PGS.TS. Trang Thanh Hiền Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)
1. Vị trí, vai trò biểu tượng Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ
Trong kiến trúc một ngôi chùa Việt, các biểu tượng Phật giáo được hiện diện ở khắp mọi nơi, từ các hoa văn trên từng viên gạch, viên ngói, đến trên các trang trí cửa võng, y môn, hương án, đồ thờ, thậm chí trên những pho tượng Phật. Các biểu tượng này cũng được thể hiện ra một cách đa dạng, trên những hình thức chất liệu khác nhau, tùy thuộc vào vị trí kiến trúc, công năng sử dụng và di vật chúng trang trí hay gắn kết. Có những biểu tượng có tính cách độc lập nhưng cũng có những biểu tượng chỉ mang tính chất điểm xuyết cho những tác phẩm. Tính biểu tượng này đôi khi được nhận diện trong tổng thể một công trình kiến trúc. Ví dụ như ngôi chùa “nội công ngoại quốc” chính là một biểu tượng tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Bắc Bộ; ngôi tháp 13 tầng cũng là một biểu tượng cho Phật giáo Bắc Tông… hay đơn giản hơn, hệ vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, cuốn ốp là biểu tượng đặc trưng cho kiến trúc gỗ Bắc Bộ… Đôi khi, biểu tượng cũng có thể chỉ là một chi tiết trên một di vật kiến trúc như: hình ảnh ngôi chùa trên một bức chạm khắc gỗ; ngôi tháp trên rập nổi trên một viên gạch; hay các điêu khắc lá đề, hoa sen, tứ linh trên các cấu kiện kiến trúc hoặc chi tiết trang trí,… cũng làm nên một nét đặc trưng. Trong quá trình phát triển lúc thăng, lúc trầm của lịch sử Phật giáo ở Bắc Bộ, hệ thống các biểu tượng Phật giáo này cũng liên tục được thay đổi và tiếp biến. Chúng hội tụ ở đó tinh hoa của các giai đoạn lịch sử, chứa đựng các giá trị thẩm mỹ và biểu tượng thẩm mỹ. Có thể nói nếu kiến trúc là phần cốt của các công trình văn hoá tâm linh, thì hệ thống các biểu tượng mỹ thuật, biểu tượng Phật giáo chính là phần hồn. Bên cạnh việc văn sức cho các công trình kiến trúc, các biểu tượng Phật giáo, biểu tượng mỹ thuật này còn góp phần thể hiện ra các quan điểm, tư tưởng, thông điệp Phật pháp của các giai đoạn lịch sử Phật giáo khác nhau. Đây cũng là một vấn đề tối quan trọng đối với việc nghiên cứu các di tích mỹ thuật cổ ở Việt Nam. Đôi khi việc xác định niên đại của các ngôi chùa, nếu không có hệ thống các văn bia chỉ ra các niên đại chính xác, cụ thể, thì việc xác định phong cách, chất liệu, hình thức thể hiện của các hệ thống hoa văn, hệ thống biểu tượng Phật giáo để định danh, phỏng đoán về niên đại gần đúng của các công trình hay các di vật trong không gian kiến trúc đó. Điều này cho thấy việc nghiên cứu hệ thống hoá các biểu tượng mỹ thuật Phật giáo trong kiến trúc chùa Việt là việc làm cấp thiết. Định danh được sự xuất hiện của các biểu tượng đó cùng các biến thể của nó trong quá trình phát triển sẽ giúp cho việc nghiên cứu chùa Việt thuận lợi hơn.
