Trái đất, được con người đặt nhiều tên gọi khác nhau như là hành tinh xanh, quả địa cầu,… nằm trong hệ mặt trời, được hình thành cách đây khoảng 4,55 tỷ năm. Trái đất là hành tinh lớn trong bốn hành tinh của hệ mặt trời; chứa đựng, nuôi dưỡng nhiều dạng sự sống tồn tại như thực vật, động vật, nguyên sinh vật, vi khuẩn… Do đó, Trái đất, một hành tinh mà trước đây chúng ta cho rằng duy nhất trong vũ trụ có sự sống, là nơi cư trú của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người.
Những tài nguyên, khoáng sản, các sản phẩm sinh quyển, khí quyển của Trái đất đã cung cấp và nuôi dưỡng sự sống con người trải qua hàng triệu năm, tạo nên văn hoá loài người với những mối quan hệ gắn bó, gần gũi thông qua các hoạt động ngoại giao, thương mại, văn hoá, quân sự… hình thành nên hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vì vậy, con người đôi khi xem Trái đất là trung tâm của cả vũ trụ.
Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của các ngành khoa học và nhất là khoa học vũ trụ (Space science) đã khám phá ra rằng trong vũ trụ sự sống không chỉ có Trái đất là duy nhất; đặc biệt là ngày nay các nhà khoa học đang hướng về Sao Hoả và tìm cách đưa con người cư trú lâu dài trên hành tinh đỏ, như là mở rộng không gian của sự sống con người.
Câu hỏi được đặt ra là, khi con người định cư trên Sao Hoả hoặc phân loài mới được hình thành trên hành tinh đỏ, thì phân loài mới có phải là bản sao của con người trên Trái đất?
Đồng thời liệu rằng các tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, đặc biệt là đạo Phật nói riêng có xuất hiện và tồn tại trên Sao Hoả, như đã từng xuất hiện và tồn tại trên Trái đất mà chúng ta đang sống như hiện nay?
Phân loài mới trên Sao Hoả là bản sao của con người ở Trái đất?
Sao Hoả (Mars) hay còn gọi là Hoả tinh (火星), là hành tinh thứ tư trong hệ mặt trời, có bầu khí quyển mỏng chủ yếu với thành phần là cacbon dioxide. Theo các nhà khoa học vũ trụ, sao Hoả cùng với Mặt Trăng là những ứng cử viên sáng giá cho tham vọng của con người về sứ mệnh thám hiểm, nghiên cứu khoa học và đưa con người định cư, tạo thành quê hương thứ hai của con người. Tuy nhiên, vì sao con người muốn định cư trên hành tinh mới (Sao Hoả) trong tương lai, trong khi vẫn đang hiện hữu trên Trái đất? Bởi vì, các nhà khoa học cho rằng sự tồn tại của Trái đất là hữu hạn không phải là vô hạn và có thể bị huỷ hoại, biến đổi… dưới tác động của Mặt Trời làm cho nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng cao (sẽ tăng từ 10% - 40% trong vòng 1,1 tỷ năm đến 3,5 năm tỷ tới), các tia phóng xạ chạm đến Trái Đất nhiều hơn tạo nên hậu quả khủng khiếp, làm giảm mật độ khí CO2, các thực vật chết dần và làm khô cạn nước trong các đại dương.

Elon Musk, tỷ phú công nghệ và là CEO của tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX (Space Exploration Technologies Corporation), với tầm nhìn chiến lược và tham vọng chinh phục Sao Hoả, cho rằng Mặt Trời sẽ nung nóng trái đất khoảng 450 triệu năm nữa, vì vậy con người cần thiết phải mở rộng địa giới và định cư sinh sống phía ngoài hệ Mặt Trời để tránh sự tuyệt chủng trong tình huống xấu nhất xảy ra cho Trái đất.
Ông cho rằng Sao Hoả là nơi có thể dễ dàng nhất cho con người sinh sống; đồng thời có thể tiếp cận đến các khu vực khác như Sao Mộc, Sao Thổ, tránh xa hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học thuộc NASA và Toho (Nhật bản) đã sử dụng siêu máy tính xác định Mặt Trời sẽ diệt vong sự sống trên Trái đất vào khoảng năm 1.000.002.021. Do đó, “tính lo xa” của Elon Musk cũng như cộng đồng các nhà khoa học về tương lai của Trái đất và sự sống của con người không phải là không có cơ sở; khi thực tiễn đã chứng minh rằng con người ngày càng gặp nhiều thiên tai, hoả hoạn cháy rừng khi nhiệt độ tăng cao, núi lửa, sấm sét, môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, động đất, sóng thần… đang dần dần tàn phá huỷ diệt sự sống, mà nguyên nhân có sự góp phần không nhỏ chính bàn tay của con người.
Con người vì quá tham vọng nên không kiểm soát được hành động trong khi khai thác tài nguyên, cũng vì lợi ích của quốc gia, vì chủ nghĩa dân tộc, mà quên đi lợi ích chung của toàn nhân loại, không chung tay kiểm soát, bảo vệ môi trường, Trái đất bằng trái tim của tình thương yêu đồng loại. Thay vào đó, là sự khai thác khoáng sản trong lòng đất một cách huỷ diệt; các cuộc xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia xảy ra liên miên, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, như là Nga và Ukraine; Israel và người Palestine, Hamas. Mỹ không kích phong trào Houthi ở Yemen chưa kết thúc, thì tiếp tục cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nguy hiểm, một khi sự kiềm chế của hai quốc gia vượt quá giới hạn, sẽ nổ ra chiến tranh hạt nhân, hậu quả thảm khốc cho cả hai quốc gia và những nước khác trong khu vực châu Á hết sức nặng nề.
Chính vì vậy, tìm kiếm môi trường sống mới cho con người định cư lâu dài trên Sao Hoả, vùng đất hứa tiềm năng trong tương lai là tham vọng to lớn của cộng đồng các nhà khoa học. Sứ mệnh chinh phục Sao Hoả và Mặt Trăng của cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration, viết tắt là NASA), cũng như các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, châu Âu… đang tìm kiếm một sự sống mới ngoài Trái đất.
Sao Hoả và Mặt Trăng đã không còn là chốn bình yên như thuở nào của vũ trụ, đã trở thành đối tượng quan trọng được các quốc gia nghiên cứu và khám phá, khai thác tài nguyên. Các nhà khoa học đã và đang phóng các tàu vũ trụ không người lái để thăm dò thường xuyên Sao Hoả và Mặt Trăng trong vài chục năm gần đây, như tàu không gian Mariner 4 của NASA bay ngang qua Sao Hoả vào 1965, tiếp đó là tàu Mariner 9 (NASA) đi vào quỹ đạo Sao Hoả vào năm 1971. Năm 1971, Liên Xô đã phóng tàu Mars 2 và Mars 3, đổ bộ thành công trên bề mặt của Sao Hoả, nhưng sau đó bị mất liên lạc. Năm 1975, NASA triển khai chương trình Viking 1 và Viking 2, đổ bộ thành công vào năm 1976, chụp ảnh và gửi bức ảnh của bề mặt hành tinh về Trái đất. NASA tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu Sao Hoả bằng cách phóng robot tự hành đổ bộ InSight (2016), robot tự hành tương tự Curiosity (2020) để nghiên cứu cấu trúc bên trong của Sao Hoả; cùng với đó là chương trình MetNet hợp tác giữa Phần Lan-Nga gửi một tàu quỹ đạo nhằm nghiên cứu cấu trúc khí quyển, khí tượng hành tinh. Mặt khác, trong một thông báo trên mạng xã hội X ngày 15/3, Tỷ phú Elon Musk người sáng lập công ty hàng không vũ trụ SpaceX, đã thông báo kế hoạch của công ty về dự kiến phóng tên lửa siêu lớn Starship cùng với robot hình người Optimus của Tesla lên Sao Hỏa vào cuối năm 2026; chuẩn bị bước tiếp theo cho cuộc đổ bộ đưa con người lên Sao Hoả trong tương lai gần. Elon Musk cũng như cộng đồng các nhà khoa học đặt kỳ vọng vào sự sống trên Sao Hoả và muốn xây dựng những “thị trấn nhỏ” để các nhà khoa học định cư lâu dài phục vụ nghiên cứu khoa học.
Mặc dù vậy, vấn đề được đặt ra, môi trường trên Sao Hoả có thích hợp cho con người, trong khi bầu khí quyển của Sao Hoả chứa nhiều cacbon dioxide (95%)? Các nhà khoa học sẽ làm gì để con người thích hợp với môi trường mới trong điều kiện quá ít oxy? Cấu trúc sinh học của con người trên Sao Hoả trong tương lai có khác với loài người sống trên Trái đất?
Các nhà khoa học tìm cách đưa con người lên Sao Hoả để nghiên cứu, khám phá và sau đó là định cư lâu dài, nhưng con người không thể lúc nào cũng mang bình oxy trên mình để thở, điều đó chỉ có thể giúp cho các nhà khoa học trong thời gian ngắn, không thể tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên của Sao Hoả. Vì vậy, khoa học phải tính toán xử lý lớp đất độc hại, tránh bức xạ nguy hiểm, đặc biệt là tìm ra nguồn nước khan hiếm. Đây là bài toán đầy thách thức cho các nhà khoa học trước khi thuộc địa hoá Sao Hoả. Cơ thể con người trong thời gian ngắn chưa chuẩn bị về mặt sinh học để thích nghi với môi trường khắc nghiệt của Sao Hoả. Với trọng lực của Sao Hoả chỉ bằng 1/3 so với Trái đất, thêm vào đó là bầu khí quyển mỏng chứa đầy cacbon dioxide, bức xạ từ Mặt Trời… thì khả năng sinh tồn của con người trên Sao Hoả là một dấu chấm hỏi. Do đó, đòi hỏi con người cần có quá trình tiến hoá lâu dài để thích nghi với môi trường mới; phải trải qua những thay đổi cấu trúc sinh học cơ thể thực sự khác biệt so với trên Trái đất.
Như giáo sư sinh học Scott Solomon - Đại học Rice, Mỹ, cho rằng con người sẽ phải phát triển, thay đổi những đặc điểm sinh học về gene, cấu trúc cơ thể,… để thích nghi với môi trường mới trên Sao Hoả. Vì vậy, sự tiến hoá của con người trên Sao Hoả sẽ thúc đẩy quá trình hình thành một phân loài mới xuất hiện, có thể sẽ khác biệt với loài người của chúng ta với những đặc điểm về cơ thể người, những cấu trúc sinh học, gene… trong quá trình tiến hoá tự nhiên. Song, với sự tiến bộ về công nghệ AI, công nghệ sinh học, các nhà khoa học có thể tạo nên bước chuyển nhảy vọt, đột phá trong việc chỉnh sửa gene di truyền, sinh sản vô tính (nếu là sinh sản vô tính, phi nhân tính thì quan hệ nhân duyên, nhân quả ở đâu? Và không trải qua sinh sản tự nhiên mà hoàn toàn nhờ vào khoa học công nghệ, thì đâu cần tôn giáo???), tạo ra con người mới với đầy đủ những đặc tính cấu trúc sinh học thích nghi với môi trường sống trên Sao Hoả.
Tuy vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, liệu những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trên Sao Hoả có khác biệt hoàn toàn với những đứa trẻ sống trên Trái Đất và những đứa trẻ đó có thể trở về Trái Đất thăm lại họ hàng (Thời gian từ sao hỏa về trái đất là bao lâu? Có thực tế khi tính theo đơn vị đo lường thời gian? Liệu khi đó người ở trái đất còn sống? Và trái đất diệt vong nên mới sống trên sao hỏa thì về thăm ai? Nếu trước khi trái đất diệt vong, ưu tiên thế hệ con cháu lên sao hỏa trước thì người già ở lại “chịu chết”: đó là nhân đạo, từ bi?), bà con làng xóm? Chúng có nghĩ rằng Tổ tiên chúng là loài người đã từng sinh sống trên Trái Đất? Hơn nữa, sự phân hoá trong xã hội giữa người trên Sao Hoả và người sống trên Trái Đất, liệu có còn chung tư tưởng văn hoá, chính trị, hay có sự thay đổi lớn về mặt cấu trúc thượng tầng xã hội? Nếu con người mới xuất hiện trên Sao Hoả, liệu rằng tín ngưỡng, tôn giáo mới có xuất hiện để cân bằng đời sống tinh thần, đặc biệt là Phật giáo có xuất hiện để giải quyết những vấn đề tâm linh trong đời sống hằng ngày của con người mới? Việc định hướng Sao Hoả trong tương lai của các quốc gia, cộng đồng các nhà khoa học, liệu rằng họ có đặt đức tin tôn giáo song hành cùng với nghiên cứu khoa học trên Sao Hoả? Trong các tôn giáo: Kytô giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo…, tôn giáo nào sẽ xuất hiện đầu tiên trên Sao Hoả? Điều đó, còn là một câu hỏi lớn và tuỳ thuộc vào quan điểm của các quốc gia, các nhà khoa học khi đặt chân lên Sao Hoả. Hay tôn giáo có còn là nhu cầu cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của họ về mặt đời sống tinh thần? Đặc biệt là sự ra đời của Phật giáo trong môi trường mới ngoài Trái đất có khác biệt so với sứ mệnh hoằng pháp độ sinh trên Trái đất?
