Trang chủ Lịch sử - Triết học Lịch sử tiếp nhận Kinh Địa Tạng ở Việt Nam

Lịch sử tiếp nhận Kinh Địa Tạng ở Việt Nam

Một bộ kinh đã được đông đảo các thế hệ phật tử Việt Nam tiếp nhận, tiếp thu, trì tụng, phố biển ắt có lý do của nó. Tuy chưa thể xác chứng chính xác niên đại kinh Địa Tạng được truyền vào Việt Nam khi nào, nhưng thông qua các tác phẩm giảng giải, dịch thuật ... có giá trị về kinh Địa Tạng của các tác giả lỗi lạc cũng có thể thấy được sự quan tâm của các bậc cao đức ở Việt Nam về bản kinh này.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Một bộ kinh đã được đông đảo các thế hệ phật tử Việt Nam tiếp nhận, tiếp thu, trì tụng, phố biển ắt có lý do của nó. Tuy chưa thể xác chứng chính xác niên đại kinh Địa Tạng được truyền vào Việt Nam khi nào, nhưng thông qua các tác phẩm giảng giải, dịch thuật … có giá trị về kinh Địa Tạng của các tác giả lỗi lạc cũng có thể thấy được sự quan tâm của các bậc cao đức ở Việt Nam về bản kinh này.

Tác giả: SC.Thích nữ Trung Hiếu – TT.TS Thích Hạnh Tuệ

1. Dẫn nhập

Kinh Địa Tạng bổn nguyện (Kṣitigarbhasūtra) còn gọi là kinh Địa Tạng bổn hạnh hay kinh Địa Tạng bổn thệ lực, gọi tắt là kinh Địa Tạng, một bản kinh phổ biến đối với tín đồ phật tử tu tập theo Phật giáo Đại thừa song song với các kinh thường trì tụng ở các tự viện như kinh Di Đà, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn … Đây được xem là bản kinh hiếu do đức Phật vì Thánh mẫu Ma Gia mà tuyên thuyết trên cung trời Đao Lợi “Tại cung trời Đao Lợi, đức Phật vì thánh mẫu mà thuyết pháp”. Chúng đương cơ bấy giờ không chỉ có chư vị Bồ tát, trời, rồng, quỷ thần v.v… mà còn có chư Phật trong mười phương – sự xuất hiện của chư Phật đến nghe pháp là điều hy hữu hầu như rất ít thấy xuất hiện trong các pháp hội khác. Số lượng thính chúng tham dự pháp hội không thể dùng từ vô lượng mà có thể diễn tả hết được vì số thính chúng tham dự pháp hội này nhiều đến độ đức Thế Tôn dùng Phật nhãn xem xét còn không thể biết hết được số thánh phàm nói trên.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước lúc Niết Bàn không bao lâu, Ngài đã đến cung trời Đao Lợi thuyết kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện này. Nội dung kinh gồm mười ba phẩm chia thành ba quyển, trình bày về cuộc hội thoại giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ tát Địa Tạng với những hạnh nguyện to lớn của Ngài Địa Tạng “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề” nên chúng sinh thường tôn xưng Ngài là Đại nguyện Địa Tạng vương Bồ tát. Đồng thời mô tả hạnh hiếu của Bồ tát trong những câu chuyện tiền kiếp. Từ hạnh hiếu làm cơ sở bản kinh cũng chuyền tải những đức hạnh và pháp tu khác như hạnh độ sinh, bạt khổ, báo ân, hạnh hàm dưỡng, hạnh minh châu,… Hòa thượng Thích Chúc Thái từng nhận định: Xuyên suốt trọng tâm của bộ kinh Địa Tạng là tinh thần hiếu đạo và độ sinh. Hạnh hiếu là trung tâm của Phật đạo, hiếu không chỉ với cha mẹ hiện đời mà còn hiếu với cha mẹ nhiều kiếp, tức là hiếu với tất cả chúng sinh đó là nền tảng phát sinh các hạnh lành. Đây mới là hạnh hiếu chân thật trong đạo Phật. Nên kinh Địa Tạng nói về chơn tâm – mỗi hành giả cần gieo trồng hạnh hiếu vào chân tâm ấy, hạt giống hiếu hạnh này là nhân để trở thành thánh thành Phật trong tương lai. Song song các hạnh lành kinh cũng nói lên những nhân quả chi tiết để chúng sinh lấy đó làm gương từ đó xây dựng đời sống đạo đức tự thân trên việc thực hành các thiện pháp như bất sát, niệm Phật, thập thiện, lục độ… làm nhân thoát khỏi những tham sân si ràng buộc hiện tại và trong tương lai không đọa vào ác đạo. Đây là hình ảnh trong kinh Bồ tát nắm tay dìu dắt chúng sinh cang cường thoát khỏi ác đạo. Kinh Đại Tạng Bồ tát bổn nguyện như bản kinh cho người mới bắt đầu tu học nhưng mục tiêu của kinh là viên mãn thành Phật. Vì sứ mạng của đức Địa Tạng giáo hóa chủ yếu hạng chúng sinh căn cơ thấp nên dạy những pháp môn căn bản giai đoạn đầu cho họ sau đó phương tiện chỉ đến chân tâm thường trú (Phật tánh) luôn hiện hữu trong mỗi chúng sinh “sau khi ta (Như Lai) diệt độ…..làm cho tất cả mọi loài chúng sinh khỏi tất cả sự khổ mà chứng cảnh vui Niết Bàn”; Hay chi tiết khuyên hóa chúng sinh hành thiện nghiệp rồi khuyến khích họ nên hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh (chuyển hóa từ tâm cầu phước báo của bản thân thành tâm lượng Ba La Mật)… và một số chi tiết khác.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Kinh Dia Tang Bon Nguyen 1

2. Nội dung

Do chưa tìm thấy bản tiếng Phạn kinh Địa Tạng nên hiện nay một số học giả vẫn nghi ngờ về sự chính thống của bản kinh này. Nhưng đối với tín đồ phật tử các nước theo Phật giáo Đại thừa kể cả chư vị Tổ sư, các bậc cao Tăng lỗi lạc… vẫn lựa chọn kinh Địa Tạng là một trong những bản kinh không thể thiếu. Ở Trung Hoa từ thời Tống về sau rất nhiều học giả cao tăng dù hoằng dương Tịnh Độ nhưng đồng thời cũng rất coi trọng pháp môn Địa Tạng. Tổ thứ tám là Liên Trì đại sư của Tịnh Độ đã soạn và viết lời tựa cho kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện; Tổ thứ 9 là Ngẫu Ích đại sư tinh thông thiền, luật, thiên thai, tịnh độ cả đời hoằng dương Địa Tạng Bồ tát; Đầu thời Dân Quốc có Ấn Quang đại sư dốc sức truyền bá và phổ biến kinh Địa Tạng; Hòa thượng Tịnh Không từng nói “bỏ quên kinh Địa Tạng mà niệm Phật thì không thể vãng sinh, dù có niệm nhiều cách mấy cũng chỉ mỏi miệng uổng công mà thôi”…

Ở Trung Hoa có thể từ thế kỷ thứ 3 Kinh Địa Tạng được truyền vào dịch thuật nhưng được ít người biết đến. Đến thế kỷ thứ 7 triều đại nhà Đường kinh này mới dần được truyền bá rộng rãi và phổ biến đến ngày hôm nay. Các bản Kinh Địa Tạng ở Trung Quốc được dịch và còn lưu lại như sau:

Thứ nhất bản của ngài Pháp Cự dịch, niên đại dịch kinh là 290-306 (trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu 98/678).

Thứ hai bản dịch của Đại sư Tam Tạng (thế kỷ thứ 7). Có nhiều khả năng Đại sư Tam Tạng chính là Tam tạng Pháp sư Pháp đăng. (Hòa thượng Thích Trí Tịnh dùng bản Hán ngữ này để Việt dịch, hiện nay ở Việt Nam bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là bản phổ biến nhất).

Thứ ba là bản của ngài Thật Xoa Nan Đà, niên đại dịch kinh là 695-704 (trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu 98/668). Ngoài ra còn một số bản giảng giải về kinh Địa Tạng khác.

Ở Nhật Bản tín ngưỡng thờ phụng Bồ Tát Địa Tạng thịnh hành vào thời kỳ Kamakura (Liêm Thương; 1185–1333). Bồ Tát Địa Tạng được người Nhật cầu nguyện rộng rãi nhất từ xưa đến nay những lại xem Bồ Tát gần giống như là vị thần. Có thể một phần là do hình ảnh của ngài Địa Tạng được trộn lẫn khái niệm với Dōsojina hay Sae no kami (những vị thần bản địa). Ngài Địa Tạng ở đây được thờ phụng như hình thức những vị thần dân gian Nhật Bản cổ xưa, hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng có mặt khắp Nhật Bản như trên những con đường đi bộ, lối vào nhà, chùa chiền và nghĩa trang… Một trong những lý do khác để hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng thịnh hành ở Nhật Bản là vì: trong khi người bình dân thường thấy những khái niệm Phật giáo có phần phức tạp, tinh tế và khó hiểu thì những ý nghĩa gắn với Bồ-tát Địa Tạng được hiểu theo một cách cụ thể đơn giản mà mọi người có thể lĩnh hội được.

Ở Việt Nam, Phật giáo đã có mặt từ những năm đầu công nguyên, dần ngấm sâu vào tâm thức, ảnh hưởng về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của đồng bào và dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt từ khi mới du nhập, định hình, phát triển và đến hôm nay. Nguyên nhân khiến Phật giáo có sức sống lâu dài và phát triển mạnh mẽ như vậy không những vì nền giáo lý cao siêu mầu nhiệm như duyên khởi, tánh không, vô ngã… mà một phần là vì sự tương thích giữa giáo pháp Thế Tôn và thuần phong mỹ tục của con người nơi đây. Tinh thần hiếu đạo (công cha như núi thái sơn…), tính tương thân tương ái (thương người như thể thương thân), tình thương cứu khổ, đức tính bao dung (thương nhau chín bỏ làm mười), lòng báo ân (uống nước nhớ nguồn) v.v… đối với tâm thức người dân Việt Nam luôn là nét đẹp thiên liêng về đạo làm người. Khi ấy kinh Địa Tạng nói lên trọn vẹn những tinh thần đó, hơn thế nữa kinh văn còn hướng chúng sinh đến con đường giải thoát chân thực. Nền giáo dục trong kinh Địa Tạng không những có giáo lý, phương pháp tu, những ví dụ chi tiết sinh động mà còn có cả mẫu người lý tưởng điển hình (Bồ Tát Địa Tạng). Cho nên, không có gì khó hiểu khi kinh Địa Tạng và hạnh nguyện của Ngài lại được nhiều phật tử Việt Nam trì tụng, tu tập và thực hành theo.
Tuy rằng, hiện nay ở Việt Nam ta số lượng các đầu sách nghiên cứu, phiên dịch, trước thuật, chú giải, giảng giải về kinh Địa Tạng không đồ sộ như công trình kinh sách của kinh Pháp Hoa, A Di Đà… Nhưng kinh này cũng chiếm số lượng khá lớn các tác phẩm có giá trị được các bậc cao Tăng thạc đức lỗi lạc thời cận đại dịch giảng. Hiện nay, các đầu sách ấy vẫn đang nhận được sự quan tâm của thế hệ sau từ giới xuất gia đến cư sĩ, từ hàng tri thức đến bình dân, từ nhà nghiên cứu chuyên sâu cho đến người mới tìm hiểu Phật pháp. Một số đầu sách tiêu biểu được dịch thuật và giảng giải về kinh Địa Tạng cũng như hình ảnh đức U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn đáng chú ý và có sức ảnh hưởng hiện nay ở nước ta như sau:

