“Vui thay, Phật ra đời! Vui thay, Pháp được giảng! Vui thay, Tăng hòa hợp! Hòa hợp tu, vui thay!”. [1]
Đức Phật ra đời là một đại sự nhân duyên “khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”, Ngài chỉ cho mỗi chúng ta ai cũng có Phật tính, chân như, bản lai diện mục, viên ngọc minh châu tinh khôi thanh tịnh… hằng còn sáng suốt, nhưng vì vô minh, vọng tưởng điên đảo, phân biệt chấp ngã mà từ thân khẩu ý gây ra vô lượng tội, dẫn đến vô lượng kiếp trầm luân sinh tử đau khổ vô ngần. Chúng sinh trong lục đạo thường lấy tam ác đạo là nơi thường cư trú, lấy tam thiện đạo là nơi thỉnh thoảng cư trú. Giáo pháp của đức Phật chỉ cho nhân sinh thấy khổ và con đường diệt khổ đem tới hạnh phúc an lạc cho nhân gian và siêu xuất khỏi tam giới.
Bậc cổ đức dạy rằng: “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài”, với sự nghiệp thắp sáng ngọn đèn trí tuệ phổ độ quần sinh tiếp bước hành trạng chư tổ, chư tôn đức giảng sư. Người viết nghiên cứu đọc tụng kinh Pháp Hoa và các kinh điển Phật giáo từ đó đưa ra các kinh nghiệm hoằng pháp thời đức Phật nhằm áp dụng linh hoạt phù hợp với xã hội hiện tại đem lại hiệu quả trong việc tiếp nối sứ mệnh hoằng dương chính pháp giúp cho tâm nguyện đức Thế Tôn được thành tựu viên mãn: “Hãy ra đi các Tỷ khiêu, đem lại sự tốt đẹp hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỷ khiêu, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”. [2]
Kinh Pháp Hoa là bộ kinh điển đại thừa Phật giáo, con đường tâm linh dẫn tới thế giới màu nhiệm vi diệu bất khả tư nghì của chư Phật. Nội dung kinh phổ quát nghĩa lý sâu sắc tư tưởng giải thoát nhất thừa với ngôn ngữ hình ảnh biểu tượng đa ngữ nghĩa thậm thâm bao trùm tất cả giáo lý tam tạng thánh giáo, tùy thuộc vào trình độ nhận thức tiếp nhận của mỗi hạng đệ tử khác nhau về giáo pháp mà có những sự thấm nhuần lợi ích thiết thực. Bên cạnh đó nội dung kinh toát lên những kỹ năng phương tiện thiện xảo của Thế Tôn trong việc tuyên dương giáo pháp giúp cho thính chúng đều được thấm nhuần pháp vũ ân triêm lợi lạc. Để ánh sáng chân lý chính pháp được lưu truyền hiệu quả tối ưu theo kinh nghiệm của đức Phật giảng thuyết kinh Pháp Hoa nên hội đủ những yếu tố:
1. Đức hạnh và tài năng giảng sư
Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa. Thiền môn hưng thịnh bởi Đàn việt phát tâm.
Đức Phật nhập diệt về cõi vô vi Niết bàn để lại cho hàng đệ tử tam tạng thánh điển vô cùng quý giá có công năng đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác an vui. Phật pháp có được xiển dương mở rộng hưng thịnh trường tồn tại thế gian là nhờ vào sự hoằng truyền hộ trì của người con Phập trong đó phải kể đến trách nhiệm của vị giảng sư. Nhân lực con người hoằng pháp là nhân tố chính đóng vai trò quan trọng chủ chốt trong việc lưu truyền lan tỏa chính pháp nên vị giảng sư cần hội đủ song hành đức hạnh và tài năng. Đức hạnh là phẩm chất đạo đức, uy nghi phép tắc chuẩn chỉnh, lối sống thanh cao thoát tục, sự giữ gìn hành trì giới luật tinh nghiêm hình thành nên phong thái cốt cách uy đức chuẩn mực, bậc thầy mô phạm chúng nhân thiên. Tài năng là sự dung thông thấu rõ tam tạng thánh điển cùng với sự tu tập hành trì trải nghiệm tâm linh kết hợp với sự hiểu biết nắm vững tri thức nhân loại và sử dụng thành thạo các công cụ kỹ năng phương tiện hoằng pháp nhằm hỗ trợ truyền tải giáo lý phù hợp với thời đại. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật dạy: “Dược Vương! nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào, sau khi Đức Như Lai diệt độ muốn vì hàng bốn chúng mà nói Kinh Pháp Hoa này thời phải nói cách thế nào? Người thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói Kinh này”. [3] Vị giảng sư kế thừa mạng mạch tuyên dương trùng tụng thuyết giảng giáo pháp cần phải có tâm từ bi (nhà Như Lai) vô ngã vị tha bao la rộng lớn đối với tất cả chúng sinh giống như tâm Phật tâm Bồ tát. Vì chúng sinh căn cơ nghiệp quả trí tuệ phúc đức nhân duyên nhiều chủng loại khác nhau nên giảng sư cần phải có sự kham nhẫn nhu hòa nhẫn nhục (Y Như Lai) khi giáo hóa và giảng sư cần nắm vững giáo lý tu hành để đạt được trí tuệ Bát nhã thấu hiểu thật tướng các pháp (ngồi tòa Như Lai), sau đó mới vì thính chúng tinh tấn tuyên thuyết rộng truyền chính pháp.
Trong cuộc sống chốn Thiền môn, vị sứ giả Nha Lai cần tích cực vun bồi phẩm hạnh, đạo lực tu hành để trở thành bậc thầy mô phạm khả kính. Giảng sư muốn được mọi người ái mộ, tôn kính cần thực hiện các nguyên tắc mà trong kinh Tăng Chi Như Lai chỉ dạy: “Có giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bản, đầy đủ oai nghi chính hạnh, thấy sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp; nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe; các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chính kiến; thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác; chứng được không có khó khăn, chứng được không có mệt nhọc, chứng được không có phí sức bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú; do đoạn tận các lậu hoặc vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. [4] Vì sự nghiệp lưu truyền lan tỏa chính pháp lợi lạc quần sinh, giảng sư cần phải thực học thực tu thực chứng cùng với sự trau dồi giới đức đạo hạnh, phát tâm từ bi vô lượng kiên cường dấn thân hành đạo khắp trốn nhân gian.
2. Duyên lành với giảng sư
Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.
Trong đạo tràng pháp hội vị pháp sư với tài cao đức trọng nhưng chưa đủ yếu tố để thành tựu pháp hội tuyên dương chính pháp nếu chưa có thính chúng đủ duyên tham dự. Nếu người có duyên lành với giảng sư thì chỉ cần xuất hiện tiếp xúc trao đổi chút ít giáo pháp vị giảng sư cũng có thể giác ngộ được thính chúng còn nếu không có duyên thì dù giảng sư nói nhiều pháp nhũ cũng là thừa. Minh chứng cho điều này trong hội Pháp Hoa, khi đức Phật chuẩn bị tuyên dương giáo pháp tối thượng thừa, có năm nghìn đệ tự không đủ duyên lành rời bỏ pháp hội: “Pháp của Phật chứng rất sâu khó hiểu, tất cả hàng Thanh văn cùng Duyên giác không thể đến được, khi Đức Phật nói lời đó, trong hội có các Tỷ khiêu, Tỷ khiêu-ni, Cận-sự-nam, Cận-sự-nữ, tất cả năm nghìn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về. Vì sao? Vì bọn người này cội tội sâu nặng cùng tăng thượng mạn, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà đã cho chứng, có lỗi dường ấy, cho nên không ở lại. Ðức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản”. [5] Thế Tôn là bậc đại pháp sư phúc tuệ tròn đầy viên mãn, đầy đủ phương tiện quyền xảo độ sinh nhưng với thính chúng phúc mỏng nghiệp dày cống cao ngã mạn không chịu tiếp nhận lắng nghe diệu pháp thì Thế Tôn cũng không thể độ được. Vì vậy, trong quá trình hoằng truyền tuyên dương giáo pháp, nếu có thính chúng nào không đủ duyên lành nghe pháp thì chúng ta cứ để tùy duyên. Tuy nhiên vị giảng sư trong sự nghiệp tu hành cần phải phát tứ hoằng thệ nguyện quảng kết rộng thiện duyên Bồ đề quyến thuộc với tất cả chúng sinh ở hiện tại và tương lai cùng đồng hành về bến giác.
