Tác giả: Surya Narayan

Việt dịch: Thích Vân Phong

Nguồn: https://thebettercambodia.com/

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc đạo sư tâm linh giác ngộ, đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc về thực chất nỗi khổ niềm đau của con người, con đường dẫn đến sự bình yên của nội tâm. Những lời dạy của Ngài nhấn mạnh đến từ bi tâm, bất bạo động và chính niệm, có khả năng hướng dẫn nhân loại đến một thế giới hoà bình hơn.

Những tinh hoa triết lý đạo Phật là ý tưởng rằng, tất cả chúng sinh đều khát vọng niềm an lạc hạnh phúc và thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống. Một trong những lời dạy quý báu nhất của Ngài: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”. Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm đâu xa, ngay khi bản thân chúng ta có thể tự tạo ra nó. Lời dạy này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp sự bình yên nội tâm như một nền tảng để kiến tạo một thế giới hài hòa hơn.

Ảnh:
Ảnh: thebettercambodia.com

Đức Phật dạy rằng nguyên nhân sâu xa của những nỗi khổ niềm đau và xung đột từ tam độc tham lam, thù hận và si mê. Ngài khuyến khích những môn đồ phật tử hãy thực hành từ bi tâm và trí tuệ, như những phương diệu dược trị liệu, giải độc và chữa lành những hành vi tự phá hoại dẫn đến kết quả tiêu cực.

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), là cuốn kinh chọn lọc những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế.

Suốt trong 49 năm thuyết pháp, đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sinh mà đưa họ đến Niết bàn an lạc: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi mới trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn xưa. Hatred is never appeased by hatred in this world. By non hatred alone is hatred appeased. This is Law Eternal”.

Bằng cách dâng trào suối nguồn từ bi tâm và lan tỏa ánh sáng mặt trời trí tuệ đến với tất cả chúng sinh, chúng ta có thể bắt đầu phá vỡ những rào cản chia rẽ, hận thù, phân biệt đối xử giữa con người, cống hiến cho một thế giới hoà bình hơn.

Đức Phật nhấn mạnh đến sự kết nối của sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependence), tình trạng của mối quan hệ giữa hai bên mà trong đó thiệt hại của việc cắt đứt quan hệ hay giảm bớt các trao đổi là tương đương nhau đối với mỗi bên, Kinh Hoa Nghiêm “Nhất thiết duy tâm tạo” (一切惟心造) hay “Vạn pháp duy tâm tạo” (萬法惟心造) và Thủ Lăng Nghiêm kinh trực chỉ đề cương “tội phúc do tâm, vui khổ do tâm, Niết bàn địa ngục do tâm”. Như vậy tâm là căn bản, là cội nguồn của Bồ đề Niết bàn, đồng thời cũng là căn bản, là cội nguồn của luân hồi sinh tử.

Những lời vàng ngọc này cho thấy, hành động và thái độ của mỗi cá nhân có tác động lan toả đến thế giới xung quanh chúng ta. Bằng cách chính mình kiến tạo hoà bình và hành động từ bi tâm và lòng bác ái, chúng ta có thể truyền cảm hứng cho những người khác thực hành như thế. Đức Phật Thích Ca Như Lai đã tuyên thuyết về tầm quan trọng của từ bi tâm, bất bạo động, giải quyết những xung đột thông qua các biện pháp hoà bình.

Kinh Đại Bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Sutta, 大般涅槃經) tuyên thuyết rằng: “Tất cả đều run sợ trước khủng bố, bạo lực cực đoan; tất cả đều sợ tử thần. Đặt mình vào vị trí của người khác, họ không thể giết người hoặc khiến người khác giết người”. Thông điệp này đã truyền cảm hứng cho vô số nhà hoạt động vì hoà bình, bao gồm vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi (1869-1948) và mục sư Baptist người Mỹ, nhà hoạt động và triết gia chính trị, Martin Luther King Jr (1929-1968).

Tác giả: Surya Narayan

Việt dịch: Thích Vân Phong

Nguồn: https://thebettercambodia.com