Năm 1947, Hòa thượng Thích Trí Tịnh hoàn thành tác phẩm Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện. Đây là một trong rất nhiều tác phẩm mà dịch giả Thích Trí Tịnh dịch với mục đích giúp các tín đồ phật tử có thể trì tụng kinh văn bằng tiếng Việt. Trong bản dịch có đoạn diễn tả oai thần của Bồ Tát Địa Tạng như sau: “oai thần thệ nguyện của Bồ tát Địa Tạng không thể nghĩ bàn đếm được. Về đời sau nếu có trang thiện nam người thiện nữ nào nghe danh tự của Bồ tát hoặc khen ngợi, hoặc chiêm ngưỡng vái lạy….. thời người đó sẽ được 100 lần sinh lên cõi trời Đao Lợi, vĩnh viễn chẳng còn bị sa đọa vào chốn ác đạo”. Bản dịch kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện này, hiện nay là bản được các tùng lâm, tự viện, tịnh thất… lựa chọn để trì tụng nhiều nhất.

Năm 1957, Chánh trí Mai Thọ Truyền giảng dạy kinh Địa Tạng và được Viên Pháp sưu tập lại, tác phẩm mang tựa đề là Địa Tạng mật nghĩa. Tập sách được trình bày bằng cách dịch nghĩa kinh văn sau đó ghi lời bàn dưới mỗi phẩm kinh và gọi là mật nghĩa. Trong tác phẩm này, tác giả giải thích về danh từ U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát như sau: Địa Tạng là chỉ cho cái gì cực tôn quý (Bổn Tôn) đủ năng lực đả phá vô minh, trực tiếp cứu vớt con người ra khỏi cảnh ngục thất tối đen (đại thiết vi), thoát vòng tội lỗi khổ đau, và dẫn con người về cái cực tôn quý ấy là Chân Tâm của mỗi chúng ta. Địa là chỉ cho cái kiên cố bất diệt không thể đo lường (địa là dày chắc) và rộng chứa không gì bỏ ra ngoài (Tạng chứa đủ) đó chính là chân tâm hay Như Lai tạng. Cho nên nói đức Địa Tạng được ba đời chư Như Lai đều tán thán, quy ngưỡng, và còn mười phương chư Bồ tát thì đều nương tựa.

“Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng
Thập phương Bồ tát cộng quy y”

Nếu người biết tôn trọng tâm (bổn tôn) là người đã minh tâm kiến tánh. Khi đó tâm đủ năng lực làm vị giáo chủ soi đường cho chúng sinh ra khỏi cõi u minh (tham, sân, si). Tâm lúc này chính là Phật nhưng vẫn nói Địa Tạng Bồ tát (mà không gọi Phật Địa Tạng) vì chúng sinh chưa hoàn toàn sống với tánh giác ấy mà còn trong quá trình tu tập chuyển hóa nên gọi Địa Tạng Bồ tát. Quyển Địa Tạng mật nghĩa của Mai Thọ Truyền là một trong những tác phẩm giai đoạn đầu giảng giải kinh Địa Tạng thoát ra khỏi hình ảnh đức Địa Tạng đầy quyền năng có thể cứu độ chúng sinh thoát khỏi địa ngục với sự cầu xin trì tụng đơn thuần. Thay vào đó Mai Thọ Truyền trình bày nghĩa “quyền giáo” của kinh một cách mạnh mẽ và rành mạch để diễn tả những ẩn nghĩa của Phật Đà nương vào đó đọc giả có thể hiểu rõ chân lý Đại thừa.

Năm 1964, Thích Tuệ Nhuận hoàn thành tác phẩm Kinh Địa Tạng bản nguyện công đức. Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, được Hòa Thượng Tuệ Nhuận cùng ban hộ niệm hội Việt Nam Phật Giáo dịch chữ Hán ra chữ Việt. Tác phẩm Kinh Địa Tang được Tuệ Nhận Việt dịch với mục đích trì tụng tại các khóa lễ. Hiện nay tác phẩm này vẫn được trì tụng ở một số ngôi tự viện nhất là các ngôi tự viện thuộc miền Bắc vì văn phong bản dịch gần gũi với người dân ở đây. Trong bản dịch có đoạn diễn tả số thính chúng trong pháp hội như sau: “Ngay như ta lấy con mắt Phật nhìn nhận cũng chưa lường tính hết được, các vị đó đều do Bồ tát Địa Tạng từ bao nhiêu kiếp tới nay, đã độ đương độ và sẽ độ, đã về thành, đương về thành và sẽ về thành cho”.

