Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Đối chiếu tư tưởng Socrates và đạo đức Phật giáo

Đối chiếu tư tưởng Socrates và đạo đức Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành
Chùa Kim Phú, xóm 5, thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Tp.Quảng Ngãi

Trước thời Socrate, các triết gia Hy Lạp cổ đại hầu như quan tâm đến các công trình nghiên cứu về thế giới tự nhiên điển hình như: Démocrite, Protagoras, Anaxagorer… Tuy nhiên, sự xuất hiện của Socrates đã đi ngược lại hoàn toàn tư duy triết học của các nhà triết gia đương thời. Socrates là một trong những triết gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời nên quan tâm đến bản chất của con người. Theo ông, con người là đối tượng đáng được quan tâm hơn và những gì liên quan đến con người cần phải hiểu biết rộng hơn. Bởi lẽ đó, ông luôn đề cao đạo đức và phẩm chất của con người. Người có đạo đức là người có tri thức có hiểu biết, mọi tri thức có liên quan đến bản chất và cuộc sống của con người đều đáng được sở hữu và cần phải được tích luỹ. Do đó, ông thường khuyên mọi người “hãy tự biết lấy mình” nghĩa là tự hiểu chính mình và biết những vấn đề liên quan đến mình để ứng xử với mọi người xung quanh cho hợp tình hợp lý. Tư tưởng đạo đức của Socrates là một tư tưởng rất đặc biệt trong hệ thống triết học Hy Lạp cổ đại. Sự đặc biệt này, được thể hiện qua cuộc đời bởi lối sống đẹp và phong cách tư duy riêng biệt của ông.

Trên thực tế, người viết nhận thấy đã có không ít tác phẩm viết về Socrates tuy nhiên vẫn chưa có tác phẩm nào đề cập đến sự tương đồng và dị biệt giữa tư tưởng đạo đức của Socrates và Phật giáo. Chính vì vậy, bài viết này sẽ trình bày rõ về vấn đề: “Đối chiếu tư tưởng Socrates và đạo đức Phật giáo”.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Socrates 1

1. Khái quát về Socrates

Socrates là một triết gia Hy Lạp người thành Athens, sinh vào năm 469, mất vào năm 399 Tr.CN. Vì ông xuất hiện trong giai đoạn hưng thịnh của thành phố Athens nên đã tiếp thu được một nền tri thức của Hy Lạp cổ đại và trở thành nhà tranh luận sôi nổi trong bầu không khí học thuật sôi nổi lúc bấy giờ.

Socrates xuất thân trong một gia đình nghèo, cha là Sophroniscus, một người thợ tạc tượng; mẹ là Phaenarete, một người đỡ đẻ [1]. Chính nghề nghiệp của mẹ đã truyền cảm hứng cho việc truy tìm chân lý của ông. Cho nên công việc “hộ sinh tinh thần” mới là lý tưởng theo đuổi suốt trọn đời ông.

Thuở trẻ, Socrates đầu tiên theo học Anaxagoras, một triết gia tự nhiên giải thích vũ trụ bằng loại nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, Socrates không theo lý thuyết của Anaxagoras mà chỉ lôi cuốn vào lý luận có một tinh thần vô hạn. Khi Anaxagras bị bắt vì tội bán thần và phải bỏ trốn khỏi Athens, ông lại theo học Archelaus-học trò của Anaxagoras. Sau đó, ông còn lui tới với một số triết gia được gọi chung là biện sĩ, về sau ông cũng bị phỉ báng như một biện sĩ.

Đến khoảng năm 40 tuổi, Socrates mới xuất hiện như một nhân vật công chúng tại Athenes, nổi tiếng về năng lực trí tuệ qua lời phán của thần Apollo ở đền Delphi: “Không ai có hiểu biết hơn Socrates trên đời này cả” [2]. Tuy nhiên, được đề cao bản thân đến vậy nhưng ông vẫn luôn cho mình là kẻ đốt nát, đi khắp nơi tìm người thông thái hơn mình, cuối cùng ông chứng ngộ rằng sự hiểu biết mà thần nói chính là “Tự biết rằng mình không biết gì cả” [3]. Đồng thời, ông nhận ra rằng: “Hãy tự biết mình, rồi tự khắc sẽ biết cả vũ trụ lẫn thần thánh” [4]. Vì vậy, ông xác định sứ mệnh suốt phần đời còn lại là làm sao cho người đời tìm thấy con người.

Đến năm 50 tuổi, ông mới cưới vợ là bà Xanthippre, nổi danh là bà vợ hung dữ, khó tính. Khác với những biện sĩ đương thời bán trí kiếm tiền, ông dứt khoác dạy miễn phí nên không bao giờ đem được đồng nào về nhà. Không rõ bà vợ hay la lối là vì ông không chịu thương mại hóa giáo dục hay không, nhưng ông thấy một chân lý sáng giá rằng: “Nên lấy vợ, gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành triết gia; đàng nào cũng có lợi!” [5].

Đến năm 399 Tr. CN, Socrates bị Gritas, nhà bạo chúa thứ 10 đồng ý xử ông tội tử hình với 3 nguyên nhân: Sự vô thần, việc du nhập các thần linh mới và làm suy đồi thanh niên [6]. Xét ở góc độ trên, Socrates phạm vào tội chính trị nên bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Vào thời đó, án tử hình cũng hiếm và ông vẫn có thể thoát chết nếu xin chừa hoặc bỏ trốn. Tuy nhiên, ông xác định xin chừa là phản bội sứ mệnh bảo vệ chân lý và bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Cuối cùng, ông chọn lấy cái chết, ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ. Diễn biến cái chết của Socrates với những lời biện hộ bất hủ của ông trước tòa đã trở thành bản tuyên ngôn đầu tiên của tri thức, về sau đã được đệ tử ông là Plato đã tường thuật lại một cách rõ ràng trong tác phẩm Đối thoại Socrates. Cái chết với chén thuốc độc được xem là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời ông, tuy nhiên sau cái chết đó tư tưởng và tên tuổi của ông đã được lên đến đỉnh điểm trong nền triết học Hy Lạp cổ đại.

Tư tưởng của Socrates là một hệ thống triết học rất quan trọng không thể thiếu vắng trong nền triết học Hy Lạp cổ, cho nên triết học trong giai đoạn này lấy tên của ông làm điểm mốc để phân kì. Như giáo sư Michel Foucault đã từng nhận định trong bài giảng tiết học tại College de France:“Đã là giáo sư triết thì ít nhất cũng phải một lần trong đời dạy về Socrates và cái chết của Socrates” [7]. Ngoài ra, Socrates còn được xem là một trong ba ông tổ của nền triết học phương Tây nhưng ông không để lại tác phẩm nào. Bởi lẽ đó, người ta chỉ biết đến Socrates ngang qua sự ghi chép và bình luận của các học trò của ông như Platon, Xenophone và Aristophane.

2. Khái quát tư tưởng đạo đức của Socartes và đạo đức Phật giáo

Tư tưởng đạo đức của Socrates

Nếu Thales là triết gia đầu tiên bắt đầu nhìn ra thế giới thì Socrates là triết gia và hiền giả vĩ đại nhất bắt đầu nhìn vào con người. “Hãy tự biết lấy mình” được khắc trên đền Delphi đã trở thành lời tuyên xưng của một quan niệm mới về triết học. Thay vì bàn chuyện cao xa như thế giới, vũ trụ; ông lại quan tâm đến cuộc sống của con người. Vì ông tin rằng: “Mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàn làm theo lẽ phải nếu được tỉnh thức” [8]. Cho nên Socrates đã đi vào lịch sử triết học với tư cách là nhà triết học đạo đức đầu tiên với việc ông tìm kiếm định nghĩa thế nào là tốt, thiện xung quanh các vấn đề về con người.

Một trong những câu hỏi cơ bản về đạo đức thường đặt ra là cuộc sống tốt đẹp là gì? Quan niệm của ông về cái đẹp cuộc sống là “Sống tự xét mình và xét người, bởi vì sống không suy xét không đáng gọi là sống” [9]. Ông đã đưa ra một quan điểm sống cụ thể cho lối sống chân mỹ dựa trên sự quán xét mình và người hay nói cách khác là biết mình biết người để thấu hiểu, thông cảm nhau hơn. Sự suy xét là sự hiểu biết bằng tri thức có được.

Socrates đề ra phương pháp mới mẻ tiếp cận tri thức sử dụng khái niệm hồn (psyche) để mô tả thực trạng tri thức bên trong con người. Hồn là khả năng của sự thông minh và tính khí; nó là tính cách có ý thức của một người. Hồn là một phần trong con người, nhờ vào nó mà được xem khôn hay ngu, tốt hay xấu. Đây là cơ sở vững chắc để ông xây dựng tòa nhà tri thức. Bởi lẽ đó, ông xác chứng rằng người ta có thể đạt tới tri thức chắc chắn và đáng tin cậy [10].

Trên thực tế, tri thức ấy không phải là một thứ tri thức nói suông mà có được thông qua phương pháp “hộ sản trí tuệ” của Socrates. Phương pháp này có nhiều tên khác nhau như phương pháp biện chứng Socrates (Socrates dialectics), phương pháp Socrates “Socratic method”, phương pháp bà đỡ, phương pháp trợ sản về mặt tinh thần… Socrates dùng phương pháp thoại vì ông tin đây là cách đảm bảo nhất đạt được tri thức chắc chắn [11]. Bởi lẽ đó, ông không rao giảng khắp nơi mà thuyết phục người khác bằng phương pháp truy vấn. Theo đối thoại Socrates đã thuật lại phương pháp này như sau: “Bằng những câu hỏi, Socrates giả vờ mướn kẻ trò chuyện truyền cho ông kiến thức hay sự hiểu biết của y, nhưng thực sự là qua cuộc chơi vấn đáp kẻ trò chuyện này khám phá ra rằng y không có kiến thức gì hay hiểu biết nào để dạy cho Socrates hết cả; thế là y theo học Socrates, thực ra là từ nay y muốn được dẫn dắt bởi ý thức về sự không biết” [12]. Phương pháp này còn gọi là biện chứng pháp, cốt yếu đặt câu hỏi liên tục để thấy được sự mâu thuẫn trong câu trả lời, qua đó để người trả lời thấy được sự ngu dốt của mình. Ông đòi hỏi học trò muốn nhận biết sự vật thì phải biết sự vật đó là gì “nắm được khái niệm là nắm được bản chất của sự vật” [13]. Cho nên tìm ra chân lý vốn bị che khuất bởi sự mơ hồ mê muội bằng việc nhận thấy giá trị đạo đức rõ ràng từ các khái niệm về công bằng, dũng cảm, thiện và ác, cái đẹp… Với phương pháp hộ sinh trí tuệ này, chính bản thân Socrates cũng tự ví mình là “bà đỡ”, tự cho rằng mình như “một con ruồi trâu trên lưng ngựa, để thức tỉnh, quở trách và thuyết phục mỗi công dân thành quốc, bất kì lúc nào và bất cứ ở đâu, không ngừng không nghỉ” [14]. Sứ mệnh của mình theo ông như Thần đã trói buộc mình vào quốc thành Athene nên khó có thể thay đổi được.

Bởi lẽ đó, tư tưởng của Socrates đứng trên lập trường tri thức là đức hạnh hay nói cách khác đức hạnh và tri thức là một. Điều đó có nghĩa là đức hạnh đồng hóa với tri thức nên có thể đạt được qua quá trình tiếp thu bởi sự giảng dạy. Ông đã đi khắp nơi giảng dạy điều mình biết được cho mọi người, tuy nhiên, việc giảng dạy đó không phải là nghề mưu sinh trá biện như các biện sĩ thường đem ra dạy bảo.

Tư tưởng đạo đức của Socrates đã tạo nên bước ngoặc mới, đã phá vỡ hoàn toàn những gì các nhà triết gia trước thời ông với tư tưởng tự cho rằng : “Phần lớn thiên hạ cho rằng tri thức không có sức mạnh và không thể hướng dẫn chỉ đạo; có lẽ vì vậy người ta chẳng hề bận tâm với nó. Mặc dù không hiếm khi đạt được tri thức, họ vẫn quả quyết rằng không phải tri thức dẫn họ. Mà một cái gì đó khác như dục vọng, khoái cảm, tình yêu, sợ hãi, buồn rầu. họ nghĩ tri thức như một tên tù nhân, ai cũng muốn lôi léo về phần mình” [15].

Tư tưởng đạo đức của Phật giáo

Sau khi thành đạo, đức Phật đã đi giáo hóa chúng sinh, tất cả những lời dạy dù trực tiếp hay gián tiếp thì đều liên hệ đến vấn đề đạo đức. Cho nên nói đến đạo đức Phật giáo gồm những đặc tính sau:

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống từ bi đem lại hạnh phúc an lạc cho mọi loài chúng sinh đặc biệt là con người. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy các đệ tử:” Này các Tỳ kheo! Hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” [16]. Lời tuyên bố của đức Phật đã nêu rõ niềm ước nguyện tha thiết đem ánh từ bi vào đời cứu độ quần sinh, đem lại niềm an vui cho tất cả chúng hữu tình. Bên cạnh đó, đức Phật cũng đã từng dạy: “Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ” [17]. Ngài đã cặn kẽ chỉ ra phương pháp để chúng sinh nhận diện sự khổ và tìm ra phương thức thoát khổ cho cuộc đời này bằng các phương pháp tu tập khác nhau tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người như tứ niệm xứ, bát chính đạo, tam vô lậu học…

Bên cạnh đó, đạo đức Phật giáo là một nếp sống đề cao con người, đưa con người lên vị trí cao nhất. Đức Phật xác định con người có thể tự tu tập mà chứng đắc giác ngộ thoát khỏi luân hồi sinh tử. Điều này thể hiện qua sự chứng nghiệm tự thân của đức Phật trong cái thân con người bằng xương bằng thịt. Với thân con người, Ngài tự tu khổ hạnh tự mình hành thiền cho đến khi đạt đến phạm hạnh tối thượng, chứng ngộ hoàn toàn mà không nhờ bất kì một tha lực nào khác.

Ngoài ra, đạo đức Phật giáo là một nếp sống dựa trên giáo lý vô thường, nhân quả, vô ngã, vị tha… Về vô thường, vô ngã, trong kinh Trung bộ đức Phật dạy: “Sắc là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay lạc? Cái gì vô thường, khổ chịu sự biến hoại, liệu có hợp lý chăng nếu xem sắc là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi”, “Cái này không phải của tôi, không phải tôi, không phải là tự ngã của tôi” [18]. Vì thấy được vô thường, vô ngã nên sống trong vị tha không chấp trước vào người và ta, thấy mình với chúng sinh là một. Từ đó, đạo đức Phật giáo đưa đến là nếp sống của từ bi vị tha. Như kinh Trung Bộ dạy:

“Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu” [19].

Như vậy, đạo đức Phật giáo là một nếp sống hướng thiện dựa trên nền tảng của từ bi và trí tuệ với các giáo lý như vô ngã, vị tha… nhằm đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tự thân và tha nhân.

3. Điểm tương đồng và dị biệt trong tư tưởng của triết gia Socrates và Phật giáo về đạo đức

Socrates tuy là một triết gia phương Tây nhưng ông đã đưa ra những quan điểm về đạo đức tạo chấn động lớn cho nền triết học thời Hy Lạp cổ lúc bấy giờ. Đồng thời, tư tưởng về đạo đức của Socrates đã có những điểm tương đồng và dị biệt với đạo đức Phật giáo.

Điểm tương đồng

Đạo đức Phật giáo và đạo đức Socrates đều lấy con người làm đối tượng của triết học. Nếu Socrates với lời khẳng định “Hãy tự biết lấy mình” thì Phật giáo với khẳng định “Hãy sống tự mình làm hòn đảo của chính mình, đừng nương tựa ai khác” [20].