3. Thuyết pháp phù hợp với đối tượng thính chúng
Trong pháp hội Pháp Hoa đức Phật tuyên thuyết giáo nghĩa tối thượng đạo lộ nhất thừa để chúng sinh ngộ nhập vào tuệ giác tri kiến Phật, nhưng vì giáo pháp thậm thâm vi diệu chỉ có Phật đồng Phật mới thấu tỏ tường tận còn hàng đệ tử gồm nhiều loại căn cơ do sự giới hạn về trí tuệ nên không thể thông đạt được. Vì lòng từ bi vô lượng, đức Phật quán xét thấy đệ tử với nhiều hạng căn tính khả năng tiếp thụ giáo pháp sai biệt, Ngài tùy duyên phương tiện quyền xảo từ giáo pháp chân lý nhất thừa mà tạm phân thành tam thừa giáo để các hạng đệ tử tùy theo sự tiếp nhận mà tu tập dần dần tiến về đạo lộ nhất thừa:
“諸 佛 方 便 力, 分 別 說 三 乘, 唯 有 一 佛 乘, 息 處 故 說 二”。[Taisho.9, No.262, p. 26a13]. Chư Phật phương tiện lực, Phât biệt thuyết tam thừa, Duy hữu nhất Phật thừa, Tức xứ cố thuyết nhị.
Giảng sư đăng đàn thuyết pháp, việc tìm hiểu đối tượng nghe pháp ảnh hưởng lớn tới sự thành công của buổi thuyết giảng. Qua sự tìm hiểu thông tin tổng quan đặc điểm thính chúng về độ tuổi, văn hóa, trình độ Phật học, trình độ thế học, đạo tràng tu tập, nhu cầu thính pháp, …từ thầy trụ trì, chúng trưởng hay thính chúng sẽ giúp cho giảng sư có sự điều chỉnh về nội dung, phương thức diễn giảng, thời gian phù hợp với tình hình thực tế nhằm đạt kết quả hoằng pháp tốt nhất. Trong hệ thống kinh điển Phật giáo nguyên thủy, đức Thế Tôn trước khi chuyển pháp luân quán sát thấy chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề có nhiều loại căn cơ với phúc duyên nghiệp báo trí tuệ khác nhau để từ đó thuyết pháp phù hợp với từng hạng nhằm độ thoát tất cả đệ tử liễu thoát tam giới đạt được Niết-bàn an vui tịnh tĩnh: “Thế Tôn trong khi nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tính thuận, tính nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm”. [6]
4. Chọn thời điểm thuyết pháp phù hợp
Đức Phật là bậc đại đạo sư tài tình khéo léo phương tiện, biết căn cơ phúc đức trí tuệ nghiệp quả từng hạng chúng sinh mà chọn thời điểm thuyết pháp thích hợp để thính chúng tiếp thu liễu ngộ chính pháp được tốt nhất. Vì bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa với giáo pháp tối thượng thừa vi diệu, con đường tu tập rốt ráo viên mãn trở thành Phật nên khi quán sát thấy chúng đệ tử chưa thuần thục, thời gian chưa chín mùi, đức Phật chưa vội tuyên dương diệu pháp nhất thừa: “Ðức Như Lai cũng lại như thế, nay vì các ông mà làm vị Ðại Ðạo Sư, biết các đường dữ sinh tử phiền não hiểm nạn dài xa nên bỏ nên vượt qua. Nếu như chúng sinh chỉ nghe một Phật thừa thời chẳng muốn thấy Phật, chẳng muốn gần gũi”. [7]
Đức Phật biết đạo lộ nhất thừa dài xa gian nan khó khăn trắc trở, khi thời gian chưa đến căn cơ trí tuệ chưa thấu tỏ thì pháp nói ra sẽ không hiệu quả, có thể làm cho đệ tử thối thất tâm Bồ-đề, rời xa chính pháp. Vì thế, trong những năm đầu tiên hoằng dương giáo pháp, đức Thế Tôn tuyên thuyết nhị tam ngũ thừa pháp thích hợp để độ các hàng đệ tử từ nhân, thiên, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát thoát khổ, an tịnh trong Niết-bàn tạm thời. Những năm cuối cuộc đời, khi thấy nhân duyên căn lành thính chúng đầy đủ đức Phật mới chính thức đăng đàn tuyên dương chính pháp vi diệu tột bậc nhất thừa giúp đệ tử ngộ nhập tuệ giác toàn tri Như Lai an tịnh trong Niết-bàn tối hậu.