Phật lịch năm 2514 (năm 1970), Hòa thượng Thích Trí Quang hoàn thành bản dịch và cho in kinh Địa Tạng, đến năm 1993 tác giả đã chỉnh sửa lại khá kỹ. Tác phẩm mang tựa đề Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện. Đây là một trong số ít những bản dịch chi tiết và có thể diễn tả hết trọn vẹn ý nghĩa kinh Địa Tạng với tính học thuật cao. Tác giả không những có sự so sánh đối chiếu nhiều bản Hán dịch kinh Địa Tạng của nhiều tác giả mà còn tham chiếu những kinh điển liên quan như kinh Thập luân và kinh Chiêm sát. Trong tác phẩm này tác giả làm rõ nhiều vấn đề từ đó người học Phật có cái nhìn trong sáng hơn về bản kinh này, trong đó có đoạn: Khi nói về nghiệp quả chúng sinh tác giả chỉ những điểm chính yếu sau đây phải được nhận rõ: địa ngục thật khổ và ai làm nghiệp dữ thì người ấy tự chịu, chứ không ai có thể chịu thay cho; Như vậy địa ngục là thật, nếu thật có nghiệp dữ. Nhưng cũng không thật nếu nghiệp dữ không có hay có mà được trừ bỏ. Sự trừ bỏ cũng vẫn có thể hy vọng, nếu biết qui y đức Địa tạng và làm theo kinh này chỉ dẫn. Đức Địa tạng cứu vớt cho chúng sinh cũng không phải chỉ cứu vớt nơi cái nhân mà còn ngay nơi cái quả. Đó là sự đặc biệt, bất khả tư nghị của đức Địa tạng và kinh Địa tạng.

Năm 1985 tác phẩm Tư tưởng kinh Địa Tạng được Thích Chơn Thiện hoàn thành tại chùa Linh Sơn. Trong tập sách này tác giả nghiêng về nghĩa “Quyền giáo” – xem ngôn ngữ kinh là ngôn ngữ biểu tượng. Địa Tạng là nguồn tâm thể, địa ngục là các ác tâm, tà kiến và trời là các thiện tâm và từ tâm. Tất nhiên, không phải vì thế mà không xác nhận các cảnh giới địa ngục và các bậc địa sĩ cứu khổ chúng sinh. Nhưng trong tập sách này tác giả chỉ muốn nhấn mạnh phần giáo lý căn bản của Phật giáo được chuyên chở trong kinh là cơ sở xây dựng tâm Bồ Đề và tâm giải thoát. Đến với tác phẩm Tư tưởng kinh Địa Tạng đọc giả được sáng tỏ từng phần giáo lý trong kinh Địa Tạng như bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ, Bồ Tát hạnh, nhân quả và hiếu đạo. Trong đó tâm hiếu đạo trong kinh Địa Tạng được giảng rộng như sau: Địa Tạng giới thiệu một con đường sống tu tập thiết thực dành cho đủ các căn tánh đi từ mê lầm khổ đau đến giải thoát tối hậu. Con đường ấy khởi đầu là hạnh hiếu đi dần đến thiện hạnh. Hiếu tâm chính là đầu nguồn của tâm giải thoát, hiếu cũng là gốc của tâm đại từ và đại bi. Mở đầu hạnh Bồ tát của Đại sĩ là biểu hiện hiếu tâm đối với mẹ. Từ thương mẹ phát tâm hành thiện để cứu mẹ. Từ cứu mẹ Đại sĩ xúc động trước nỗi khổ báo của chúng sinh mà phát khởi đại bi tâm cứu độ. Nhờ hạnh nguyện độ khổ đó Đại sĩ đã chứng đắc Thập địa Bồ tát nhưng vẫn ở lại sinh tử cứu giúp chúng sinh.

Năm 1997 tập sách Nhật tụng thiền môn do Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các vị giáo thọ đạo tràng Mai Thôn sưu tập và Việt dịch trong 15 năm. Nhật tụng thiền môn cũng tương tự quyển nhật tụng của các tùng lâm tự viện hiện nay – đầu sách này tập hợp những nghi thức tụng niệm và những bài kinh được Thiền sư Thích Nhất Hạnh Việt dịch. Trong tác phẩm có phần quán nguyện các vị Bồ Tát lớn trong đó có nguyện học hạnh của Bồ Tát Địa Tạng như sau: Thứ nhất: luôn tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng… không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống khổ đau tuyệt vọng; Thứ hai: khi biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới nên xin nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế. Trái lại nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt; Thứ ba: cố gắng tu học để đạt được đức tính vững chãi và kiên trì của đất để có thể trở thành trung kiên. Cũng nguyện được như đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến.

Năm 2005, nhóm Diệu Âm hoàn thành chuyển ngữ từ Hán ngữ qua Việt ngữ quyển Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký (quyển thượng và quyển hạ). Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký do Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng tại Tịnh Không học hội tân gia ba. Tác phẩm gồm có hai quyển là quyển thượng với hơn 600 trang và quyển hạ với gần 600 trang. Đây là một trong những đầu sách về kinh Địa Tạng đầy đủ, chi tiết và thiết thực trong đời sống tu tập nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả.

Năm 2006 Lệ Thiện hoàn thành tác phẩm Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện lược ký. Tác phẩm này được tác giả Lệ Thiện dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Hán của tác giả Ngô Trọng Đức. Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện lược ký tương đối ngắn gọn và dễ hiểu kết hợp những hình ảnh minh họa thông qua hình tượng được thị giác hóa giúp nội dung kinh thêm sinh động phong phú giúp người đọc dễ tiếp thu. Trong tác phẩm có đoạn trích như sau: “Nếu gặp kẻ cống cao ngã mạn Địa Tạng Bồ tát dạy: đời sau sẽ bị quả báo làm kẻ hạ tiện, bị người sai khiến. Nếu gặp kẻ nói chuyện thị phi gây ly gián Ngài dạy: đời sau sẽ bị không lưỡi”.

Năm 2007 in và lưu chiểu tác phẩm Giảng giải kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Tác phẩm này là những lời giảng dạy của Hòa thượng Tịnh Không về kinh Địa Tạng được Tâm Phước Việt dịch. Trong phẩm nội dung tác phẩm được chia thành bốn phần lớn là: sự thù thắng của kinh, đối tượng giáo dục, Bồ tát hóa độ chi duyên, đạo thành Phật. Ngoài ra còn có bốn phần phụ là: lý luận và sự thật về việc siêu độ, làm thế nào siêu độ gia thân quyến thuộc, tịnh yếu thập niệm pháp và đại sư Ấn Quang khai thị.