Phật giáo có xuất hiện và tồn tại trên hành tinh đỏ?

Khi nói đến Phật giáo có xuất hiện và tồn tại trên Sao Hoả, trước hết chúng ta phải hiểu rằng con người có sinh sống và tồn tại trên Sao Hoả hay không, đó mới là vấn đề mấu chốt. Nếu con người không xuất hiện, xã hội loài người không tồn tại, sẽ không có nhu cầu thoả mãn về đời sống tâm linh của con người thì tôn giáo không xuất hiện. Nếu con người không có nhu cầu về đời sống tâm linh, giải quyết những vấn đề thuộc về đời sống tinh thần thì Phật giáo xuất hiện cũng chỉ là thừa, vì không thoả mãn được nhu cầu cần thiết mà con người đặt kỳ vọng vào sự giải thoát khổ đau. Vì vậy, sự xuất hiện của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trên Sao Hoả, đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của thế giới vật chất trước khi nói đến nhận thức thế giới hay nói về đời sống tinh thần. Theo quan điểm của C. Mác “ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó” [1]. Ý thức con người tồn tại gắn liền với những hoạt động thực tiễn, chịu sự chi phối của các quy luật xã hội, các điều kiện sinh hoạt hiện thực của con người quy định.
Nghĩa là cần có xã hội loài người với những hoạt động thực tiễn theo nhu cầu của xã hội trong quá trình cải tạo thế giới, từ đó sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp về đời sống xã hội, khi đó con người cảm thấy cần thiết có một đời sống tâm linh để làm chỗ nương tựa, một liều an thần về mặt đời sống tinh thần cho con người trong xã hội đầy biến động. Tuy nhiên, nếu Phật giáo xuất hiện trên Sao Hoả, có hai vấn đề được đặt ra: Một là, con người hình thành những thị trấn dân cư trên Sao Hoả, các nhà truyền giáo đạo Phật sẽ thực hiện sứ mệnh đưa đạo Phật phát triển trên Sao Hoả, nhằm mở rộng địa giới của Phật giáo vượt ngoài Trái đất và Phật giáo lúc này có phải là bản sao??? của Phật giáo trên Trái đất? Hai là, sự ra đời, tồn tại của Phật giáo sẽ theo một quy luật tự nhiên như trong kinh đức Phật đã trình bày?
Thứ nhất, khi con người định hướng Sao Hoả là nơi để định cư, sinh sống trong tương lai, thì tất yếu sẽ phát sinh đời sống tinh thần để cân bằng với đời sống vật chất. Khi các nhà khoa học, những người đầu tiên đặt chân lên Sao Hoả, họ sẽ mang lên Sao Hoả niềm tin tôn giáo của chính họ, không chỉ có Phật giáo mà còn có những tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Hindu giáo, Nho giáo… cùng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nếu mục đích đưa con người lên Sao Hoả gắn liền với yếu tố chính trị trong tôn giáo, thì tôn giáo xuất hiện đầu tiên trên Sao Hoả chắc chắn thuộc về tôn giáo của chính quốc gia đầu tiên đặt chân lên Sao Hoả. Mà quốc gia đó có những thế mạnh về năng lực công nghệ, tiềm lực kinh tế, đặc biệt là chính trị sẽ đi đôi với sự bành trướng tôn giáo, là sự kết hợp giữa thần quyền và thế quyền để thống trị con người trên Sao Hoả.
Sự hiện diện của con người trên Sao Hoả chắn chắc là sự chọn lọc hết sức kỹ càng về mặt sinh học để thích nghi với điều kiện khí hậu vốn có trên Sao Hoả. Hoặc các nhà khoa học sẽ lai tạo con người để tạo nên một phân loài mới phù hợp với sự sống trên Sao Hoả. Cùng với đó, là sự chọn lựa tôn giáo thuộc phương Tây, phương Đông hay tôn giáo Trung Đông là vấn đề không thể bỏ qua.
Chùa chiền, thánh đường, nhà nguyện,… sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của số ít cư dân trên vùng đất xa xôi. Thế nhưng, chúng ta cũng không chắc chắn rằng thế hệ phân loài mới có đức tin về tôn giáo nào hay chỉ có Phật giáo tồn tại? Hoặc, mô hình hoạt động của đạo Phật sẽ có nhiều thay đổi trong điều kiện xã hội mới hoàn toàn khác với con người trên Trái đất. Khi đó, tính đại diện của Phật giáo là Nam truyền hay Bắc Truyền được truyền bá trên Sao Hoả còn là một dấu chấm hỏi và vấn đề được đặt ra là, Phật giáo lúc này mang tính quốc tế thể hiện sự thống nhất chung giữa các hệ phái Nam – Bắc truyền, các nước có Phật giáo trên thế giới đều thống nhất trong một tổ chức mang tính Phật giáo toàn cầu gọi là Giáo hội Phật giáo hay chỉ là Phật giáo đại diện của từng quốc gia, mang tính riêng biệt của mỗi dân tộc?
Song, Phật giáo cũng sẽ xuất hiện và tồn tại theo quy luật vận động và phát triển của xã hội để đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh mà loài người mới xuất hiện và tồn tại; mặc dù sự thay đổi về hình thức của con người có khác hơn so với loài người sống ở Trái đất.
Thứ hai, sự ra đời và tồn tại của Phật giáo sẽ theo quy luật tự nhiên, không phải do con người sắp xếp, chọn lựa. Một quy luật mà Phật giáo cho rằng con người, các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều trải qua bốn giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử hoặc thành, trụ, hoại, không. Trái đất, thiên nhiên, con người, … tất cả đều theo quy luật tuần hoàn, thế giới này băng hoại sẽ có thế giới khác hình thành; con người hiện tại mất đi sẽ tái sinh vào những thế giới khác có sự sống mới. Đạo Phật cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu, thoả mãn đời sống tâm linh của con người. Vạn vật không mất đi, mà chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác, giống như Định luật bảo toàn năng lượng của Émilie du Châtelet, một nhà triết học tự nhiên và toán học ngưới Pháp cho rằng: năng lượng không thể được tạo ra hoặc bị phá hủy - chỉ có thể chuyển đổi từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác.
Con người sẽ chuyển biến từ thân phận này sang thân phận khác, từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh. Nếu Sao Hoả là nơi con người hình thành và sinh sống, thì hành tinh đó cũng có thể là sự thác sinh của chúng sinh từ cảnh giới này sang cảnh giới khác. Trong kinh Trường bộ, bài kinh Khởi Thế Nhân bổn, đức Phật đã dạy cho chúng ta về sự chuyển hoại của thế giới và sự sinh khởi của chúng sinh bởi những ý niệm khởi nguyên của một tiến trình hình thành thế giới:
“Này Vāseṭṭha, có một thời, đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sinh qua cõi Ābhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đây, những loại chúng sinh này do ý sinh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gian khá dài. Này Vāseṭṭha, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, một số lớn chúng sinh từ Quang Âm thiên thác sinh qua tại đây. Những chúng sinh này do ý sinh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy một thời gia khá dài” [2].
Câu chuyện ở đây không dừng lại ở sự chuyển hoại của thế giới, mà điểm nhấn của là sự hình thành một thế giới mới, con người mới dưới tác động của nhân tố quan trọng là “tính tham” và “chấp ái”, nguyên nhân của mọi vấn đề sinh tử. Nằm trong mười hai mắt xích của thập nhị nhân duyên. Sự xuất hiện của “tham ái” làm thay đổi bản nguyên thanh tịnh của mọi loài hữu tình, khiến cho họ chuyển qua một trạng thái hưởng thụ, đam mê, chấp thủ vào mọi thứ, kiến tạo nên thế giới của chúng sinh, nhưng trong kinh Khởi Thế Nhân bổn - kinh Trường bộ, đức Phật đã trình bày về sự hình thành con người và thế giới:
“Này Vāsaṭṭha, có loài hữu tình, có tính tham, nói: “Kìa xem, vật này là gì vậy?”, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Này Vāsaṭṭha, các loài hữu tình khác, theo gương hữu tình kia, lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các hữu tình kia bắt đầu thưởng thức vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất, mặt trăng mặt trời hiện ra. Khi mặt trăng, mặt trời hiện ra, thì sao và chòm sao hiện ra. Khi sao và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, khi ngày và đêm hiện ra, thì nửa tháng và tháng hiện ra. Khi nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, này Vāsaṭṭha, thế giới này bắt đầu thành trở lại” [3].
Do đó, nếu Sao Hoả có sự sống và loài người định cư, sinh sống hoàn toàn trên Sao Hoả, thì sự xuất hiện của đạo Phật tất yếu cũng sẽ xuất hiện; song điều kiện lịch sử của đạo Phật sẽ có nhiều thay đổi như: đức Phật đản sinh pháp hiệu là gì, quốc độ của Ngài tên gì, phương thức tu chứng và thành đạo của đức Phật như thế nào, sứ mệnh độ sinh, quá trình hành đạo có giống với mô hình của đức Phật Thích Ca ở hành tinh này không; chúng Tỳ kheo có cần thiết phải kiết hạ an cư ba tháng trong mùa mưa mới tính là một tuổi đạo hay không… có rất nhiều vấn đề xảy ra đối với sự hình thành Phật giáo mới trên Sao Hoả.
Mặt khác, chúng ta thấy đâu đó trong các bản kinh Hán tạng, xuất hiện các bản kinh nói về Bồ tát Di Lặc được đức Phật thọ ký thành Phật trong tương lai, đó là các bản kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật kinh (佛說彌勒下生成佛經) do Đường Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh phụng chế dịch và bản kinh Di Lặc Hạ Sinh do Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch. Bản kinh phác hoạ một bức tranh tổng quát về cảnh giới Long Hoa, quá trình tu chứng và hành đạo mà đức Phật Di Lặc là vị giáo chủ trong tương lai. Ngài có thân màu vàng ròng, 32 tướng tốt, cao ngàn thước, ngực rộng 30 trượng, mặt dài 12 trượng 4 thước, thân thể toàn vẹn đoan chính, không gì sánh được. Bồ tát xuất gia, ngồi dưới cội cây Bồ-đề Long Hoa thân cây cao 50 dặm, liền đắc quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Khi đức Phật thành đạo thì 3.000 đại thiên thế giới đều chấn động mạnh, chư thiên, long thần vương… dâng hoa cúng dường đức Phật, tiếp theo đó là đức Phật phóng hào quang tỏa chiếu vô lượng cõi nước, hóa độ những người hữu duyên, tiếp độ chúng đệ tử và thuyết pháp nhằm kiến tạo Tăng đoàn Phật giáo trong tương lai.
Phải chăng, khi thế giới của chúng ta chuyển hoại, một sự sống mới của loài người ở hành tinh Sao Hoả hình thành hoàn chỉnh, cũng là lúc sự xuất hiện của đức Phật Di Lặc ra đời, nhằm chuyển tiếp con đường cứu khổ chúng sinh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng, chư Phật trong mười phương nói chung? Tuy nhiên, sự ra đời của đức Phật không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên, mà là đúng thời, đúng lúc, đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người, như trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã từng nói rằng: “Sở dĩ ta ra đời là vì một đại sự nhân duyên khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” và khi nào chúng sinh còn đau khổ, thì các Ngài sẽ xuất hiện để mang đến ánh sáng của sự giải phóng con người khỏi những khổ đau, đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người về đời sống tâm linh, đưa đến sự an lạc, hạnh phúc mà con người đặt niềm tin, đặt kỳ vọng vào đạo Phật. Do đó, nếu hành tinh đỏ có sự sống, xã hội loài người được hình thành, thì tất yếu đạo Phật cũng sẽ xuất hiện theo quy luật vận động và phát triển của xã hội để đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh của con người, song hình thức sẽ có nhiều thay đổi mới, “bình mới nhưng rượu cũng mới”.
Tóm lại, Sao Hoả, một hành tinh đang được các nhà khoa học đặt kỳ vọng vào một sự sống mới cho con người trong tương lai, nhằm mở rộng địa giới và tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học phải đối mặt với nhiều thách thử không nhỏ cần được xử lý tốt trên Sao Hoả như bầu khí quyển mỏng chứa đầy cacbon dioxide, bức xạ từ Mặt Trời, trọng lực, … để con người có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt đó.
Với sự quyết tâm của con người, đặc biệt là sự phát triển đạt đến đỉnh cao của khoa học, công nghệ AI,… con người có tiềm lực chinh phục Sao Hoả và biến thành quê hương thứ hai, nuôi dưỡng sự sống của con người. Con người hoặc một phân loài mới xuất hiện trên Sao Hoả, sẽ có những đặc điểm, tính chất, cấu trúc sinh học khác biệt với con người sống trên Trái đất là điều khó tránh khỏi, từ đó cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp mang tính chủ quan cũng như khách quan của thế giới phân loài mới.
Nếu phân loài mới chứa đầy đủ các yếu tố thất tình lục dục, thì tất yếu sẽ có sự xung đột, mâu thuẫn, đấu tranh… xảy ra giữa con người với con người trong các mối quan hệ xã hội. Lúc này, tôn giáo sẽ xuất hiện và đặc biệt là đạo Phật sẽ xuất hiện để cân bằng với đời sống vật chất và thoả mãn nhu cầu cần thiết của con người về đời sống tinh thần.
Cũng có thể sự phát triển của đạo Phật ở hành tinh đỏ sẽ khác hoàn toàn với đạo Phật ở Trái đất về mặt cấu trúc, hệ thống. Bởi vì, khi đó vị giáo chủ mới của Phật giáo sẽ có mô hình phát triển đạo Phật khác với đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta hiện nay; chẳng hạn đức Phật Di Lặc cũng có nhiều điểm mới, khác biệt với đức Phật Thích Ca về quốc độ, thân thế và sự nghiệp, phương pháp tu tập, chúng Tăng đoàn, cách thức hoá độ chúng sinh?
Với quan điểm triết lý nhân sinh của Phật giáo, sự xuất hiện của đức Phật không những xoa dịu những nỗi đau, mất mát, khó khăn của con người trong cuộc sống, mà còn chỉ ra những phương pháp giải phóng những nỗi khổ đau ấy, hướng đến mục tiêu giải thoát bản thân và tha nhân, tìm về bến bờ của sự giác ngộ.
Khi nào con người còn đau khổ, bất an trong cuộc sống, thì đạo Phật sẽ xuất hiện để cứu khổ ban vui, như vị Phật Dược Sư trị lành vết thương lòng cho con người. Đời sống tinh thần của con người trên Sao Hoả cũng không phải là trường hợp ngoại lệ?
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Chú thích: Bài viết mang tính giả định và phỏng đoán với góc nhìn riêng của tác giả. Tạp chí NCPH đăng tải mang tính trao đổi.
Tài liệu tham khảo:
“NASA Images Suggest Water Still Flows in Brief Spurts on Mars”. NASA/JPL, ngày 6 tháng 12 năm 2006.
“The Lure of Hematite”. Science@NASA. NASA, ngày 28 tháng 3 năm 2001
C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 1993.
Dalrymple, G.B. (1991). The Age of the Earth. California: Stanford University Press. ISBN0-8047-1569-6.
HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, tập 1-2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, 1992.
HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, NXB. Tôn giáo, 2013.
Http://www.esa.int/esapub/bulletin/bulletin137/bul137b_drinkwater.pdf
Kinh Di Lặc Hạ Sinh, nguồn http://www.quangduc.com.
- Chú thích:
- [1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 1993, tr. 23 35.
[2]. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2013), kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, tr. 548.
[3]. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2013), kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, tr. 549.
Bình luận (0)