Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

1. Nghiệp lực lớn như núi, sâu như biển

Kinh thuyết danh hiệu của các loại địa ngục

Địa ngục Vô Gián, A Tỳ (Vô gián và A Tỳ đều nghĩa là nơi đau khổ, sự hành hạ, quả báo phải trả liên tục “không” (vô) có sự “gián” đoạn), Tứ Giác (Bốn góc), Phi Đao (Dao bay), Hoả Tiễn (Lửa thiêu), Giáp Sơn (Núi ép), Thông Thương (Phóng đâm), Thiết Xa (Xe sắt), Thiết Sàng (Giường sắt), Thiết Ngưu (Trâu sắt), Thiết Y (Áo sắt), Thiên Nhẫn (Nghìn mũi nhọn), Thiết Lư (Lừa sắt), Dương Đồng (Nước đồng sôi), Bảo Trụ (Ôm cột đồng), Lưu Hoả (Lửa văng), Canh Thiệt (Cày lưỡi), Toả Thủ (Chém đầu), Thiêu Cước (Đốt chân), Đạm Nhãn (Móc mắt), Thiết Hoàn (Hoàn sắt), Tranh Luận (Cãi cọ), Đa Sân (Nhiều hận thù),…

Ảnh vẽ minh hoạ Bồ tát Địa Tạng
Ảnh vẽ minh hoạ Bồ tát Địa Tạng

Kinh thuyết địa ngục nhiều vô hạn, kể không sao hết, do chúng sinh làm những điều ác từ thân – khẩu – ý mà chiêu cảm những cảnh giới địa ngục như thế. Nghiệp lực rất lớn, nếu nói lớn, thì so với núi Tu Di, nếu nói rộng, khó lường thì được ví như lòng biển cả.

Chúng sinh không nên khinh điều nhỏ nhặt mà cho rằng không cần để tâm, dù điều nhỏ tới đâu cũng tương ưng quả phù hợp. 

Ví như cha với con, tuy cùng một dòng máu, một huyết mạch nhưng cũng theo nghiệp lực dẫn đi mà có những con đường khác nhau, dù có thương nhau tới nhường nào cũng không thể chịu khổ thay cho nhau.

Bồ tát Địa Tạng dùng trăm ngàn phương tiện cứu vớt chúng sinh

Kinh ví chúng sinh rơi vào ác đạo như người quên đường, lạ đường mà lạc vào đường hiểm. Trên con đường hiểm này có đủ thứ nguy hiểm, thú dữ, cây độc, ma quỷ,… 

Người đó may thay gặp được một vị thiện tri thức, nhờ vị này mà dẫn ngược trở ra, thoát khỏi con đường hiểm. Khi đã ra rồi, người đó biết được con đường hiểm, nhớ nó, sợ nó và không còn nhầm lẫn đi vào con đường hiểm. 

Tương tự chúng sinh, chúng sinh do mê lầm, không sáng suốt, vô minh mà lạc vào ác đạo. Ác đạo đầy những thứ vẩn đục, ô uế, khiến chúng sinh xoay vần luân hồi, chịu khổ đau hành hạ chẳng thể thoát ra.

Nếu may thay gặp được Bồ tát Địa Tạng, với hạnh nguyện không thể đo lường được của mình, Ngài nâng đỡ chúng sinh thoát khỏi ác đạo. Khi đã thác sinh về cõi lành rồi, chúng sinh không còn vô minh mà hành động bất thiện nữa.

Những chúng sinh từ khi ra đời, tới lúc lâm chung, không luận là nam hay nữ, sinh ra ở đâu, gia thế như nào, chỉ nên nghĩ thiện, làm thiện, tu phước lành. 

2. Nhân duyên công đức của sự bố thí

Chúng sinh trong cõi đời khi bố thí, so về quả cũng có nhỏ, có lớn. Có người hưởng phước trong một đời, có người hưởng phước vài đời, cho tới người hưởng phước cả trăm, cả nghìn đời. 

Ví như có một vị Quốc vương, hàng quan chức lớn, giai cấp đứng đầu, quyền uy, gia thế không thể nói tới bằng vài ba câu. Vị này thấy kẻ hèn hạ, hết sức nghèo túng, thân thể ốm yếu, không toàn vẹn, bẩn thỉu, hôi thối,…

Vị này thấy kẻ đó nhưng tâm không sinh sự khinh khi, không khởi tâm miệt thị, không thoá mạ, chỉ có lòng thương cảm, tâm khởi lên lòng từ bi rộng lớn, tự tay đem của, tài vật, đồ thiết yếu tới để bố thí với thái độ trân trọng, với mục đích giúp đỡ với lời nói ôn hoà, với nhiều điều tốt đẹp,…

Chính vì thái độ, lời nói, tâm từ rộng lớn mà vị Quốc vương sau khi bố thí nhận được quả lành cả trăm nghìn kiếp không hết, không phải ở tài vật mà vị đó cho đi. 