Theo Socrates triết học là con đường duy nhất làm cho tâm hồn chúng ta trở nên thanh cao xa lánh được những dục vọng, khoái cảm, khiếp sợ của cuộc đời. Cho nên ông luôn dạy học trò của mình trở thành một triết gia chân chính không như các nhà ngụy biện lấy tiền làm mục tiêu và luôn dạy học trò mình cách kiếm tiền. Socrates đã tự hình thành cho tự thân tư duy về sự buông xả không chấp vào tiền tài danh vọng địa vị, điều này thể hiện rõ qua của ông khi lang thang khắp thành Athene để hướng dẫn các thanh niên nhưng dạy hoàn toàn miễn phí thậm chí không đem được đồng tiền nào cho vợ nên suốt ngày bị vợ mắng chửi. Bởi lẽ đó, hình ảnh của Socrates có gì đó tương đồng trong dáng dấp của đức Phật, một thầy tỳ kheo đi chân đất khất thực đi từ thành này đến thành khác tùy duyên hóa độ chúng sinh mà không mong cầu điều gì. Thậm chí để đạt được chí nguyện của mình Ngài đã rời bỏ đời sống vinh hoa của hoàng tộc, rời xa vợ đẹp con thơ để lên đường đi tìm lý lẽ của cuộc đời để tìm thấy con đường giải thoát cho tự thân và đem lại lợi ích cho thế nhân.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Socrates 2

Ảnh: St

Ngoài ra, cuộc đời Socrates đã dạy nhiều học trò nhưng ông không để lại bất kì tác phẩm nào cả. Tất cả những tác phẩm viết về Socrates đều do các học trò của mình viết và dựng nên để giải thích thêm về cuộc đời, cái chết, những bài giảng của ông. Trong số những tác phẩm về Socrates chỉ có các tác phẩm của Plato, Xenophon, một bức truyện tranh của Aristophanes và những tác phẩm về sau này của Aristotle kể lại về cuộc đời của Socrates. Bản thân Socrates không để lại tác phẩm nào cả nhưng những hành động, những biện hộ và những lời nói về sự thật đã tác động lớn trong việc truyền cảm hứng, thay đổi tư duy nhận thức cho hàng đệ tử đương thời và hàng hậu học ngày nay. Cuộc đời Socrates nếu nhìn qua lăng kính Phật giáo là cuộc đời của con người đạo đức dựa trên nền tảng giáo lý vô ngã. Nếu nhìn góc độ nào đó thì Socrates có sự tương đồng với đức Phật bởi đức Phật cũng không viết hay để lại bất cứ tác phẩm nào, tất cả kinh luật luận ngày nay chúng ta đọc được là do các đệ tử đọc tụng và kiết tập lại.

Điểm dị biệt

Bên cạnh những điểm tương đồng, đạo đức Socrates và đạo đức Phật giáo đã có những điểm dị biệt riêng. Nếu Socrates dương cao khẩu hiệu “đức hạnh là tri thức” thì Phật giáo lấy “trí tuệ làm sự nghiệp”. Đạo đức Socrates đề cao tri thức, bởi người có tri thức là người có hiểu biết, biết mình biết người sẽ biết hết toàn thế giới vũ trụ. Tuy nhiên tri thức của Socrates chỉ dừng lại cái biết của thế gian-knowledge, biết lẽ sống biết rõ sự đời mà thực chất là chưa biết rõ nhân quả, nghiệp báo như đạo Phật. Tri thức của Socrates có được là do một quá trình truy vấn để tìm ra câu trả lời bằng phương pháp hộ sinh. Đối với phương pháp Hộ sinh mà Socrates áp dụng là đưa ra những khái niệm để truy vấn và tìm ra ý nghĩa cuối cùng của khái niện đó. Tuy nhiên, trí tuệ của đạo Phật-wisdom là trí tuệ thuần túy đạt được nhờ sự đến và trải nghiệm, theo kinh Trường bộ: “Chính pháp đã được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, pháp ấy có kết quả ngay trong hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, hướng dẫn đến đích, được những người có trí tự mình giác hiểu” [21]. Cho nên việc đến học Phật cốt để trau dồi đạo đức dựa trên một quá trình tu tập tự mình trải nghiệm và đem sự hiẻu biết của mình áp dụng vào đời sống hằng ngày nhằm đem đến hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Với những điểm tương đồng và dị biệt với đạo đức Phật giáo như trên đã cho chúng ta thấy được Socartes tuy là một triết gia phương Tây nhưng có tư duy đổi mới về khái niệm đạo đức thể hiện lối sống giản dị và đối nhân xử thế hợp tình hợp lí, điều này thể hiện qua lời ông tự bạch: “Hỡi loài người, kẻ khôn ngoan nhất là kẻ giống như Socrates, biết rằng sự khôn ngoan của mình thực sự chẳng giá trị gì. Và vì thế tôi đi khắp thế giới, vâng lời thần và tìm kiếm và truy tìm sự khôn ngoan của bất cứ ai, dù đồng bào hay người nước ngoài, mà có vẻ khôn ngoan, và nếu người ấy không khôn ngoan, thì tôi dùng lời sấm để nói rằng người ấy không khôn ngoan; và tôi lại thu hút vào công việc của mình, nên không có thời gian quan tâm đến các vấn đề riêng tư của mình, tôi hoàn toàn nghèo khó vì phụng sự thượng đế” [22]. Như vậy, những gì ông làm đều làm cho cuộc đời với tinh thần vô phân biệt và không mong cầu bất cứ gì cho tự thân. Nhân đây, chúng ta có thể thấy được Socarates đang từng bước chạm đến giáo lý của Phật giáo.

Kết luận

Socrate là một trong số những khuôn mặt nổi bậc nhất và bí ẩn nhất trong lịch sử triết học phương Tây vì ông là người tiên phong vạch ra hướng đi cho nền Triết học đạo đức văn minh phương Tây. Đạo đức Socrates là nền đạo đức đặt nền tảng ở con người và hướng đến mục đích hướng con người tư duy và trăn trở về chính bản thân mình trong cuộc sống đời thường. Lý thuyết đạo đức của Socrates được thể hiện rõ nhất qua cuộc đời của ông. Một cuộc đời của kẻ lữ khách lang thang khắp thành Athen để dạy cho các thanh niên mà không mong cầu địa vị hay danh lợi. Nếu nhìn đạo đức của Socrates qua lăng kính Phật giáo sẽ thấy được tư tưởng của ông đã từng bước đi đến và dường như chạm đến giáo lý Phật giáo thể hiện rõ qua nhưng câu nói thời danh của ông như: “Hãy tự biết lấy mình”, “Sống tự xét mình và xét người, bởi vì sống không suy xét không đáng gọi là sống”, “đạo đức là tri thức”… Nếu xét về phương diện lịch sử, phải chăng với lối sống đạo đức của ông chính là nguyên nhân lịch sử Hy Lạp dẫu trải qua gần ba thiên niên kỷ kể từ ngày Socrates qua đời tuy có nhiều triết gia sau Socrates đã đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng không một ai có thể sánh tầm ông. Thiết nghĩ, sự xuất hiện của Socrates chính là viên gạch nối để hai nền triết học Đông – Tây giao thoa, đồng thời là điểm hội tụ của những nét tương đồng.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành
Chùa Kim Phú, xóm 5, thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Tp.Quảng Ngãi
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Plato, Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.61.
[2]. Sđd, tr.63.
[3]. Sđd, tr.63.
[4]. Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.63.
[5]. Trò chuyện triết học, tr.23.
[6]. Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Anh Tuấn, Đại cương lịch sử triết học phương Tây, NXB Tổng Hợp Tp. Hcm, trang 80-81.
[7]. PlaTo, Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.83.
[8]. Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học, Công ty sách Thời Đại và Nxb Tri Thức, 2017, tr.25.
[9]. PlaTo, Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.76.
[10]. Samuel Enoch Stumpf, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb Lao Động Hà Nội, 2004, tr.37-38.
[11]. Sđd, tr.38.
[12]. PlaTo, Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.73.
[13]. Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Phương Tây, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.94-96.
[14]. Sđd, tr.76.
[15]. PlaTo, Nguyễn Văn Khoa dịch, Đối thoại Socrates 1, Nxb Tri thức, 2017, tr.76
[16]. HT.Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 1, VNCPH, 2017, tr.178.
[17]. HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Tiểu Kinh Thiện Sanh Ưu-Đà-Di, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2012, tr.65.
[18]. HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4, Thiên Sáu Xứ, VNCPHVN, 1991, tr.588.
[19]. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2, Kinh Tùy Phiền Não, Nxb Tôn giáo Hà Nội, 2012, tr.486.
[20]. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng, chương Tương ưng uẩn, VNCPHVN, 1993, tr.83.
[21]. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, Kinh Xà-Ni-Sa, VNCPHVN, 1991, tr. 78.
[22]. Forrest E.Bard, Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Drrida, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, tr.26.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường