Trong nhiều gia đình Việt Nam, việc thưởng tiền cho con khi làm việc nhà đã trở thành một thói quen phổ biến. Ban đầu, cách làm này có thể mang lại hiệu quả tức thì, giúp trẻ hào hứng và tích cực làm việc hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, khiến trẻ mất đi ý thức trách nhiệm và coi việc giúp đỡ gia đình như một giao dịch thương mại.

Lợi ích ngắn hạn nhưng hệ lụy dài lâu

Thưởng tiền cho trẻ khi làm việc nhà có thể giúp cha mẹ dễ dàng khuyến khích con tham gia vào công việc gia đình. Tuy nhiên, khi điều này trở thành thói quen, trẻ có xu hướng xem đó là điều kiện tiên quyết để làm việc. Nếu không có tiền, trẻ sẽ từ chối giúp đỡ, thậm chí yêu cầu cha mẹ "trả công" như một thỏa thuận mua bán thay vì tự giác thực hiện trách nhiệm của mình.

Vợ chồng chị bạn tôi là công chức nhà nước nên cứ từ sáng sớm tới chiều là có mặt ở cơ quan rồi. Nhà có 2 đứa con cũng không còn quá nhỏ nữa, khi một đứa thì học lớp 7, đứa út thì học lớp 5. Chính vì các con đã lớn nên chúng đã tự có thể làm được các công việc nhà lặt vặt và nấu cơm nước cho cả hai tự ăn rồi đi học. Vì vậy hai vợ chồng cũng không thuê người giúp việc và mỗi tháng cũng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Tuy vậy, số tiền “tiết kiệm” được từ việc không phải thuê giúp việc kia hai vợ chồng lại phải “đầu tư” vào các con của họ vì chúng làm việc ở nhà là phải được “thuê mướn”. Vâng, theo như tôi được biết thì từ lúc con của họ còn nhỏ xíu, khi sai con làm bất cứ việc gì, dù nho nhỏ như quét nhà, dọn mâm bát, hay mang thậm chí là tự đi tắm họ cũng đều thưởng tiền cho chúng.

Từ thói quen này nên kể cả tới lúc lớn như bây giờ chúng vẫn luôn đòi tiền mỗi khi làm việc nhà bởi nếu không có tiền nhất định chúng không chịu làm. Nghe tôi góp ý là ngay lập tức phải chấm dứt tuyệt đối cái việc thuê tiền cho con như vậy, nhưng vợ chồng chị bạn cười bảo: “Con mình chứ con ai đâu mà sợ thiệt! Mỗi tháng mất một chút tiền để các con siêng năng và công việc trơn chu thì nên làm quá đi chứ…”.

Nghe tôi giải thích là làm như vậy con sẽ sinh hư lúc lớn lên, hơn nữa đồng tiền được cha mẹ thưởng khi làm việc nhà ấy liệu con của họ có chi tiêu hợp lý, sử dụng có ích hay chúng mang đổ vào mấy trò games vô bổ nơi quán nét, vừa mất thời gian tiền bạc, vừa mệt người! Mặc dù nói và giải thích kiểu gì vậy mà vợ chồng chị bạn tôi vẫn không nhận ra cái dở của việc thưởng tiền cho con khi bắt chúng làm việc nhà.

Tôi tin chắc rằng đến một lúc nào đó mà họ “tỉnh ngộ” ra việc làm của họ chỉ là làm hại con mình thì đã muộn, và lúc ấy có hối cũng không kịp.

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

Một nhà hàng xóm khác của tôi cũng có cách làm tương tự như vợ chồng chị bạn mà tôi đã đề cập ở trên. Ngay từ khi đứa con của họ còn ở lứa tuổi đi nhà trẻ họ đã thưởng tiền cho cậu nhỏ. Hầu như cái gì họ cũng thưởng cho con tiền từ việc “nựng” con ăn, dỗ con không khóc nữa, cho tới việc bé đi nhà trẻ cũng được thưởng tiền.

Giai đoạn bé bỏng này, giá trị của đồng tiền đã bắt đầu hình thành trong đầu trẻ và vì nó thấy tiền có thể mua được kẹo, bánh nên nó thích. Có những hôm, chỉ vì bị mẹ mắng cu cậu khóc toáng lên mãi không nín, và chỉ đến khi mẹ nó bảo: “Nín đi rồi mẹ cho tiền!”, thì nó bỗng dưng im bặt ngay và lập tức đòi tiền của mẹ. Không có cách nào khác là người mẹ phải đưa tiền cho nó vì không muốn nó khóc nữa. Khi cu cậu đã lớn, thậm chí những năm đã học tới cấp 2 vậy mà khi làm bất cứ công việc gì ở nhà cũng được thưởng tiền. Nếu ở nhà nấu 1 bữa cơm, lau dọn nhà cửa cu cậu được “thưởng” 50.000 đồng. Nếu là tự giặt quần áo cho mình thì bắt buộc bố mẹ phải “chi” thêm 20.000 đồng. Chẳng vậy mà, có hôm cu cậu ấy đã “kiếm” được của bố mẹ 70-80.000 đồng là chuyện bình thường.

Sự vô tâm của người bố, người mẹ của cu cậu hàng xóm là không cần biết con mình chi tiêu các khoản tiền thưởng kia vào việc gì, có ích lợi hay không?

Họ vẫn mải mê kiếm tiền và “thả” con mình muốn làm gì thì làm. Từ tiền được thưởng như vậy, tôi thấy cu cậu ấy thường xuyên ra các tiệm nét quanh nhà để chơi games với chúng bạn. Có hôm, nó chỉ nhanh chóng làm xong công việc nhà được bố mẹ “thuê mướn” rồi lại ra quán nét ngồi đồng và chỉ về nhà trước khi bố mẹ nó có mặt ở nhà. Điều quá lạ là, nhiều hôm đứa con quý tử của họ qua đêm nhà bạn bè hay ở đâu đó, vậy mà họ cũng đâu quát mắng hay răn dạy gì. Nếu giáo dục con theo kiểu này thì con họ chắc chắn hư hỏng cũng không có gì là lạ cả.

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

Khi tiền bạc trở thành công cụ kiểm soát

Không chỉ trong công việc nhà, việc sử dụng tiền như một công cụ "mua chuộc" con cái còn có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ trong các khía cạnh khác. Một số bậc cha mẹ sẵn sàng đưa tiền để dỗ con nín khóc hoặc để con chịu ăn uống. Điều này vô tình khiến trẻ hình thành tư duy rằng mọi công việc mình làm đều có thể quy đổi thành tiền.

Trong giáo lý nhà Phật, tiền bạc không phải là nguồn gốc của hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc không đến từ tài sản, mà đến từ sự thanh tịnh của tâm. Khi trẻ bị chi phối bởi tiền bạc từ nhỏ, chúng dễ mất đi sự thanh thản, không còn biết trân quý giá trị của sự sẻ chia và lòng từ bi. Nếu thay vì dùng tiền để điều khiển con, cha mẹ hãy hướng dẫn con làm mọi việc với tâm hoan hỷ, trẻ sẽ hiểu được giá trị của đạo đức, hình thành nhân cách tốt đẹp hơn.

Cách tiếp cận đúng đắn trong giáo dục trẻ

Việc trẻ làm việc nhà không chỉ giúp giảm tải công việc cho cha mẹ mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm và tính tự lập. Vì vậy, thay vì dùng tiền để khuyến khích, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp khác như:

Xây dựng ý thức trách nhiệm: Giúp trẻ hiểu rằng làm việc nhà là một phần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, cha mẹ không có nghãi vụ phải trả tiền cho việc làm đó của trẻ.

Tạo động lực phi tài chính: Thay vì thưởng tiền, cha mẹ có thể khuyến khích bằng những phần thưởng ý nghĩa như một chuyến du lịch, một món quà nhỏ hay thời gian vui chơi được xem các chương trình giải trí thiếu nhi dưới sự kiểm soát của cha mẹ.

Giáo dục quản lý tài chính: Nếu muốn con có ý thức về tiền bạc, cha mẹ có thể hướng dẫn con cách tiết kiệm hoặc đầu tư vào những điều có ích, thay vì chỉ đơn thuần "mua" sự hợp tác của con bằng tiền.

Dạy con về tinh thần bố thí và nhân quả theo Phật giáo không chỉ là hướng dẫn trẻ làm việc nhà, mà còn là giúp trẻ xây dựng tâm hồn rộng mở, biết yêu thương và chia sẻ. Khi trẻ tự nguyện làm việc với lòng hoan hỷ, không mong cầu phần thưởng, đó chính là sự thực hành bố thí vô điều kiện, một trong những phẩm hạnh cao quý của người con Phật. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển tính tự giác, trách nhiệm mà còn nuôi dưỡng tâm từ bi, sự biết ơn và tôn trọng đối với gia đình, xã hội.

Cha mẹ có thể giảng giải cho con rằng nhân quả không chỉ nằm ở kết quả vật chất mà còn ở những giá trị tinh thần. Nếu con làm việc nhà với niềm vui, con không chỉ giúp đỡ cha mẹ mà còn tự tạo ra năng lượng tích cực, khiến ngôi nhà trở thành nơi ấm áp, hạnh phúc. Sự chăm chỉ và thái độ thiện lành của con sẽ được đáp lại bằng tình yêu thương, sự trân trọng từ mọi người. Đây chính là hạt giống của phước báu, giúp con trưởng thành với một tâm hồn đẹp.

Hơn nữa, giáo dục theo tinh thần Phật giáo không chỉ là việc rèn luyện thói quen mà còn là một quá trình định hình nhân cách. Những hành động nhỏ hằng ngày sẽ dần tạo nên phẩm chất và thói quen lâu dài. Nếu trẻ quen với sự lười biếng, ỷ lại hay làm việc chỉ để nhận phần thưởng, điều đó có thể trở thành rào cản lớn trong tương lai, ảnh hưởng đến thái độ sống và khả năng đối diện với khó khăn của trẻ. Ngược lại, nếu ngay từ nhỏ trẻ được dạy biết cho đi, sống có trách nhiệm và hiểu rõ nhân quả, con sẽ lớn lên với một tâm hồn vững vàng, hướng thiện và biết trân quý những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con, khuyến khích trẻ thực hành bố thí và gieo trồng phước báu ngay từ những việc làm nhỏ nhất. Điều này không chỉ giúp con phát triển đạo đức cá nhân mà còn mở ra một tương lai đầy ý nghĩa, nơi con có thể sống hạnh phúc và mang lại lợi ích cho người khác.

Tác giả: Thạch Bích Ngọc - Đại học Quốc gia - TP.Hồ Chí Minh