Tác giả: Thích Đức Khải

Học viên Thạc sĩ K.4, chuyên ngành: Lịch sử Phật giáo - Học viện PGVN tại Huế.

1. Đặt vấn đề

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ thứ nhất, theo hai con đường là đường bộ và đường thủy. Những bước chân hoằng hóa đầu tiên tại Việt Nam là dấu chân của các vị tu sĩ Ấn Độ. Họ đã đi theo các thuyền buôn bán của những thương gia Ấn Độ vượt ngàn dặm xa xôi qua nước ta cùng với truyền thống Phật giáo phát triển (Phật giáo Đại thừa).

Bên cạnh đó, khi Trung Hoa xâm lược nước ta, Phật giáo Đại thừa ở Trung Hoa cũng chính thức được truyền bá vào. Lúc đó, Phật giáo đã được người Việt đón nhận một cách dễ dàng nên đã thành lập và phát triển thành một trung tâm Phật giáo lớn tại Luy Lâu – trung tâm Phật giáo vang danh tại Việt Nam thời bấy giờ.

Phật giáo đã không gặp bất cứ một sự trở ngại hay khó khăn nào từ du nhập vào nước ta mà còn nhanh chóng phát triển một cách mạnh mẽ và luôn đồng hành với dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử dân tộc. Để được người Việt chấp nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy, các vị tổ sư kết hợp hài hoà Phật giáo với các tín ngưỡng văn hoá bản địa của người Việt. Điều này giúp Phật giáo đi sâu vào cuộc sống người Việt một cách tự nhiên và được người Việt sẵn sàng tiếp nhận như một phần tất yếu của đời sống văn hoá xã hội.

Các vị Tổ sư đã hình thành nên một Phật giáo mang đậm sắc thái văn hoá dân tộc Việt từ nền Phật giáo mang đặc điểm của Ấn Độ và Trung Hoa. Điều này được thể hiện rõ nhất qua những công trình kiến trúc xây dựng chùa tháp Phật giáo, nghi thức cúng bái, nghệ thuật tạo tượng, nghệ thật trang trí… Các công trình kiến trúc chùa tháp được xây dựng khắp mọi nơi ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu và được trang trí bằng các hình tượng, hoạ tiết, hoa văn rất đặc sắc như hoa sen, rồng, vân mây, hổ phù, liên áp, thuỷ ba, hoa lá…Các hình tượng này không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá, tín ngưỡng và lịch sự của người Việt. Theo PGS.TS Đinh Hồng Hải đã nhận định: “Những bộ biểu tượng này không chỉ làm đẹp cho các công trình kiến trúc, đồ vật trang trí mà còn mang theo những giá trị tinh thần, văn hoá và lịch sử sâu sắc của dân tộc Việt Nam.” [1]

Trong các bộ biểu tượng này, hình tượng mặt hổ phù được đánh giá là một trong những bộ biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật trang trí chùa chiền của người Việt cũng như trong mỹ thuật dân gian. Hình tượng này xuất hiện khá nhiều và phổ biến trong các công trình kiến trúc chùa tháp, đình miếu, đền, các vật dụng thờ cúng, trang phục của người Việt… Hình tượng này mang rất nhiều ý nghĩa về phong thuỷ, tín ngưỡng, tôn giáo và mỹ thuật.

Tuy nhiên, so với các biểu tượng trang trí khác như hoa sen, rồng, vân mây, hoa lá…, hình tượng mặt hổ phù lại chưa được các nhà sử học, mỹ thuật học nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống rõ ràng mà chỉ đề cập chung chung trong các bài viết nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo.

Bài viết tập trung nghiên cứu chuyên sâu hơn về hình tượng mặt hổ phù nhằm giúp làm sáng tỏ chức năng, vai trò và sự biến đổi của nó trong nghệ thuật trang trí chùa Việt. Đồng thời, góp phần định hướng bảo tồn hình tượng mặt hổ phù trong các di tích chùa Việt và ứng dụng hình tượng mặt hổ phù trong mỹ thuật đương đại nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.

Hình 1. Mặt hổ phù tại Chùa Tre ( Hà Nội ).
Nguồn : Hoài Nam/Vietnam+
Mặt hổ phù tại Chùa Tre ( Hà Nội ). Nguồn : Hoài Nam/Vietnam+

2. Nội dung

2.1 Tổng quan về hình tượng mặt hổ phù trong văn hoá Châu Á và Việt Nam

Theo thần thoại Ấn độ, hình tượng mặt hổ phù được biết đến với hình tượng một nửa thân trên của quỷ Rula sau khi bị thần Vishnu vung kiếm Suddershan Chakra chặt đứt đầu vì Rula đã vào thế giới của thần linh để uống trộm sữa trường sinh. Nhưng vì Rula đã kịp nuốt sữa trường sinh vào trong miệng nên nó thoát chết, mặc dù đã mất một phần cơ thể. Thần mặt trời và mặt trăng đã báo cho thần Vishnu biết nên nó không bao giờ tha thứ cho mặt trời và mặt trăng. Thỉnh thoảng, nó lại nuốt chửng chúng tạo nên hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Nhưng Rula đã bị chặt mất nửa thân nên nó không thể giữ được mặt trời và mặt trăng trong người mình. Vì vậy, không bao lâu sau, mặt trời và mặt trăng lại thoát ra được.

Từ đó, hình tượng mặt hổ phù trong văn hoá Ấn Độ không chỉ là một con quỷ có thể kiểm soát sự hỗn loạn, sự bí ẩn và xấu xa nhất trong cuộc sống mà con quỷ Rula còn được coi là một biểu tượng cho sự trường tồn, may mắn, thịnh vượng, quyền lực, danh tiếng và tri thức cao tột, vì nó đã uống được sữa trường sinh của các vị thần. Theo nhận định của PGS.TS Phan Thanh Bình về thần thoại này : “Đó là truyền thuyết rất hay để giải thích cho một hình tượng, tất nhiên họ đưa ra giả định rất phù hợp. Từ đó trở thành hình tượng về sự trường tồn vì nó đã ngấm trường sanh mãi mãi không thể tiêu diệt được. Đó là lý do tại sao hổ phù phải gắn trên các công trình kiến trúc cung đình, trên áo, đồ ngự dùng để mong cho chủ nhân, vương triều mãi mãi trường tồn.”[2]

Trong quan niệm Phật giáo Thái Lan, mặt hổ phù được gọi là “Raru Omchan” – “Hiện tượng Nhật thực”. Hình tượng này được nhắc đến trong một đoạn kinh Phật bằng tiếng Pàli là Phra Rula đang tấn công thần Mặt trời và thần Mặt trăng thì đức Phật xuất hiện bắt Ralu phải nhả họ ra. Sau đó, Rula đã được đức Phật cảm hoá và trở thành thần hộ vệ cho đức Phật. Do đó, một số chùa ở Thái Lan thờ phụng hình tượng Rula như một vị thần có sức mạnh phi thường bảo vệ Phật pháp và tiêu diệt những điều xấu ác. Mặt hổ phù (Ralu) ở Thái Lan được khắc hoạ với đôi mắt to tròn, lông mày rậm, mũi to, miệng nhe ra với bốn chiếc răng nanh ngược lên trên, đầu đội mũ chóp nhọn, hai tay xăm các hoa văn và đang cầm mặt trăng hay mặt trời đưa vào miệng. Hình tượng này thường được đặt ở xung quanh tường của chùa chính với ý nghĩa là hộ pháp bảo vệ Tam Bảo.

Trong mỹ thuật cổ đại Trung Hoa, hình tượng mặt hổ phù là một bộ biểu tượng có ý nghĩa trấn yểm, phong thuỷ với dương khí cực mạnh mẽ sẽ giúp chủ nhà xua đuổi tà khí, ma quỷ và mang lại tài lộc, bình an. Hình tượng này ở Trung Hoa được miêu tả là một chiếc đầu hổ, trán gắn hình bát quái đồ, đôi mắt hung tợn, tai thú, lông xoăn đuôi nheo hướng ra bốn phía và những chiếc nanh sắc nhọn cắn chặt một thanh gương trông rất hung dữ. Hình tượng này thường được trang trí ở cổng nhà, cửa nhà hoặc cửa nhà lao…

Hổ phù ở hồi đầu chùa Keo ( Thái Bình )
Nguồn: Cục Di Sản, Bộ VH-TT&DL
Hổ phù ở hồi đầu chùa Keo - Thái Bình. Nguồn: Cục Di Sản, Bộ VH-TT&DL

Trong văn hoá Việt Nam, mặt hổ phù có khá nhiều tên gọi khác nhau như Long hàm thọ, Mặt nạ, Hổ phù diện, Ngoạ miện… Mặt hổ phù được xem là một bộ biểu tượng trang trí quan trọng trong nghệ thuật dân gian nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng. Khi được lưu truyền vào nước ta, hình tượng này không chỉ là tượng trưng cho sự linh thiêng, xua đuổi tà ma, chống lại ám khí, điều hòa long mạch, bảo vệ chủ nhân mà còn trở thành biểu tượng của sự no đủ, vững bền trong đời sống dân gian.

