Phật, nhưng do vô minh che lấp, không nhận ra trong mình có tính Phật toàn bích, như viên minh châu trong chéo áo người bạn cột vào trong áo cho gã say, say là biểu thị cho vô minh không biết gì, cứ mãi đi tìm cầu cái bên ngoài. Thời nay nhiều người tu được chút phước đức thế gian, được người đời cúng dường làm được việc này việc kia cho chúng sinh, rồi cho là phương tiện độ sinh, mà bên trong không có gì ngoài danh và lợi, cứ rong ruổi tìm cầu vật thực nơi này nơi kia, những kẻ ấy Phật gọi là những kẻ thừa tự Tài vật không thừa tự Pháp.
Long nữ thành Phật nói lên chủ đích của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói lên tinh thần “Nam nữ bình đẳng”. Mọi người sống trên đời mang thân nghiệp hình tướng khác nhau, Nhưng trên chân lý tất cả đều bình đẳng, trong trạng thái giải thoát của tâm, không hề tồn tại ý thức phân biệt già trẻ, thiện ác, nam nữ…”
VI. ÁP DỤNG LỜI PHẬT DẠY CHO BẢN THÂN VÀ NI GIỚI SAU NÀY:
Qua những gì đã tìm hiểu và nghiên cứu, mặt dù nghiệp thức của mỗi con người chịu quả báo khác nhau, có nam nữ, già trẻ, đẹp xấu, giàu nghèo, trí ngu… nhưng mỗi chúng sinh đều có tính Phật ẩn bên trong thân nam nữ. Mặc dầu mang thân nam tử nhưng chưa chắc đã tốt đã đầy đủ đức hạnh. Nếu không biết tu đoạn trừ các ác nghiệp thì cũng trầm luôn sinh tử. Còn mang thân nữ mà tâm trong sáng, biết tu nhân tích đức, thực hành lời Phật dạy, tinh tấn đoạn trừ các ác nghiệp, tâm tính trượng phu, thì nữ giới mặc dù mang thân nữ nhân, nhưng tâm hạnh thoát tục, lìa được tướng nam nữ, đạt đến quả vị Niết Bàn.
Với mục đích “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, vì tương lai của Ni đoàn, mỗi vị học Ni phải luôn tự nổ lực tấn tu tìm giải thoát an lạc cho tự thân và độ cho lớp Ni trẻ hướng đến mục tiêu tối thượng. Muốn đạt được sự viên mãn trong tương lai, thì trước hết chúng ta phải phát Bồ đề tâm.
Hiện nay trên thực tế, chư ni đều học cử nhân hay thạc sĩ ra trường về nhận chùa trụ trì, đi cúng đám ma chay, ứng phó đạo tràng vài chục người Phật tử. Ngoài ra, không có cơ hội để giảng dạy trong các trường Phật học. Vì vậy mà kinh sách ít nghiên cứu chuyên sâu, tu học cũng do đó mà sa sút.
Để khắc phục tình hình trên, mỗi quận, huyện, thành phố có đông Tăng Ni đều nên mở lớp Trung cấp Phật học, và cho chư Ni tham gia giảng dạy, một mặc cho Ni giới có cơ hội phấn đấu vương lên, mặc khác phát triển tài năng phục vụ giáo hội.
C. KẾT LUẬN:
Trên đời này cái gì cũng phải có 2 mặt hổ tương nhau mà tồn tại, như trái thì có phải, mạnh có yếu, nam phải có nữ, âm phải có dương… đều tồn tại song song nhau. Nếu không có kẻ yếu thì làm sao phân biệt được mình mạnh, không có người nữ thì ai sinh ra con người, đồng tiền chỉ có một mặt thì không thể sử dụng được. Bởi vậy, đức Phật dùng tuệ nhãn quán thấy chúng sinh đều bình đẳng, đều có khả năng thành Phật. Muốn giáo đoàn của Phật giáo ngày một hưng thịnh thì phải đủ 2 bộ đại tăng. Mỗi bộ đại tăng đều có chức trách bổn phận xiển dương chính pháp, Ni bộ Phật giáo vẫn đang phát triển song song với Tăng bộ. Chớ không lý nào người nữ vào trong tăng đoàn thì chính pháp giảm suốt còn 500 năm, lý do chính pháp suy giảm đều là những vị Tỳ kheo không tuân giữ giới Pháp của Phật, làm cho đạo pháp suy vi. Đối với Ni giới tuân giữ Bát kỉnh pháp là như được trang bị cho tự thân một tràng hoa tươi đẹp, Tỳ kheo ni có thực hành Bát kỉnh pháp là người có đầy đủ đức hạnh khiêm cung, đáng được người đời tán thán, và nhờ sự ngăn trừ của giới luật mà vị Tỳ kheo ni ấy tinh tấn đoạn trừ các ác pháp phiền não chứng đắc hiện tại Niết Bàn.
Tác giả: Thích Nữ Thanh Thảo Chùa Xuân Lư, Thị trấn Hương An - Quế Sơn - Quảng Nam ***THƯ MỤC THAM KHẢO 1. HT. Thích Trí Tịnh (2011), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo. 2. HT. Thích Thanh Từ (2009), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải, Nxb Tôn Giáo Hà Nội. 3. HT. Thích Minh Châu dịch, (2018) Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Bình luận (0)