Tác giả: Lê Thị Hiệp – Trường CĐSP Trung ương

Mỗi lỗi sai của trẻ là một cơ hội giáo dục

Trong hành trình nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ, cha mẹ thường chú trọng đến việc dạy con học giỏi, lễ phép, biết vâng lời. Tuy nhiên, có một bài học nền tảng nhưng lại hay bị bỏ quên đó là dạy con biết nhận lỗi và sửa lỗi. Đây không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là bước đầu hình thành một nội tâm vững chãi, biết nhìn lại mình, đúng với tinh thần quán chiếu và tỉnh thức trong Phật giáo.

Trẻ em vốn hiếu động, ham khám phá và chưa có đủ khả năng phân biệt rõ ràng giữa đúng – sai, thiện – ác. Vì vậy, việc trẻ mắc lỗi là điều hết sức bình thường. Quan trọng hơn cả, thái độ của người lớn chính là chìa khóa giúp trẻ nhận diện và chuyển hóa lỗi lầm. Nếu cha mẹ quá thờ ơ hoặc phản ứng cực đoan (la mắng, đòn roi), điều đó chẳng khác nào tạo thêm “tập khí xấu” trong tâm thức trẻ, điều mà Duy thức học Phật giáo gọi là gieo hạt giống bất thiện trong A-lại-da thức. Ngược lại, nếu người lớn có tâm từ bi, biết kiên nhẫn, khéo léo hướng dẫn, thì mỗi lần trẻ sai sẽ trở thành một bài học của sự trưởng thành, như hoa sen mọc lên từ bùn đất thanh tịnh giữa lòng hồ sai lầm.

Trẻ em cần hiểu lỗi mới biết sửa lỗi

Nhiều cha mẹ cho rằng mỗi khi con trẻ làm sai chỉ cần bắt trẻ “xin lỗi” là đủ. Tuy nhiên, nếu không giải thích để trẻ hiểu vì sao phải xin lỗi, thì lời nói đó chỉ mang tính hình thức. Đứa trẻ có thể lặp lại lỗi cũ vì không hiểu bản chất vấn đề. Trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng nhận ra khi nào mình sai. Từ chuyện làm vỡ đồ, nói leo, không nghe lời… tất cả đều là cơ hội tốt để rèn luyện cho trẻ thói quen quay về nhìn lại bản thân

Hãy nói với con bằng những lời gần gũi mà khơi gợi được nhận thức, như:

Con làm như vậy là sai rồi, mình thử nghĩ xem làm thế người khác có buồn không?”

“Con đã dũng cảm xin lỗi rồi, mẹ tin lần sau con sẽ làm tốt hơn.”

Con thấy việc con làm ảnh hưởng gì đến mọi người không?”

“Nếu là người bị như vậy, con sẽ cảm thấy thế nào?”

Những câu hỏi này không chỉ nhắc nhở ý thức mà còn khơi dậy lòng từ, sự đồng cảm, vốn là những hạt giống quan trọng để phát triển Bồ đề tâm. Đây chính là cách gieo vào tâm trẻ chính niệm để các em biết quan sát nội tâm, nhìn nhận hành vi và chủ động sửa chữa. Trong tinh thần Phật giáo, đây là bước đầu của tu tập: nhận diện – hiểu rõ – chuyển hóa.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Người lớn là tấm gương soi trên hành trình hình thành nhân cách của trẻ

Trẻ nhỏ giống như những tờ giấy trắng, những mầm non đang lớn lên, nhạy cảm và dễ in sâu mọi điều từ môi trường xung quanh. Chúng học từ người lớn không chỉ qua lời dạy, mà còn qua từng cử chỉ, ánh mắt, cách chúng ta ứng xử trong đời sống hàng ngày. Một lời xin lỗi chân thành giữa cha mẹ, một hành động sửa sai không ngại ngùng của người lớn, chính là những bài học sống động, chân thật nhất mà trẻ âm thầm ghi nhớ.

Nếu cha mẹ biết cúi đầu khi mình sai, biết nhẹ nhàng điều chỉnh bản thân thay vì đổ lỗi, thì trẻ sẽ cảm nhận được rằng việc nhận lỗi không khiến ai trở nên kém giá trị, mà trái lại đó là biểu hiện của dũng khí và trưởng thành. Trong gia đình như thế trẻ sẽ lớn lên với trái tim không khép kín, không sợ hãi sai lầm, mà biết cách đối diện, học hỏi và vươn lên từ đó.

Trên con đường hình thành nhân cách, người lớn chính là chiếc gương đầu tiên phản chiếu thế giới nội tâm của trẻ. Hành vi của ta gieo vào tâm con trẻ những hạt giống thiện lành hay những hạt giống bất thiện đều tùy thuộc vào hành động của người lớn trong từng khoảnh khắc.

Khích lệ đúng lúc nuôi dưỡng hạt mầm thiện tâm

Mỗi lần trẻ biết nhận lỗi, dám đối diện với sai lầm và chủ động sửa mình, chính là lúc một búp chồi của thiện tâm vừa khe khẽ nhú lên giữa vườn tâm hồn. Đừng để khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua trong im lặng. Hãy dành cho con một ánh nhìn đầy yêu thương, một cái ôm dịu dàng, hay chỉ đơn giản là một lời khen xuất phát từ trái tim:

Con đã trưởng thành hơn rồi, vì biết dũng cảm nhận lỗi của mình.”

“Mẹ rất tự hào vì con không giấu lỗi, mà chọn cách sửa mình.

Những lời khích lệ chân thành như giọt cam lồ ngọt mát, tưới tẩm hạt giống thiện lành đang âm thầm lớn lên trong trẻ. Chúng giúp con hiểu rằng: sai lầm không khiến con trở nên kém đi, mà là cơ hội để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Và quan trọng hơn cả, tình yêu thương của cha mẹ vẫn luôn là chốn nương tựa vững vàng, ngay cả khi con chưa hoàn hảo.

Trong ánh sáng phật pháp, đó chính là thực hành tưới tẩm Bồ đề tâm nuôi dưỡng lòng từ, sự tỉnh thức và nghị lực chuyển hóa. Một lời khen đúng lúc, một sự công nhận nhẹ nhàng có thể trở thành ngọn đèn đầu tiên soi sáng con đường trưởng thành của một đứa trẻ. Con đường ấy, nếu được chiếu rọi bằng ánh sáng của yêu thương và hiểu biết, sẽ dẫn tới một đời sống biết hướng thiện.

Dạy con không chỉ là dạy đạo đức, mà là gieo nhân giác ngộ

Giáo dục không chỉ nhằm uốn nắn hành vi, mà còn là hành trình dẫn dắt tâm hồn trẻ đến với sự tỉnh thức, biết nhìn lại mình, biết chuyển hóa và hướng tới những điều tốt đẹp, thiện lành. Trong ánh sáng phật pháp, việc dạy con biết nhận lỗi và sửa lỗi không đơn thuần là một kỹ năng sống, mà còn là một bước khởi đầu trên con đường trưởng thành tâm linh, nơi từ bi và trí tuệ cùng lớn lên theo từng trải nghiệm nhỏ bé trong đời sống thường nhật. Từng lời nói, từng hành động nhỏ của cha mẹ hôm nay chính là chất liệu nuôi dưỡng tương lai của con trẻ, một tương lai không chỉ được nâng đỡ bởi tri thức, mà còn được bén rễ sâu trong chính niệm, từ bi và niềm hạnh phúc chân thật. Và một trong những hạt giống đạo đức quan trọng nhất cần được gieo trồng từ sớm, đó chính là Tàm quý – lòng biết hổ thẹn.

Tàm là sự hổ thẹn với chính mình, còn quý là sự thẹn thùng trước người khác. Tàm quý không chỉ là chuẩn mực đạo đức cá nhân, mà còn là một nguồn năng lượng thúc đẩy mạnh mẽ trong cả đời sống thế tục lẫn hành trình tu tập tâm linh. Khi một người biết hổ thẹn với những sai lầm của bản thân, họ sẽ tự khởi lên ý niệm muốn sửa đổi, muốn trở nên tốt đẹp hơn.

Trong giáo pháp, Tàm quý được xem là một trong hai pháp trắng trong sáng, những phẩm chất giúp bảo hộ thế gian. Nhờ lòng hổ thẹn, con người biết giữ gìn các mối quan hệ xã hội một cách đúng mực, biết đâu là giới hạn, đâu là điều nên tránh, đâu là điều đáng trân trọng. Chính Tàm quý giúp xác lập các ranh giới đạo đức trong gia đình, cộng đồng, khiến xã hội có nền tảng nhân bản để vận hành. Nếu không có hai pháp này, thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn, mất đi chuẩn mực phân định như cảnh giới của loài vật, như đức Phật từng cảnh báo trong các Kinh Nikāya.

Từ việc khơi dậy Tàm quý trong tâm hồn trẻ thơ, giáo dục theo tinh thần Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc dạy con biết đúng – sai, mà còn mở ra một lối đi sâu sắc hơn đó là con đường trưởng dưỡng nội tâm bằng sự tỉnh thức và hiểu biết.

Dạy trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi cũng là một cách dạy con biết nói lời xin lỗi một cách chân thành, không phải để làm vừa lòng người khác, mà để biểu hiện sự tỉnh thức và lòng trắc ẩn.

Khi trẻ học cách đối diện với lỗi lầm bằng tâm khiêm hạ, không đổ lỗi, không biện minh, thì chính là lúc hạt giống của trí tuệ và từ bi đang được nảy mầm. 

Khi cha mẹ gieo những hạt giống thiện lành bằng chính thân – khẩu – ý của mình, đó cũng là lúc hình thành nên một nền tảng vững bền cho đạo đức và trí tuệ của thế hệ mai sau. Dạy con, vì thế, không chỉ là dạy cách sống tốt trong đời, mà còn là khơi sáng một ngọn đèn chính niệm, thiện lương, từ bi giữa dòng đời nhiều biến động, đó cũng là ngọn đèn có thể dẫn lối cho con đi trọn hành trình làm người.

Tác giả: Lê Thị Hiệp – Trường CĐSP Trung ương

Tham khảo:

1. Đại Thừa bách pháp minh môn luận giải 大 正 新 脩 大 藏 經 第 四 十 四 冊 No. 1836, 大 乘 百 法 明 門 論 解.