Về vị trí của những biểu tượng mỹ thuật Phật giáo trong các ngôi chùa Việt Bắc Bộ, ta có thể thấy chúng hiện diện theo từng bước chân của chư Tôn, Phật tử, khi thâm nhập vào không gian linh thiêng của chốn thiền môn. Từ Tam quan, nghi môn, biểu tượng nghê, rồng, phượng trên các cột đồng trụ dường như xác nhận một gianh giới của thế giới tâm linh và thế giới phàm trần. Các chạm khắc hoặc các bức vẽ trên những cánh cửa tam quan, các trang trí hệ vì kèo gỗ, nếu đơn giản thì chỉ là những đầu dư, con kìm, nếu phức hợp thì cả bộ vì kèo đều được trang trí một cách xum xuê, rực rỡ. Có thể kể ra như Tam quan chùa Kim Liên, chùa Láng (Hà Nội), Chùa Keo (Thái Bình), Chùa Đại Bi (Nam Định)… Bước qua tam quan, phía trước thượng điện của rất nhiều ngôi chùa, các thềm bậc được chạm rồng, nghê, sấu hay đơn giản hơn là tiết diện hình chiếc khánh với 2 văn xoáy cũng xác lập nên một biểu tượng, đánh dấu vị thế của kiến trúc tâm linh. Tiếp đến là không gian Tiền đường, Thiêu Hương, Thượng điện, bên cạnh hệ thống các hoành phi câu đối, các biểu tượng mỹ thuật Phật giáo được hiện diện trên y môn của các lớp lớp kiến trúc giữa các hệ vì kèo trung tâm. Các trang trí trên hệ thống y môn này có thể là tứ linh, hoặc chỉ là trang trí rồng, phượng; cũng có thể là trang trí theo chủ đề tứ thời với các loài hoa như sen, cúc, phù dung... các loài chim như chim sẻ, khổng tước, chim kinari… gắn liền với các truyền thuyết Phật giáo. Vượt qua hệ thống y môn là thượng điện với các tác phẩm điêu khắc Phật giáo, mà trên mỗi pho tượng lại chứa đựng ở đó những biểu tượng đa dạng. Hệ thống hoa sen làm bệ ngồi của các chư Phật cũng có thể xem là một biểu tượng rực rỡ. Trên bệ tứ giác, bát giác phía dưới của đài sen là các biểu tượng như cây thiêng, ngọc báu, rồng, lân, hoa cúc, hoa sen. Chưa kể đến hệ thống vì kèo ở gian thượng điện của rất nhiều ngôi chùa có niên đại sớm, trên các đầu dư, trụ trốn, cuốn rốn nhện đều là vị trí đắc địa cho việc đặt để các biểu tượng mỹ thuật Phật giáo. Đầu dư là hình tượng rồng, chân trụ cuốn là hoa sen, tượng phỗng quì, cuốn rốn nhện có hình tượng rồng… ở các ngôi chùa như chùa Dâu, chùa Kim Liên, Tây Phương, Bối Khê, Keo (Hành Thiện), Keo Thái Bình,...
Ở một số ngôi chùa có niên đại sớm như chùa Việt thời Lý – Trần, hệ thống Tháp chính là một biểu tượng vô cùng đặc sắc. Bản thân ngôi tháp là một biểu tượng, và hệ thống các hoa văn trang trí trên thân tháp, góc tháp, móng tháp cũng tạo thành một hệ thống các biểu tượng khác nhau có sự cộng nhập một cách đa dạng các hệ tầng ý nghĩa. Có thể kể đến những ngôi tháp cổ như Tháp Bình Sơn, Tháp Phổ Minh. Biểu tượng Tháp này cũng được tạc trên đá hay tạo hình bằng chất liệu gốm đặt trong không gian kiến trúc hoặc là một di vật dùng trong thờ tự. Các mô hình tháp được tạc dưới dạng thu nhỏ đôi khi cho chúng ta hình dung một cách cụ thể về các mô hình kiến trúc Tháp to lớn xa xưa.
Như vậy có thể thấy rằng cùng một biểu tượng Phật giáo, nhưng có vô số các hình thức thể hiện khác nhau. Các biểu tượng này có thể là một tác phẩm điêu khắc, nhưng cũng có thể chỉ là một chi tiết điêu khắc, và tương tự biểu tượng này có thể là một kiến trúc hoặc chỉ là một chi tiết cấu kiện kiến trúc. Và, cho dù được thể hiện ở dưới hình thức nào thì chúng cũng thị hiện ra một ý nghĩa Phật giáo, góp phần xây dựng vào đời sống tinh thần, đời sống tâm linh những giá trị cốt lõi có tính hướng thượng, hướng thiện.