Mặt hổ phù được khắc hoạ với các hình dạng khác nhau, tuỳ vào từng thời kỳ của đất nước, như thời Lý - Trần thì mặt hổ phù thanh thoát và tinh xảo; nhưng đến thời Lê – Nguyễn thì được khắc hoạ một cách mạnh mẽ, hung dữ…. Mặt hổ phù đã dần dần được tiếp thu vào kiến trúc xây dựng chùa tháp của người Việt và thường được thấy trang trí trên bờ nóc chùa, các hồi đầu, cổng chùa, cửa võng, bệ thờ, chân cột, đỉnh trầm… trong các nơi thờ tự với ý nghĩa xua đuổi tà ác, bảo vệ không gian uy nghiêm, linh thiêng và bảo vệ Chính pháp.

Hình tượng mặt hổ phù đã xuất hiện ở nước ta vào khoảng thời Lý - Trần nhưng phải đến thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn thì hình tượng này mới thực sự phổ biến trong nghệ thuật trang trí các công trình tôn giáo, đặc biệt là chùa chiền. Vì trong giai đoạn Lý – Trần, nước ta đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hoá, chính trị và nghệ thuật của Trung Hoa nên hình tượng này chủ yếu mang ý nghĩa về phong thuỷ. Nhưng sau khi được truyền vào nước ta, hình tượng này đã được người Việt thay đổi về chức năng và vai trò để gắn liền với tín ngưỡng dân gian hay thay đổi để phù hợp với tình hình chính trị - xã hội thời bấy giờ.

Từ vai trò hộ pháp mang tính biểu tượng, hổ phù được dân gian hóa, mang dáng vẻ quen thuộc hơn với người Việt thông qua các hình thức như mặt quỷ, mặt thú…. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng đã có sự sáng tạo của người Việt trong sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa và biến hoá nó trở thành một biểu tượng văn hoá mang đậm bản sắc của người Việt. Điều này cũng phản ảnh rõ ràng sự giao thoa giữa Phật giáo và văn hoá bản địa. Từ đầu thế kỷ thứ 18, hình tượng này trở thành một mô-típ mỹ thuật không thể thiếu trong kiến trúc chùa chiền ở Bắc Bộ.

Giai đoạn này cũng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật dân gian cùng với sự phục hưng của Nho giáo và Đạo giáo trong đời sống tinh thần người Việt. Do đó, các bộ biểu tượng linh vật như rồng, nghê, phượng, quy, hạc… và đặc biệt là mặt hổ phù trở thành phương tiện truyền tải các thông điệp văn hóa – tôn giáo, đồng thời là biểu tượng bảo vệ không gian linh thiêng nơi chùa tháp, đình miếu. Theo TS. Trần Lâm Biền đã nhận định rằng: “Hổ phù ở Việt Nam không còn mang dáng dấp của hổ thật mà đã được nghệ nhân biến hóa theo mỹ cảm dân gian, đôi khi có yếu tố hài hước hoặc kỳ ảo, phù hợp với tâm thức tôn giáo và phong thủy phương Đông.”[3].

Hổ phù tại Tổ đình Diệu Đế ( Huế )
Nguồn: Thích Đức Khải (2025)
Hổ phù tại Tổ đình Diệu Đế ( Huế ) Nguồn: Thích Đức Khải (2025)

2.2 Hình tượng mặt hổ phù trong trang trí chùa Việt qua các thời kỳ

Mặt hổ phù là một trong những đề tài trang trí tiêu biểu thường xuất hiện trên các công trình chùa tháp, bia đá, hoặc các vật liệu kiến trúc như gạch, phù điêu… Mặt hổ phù thường có hình tròn hoặc hình bán nguyệt, được chạm khắc nổi hoặc chìm trên gạch, đá hoặc chất liệu đất nung. Gương mặt hổ phù mang đặc trưng của loài mãnh thú với đôi mắt to, tròn hoặc hơi lồi, lông mày rậm, miệng rộng há to, có khi ngậm châu như mặt trăng hay mặt tời hoặc lưỡi thè ra. Tai có thể dựng thẳng hoặc hơi cụp, trong khi bờm có dạng lượn sóng hoặc xoắn ốc, tạo cảm giác uy nghiêm. Nhiều phiên bản hổ phù có răng nanh sắc nhọn, mang tính chất bảo hộ, trong khi phần râu thường được thể hiện bằng những đường cong mềm mại, uyển chuyển.

Xung quanh mặt hổ phù có thể có hoa văn mây lửa, sóng nước hoặc hình rồng nhỏ, tạo sự kết hợp hài hòa với tổng thể kiến trúc chùa tháp. Mặt hổ phù mang yếu tố linh thiêng và bảo hộ trong nghệ thuật Phật giáo, thường được đặt tại những vị trí quan trọng để trấn áp tà khí, thể hiện quyền uy và bảo vệ Chính pháp. Hổ phù không chỉ là vật trấn yểm mà còn thể hiện kỹ thuật tạo hình điêu luyện qua các hình thức như: chạm nổi, chạm lộng, đắp vữa, nặn đất nung, đắp gốm men….Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn thời kỳ của đất nước, mặt hổ phù lại có những phần thay đổi khác nhau để phù hợp với tình hình chính trị - xã hội của từng thời kỳ đó.

Hổ phù tại Tổ đình Chúc Thánh. ( Quảng Nam)
Nguồn: Thích Đức Khải(2025)
Hổ phù tại Tổ đình Chúc Thánh - Quảng Nam. Nguồn: Thích Đức Khải(2025)

Dưới thời Lý (thế kỷ XI - XIII), mặt hổ phù thường có phong cách mềm mại, cân đối, mang đậm tính chất trang trí hơn là sự dữ dằn, mạnh mẽ mang tính chất phong thuỷ của Trung Hoa. Đặc điểm nổi bật của mặt hổ phù thời Lý với đường nét uốn lượn, nhẹ nhàng, ít góc cạnh. Khuôn mặt hổ phù có phần hiền hòa, không quá hung dữ, thể hiện tính thiền của Phật giáo thời Lý. Màu sắc chủ yếu trên các phù điêu đất nung là nâu đỏ, với kỹ thuật chạm khắc tinh tế như mặt hổ phù ở tháp Chương Sơn (Nam Định), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) hay những viên gạch có hình hổ phù ở chùa Phật Tích ( Bắc Ninh)…

Dưới thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), mặt hổ phù có sự chuyển biến mạnh mẽ, trở nên khỏe khoắn, mạnh mẽ hơn để phản ánh tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người Việt. Đường nét của hổ phù trở nên góc cạnh, sắc sảo, mạnh mẽ hơn thời Lý. Mặt hổ phù thể hiện rõ sự dữ tợn và nhấn mạnh vào sức mạnh trấn áp tà ma với đôi mắt to, tròn hoặc lồi, tạo cảm giác uy nghiêm, uy quyền. Mồm há rộng, lưỡi dài, răng nanh sắc nhọn lông mày rậm, đầu có thêm các họa tiết như mây lửa, vân xoắn hoặc bờm xù, tạo sự linh thiêng. Nó thường xuất hiện trên bia đá, bệ tượng, kiến trúc gỗ của chùa hoặc phù điêu gắn trên các bộ phận kiến trúc quan trọng trong chùa như mặt hổ phù trên bia chùa Nhị Châu (Hải Dương), các tấm phù điêu tháp Phổ Minh (Nam Định) phát hiện nhiều đầu rồng và hổ phù bằng đất nung có niên đại thời Trần ….

Dưới thời Lê (thế kỷ XV - XVIII), hình tượng này vẫn mang phong cách mạnh mẽ nhưng có phần điềm đạm hơn so với thời Trần. Đường nét hổ phù mềm mại nhưng cũng có phần góc cạnh của tinh thần mạnh mẽ. Mặt hổ phù chủ yếu được đắp nổi bằng đất nung, chạm khắc trên đá, gỗ hoặc đắp bằng vữa trên các bức tường chùa, điện thờ. Có thể mang hình bán nguyệt, hình elip hoặc hình vuông tùy theo vị trí lắp đặt. Hình thái của nó thể hiện sức mạnh bảo hộ hơn là sự trang trí đơn thuần của mặt hổ phù dưới thời Lý.

Mặt hổ phù thường xuất hiện nhiều trên bia đá, cửa chùa, bệ tượng Phật như các bia đá chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đỉnh mái có gắn hổ phù gốm men nâu – hình thức trang trí mang đậm phong cách Hậu Lê; chùa Keo (Thái Bình) đầu dư bằng gỗ thế kỷ XVII chạm khắc hổ phù rõ nét, thể hiện trình độ điêu khắc bậc cao…

Còn dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu XX), mặt hổ phù trở nên rực rỡ, nhiều chi tiết hơn, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật cung đình Huế. Mặt hổ phù vẫn được miêu tả với vẻ ngoài hung dữ, uy nghiêm và đường nét mạnh mẽ với đôi mắt to tròn, mũi sư tử, miệng nhe ra với hàm răng lớn, tóc xoăn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bành to, hàm mở rộng ngậm mặt trời, mặt trăng hay chữ thọ, chữ hỷ…hai chân bành ra hai bên bám vào vân mây hay một hoạ tiết nào đó. Biểu cảm của mặt hổ phù dữ tợn hơn, nhấn mạnh yếu tố thần linh và quyền uy. Họa tiết xung quanh phong phú hơn, màu sắc sặc sỡ hơn, dùng nhiều men lam, men vàng trên phù điêu gốm có thể đi kèm với hình rồng, phượng, vân mây…

Hổ phù tại Tổ đình Từ Hiếu ( Huế )
Nguồn: Internet
Hổ phù tại Tổ đình Từ Hiếu - Huế. Nguồn: Internet

Các mặt hổ phù thường được tô màu rực rỡ như vàng, đỏ, xanh, sử dụng men gốm hoặc vẽ trực tiếp lên bề mặt phù điêu. Còn trên các kiến trúc gỗ, mặt hổ phù có thể được sơn son thếp vàng, làm tăng vẻ huyền bí. Hình tượng mặt hổ phù thường được chạm khắc tinh xảo trên gỗ, đắp nổi trên mái chùa, trên cổng chùa như mặt hổ phù trên cổng chùa Thiên Mụ (Huế)….Mặt hổ phù trong kiến trúc chùa tháp thời Lê - Nguyễn có những biến đổi rõ nét về phong cách và ý nghĩa so với thời Lý - Trần, điều này đã phản ánh sự thay đổi trong tư duy mỹ thuật và tôn giáo của từng giai đoạn lịch sử.

Ở thời hiện đại (sau 1945 – nay), mặt hổ phù bị ảnh hưởng bởi các vật liệu mới như bê tông cốt thép, kim loại, gốm sứ công nghiệp nên hình tượng mặt hổ phù đã được tối giản hoá, biểu cảm có phần nhẹ nhàng hơn mặt hổ phù của các thời phong kiến và thay đổi theo xu hướng của nền mỹ thật trang trí hiện đại. Vì vậy, hình tượng này còn được sử dụng như một hoạ tiết trang trí trong xã hội hiện đại. Vị trí trang trsi của nó vẫn còn được giữ lại ở một số vị trí truyền thống như mái chùa, bia đá, cổng chùa, cửa chùa… thì cũng có một số thay đổi về vị trí trong trang trí chùa Việt như trang trí trên án thờ, đồ thờ, tường bao của chùa…

Tóm lại, hình tượng mặt hổ phù trong nghệ thuật kiến trúc chùa Việt có sự kết hợp độc đáo giữa tính hiện thực và tính biểu tượng. Qua các thời kỳ, hình tượng mặt hổ phù vẫn thường được tạo hình với đặc điểm dữ tợn: mắt lồi, miệng há rộng, răng nanh dài, lưỡi thè hoặc ngậm ngọc, tai vểnh, trán rộng, mày rậm. Bao quanh thường là các họa tiết mây, lửa hoặc vân xoắn biểu thị linh khí.

Nhưng ý nghĩa của hình tượng này lại có sự khác biệt ở mỗi thời kỳ. Ngoài ra, các nghệ nhân dân gian Việt đã đưa yếu tố bản địa vào hình tượng này, biến nó trở thành linh vật mang dáng dấp kỳ ảo và gần gũi hơn với tâm thức người Việt như mặt hổ phù ngậm chữ thọ (壽). Theo cuốn “Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” của Guestave Dumoutier có nhận định rằng: “Các chữ Phúc và Thọ làm biểu tượng trang trí thường được sử dụng nhiều nhất theo lối cổ; có chữ hình tròn, có chữ hình vuông, và có những chữ hình hô lô.”[4]. Các nghệ dân gian đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình tượng mặt hổ phù với chữ Thọ thành một biểu tượng độc đáo của người Việt, chưa từng có ở bất kỳ quốc gia nào.

Hổ phù tại Chùa Tây Thiên ( Huế )
Nguồn : Thích Đức Khải (2025)
Hổ phù tại Chùa Tây Thiên - Huế. Nguồn: Thích Đức Khải (2025)

2.3 Vai trò và ý nghĩa của hình tượng mặt hổ phù trong trang trí chùa Việt

Nếu trong phong thủy, hình tượng này giúp hóa giải tà khí, thu hút sinh khí, giữ cho không gian thiêng liêng, được an tịnh thì hình tượng này được nhìn nhận như một biểu tượng hộ pháp – linh vật bảo vệ chính pháp trong Phật giáo Đại thừa.

Trên phương diện biểu tượng học, hổ phù mang năng lượng trấn áp ma chướng và bảo vệ Tam Bảo. Với hình dáng dữ tợn, nó được đặt tại những vị trí chuyển tiếp hoặc dễ bị tà khí xâm nhập trong không gian chùa, thể hiện chức năng canh giữ đạo tràng.

Hình tượng mặt hổ phù thường được bố trí ở các vị trí quan trọng trong kiến trúc chùa như đầu đao mái chùa với vai trò trấn giữ bốn phương, ngăn tà khí; hay đầu dư và kẻ hiên, vị trí giao tiếp giữa nội và ngoại thất, tượng trưng cho sự bảo vệ không gian linh thiêng; hay cửa võng, bệ tượng, hoành phi, câu đối, những vị trí mang tính phong thủy và biểu tượng cao, thể hiện sự linh ứng và trấn giữ.

Hổ phù tại Chùa Thiên Mụ ( Huế )
Nguồn : Internet
Hổ phù tại Chùa Thiên Mụ - Huế. Nguồn: Internet

Hổ phù cũng có thể được hiểu như biểu trưng cho "tâm vô úy" [5]– một trong các đức tính căn bản của Bồ Tát: sự không sợ hãi trước vô minh và nghiệp lực. Dưới góc độ giáo lý, sự hiện diện của hổ phù như một ẩn dụ cho hành giả trên đường tu phải có dũng khí, sức mạnh và trí tuệ để đối diện với vọng tâm, vượt qua khổ đau để đạt đến sự giải thoát giác ngộ.

Tại Việt Nam, sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa và mỹ thuật dân gian đã tạo ra hình thức mặt hổ phù mang màu sắc bản địa rất riêng. Nó là sự gặp gỡ giữa tinh thần hộ pháp của Phật giáo và văn hóa trấn yểm của tín ngưỡng dân gian. Ban đầu, hình tượng mặt hổ phù chỉ có vai trò là một hình tượng trang trí và mang ý nghĩa phong thuỷ theo quan niệm của người Trung Hoa.

Đến thời Lý - Trần, mặt hổ phù không chỉ được xem như một vị thần linh bảo vệ chốn linh thiêng, giúp trừ tà, tránh ma quỷ mà còn là biểu tượng cho tính chất Thiền trong Phật giáo dưới thời Lý và thể hiện được sức mạnh của vương quyền trong thời Trần khi phản ánh tinh thần võ biền, quân sự mạnh mẽ hơn.

Mặt hổ phù đã tạo điểm nhấn mỹ thuật, phản ánh trình độ điêu khắc tinh xảo của nghệ nhân thời Lý - Trần và là một phần không thể thiếu trong kiến trúc tôn giáo, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, tâm linh và bản sắc văn hóa Việt Nam thời kỳ này.

Hổ phù tại Chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn ( Đà Nẵng )
Nguồn: Thích Đức Khải (2025)
Hổ phù tại Chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Nguồn: Thích Đức Khải (2025)

Mặt hổ phù trong kiến trúc chùa tháp thời Lê - Nguyễn lại là một yếu tố trang trí quan trọng, góp phần tạo nên sự hoành tráng cho các công trình tôn giáo. Ngoài ra, mặt hổ phù thường được sử dụng để trấn áp tà ma, bảo vệ không gian linh thiêng, thể hiện quyền uy và sức mạnh thần linh trong việc bảo vệ Chính pháp.  

Mặt hổ phù trong kiến trúc thời Lê - Nguyễn có sự chuyển hướng từ sự giản dị, cân đối sang phong cách cầu kỳ, uy nghiêm, phản ánh sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian Việt Nam thời kỳ này. Hổ phù trong giai đoạn này vẫn giữ vai trò bảo hộ, trấn trạch, nhưng có sự biến đổi về phong cách trang trí, trở nên cầu kỳ và chi tiết hơn.

Hình tượng mặt hổ phù không thường xuất hiện trong hệ thống biểu tượng gốc của Phật giáo nguyên thủy, nhưng lại được dung nạp một cách sâu sắc trong Phật giáo Đại thừa Việt Nam. Điều này phản ánh tính linh hoạt của Phật giáo trong quá trình bản địa hóa và thích nghi với môi trường tín ngưỡng sở tại. Từ đó, hình tượng hổ phù trong chùa Việt cũng mang đậm sắc thái dân gian, biểu hiện sự hòa nhập giữa tôn giáo và tín ngưỡng bản địa. Hổ phù vừa là biểu tượng của sức mạnh bảo vệ, vừa là hình ảnh gắn với niềm tin vào thế giới tâm linh, nơi con người tìm thấy sự che chở khỏi những thế lực vô hình và tà khí trong cuộc sống đầy bất an của mình. Bên cạnh đó, mặt hổ phù còn có ý nghĩa là diệt trừ, giải hóa THAM (tham lam vô độ); SÂN (nóng giận, hận thù);  SI (si mê, vô minh, ngu tối) – “Tam Độc” ở trong mỗi con người.

Hoa sen hoá hổ phù tại Tổ đình Từ Hiếu
Nguồn : Internet
Hoa sen hoá hổ phù tại Tổ đình Từ Hiếu Nguồn : Internet

Tóm lại, hình tượng mặt hổ phù trang trí chùa Việt là hình tượng tiêu biểu cho quá trình bản địa hóa biểu tượng ngoại nhập, thể hiện năng lực sáng tạo và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ của dân tộc. Không giống các biểu tượng có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ hay văn hoá Trung Hoa, hình tượng mặt hổ phù của người Việt đậm chất dân gian, gần gũi và mang dáng dấp "sống" trong đời sống cộng đồng. Hình tượng này không chỉ là linh vật trang trí, mà còn là một thành tố biểu tượng hóa không gian thiêng, phản ánh vũ trụ quan phương Đông, tâm thức phòng ngừa tà khí và khát vọng an bình của con người Việt Nam xưa. Vai trò biểu tượng của hổ phù không chỉ nằm ở việc trang trí mà còn là hình ảnh đại diện cho sự giao thoa âm – dương, bảo hộ cho không gian tâm linh và tạo thế cân bằng trong tổng thể kiến trúc. Hình tượng như hổ phù hay sư tử, rồng, nghê không đơn thuần là trang trí mà còn là “cấu trúc biểu tượng hóa vũ trụ quan” của người Việt xưa.

Mặt hổ phù trên đỉnh trầm thời Lê Trung Hưng	   
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Mặt hổ phù trên đỉnh trầm thời Lê Trung Hưng Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

3. Kết luận

Hình tượng mặt hổ phù trong kiến trúc chùa Việt Nam truyền thống là một biểu hiện rõ nét của sự kết tinh văn hóa – tín ngưỡng – mỹ thuật dân tộc. Từ một biểu tượng du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa cổ đại, hổ phù đã trở thành linh vật trấn yểm đặc trưng trong các công trình Phật giáo, phản ánh triết lý bảo vệ không gian linh thiêng và giữ gìn trật tự vũ trụ trong tâm thức người Việt. Vai trò của hổ phù trong Phật giáo Đại thừa Việt Nam càng làm nổi bật tính linh hoạt và hội nhập biểu tượng trong tôn giáo bản địa.

Hổ phù vừa là linh vật hộ pháp, vừa là hiện thân của đức vô úy, của trí tuệ, của sức mạnh và lòng kiên cường trên con đường giác ngộ. Việc nghiên cứu hình tượng này không chỉ giúp làm sáng tỏ giá trị nghệ thuật và biểu tượng của kiến trúc tôn giáo Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định khả năng nội sinh hóa biểu tượng ngoại lai, từ đó tái hiện sinh động diện mạo văn hóa truyền thống Việt trong dòng chảy văn minh khu vực.

Nhưng cùng với sự hiện đại hoá của thời đại, hình tượng này đang dần dần bị biến đổi và mất đi trong các kiến trúc trang trí chùa Việt. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy được giá trị của hình tượng này trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp cụ thể và chính xác. Trước tiên, chúng ta cần khuyến khích các đề tài nghiên cứu liên ngành về biểu tượng học, mỹ thuật dân gian và kiến trúc tôn giáo nhằm hệ thống hóa tri thức liên quan đến hình tượng mặt hổ phù.

Hổ phù tại chùa Phước Sơn ( Huế ) 	
Nguồn: Thích Đức Khải (2025)
Hổ phù tại chùa Phước Sơn - Huế. Nguồn: Thích Đức Khải (2025)

Tiếp theo, tiến hành khảo sát, chụp ảnh, dựng hình 3D và lập hồ sơ tư liệu chi tiết về các mẫu hổ phù tại các chùa cổ tiêu biểu trên cả nước để phục vụ cho lưu trữ, giảng dạy và bảo tồn. Trong các chương trình tu bổ, trùng tu di tích, cần có hướng dẫn cụ thể để bảo tồn nguyên trạng các hình tượng hổ phù, tránh tình trạng "hiện đại hóa" sai lệch hình dáng và ý nghĩa biểu tượng gốc.

Tiếp theo, chúng ta cần đưa các nội dung về hổ phù và biểu tượng linh vật vào chương trình giáo dục mỹ thuật, văn hóa và Phật học; đồng thời tổ chức triển lãm, tọa đàm, phim tài liệu để nâng cao nhận thức cộng đồng. Cuối cùng, cần khuyến khích các nghệ nhân và nhà thiết kế ứng dụng hình tượng hổ phù vào sản phẩm văn hóa, mỹ thuật đương đại như tranh vẽ, đồ gốm, kiến trúc hiện đại, góp phần nối tiếp mạch chảy truyền thống vào cuộc sống hôm nay. Những giải pháp như vậy sẽ giúp hình tượng mặt hổ phù được bảo tồn nguyên vẹn cả về hình thức và giá trị ban đầu của nó.

Tác giả: Thích Đức Khải - Học viên Thạc sĩ K.4, chuyên ngành: Lịch sử Phật giáo - Học viện PGVN tại Huế.

Chú thích:

[1] Đinh Hồng Hải (2025), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, tr.16.

[2] Đỗ Trưởng ( 2022), “ Biểu tượng Hổ phù trên kiến trúc cung đình Huế”, https://quangngaitv.vn/bieu-tuong-ho-phu-tren-kien-truc-cung-dinh-hue-1019891.html.

[3] Trần Lâm Biền (2006), Mỹ thuật truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

[4] Guestave Dumoutier, Việt Anh ( dịch), Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam, NXB Thế Giới, Hà Nội, tr.11.

[5] Thích Trí Tịnh (dịch) (2021), Kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:

Sách tham khảo:

1. Trần Lâm Biền (2006), Mỹ thuật truyền thống Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

2. Guestave Dumoutier, Việt Anh ( dịch), Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam, NXB Thế Giới, Hà Nội.

3. Đinh Hồng Hải (2025), Những biểu tượng đặc trung trong văn hoá truyền thống Việt Nam, NXB Văn Hoá, Hà Nội.

4. Nguyễn Thừa Hỷ (2014), Văn hóa truyền thống Việt Nam – Một góc nhìn, NXB TT&TT, Hà Nội.

5. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, Hà Nội.

6. Ngô Huy Quỳnh ( 2021), Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, NXB Xây Dựng, Hà Nội.

7. Thích Trí Tịnh (dịch) (2021), Kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

Tạp chí và website:

1. Tạp chí Mỹ thuật (nhiều số, Viện Mỹ thuật Việt Nam).

2. Hồ sơ di tích quốc gia: Chùa Keo, Chùa Bút Tháp, Chùa Phổ Minh, Chùa Phật Tích, Chùa Tây Phương, Chùa Thiên Mụ… (Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL).

3. Kiến thức ( 2021), “Chùa Keo Thái Bình – một kiệt tác kiến trúc cổ Việt Nam”, https://phatgiao.org.vn/chua-keo-thai-binh-mot-kiet-tac-kien-truc-co-viet-nam-d49276.html?utm_source=chatgpt.com truy cập ngày 04/04/2025.

4. Trần Hậu Yên Thế ( 2016 ), “Đi tìm nguồn gốc của Hổ phù trong mỹ thuật của người Việt”, https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/di-tim-nguon-goc-cua-ho-phu-trong-thuat-cua-nguoi-viet.html truy cập ngày 04/04/2025.

Đỗ Trưởng (2022), “Biểu tượng Hổ phù trên kiến trúc cung đình Huế” https://quangngaitv.vn/bieu-tuong-ho-phu-tren-kien-truc-cung-dinh-hue-1019891.html truy cập ngày 04/04/2025.