Đạo đức học Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp là một pháp môn nhằm xây dựng nhân tâm cho cá nhân, con người và xã hội, cải tiến con người và xã hội một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Nó lấy lợi ích chúng sinh làm căn bản, làm mục đích cho việc tu tập giải thoát cho những ai đang trên đường tu tập hạnh Bồ tát và tìm cầu an lạc, cứu cánh
Tác giả: Thích nữ Liên Hoa
Lời nói đầu
“Đạo đức học Phật giáo” là môn học phổ quát về những lời Phật dạy, Lời đức Phật dạy bao hàm “giới, định, tuệ”, nằm trọn trong tam tạng Kinh điển, nhằm chỉ dẫn cho chúng sinh không làm các điều ác, thật hành các điều lành, giữ tâm ý mình trong sạch thanh tịnh, để phát sinh trí tuệ, để có một cuộc sống luôn khoẻ mạnh, an vui trong hiện tại và mai sau. Đứng trước biến động khó khăn của cuộc đời, Phật giáo với tinh thần từ bi và trí tuệ, lấy tôn chỉ “Phật pháp bất ly thế gian pháp” đã luôn nhấn thân đồng hành cùng những thăng trầm của cuộc sống con người. Điều đó thể hiện Phật giáo truyền tải nguồn năng lượng yêu thương, giáo hoá chúng sinh bằng con đường đạo đức trí tuệ, tự tìm lại chân tâm Phật tính nơi mỗi người. Và ở thời đại nào, Phật giáo vẫn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền tảng đạo đức cho con người.
Với đề tài “Đạo đức học Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp” này, chúng con trình bày khái quát về bản chất cũng như tầm quan trọng của “Đạo đức học Phật giáo”, từ đó chứng minh nền đạo đức học Phật giáo thực sự đóng góp lợi ích thiết thực như thế nào cho con người và xã hội.
Phật giáo được nhân loại biết đến nhân vì giáo lý đạo Phật mang tư tưởng giáo dục đạo đức sâu xa vi diệu cho tất cả, đặc biệt là con người. Những giáo lý như Duyên khởi, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tứ vô lượng tâm, Ngủ uẩn, Tứ nhiếp pháp v.v...đều vì lợi ích cho tất cả chúng sinh nên đức Phật từ bi giảng nói cho hành giả tu tập giải thoát và cho những ai muốn sống một đời bình an, hạnh phúc thì tinh tấn thực hành theo. Đạo đức Phật giáo được biết qua tất cả các giáo lý mà Đức Phật Ngài đã dạy, nội dung của nó không ngoài lòng từ bi, trí tuệ thương tưởng tất cả chúng sinh mà soi sáng, nhiếp phục, chỉ dẫn, giáo hóa cho chúng sinh ra khỏi lầm mê, khổ hải để đạt đến bình an, hạnh phúc, đó chính là nét đặc trưng của Đạo đức nhà Phật.
Nội dung bài này đề cập đến “Tứ nhiếp pháp” một trong những giáo lý mà đức Phật Ngài đã dạy, để chứng minh rằng; tư tưởng đạo đức nó tồn tại và luôn có mặt trong tất cả các giáo lý Phật giáo. Ở đây chúng tôi sẽ bàn đến “Đạo đức Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp”, là một trong những “Đạo đức vi diệu” của giáo lý nhà Phật ảnh hưởng sâu xa đến hành giả tu tập giải thoát và cho tất cả mọi tầng lớp con người trong xã hội.
Có thể nói nền tảng đạo đức của nhân loại đều gói gọn trong “Tam tạng kinh điển” Phật giáo. Tuy nói nằm trong Tam tạng kinh điển, song nó mang tính chất “một là tất cả, tất cả là một”. Tứ nhiếp pháp là một trong những giáo lý ấy, song chỉ tìm hiểu, lột tả bốn pháp này, chúng ta cũng đủ hiểu về đạo đức Phật giáo là nền tảng đạo đức của con người và cả nhân loại. Hành giả khi tu tập, ai cũng muốn nổ lực cho bản thân mình được lợi ích, muốn được lợi ích thiết thực, viên mãn thì chúng ta đem san sẻ pháp tu ấy, lợi ích ấy, chỉ dẫn, giúp đỡ cho người khác, đó chính là con đường hành hạnh Bồ-tát, tự lợi và lợi tha và đó cũng chính là nền tảng đạo đức cao đẹp và rất vi diệu đặc thù trong Phật giáo. Như vậy “Tứ nhiếp pháp” là gồm những pháp gì?
Tứ nhiếp pháp theo Phật học phổ thông có nghĩa là: Tứ là bốn, nhiếp là thu phục, pháp là phương pháp là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sinh biết quay về với Phật pháp được sống an vui, hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Bốn phương pháp đó là: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng sự nhiếp, là bốn phương tiện để nhiếp phục, cảm hóa tâm lý của con người trong cuộc sống. Khi đã cảm hóa được họ, lần hồi từng bước hướng dẫn họ phát khởi niềm tin, mở mang trí tuệ thâm nhập Phật pháp, giác ngộ cuộc đời để đưa đến bình an, hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội.
Tiếp theo, chúng ta cần tìm hiểu “Đạo đức” và “Đạo đức Phật giáo” là gì, và các khái niệm của nó như thế nào. Theo nguồn Vndoc, “Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn”. Theo từ điển tiếng Việt, “Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định về hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”; “Đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức mà có” (Từ Điển Bách Khoa và Tiếng Việt).
Theo Graw Hill Book “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi lý trí, tình cảm và ý chí”. Bách khoa Phật giáo theo một cách tổng quát, đạo đức được hiểu như là những quy định về phẩm hạnh, hành vi, khuynh hướng, mục tiêu, ý định, lối sống của con người và tổ chức xã hội.
Qua đây, đạo đức có thể được nhìn theo các góc độ sau: ở mức độ cạn; Đạo đức thể hiện nét đẹp trong phong cách sống của một người hiểu biết và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao tốt đẹp. Ở mức độ rộng hơn, đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua các quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của địa phương, cộng đồng đó, tạo thành nét đẹp truyền thống văn hóa. Và đạo đức của cả một xã hội thường được xét đến khi xã hội đó bị hỗn loạn và thiếu chuẩn mực cơ bản nhất để tạo dựng nên nền tảng đạo đức. Khi đã đạt đạo đức co bản nhất thì đó là đạo đức xã hội. Từ đó học tập đi lên thành các thành phần cao cấp hơn.
Các khái niệm đạo đức Phật giáo; “Nếu đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc thì đạo Phật là đạo hạnh phúc vì toàn bộ giáo lý Phật giáo chính là con đường hạnh phúc, giúp con người loại trừ khổ đau và đạt được hạnh phúc trong hiện tại và tại đây bởi vì Đức Phật dạy: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ” (Kinh Xà Dụ). Và, “Duyên sinh vô ngã là linh hồn của triết lý Phật giáo; vạn vật không có không ngã tính, không phải tự nhiên sinh mà chỉ có thể tồn tại trên nguyên lý hòa hợp của nhân duyên giữa con người và thiên nhiên, con người với con người, con người với tiến trình tâm lý, sinh lý, vật lý của mình;
Sở hữu lạc: thọ hưởng sự đảm bảo về kinh tế, tài sản kiếm được bằng phương tiện chính đáng.
Thọ dụng lạc: tiêu dùng tài sản một cahs hợp lý
Vô trái lạc: không nợ nần
Vô tội lạc: sống trong sạch, không phậm các tội lỗi
Về mặc đạo đức gia đình; là nghĩa vụ của mỗi cá nhân, trách nhiệm của cá nhân, kinh tế gia đình. Đối với đạo đức của người Phật tử:
Quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới
Bát quan trai giới
Thập thiện giới
Tỷ kheo và tỷ kheo ni giới...
Về mặt đạo đức giải thoát: theo Socrate: “một nền đạo đức không thể căn cứ vào giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học, hoàn toàn thích hợp với những người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo thì xã hội mới ổn định”. Còn Aristote cho rằng: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, nó chính là mục đích tồn tại cuối cùng và xuyên xuốt cả cuộc đời của mỗi con người”. Theo Phật giáo thì: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”, Khổ diệt là Niết bàn là hạnh phúc, Bát chính đạo chính là nếp sống đạo đức, tạo ra hạnh phúc.
Khi chúng ta đã có cái nhìn tổng quát về thế nào đạo đức và đạo đức trong Phật giáo là gì, và khái niệm Tứ nhiếp pháp, bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu, phân tích về bốn nhiếp pháp nó mang tư tưởng đạo đức Phật giáo thiết thực, sâu xa vi diệu như thế nào?
Tứ nhiếp pháp hay còn gọi là bốn pháp Tế độ phát xuất từ cụm từ “sangāha- vatthu” nghĩa là sự thu phục, nhiếp hóa, cảm hóa, tế độ. Đây là bốn pháp bốn nguyên tắc sống mà tiền thân chư Phật, tức chư Bồ-tát thường áp dụng để nhiếp hóa, cảm hóa chúng sinh trên con đường phước thiện đạo đức. “Tứ nhiếp pháp là để sống trong tương quan giữa thầy và trò, giữa Đức Phật và môn đệ, giữa người xuất gia với kẻ tại gia, nói rộng ra là với nhân quần xã hội”. Bốn pháp đó là; bố thí (dāna), ái ngữ (piyavajja ), lợi hành (atthacariya), đồng sự (samānattatā), bốn pháp này tương quan, liên hệ lẫn nhau, không thể tách rời các pháp hay một trong bốn pháp mà có thể thành tựu sở nguyện cũng như mục đích nhiếp hóa, tế độ cho tha nhân được.[1]
Bố thí (Dāna): Nghĩa là cho đi, cho đi cùng khắp, cho đi với tâm ban rải rộng lớn, bao la, cùng khắp, không ngằn mé. Như vậy, đằng sau sự bố thí này hẳn là có một tấm lòng quảng đại, xả ly vô lượng. Bố thí là pháp đứng đầu trong mười Ba-la-mật (bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thực, quyết định, từ và xã). Bố thí cũng là pháp tu đầu tiên của hàng Phật tử tại gia (bố thí, trì giới, tham thiền).
Hơn nữa, bố thí là một trong năm pháp cần và đủ để mở cánh cửa phước báu nhơn, thiên đó là tín, giới, văn, thí và tuệ. Như vậy bố thí là hành trang, là tư lương cần thiết như vật thực cơm nước hằng ngày của con người trên bước đường đến bến bờ an vui, hạnh phúc. Bố thí có ba cấp bậc từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu như bố thí ba-la-mật, bố thí thượng ba-la-mật, bố thí thắng ba-la-mật, các cấp độ này có thể hiểu đơn giản rằng; tài thí, pháp thí và vô úy thí.[2]
Trong cuộc sống hiện nay, với nền khoa học công nghệ hiện đại 4.0, đời sống con người phát triển toàn diện về vật chất và cơ sở vật chất, cũng từ đó con người sống trong vật chất, đua theo danh vọng tiền tài nên mặt đạo đức và tinh thần xa xút, lòng ích kỷ của con người ngày càng tăng, đó là đầu mối của sự đi xuống, tục dốc của xã hội, và con người là nạn nhân của lòng ích kỷ của chính mình. Hạnh phúc, hay khổ đau vốn không do các tác nhân bên ngoài tác động mà chính ta làm cho ta không hạnh phúc và đau khổ mà thôi.
Đạo Phật được biết là đạo Từ-bi, nghĩa là cứu khổ, mà những nỗi khổ lớn của con người đó là sự thiếu thốn vật chất, sự mê mờ về tinh thần, và luôn lo sợ mọi thứ, như mất tiền của, mất tình yêu, mất thân mạng và gặp tai biến v.v...Như vậy người có lòng từ bi, muốn nhiếp hóa, tế độ cho người, trước hết phải xả bỏ lòng ích kỷ, phải cho mọi người những gì mình có, đó chính là hạnh bố thí. Do sự bố thí đó mà mình có thể cảm phục được người chung quanh, từ đó gần gũi, xây dựng tâm rộng lớn trong mọi người. Bố thí có ba đó là: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Bố thí tài vật: Gồm nội tài và ngoại tài; ngoại tài tức là bố thí tiền bạc, vật thực như của cải, tiền sản, y phục, thuốc men, nhà cửa...các công tác từ thiện xã hội. Phương tiện bố thí này có công năng nhiếp hóa con người cụ thể là làm từ thiện, cứu giúp, tương tế những người nghèo khổ, tật bệnh, tai ương, hoạn nạn. Chính nhờ tấm lòng rộng rãi, bao dung, bi mẫn này mà thu phục, nhiếp phục, cảm hóa được chúng sinh.
Ở Việt Nam, trong thời gian dịch bệnh hoành hành ở miền Bắc và miền Nam vừa qua, trước sự thống khổ tột cùng của con người, đã đánh động biết bao tấm lòng trắc ẩn, giàu lòng từ bi, bác ái, lòng ích kỷ bị đẩy lùi, bà con ta từ mọi miền đất nước, dù giàu có, hay nghèo khổ cũng mở lòng bố thí, tế độ đến dân chúng các miền đang bị hoạn nạn. Người có tiền cho tiền, người có vật thực cho vật thực...và những trái bầu, trái bí, củ khoai, củ cải, mớ rau cũng được bà con gom lại gửi đi dù họ vẫn còn nghèo lắm, khổ lắm...nhưng tình thương trong họ thật bao la, tạo nên một mối tương thân tương ái, thắt chặc tình người trong xã hội.
Bố thí nội tài: nội tài nghĩa là những vật chí thân, quý báu, như thân mạng, các bộ phận trong cơ thể mình đem ra bố thí cho người khác. Ví như, khi gặp hỏa hoạn xong vào lửa dữ cứu người xắp chết cháy, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối...hoặc hiến tặng cho người hoạn nạn do tất bệnh những bộ phận trong cơ thể mình, như hiến thận, cho mắt...nghĩa là người bố thí nội tài có thể hy sinh thân mạng hoặc chịu tật nguyền, chịu khổ để cứu giúp người khác.
Bố thí nội tài là một nghĩa cử cao đẹp nhất mà chỉ người có đại từ tâm mới làm được, nếu như còn xem thân mạng mình là quý, thì không thể thực hiện được pháp bố thí này. Qua đây, chúng ta thấy rằng đạo đức Phật giáo qua việc bố thí này nhằm giúp con người phát khởi tâm từ, tâm bi và cũng từ những việc làm, những hành động bố thí cao cả ấy đã kết nối yêu thương giữa người với người, thắt chặc tình người trong xã hội, làm cho con người Việt Nam đẹp hơn trong mắt con người của cả thế giới.
Bố thí Pháp: Pháp ở đây có thể hiểu là giáo pháp chân thật, vi diệu của Phật giáo, nó bao hàm kinh sách và những bài thuyết giảng của các bậc thầy dạy đạo cho đến những lời nói chỉ dạy, khuyến khích, sách tấn, hỗ trợ người khác thực hành, tu tập đó gọi là pháp thí. Cũng trong lần đại dịch khủng hoảng vừa qua, phương tiện pháp thí được ban bố rộng khắp, nhằm nhiếp hóa con người giác ngộ sự thật của cuộc đời là khổ.
Trong lúc hoạn nạn như thế, ban đầu cũng có biết bao con người vì lòng ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết sống cho mình, tự tư tự lợi mà bất chấp tất cả; người giàu thì lo tích chứa mọi thứ sung túc cho mình, người cơ hội thì lừa cân tráo đấu, mua bán đắt đỏ, người nghèo khổ thì sinh trộm cắp đủ thứ...trước thảm họa đại dịch bùng nổ như thế, con người đã quá khổ đau về nó mà đau khổ hơn khi đứng trước thảm cảnh tàn khóc, ích kỷ, vụ lợi của những con người trong cùng một dân tộc, một xã hội sống cùng một đất nước..từ những thực trạng đau lòng ấy các tôn giáo, các nhà hướng đạo và những con người hiểu biết, đầy lòng từ bi...đã nhấn thân vì họ mà hằng ngày mở ra các trang mạng để truyền thông, giảng dạy về thảm họa hay sự khổ của con người là do đâu.
Người khuyên người, sách tấn cho nhau, mở rộng tâm ra, xả bỏ lòng ích kỷ thì mới có thể tiêu giảm phần nào thảm họa, đều đó đã làm cho con người bớt sợ hãi, bớt khổ đau, đó chính là pháp thí. Hưởng ứng từ những bài pháp vi diệu, từ những lời kinh, câu thần chú và những lời khuyến khích, sách tấn trong đại dịch..đã đánh thức biết bao trái tim mà từ lâu đã khép kính vì vô cảm vì ích kỷ, tự lợi, vì túng quẩn khó khăn.
Nhờ những bài pháp đúng thời đó đã cảm hóa được họ...do đó, những ngày sau đó của thời điểm tâm dịch...con người đã đoàn kết, cùng nhau chống dịch bằng tất cả mọi phương tiện, từ người giàu cho đến người nghèo hầu như đều mở tâm ra thực hành bố thí, từ tài thí cho đến pháp thí có thể nói là viên mãn. Như vậy, đạo đức Phật giáo nhằm mục đích giáo dục nhân tâm, cảm hóa con người đạt đến “chân, thiện, mỹ” thiết lập cuộc sống bình an, thắt chặc tình người trong xã hội.
Vô úy thí: Vô úy nghĩa là không sợ hãi, vô úy thí tức là bố thí sự không sự hãi cho mọi người. Đối với con người mà nói, sự sợ hãi là một tâm trạng rất thường tình. Người có tâm đại bi thì luôn tìm cách khiến cho tâm chúng sinh được an, không sợ hãi, lo lắng, sầu muộn. Lấy ví dụ qua lần Việt Nam ở trong thảm họa do dịch bệnh căng thẳng vừa qua, con người thường ham sống sợ chết, nên trước thảm họa diệt vong của đại dịch, không ai tránh khỏi nỗi sợ hãi kinh hoàng đó. Theo như bây giờ bàn lại số lượng người tử vong do đại dịch, phải chăng là do nỗi khiếp sợ quá lớn dẫn đến số lượng tử vong cao như vậy ? cũng có thể.
Theo chúng tôi thì tin chắc rằng tất cả đều do con người quá hoảng loạn, khiếp sợ nên đẫn đến số lượng tử vong cao như vậy. Mọi người có thể thấy rằng, dù Việt Nam chúng ta là nước gần tâm dịch Vũ Hán, song là một trong những nước sau cùng diễn ra dịch bệnh. Ban đầu con người khi trực tiếp tiếp xúc đại dịch nên không tránh khỏi khủng hoảng và thương vong, nhưng hiện tại nay, mặc dù tình hình dịch ngày càng lang rộng khắp nơi trong nước, nhưng con người đã ít nhiều không còn bị nó khống chế, hay làm cho khiếp sợ nữa, đều đó là sự thực.
Có thể nói do các nguyên nhân về việc phòng chống dịch hiệu quả,..song không thể không kể đến sự bố thí vô úy trong tất cả những con người biết chữa lành vết thương không sợ hãi của chúng sinh. Trên từ các cấp trong chính phủ, dưới cho đến các thứ dân bình thường...những ai có hiểu biết thì dùng những giáo pháp cao đẹp từ các tôn giáo và những lời hay, lời chân thật để sách tấn, khuyên nhắc mọi người vươn lên để vượt qua thảm họa.
Trong chính những hành động, việc làm ấy đã đem lại phần nào sự không sợ hãi của đa số con người...để cho đến thời điểm này, con người không còn quá lo lắng, hay khiếp hãi về đại dịch nữa, nguyên nhân sâu xa đó chính là từ sự bố thí vô úy mà ra vậy. Đương nhiên, ở đây chúng tôi chỉ đơn cử trên một phương diện là thời gian đại dịch để phân tích sự bố thí vi diệu mà đạo đức Phật giáo luôn là tiên phong trong tất cả mọi phương diện của con người và đời sống xã hội.
Song song với Bố thí nhiếp, thì Ái ngữ nhiếp là một pháp tương quan, tương duyên chặc chẽ để giúp thành tựu cho việc bố thí được viên mãn. Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn tính của chúng sinh mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn, sách tấn...khiến cho mọi người thân mến, cảm phục, từ đó họ mới nghe và thực hành theo.
Trong cuộc sống đa phần con người thường ỷ của, cậy quyền, đối với người khác thường dùng lời không tao nhã, làm cho mọi người xung quanh chán ghét, và các mối bất hòa giữa con người với con người, trong gia đình và xã hội cũng từ đó mà ra. Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói được xem như của báu mà mọi người đều có, nhưng cũng lời nói ấy mà người khéo sử dụng thì mọi việc “công thành danh toại”, còn người sử dụng một cách vụn về thì “tán gia bại sản”. Tất cả đều do biết ăn biết nói dịu dàng, dễ nghe, biết nhu thuận phải lúc phải thời. Ái ngữ ở đây là bàn đến lời hay, ý đẹp dùng nhiếp hóa mọi người, chứ không phải những lời nói hoa mỹ làm mê hoặc lòng người dẫn đến khổ mình khổ người, tan gia bại sản. Do đó, muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chân chính, trước tiên phải thực hành pháp Ái ngữ, nghĩa là luôn luôn trong mọi trường hợp, phải dùng lời ôn hòa, dịu dàng, êm ái, thương yêu trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi con người đang lâm vào cảnh hoạn nạn, khổ sở khốn cùng...thì những lời khuyên lơn, vỗ về lại vô cùng quý báu, giá trị, vì nó có thể xoa dịu vết thương lòng và làm cho người ta vô cùng cảm kích, khó có thể phai mờ được. Pháp ái ngữ nhiếp này tương quan chặc chẽ với bố thí vô úy như phần chia chẽ ở trên. Vì khi muốn thí pháp vô úy nói riêng hay pháp bố thí nói chung cho người thì chúng ta không thể không dùng pháp ái ngữ để nhiếp hóa chúng sinh, rồi từ ái ngữ nhiếp này, nhiếp phục lòng người rồi từ trong đó mà ban bố thí pháp vô úy cho chúng sinh.
Lợi hành nhiếp: Lợi hành tức là làm lợi ích cho người khác chứ không phải cho cá nhân hay bản thân mình, mà đôi bên cùng lợi lạc. Hơn nữa, lợi hành nhiếp là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói hay hành động luôn hòa ái, vui vẻ, giải bày, chỉ dẫn những kinh điển, giáo pháp chân chính, khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà phát tín tâm theo ta học đạo. [3]
Ví như, chúng tôi đang theo học Phật pháp, nhận thấy con đường Phật pháp đưa đến phỉ lạc tối thượng. Như chúng tôi hiện tại, nhờ biết và thực hành pháp Phật nên tâm thường an lạc, những cảnh thường tình đau đớn của thân và mọi vật khó chịu xung quanh không còn tác động nhiều đến tâm chúng tôi nữa, đều đó thật vi diệu, thật tuyệt vời. Do đó, chúng tôi tùy hoàn cảnh mình đang ở cấp độ nào, chúng tôi cũng phương tiện tùy duyên đem những pháp mà chúng lợi ích thiết thực mà chúng tôi cảm nhận được, truyền trao, chỉ dẫn, khuyên mọi người (hữu duyên) để mong rằng họ cũng sẽ thực hành và đạt được an vui hạnh phúc như chính chúng tôi vậy.
Hiện tại, chúng tôi đã và đang chỉ dẫn cho gần một trăm em thanh thiếu niên về những giáo pháp căn bản của Phật giáo và điều này đã đem lại niềm vui cho chính chúng tôi và niềm vui cùng lợi ích thiết thực trong hiện tại cho các em, cũng chính điều này giúp chúng tôi ngày càng đi xa hơn trên con đường tu học của mình. Bàn về lợi hành nhiếp, là nhiếp phục người là đem niềm vui, hạnh phúc của mình lợi ích cho người và khi lợi ích cho người, thì chính bản thân mình cũng được phần lợi ích không kém.
Trong cuộc sống, đối với những người giàu có, thì phạn vi hoạt động cho lợi hành càng rộng rãi. Họ có thể xuất tiền của xây dựng trường học, nhà dưỡng lão, nhà tình thương...đó là những việc làm lợi ích thiết thực cho mọi người, từ những việc làm này sẽ cảm hóa được nhân tâm con người, hướng họ đến con đường thanh cao và giải thoát. Bên cạnh đó, những người bình thường không vì không có tiền của dư dã không làm được, mà chúng ta tùy mình ở cấp độ nào thì mình lợi hành nhiếp ở cấp độ ấy, chỉ cần một ý nghĩ tốt, một lời giới thiệu hay cũng có thể giúp được người xung quanh có một cuộc sống tốt hơn... Đây là hạnh tự lợi và lợi tha viên mãn.
Đồng sự nhiếp: Đồng sự nghĩa theo Phật học phổ thông là “tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà lăn lộn vào công việc của họ, cộng tác với họ, để một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo ta đến gần đạo cả”[4].
Ví như, trong môi trường chúng tôi đang tu học và hướng dẫn cho các bạn trẻ , chân thành mà nói, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động...chúng tôi luôn cẩn trọng giữ gìn tác phong, oai nghi, giới hạnh, làm được hết tất cả mọi việc để lấy đó làm thân giáo cho các bạn trẻ và cho cả mọi người chung quanh. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể thu phục được người khác theo ý mình khuyên bảo.
Đây là phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa mọi người quay về con đường đạo chân chính. Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp cũng đều là nhiếp hóa được mọi người, song, nó không thường trực và cũng không có sự ảnh hưởng sâu xa như Đồng sự nhiếp. Vì sao?
Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng; người được ta bố thí, hay lợi hành không phải lúc nào cũng ở bên cạnh ta, mà thỉnh thoảng mới nhận được ân huệ ấy, còn ái ngữ thì chỉ hạn cuộc trong lời nói, dù lời nói ấy đem lại lợi ích thế nào thì nó cũng bị hạn cuộc, giới hạn vậy. Nhưng Đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống trong một hoàn cảnh một nghề nghiệp với ta. Chúng ta luôn gần gũi chung đụng với họ, nên ta thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ; nhờ thế ta có thể giúp ích cho họ một cách có hiệu quả hơn. Lúc này, chúng ta trở thành trụ cột cho họ nương tựa, vì thế ta có thể nhiếp hóa họ một cách dễ dàng.
Như chúng ta thường thấy rằng, dù bất cứ môi trường nào trong xã hội, như gia đình, làng xóm, công ty hay nông trường mà trong ấy có một Phật tử thuận thành, chân chính, gương mẫu thì ở đó mọi người sống với nhau chan hòa, vui vẻ và hành theo Phật giáo rất nhiều, rất mạnh.
Như vậy, qua tứ nhiếp pháp chúng ta thấy rõ bản chất đạo đức Phật giáo là song hành giữa tự lợi và lợi tha thiết thực cho tất mọi người, từ cá nhân cho đến tập thể và đều này làm cho họ hạnh phúc thật sự. Đạo đức Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp, “họ không bao giờ lấy vật không được cho mà họ còn san sẻ, chia sớt, giúp đỡ nhau những tài vật có được, Họ sống với tâm xả ly, với hạnh không dính mắc. Họ nói lời từ hòa, hiền thiện, thuận tai và mát mẻ đôi tai của mọi người. Họ luôn luôn khuyến thiện, hành động thiện để cùng lợi mình lợi người. Họ bình đẳng trong ăn, ở, vui, khổ, không có giai cấp này phục vụ giai cấp kia...luôn lấy bốn pháp tế độ: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự làm thước đo, làm kim chỉ nam, làm pháp hộ trì nâng đỡ, nên đã được thế gian tán thán: “giáo hội của Đức Phật, chư Tăng và các môn đệ sống đoàn kết, hòa hợp, không có phân ly, không có chia rễ...mà sống trong một trật tự, kỷ cương, hòa bình và tương kính, tương ái lẫn nhau”[5].
Vậy, Đạo đức học Phật giáo qua Tứ nhiếp pháp là một pháp môn nhằm xây dựng nhân tâm cho cá nhân, con người và xã hội, cải tiến con người và xã hội một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Nó lấy lợi ích chúng sinh làm căn bản, làm mục đích cho việc tu tập giải thoát cho những ai đang trên đường tu tập hạnh Bồ - tát và tìm cầu an lạc, cứu cánh. Do đó, Đạo đức Phật giáo chính là con đường “Giới, Định, Tuệ”. Nền tảng căn bản của bốn pháp này, đó là “Giới”, từ nơi giới phát sinh “Định”, là suy tư, tìm hiểu, dùng các phương tiện để vận dụng giới làm lợi ích chúng sinh, rồi nhân nơi “Định” mà phát sinh trí tuệ, trí tuệ này phát minh ra các phương pháp, những phương tiện thiện xảo để thực hành giới, như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự... làm lợi ích cho chúng sinh một cách thiết thực, viên mãn nhất. Chia chẻ ra để nói đúng tiến trình của giới, định, tuệ như vậy, song, giới, định, tuệ, luôn chan hòa, phát triển cùng nhau, vì trong giới sẵn có định và tuệ, định và tuệ cũng như vậy. Nhưng, tứ nhiếp pháp chỉ là một trong tất cả giáo pháp của Phật giáo mà qua bốn pháp này thôi, chúng ta cũng có thể hiểu biết và nhận thức được rằng; Đạo đức học Phật giáo chính là nền tảng đạo đức của con người và cả nhân loại trong hiện tại và cả tương lai.
Tác giả: Thích nữ Liên Hoa ***Tài liệu tham khảo 01. Thích Quảng Độ (2014), Phật Quang đại từ điển (tập 1,6), NXB Phương Đông, Cà Mau. 02. Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông (quyển 1, tr.293-304), NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. 03. Hòa Thượng Giới Nghiêm (2014), Kinh Mi Tiên vấn đáp, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. 04. Thích Quang Nhuận (2005), Phật học khái lược (tập 2), NXB Tôn Giáo, Hà Nội. 05. Thích Nhật Từ (2022), Bản chất đạo đức học Phật giáo, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 06. https://giacngo.vn/bon-phap-thu-phuc-long-nguoi-post46063.html 07. https://thuvienhoasen.org/a26708/tu-nhiep-phap
Chú thích [1] Thích Quảng Độ (2014), Phật quang đại từ điển (tập 6), Nxb Phương Đông, Cà Mau, tr. 7507. [2] Thích Quảng Độ (2014), Phật quang đại từ điển (tập 1), Nxb Phương Đông, Cà Mau, tr. 797. [3] Thích Quang Nhuận (2005), Phật học khái lược (tập 2), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 65. [4] Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông (q1), Nxb Phương Đông, TP. HCM, tr. 301. [5] Hòa Thượng Giới Nghiêm (2014), Kinh Mi Tiên Vấn Đáp (2014), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 446.
Bình luận (0)