Năm 2009 hoàn thành và cho ra mắt tác phẩm kinh Địa Tạng thực giải với hai tác giả là Thích Hạnh Tuệ và Thích Thanh Quế. Song song với kinh Địa Tạng một số kinh quan trọng khác ở Việt Nam hiện nay như: kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng già, Hoa Nghiêm, Di Đà, Tứ thập nhị chương, Bát đại nhân giác, Phổ môn, Pháp hoa, Di giáo, Tứ niệm xứ, Duy thức tam thập tụng… cũng được cho xuất bản với cùng tác giả. Loạt sách thực giải về các bộ kinh quan trọng này của hai tác giả với mục đích thông qua các tác phẩm thực giải chứa đựng lời văn giản dị mà cô đọng, thiết thực, nghĩa lý rõ ràng có thể giúp người đọc dễ tiếp xúc và thực hành theo.

Năm 2009, tác phẩm Hạnh nguyện thù thắng của Bồ Tát Địa Tạng được in và lưu chiểu tại nhà xuất bản Phương Đông. Tác phẩm ngắn gọn với 55 trang được tác giả Quảng Chơn trình bày về những hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng một cách rành mạch, cụ thể, dễ hiểu. Tác phẩm Hạnh nguyện thù thắng của Bồ Tát Địa Tạng có 6 chương: chương 1 nêu lên duyên khởi và tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng; chương 2 là sự lợi ích của kinh Địa Tạng; chương 3 trình bày hạnh nguyện và ý nghĩa biểu tượng của Bồ tát Địa Tạng; chương 4 nói lên nhân quả về hình ảnh địa ngục và hình ảnh của Ngài; chương 5 trình bày văn khấn lễ đức Địa Tạng Vương Bồ Tát; chương 6 là phần kết luận. Đặc biệt trong tác phẩm này, tác giả Quảng Chơn nhấn mạnh về hạnh nguyện của Bồ tát Địa Tạng trong đó có đoạn: thay vì ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên cứu mẹ trong chỗ khổ ác đạo bằng cách thành kính cúng dường trai Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ. Nương nhờ thần lực thanh tịnh như pháp cúng dường để hồi hướng cho mẹ sớm được siêu thoát. Trong khi đó Bồ tát Địa Tạng báo hiếu tất cả chúng sinh như mẹ của mình. Ngài xuống tận chốn U Minh địa ngục cứu khổ chúng sinh với lời thề nguyện rung chuyển đất trời “hễ có một chúng sinh nào còn đau khổ tôi nguyện chưa thành Phật”. Hạnh nguyện Ngài luôn dấn thân vào những nơi đau khổ cho cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau ấy.

Năm 2009 chuyển qua ebook tác phẩm Kinh đại thừa đại tập Địa Tạng thập luận. Tác phẩm này được ngài Huyền Trang chuyển sang Hán ngữ và Thích nữ Huệ Thanh chuyển Việt ngữ. Tác phẩm Việt dịch có trên 200 trang với mười quyển.

Năm 2011 cho in và lưu chiểu quyển Địa Tạng sám bởi nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả quyển Địa Tạng sám là Thích Hằng Trường. Đây là một quyển sám dùng phương pháp quán tưởng đến những công hạnh của Bồ tát Địa Tạng, với lời văn cảm động khi giới thiệu được các công hạnh của Bồ tát Địa Tạng tác giả đã chạm đến trái tim của mỗi hành giả khi trì tụng quyển sám này. Từ đó làm cơ sở niềm tin và động lực để hành giả có thể tu tập và thực hành theo các công hạnh ấy. Nội dung tác phẩm Địa Tạng sám tác giả trình bày những công hạnh đồng thời kể lại tích xưa của Bồ tát Địa Tạng như: Hạnh hiếu dưỡng, hiếu là căn bản của đạo làm người…; Hạnh hàm dưỡng, hàm là bao dung dưỡng là nuôi dưỡng, như mặt đất bao dung và nuôi dưỡng vạn vật… tất cả chư Bồ tát và chư Như Lai hiện thân trên cõi đời này đều vì muốn dạy chúng sinh hàm dưỡng tâm bồ đề;… đến hạnh minh châu, hạnh tích trượng, hạnh vô lượng phương tiện và hạnh vô lượng đại nguyện.

Năm 2014 in và lưu chiểu quyển Đồ giải kinh Địa Tạng với tác giả là Hòa thượng Thích Tâm Điển và được Đàm Hưng dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm Đồ giải kinh Địa Tạng xuất phát từ góc nhìn hiện đại nghiên cứu về kinh điển cổ đại để nhận ra trí tuệ cao siêu của người xưa trong những con chữ ẩn dụ sâu sắc. Cuốn sách này lấy cơ sở kinh Địa Tạng Bồ tát bản nguyện, tập hợp nội dung của hai quyển “kinh Địa Tạng thập luận”“Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh”, sau đó biên tập theo phong cách hiện đại. Cuốn sách còn kết hợp với một lượng lớn hình minh họa, sơ đồ, nhằm biến những kiến thức trừu tượng, triết lý trở nên sinh động. Trong tác phẩm có đoạn: Địa Tạng Bồ Tát là sự hóa thân của từ bi và bị nguyện. Dựa vào nguyện lực đại bi của Ngài phát nguyện độ tất cả chúng sinh, tuy công đức trí tuệ có thể ngang bằng Phật, nhưng không hiện thân Phật, trước sau chỉ làm thân Bồ Tát để siêu độ giải thoát chúng sinh ở mười phương thế giới. Phương pháp cứu độ của Địa Tạng là đạo giải thoát thuận tiện dễ làm nhất, bao gồm niệm danh hiệu của Bồ Tát, tụng kinh, hành lễ, quán sát pháp tướng…