Việc chọn thời điểm thích hợp để trao truyền giáo pháp tới thính chúng hết sức quan trọng, là yếu tố quan trọng giúp cho pháp hội được thành tựu viên mãn. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật bảo với tôn giả Xá Lợi Phất: “Pháp mầu như thế, các đức Phật Như Lai đến khi đúng thời mới nói đó như hoa linh thoại đến thời tiết mới hiện một lần. Xá Lợi Phất! Các ông nên tin lời của Phật nói không hề hư vọng”. [8] Hoa linh thoại hàng ngàn năm đến thời mới trổ hoa khoe sắc, pháp thoại hy hữu hiếm có khó gặp đúng thời mới tuyên thuyết nên vị giảng sư hoằng pháp trong thời đại ngày nay cần phải quán sát tìm hiểu thính chúng, chọn thời điểm thuyết giảng thích hợp để người nghe tiếp nhận hấp thụ thấu hiểu và thực hành pháp được lợi ích nhất. Bời vì khi thính chúng với sự khát khao cháy bỏng nhất tâm lắng lòng thanh tịnh cầu xin mưa pháp cùng với kết hợp giảng sư chính thức tuyên dương diệu pháp, hai thể hợp nhất cảm ứng đạo giao đảm bảo người nghe thích thú sẽ liễu ngộ được những nghĩa lý thâm huyền kỳ diệu trong kinh một cách hiệu quả sâu sắc nhất.
5. Môi trường hoằng pháp
Đức Thế Tôn quán sát thấy nhân duyên đầy đủ, thời giờ đã đến, căn cơ đệ tử đã thuần thục liền chuyển bánh xe pháp nơi vườn Lộc Uyển độ cho năm anh em ngài Kiều Trần Như với bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế và pháp hội sau cùng tại núi Linh Thứu đức Phật giảng thuyết kinh Pháp Hoa. Trước khi thuyết giảng chân lý diệu pháp đức Phật chuẩn bị đạo tràng lý tưởng được phô bày diễn tả trong kinh: “Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh cùng A-tu-la, lại cũng dời các hàng trời người để ở cõi khác. Những nước của Phật biến hóa ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do tuần, nhánh lá hoa trái đều có thứ lớp tốt đẹp, dưới cây đều có tòa báu sư tử cao năm do tuần, dùng các thứ báu để trau dồi. Những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục-chân-lân-đà, núi Thiết-vi, núi Ðại Thiết-vi, núi Tu-di v.v... thông làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, các báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên đất”. [9]
Môi trường thuyết pháp là yếu tố quan trọng đến sự thành công của pháp hội. Giảng sư cần tìm hiểu thể chế chính trị, tôn trọng đoàn kết hài hòa văn hóa tín ngưỡng bản địa cùng với các tôn giáo bạn… để quá trình truyền giáo được thuận lợi, tránh va chạm mắc phải những thiếu sót không đáng có xảy ra. Đối với môi trường thuyết pháp truyền thống, trú xứ cần chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất như: hội trường, âm thanh, ánh sáng, pháp tòa…các thiết bị hỗ trợ giúp cho pháp hội được thành công tốt đẹp. Ngày nay với công nghệ kỹ thuật số truyền thông hiện đại cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử thông minh, giáo pháp được truyền tải một cách hiệu quả, sức lan tỏa mạnh mẽ và không bị giới hạn về khoảng cách địa lý nên công cuộc hoằng pháp online đang là một xu thế tất yếu phát triển của thời đại. vì vậy, việc trang hoàng không gian thuyết giảng online cần sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, các thiết bị truyền thông điện tử, không gian mạng, công cụ hỗ trợ… là yếu tố cần thiết giúp cho pháp hội trực tuyến thành tựu viên mãn.
6. Hoằng truyền lan tỏa giáo lý Phật đà thời đại 4.0
Thế giới chúng ta cho đến nay đã trải qua bốn lần cách mạng công nghiệp đem đến những giá trị to lớn về công nghệ làm thay đổi những bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực, đem lại những thay đổi lớn đối với cuộc sống con người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với việc sử dụng nguồn năng lượng nước, hơi nước trong các động cơ đốt trong để cơ giới hóa sản xuất. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai với việc sử dụng nguồn điện năng trong các động cơ để sản xuất. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba sử dụng máy tính điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện tại là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự kế thừa tinh hoa, phát triển từ cuộc cách mạng lần thứ ba dựa trên ba trụ cột chính: vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang tính chất công nghệ truyền thông hiện đại, dữ liệu data siêu lớn, sự truyền thông giao tiếp kết nối gần như là không có giới hạn về khoảng cách lẫn không gian thời gian, giúp con người rút ngắn khoảng cách kết nối về vị trí, mà thực hiện nhiều kết nối truyền thông hơn. Vì vậy, việc thực tiễn ứng dụng truyền thông công nghệ đối với sự nghiệp hoằng pháp hết sức quan trọng, cần thiết và tạo ra thế mạnh mới trong ngành hoằng pháp sẽ đem lại nhiều khởi sắc. Do đó, người viết đề xuất một số giải pháp về truyền thông hoằng pháp như sau:
- Giảng sư cần sử dụng tốt các công cụ hỗ trợ như: máy tính, máy chiếu, máy ảnh, máy quay phim … trong việc hoằng pháp.
- Giảng sư có thể thuyết giảng qua hệ thống ứng dụng phần mềm trình chiếu powerpoint trên máy tính truyền tải qua máy chiếu.
- Giảng sư biết dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Viber, Butta.vn… và các trang website Phật giáo để truyền tải Phật pháp tới mọi người ở khắp nơi trong nước và trên toàn thế giới.
- Giảng sư lập nhóm truyền thông hoằng pháp chuyên nghiệp trong việc tổ chức thu phát, kiểm duyệt, đăng tải các bài thuyết giảng trên mạng internet, hoằng pháp trực tuyến qua truyền thông....
- Các lớp đào tạo giảng sư cần đưa môn học liên quan đến kiến thức hoằng pháp và truyền thông vào giảng dạy.
- Ban Hoằng pháp trung ương tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hoằng pháp với truyền thông, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, sử dụng mạng xã hội trong việc hoằng pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, viết bản tin hoằng pháp, làm video clip hoằng pháp, kỹ năng làm phim về hoằng pháp, kiến thức về an ninh mạng, luật thông tin truyền thông…
- Ban Hoằng pháp trung ương, ban hoằng pháp tỉnh thành tổ chức hội thảo tọa đàm vấn đề hoằng pháp với truyền thông hiện nay nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn thách thức và đưa ra những giải pháp để hoạt động hoằng pháp đạt kết quả tốt hơn.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần duy trì, phát triển thêm nhiều kênh truyền hình Phật giáo như Phật sư online, số hóa các sự kiện Phật giáo… đáp ứng nhu cầu truyền tải thông tin Phật giáo nhanh chóng kịp thời chính xác trong thời đại công nghệ hiện nay.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ban Hoằng pháp trung ương, ban Hoằng pháp tại các địa phương cần đưa ra kế hoạch hoằng pháp trong thời đại mới, quan tâm động viên về mặt tinh thần đối với giảng sư và hỗ trợ kịp thời về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính phục vụ công tác hoằng pháp.
Tóm lại, bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa với nhiều phẩm đề cập đến kinh nghiệm hoằng pháp tài tình khéo léo mẫu mực của đức Phật trong sự nghiệp tuyên dương hoằng truyền chính pháp. Đức Thế Tôn hoằng pháp tùy duyên hiện vô số thân hình, đi khắp các nơi, dùng vô số phương tiện hóa độ, quán sát nhu cầu căn tính thính chúng để tuyên bày giáo lý giúp cho vô số chúng sinh được giác ngộ giải thoát. Thời đại ngày nay, chư vị giảng sư tiếp nối chư Phật tổ hoằng truyền giáo pháp cần học hỏi kế thừa kinh nghiệm thuyết giảng và có sự chọn lọc phù hợp thích ứng với xã hội hiện tại với tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ.
Trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, phụng sự đạo pháp dân tộc được thành tựu tốt đẹp, giảng sư cần phải trau dồi nội ngoại điển, giới thể trang nghiêm, tu hành tinh tấn, phát nguyện dũng mãnh tứ hoằng thệ nguyện, trang bị kỹ năng sư phạm thuyết giảng, sử dụng hiệu quả các công cụ phương tiện hỗ trợ truyền giáo phù hợp với thời đại và thành tựu bảy pháp: “Biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người” [10] để hoàn thành sứ mệnh hoàng pháp lợi sinh viên mãn Bồ-đề đại nguyện.
Bát cơm xin khắp ngàn nhà, Chiếc thân đơn độc bước xa dặm trường, Chỉ vì sinh tử vô thường, Xuân qua thu lại hoằng dương độ đời.
ĐĐ.Thích Giác Lương NCS Khóa I - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội --------------Chú thích:
[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999, trang 70. [2] Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo - Định Hướng & Phát Triển, 2012, trang 72. [3] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Tư - Phẩm Pháp Sư Thứ Mười, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 303. [4] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ - Tập I, XXIV. Phẩm Trú Tại Chỗ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, trang 838-839. [5] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Nhất - Phẩm Phương Tiện Thứ Hai, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 64. [6] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Chương VI Tương Ưng Phạm Thiên I. Phẩm Thứ Nhất, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 304-305. [7] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Thứ Ba - Phẩm Hóa Thành Dụ Thứ Bảy, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 249. [8] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Thứ Nhất - Phẩm Phương Tiện Thứ Hai, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 65. [9] Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Quyển Thứ Tư - Phẩm Hiện Bảo Tháp Thứ Mười Một, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 315. [10] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A Hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, trang 99.
Bình luận (0)