Tác giả: Chainarong Monthienvichienchai, LiCAS News
Việt dịch: Sa môn Lê Văn Phước
Nguồn: www.vaticannews.va
Thánh lễ khai mạc sứ vụ của đức Giáo hoàng Leo XIV bắt đầu lúc 10h ngày Chủ nhật - 18/5/2025 (15h giờ Hà Nội) và kéo dài trong hơn hai giờ.
Tiến sĩ Boonchuay Doojai, cựu tu sĩ Phật giáo, học giả nổi tiếng và Chủ tịch Tổ chức Liên tôn Vương quốc Phật giáo Thái Lan vì phát triển xã hội, đã mô tả cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Leo XIV - người Mỹ đầu tiên - là khoảnh khắc mang tính biểu tượng sâu sắc đối với thế giới.
Tiến sĩ Boonchuay Doojai nhận xét: “Qua việc chọn tông hiệu Leo XIV, đức Giáo hoàng gửi đi thông điệp về sự trở lại với những giáo huấn xã hội táo bạo của Giáo hội Công giáo, nhấn mạnh công lý, đối thoại và sự hiệp nhất để hàn gắn những chia rẽ toàn cầu trong thời đại hiện nay”.
Thông điệp đầu tiên của Ngài bằng tiếng Ý, thay vì bằng tiếng Anh, và lời chào bằng tiếng Tây Ban Nha gửi đến cộng đoàn của Ngài tại Peru, đất nước Inca cổ đại đã cho thấy Ngài ưu tiên trong công tác mục vụ.
Những lời đầu tiên của ngài “Bình an ở cùng anh chị em!” lấy từ phụng vụ Công giáo nhưng rõ ràng được gửi đi như một lời kêu gọi hòa bình mang tính phổ quát trong một thế giới nhiều xung đột.
Trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô, đức Giáo hoàng Leo XIV đã nhắc lại lời kêu gọi hoà bình ở những khu vực bị chiến tranh tàn phá, đề cập đến những lời sau cùng của đức cố đức Giáo hoàng Francis trong lễ Phục Sinh.
Về điều này, học giả Phật giáo Thái Lan suy tư về phong cách khác nhau giữa hai vị Giáo hoàng. Trong khi đức cố đức Giáo hoàng Francis từ chối trang phục truyền thống Giáo hoàng ngay khi bắt đầu triều Giáo hoàng của Ngài vào năm 2013, thì đức Giáo hoàng Leo XIV đã khoác trang phục màu đỏ truyền thống này bên ngoài áo chùng trắng tại buổi chiều được bầu chọn.
Tiến sĩ Boonchuay nói: “Rõ ràng là đức Giáo hoàng Leo XIV đang đi theo bước chân của đức cố đức Giáo hoàng Francis, nhưng Ngài cũng đang đưa ra lộ trình riêng của mình: tôn trọng truyền thống trong khi đón nhận sự thay đổi. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng một Giáo hoàng mới không chỉ mang lại sự tiếp nối, mà còn mở ra một hướng đi mới”.

Đối với Chủ tịch Tổ chức Liên tôn Vương quốc Phật giáo Thái Lan, chỉ hơn một tuần sau khi được bầu chọn Giáo hoàng, đức Giáo hoàng Leo XIV đã gây ấn tượng: “Điều khiến tôi ấn tượng nhất là khả năng lắng nghe một cách đồng cảm của Ngài - ngay cả với những người bất đồng quan điểm - và nỗ lực tìm kiếm sự thấu hiểu và hợp nhất. Ngài là một người thực sự mong muốn hòa bình cho thế giới và sự hòa hợp trong lòng Giáo hội Công giáo”.
Tiến sĩ Boonchuay, người cũng là Tổng giám đốc Học viện Phật giáo Bodhivalaya, đã nhớ lại cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giáo hoàng Francis tại trung tâm quốc tế của Phong trào Focolare ở Loppiano, Ý, vào tháng 5 năm 2018.
Tiến sĩ Boonchuay nói: “Đây là một trong những vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã gặp một người đàn ông vô cùng khiêm nhường, người đã sống triều đại của mình một cách giản dị và duyên dáng, thể hiện các giá trị đối thoại, tình yêu và sự chấp nhận”.
Tác giả: Chainarong Monthienvichienchai, LiCAS News/Việt dịch: Sa môn Lê Văn Phước/Nguồn: www.vaticannews.va
Bình luận (0)