Năm 2012 tác phẩm Địa Tạng Bồ tát bản tích linh cảm lục ra đời. Tác phẩm này được cư sĩ Huỳnh Hiệp thỉnh Hòa thượng Thích Như Điển hiệu đính. Nội dung tác phẩm là những câu chuyện có thật về nhân quả và sự thị hiện của Bồ tát Địa Tạng, nhân đây xây dựng niềm tin và động lực để hành giả tránh dữ làm lành trên quá trình hành trì tu tập theo hạnh của Bồ tát Địa Tạng. Tác phẩm có 260 trang là bản tập hợp của các tác giả lớn như pháp sư Ấn Quang, Lý Viện Tịch… Nội dung tác phẩm gồm: phẩm thứ nhất có nội dung do Ấn Quang Pháp sư giám định gồm 7 bài. Phẩm thứ hai với nội dung Địa Tạng Bồ tát linh cảm lục của Lý Viên Tịch gồm 23 bài. Phần ba nói về Địa Tạng Bồ tát linh cảm cận văn lục Nhiếp Vân đại sư sĩ biên tập gồm có gồm 24 bài. Phần bốn là Địa Tạng Bồ tát linh cảm ký do Ngô Kỉnh Nhân soạn gồm có 18 bài. Ngoài ra có phần phụ lục với bốn bài nhỏ của Lý Văn Khải, Đỗ Duệ Bổn và Lý Viên Tịch biên thuật.

Năm 2016 nộp lưu chiểu quyển Kinh Địa Tạng do Thượng tọa Thích Nhật Từ biên soạn. Đây là một trong rất nhiều tác phẩm thuộc tủ sách Đạo Phật ngày nay do chính tác giả chủ biên. Tủ sách Đạo Phật ngày nay bao gồm các nghi thức tụng niệm thuần Việt và trên 200 đầu sách nghiên cứu và ứng dụng Phật học. Kinh Địa Tạng do Thượng tọa Thích Nhật Từ biên soạn là một trong những quyển kinh Việt dịch ở giai đoạn hiện đại với ngôn ngữ thuần Việt đồng thời rất vần điệu dễ đọc tụng nên cũng được nhiều tự viện và giới cư sĩ phật tử lựa chọn trì tụng. Trong tác phẩm có đoạn: “Bồ-tát Địa Tạng, tánh tình con người trong cõi Diêm-phù thuộc nhóm bất định, phần nhiều chạy theo thói quen làm ác. Giả sử có người phát khởi tâm lành, được chẳng bao lâu, tâm liền thoái thất, trong khi duyên ác luôn luôn tăng trưởng trong mỗi ý tưởng và từng hành vi ”.

Mùa Vu Lan năm 2020 Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải xong tác phẩm Giải thích kinh Địa Tạng. Nguyên bản tác phẩm này là bản văn bạch thoại về kinh Địa Tạng được cư sĩ Trạch Phạm Hồ Duy Thuyên diễn thuật, sau đó cư sĩ Gia Hưng Phạm Cổ Nông hiệu đính, cuối cùng Pháp sư Hoằng Nhất giám định và cho lưu hành. Tác phẩm này tuy không súc tích sâu sắc như bản hán cổ nhưng có thể diễn đạt gần gũi hơn với cách suy nghĩ người thời nay. Hiện nay bản này ở Trung Hoa được Tịnh Tông Học Hội lưu hành rất rộng rãi. Giải thích kinh Địa Tạng do Nguyễn Minh Tiến dịch là bản Việt dịch đầu tiên. Trong bản Việt dịch tác giả có bổ sung nhiều chú thích giúp người đọc dễ tiếp nhận ý nghĩa kinh văn, song song việc chuyển dịch trung thành nguyên tác nếu xét thấy có chỗ bất ổn dịch giả đều có sự lưu ý người đọc ngay sau đó, đồng thời trong tác phẩm có kèm phần kinh văn chữ Hán và âm Hán Việt để hỗ trợ những ai muốn tìm hiểu chuyên sâu.

Năm 2021 tác phẩm Truyện tranh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện kinh được xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn Giáo. Ngoài phương pháp dùng văn tự truyền thống thì vẽ tranh cũng là một trong những phương tiện thiện xảo để mang tư tưởng kinh văn đến đọc giả. Tác phẩm Truyện tranh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện kinh cũng mang mục đích đó, mượn hình ảnh sinh động rõ ràng thể hiện chi tiết hạnh nguyện đại bi của Bồ Tát Địa Tạng cũng như cảnh tượng địa ngục, cõi trời. từ đó giúp người đọc dễ hiểu rõ ý nghĩa kinh văn và cảm ngộ sâu sắc hơn về lý và sự trong kinh.

Tác phẩm Phật nói Kinh Diêm mệnh Địa Tạng Bồ tát được Huyền Thanh dịch và Pram Nguyên giảo đính, chú giải. Tác phẩm có 47 trang kể về công hạnh của Bồ tát Địa Tạng cũng như có phần kính lễ và nội dung kinh văn.