Nếu vị đó gặp cảnh người già bệnh tật, người nữ sinh đẻ, nếu chỉ trong một niệm mà tâm từ bi được sinh khởi ngập tràn, đem thuốc thang, y phục, vật thực cúng dường, quả lành của vị đó cả trăm nghìn kiếp. 

Lại nữa, vị Quốc vương hàng quan chức lớn, giai cấp đứng đầu, quyền uy, gia thế không thể nói tới bằng vài ba câu, … gặp chùa Phật, tượng Phật, kinh sách, tượng Bồ tát,… đích thân sửa sang, cúng dường, cho người chăm sóc, trông nom, phát triển, hoằng dương Phật pháp, quả báo nhiều đời không hết.

Cũng vị Quốc vương đó, gặp cảnh kinh sách cũ kĩ, mối mọt, mục nát, cho người tu bổ, khuyến hoá chúng sinh tu học, phục hưng lại kinh sách, quả báo cũng nhiều đời không hết. 

Đối với chúng sinh cũng thế, tất cả chúng sinh, được Bồ tát Địa Tạng khuyến hoá như vậy, thực hành hạnh như vậy, hồi hướng công đức cho toàn nhân gian, phước lành đó chẳng thể nào đo lường được. 

Chúng sinh thực hành hạnh như vậy, tức là đang gieo trồng hạt giống nguồn cội phước lành Phật pháp, những sự lành như thế, nhân dù chỉ nhỏ như hạt bụi, bé như hạt cát, mong manh như giọt nước, nhưng quả lại to lớn không kể hết. 

3. Mười hạnh lành

Ba hạnh thuộc về thân: (1) Không sát sinh, thay vào đó phóng sinh; (2) Không trộm cướp, mà bố thí; (3) Không tà dâm mà đoan chính.

Bốn hạnh thuộc về khẩu: (4) Không nói dối mà nói chân thật; (5) Không nói lời chia rẽ mà nói lời hoà giải; (6) Không nói lời thô ác mà nói lời ôn hoà nhã nhặn; (7) Không nói lời thêu dệt mà nói lời chắc chắn đúng.

Ba hạnh thuộc về ý: (8) Không có lòng tham lam ích kỷ, mà sinh lòng rộng rãi xả thí; (9) Không có lòng hờn giận ganh ghét mà sinh lòng tuỳ hỷ xót thương; (10) Không có lòng si mê tà kiến mà sinh lòng sáng suốt chân chính. 

Kinh thuyết các điều lợi ích khi hoạ vẽ, đúc tượng, cung kính, cúng dường, đảnh lễ hình tượng ngài Địa Tạng, hoằng dương thân - khẩu - ý thiện (làm mười hạnh lành), tuyên thuyết giáo hoá người khác

(1). Đất cát tốt màu.

(2). Nhà cửa an ổn.

(3). Bệnh tật không đến nơi thân.

(4). Khi mạng chung được thác sinh cõi lành.

(5). Người thân còn sống được hưởng sự lợi ích.

(6). Cầu mong đều toại ý nguyện.

(7). Không có tai hoạ về nước và lửa.

(8). Trừ sạch việc hư hại.

(9). Không dính phải nạn bị trộm cướp.

(10). Dứt hẳn ác mộng.

(11). Người khác tôn trọng.

(12).Đi đâu cũng có thần theo hộ vệ.

(13). Thường gặp bậc Thánh nhân.

(14). Đời sau thân thể xinh đẹp, xinh vào nhà quyền thế, hoặc làm quan, làm lớn.

(15). Có trí sáng biết rõ việc trước, việc sau, suy xét nhân quả.

(16). Quyến thuộc hoà thuận, an vui.

(17). Tai vạ bất ngờ hay nghiệp ác đạo đều được trừ dứt.

(18). Đi đến nơi nào cũng không bị trở ngại, cản trở.

(19). Giàu lòng từ bi.

(20). Quả lành, phước lành ngày càng thêm lớn.

(21). Gieo trồng hạt giống Vô thượng bậc Thánh.

(22). Không thối thất đạo hạnh Bồ đề.

Lời kết

Ngài Bồ tát Địa Tạng có nhân duyên lớn với chúng sinh cõi đời trần thế, Ngài so với các vị Bồ tát chỗ thệ nguyện là rất sâu rộng. Như ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm,… Các vị Bồ tát cùng dùng trăm nghìn phương tiện để hoá độ nhưng lời thệ nguyện của các Ngài vẫn có lúc toàn hảo. Xét tại lời thệ nguyện của ngài Địa Tạng, Ngài quyết không đắc đạo nếu vẫn có người làm ác, địa ngục vẫn có chúng sinh thác vào đó.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký, Hoà thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh tông Học hội Tân Gia Ba.

2. Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện (Trọn bộ), Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Pháp Đăng, Việt dịch: Hoà thượng Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, 2016.