2. Một số biểu tượng Phật giáo tiêu biểu trong các ngôi chùa Bắc Bộ
Khảo sát hàng loạt các ngôi chùa Phật giáo Bắc Bộ, ta thấy rằng hệ thống biểu tượng mỹ thuật Phật giáo vô cùng phong phú. Chúng được kế thừa qua các giai đoạn lịch sử khác nhau từ Lý – Trần – Lê – Nguyễn và mỗi giai đoạn lại có những nét đặc trưng riêng biệt, mang dấu ấn của thời đại. Có thể phân hệ thống các biểu tượng mỹ thuật Phật giáo thành 4 loại chính như sau:
- Biểu tượng hệ thực vật
- Biểu tượng hệ động vật
- Biểu tượng con người/ chư Phật
- Biểu tượng đồ vật/ pháp khí và ký hiệu Phật giáo.
Biểu tượng hệ thực vật là các loài cây cỏ hoa lá chứa đựng những ý nghĩa về Phật pháp. Đứng đầu trong hệ biểu tượng này chính là hình tượng hoa sen, lá đề, hoa cúc. Ta có thể bắt gặp các biểu tượng trang trí này ở chân tảng, nóc mái, chi tiết trụ sơn trong kiến trúc với vô số các hình thức và biến thể khác nhau. Ngoài ra các loài hoa khác như hoa hồng, hoa phù dung, hoa hải đường cũng được thêm vào trong các trang trí nội ngoại thất làm phong phú cho nghệ thuật trang trí kiến trúc.
Biểu tượng hệ động vật bao gồm các con vật linh như: long, lân, quy, phượng các con vật khác như hổ, hổ phù, hươu, cò, uyên ương, kinari, garuda … được đưa vào trở thành những biểu tượng trang trí trong các ngôi chùa. Một số các con vật này được nhắc đến trong các truyền thuyết tôn giáo, nhưng cũng có những con vật được xem là biểu tượng văn hoá chung. Điển hình như các con linh vật trên hệ thống mái chùa như: kìm, sô, guột, bẹ dưới dạng các con vật như rồng, phượng, nghê, lân, cá chép… tạo ra một hệ thống các trang trí kiến trúc ngoại thất rất thú vị. Chúng đôi khi không chỉ mang biểu tượng Phật Giáo mà còn thể hiện ra ở đấy đời sống của nền văn hoá nông nghiệp làm lúa nước, các biểu tượng vừa gắn liền với quan niệm, ước vọng về mưa thuận gió hoà, sinh sôi nảy nở. Và, đặc biệt hơn nữa chúng góp phần ghi nhận dấu ấn của văn hóa nông nghiệp châu thổ Sông Hồng, khác biệt với các tín hiệu văn hoá đặc thù của miền Trung hay miền Nam. Chính tính đặc thù này mà, chúng không chỉ hiện diện trên kiến trúc mái chùa mà hầu hết các công trình tôn giáo như đình, đền, nhà thờ họ đều có. Ngoài ra ở các vị trí như khu dĩ, đầu nóc của một số mái chùa còn có các trang trí hổ phù chạm gỗ (với kiến trúc gỗ), đắp ngoã (nếu là kiến trúc bít đốc). Chúng tạo nên một sự nhất quán trong trang trí kiến trúc.
Biểu tượng con người/ chư Phật: Nếu xét riêng về hình thức trang trí dạng chạm khắc hay phù điêu thì biểu tượng này thường không nhiều, nhưng nếu xét về góc độ biểu tượng điêu khắc thì một pho tượng Phật chính là một biểu tượng đặc sắc cả về nghệ thuật tạo tác lẫn thể hiện ra ở đó hệ tư tưởng Phật giáo mỗi giai đoạn. Riêng về trang trí, chạm khắc, ta thấy rằng hình tượng con người, hình tượng chư Phật được hiện diện trên các bức chạm trên thân tháp như Tháp Báo Nghiêm, Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, lan can Thượng điện chùa Bút Tháp là đa dạng nhất. Các bức chạm này gắn liền với kiến trúc chùa. Một số tác phẩm phù điêu cũng nằm trong không gian tổ hợp kiến trúc chùa chiền nhưng có tính chất độc lập hơn, đó là các bức phù điêu đắp thập điện diêm vương. Nổi tiếng nhất có thể kể đến là phù điêu trên gỗ chùa Trăm Gian, Chùa Thầy (Hà Nội) các hoạt cảnh đắp ngoã/ đất ở chùa Láng (Hà Nội), chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Long Đọi (Hà Nam)…
Biểu tượng đồ vật, Pháp khí và ký hiệu bao gồm các dạng văn kỷ hà, cùng các ký hiệu, tín hiệu về Phật pháp. Loại biểu tượng này khá đa dạng, như các đồ vật trong bát bửu Phật giáo gồm có: bánh xe pháp luân, tù và ốc, cờ, lọng báu, hoa sen, sợi dây, nút kết, con cá. Hệ thống bát bửu này cũng khá linh hoạt ở một số trang trí bát bửu Phật giáo có thể không đầy đủ hoàn toàn các vật kể trên mà được hoán đổi thêm những vật hay ký hiệu khác như chữ Vạn, hay độc lưu bốn chân, hoặc bình hoa … Đôi khi các biểu tượng này được tách rời để tạo ra những bức tranh riêng trong nghệ thuật trang trí kiến trúc. Ví dụ như độc lưu hay bình hoa, ngũ quả ngự trị riêng biệt trên một mảng chạm ở các trang trí xà nách hoặc ngay vị trí chính diện trên các y môn.
Các biểu tượng như Vạn đơn, Vạn kép, chữ điền âm dương, đôi khi không nằm trong hệ thống Bát bửu mà cũng được tách thành những chi tiết trang trí riêng biệt. Chúng dùng để làm nền cho một mảng trang trí khác hoặc giả tạo thành hệ thống cửa vách ngăn, cửa giả, cửa hốc để thay đổi nhịp điệu của kiến trúc, hoặc cũng được dùng trang trí diềm của các hoành phi câu đối. Ngoài chất liệu gỗ thì chữ Vạn còn dùng trong xây dựng nề, vữa trang trí bên ngoài, có thể kết hợp với các chữ khác như phúc, thọ,… tạo nên hình thức trang trí biểu tượng rất đa dạng.
Ngoài đồ vật, ký hiệu thì các dạng pháp khí cũng là những biểu tượng Phật giáo. Pháp khí là những vật dụng trong tay của các chư Phật, Bồ Tát, nhiều nhất được xuất hiện trên tay của các pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Các pháp khí này vừa mang tính biểu trưng cho sự cứu độ chúng sinh, diệt trừ cái ác, cái xấu vừa tạo thành các hình trang trí. Ví dụ như ban thờ của chùa Quán Sứ, các hình ảnh pháp khí đã được chạm trang trí án thờ. Ngoài ra hình thức kết ấn được thị hiện trên các pho tượng Phật cũng làm thành hệ thống các biểu tượng. Những ám hiệu tín hiệu đó chính là ngôn ngữ không lời giúp truyền tải những thông điệp ngữ nghĩa về Phật pháp đến với quảng đại chúng sinh.
Khi liệt kê ra hàng hoạt các biểu tượng mỹ thuật xuất hiện trong các ngôi chùa Việt, ta có thể thấy rằng thông qua chính các biểu tượng này ta đã có thể nhận diện được khoảng niên đại mà các biểu tượng xuất hiện phổ biến vào thời gian này và biến mất dần vào thời gian sau đó. Ví dụ như biểu tượng lá đề, uyên ương, chim kinari, garuda thường chỉ xuất hiện trong kiến trúc các ngôi chùa Việt thế kỷ 11 – 16 tức thời Lý – Trần – Mạc. Các biểu tượng tứ linh, hổ phù lại phát triển mạnh giai đoạn thế kỷ 17 trở về sau. Có những biểu tượng được tồn tại song hành với lịch sử Phật giáo như biểu tượng rồng. Biểu tượng này có thể ra nhập vào hệ thống biểu tượng tứ linh, nhưng đồng thời cũng có thể tách biệt để trở thành một biểu tượng có tính độc lập, góp phần thị hiện tính chất ngôi chùa mà chúng tham gia trang trí ở những vị trí đặc biệt.
Rồng trong nghệ thuật kiến trúc dân gian là con vật linh đứng đầu trong tứ linh, long ly, qui phượng. Rồng mang trong mình đa tầng nghĩa, nó vừa là biểu tượng cho nguồn nước, cho ánh sáng, cho sự linh thiêng, đồng thời cũng là biểu tượng của vương triều, dấu ấn hoàng gia. Trong kiến trúc Phật giáo, rồng dường như được xuất hiện trên hầu hết các di vật từ các thành bậc, đến cánh cửa chính điện, đến trang trí các bộ cửa võng, y môn thượng điện, hiện diện trên các bệ tượng Phật, các ngai thờ, hương án.... với ý nghĩa xác lập một không gian linh thiêng, không gian tín ngưỡng. Tuy nhiên, qua hầu hết các công trình kiến trúc chùa cổ có niên đại sâu, ta có thể thấy rằng sự hiện diện của hình tượng rồng ở bộ cửa ra vào thượng điện hoặc cổng tam quan thì biểu tượng này lại tạo nên một vị thế khác. Điển hình như chùa Phổ Minh và chùa Keo, những bộ cửa chạm rồng này đã xác định vị thế Hoàng gia cho các ngôi chùa. Đây cũng là 2 bộ cửa chạm rồng tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc thời Trần và thời Lê Trung Hưng mà chúng ta còn được biết đến. Trong khi đó hầu hết các ngôi chùa khác các bộ cửa này thường được bào trơn đóng bén, hoặc sơn vẽ. Tất nhiên Nếu chỉ dựa vào nhân tố này để xác định vị thế của ngôi chùa thì e rằng có phần thiên kiến, bởi lẽ trong lịch sử kiến trúc chùa Việt, tính linh hoạt luôn được đề cao hơn là tính qui chuẩn. Có thể rất nhiều các công trình có tính quốc gia hoặc do hoàng triều trực tiếp hưng công xây dựng cũng đã từng có những bộ cửa như vậy, nhưng nay đã mất, hoặc giả tuỳ theo từng công trình và quan điểm, sở thích của những người hưng công xây dựng mà yếu tố này có xuất hiện hay không. Một số ngôi chùa có yếu tố Hoàng gia khác, biểu tượng rồng không xuất hiện ở các bộ cửa ra vào nhưng trên những ô thoáng của các toà nhà, có những mảng chạm rồng rất lớn. Điển hình như trang trí cửa thoáng chùa Thầy (Hà Nội), Nội điện hậu cung chùa Bối Khê … Đi cùng với các bộ cửa, các ô thoáng, biểu tượng rồng còn được chạm trên các thành bậc trong kiến trúc. Ở vị thế này rồng cũng có hai hình thức thể hiện, dạng thức con rồng được chạm dạng hiện thực và con rồng chạm dạng rồng hoá, cũng thể hiện ra vị thế của các di tích. Thường thì những con rồng dạng hiện thực tiêu biểu như chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Nhân Trai (Hải Phòng) chứng thực vị trí Hoàng gia của ngôi chùa này. Còn các con rồng mây hoá, lá hoá thì vị thế của di tích cũng ít nhiều khác biệt. Thường biểu tượng rồng mây hoá, lá hoá xuất hiện khá muộn từ sau thế kỷ XVII như chùa Bối Khê, chùa Thầy, chùa Lâm So… Và ta cũng có thể nhấn mạnh đến vị thế tổ đình của những ngôi chùa có xuất hiện biểu tượng này. Cùng với vai trò của Hoàng Tộc, Hoàng gia góp phần xây dựng nên chúng trong lịch sử Phật giáo, thì đến ngày nay chúng vẫn giữ vị thế tổ đình, nơi kết hạ, tu thiền, là không gian sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian, cũng như chư tôn Phật tử.
Ngoài ra, trong không gian kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ, biểu tượng rồng còn được thể hiện đồng nhất trên một số pho tượng đặc biệt như pho Adida chùa Phật Tích, tượng Adida chùa Ngô Xá, biểu tượng rồng được chạm trên các cánh sen, chân tảng bệ tượng như thế hầu như không tìm thấy trong bất cứ tác phẩm điêu khắc Phật giáo nào của giai đoạn sau. Biểu tượng rồng này tìm thấy những tương thích trên các trang trí các mảnh tháp vỡ còn sót lại đến ngày nay. Tượng tự như vậy, biểu tượng Hoàng gia, vương triều cũng còn được thể hiện trong hình tượng rồng 5 móng tạc đội đài sen cho Phật Quan Âm ở chùa Bút Tháp. Có lẽ biểu tượng rồng trong tâm thức dân gian xưa còn có những ngầm ý khác về sự phụng sự của thiên triều đối với Phật Pháp, hệ tư tưởng có tính xuyên suốt là chỗ dựa tinh thần cho các triều đại phong kiến xưa.
Ngoài biểu tượng rồng, trong hệ thống biểu tượng kể trên thì lá đề cũng là một biểu tượng được bắt gặp ở hầu hết các công trình kiến trúc Phật giáo Bắc Bộ. Mặc dầu biểu tượng nay thịnh hành nhất vào giai đoạn Phật giáo sớm thời Lý – Trần, tuy vậy đến các giai đoạn sau, ta vẫn thấy biểu tượng này được kế thừa hoà mình hoặc biến đổi với các chiều kích khác nhau. Các công trình kiến trúc sớm như Tháp Phật Tích, tháp Bình Sơn niên đại Lý – Trần, những lá đề được thiết kế văn sức rất cầu kỳ với đôi rồng chầu nâng viên ngọc trên các chất liệu từ đá cho đến đất nung. Hình tượng lá đề này có các kích thước to nhỏ rất đa dạng để gắn trang trí trên các tầng tháp. Trở lại với các biểu tượng hoàng gia biểu tượng vương triều đã đề cập đến ở trên, điều thú vị là, ta không chỉ tìm thấy các biểu tượng lá đề - biểu tượng Phật giáo như vậy trong các di tích chùa chiền giai đoạn này, còn tìm thấy trong khảo cổ học ở Hoàng Thành Thăng Long. Như vậy, phải chăng, nếu các biểu tượng rồng bên trên là biểu tượng cho sự sùng bái Phật pháp của các vương triều xưa ở chùa chiền, thì các biểu tượng lá đề như vậy ở Hoàng thành càng khắc định vai trò Phật giáo trong triều đình ở kinh đô.
Bên cạnh đó, việc tạo hình các biểu tượng bên trong – nội dung của hình tượng lá đề cũng vô cùng đa dạng. Ngoài hình tượng rồng, hình tượng phượng cũng đã tạo nên những biểu tượng đẹp. Cũng giống như hình tượng rồng, hình tượng Phượng được thiết kế đăng đối nhau qua hai nửa lá đề, đôi chim xèo cánh, đuôi uốn khúc hình sin chạm lên phần đỉnh của lá đề, hai mỏ chim nâng một hình tượng lá đề nhỏ khác tạo nên hình tượng lá đề kép. Ở Tháp Bình sơn, trên thân tháp ta còn thấy xuất hiện biểu tượng hình 3 quả cầu lửa, hình tháp. So với hình thức tạo tác rồng, phượng, thì các trang trí này ít cầu kỳ hơn, đa số là hình vẽ, và tạo gờ nổi thấp, không tạo những nét khắc sâu kèm tạo nét. Về cơ bản tháp Bình Sơn so với tháp Phật Tích cũng đã phần nhiều suy thoái về hình thức trang trí.
Bên cạnh các hình lá đề cân đối, thì tượng lá đề dẹo là một biến thể khá linh hoạt, trên các lá đề dẹo này vẫn có hình rồng, phượng, nhưng chỉ có 1 con được chạm khắc. Vị trí đặt để của chúng thường là ở các góc mái, hoặc nóc mái chạy dài về hai bên. Các thức tạo hình này đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong cách trang trí văn sức một công trình kiến trúc. Chúng tạo thành những nhịp điệu thay đổi cùng với hình tượng lá đề trung tâm.
Sang đến các thế kỷ sau, hình tượng lá đề vẫn được kế thừa trong các thức kiến trúc gỗ, điển hình như trên cốn rốn nhện của hệ vì kèo thời Trần ở chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê, chùa Thầy. Các ngôi chùa thời Mạc như chùa Hương Trai, chùa Giám thậm chí là các ngôi đình như Tây Đằng, Chu Quyến có niên đại tầm đầu TK 17, hình thức cốn lá đề vẫn được lưu giữ, chỉ những hình chạm khắc trong đó đã khác biệt. Một số chạm khắc có thể vẫn là rồng, phượng nhưng hình thái của các con vật linh này đã đồng nhất với môtip của thời đại chúng được sản sinh. Hình tượng rồng dạng rồng cuộn, hoặc hình thức rồng nhìn chính diện, sự phô diễn những đao mác tạo nên một hệ thống chằng chịt bên trong lá đề là một phong cách rất đặc trưng cho nghệ thuật tạo hình thế kỷ 17. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm những hình hổ phù, đồng nhất với hình hổ phù ngậm chữ thọ trang trí đầu đốc. Có thể nói những biến đổi về tạo hình này chính là sự thể hiện các giá trị của thời đại, giá trị của tư tưởng mới trong sự kế thừa các giá trị truyền thống.
3. Kết luận
Thông qua hệ thống các biểu tượng được nhắc đến ở trên, từ cách thức diễn tả biểu tượng cho đến chất liệu tạo tác, ta có thể thấy rằng có một bản sắc Việt được hiện diện trong đó. Bản sắc này khiến cho khá nhiều biểu tượng Phật giáo trong các ngôi chùa Việt vốn là những biểu tượng có tính cách chung cho nghệ thuật Phật giáo, nhưng khi được thị hiện trong các ngôi chùa Việt, lại mang một giá trị Việt, ẩn chứa tâm thức Việt. Ví dụ như hình thức tương tự lá đề được tìm thấy trong trang trí tháp Champa trên các mi cửa hình parabol nhọn đầu hoặc hình thức lá nhĩ. Các tranh trí diềm lá đề cũng gần với kiểu thức trang trí văn xoăn, lá nhĩ của Champa, nhưng rõ ràng ta thấy rằng đã có một tinh thần Việt trong hình thức tạo hình rồng, phượng hay những con vật linh được chạm khắc nội tiếp bên trong đó. Do đó các biểu tượng mỹ thuật Phật giáo này đã có chỗ đứng riêng, một vị thế riêng mang đậm bản sắc Việt.
Không thể kể hết những biểu tượng trang trí trong kiến trúc của một ngôi chùa Việt, nhưng nhìn vào sự kế thừa biến đổi và những lớp lang ý nghĩa của các biểu tượng mỹ thuật trong các ngôi chùa Việt xưa, ta thấy rằng hệ thống hoa văn, hệ thống biểu tượng mỹ thuật Phật giáo Việt không phải là thứ nhất thành bất biến. Các biểu tượng đó luôn lưu giữ trong mình những giá trị truyền thống căn cốt, để tiếp tục phát triển, cộng nhập thêm vào đó những giá trị mới. Đây là một bài học thú vị để ta có thể tiếp tục vận dụng các biểu tượng mỹ thuật để văn sức cho các công trình kiến trúc, cho sự phát triển hệ thống kiến trúc Phật giáo đương đại hiện nay phù hợp với tinh thần Phật giáo mới./.
PGS.TS. Trang Thanh Hiền Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)
***Tài liệu tham khảo:
1. Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Nxb. Lao Động 2. Trần Lâm Biền (2018), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb. Hồng Đức 3. Nguyễn Hữu Thông (2018), Mỹ thuật Nguyễn trên đất Huế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)