Quá trình tiếp nhận kinh Địa Tạng ở Việt Nam tuy không thể dùng một số đầu sách ít ỏi thông qua sự khảo cứu trên đây mà có thể diễn tả hết được, nhưng cũng có thể phần nào mô tả sự quan trọng của kinh văn đối với người phật tử Việt. Hòa thượng Thích Chúc Thái từng dạy: Kinh Địa Tạng là bộ kinh Đại thừa quan trọng đối với Phật giáo. Còn với hàng phật tử đây là bộ kinh để đầu giường, chúng ta được học rất nhiều điều cụ thể từ việc thực hành thiện pháp đến việc âm việc dương gọi là âm dương lưỡng lợi… sau cùng là nói về chân tâm – mỗi hành giả cần gieo trồng hạnh hiếu vào chân tâm ấy, hạt giống hiếu hạnh này là nhân để trở thành thánh thành Phật trong tương lai. Kinh Pháp Hoa cũng ví dụ về những đứa con của ông trưởng giả vui chơi ngây thơ trong nhà lửa còn người cha tuy thấy tất cả nhưng không cách nào có thể cứu hết tất cả các con mình. Ông bèn tùy theo ý muốn mà dụ các con ra ngoài với những đồ chơi yêu thích. Đây chính là ẩm dụ cho các phương tiện quyền xảo (khéo dùng phương tiện) của Thế Tôn tùy theo căn cơ mà giáo hóa chúng sinh. Người yêu thích xe dê thì dụ dẫn bằng xe dê… cũng như người chỉ thấy lợi trước mắt thì không thể nói lý tưởng cao siêu mà phải chia từng mục tiêu nhỏ để chỉ chân lý tối hậu. Kinh Địa Tạng chính là một trong những bản kinh giúp chúng sinh có căn cơ kém, phước đức mỏng từng bước tìm về hướng mặt trời chân lý giải thoát. Xét thấy, nền giáo lý tối hậu của đức Thiện Thệ như tánh không, vô ngã, Ba la mật… trong kinh Duy Ma, Hoa Nghiêm, Kim Cang… đối với bậc xuất gia sống cả đời trong pháp Phật còn phải dụng công không ít để tìm hiểu nghiên cứu huống gì hàng cư sĩ bình dân. Khi đó, kinh Địa Tạng dạy người hiếu đạo, hạn chế giết hại, tập đức tánh cho đi, giữ gìn đạo đức, sống hướng thiện… những phương pháp đó lại tương thích với tầng nghiệp thức về quan điểm làm người của họ – đây cũng là lời phó chúc của đức Thế Gian Giải dành cho Ngài Địa Tạng “khéo vì chúng sinh mà phân biệt giảng nói”.

Bồ Tát Địa Tạng với đại hạnh nguyện đã giúp tâm thức đang đau khổ của chúng sinh tưởng chừng không lối thoát có hướng tìm về, xây dựng niềm tin cho họ có thể “quay đầu thị ngạn”. Cũng như, đối với người đi biển trong đêm tối bốn bề thì ngọn hải đăng là niềm hy vọng và là nơi hướng về, đối với người lạc lối trong rừng sâu thì mặt trời mặt trăng và tinh tú là cách dẫn lối. Đức Bồ tát Địa Tạng chính là hải đăng của người đi biển; là mặt trời, mặt trăng của người đi rừng – khi chúng sinh đang lạc lối trong cõi khổ chốn ác đạo nơi mà chỉ toàn khổ đau dù muốn khởi một niệm thiện nhỏ cũng không được khi đó Bồ Tát xuất hiện “nắm tay dìu dắt họ thoát khỏi ác đạo” bằng nhiều phương tiện quyền xảo. Không những thế Bồ Tát còn liên hệ với những vấn đề ý nghĩa nhất của sự hiện hữu con người như sinh sản và bảo vệ trẻ em… (những thứ từ đất mà có đều nhờ nơi sức thần bảo hộ của Bồ Tát Địa Tạng cả). Đây chính là hạnh nguyện nhiều đời của Đức Địa Tạng bồ tát bổn nguyện, Bồ Tát bổn hạnh và Bồ Tát bổn thệ lực. Chính vì vậy, hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng đối với người phật tử Việt có phần tôn kính cũng có phần gần gũi. Tôn kính vì hạnh nguyện của Ngài với chúng sinh đau khổ, cho dù chúng sinh đó có ương ngạnh, cứng cỏi, khó dạy khó sửa như thế nào nhưng Ngài cũng không vì vậy mà bỏ rơi; Gần gũi vì Ngài ra sức bảo hộ chúng sinh – đến những đều nhỏ nhặt nhất, hay khi chúng sinh có làm điều thiện dù rất nhỏ cũng được Bồ Tát ghi nhận, tán dương; đồng thời hướng dẫn chúng sinh thoát khổ với những phương pháp cơ bản dễ hiểu dễ thực hành.

3. Lời kết

Một bộ kinh đã được đông đảo các thế hệ phật tử Việt Nam tiếp nhận, tiếp thu, trì tụng, phố biển ắt có lý do của nó. Tuy chưa thể xác chứng chính xác niên đại kinh Địa Tạng được truyền vào Việt Nam khi nào, nhưng thông qua các tác phẩm giảng giải, dịch thuật… có giá trị về kinh Địa Tạng của các tác giả lỗi lạc cũng có thể thấy được sự quan tâm của các bậc cao đức ở Việt Nam về bản kinh này. Hy vọng trong thời gian tới, các bậc cao minh, các nhà nghiên cứu có quan tâm đến bộ kinh này sẽ cho chúng ta lời giải đáp thỏa đáng.

Bên cạnh đó, phần lớn hàng tăng sĩ và cư sĩ Phật tử Việt Nam từ Bắc chí Nam cũng lựa chọn kinh Địa Tạng là bản kinh yêu thích để trì tụng và thực hành theo xem như là bộ Hiếu kinh của Phật giáo, nhất là trong tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu. Rất nhiều già lam tự viện đã xem kinh Địa Tạng như là tôn chỉ tu hành của đạo tràng và là bản kinh chính yếu thường trì tụng và hành trì tu học. Ngoài ra, kinh Địa Tạng còn được lồng ghép trong các tông phái khác hiện đang thịnh hành ở Việt Nam như Tịnh Tông, Thiền Tông và Mật Tông. Không phải ngẫu nhiêu mà từ xưa đến nay đối với người con Phật trên đất nước Việt Nam xem kinh Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện là một trong những bản kinh phổ biến không thể thiếu và luôn dành sự quan tâm không nhỏ đến bản kinh này.

Một trong những dưỡng chất nuôi lớn sự kính ngưỡng kinh Địa Tạng trong lòng đồng bào phật tử Việt Nam ta có thể là do nội dung phù hợp với tín ngưỡng văn hóa bản địa tính phổ quát trong tinh thần khế cơ khế lý của kinh, nhưng nhân tố để làm kinh có sức sống lâu dài, mãnh liệt không những với người Việt mà với Phật tử các quốc gia theo Phật giáo Đại thừa khác chính là giáo lý giúp người thoát khỏi vòng xoáy sinh tử luân hồi khổ đau. Kinh Địa Tạng, bằng góc nhìn “thật giáo” (nói thẳng giáo lý cần trình bày) là hình ảnh đức Đại nguyện Địa Tạng vương Bồ tát – Ngài xuất hiện như cánh cửa nhân đạo giúp chúng sinh lạc lối có thể tìm được ánh sáng quay về nẻo chính. Hơn thế nữa kinh văn mượn đức U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát để diễn tả nghĩa “quyền giáo” (mượn hình ảnh hay câu chuyện để nói ẩn nghĩa chính lý) – chỉ rõ chân tâm thường trú luôn hiện hữu trong mỗi chúng sinh và khi nào chúng sinh sống được với chân tâm chính khi ấy lập tức giải thoát tất cả mọi khổ đau ràng buộc và phương pháp để được tự tại với khổ đau ấy chính là làm theo kinh Địa Tạng đã dạy.

Nói tóm lại, đức Bồ Tát Địa Tạng là tiêu chí cụ thể để chúng sinh nương vào đó mà sống hướng thượng hướng thiện, thực hành các pháp lành trong từng suy nghĩ, mỗi hành vi và trong lời nói. Từ hành thập thiện tạo phước, sống đạo đức… làm cơ sở giúp tâm thanh tịnh, khi sự thanh tịnh hiện hữu trong tâm hành giả sẽ thấy được giáo chủ trong cõi tâm thức rộng lớn sâu dầy của mình – đó chính là chân tâm thường trú. An trú và quy ngưỡng chân tâm ấy (Địa Tạng Tâm) là quay lại chính mình và có thể là hải đảo cho tự thân. Đây là tiêu chí mà dù có dùng bao nhiêu ngôn ngữ văn tự của kinh văn Nam truyền hay Bắc truyền chung quy cũng đều hướng đến, và cũng là những gì mà kinh Địa tạng muốn chỉ ra cho tất cả chúng sinh. Thấy và sống được như vậy chính là phương pháp tốt nhất “tín thọ phụng hành” lời dạy của đức Thế Gian Giải trong kinh Địa Tạng nói riêng và trong giáo lý Phật đà nói chung.

Tác giả: SC.Thích nữ Trung Hiếu – TT.TS Thích Hạnh Tuệ

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quảng Chơn, Hạnh nguyện thù thắng của Bồ Tát Địa Tạng, NXB Phương Đồng, 2009.
2. HT Thích Như Điển, Địa Tạng Bồ tát bản tích linh cảm lục, NXB Hồng Đức, 2019.
3. HT Thích Tâm Điền, Đàm Hưng ( Việt dịch), kinh Địa Tạng, NXB Văn Hóa- Thông Tin, 2014.
4. HT Thích Tuệ Nhuận, Kinh Địa Tạng bản nguyện công đức, NXB chùa Bồ Đề, 1964.
5. HT Thích Tịnh Không, Tâm Phước (Việt dịch), Giảng giải kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện, NXB Tôn Giáo, 2007.
6. HT Thích Trí Quang, kinh Địa Tạng, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 1993.
7. TH Thích Trí Tịnh, kinh Đại Tạng Bồ Tát bổn nguyện, NXB Tôn Giáo, 2022.
8. Thích Nhật Từ, kinh Địa Tạng, NXB Hồng Đức, 2016.
9. Chánh trí Mai Thọ Truyền, Địa Tạng mật nghĩa, NXB Tôn Giáo, 2006.
10. Thích Hằng Trường, Địa Tạng sám, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011.
11. Thích Hạnh Tuệ – Thích Thanh Quế (2009), kinh Địa Tạng thực giải (bản lưu hành trong đạo tràng Minh Trần)

 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Nguyễn Thị Huệ 20/04/2024 - 16:45

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch quý thầy cô, sau khi đọc xong bài viết cảm thấy thật là một công trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực. Bên cạnh đó, con vô cùng xúc động vì nhận thấy được sự nổ lực của giới nghiên cứu tại nước nhà. Và qua đó, con có mong muốn nhỏ mong được giúp đỡ ạ. Vì con đang có dự định viết một bài viết ngắn để giới thiệu về tín ngưỡng dược sư tại Việt Nam, tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu về các bản dịch tiếng Việt thì không biết nên thông qua những tư liệu nào, trang web nào để biết được lịch sử và bản dịch kinh Dược Sư tại Việt Nam? Vì vậy, con mong nhận được sự hổ trợ từ tác giả, cũng như giới nghiên cứu của tạp chí nghiên cứu Phật học ạ.
Con kính chúc quý tác giả luôn sức khoẻ, bình an và có nhiều thành tựu trên con đường nghiên cứu.
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường