Tác giả: Thạch Bích Ngọc

Địa chỉ: Số 219 đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM

Câu trả lời chắc chắn là không, mà cha mẹ chỉ nên hướng dẫn, động viên con khi học và làm bài tập về nhà: Đừng nên vì “bệnh thành tích” hay điểm số, mà vô hình tạo cho con thói quen ỷ lại và đó cũng chính là sự gian dối…

Một người bạn than thở cùng tôi, con trai của mình, hiện đang học lớp bốn một trường tiểu học, khi kiểm tra bài trên lớp thường xuyên bị điểm kém, mặc dù các bài tập về nhà được thầy cô giao, bé đều hoàn thành rất tốt, luôn được cô giáo khen. Khi tôi hỏi trong những lúc làm bài tập về nhà thì bé tự làm hay là có sự “giúp sức” của cha mẹ(?!), thì chị bạn tôi trả lời: “Mình thì không có thời gian, chuyện làm bài tập của con, hay dạy con học mỗi tối là đều do bố cháu đảm nhận.

Cậu nhỏ bản chất rất thông minh, nhưng dường như cách dạy dỗ, kèm cặp con của anh nhà mình… có vấn đề, nên mới ra nông nỗi như vậy, chứ ai lại bài tập về nhà thì làm tốt, trong khi các bài kiểm tra trực tiếp trên lớp thì luôn bị điểm kém…?!”.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Rồi bạn tôi kể rằng, trong các bài tập, nhất là bài tập toán cô giáo giao về nhà, thường con không tự làm, mà toàn là bố làm hộ. Thoạt đầu con ỷ lại, không chịu làm nên bố làm giúp, cứ thế cậu nhỏ lần nào có bài tập về là lại “nhờ’ bố làm giúp và theo cách con giải thích: trước lớp cô hay khen bài tập về nhà làm đúng, tốt nên luôn… hãnh diện vì bố. Bởi thế, cu cậu thường không tự làm mà luôn đợi bố làm giúp, vì sợ làm sai!

Nghe câu chuyện, tôi đã giải thích cho bạn rằng việc cha mẹ làm bài tập về nhà giúp con như vậy là rất sai lầm, bởi như thế con sẽ ỷ lại, không chịu suy nghĩ, không chịu phấn đấu và chắc chắn về lâu dài sẽ “triệt tiêu” sự sáng tạo của trẻ.

Trong giáo lý nhà Phật, trí tuệ (Paññā) là một trong những yếu tố cốt lõi giúp con người đạt đến giác ngộ và vượt qua khổ đau. Đức Phật dạy rằng sự hiểu biết chân chính không thể có được chỉ nhờ vào sự giúp đỡ bên ngoài, mà phải do chính mình tư duy, thực hành và trải nghiệm. Giống như khi uống nước, chỉ có tự mình nếm thử thì mới biết nước đó nóng hay lạnh, ngọt hay đắng.

Việc cha mẹ làm bài tập hộ con vô tình khiến trẻ đánh mất cơ hội rèn luyện tư duy, sáng tạo và tự lập. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, có dạy: “Người trí tự mình thắp đuốc lên mà đi, không nương tựa vào người khác”. Điều này có nghĩa rằng, mỗi người phải tự nỗ lực, tự mài giũa trí tuệ của mình, thay vì ỷ lại vào người khác. Khi cha mẹ quá bao bọc con cái, vô tình họ đang cướp đi cơ hội để con học hỏi và phát triển.

Hơn nữa, Phật giáo nhấn mạnh vào nhân quả: nếu một đứa trẻ không tự học, không tự rèn luyện thì khi lớn lên, các em sẽ không có khả năng tự lập và đối diện với thử thách cuộc sống. Khi cha mẹ gieo nhân của sự ỷ lại, kết quả tất yếu là con cái sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển bản thân và đối mặt với thực tế cuộc sống sau này.

Vì vậy, thay vì làm bài tập giúp con, cha mẹ có thể áp dụng tinh thần Phật giáo vào việc giáo dục: hướng dẫn con phương pháp học đúng đắn, giúp con tự suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Điều này không chỉ giúp trẻ rèn luyện tư duy mà còn tạo nền tảng cho một đời sống có trách nhiệm, trí tuệ và vững vàng.

Ngay như chuyện người bạn kể về sự trái ngược giữa kết quả bài tập về nhà và bài kiểm tra trực tiếp trên lớp của cậu bé, đã là “bằng chứng” nói lên sự sai lầm của việc làm bài tập hộ con.

Bản thân tôi, khi con trai tôi học lớp hai, bé thường nài nỉ mẹ làm bài tập về nhà giúp, tôi đã nhất quyết từ chối và nói “con phải tự làm”, tôi ngồi cạnh chỉ bảo cho con phương hướng giải quyết, cách làm… Khi con chưa hiểu, hoặc còn khúc mắc, tôi sẵn sàng giúp nhưng vẫn luôn “tuân thủ” nguyên tắc là con phải tự mình làm. Chính vì được rèn rũa thành “nếp” như thế nên những năm học về sau con trai tôi luôn sáng tạo, đạt học lực giỏi…

Thực ra, không riêng gì con trai bạn tôi như vừa kể trên, mà bây giờ có không ít các bậc phụ huynh cũng sai lầm trong việc kèm cặp, dạy con học như thế. Họ thường giúp con làm bài tập về nhà mà không để con tự làm. Như đã nói, làm vậy con bạn sẽ có tính ỷ lại, không chịu suy nghĩ, không chịu tư duy, cố gắng…, đó chẳng khác nào hại con vậy.

Để con em mình hình thành ý chí, tư duy, nỗ lực phấn đấu trong học tập, đạt kết quả tốt, thay vì làm hộ bài tập về nhà cho con, các bậc phụ huynh chỉ nên giúp con các phương pháp, hướng giải quyết mà thôi… Người xưa từng bảo: “Con đường mình tự tìm, tự vạch để đi thì sẽ nhớ lâu; chứ đi trên lối của người khác sẽ nhanh quên, chẳng nhớ gì và đặc biệt sẽ tự triệt tiêu sự tìm tòi, sáng tạo, vươn lên của bản thân…”.

Tác giả: Thạch Bích Ngọc

Địa chỉ: Số 219 đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM