Giới luật là điều kiện cần thiết cho con người, nhất là trong đời sống có quá nhiều rủi ro và bất an như hiện nay thì việc giữ năm giới chính giữ gìn đạo đức căn bản của một con người, thể hiện mối quan hệ hiểu biết của xã hội.

Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã NCS Ths Phật học Khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh – Tp.HCM

1. Ngũ giới và vấn đề xây dựng đạo đức con người

1.1. Ngũ giới

Ngũ giới (Pañca- sīla) là năm điều ngăn cấm mà Phật chế định cho người phật tử , nhằm để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều ấy là: Không được giết hại; Không được trộm cướp; Không được tà dâm; Không được nói dối; Không được uống ruợu[1]. Đây được xem là nguyên tắc đạo đức hay giới hạnh căn bản của một con người nói chung và một người phật tử nói riêng. Một người trang nghiêm về giới hạnh cần phải hoàn thiện các phẩm chất như lời Phật dạy rằng: Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahanama, là người cư sĩ đầy đủ giới[2]. Vậy nên, hoàn thiện đầy đủ năm phẩm chất đạo đức này, được gọi là bậc chân nhân[3] và đạt được năm điều lợi ích của một người trang nghiêm giới luật[4].

Ngũ giới được xem là nguyên lý đạo đức tối thiểu của một đời sống trọn vẹn và tự nguyện, biểu thị đầy đủ đức tính từ bi, tôn trọng sự sống, hạnh phúc, phẩm hạnh của con người. Nếu con người xem ngũ giới như là đạo đức nền tảng ở đời thì sẽ không có khủng hoảng đạo đức do đời sống thay đổi theo xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Đây chính là lý do mà tổ chức Liên Hiệp Quốc đã lấy “năm giới” do đức Phật chế định làm năm yếu tố hòa bình của thế giới[5].

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển ta có thể thấy “Giới” được chia thành nhiều mức, nhiều lớp tùy đối tượng, trình độ mà có sự tăng giảm số lượng hay các chi tiết của “Giới” để có thể thích ứng với từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Nhưng phổ biến nhất, gần gũi nhất với đạo đức trong cuộc sống xã hội và cũng căn bản nhất của tu sĩ Phật giáo chính là Ngũ giới.

1.2.  Ngũ giới – Nền tảng xây dựng đạo đức con người

1.2.1. Không giết hại

Trong kinh Lăng-già[6], đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không ngừng qua lại trong sinh tử luân hồi, không khỏi có lần làm cha mẹ anh em con cái, thân bằng quyến thuộc nhau. Sang đời khác họ sinh làm thân chim và thú. Vậy thì sao nỡ đem ăn thịt? Từ đây nhìn lại lịch sử, rõ ràng con người đang trong quá trình tiến hóa nhưng có lẽ như các quốc gia giàu có lại cố gắng đẩy lùi tình trạng này theo hướng ngược lại và kết quả chắc chắn là sự hủy diệt hàng loạt cùng những vấn đề con người trực tiếp tạo ra liên quan đến hòa bình và sự cộng sinh của nhân loại. Bởi, “Con người tạo nên mọi thứ, tất cả những buồn đau và bất hạnh cũng như hạnh phúc và thành công của mình. Những người khác có thể sử dụng ảnh hưởng vì cuộc sống của họ, nhưng chính con người ấy lại tạo ra nghiệp của mình. Cho nên người ấy chịu trách nhiệm về những hậu quả”[7]. Vậy nên, những việc làm của con người trong quá khứ là nhân đưa đến quả đời sống hôm nay, những tạo tác hôm nay sẽ là nền móng kiến tạo một cảnh giới trong tương lai mà ở đó mỗi người tự nhận lấy cho riêng mình. Đây là sự bình đẳng tuyệt đối, bình đẳng trên vấn đề nghiệp lực.

Quan điểm đạo Phật, sự khổ đau của các loài sinh vật do con người tạo ra phải được xác định là một vấn đề đạo đức. “Định luật nhân quả trong lĩnh vực tinh thần đạo đức là Nghiệp Báo, Kamma”[8]. Cho nên quan điểm không giết hại của Phật giáo không chỉ giúp cho mỗi cá nhân tìm được bình an ở thân và tâm mà về phương diện xã hội được xem là nguyên tắc về Bảo vệ Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Tôn chỉ về việc cư xử đối với các sinh vật khác loài người được nêu ra ở mục “Quan tâm đến quả đất” (Gland Switzerland, 1991) xác nhận: “Con người phải đối xử nhẹ nhàng đối với mọi loài vật và bảo vệ chúng khỏi sự tàn ác, khổ đau có thể tránh được và giết hại không cần thiết”[9]. Do đó, không sát sinh không những thể hiện thái độ tôn trọng sự công bằng, tôn trọng Phật tính bình đẳng của muôn loài mà còn là tránh nhân quả báo ứng.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ung Dung Ngu Gioi Thuc Hanh Dao Duc 1

1.2.2. Không trộm cướp

Với con người, sống nghĩa là sống với kiến thức và giá trị đời sống[10]. Vậy kiến thức và giá trị đời sống đó nằm ở đâu? Khi các giá trị của sự vật không thường trụ như chúng ta muốn. Ngày nay các thảm họa ở nhiều khía cạnh khác nhau do con người tạo ra đã xuất hiện, trong đó chiến tranh là mối đe dọa đáng sợ nhất[11]. Các cuộc chiến tranh giành từng tất đất xảy ra ở nhiều nước trên thế giới dù có mang mỹ từ như “Nỗ lực nhân đạo” hay “trừng phạt kinh tế” đi chăng nửa thì bản chất cũng là lấy những thứ không phải của mình. Cho nên, “Không trộm cắp” nhìn từ góc nhìn Phật giáo chính là đảm bảo tính công bằng và hướng tâm con người thoát khỏi ba độc tham, sân, si vốn được xem là nguồn gốc của mọi khổ đau như trong Kinh Tương Ưng, đức Phật dạy rằng:

Tham sân si ba pháp

Là ác tâm cho người

Chúng di hại tự ngã

Chúng tác thành tự ngã

Như vỏ và lõi cây

Tự tác thành trái cây[12].

Từ việc ý thức những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra do chạy theo các giá trị của đời sống, chúng ta không được lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Bởi, giá trị đạo đức của con người là biết sống thiện, tức là sống đạo đức bằng sự nỗ lực tinh cần làm ra của cải vật chất bằng chính sức lao động của mình “do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, do thâu hoạch đúng pháp”[13]. Được như vậy, chúng ta mới bảo đảm sự công bằng về sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất của mỗi cá thể, của một cộng đồng. Chẳng hạn như vấn đề ăn cắp chất xám của người khác hiện nay đã được xem là vấn đề vi phạm đạo đức và được pháp luật bảo hộ. Hơn bao giờ hết, với xã hội nhiều cám dỗ của thời đại 4.0 chúng ta cần học cách sống thiểu dục tri túc, bằng lòng với những gì mình đang có, không chạy theo dục vọng mà đưa đến khổ đau cho mình, cho người. Đặc biệt, cần nỗ lực thực tập chính mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi người, mọi loài, bảo hộ được trái đất và chấm dứt những nguyên nhân khiến con người rơi vào cảnh khốn cùng, không lối thoát.

1.2.3. Không tà dâm

Trong kinh Tiểu bộ[14], đức Phật kể câu chuyện con sư tử bị làm nhục cho ta thấy sự quý trọng tiết tháo đôi khi còn quan trọng hơn cả sinh mạng của chính mình. Những liên hệ tình dục do sự thèm khát gây nên luôn mang tới những hệ lụy khổ đau và đổ vỡ cho mình, cho người. Do đó, không được tà dâm chính là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản của một con người, định hình nên phẩm chất của một con người.

Từ việc ý thức được những khổ đau do bị mất tiết hạnh gây ra chúng ta cần thực tập theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Chẳng hạn như làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Mặc dù pháp luật đã có nhiều phương án răn đe, kiểm soát vấn nạn liên quan đến các hành vi mua bán dâm, làm tha hóa đạo đức con người nhưng vẫn chưa triệt để. Bởi nguyên nhân gốc rễ chính nằm nơi con người. Do đó, con người cần tự ý thức trong việc vận dụng những lời Phật dạy trong việc chuyển hóa dục vọng, làm chủ bản thân như: Đừng nhìn chúng, xem như người thân, quán vô thường và quán bất tịnh hay suy niệm về bản chất của dục,…[15]. Chính việc chuyển hóa sẽ giúp ta thấy được sự thật thân tâm nhất như, cũng như phát triển các đức tính: Từ, Bi, Hỉ Xả trong mỗi người. Đây là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực, làm tăng trưởng hạnh phúc đích thực của mình và người khác. Điều này cũng được xem là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng xã hội phát triển lành mạnh.

1.2.4. Không nói dối

Lời nói là phương tiện để giao tiếp nhưng lời nói thiếu chính niệm và thiếu khả năng lắng nghe sẽ mang lại khổ đau cho mình và người. Trên con đường tìm cầu sự giác ngộ chúng ta cần phải học cách nói: Thấy nói thấy, nghe nói nghe, cảm giác nói cảm giác, thức tri nói thức tri[16]. Vì, Bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng[17]. Điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được nhà văn học Herman Hess công nhận như sau: “Đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà ngài giảng dạy. Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, đức Phật đã thể hiện lời nói của mình thành hành động”[18]. Do đó, không nói dối được xem là nguyên tắc nói đúng sự thật trong giáo lý Phật. Hay nói cách khác sự chân thành chính là kết quả của nghệ thuật sống gồm đủ hai yếu tố từ bi và trí tuệ[19].

Đạo Phật là đạo như thật và luôn tôn trọng sự thật nên trong kinh Giáo giới La-hầu-la đức, đức Phật dạy rằng: Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi[20] vì  hậu quả của việc nói dối là vô cùng tai hại, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng của mình và của người khác. Thực tế đã chứng minh điều này khi việc nói dối trở nên phổ biến, đôi khi còn được xem là phương tiện để thu lợi bằng cách tạo ra những video, những trang web với những bài đăng giật “title” với mục đích câu like, câu view làm cho nhiều nạn nhân không chỉ bị ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm mà còn bức họ đến việc phải tự sát vì sự đàm tiếu của dư luận. Cho nên lời nói nếu không được kiểm soát bởi chính niệm rất có thể trở thành “vũ khí” nguy hiểm do con người tạo tác mà chính con người ngày nay đang đối mặt.

Không những không được nói dối,“Trong đạo Phật, đạo đức của ngôn ngữ thể hiện ở sự ái ngữ”[21]. Hạnh “Ái ngữ” chính là một trong bốn phương pháp nhiếp hóa và thu phục lòng người. Do đó, “Ái ngữ” và “Lắng nghe” được xem là phương cách tu thân của Phật giáo nhằm hiến tặng niềm vui, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Từ đó nuôi dưỡng khả năng hiểu biết, thương yêu, hạnh phúc và không kỳ thị nhằm làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi đang có trong chiều sâu tâm thức của mỗi người. Nhất là thời đại xã hội toàn cầu hóa hiện nay thì việc nổ lực thực tập truyền thông bằng ái ngữ, làm chủ khẩu nghiệp của mình trong gia đình, nhà trường và xã hội là cách thiết thực rèn luyện lối sống đạo đức cho mỗi người.

1.2.5 Không uống rượu

Phật chế giới không uống rượu nhằm bảo toàn hạt giống trí tuệ và ngăn ngừa những nguyên nhân sinh ra tội lỗi. Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt nói đến bốn cửa làm tiêu phí tài sản: “Đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc; bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác, giao du kẻ ác”[22]. Tuy nhiên ngày nay nhiều người cho rằng rượu là phương tiện giúp công việc dễ dàng, thuận tiện hơn. Bởi họ chưa ý thức được những khổ đau do tác hại của rượu cũng như các chất kích thích khác gây ra. Do đó, việc học cách chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chính niệm trong việc ăn uống như trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy rằng:

Con người thường chính niệm

Được ăn, biết phải chăng

Chừng mực, cảm thọ mạnh

Già chậm, tuổi thọ dài[23]

Đây được xem là lời dạy thiết thực của đức Phật dành cho đời sống con người ngày nay.

Bên cạnh đó cần nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Bởi, xã hội hiện đại không chỉ uống rượu hay sử dụng các chất kích thích mới mang lại độc đố mà độc tố còn đến từ các phương tiện truyền thông như: phim ảnh, sách báo, ... đã làm cho thế giới đang mất quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa hưởng thụ và đạo đức nên việc thực hành chính niệm, tập nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật được xem là phương pháp tu dưỡng đạo đức con người.

Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa cuộc đấu tranh giữa chính và tà, giữa thiện và bất thiện, giữa phước đức và tội lỗi sẽ càng tinh vi hơn, khó khăn hơn. Cho nên “con người được coi là có đạo đức hiện nay phải là người có năng lực lao động tự giác, làm việc hết mình vì trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”[24]. Ý thức lời Phật dạy, đặc biệt là duy trì và thực hành năm giới chính là việc làm thiết thực trong việc xây dựng và vun bồi nền đạo đức căn bản của một con người.

2. Giá trị của Ngũ giới trong việc xây dựng đời sống đạo đức con người

Về căn bản, con người cần thức ăn đạo đức cho đời sống tinh thần của mình[25]. Nhất là trong xã hội mang đầy tính bất trắc bởi dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, … thì việc thực hành năm giới sẽ giúp con người tránh được những khổ đau như đức Phật khẳng định rằng: “Từ bỏ không sát sinh, … là tiền đề để vượt thoát mọi sự sợ hãi trong cuộc sống hiện tại”[26]. Bởi khi giới được trong sạch thì tâm con người sẽ được nhẹ nhàng, tự tại. Cho nên giới là thềm thang đưa lên cõi trời, là cửa ngõ dẫn vào thành Niết-bàn[27]. Điều này trong bản sớ giải Shan-Chien-P’i-P’o-Sha do Sanghabhadra thực hiện nhấn mạnh, giải thích rằng: “Nhờ giữ giới con người xa lánh điều ác; do xa lánh điều ác, con người không hối hận, tâm được hân hoan; do tâm hân hoan, hỷ lạc sinh khởi; do hỷ lạc, định sinh khởi; do định sinh khởi, minh trí sinh khởi [...] ; do trí tuệ và minh giải thoát, Niết-bàn được chứng đắc”[28].

Như vậy, ta thấy rằng đức Phật không thiết lập Giới luật ngay từ đầu bởi giáo pháp của Ngài đã có đầy đủ các yếu tố cần thiết để con người sống phù hợp với quy luật tự nhiên, không gây chướng ngại cho tự thân và người khác. Trong ý nghĩa này ta thấy ngũ giới mang đến cho con người những giá trị rõ ràng, thiết thực như: tạo ra một sự an ninh về của cải tài sản, lòng tiết hạnh của một người, một sự giao tiếp chân thật, và một cấp độ cao về tâm trí sáng suốt, không bị lu mờ như trong tác phẩm “Đạo đức và hạnh phúc con người”. Cố Hòa thượng Thích Minh Châu nhấn mạnh rằng: Trong ý nghĩa tổng quát và căn bản để đánh giá hành động; loại trừ những sai lầm, khổ đau, tiến đến hạnh phúc tối hậu thì Phật học chính là đạo đức học. Đây chính là ý nghĩa thực tiễn nhất của giáo lý Phật giáo vậy[29].

Năm giới do đức Phật chế định không những làm tăng trưởng lòng thiện của từng cá nhân mà còn góp phần kiến tạo nên một xã hội tốt lành – một xã hội gồm những cá nhân đầy tự tin và biết tôn trọng đời sống lẫn nhau. Vậy nên những nội dung về ngũ giới đều là những nội dung quan trọng về nhận thức và điều chỉnh hành vi của con người như con người phải hiểu và vận dụng sáng tạo những giá trị đạo đức thông qua lối sống hướng thiện, duy trì và thực hành theo lời Phật dạy để hạn chế hành vi bất thiện được biểu hiện qua thân lời và ý để hướng đến sự bình đẳng, hạnh phúc chung cho nhân loại.

Kết luận

Giới luật là điều kiện cần thiết cho con người, nhất là trong đời sống có quá nhiều rủi ro và bất an như hiện nay thì việc giữ năm giới chính giữ gìn đạo đức căn bản của một con người, thể hiện mối quan hệ hiểu biết của xã hội. Vậy nên, cần loại bỏ những ngộ nhận không đúng với tinh thần của giới luật do đức Phật chế định. Thay vào đó chúng ta nên xem việc giữ giới chính như đang giữ hạnh phúc cho chính mình và cho người khác vậy.

Bên cạnh đó, có thể thấy mặc dù không có từ “đạo đức” trong các bản kinh nhưng thông qua những lời dạy của đức Phật đối với chúng đệ tử ta luôn tìm ra được đâu là nguyên nhân và giải pháp tận gốc các vấn đề liên quan đến sự khủng hoảng đời sống con người, nhất là về mặt đạo đức của xã hội đang có xu hướng toàn cầu hóa. Vậy nên, năm giới nói riêng và những lời Phật dạy nói chung luôn có giá trị thiết thực, hiện tại đúng như cố Hòa thượng Chơn Thiện nhận định rằng: “Chừng nào còn khổ đau, con người còn cần kiên nhẫn lắng nghe từng bài kinh Phật để thấy rõ “con đường và thực hiện“con đường”. Đây là tiếng nói siêu triết lý, siêu tôn giáo và siêu xã hội mà nhân loại đang cần”.

Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã NCS Ths Phật học Khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh – Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Kinh Trường Bộ, tập I, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991. 2. Kinh Trung Bộ, tập I, II, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992. 3. Kinh Tương Ưng Bộ, tập I và V, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993. 4. Kinh Tăng Chi Bộ, tập II và III, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996. 5. Kinh Tiểu Bộ, tập I và V, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991. 6. Lời Phật dạy (Kinh Pháp cú –Dhammapada) – Nhiều tác giả, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM, 2014. 7. Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, quyển 2, Nxb. Tp. HCM, 1997. 8. Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2013. 9. Nguyễn Duy Quý (chủ biên), Đạo đức ở xã hội nước ta hiện nay – vấn đề và giải pháp, 2006, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10. Thích Chơn Thiện, Tìm hiểu Trung bộ kinh, tập II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2017. 11. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018. 12. Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000. 13. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, Thích Tâm Ngộ (dich), Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2009. 14. Thích Minh Châu, Đạo đức và hạnh phúc con người, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002. 15. Thích Hành Trụ, Sa di luật giải, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016. 16. Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ Thông, Quyển 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 17. Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, Nxb. Tôn Giáo, 2004. 18. Thích Chúc Phú, Vài vấn đề Phật giáo và nhân sinh, Nxb. Hồng Đức, 2013. 19. Thích Tâm Quang, Những Viên Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2002. 20. Thích nữ Trí Hải (dịch), Thanh tịnh đạo, 2 tập, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000. 21. Viên Trí, Ý nghĩa giới luật, Nxb. Phương Đông, 2016. 22. Viên Trí, Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2011. 23. Thích Trí Thủ, A. Billing- J.C Cleary – Phương Thuần, Bước đầu học Phật, Giao điểm, 2002. 24. Đại lễ Phật đãn Vasar Liên Hợp Quốc 2019, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn Giáo, 2019. 25. Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích nữ Trí Hải (dịch). Nguồn: https://thuvienhoasen.org. Truy cập ngày 10/09/2022. 26. https://phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 10/09/2022. 27. Journal of Transformative Education, The Buddha in the Classroom: Toward a Critical Spiritual Pedagogy, 2007. 28. Elizabeth J. Hariss, Bạo lực và rạn nứt trong xã hội, Hội xuất bản Pháp Luân (Well Publication Society), Kandy, 1994, tr.2.

CHÚ THÍCH [1] Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ Thông, Quyển 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.72. [2] Kinh Tương Ưng Bộ, tập V, Kinh Mahanama, Nxb. Tôn Giáo, Hà nội, 2002, tr.575. [3] Kinh Trường Bộ, tập I, Kinh Đại bát Niết-bàn, VNCPHVN, 1991, tr.561-562. [4] Kinh Tiểu Bộ, tập I, Kinh Phật tự thuyết, tr.277-279. [5] Đại lễ Phật đãn Vasar Liên Hợp Quốc 2019 Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019. [6] Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, Thích nữ Trí Hải (dịch), Chương VIII: Cấm ăn thịt. Nguồn: https://thuvienhoasen.org. Truy cập ngày 10/09/2022. [7] Thích Tâm Quang, Những Viên Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2002, tr.209. [8] Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch), Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2013, tr.324. [9] Đại lễ Phật đãn Vasar Liên Hợp Quốc 2019, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, tr.140. [10] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, Thích Tâm Ngộ (dich), Nxb. Phương Đông, 2009, tr.110. [11] Elizaberth J. Hariss, Bạo lực và rạn nứt trong xã hội, Hội xuất bản Pháp Luân (Whel Publication Society), Kandy, 1994, tr.2. [12] Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.218. [13] Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.662. [14] Kinh Tiểu Bộ, tập V, Nxb. Tp. HCM, 2011, tr.170-174. [15] Thích Chúc Phú, Vài vấn đề Phật giáo và nhân sinh, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr.249-259. [16] Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Kinh cách thức nói, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.286. [17] Kinh Trường Bộ, tập I, Kinh Đại bát Niết-bàn, VNCPHVN, 1991, tr.540. [18] Hòa thượng Thích Trí Thủ, A. Billing- J.C Cleary – Phương Thuần, Bước đầu học Phật, Giao điểm, 2002, tr.74. [19] Viên Trí, Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2011, tr.217. [20] Kinh Trung Bộ, tập II, Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala, VNCPHVN, 1992, tr.174. [21] Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, tr.537. [22] Kinh Trường Bộ, tập II, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, VNCPHVN, 1991, tr.532-533. [23] Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, Kinh Đại thực, VNCPHVN, 1993, tr.187. [24] Nguyễn Duy Quý (chủ biên), Đạo đức ở xã hội nước ta hiện nay – vấn đề và giải pháp, 2006, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.101. [25] Journal of Transformative Education, The Buddha in the Classroom: Toward a Critical Spiritual Pedagogy, 2007. [26] Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Kinh Không sợ hãi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.639. [27] Thanh tịnh đạo, tập I, Thích nữ Trí Hải (dịch), tr.18 [28] P. V. Bapat & A. Hirakawa, Shan-Chien-P’i-P’o-Sha, tr. 77-78. [29]  Thích Minh Châu, Đạo đức và hạnh phúc con người, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr.2.