Trang chủ Chuyên đề Đặc điểm kiến trúc chùa Huế

Đặc điểm kiến trúc chùa Huế

Dấu ấn vùng miền rõ nét nhất của kiến trúc chùa Huế: cột cao, nhỏ; bộ mái mỏng; nhẹ, thẳng, hơi vuốt lên ở đường quyết hay đầu mái bằng những hồi văn, hoặc mụt mây; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm nông, chú trọng đến từng tiểu tiết và sự lấn át của điển tích phong kiến.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Dấu ấn vùng miền rõ nét nhất của kiến trúc chùa Huế: cột cao, nhỏ; bộ mái mỏng; nhẹ, thẳng, hơi vuốt lên ở đường quyết hay đầu mái bằng những hồi văn, hoặc mụt mây; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm nông, chú trọng đến từng tiểu tiết và sự lấn át của điển tích phong kiến.

ĐĐ.TS. Thích Trung Định
Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

1. Dẫn nhập

Phật giáo Huế có mặt từ rất sớm, khi vùng đất này sát nhập từ hai châu Ô, Rí sau sự việc vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Theo một số tài liệu ghi lại, các Vua nhà Trần thực hiện chiến dịch Nam tiến, mở mang bờ cõi thì những nhà sư Phật giáo cũng theo đoàn người di cư vào Nam để hoằng đạo, làm chỗ dựa tâm linh cho bà con. Trong truyền thống lập làng dựng nước của người Việt Nam luôn có sự hiện diện của ngôi chùa. Cấu trúc của một làng xưa thì luôn có: đình, chùa, miếu, vũ, cây đa, bến nước, sân đình. Nhiều ngôi làng cổ Việt Nam đều có cấu trúc như vậy. Cho nên dân gian thường nói: “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt”. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, điểm tựa tâm linh, nơi để bà con Phật tử về tụng kinh lễ Phật mà còn là ngôi nhà chung cho mọi người quy hướng nương về.

Tại Huế có năm loại chùa, đó là: Quốc Tự, chùa Quan, chùa Tổ, chùa Làng và chùa Khuôn hội. Trong năm loại chùa kể trên thì cấu trúc xây dựng mỗi loại mỗi khác, tùy theo điều kiện hoàn cảnh, đất đai hay phong tục tập quán. Riêng loại chùa Khuôn thì hầu hết cấu trúc giống nhau. Tại Huế tất cả các Khuôn hội Niệm Phật đường trong tỉnh đều lấy chùa Từ Đàm làm quy chuẩn và chùa Từ Đàm là trụ sở của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy các loại chùa có cấu trúc khác nhau, nhưng nhìn chung kiến trúc chùa Huế phần lớn ảnh hưởng từ Phật giáo thời nhà Nguyễn, mà điểm quy chuẩn đó là Đại nội Huế.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Truyen Thua Thien Phai Lam Te O Hue 5 Chua Tu Dam

Chùa Từ Đàm – Ảnh: Minh Nam

2. Tổng quan về tổ hợp kiến trúc chùa Huế

Phần lớn các ngôi chùa ở Huế thường xây dựng trên một không gian trải dài, ẩn nấp dưới những tán cây. Chùa không xây quá cao nguy nga đồ sộ mà chú trọng đến chiều rộng. Ngôi chùa hòa mình với môi trường tự nhiên, với mái ngói rêu phong do khí hậu nơi đây thường mưa nhiều, độ ẩm cao. Toàn bộ kiến trúc chùa Huế đều được sử dụng vật liệu gạch, ngói, gỗ tạo ra không gian mộc mạc, mang đậm chất xứ Huế, khiêm tốn ẩn mình dưới những tán cây. Với kết cấu như vậy chùa Huế thường xây dựng với sự thông thoáng, hài hòa theo thế: Thiên – Nhân – Tương dữ.

Những ngôi chùa Huế truyền thống thường có cấu trúc theo kiểu chữ Nhất (一), chữ Đinh (丁), chữ Công (工), chữ Khẩu (口), hay nội Công, ngoại Quốc (国). Trong đó kiểu kiến trúc chữ Khẩu (口) là phổ biến nhất. Chùa Huế thường xây dựng vừa phải, không chú trọng chiều cao mà chú trọng việc thoáng đãng, hài hòa với môi trường tự nhiên, trồng nhiều cây. Giữa chính điện, nhà Hậu, nhà Tả, nhà Hữu tạo nên kiến trúc hình chữ Khẩu, khép kín. Khoảng sân giữa các nhà thường trưng bày cây cảnh, tạo nên không gian xanh tươi, thoáng mát. Vì vậy, khi nhìn vào kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa không nặng nề, bó hẹp, hình khối.

Tổng thể kết cấu chùa Huế bao gồm: Chính điện, trong chính điện thì thờ tiền Phật, hậu Tổ; nhà Hậu là nhà đối diện với Chính điện, nơi thường diễn ra các lễ quá đường, trai tăng; nhà Tả và nhà Hữu là nơi chư Tăng ở. Các chùa ở miền Bắc thì nhà Tổ được xây dựng riêng, gọi là Tổ đường, riêng tại Huế thì thường thờ Tiền Phật hậu Tổ. Bên cạnh đó còn có hệ thống các nhà như: nhà Tăng, Trai đường, Khách đường, Giảng đường, nhà trù và một số công trình phụ khác. Những ngôi nhà này có tỷ lệ tương ứng với Chính điện. Thường xây dựng hài hòa, cân đối, tạo nên một tổng thể kiến trúc tương xứng.

Một số chùa xây dựng từ thời nhà Nguyễn và cho đến sau này xây dựng theo kiểu nhà Rường Huế, như chính điện chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Châu Lâm,… Rường là tên gọi ngắn gọn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, dựng lên theo những cách thức nhất định.

Nhà rường Huế xưa phổ biến nhất là nhà rường 3 gian 2 chái hoặc nhà rường 1 gian 2 chái. Những ngôi nhà thường có diện tích nhỏ, thấp và mái nhà có độ dốc lớn. Nhưng dù lớn đến đâu thì kết cấu nhà được tạo bởi hệ thống chống và mộng gỗ có thể tháo lắp dễ dàng.

Nhà rường Huế nói riêng và nhà rường miền Trung nói chung đều được làm bởi nhiều rường cột, rường kèo, mè với lối kiến trúc chữ Đinh, Khẩu hoặc Công. Gian trong nhà được tính bằng các hàng cột và không có vách ngăn. Mẫu nhà rường 3 gian 2 chái ở Huế trung bình có 56 cột, các cột đều được kê trên đá tránh ẩm mốc. Tương ứng với số lượng cột là số lượng kèo, xà, đòn tay cần chạm khảm lớn.

Ngoài ra, hệ thống cửa lớn bao che 3 mặt tiền của ngôi nhà cũng đều được chạm khảm tùy vào sở thích của vị trụ trì và Tăng chúng trong chùa sẽ khắc hoa văn tứ quý, bát cửu, hoa lá hay chữ Nho.

Nhà rường thường gồm 4 mái, lợp bằng ngói liệt hay ngói âm dương rất dày để tăng tác dụng cố định bộ khung xuống nền nhà và để cách nhiệt. Mái nhà được lợp bằng 2 lớp ngói liệt chồng lên nhau, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm áp. Hệ mái của nhà rường Huế thường có độ dốc lớn để tránh mưa bão. Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước, người Huế thường chạm khảm nội thất nhà rường rất cầu kỳ, mỗi đòn, mỗi kèo nhà đều là những bức họa đẹp, đa dạng đề tài.

Kết cấu quan trọng nhất của nhà rường là bộ khung gỗ hay còn gọi là bộ giàn trò. Là tổ hợp các bộ phận: cột – kèo – xuyên – trến – xà – đòn tay nối ráp với nhau bằng liên kết mộng. Với nhiều hệ thống kèo cột như vậy thì kết cấu của ngôi nhà rường thật vững chãi và mang tính nghệ thuật cổ điển truyền thống của vùng đất này. Do đó, các nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận định: “Nhà rường Huế là một trong những bộ phận cấu thành và không thể tách rời của văn hóa Huế”.

Mái chùa Huế: Phần nhiều các mái chùa ở đây cách xây mái “trùng thiềm”, đỉnh nóc trình bày lưỡng long chầu bình cam lồ, hoặc chầu hỏa luân xa; các cù giao có Long Lân Quy Phụng là lối kiến trúc có ảnh hưởng các cung điện nhà Vua. Nhất là khi nghiên cứu hình điện Thái Hòa nhìn từ xa thì tất cả các kiến trúc khác về tiền đường và Đại Hùng Bảo Điện ở các chùa có phần giống nhau rất rõ ràng. Phần vách giữa hai mái ở cung điện trình bày thơ các nhà Vua, thì phần vách giữa hai mái ở các chùa Huế lại trình bày sự tích đức Phật.

Bên cạnh kiểu dạng kiến trúc cổ lâu, nét đặc trưng của mái chùa xứ Huế còn đọng lại ở kiểu kiến trúc “trùng thiềm – điệp ốc” với sự xuất hiện của mái vỏ cua mang chức năng kết nối giữa hai đơn nguyên hoặc nắm giữ vai trò tiền đường nhằm mở rộng không gian sử dụng. Các chùa Huế mái ngói thường lợp ngói Hài hoặc ngói Âm dương, có nhiều chùa thì lợp ngói Liệt. Mái chùa Huế thường không cao vút, mà uốn lượn nhẹ theo hình rồng mây. Bởi kiến trúc chùa Huế thường xây dựng thấp, vừa phải nên mái ngói cũng có độ công tương ứng.

Cổng Tam quan: Trong kết cấu của một ngôi chùa thì cổng tam quan là một phần khá quan trọng. Cổng tam quan là khoảng tách biệt giữa chân và tục. Bước vào cổng chùa là vào thế giới khác xa cõi tục. Ý nghĩa phổ biến nhất của kiến trúc cổng tam quan đó là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm: “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó, “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không. Tam quan cũng có nghĩa là tam giải thoát môn, không môn, vô tướng, vô tác để đi đến cảnh giới Niết-bàn tịnh lạc. Tam quan cũng tượng trưng cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đây cũng là cánh cửa phương tiện mở ra để cho mọi người bước đi từ những bước thực tập đầu tiên trên con đường tìm đạo, học đạo, hành đạo và đạt đạo.

Tam quan chùa Huế được xây dựng bằng xi măng, cốt sắt. Trên cổng có biển hiệu chùa. Các chùa xưa thường có cổng Tam quan được thiết kế khá cầu kỳ, thường ghi các cấu đối chữ Nho với nghĩa của cánh cửa phương tiện hay giải thoát môn. Các câu đối được khảm bởi các mảnh sành sứ hoặc đắp xi măng nổi. Một số chùa thường thiết kế lầu chuông trống trên Tam quan. Tam quan chỉ mở hai cửa hai bên, cửa giữa thường đóng kín, chỉ khi nào có công việc lễ lớn, đón rước chư tôn thiền đức mới mở để thực hiện công tác Phật sự.

3. Nét đặc trưng kiến trúc của năm loại chùa tại Huế

3.1. Chùa Vua

Chùa do vua xây nên có quy mô kiến trúc tầm cỡ, đồ sộ. Quốc tự Thiên Mụ do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm 1601; Quốc tự Diệu Đế do vua Thiệu Trị xây dựng vào năm 1844 và chùa Túy Vân được chúa Nguyễn Phúc Tần xây dựng, đến đời vua Minh Mạng, chùa được xây dựng lại và đổi tên là chùa Tuý Ba. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được tiếp tục trùng tu và đổi tên là chùa Túy Vân.

Ba ngôi quốc tự tại Huế đều tọa lạc tại những vị trí tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình. Chùa Thiên Mụ mặt hướng mặt ra dòng sông Hương thơ mộng, nằm trên ngọn đồi Hà Khê, thế như con rùa trườn ra sông trong thật hùng vĩ. Chùa Diệu Đế được kiến tạo trên một cảnh trí tuyệt vời, mặt hướng về sông Gia Hội tiêu biểu cho quy luật “Ngũ bất khả” (Năm điều không thể làm” trong Phong thủy: “Nhất bất khả tiền Thần, hậu Phật; Nhị bất khả tiền tỉnh, hậu hồ; Tam bất khả địa hạt, khan khô; Tứ bật khả sơn vô thảo mộc; Ngũ bất khả sơn cùng, thủy kiệt” (Ôn Bá Lăng Sách). Đặc biệt trong thời kỳ này đã xây lên “bốn lầu hai chuông” như trong phong dao xứ Huế “Đông Ba, Gia Hội hai cầu; Ngó qua Diệu Đế bốn lầu, hai chuông”. Chùa Túy Vân tọa lạc trên ngọn đồi Túy Vân, hướng mặt ra phá Tam Giang với trời xanh mây nước thơ mộng. Vua Thiệu Trị liệt chùa Túy Vân vào thắng cảnh của đất Thần kinh hàng thứ 9 “Thần kinh nhị thập cảnh” và danh thắng quốc gia “Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh” (Linh Thái, Túy Vân đều là thắng cảnh của quốc gia).

Từ quan niệm kiến trúc đến tư tưởng triết lý ẩn đằng sau công trình từ các ngôi Quốc tự, từ bố cục kết cấu tổng thể đến chi tiết các trụ biểu, tháp cổng, lầu chuông trống, kiến trúc điện thờ, các nét chạm trổ, hoa văn, các tượng thờ, cây cảnh,… tất cả đều in bóng của các kiến trúc sư lỗi lạc của triều đình và con mắt bác học của các vị Hoàng đế vương triều chỉ đạo. Đặc biệt kiến trúc Quốc tự Diệu Đế ở trần chính điện có bức tranh vẽ “Long Vân khánh hội”, nét vẽ điêu luyện. Mỗi vì kèo xuyên trến trong chùa đều được điêu khắc Long Phượng, thể dáng “con rồng nằm trong hạt lệ”, “long quá hải”, “long hí cầu”… Đặc biệt tại chùa Túy Vân vẫn còn lưu giữ nhiều văn vật có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn được bảo tồn cẩn thận. Trong số gần 70 pho tượng tại chùa Thánh Duyên, nổi bật nhất phải kể đến là bộ tượng Thập Bát La-hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La-hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2008. Hiện tại, bộ tượng đồng Thập Bát La-hán đang được thờ trong chính điện, còn bộ tượng tre thếp vàng được nhà chùa bảo quản trong điều kiện riêng đặc biệt, để có thể đảm bảo giữ bộ tượng quý được lâu bền.

Những Quốc tự là nơi thường diễn ra các lễ có sự tham dự của nhà Vua nên hệ thống xây dựng cũng phải chỉnh chu, hoành tráng. Phần lớn những ngôi Quốc tự tại Huế đều có kết cấu kiến trúc như: điện Đại Hùng, điện Thiên Vương, nhà Thuyết Pháp, phòng Tăng, nhà Thiền, lầu Tàng Kinh, tháp chuông,… Trong các chùa Vua tại Huế đều lưu lại di chỉ, bút tích của các nhà Vua khi ngự giá hoặc dự lễ đề cảm.

3.2. Chùa Quan

Do quan lại xây dựng phụng cúng chư Tăng về trụ trì nên quy mô nhỏ hơn chùa vua. Tổng thể kiến trúc chùa Quan tại Huế vẫn chủ yếu theo kiểu chữ Khẩu và chữ Đinh. Trong các chùa Quan phần lớn được sắc phong chỉ dụ của Vua ban, gọi là “Sắc tứ”. Chùa Quan tại Huế không chùa nào giống chùa nào, mỗi chùa tùy theo tư tưởng, kiến thức và sở thích nên kiến trúc, thờ tự có sự sai khác.

3.3. Chùa Tổ

Tại Huế có rất nhiều chùa Tổ, chùa Tổ trước đây là những thảo am đơn sơ do các Tổ sư dựng lên để tu hành. Sau này xây dựng qua nhiều đời nên chốn Tổ trở nên khang trang, đẹp đẽ. Hình thức thảo am (tiền đề cho những ngôi chùa) được dựng lên rất nhiều như thảo am trên núi Hàm Long nay là chùa Báo Quốc do Tổ Giác Phong xây khai sơn; Tổ đình Quốc Ân do Tổ Nguyên Thiều xây dựng; Tổ đình Thiền Tôn do Tổ sư Liễu Quán xây dựng; Tổ đình Từ Hiếu do Ngài Nhất Định xây dựng,…Mỗi chốn Tổ đều gắn liền với một sự kiện về cuộc đời tu đạo và hành đạo của Tổ nên có những điển tích khác nhau và có sức ảnh hưởng lớn vào trong quần chúng nhân dân.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Truyen Thua Thien Phai Lam Te O Hue 4 Chua Tu Hieu

Chùa Từ Hiếu – Ảnh: Quốc Dũng

3.4. Chùa Làng

Chùa do dân làng quyên góp xây dựng. Chùa làng tại Huế thì rất nhiều, hầu như làng nào cũng có chùa. Chùa làng gắn liền với nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán của dân làng. Chùa làng ngoài thờ Phật, Thánh, còn thờ cả Bản thổ thành hoàng, họ tộc và chi phái. Chùa làng gắn liền với các lễ tế, lễ hội của làng nên người đến chùa không chỉ là Phật tử mà tất cả con em dân làng đều có trách nhiệm với chùa.

3.5. Chùa Khuôn (Niệm Phật đường)

Khuôn gọi là Khuôn hội, tức cơ cấu tổ chức nhân sự trong chùa, gồm: Khuôn trưởng, khuôn phó, thư ký, thủ quỹ và Đạo hữu Phật tử. Niệm Phật đường là tên gọi Nhà niệm Phật. Hệ thống chùa Khuôn xuất phát từ sau phong trào chấn hưng Phật giáo và khi Hội An Nam Phật học ra đời do Cư sĩ Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập. Trong Khuôn hội, Niệm Phật đường có hệ thống tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt. Đặc biệt chùa Khuôn tại Huế ban đầu lấy mẫu chùa Từ Đàm làm quy chuẩn. Chùa Khuôn không có Tăng ở mà do Khuôn hội cai quản và điều hành Phật sự nên chùa không có nhà Tổ, nhà Tăng và các hệ thống nhà khác mà chỉ đơn giản chính điện thờ Phật và các công trình phục vụ cho việc sinh hoạt của bà con Phật tử. Mỗi chùa Khuôn có xây dựng một Đoàn quán dành cho Gia đình Phật tử (GĐPT) sinh hoạt. Các chùa Khuôn thường xây theo một mẫu, chú trọng chiều dài. Có chùa thì xây thêm tiền đường và hậu tẩm tùy theo khả năng và nhu cầu sinh hoạt. Chùa Khuôn thường có hai mái theo chiều dọc và tiền đường thì có hai mái theo chiều ngang. Kiến trúc chùa Khuôn thì đơn giản, tiện sử dụng. Trong một thập niên trở lại đây, với chủ trương đưa Tăng, Ni trẻ về trụ trì các chùa Khuôn từ đó cơ cấu tổ chức và kiến trúc tùy theo vị trụ trì xây dựng nên có sự thay đổi.

4. Mô típ trang trí chùa Huế

Phật giáo tại Huế chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Phật – Lão – Nho. Tư tưởng “cư Nho mộ Thích” được thể hiện khá rõ nét trong đời sống sinh hoạt, tu học tại chốn thiền môn, nên mô típ trang trí cũng chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng này. Ngoài một số chùa trang trí đơn giản theo lối kiến trúc chạm long, trên nóc mái có bầu hồ lô hay hỏa luân xa thì có một số chùa trang trí theo mô típ khá cầu kỳ, chịu sự ảnh hưởng Tam giáo đồng nguyên vốn là căn cốt của một thời kỳ lịch sử.

Những chùa làm bằng gỗ nhà rường hay bằng xi măng cũng thiết kế khá cầu kỳ. Hệ thống hồi văn xung quanh các diềm chạy quanh mái còn gọi là “hồi văn”, khi thì chạm theo kiểu chữ Vạn và các biến thể, chữ T liền kề nhau điều đặn là một mô típ phổ biến tại các chùa ở Huế. Các khung cửa sổ được trang trí theo kiểu chữ Thọ (壽) hoặc chữ Phúc (福) cũng thấy khá nhiều tại đây. Ngoài các chùa gỗ thì các chùa xây dựng bê tông với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay, rui mèn,…cũng làm giả gỗ. Sự lấn át của hệ thống hồi văn (chữ Vạn và các biến thể, chữ T, mặt rạn v.v.), hệ đề tài mô típ trang trí thực vật (hoa, lá, quả Phật thủ v.v.), hệ bát bảo Phật giáo (dấu chân Phật, Pháp luân, Cái lọng, Đuôi cá, Hoa sen, Tù và Cái tán, Nút huyền bí) v.v., những kiểu thức mang đậm dấu ấn Nho, Lão cũng được thể hiện như đôi rồng trên đầu nóc hoặc trên những đường quyết.

5. Dấu ấn vùng miền trong kiến trúc chùa Huế

Huế là nơi có nền khí hậu nắng hanh, mưa nhiều và hay lụt bão. Vì thế khi thiết kế xây dựng chùa hoặc nhà cũng mang đậm dấu ấn vùng miền rõ nét. Người Huế thì bình dị, khiêm cung, tao nhã, nên chùa Huế luôn được xây dựng vừa phải, ẩn mình dưới những tán cây. Dấu ấn vùng miền rõ nét nhất của kiến trúc chùa Huế: cột cao, nhỏ; bộ mái mỏng; nhẹ, thẳng, hơi vuốt lên ở đường quyết hay đầu mái bằng những hồi văn, hoặc mụt mây; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm nông, chú trọng đến từng tiểu tiết và sự lấn át của điển tích phong kiến. Phong cách này hoàn toàn khác với đặc trưng kiến trúc ở miền Bắc với kết cấu chịu lực: cột thấp, to; bộ mái dày, nặng, vuốt cong đầu đao; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm sâu, chú trọng hình khối và đầy ắp tính dân gian, còn các chùa ở miền Nam thì thông thoáng, rộng lớn và đa chức năng.

Nhìn chung trong tất cả ba miền, thì lịch sử và kiến trúc chùa Huế không thuộc có niên đại lâu dài như các vùng khác. Phần lớn các chùa Huế được xây dựng trong vòng 3 đến 400 năm trở lại. Và kiến trúc chủ yếu ảnh hưởng kiến trúc văn hóa thời Nguyễn và những chùa được xây dựng về sau thì có lối kiến trúc khá hiện đại, phù hợp với chức năng sử dụng và tiện ích trong việc sinh hoạt Phật sự của chùa.

6. Kết luận

Trong tổng thể kiến trúc của những ngôi chùa Việt thì kiến trúc chùa Huế vừa có dấu ấn tương đồng và cũng có phần dị biệt. Chùa Huế phần lớn được xây dựng với tầm mức vừa phải, hài hòa khiêm cung ẩn mình trong thiên nhiên cây cối. Mái không có cao vút đầu đao, với kết cấu chịu lực trung bình, kết cấu bao che mái vuốt nhẹ và các chạm trổ trên đó cũng theo tuồng tích ảnh hưởng văn hóa thời Nguyễn là chủ yếu. Với lối kiến trúc đặc thù này chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho những giá trị văn hóa Huế mà nó còn là một “chốn tĩnh tâm” trong “dòng chảy cuộc sống xô bồ” đối với người dân xứ Huế.

Phần lớn tại đây, Phật giáo theo Đại thừa truyền thống Thiền, Tịnh, Mật song tu. Một vài ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông như chùa Huyền Không, chùa Thiền Lâm; và một ngôi chùa thuộc hệ phái Khất sĩ.  Có hai tông phái lớn có tầm ảnh hưởng tại vùng đất này đó là: Lâm Tế và Tào Động, còn một số tông phong khác nhưng ảnh hưởng không nhiều. Vì vậy, tổng thể kiến trúc chùa Huế khá tương đồng, tạo nên dấu ấn riêng biệt của kiến trúc, di sản Phật giáo Cố đô.

Trong khuôn khổ đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, chùa Huế có một đặc điểm kiến trúc đặc thù làm phong phú thêm kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Trong xu thế thời đại mới, một mặt cần bảo tồn phát huy truyền thống kiến trúc này; mặt khác nếu các chùa xây dựng mới hoặc trùng tu cần tuân thủ theo đề án kiến trúc mà Ban văn hóa đã đề xuất, cần mạnh dạn thay đổi để Việt hóa các hoành phi câu đối, kết cấu hạ tầng để phù hợp với nhu cầu sử dụng, tiện ích trong các công tác Phật sự thường nhật của chùa, đồng thời thống nhất biểu mẫu biển hiệu chùa. Nếu làm được như vậy, kiến trúc chùa Huế sẽ trở nên đặc thù, thống nhất và có định hướng theo quy chuẩn.

ĐĐ.TS. Thích Trung Định
Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

***

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Hải Ân- Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
2. Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb. Văn Hóa Thông tin, Hà Nội
3. Phan Thuận An (2003), Kiến trúc Cố đô, Nxb. Thuận Hóa, Huế
4. Nguyễn Đại Đồng (2018), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường